Tin Việt Nam – 25/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/07/2017

Tòa kết án nhà hoạt động Thúy Nga

9 năm tù, 5 năm quản chế

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam vừa kết án nhà hoạt động Thúy Nga 9 năm tù và năm năm quản chế tại phiên xử hôm 25/7.

Bà Trần Thị Nga, tức Thúy Nga, bị Công an tỉnh Hà Nam bắt tạm giam hồi tháng 1/2017 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự.

Bà Nga là một trong các nhà hoạt động thường xuyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành vì môi trường, phản đối công ty Formosa trong thảm họa môi trường miền Trung, trợ giúp dân oan khiếu kiện.

Hôm 25/7, một số nhà hoạt động cáo buộc rằng tuy “phiên tòa công khai” nhưng họ không được vào dự khán.

Nhà hoạt động Thúy Nga ‘sắp bị truy tố Điều 88’

Thủ tướng Phúc thăm Formosa Hà Tĩnh

Ngư dân đi kiện Formosa ‘bị chặn’

Trước đó khi tòa tạm nghỉ buổi trưa, Luật sư Hà Huy Sơn, công ty luật Hà Sơn, một trong ba người bào chữa cho bà Thúy Nga, nói với BBC qua điện thoại: “Viện Kiểm sát đề nghị mức án 9, 10 năm tù giam đối với bà Thúy Nga.”

“Chiều nay, trong phần tranh tụng, tôi sẽ giữ quan điểm là không có căn cứ buộc tội bà.”

“Tuy nhiên bản án cuối cùng tòa tuyên thế nào thì đó là trách nhiệm của Hội đồng Xét xử.”

Luật sư cũng nói thêm: “Theo quan sát của tôi, phiên tòa hôm nay cũng không khác gì mấy các phiên xử các nhà hoạt động khác.”

“Các nhà hoạt động không được vào dự, còn bên trong khán phòng thì chỉ toàn công an và những người dự khán được bố trí là tổ dân phố, cán bộ hội phụ nữ…”

“Qua một số phiên tòa gần đây, tôi nhận có xu hướng là mức án cho các nhà hoạt động bị truy tố đang ngày càng nặng hơn so với trước đây.”

‘Hù dọa’

Cùng ngày, ông Lương Dân Lý, chồng của bà Trần Thị Nga, nói với BBC: “Tôi ở ngoài tòa án nghe ngóng tin do họ không cho tôi dẫn hai đứa con 5 và 7 tuổi cùng vào dự.”

“Tôi mong vợ tôi sẽ có án nhẹ hơn mức bị đề nghị.”

“Và dù mức án tuyên thế nào thì tôi tin rằng Thúy Nga vẫn không thay đổi lập trường.”

“Nếu mức án tuyên với Nga càng nặng thì càng chứng tỏ chính quyền muốn hù dọa các nhà hoạt động khác chứ không phải căn cứ theo luật pháp.”

Thông cáo hôm 25/7 do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi kêu gọi Việt Nam “cần lập tức phóng thích nhà hoạt động vì nhân quyền Trần Thị Nga và hủy bỏ mọi cáo buộc về bà.”

“Chính phủ Việt Nam thường áp dụng biện pháp cực đoan hòng dập tắt tiếng nói phê bình, nhằm vào các nhà hoạt động như Trần Thị Nga với cáo buộc ngụy tạo có mức án tù nhiều năm, sách nhiễu và ngược đãi gia đình họ,” thông cáo dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của HRW.

“Các nhà tài trợ nước ngoài cần sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép đòi thả Trần Thị Nga ngay lập tức, và tuyên bố rõ ràng rằng các mối quan hệ gần gũi hơn sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam chấp nhận tiếng nói chỉ trích, thay vì tống các nhà phê bình vào tù.”

‘Nỗi buồn sông Gianh’ và Formosa

Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù

Tháng 6/2017, trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Hà Nam, sức khỏe của Trần Thị Nga được cho là bị suy sụp nhưng cơ quan chức năng khước từ đề nghị đưa bà đi điều trị tại bệnh viện.

Tháng trước, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị tuyên 10 năm tù theo Điều 88.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan an ninh điều tra Công an Nghệ An bắt khẩn cấp ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, lao động tự do, về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự, theo Thông tấn xã Việt Nam hôm 25/7.

“Kết quả điều tra ban đầu xác định đối tượng Lê Đình Lượng thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân và gây phức tạp về an ninh, trật tự tại địa phương,” TTXVN tường thuật.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40701923

 

Các gương mặt tù nhân lương tâm là nữ ở Việt Nam

Nhân sự kiện hai nhà hoạt động, bà Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị nhà chức trách ở Việt Nam tuyên án tù vì tội chống nhà nước, các bạn xem lại chân dung một số bị cáo là phụ nữ nổi bật những năm qua trong các vụ chính trị.

Ngày 29/6, Blogger Mẹ Nấm (Mother Mushroom) lĩnh án 10 năm tù.

Sang ngày 25/7, bà Trần Thị Nga (được biết đến qua tên Thúy Nga) cũng vừa bị kết án 9 năm tù, năm năm quản chế.

Giới vận động và các tổ chức nhân quyền coi họ là những người hoạt động vì môi trường, chống Formosa và Trung Quốc, thuộc nhóm tù nhân lương tâm.

Còn nhà chức trách coi là đã phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự.

Tương tự như vậy, một số người phụ nữ khác đã từng bị xử hoặc còn bị tù ở Việt Nam. Cách nhìn nhận họ vẫn là điểm khác biệt chính giữa chính quyền Việt Nam và dư luận, chính giới các nước Phương Tây.

Tòa kết án nhà hoạt động Thúy Nga 9 năm tù, 5 năm quản chế

Nhà hoạt động Thúy Nga ‘sắp bị truy tố Điều 88’

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả ngay ‘Mẹ Nấm’

Việt Nam phản đối Mỹ vinh danh Mẹ Nấm

1. Tạ Phong Tần

Sinh năm 1968 tại Bạc Liêu, Tạ Phong Tần từng là một nữ sĩ quan công an, đảng viên Đảng Cộng sản. Bà cũng từng viết bài cho nhiều báo lề phải như Tuổi trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet, Pháp luật TP Hồ Chí Minh…

Năm 2006, bà Tạ Phong Tần bắt đầu một blog có tiêu đề “Công lý và Sự thật”, được biết đến nhờ những báo cáo về các vụ tham nhũng của công an.

Bà bị đuổi khỏi Đảng Cộng sản, mất việc, và bị bắt vào năm tháng 9 năm 2011.

Các mạng trong và ngoài nước cũng nêu tin về vụ “tự thiêu” vào tháng 7/2012 của bà Đặng Thị Kim Liên, mẹ của Tạ Phong Tân, ở Bạc Liêu để phản đối con gái bà bị bắt.

Sau một năm tạm giam, ngày 24/09 năm 2012, bà Tạ Phong Tần đã bị kết án 10 năm tù giam cùng trong một phiên tòa xét xử 2 blogger khác là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phan Thanh Hải.

Ngày 8/3/2013, nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Ngoại trưởng John Kerry cùng Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama trao giải cho 10 phụ nữ dũng cảm đặc biệt trên thế giới, trong số đó có bà Tạ Phong Tần.

Ngày 19/09/2015, bà được đình chỉ thi hành án và sang Hoa Kỳ.

Mùa xuân của mẹ ‘tù nhân lương tâm’

Vụ Formosa: ‘Căng thẳng chưa có hồi kết’

Thủ tướng Phúc thăm Formosa Hà Tĩnh

Formosa – nhìn lại một năm thảm họa môi trường biển ở Việt Nam

2. Trần Khải Thanh Thủy

Bà Thủy sinh năm 1960 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm. Sau khi thôi làm giáo viên, bà chuyển sang viết báo và sách về nhân quyền và dân chủ.

Tháng 2/2007 bà được tổ chức Nhân Quyền Human Rights Watch tặng Giải Hellmann/Hammett cho những người viết về đấu tranh chính trị.

Ngày 21/01 năm 2007, bà Thủy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội bắt khẩn cấp vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngày 5/2/2010, trong một sự việc liên quan đến chồng bà là ông Đỗ Bá Tân ở ngõ chợ Khâm Thiên, bà Thủy bị xử 3 năm rưỡi tù vì tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Sau 21 tháng tù, tức là vào khoảng giữa năm 2011, bà được thả và được đưa sang định cư ở Mỹ, sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gây sức ép đòi thả tự do cho bà.

3. Cấn Thị Thêu

Bà Cấn Thị Thêu có thể được coi là linh hồn trong cuộc đấu tranh chống cướp đất của nhân dân Dương Nội.

Sau vụ cưỡng chế đất vào tháng Tư năm 2014 tại Dương Nội, bà bị bắt và bị kết án 15 tháng tù.

Sau khi mãn án, bà Thêu tiếp tục đi đòi quyền lợi đất đai cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ.

Không chỉ hoạt động cho quyền lợi của những nông dân bị cướp đất, bà Thêu còn tham gia vào những hoạt động đấu tranh cho quyền con người, chống Trung Quốc xâm lược hay phản đối Formosa.

Bà bị bắt lại vào ngày 10 tháng 6 năm 2016 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, và sau đó bị kết án 20 tháng tù khi đã ở trong tù.

4. Nguyễn Thị Minh Thúy

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy sinh năm 1980, là một cộng sự của ông Nguyễn Hữu Vinh, người phụ trách trang mạng AnhBaSam chuyên về thời sự Việt Nam.

Được biết, ngoài trang BaSam, bà Thúy và ông Vinh còn phụ trách các trang khác như Dân Quyền và Chép Sử Việt.

Cả hai người bị Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 5/5/2014 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Ông Nguyễn Hữu Vinh (60 tuổi) bị phạt 5 năm tù, còn bà Thúy bị phạt 3 năm tù.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy đã được trả tự do khỏi nhà tù số 5 Thanh Hóa vào sáng ngày 5/5/2017.

5. Nguyễn Đặng Minh Mẫn

Là một trong những nữ tù nhân lương tâm trẻ nhất, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn năm 1985, trú tại phường 7, thành phố Trà Vinh.

Vào năm 2010, Nguyễn Đặng Minh Mẫn lúc đó 25 tuổi tham gia chụp ảnh và chia sẻ hình ảnh biểu tình và các biểu ngữ Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Vì các hoạt động, Minh Mẫn cùng mẹ ruột và anh trai đều bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 7 năm 2011 với cáo buộc lật đổ chính quyền với án 8 năm tù.

Hiện nay, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang bị giam ở trại giam số 5 tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2016, Nhóm Làm việc về xét xử và bắt giữ thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) ghi nhận và bày tỏ sự quan ngại về tình trạng thể chất và sức khỏe tâm thần của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội tuân thủ Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

6. Lê Thị Công Nhân

Lê Thị Công Nhân sinh năm 1979 tại tỉnh Tiền Giang và là nhà vận động cho quyền của người lao động, và kêu gọi thế giới hỗ trợ nghiệp đoàn độc lập Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình công nhân viên chức và tốt nghiệp Đại học Luật, bà Công Nhân từng làm việc tại Văn phòng Đoàn Luật sư Hà Nội và văn phòng Luật sư Thiên Ân.

Bà là một thành viên của Nhóm 8406, tổ chức chính trị, kêu gọi dân chủ đa nguyên tại Việt Nam và bị tạm giam và kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2007.

Cáo trạng nói bà Lê Thị Công Nhân đã “tuyên truyền chống Nhà nước”, và Nhà nước xóa tên bà khỏi danh sách Đoàn Luật sư Hà Nội.

Hiện đã mãn hạn tù, bà tiếp tục bị quản chế tại gia ở Hà Nội.

Gần đây có tin bà Thị Công Nhân tiếp tục bị Công an Hà Nội thẩm vấn với lý do vi phạm lệnh quản chế.

7. Trần Thị Thúy

Bà Trần Thị Thúy là một Phật tử Hòa Hảo đang thụ án tù 8 năm sau khi bị kết án “có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự.

Bà bị bắt giữ hồi tháng Tám năm 2010 và đang bị giam giữ tại trại An Phước, tỉnh Bình Dương.

Mang bệnh nan y trong người, bà cần được điều trị, và tình trạng của bà hiện nay được Ân xá Quốc tế (Amnesty International, London) kêu gọi cần được trợ giúp khẩn cấp.

Bình luận về Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ

Còn ‘giới hạn về tự do tôn giáo’ ở VN

Blogger Điếu Cày điều trần tại Hạ viện Mỹ

Ngoài các tù nhân lương tâm là nữ giới kể trên, còn có một số phụ nữ khác hiện bị tù, đó là Mai Thị Dung, Phạm Thanh Nghiên, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

Trong những dịp quốc tế Phụ nữ hàng năm, một số cá nhân, thân hữu và hội đoàn không được Nhà nước công nhận đến nhà thăm viếng và tặng hoa cho các gia đình nữ tù nhân lương tâm.

Quan điểm chính thống của Việt Nam coi họ là những người “vi phạm pháp luật” và phải bị xét xử.

Chẳng hạn như về vụ xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói phiên tòa hôm 29/06/2017 “diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40717106

 

Đàn ông VN vào loại thấp nhất các nước ASEAN?

Đàn ông Việt Nam đang có chiều cao trung bình 1m62, thấp vào loại nhất ASEAN, kém cả Campuchia, và thấp hơn nhiều so với dân Đông Bắc Á.

Đây là lý do chính phủ Việt Nam nêu ra mục tiêu phát triển chiều cao cho thanh niên Việt Nam từ nay tới năm 2020.

Quyết định ký hôm 17/7 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra ‘Kế hoạch chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 – 2020).

Người cao hay lùn có nhiều lợi thế hơn- – BBC Tiếng Việt

Người tài thường không ham tiền?

‘Bí kíp’ giúp bạn được mọi người yêu thích

Văn bản này nói cần tăng chiều cao của thanh niên 18 tuổi thêm 5 cm, lên mức trung bình 1m67 với nam, 1m56 với nữ.

Hiện chưa rõ việc tăng chiều cao này sẽ thực hiện thế nào trong vòng chưa đến ba năm.

Thời gian qua, chiều cao của thanh thiếu niên khu vực đô thị của Việt Nam đã tăng nhanh, và các nam thanh niên cao trên 1m70 không phải là hiếm nhưng chiều cao trung bình trên cả nước còn thấp.

Thấp nhất khu vực?

Việt Nam hiện nay nằm ở đâu trong khu vực Đông Nam Á và so với một số nước khác ngoài khu vực về chiều cao trung bình?

Theo số liệu trên trang Chiều cao trung bình thì đàn ông Việt Nam tính trung bình thấp vào loại nhất Đông Nam Á:

Việt Nam: 1,621 m

Campuchia: 1,625 m

Malaysia: 1,663 m

Thái Lan: 1,703 m

Singapore: 1,706 m

Trang này không có số liệu của Lào và Myanmar nhưng chỉ có chiều cao trung bình của nam giới Indonesia (1,580 m) là thấp hơn Việt Nam.

Lên phía Đông Bắc Á, có vẻ như chế độ ăn uống có dinh dưỡng tốt và thể thao nhiều đã tác động đến chiều cao của cư dân.

Cùng một dân tộc nhưng chiều cao của đàn ông Nam Hàn (1,735 m), cao hơn đồng hương Bắc Hàn (1,656 m), tức là cao hơn gần 10cm sau nhiều thập niên chia cắt.

Đàn ông Trung Quốc (1,670 m), cao hơn một số nước Đông Nam Á nhưng thua Nhật Bản (1,707 m)

Chiều cao trung bình của nam giới ở Mỹ, nước ngày càng đa dạng về chủng tộc, hiện là 1,760 m.

Về nữ giới, hiện chiều cao trung bình của phụ nữ Việt Nam mới đạt 1,522 m, thấp hơn Campuchia là 1,524 m.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-40717162

 

VN: ‘Quân đội không phải đội quân kinh doanh’

Tiếp tục chủ đề ‘Quân đội Việt Nam làm kinh tế’, ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng CSVN có bài mới nói rõ rằng “Quân đội không phải đội quân kinh doanh”.

Thừa nhận đây là “điểm nóng”, được dư luận cả nước rất quan tâm, ông Vũ Ngọc Hoàng, trong bài được trang Viet-Studies đăng hôm 23/07 nói chủ đề này đang thu hút “nhiều ý kiến rất khác nhau, kể cả trong các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ hưu trí và trong nhân dân”.

Ông Vũ Ngọc Hoàng viết:

“Quân đội ta là đội quân để chiến đấu và công tác, không phải đội quân kinh doanh.”

“Nhiệm vụ chính của Quân đội là chăm lo, chuyên trách công việc quốc phòng, bảo vệ Tổ Quốc, kể cả cho trước mắt và lâu dài – một trong hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của đất nước.”

Quân đội ta là đội quân để chiến đấu và công tác, không phải đội quân kinh doanh̀Ông Vũ Ngọc Hoàng

Với nhiệm vụ ấy, công việc của Quân đội đã hết sức quan trọng và nặng nề, nhất là trong điều kiện và tình hình mới, với những tiến bộ vượt bậc và thần kỳ của khoa học-kỹ thuật quân sự, với tình hình phức tạp về Biển Đông – hải đảo và biên giới. “

Tin tức nói Việt Nam hiện đang gặp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc khiến Hà Nội phải tạm ngưng các dự án liên doanh khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Quân đội VN làm được gì nếu bị tấn công?

Các góc nhìn ‘Quân đội VN trong kinh doanh’

VN: Chính phủ chỉ đạo Quân đội thôi làm kinh tế

Dù Quân đội Nhân dân Việt Nam được đầu tư nhiều với hàng tỷ USD bỏ vào tân trang hải quân, không quân, năng lực tác chiến của họ còn là một vấn đề.

Gần đây nhất, tiến sĩ Ngô Thương Tô (Shang-su Wu) từ Singapore có bài trên trang The Diplomat về “những điểm yếu của quân đội Việt Nam” (The Weak Points in Vietnam’s Military).

Ông nhận định rằng “bất chấp những đầu tư quốc phòng lớn, một số điểm thiếu đầu tư của quân đội Việt Nam dễ bị tổn thương nếu Trung Quốc tấn công”.

Hai luận điểm chính

Cũng về Trung Quốc, ông Vũ Ngọc Hoàng nhận định:

“Quân đội Trung Quốc trước đây có làm kinh tế, nay đã bỏ, đã cấm, nhằm tập trung cho việc xây dựng một quân đội mạnh để phục vụ cho các ý đồ chiến lược mới của họ.”

Và ông đề nghị:

“Cần tạo điều kiện để Quân đội tập trung cao về thời gian, tư duy và sức lực, cho công việc xây dựng lực lượng tinh nhuệ có năng lực chiến đấu cao và chiến lược bảo vệ Tổ Quốc.”

Sau khi cuộc thảo luận Quân đội làm kinh tế được nêu ra, một số tướng lĩnh cao cấp trong Quân đội VN nói “làm kinh tế là nhiệm vụ chính trị” Đảng Cộng sản giao cho họ.

Nay ông Vũ Ngọc Hoàng nói Đảng Cộng sản “Không nên giao thêm cho Quân đội nhiệm vụ làm kinh tế nhằm tạo ra lợi nhuận”.

“Đó là công việc của các ngành và các thành phần kinh tế.”

“Ấy là chưa kể việc “làm kinh tế” khi có sai lầm khuyết điểm (thực tế cho thấy đã không tránh khỏi) thì lợi bất cập hại, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Quân đội và ảnh hưởng đến đất nước, gây phân tâm trong nội bộ và suy giảm lòng tin của nhân dân.”

‘Cần phấn đấu có nhiều Viettel hơn nữa’

Việt Nam ‘đổi mới nhưng không đổi màu’?

Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm Trung Quốc

Quân đội Thái Lan: Tiền bạc và Đảo chính

“Đó là những giá trị cao đẹp mà anh bộ đội cụ Hồ đã tạo dựng được bằng nhiều công đức và máu xương, không thể hạch toán bằng tiền.”

Ngoài luận điểm được một số vị tướng quân đội nêu ra rằng “làm kinh tế làm nhiệm vụ chính trị”, luận điểm cơ bản thứ nhì của họ nói “làm kinh tế là phục vụ quốc phòng“.

Nhưng ông Vũ Ngọc Hoàng cũng bác bỏ cách nhìn này và cho rằng:

“Cần phân biệt quan điểm “Kinh tế gắn với quốc phòng” và vấn đề “Quân đội làm kinh tế”. Đó là hai việc khác nhau, không thể và không nên đồng nhất. “

“Khái niệm “làm kinh tế” thời nay là khái niệm gắn với kinh tế thị trường, chứ không phải tự cấp tự túc như ngày xưa, với mục tiêu chủ yếu là tạo ra lợi nhuận, trong điều kiện và môi trường bình đẳng, không có độc quyền doanh nghiệp. “Làm kinh tế” ngày nay là hoạt động kinh doanh.”

Ông cũng nhấn mạnh đến niềm tin của nhân dân với các lực lượng vũ trang mới là sức mạnh:

“Lòng tin của nhân dân mới là sức mạnh bền vững và nền tảng quan trọng nhất để bảo vệ Tổ Quốc. Trong lịch sử nước ta kể từ đầu công nguyên đã có vài lần ta thua quân xâm lược vì lòng dân phân tâm, ly tán, dẫn đến mất nước một thời gian dài và sau đó phải tốn nhiều máu xương mới giành lại được nền độc lập.”

Kết luận bài viết, ông nói ông “hoàn toàn ủng hộ quan điểm ‘quân đội không làm kinh tế’, và chấp nhận có ‘bước đi, mặc dù phải chủ động và tích cực’ để chuyển đổi.

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra vấn đề quân đội “thôi không làm kinh tế” trong một cuộc họp tại TPHCM tháng 6 vừa qua.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40709570

 

Indonesia bác tin bắn ngư dân Việt bị thương

Indonesia bác bỏ tin cho rằng Hải quân nước này bắn bốn ngư dân Việt Nam bị trọng thương hồi cuối tuần qua trong vụ xung đột thứ hai giữa hai phía tại khu vực Biển Đông trong vòng hai tháng qua.

Hãng tin AP vào ngày 25 tháng 7 dẫn phát biểu của người phát ngôn Hải quân Indonesia, Gig Jonias Mozes Sipasulta rằng một tàu chiến của Indonesia phải bắn cảnh báo khi làm nhiệm vụ chặn hai tàu cá của Việt Nam đi vào vùng biển Indonesia hôm chủ nhật 23 tháng 7.

Trong thông cáo đưa ra vào tối ngày 24 tháng 7, phát ngôn nhân Sipasulta cho rằng tin nói rằng các ngư dân Việt Nam bị bắn là không đúng sự thật. Ông xác nhận hai chiếc tàu đánh cá đã ngay lập tức rời khỏi vùng biển của Indonesia sau khi tàu KRI Wiratno-379 bắn cảnh báo.

Báo Bình Định của Việt Nam trích dẫn lời thuyền trưởng Nguyễn Thành Ngọc, nói rằng khi bị tàu hải quân Indoneisa tấn công, các tàu của ngư dân Việt Nam vẫn đang trong vùng lãnh hải của Việt Nam, cách Côn Đảo khoảng 100 hải lý. Theo báo này đưa tin, hai trong số bốn ngư dân bị bắn đang trọng thương đang được điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Indonesia là quần đảo lớn nhất thế giới, với hơn 13.000 đảo nhỏ, hiện đang cương quyết hơn trong việc bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Chính quyền Jakarta cho phá hủy hàng trăm tàu cá nước ngoài bị bắt trong vùng lãnh hải của Indonesia và hồi đầu tháng này cho đổi tên vùng biển phía bắc đảo Natuna bị đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc ‘liếm’ vào thành Biển Bắc Natuna.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/indonesia-navy-denies-wounding-4-vietnam-fishermen-in-clash-07252017112311.html

 

VN – Lào tuần tra chung tại khu vực biên giới

Lực lượng biên phòng Việt Nam và Lào tiến hành hoạt động tuần tra chung hôm 23 tháng 7. Hoạt động này được thực hiện nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập bang giao giữa 2 nước và 40 năm ký kết Hiệp Ước Hữu Nghị Và Hợp Tác Việt Lào.

Đây cũng là lần đầu tiên biên phòng 2 nước có những hoạt động chung như vừa nêu.

Theo nguồn từ trang mạng The Diplomat, đây là một phần của chương trình giao lưu trao đổi về biên giới mà Việt Nam và Lào đều cho là rất quan trọng đối với quan hệ hữu nghị song phương. Vẫn theo The Diplomat, biên giới luôn là thách thức trong quan hệ 2 nước vì không chỉ liên quan đến thương mại mà còn bao gồm chuyện di dân nhập cư cũng như tệ nạn vận chuyển và buôn bán ma túy qua đường biên cương giữa hai nước.

Được biết trong hoạt động hữu nghị về biên phòng có sự chủ trì của thứ trưởng quốc phòng hai nước, điển hình như cuộc hành quân hỗn hợp tại đường biên 255 mà hai bên hoàn tất hồi 2012, còn có nhiều buổi trình diễn âm nhạc hay võ thuật cũng được tổ chức với sự tham gia của giới nghệ sĩ cũng như võ sinh hai bên.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-laos-hold-joint-patrol-amid-inaugural-border-exchange-07252017110732.html

 

Người dân Đồng Tâm phản đối kết luận thanh tra đất

Thanh tra thành phố Hà Nội ngày 25/7 chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.

Đây là kết quả thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Một người dân Đồng Tâm không muốn nêu tên cho biết người dân Đồng Tâm phản đối kết luận này:

Dân Đồng Tâm không đồng ý với kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội. Dân Đồng Tâm sẽ gặp trực tiếp Thanh tra Thành phố Hà Nội để đối thoại. Hiện tại đang yêu cầu họ đối thoại.

Kết luận thanh tra nói là dựa vào nguồn gốc đất theo Quyết định ngày 14-4-1980 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định ngày 10-11-1981 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình, Quyết định ngày 20-10-2014 của UBND Thành phố.

Cũng theo bản kết luận, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng nhưng đã bộc lộ sự buông lỏng quản lý trong một thời gian dài. Cụ thể là việc tiếp tục để người dân sản xuất nông nghiệp khi hợp đồng canh tác đất hết hạn vào năm 2012.

Ngoài ra, các đơn vị quốc phòng chưa thực hiện di dời một số hộ dân sinh sống trên đất quốc phòng từ trước năm 1980, để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép.

Thanh tra Thành phố đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo các đơn vị quốc phòng rà soát, và quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, trong đó có diện tích 236,7 ha đất sân bay Miếu Môn.

Ngoài ra, Thanh tra Thành phố cũng đề nghị có biện pháp thu hồi ngay những diện tích đất quốc phòng đang cho thuê, cho mượn.

Sau khi kết luận thanh tra được công bố, cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, là một trong 4 người dân Đồng Tâm bị Công an Hà Nội bắt hôm 15/4 với  cáo buộc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” tại Đồng Tâm cho biết cụ và người dân Đồng Tâm không đồng tình với kết luận này.

Báo Dân Việt trích lời cụ Kình nói rằng cụ và nhiều người dân khác ở Đồng Tâm vẫn bảo lưu quan điểm đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha đã được cắm mốc giói rõ ràng, còn lại là đất nông nghiệp của người dân.

Cụ Kình cũng nói thêm là sau khi Hà Nội công bố dự thảo Kết luận thanh tra vào ngày 7/7 thì đến ngày 20.7 thành viên Tổ đồng thuận đã đến trực tiếp Thanh tra thành phố trao văn bản phản bác, đồng thời mong muốn xin một bản Dự thảo kết luận thanh tra nhưng Thanh tra Hà Nội cho biết “vì nguyên tắc nên không thể đáp ứng yêu cầu”.

Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm để điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà thực tế là do tranh chấp đất đai.

Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.

Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.

Ngày 7 tháng 7, dự thảo kết luận thanh tra được đưa ra, sang đến ngày 20 tháng 7, người dân Đồng Tâm có văn bản yêu cầu thanh tra lại.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-tam-case-final-inspection-conclusion-is-announced-07252017090827.html

 

Bạo lực gia tăng vì bức xúc và nghi ngờ trong xã hội

Thanh Trúc, RFA

Tự động vây bắt  rồi đánh đập những ai tình nghi bắt cóc trẻ con hay trộm chó, gây thương tích trầm trọng hoặc thậm chí đánh chết nạn nhân, là chuyện liên tiếp xảy ra trong xã hội Việt Nam thời gian qua.

Đây là những câu chuyện được báo chí trong nước đưa lên tin tức, thí dụ trường hợp một thanh niên đi ăn trộm chó ở miền Trung bị dân làng xúm vô đánh  tới chết hồi năm 2015.

Gần đây, dư luận lại xôn xao trước những tin như bắt người nhốt vào lồng vì nghi trộm chó, bắt và hành hung lầm người ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tại xã Hồng Lạc, tỉnh Hải Dương, do tình nghi bắt cóc trẻ em mà dân làng đã đập phá, đốt xe của người họ cho là có hành vi đáng ngờ.

Và mới đây nhất là vụ việc ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cũng do nghi ngờ có kẻ đi bắt cóc trẻ con mà người dân ở đây xúm nhau hành hung 2 phụ nữ đi bán tăm bông để gây quĩ từ thiện. Hậu quả là 2 phụ nữ không may này phải nhập viện vì bị đánh một cách dã man.

Bức xúc hay phẫn nộ trước những chuyện sai trái tiêu cực trong xã hội là thái độ đương nhiên, thế nhưng phải hiểu là dân thì không thể manh động và không có quyền đứng ra trừng phạt kẻ phạm tội thay cho pháp luật. Điểm đáng nói trong những câu chuyện vừa nêu là bạo lực xảy ra nhiều phần do nghi ngờ dẫn đến bắt oan và hành hung người vô tội. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm, chẳng những phương hại đến tính mạng, sự an toàn, sức khỏe cũng như tài sản của người dân mà còn gây náo loạn và mất trật tự xã hội.

Phải nói thẳng là bây giờ người dân hay làm những việc có tính tự phát trong lúc có những thông tin chưa được kiểm chứng, hơn nữa họ dễ bị khích động nên mới có những hành vi bạo lực  như vậy. – viên chức UBND tỉnh giấu tên

Một viên chức Ủy Ban Nhân Dân một tỉnh, không muốn tiết lộ danh tính, nói với đài Á Châu Tự Do như vậy qua điện thư, rằng:

Phải nói thẳng là bây giờ người dân hay làm những việc có tính tự phát trong lúc có những thông tin chưa được kiểm chứng, hơn nữa họ dễ bị khích động nên mới có những hành vi bạo lực  như vậy”.

Thứ hai, vẫn theo lời viên chức này:

Bản chất người dân ở một đất nước phát triển như Việt Nam thì thường  có những mâu thuẫn nội tại trong chính các khối dân chúng. Khi  những mâu thuẫn nội tại như thế không được giải quyết một cách thấu đáo, và khi có chuyện này chuyện kia thì họ rất dễ tự họ thổi bùng lên cơn giận dữ, họ nhắm vào những người yếu thế, những người cô thế. Họ tự cho mình làm thay pháp luật, họ nghĩ họ làm đúng và họ có phần hả hê khi nghĩ rằng đó là cái xấu cái ác mà họ được góp phần trừng trị cái ác cái xấu đấy.

Và cũng thêm một phần nữa là nhiều khi họ, tức người dân, đã không tin tưởng vào pháp luật lắm, viên chức này khẳng định, vì thế họ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, xé chuyện nhỏ ra chuyện lớn để khích động xã hội và hãm hại người vô tội.

Để dân không tự xử thì pháp luật phải nghiêm là tựa đề một trong những bài liên quan trên các báo trong nước khi nói về những vụ dân tự động đánh người mà họ nghi ngờ trộm chó hay bắt cóc trẻ.

Bà Kim Hoa, dân oan bị vu cáo và thua kiện đến phải đi học luật để tự chống án cho mình, góp ý rằng người dân tự hành xử đánh người như vậy là phạm pháp:

Thí dụ như bắt chó trộm đi, giờ có đem tới công an thưa một lát cũng thả về, rồi chỗ mà  thay vì đưa tới công an để có biện pháp nào đó  răn đe để không tái phạm nữa thì người ta nói thế nào công an cũng thả vậy mình đánh chết cho rồi. Bây giờ bên đây có những việc to bằng trời lại không giải quyết gì hết, còn việc nhỏ xé ra to, do đó dân cứ nghĩ thôi thả “tao” làm trước vì báo chính quyền cũng không làm gì.

Theo tôi thì người dân không được quyền làm chuyện đó, nhưng thứ nhất do người ta không hiểu luật pháp, thứ nhì người ta thấy đem tới thì chính quyền cũng không xử lý đúng việc đúng tội. Người ta cảm thấy coi như là thôi để người ta giải quyết nhưng không hiểu rằng chuyện người ta làm là vi phạm luật, vi phạm đến tính mạng con người.

Để giải quyết hiện trạng này thì không chỉ dân mà trước hết là chính quyền phải nêu cao tinh thần thượng tôn luật pháp, bà Kim Hoa bày tỏ tiếp:

Kỷ cương không nghiêm thì sinh loạn, hôm rồi tôi có lên facebook tôi viết một câu là “quan bất minh thì thần dân tác loạn, hạ bất nghiêm thì xã tắc đảo điên” . Có nghĩa là từ trên mà không giải quyết được thì cuối cùng dân ở dưới này người ta xài theo kiểu luật rừng đó.

Phải thượng tôn pháp luật và phải tập trung giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của dân trong việc đối phó với  những chuyện tiêu cực là ý kiến của một nhà giáo yêu cầu không nêu tên đang sinh sống ở ở Hà Nội. Theo ông, chuyện dân ngang nhiên xúm vào đánh người tình nghi  trộm cắp hay bắt cóc trẻ là hiện tượng đáng lo ngại trong một xã hội  vốn dĩ hòa vi quí như Việt Nam:

Nó phản ánh sự mất lòng tin của người dân đối với nhau và đối với xã hội, phản ánh sự mất lòng tin của dân với pháp luật, phản ánh sự lên ngôi của bạo lực trong những con người bình thường nhất.

Đứng về góc độ vĩ mô của nhà nước quả thực trong một sớm một chiều không thể giải quyết được ngay. Biện pháp căn bản nhất, lâu dài nhất, đấy là sự giáo dục từ những đứa trẻ con đến những công dân của một đất nước về tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thứ hai, đấy là sự kiện toàn của chính bộ máy nhà nước với bộ phận pháp luật gồm công an cảnh sát, là những người mà đáng ra dân có thể gởi gắm lòng tin cậy của họ nhưng nay đã bị thoái hóa và biến chất.

Hơn thế nữa, vị giáo viên này kết luận, phản ứng và ngăn chận hữu hiệp kịp thời cái ác cái xấu của công an nhân dân hay cảnh sát nhân dân là một điều  kiện tiên quyết để  những chuyện dân đánh chết người, dù là người có tội, không còn tái diễn và trở thành một tiền lệ vô thiên vô pháp trong xã hội Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/stop-people-from-acting-on-behalf-of-law-enforcement-07252017100354.html