Tin Biển Đông – 25/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 25/07/2017

Việt Nam rút dự án khoan dầu Repsol:

‘hành động bất lực, hèn nhát’

Các nhà bình luận và phân tích nhận định rằng nếu thực sự Việt Nam đã yêu cầu công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận lời đe dọa từ Bắc Kinh, thì điều này vô cùng bất lợi đối với Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã ‘lùi bước’ và tỏ thái độ ‘hèn nhát’ trong vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Từ Melbourne, Australia, bà Ann Đỗ, một người theo dõi sát vấn đề Biển Đông từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nói với VOA-Việt ngữ:

“Nếu Việt Nam lùi hay rút lui dự án này do sợ sự đe dọa vũ lực của Trung Quốc thì có nghĩa là Việt Nam đã thua hoàn toàn về mặt xác lập chủ quyền của mình.”

Talisman-Vietnam là công ty con thuộc tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet.

Hôm 24/7 BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra lệnh’ cho công ty rời khỏi lô Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam, phía Trung Quốc gọi lô này Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Đây là khu vực nằm trong đường “chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra và tuyên bố chủ quyền.

Theo nguồn tin của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục tại địa điểm này.

Bà Ann cho biết dự án khai thác tại lô 136-03 đã trì hoãn trong ba năm qua và vừa rồi được Repsol tái khởi động, thuê tàu khoan nước ngoài và triển khai dự án vào tháng trước.

“Dự trù Repsol đã bỏ ra 300 triệu đôla cho mỏ này. Nếu khai thác không thành công thì buộc phía Việt Nam đền bù hợp đồng và uy tín hợp tác sẽ suy giảm. Phía Việt Nam cũng muốn đẩy tốc độ khai thác dầu khí để tăng nguồn thu ngân sách. Thu thì chưa thấy, bây giờ thấy thiệt hại trước mắt – vì khả năng đền hợp đồng rất là cao.”

Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận tin của BBC.

Hôm 25/7 giáo sư Carl Thayer nói với VOA rằng vào ngày 15/7 ông được một nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội cho biết Việt Nam đã chỉ đạo một công ty con của Repsol ngừng khoan dầu tại lô 136-03 trên Biển Đông.

Hôm 23/7, nhà báo độc lập Trương Huy San ở thành phố Hồ Chí Minh đã dự báo “có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép đến từ Trung Quốc,” và ông nhận định rằng “nhưng lần này thì có vẻ như Hà Nội đang đơn độc.” Tuy nhiên, ông không cho biết nguồn đưa tin dự báo này.

Nhà báo độc lập có bút danh Huy Đức viết: “việc Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò ở lô 136-03 không chỉ như một dự án khai thác dầu-khí đơn thuần mà còn để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng nên chờ một thời gian nữa để đánh giá xác thực thông tin do tác giả BBC Bill Hayton đưa. Tuy nhiên, ông nói nếu đúng như thế thì việc này cho thấy sự hèn nhát của Việt Nam:

“Nếu đúng như thế thì đây là một hành động hèn nhát. Nhưng vì thiếu thông tin, nên chúng ta không nên đánh giá một cách vội vã như vậy. Cũng có những tin nói rằng việc thăm dò đã kết thúc, đã thu thập được đầy đủ dữ liệu, xong việc rồi thì rút. Nếu đúng như vậy thì chúng ta lại đánh giá khác đi.”

Trao đổi với VOA, Facebooker Quốc Võ nói: “không phải do việc Việt Nam cho dự án của Repsol rút lui, mà là bị áp lực từ phía nào đó, có thể từ phía Tây Ban Nha và Repsol, dù rằng trên danh nghĩa là Việt Nam bỏ theo như báo chí loan.”

Ông cho biết thêm rằng Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, vào tháng trước đã đột ngột cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội sau khi thăm Madrid, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Repsol Exploitation. Tướng Long là người đã nói với phía Việt Nam rằng “các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”

Ông Quốc Võ nói: “Ai là người chủ động đã gây ra vụ này, trong khi báo chí nước ngoài loan tin này trước, chứ không phải báo chí lề phải trong nước?”

Nhà quan sát Ann Đỗ, người thường xuyên trao đổi thông tin với nhà báo Bill Hayton của hãng tin BBC, nhận định rằng việc Việt Nam rút dự án này cho thấy sự bất lực của chính quyền do Đảng lãnh đạo trước sự hung hăng bá quyền của Trung Quốc:

“Dân chúng sẽ thấy Đảng và Chính phủ không còn khả năng bảo vệ quốc gia và lãnh thổ được nữa. Chính họ cũng cảm thấy bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói các nhà bình luận cũng nên thận trọng trong việc đánh giá hành động của Việt Nam khi thông tin chưa thật sự rõ ràng, đặc biệt trong tình cảnh khó lường ở Biển Đông:

“Trong tình hình thông tin chưa thật rõ ràng và đầy nhạy cảm, khó lường giữa các cường quốc trên Biển Đông, nhất là với sự hung hăng của Trung Quốc và khả năng có thể xảy ra các cuộc đụng độ, thì chúng ta nên thận trọng trong việc đánh giá.”

Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook: “Việc khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa cho đến nay được Việt Nam thực hiện khéo léo qua ký kết và thực hiện các hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty khai thác dầu phương Tây.”

Nay trước áp lực và đe dọa tấn công từ Bắc Kinh, nhà nước Việt Nam đành yêu cầu tập đoàn Repsol dừng khai thác mỏ dầu nhiều tiềm năng mà có người cho là nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, khả năng bảo vệ chủ quyền trong chính sách Biển Đông hiện tại có vẻ như khó có thể thực hiện, theo kết luận của luật sư Lê Công Định.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-rut-du-an-khoan-dau-repsol-hanh-dong-bat-luc-hen-nhat/3958249.html

 

Trung Quốc yêu cầu ngưng khoan dầu ở Biển Đông

Trung Quốc hôm 25 tháng 7 lên tiếng khẳng định cho rằng chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực quần đảo Trường Sa cùng vùng nước quanh đó là không tranh cãi và thúc giục bên thứ ba ngừng các hoạt động vi phạm đơn phương tại khu vực đó.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho báo chí biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 25 tháng 7.

Ông Lục Khảng đưa ra lời phát biểu này để trả lời câu hỏi có phải Trung Quốc đã gây sức ép lên phía Việt Nam hay công ty Tây Ban Nha là Repsol khiến công ty này ngưng việc khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam gần đây.

Công ty Repsol đã tiến hành khoan thăm dò ở lô 136/3 ngoài khơi Việt Nam từ hồi giữa tháng 6. Tuy nhiên lô này cũng nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra và đòi chủ quyền.

Hôm 24 tháng 7, BBC dẫn nguồn tin từ trong ngành dầu khí Việt Nam cho biết Việt Nam đã phải ngưng khoan thăm dò trước sức ép của Trung Quốc. Tuy nhiên phía Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về tin này.

Không có sự can thiệp từ bên ngoài

Trong khi đó, phát biểu tại Manila, Philippines, nhân chuyến thăm đến nước này trước thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước ASEAN nên đoàn kết và nói không với các thế lực bên ngoài, ý ông muốn ám chỉ Hoa Kỳ.

Ông Vương Nghị cũng ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Philippines, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay đồng thời cũng là đồng minh lâu năm của Mỹ trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói quan hệ đang ấm lên giữa Manila và Bắc Kinh đã giúp làm ổn định tình hình biển Đông. Ông nói với báo giới là nếu vẫn còn một số các lực lượng nước ngoài trong khu vực vốn không muốn thấy sự ổn định ở biển Đông thì họ vẫn muốn quấy đảo biển Đông và vì vậy các nước trong khu vực cần phải đứng bên nhau và nói không với họ.

Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông nơi các nước khác gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền.

Hoa Kỳ dù không phải là một nước tham gia tranh chấp chủ quyền và cũng không tuyên bố đứng về bên nào nhưng đã luôn chỉ trích Trung Quốc về các hành động quân sự hóa tại khu vực này. Hoa Kỳ cũng đã gửi các tàu chiến đến khu vực, đi qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lấp để thách thức những đòi hỏi quá mức của Trung Quốc ở biển Đông.

Khai thác chung với Philippines?

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng nói ông ủng hộ ý tưởng khai thác năng lượng chung với Philippines ở vùng biển tranh chấp, đồng thời cảnh báo hành động đơn phương có thể tạo ra vấn đề ở khu vực này.

Nói tại cuộc họp báo ở Manila, ông Vương Nghị cho biết nêu một bên tiến hành các hoạt động đơn phương tại vùng nước chồng lấn thì bên kia cũng sẽ có hành động tương tự và điều này có thể làm phức tạp thêm tình hình, và dẫn đến căng thẳng mà kết quả cuối cùng là không ai có thể khai thác được gì.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ hai 24 tháng 7 cho biết một đối tác của Philippines đã tìm thấy những mỏ dầu và việc tìm khai thác có thể bắt đầu vào cuối năm nay. Tổng thống Philippines không cho biết đối tác đó là ai. Bộ Năng lượng của Philippines hôm 12 tháng 7 cho biết là việc khoan thăm dò ở Bãi Cỏ Rong vốn đã bị tạm ngưng từ năm 2014 có thể được tiếp tục trở lại vào cuối năm nay. Bộ này cũng cho biết chính phủ Philippines đang chuẩn bị để đưa đấu thầu việc khai thác các mỏ này với các nhà đầu tư vào tháng 12 năm nay.

Philippines tạm ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí hồi năm 2014 để chờ kết quả của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) liên quan đến vụ kiện của nước này với Trung quốc về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn. Tháng 7 năm ngoái, tòa PCA ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-urges-halt-to-oil-drilling-in-disputed-scs-07252017091731.html

 

Úc tiếp tục phản đối kế hoạch

xây đảo nhân tạo của Trung Quốc

Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop, trong chuyến thăm Ấn Độ cho biết chính phủ Canberra tiếp tục phản đối hoạt động bồi lắp đảo nhân tạo cũng như tiến hành quân sự hóa các cấu trúc được xây lên mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực tranh chấp Biển Đông.

Bản tin của hãng AP loan đi ngày 24 tháng 7 cho biết như vừa nêu dẫn lời bà ngoại trưởng Julie Bishop rằng mục tiêu của Australia là phải khuyến khích Trung Quốc thực thi sức mạnh kinh tế và chiến lược của Bắc Kinh theo cách thức tôn trọng bình đẳng chủ quyền của các quốc gia; tuân thủ và củng cố trật tự toàn cầu trên căn bản luật pháp có lợi cho tất cả các quốc gia và người dân khắp nơi trên thế giới.

Bà ngoại trưởng Australia cũng thúc giục sáu quốc gia và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao của chính phủ Canberra thì đó chính là cách thức mà các nước trong khu vực cần tuân theo để giải quyết tranh chấp, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông.

Australia là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ và ủng hộ Washington trong chiến dịch tự do hàng hải FONOPS cũng như những biện pháp khác nhằm thách thức nổ lực của Bắc Kinh trong âm mưu thống trị tuyến đường biển quan trọng Biển Đông với giá trị hàng hóa hằng năm được vận chuyển qua lại lên đến chừng 5 ngàn triệu đô la Mỹ.

Phía Trung Quốc thì tố cáo các đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á, cho rằng liên kết như thế là tàn dư của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Vào năm 2013, Bộ trưởng Vương Nghị của Trung Quốc từng chỉ trích mạnh mẽ bà Julie Bishop khi bà này bày tỏ ủng hộ của Canberra đối với Washington phê phán nổ lực của Bắc Kinh trong việc muốn kiểm soát không phận Biển Hoa Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/australia-opposes-chinas-island-making-project-07242017150906.html

 

Trung Quốc đe dọa vũ lực,

diễn biến nghiêm trọng trên biển Đông

Kính Hòa RFA

Ngày 24 tháng 7, 2017, nhà báo Bill Hayton của hãng tin BBC cho biết theo các nguồn tin từ ngành dầu khí quốc tế và giới ngoại giao Việt Nam, Hà Nội đã dừng chuyện thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của mình do bị Bắc Kinh đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông.

Các nhà quan sát trong và ngoài nước nhận định gì về diễn biến mới nhất này trên biển Đông?

Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng về kinh tế

Khi được tin này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho biết:

“Tôi khá là ngạc nhiên, vì Việt Nam khá là quyết tâm trong việc thăm dò trên thềm lục địa của mình, bây giờ Trung Quốc đe dọa, và chưa xảy ra đối đầu đã quyết định dừng hoạt động khai thác. Việt Nam đã nhún nhường tương đối nhiều trong trường hợp này. Tôi nghĩ là điều này tạo một tiền lệ đáng lo ngại trong thời gian tới. Nếu Trung Quốc tiếp tục dùng biện pháp đe dọa như vậy, và Việt Nam tiếp tục nhượng bộ, thì nó đe dọa rất lớn lợi ích kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.”

Một nhà quan sát nước ngoài là ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, làm việc tại Học viện quốc phòng Hoàng gia Úc, cũng cho rằng sự rút lui của Việt Nam ảnh hưởng xấu đến lơi ích kinh tế của mình, ông viết trên trang blog của ông:

Việc Việt Nam cho ngừng khoan tham dò ở lô 136-03 có hậu quả lâu dài. Các công ty dầu khí nước ngoài sẽ xem xét mối nguy này là nghiêm trọng và sẽ đòi hỏi Việt Nam phải bảo vệ hoặc không thì họ sẽ bỏ đi. Nếu Việt Nam ngừng vĩnh viễn việc khoan thăm dò thì điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đối với các hợp đồng dầu khí hiện tại với các công ty nước ngoài và điều quan trọng hơn cả là với an ninh năng lượng tương lai của Việt Nam.

Khu vực Việt Nam đang tiến hành thăm dò dầu khí nằm trên vùng biển Đông Nam của Việt Nam, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đất liền. Việt Nam gọi là bãi Tư Chính. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc vùng này lại thuộc chủ quyền của họ với đường đứt khúc chín đoạn mà họ tự tuyên bố, chiếm 90% diện tích biển Đông, và Bắc Kinh gọi là Vạn An Bắc.

Vào giữa tháng Sáu, các cơ quan truyền thông quốc tế loan báo là Trung Quốc đã điều nhiều tàu xuống vùng biển này để gây sức ép, nhưng phía Việt Nam được cho rằng đã từ chối rút khỏi vùng biển này, và cuộc tranh cãi đã làm một nhân vật quân sự cấp cao của Trung Quốc là tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội lúc đó.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một những người nghiên cứu biển Đông hiện sống ở Sài Gòn nói rằng nếu Việt Nam rút giàn khoan thăm dò của mình ra khỏi khu vực này, thì đó là một bước lùi:

Việc Việt Nam cho ngừng khoan tham dò ở lô 136-03 có hậu quả lâu dài. Các công ty dầu khí nước ngoài sẽ xem xét mối nguy này là nghiêm trọng và sẽ đòi hỏi Việt Nam phải bảo vệ hoặc không thì họ sẽ bỏ đi.

-Chuyên gia Carl Thayer.

“Chắc có lẽ trong bối cảnh hiện tại, với sự đe dọa của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam thấy cần phải cân nhắc, và có lẽ đó là một bước lùi. Nhưng để xem thế nào, nếu nó là bước lùi chiến thuật thì không sao, nhưng nếu lùi hẳn thì là chuyện khác, nó cho thấy sự thắng thế của Trung Quốc, ngày càng mạnh ở biển Đông, bất chấp tất cả, kể cả luật pháp quốc tế.”

Trao đổi với chúng tôi sau khi diễn biến mới này được loan tin, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới của chính phủ Việt Nam, cũng nhắc lại quan điểm pháp lý khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời ông cũng cho rằng vùng biển Đông đang có những tranh chấp về quyền lợi kinh tế, và địa chính trị rất nguy hiểm. Ông nói rằng nếu Việt Nam thực sự rút lui, thì có thể có lý do như sau:

Về lý do chính trị, trong bối cảnh hiện nay, như mọi người biết rồi, Trung Quốc là một nước luôn tìm mọi cách để độc chiếm biển Đông. Câu chuyện hiện nay ai cũng biết họ tìm mọi cách, thủ thuật thủ đoạn, quân sự, ngoại giao, thậm chí kinh tế để gây sức ép. Trước tình hình đó, có nguy cơ xảy ra xung đột, xảy ra chiến tranh. Trước tình hình đó, các chính trị gia bảo vệ lợi ích quốc gia, sự tồn vong của quốc gia của họ cũng cần phải có những xử lý thật mềm mỏng, khôn khéo, đừng tạo ra mồi lửa của cuộc chiến tranh.

Trung Quốc vẫn quyết tâm duy trì đường lưỡi bò, và đe dọa  vũ lực

Căng thẳng mới giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra chỉ sau khi Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông ra đời hơn 1 năm. Phán quyết này phủ nhận tính pháp lý của đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra trên biển Đông. Mặt khác Phán quyết này không công nhận thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các hòn đảo đá không thể duy trì sự sống dài lâu cho con người, vì vậy tất cả các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, dù ai làm chủ, cũng không có vùng đặc quyền kinh tế xung quanh nó.

Nếu theo phán quyết đó thì khu vực bãi Tư Chính là vùng đặc quyền kinh tế chỉ của Việt Nam mà thôi, vì nó được tính từ đất liền của Việt Nam.

Nếu chuyện Việt Nam bị áp lực buộc phải rút giàn khoan ra khỏi bãi Tư Chính thực sự xảy ra, thì Việt Nam nên nêu nó ra, ở các diễn đàn an ninh khu vực, thậm chí sử dụng các biện pháp pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên biển Đông.

-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Tin nói về quyết tâm của Việt Nam trong tháng Sáu vừa qua về chuyện thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính, cũng như thái độ khá im lặng của Trung Quốc những tháng sau khi Phán quyết được công bố hồi tháng Bảy năm 2016, có nhiều ý kiến được đưa ra là Trung Quốc cũng có phần nào tôn trọng Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế dù ngoài mặt phản đối.

Diễn biến mới được Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định:

“Một lần nữa khẳng định rằng họ tìm cách bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài. Tôi nghĩ một hành động khác nghiêm trọng hơn là họ đe dọa sử dụng vũ lực, theo như bản tin của BBC, họ đe dọa tấn công các đảo của Việt Nam ở Trường Sa.”

Điều đáng ngạc nhiên là nếu đó là một hành động nghiêm trọng thì tại sao cả phía Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không chính thức đưa tin?

Giải thích điều đó Thạc sĩ Hoàng Việt nói với chúng tôi:

Có thể tuy Việt Nam không đưa ra thông báo chính thức vì vẫn e dè Trung Quốc, tức là cái cách Trung Quốc họ muốn không làm rùm beng vấn đề này. Nhưng tin tức lộ ra cho thấy chính quyền Việt Nam vẫn đưa ra thông tin mặc dù chưa chính thức.”

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhắc lại sự kiện giàn khoan của Trung Quốc mang số hiệu 981 được đưa vào thềm lục địa Việt Nam hồi tháng Năm năm 2014, làm dấy lên một phản ứng rất dữ dội từ phía người dân Việt Nam, đập phá các nhà máy của Trung Quốc, Đài Loan làm chủ, gây tổn hại rất lớn về kinh tế. Cho nên theo Tiến sĩ Hiệp, Việt Nam muốn kiểm soát thông tin để giữ ổn định, nhưng đây là một điều lợi bất cập hại:

Điều này cũng có thể có lợi là giúp giữ ổn định trong nước, tuy nhiên nó cũng gây ra một hậu quả tiêu cực là nó không minh bạch về mặt thông tin, gây ra những đồn đoán, hoài nghi trong công luận. Nó có thể làm suy yếu cái tính chính danh của chính phủ trong nhận thức của người dân, liên quan đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia, liên quan đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.”

Chuyện căng thẳng diễn ra hồi tháng Sáu, trong đó tướng Phạm Trường Long của Trung Quốc bỏ về giữa chừng không được hai nước đưa tin, lúc đó Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp có nói với đài RFA rằng có thể hai bên đang tìm cách giải quyết xung đột một cách kín đáo, khi chúng tôi nhắc lại chuyện này, Tiến sĩ Hiệp cho rằng trong diễn biến mới, nếu chuyện Việt Nam bị áp lực buộc phải rút giàn khoan ra khỏi bãi Tư Chính thực sự xảy ra, thì Việt Nam nên nêu nó ra, ở các diễn đàn an ninh khu vực, thậm chí sử dụng các biện pháp pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-oil-rig-withdrawal-07242017131010.html

 

Trung Quốc kêu gọi ASEAN

nói “không” với can thiệp từ bên ngoài

Trọng Nghĩa

Trong một ám chỉ rõ ràng là nhắm vào Mỹ, ngoại trưởng Trung Quốc vào hôm nay, 25/07/2017 đã kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết với nhau và nói «Không » với các thế lực bên ngoài đang tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Ông Vương Nghị đã phát biểu như trên nhân chuyến ghé thăm Manila, vài hôm trước khi Hội Nghị Ngoại Trưởng thường niên Hiệp Hội Đông Nam Á khai mạc dưới quyền chủ tọa của Philippines.

Phát biểu với một nhóm phóng viên, ngoại trưởng Trung Quốc đã ca ngợi « động lực mạnh mẽ » của đà cải thiện quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh dưới thời tổng thống Duterte đã xa rời đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ để chạy theo Trung Quốc.

Theo ông Vương Nghị, bang giao Trung Quốc-Philippines được cải thiện đã góp phần bảo đảm ổn định cho vùng Biển Đông. Trên cơ sở đó ông khuyến cáo ASEAN như sau :

« Nếu vẫn còn một số thế lực bên ngoài và bên trong khu vực không muốn thấy Biển Đông ổn định và vẫn muốn khuấy động Biển Đông, chúng ta cần phải cùng nhau đứng lên và nói không với các thế lực đó ».

Ngoại trưởng Trung Quốc không nói đích danh thế lực nào, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, đó rõ ràng là một lời đả kích nhắm vào Mỹ.

Bắc Kinh yêu sách chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông, kể cả tại các vùng biển sát bờ biển của các láng giềng. Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng sức áp đặt yêu sách chủ quyền, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của 4 thành viên ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Thái độ quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động bị coi là « quân sự hóa » Biển Đông đã bị Hoa Kỳ thường xuyên chỉ trích, và Mỹ đã nhiều lần cho tàu chiến áp lại gần các hòn đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, khiến Bắc Kinh bực tức.

Mỹ, cùng các đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ cũng trợ giúp các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines  tăng cường năng lực giám sát biển. Điều cũng không hợp ý Bắc Kinh.

Theo giới quan sát, chuyến thăm Manila hôm nay và chuyến ghé Thái Lan vào hôm qua, hai đồng minh mới của Bắc Kinh trong ASEAN, có thể là nhằm lôi kéo thêm hai nước này, một tuần trước khi mở ra một loạt hội nghị khu vực trong khuôn khổ hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN tại Manila, có sự tham gia của cả Mỹ, Nhật và Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170725-trung-quoc-keu-goi-asean-bac-bo-cac-hanh-dong-can-thiep-tu-ben-ngoai