Năm con rồng nói chuyện về rồng.

Cac Bai Khac

No sub-categories

Năm con rồng nói chuyện về rồng.

Trung Hòa

Chúng ta đã bước vào năm 2024, và chỉ khoảng 1 tháng nữa là bước vào năm Giáp Thìn (tức 10/2/2024 dương lịch). Năm con rồng có những gì đặc biệt, và người tuổi rồng thường có đặc tính như thế nào?

-Rồng trong truyền thuyết và các sách cổ
-Rồng trong sử sách thời cận đại
-Những danh nhân tuổi rồng trong lịch sử Việt Nam

Thời gian trôi qua nhanh quá, trong chớp mắt, chúng ta đã từ biệt chú Mèo đáng yêu để đón chú Rồng cát tường, chúc các bạn năm mới rồng bay phượng múa, gặp nhiều may mắn.

Rồng có một vị trí độc nhất trong văn hóa truyền thống các nước Á Đông. Nó không chỉ đứng đầu trong Tứ linh – bốn con thần thú, mà còn được coi là biểu tượng của sự tốt lành. Người Việt cho rằng mình là “con rồng cháu Tiên”, người Hoa cho rằng họ là “con cháu của rồng”.

Rồng được coi là biểu tượng của quyền lực của quân vương trong các triều đại. Ví dụ, hoàng đế tự gọi mình là chân long Thiên tử, mặc long bào, ngồi ghế rồng, đi thuyền rồng. Đó là những thứ chỉ dành riêng cho hoàng đế.

Vậy tại sao rồng lại được tôn kính đến vậy, và nguồn gốc của nó là gì? Để giải đáp bí ẩn này, trước tiên chúng ta hãy xem mô tả về loài rồng trong các sách cổ.

Rồng trong truyền thuyết và các sách cổ
Trong mắt người xưa, tộc rồng rất đông đảo, có nhiều chủng loại và hình tượng khác nhau. Ví dụ, rồng có hai cánh gọi là “ứng long”, rồng có hai sừng gọi là “chi long”, rồng nhỏ không có sừng gọi là “cầu long”, còn rồng nằm trên mặt đất cuộn tròn mà không bay lên trời, gọi là “bàn long”.

Rồng còn được phân chia tùy theo chức trách, chẳng hạn như bộ bách khoa toàn thư “Uyên giám loại hàm” do chính quyền triều Thanh biên soạn, đã trích dẫn kinh Phật và cho rằng có bốn loại rồng, bao gồm:

-Thiên long bảo vệ Thiên cung ở Thần giới.
-Thần long tạo mây làm mưa chốn nhân gian.
-Địa long có thể tạo sông phá đê.
-Phục tàng long tiềm ẩn bảo vệ Thánh vương và những người đại phúc.

Theo sách “Hoài Nam Tử” thời Tây Hán, sau khi Nữ Oa vá trời, và quy chính lại trật tự vũ trụ, bà cưỡi một cỗ xe sấm sét do ứng long kéo lên Thiên giới để báo cáo Thiên Đế. Đến thời kỳ Hoàng Đế, ứng long xuất hiện trên thế gian và đóng vai trò lớn trong trận chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu.

Sách xưa ghi lại rằng, Xi Vưu không tuân theo mệnh lệnh của Hoàng Đế, và đã nổi loạn tạo phản. Khi đó là thời con người và Thần cùng tồn tại, nên cả hai bên đều có rất nhiều kỳ nhân dị sĩ giúp đỡ, chiến tranh kéo dài rất lâu, Hoàng Đế đánh chín trận thua cả chín.

Sau đó, ứng long hạ thế trợ chiến, đã chiến đấu chống lại bốn con thú hổ, báo, gấu và bi (gấu lớn) của Xi Vưu, và cuối cùng giết chết Xi Vưu và thuộc hạ là Khoa Phụ. Có lẽ vì bị ô nhiễm bởi bầu không khí đục ngầu của thế giới loài người, “Sơn Hải Kinh” miêu tả rằng, ứng long không thể trở về Thiên giới sau trận chiến này, nên đã đến ẩn cư ở phương Nam, nên miền Nam từ đó mưa nhiều.

Ứng long trong “Sơn hải kinh”.

Đến thời kỳ Đại Vũ trị thủy. Đại Vũ bị Thủy Thần sông Hoài là Ngô Chi Kỳ cản trở, nên bị thất bại cả 3 lần. Đại Vũ mời các vị Thần đến giúp đỡ, nhưng các vị Thần không thể làm gì được Ngo Chi Kỳ. Lúc này, ứng long lại ra tay, một mình đánh bại Ô Chi Kỳ, còn dùng đuôi vẽ mặt đất, giúp Đại Vũ chuyển hướng lũ lụt, định hình cơ bản của núi sông. Nhờ đó mới có địa hình vùng Trung Nguyên như hiện nay.

Ứng long bao phủ bởi vảy vàng và có đôi cánh sặc sỡ, được gọi là loài rồng cao quý nhất, trưởng lão của loài rồng, và còn được gọi là tổ tiên thực sự của loài rồng. Hơn nữa, trong mắt người xưa, chỉ những con có cánh trên lưng như ứng long mới được coi là rồng thực sự, và là biểu tượng của hoàng đế.

Từ những di tích văn hóa được khai quật vào thời Tây Chu, chúng ta có thể thấy một số lượng lớn các bình có hoa văn rồng có cánh. Hoa văn rồng thời Tiền Tần cũng có cánh. Tuy nhiên, theo sự phát triển của thời đại, đôi cánh của rồng dần dần biến thành hoa văn ngọn lửa và hoa văn đám mây, hình tượng rồng của Thiên tử cuối cùng trở thành “rồng vàng năm móng” không cánh mà chúng ta biết hiện nay.

Vào thời cổ đại, vùng Hoa Hạ có rất nhiều rồng, thậm chí còn có những nghề chuyên nuôi rồng.

Trong “Xuân thu tả truyện” có viết rằng, có một người đàn ông tên là Đổng Phụ rất thích rồng, và biết cách nuôi chúng. Sau khi quy thuận vua Thuấn, ông được giao nhiệm vụ nuôi rồng ở Tông Xuyên. Vua Thuấn cũng ban cho ông họ Đổng và tên là Hoạn Long (nghĩa là nuôi rồng).

Sau khi thành lập nhà Hạ – triều đại cha truyền con nối đầu tiên ở Trung Quốc, do lòng ích kỷ của con người ngày càng phát triển, và đạo đức suy thoái, nên việc giao tiếp giữa Trời và người dường như không còn suôn sẻ như thời Tam Hoàng và thời Ngũ Đế nữa. Vì vậy, loài rồng vốn có Thần tính cũng dần dần không còn xuất hiện nữa, cuối cùng trở thành Thần thú huyền thoại.

Rồng trong sử sách thời cận đại

Tuy nhiên, con rồng từ nay không biến mất, sử sách ghi lại rằng Hoàng đế Khang Hy từng tận mắt nhìn thấy một con rồng khổng lồ.

Vào tháng 3 năm Khang Hy thứ 44 (1705), Hoàng đế Khang Hy lần thứ năm du hành về phía nam, và ở lại chùa Kim Sơn. Ngày 30 tháng 4 không có gió, sấm sét, chỉ có mưa phùn nhẹ. Hoàng đế Khang Hy nhìn sang bên kia sông, chợt nhìn thấy một con rồng khổng lồ xuất hiện ở phía Tây Nam, dài khoảng chục thước, bay lượn trên bầu trời, rồi nhanh chóng nhập vào mây. Hoàng đế Khang Hy sau đó đã viết bài có tiêu đề “Kiến long hành” (Nhìn thấy rồng).

“Kiến long hành” viết rằng, rồng hành động rất mạnh mẽ, tràn đầy khí thuần dương, biến hóa muôn vạn. Khi rồng ở trên mặt đất, nó sẽ không phá hủy mùa màng và nhà cửa; khi nó bay lượn trên bầu trời, nó sẽ không phá hoại vườn cây và rừng cây; khi nó bay lên trên mây, nó cũng có thể phát ra ánh sáng tốt lành.

Hoàng đế Khang Hy tán thán: “Đức của rồng vĩ đại biết bao, là vật thống lĩnh vạn vật, ẩn chứa đức hạnh thuần khiết”.

Vì những phẩm chất tuyệt vời này của con rồng, những người sinh vào năm rồng thường có tính kiên trì, tự tin, dũng cảm, quyết đoán, và khá có khả năng lãnh đạo và sáng tạo.

Nói về 12 con giáp, có thể có độc giả sẽ hỏi, tại sao 11 con giáp còn lại đều là những loài động vật quen thuộc với chúng ta, ngoại trừ rồng? Điều này có phải nhắc nhở chúng ta rằng, rồng thực sự đã từng tồn tại? Trong bài viết “Rồng là có thật? Bí ẩn đằng sau sự kiện rồng rơi ở Doanh Khẩu”, cũng đã viết về một số trường hợp được cho là sự xuất hiện của rồng.

Ngoài khơi vịnh Hạ Long, Việt Nam, từ hơn một thế kỷ trước đã có những thủy thủ nước ngoài nhìn thấy loài vật kỳ lạ. Họ đã ít nhất hai lần chạm trán con vật này vào tháng 7/1897 và ngày 15/02/1898 của đại úy Hải quân Pháp Lagresille và đồng đội trên con tàu Avalanche của anh ta. Một lần khác là với đại uý hải quân Pháp Peron, chỉ huy tàu Chateau Renault đang tuần tra khu vực hòn Con Cóc, Vịnh Hạ Long vào ngày 12/2/1904. Họ miêu tả như rằng, con vật này có thân hình “trông như rắn, di chuyển uốn lượn dưới mặt nước, dài khoảng 20m, thân to đến 2-3m”, “da màu xanh rêu, có đốm vàng nhạt”, “đầu chúng giống đầu hải cẩu nhưng to gấp đôi”, rồi thậm chí là: “vô cùng to lớn, có đầu như cá heo, thân màu vàng nhạt, mắt to như 2 cái bát”.

Những danh nhân tuổi rồng trong lịch sử Việt Nam

1. Mạc Đĩnh Chi (sinh năm Canh Thìn, 1280-1350). Danh sỹ đời Trần Anh Tông, tự Tiết Phu, quê Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương. Mạc Đình Chi đỗ Trạng nguyên năm 24 tuổi. Ông làm quan trải ba triều Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông, thăng đến Tả bộc xạ Đại liên ban. Ông từng đi Trung Quốc hai lần, được các danh sỹ nước ngoài khen ngợi, khâm phục.

2. Phan Đình Phùng (sinh năm Giáp Thìn, 1844-1895). Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

3. Nguyễn Thượng Hiền (sinh năm Mậu Thìn, 1868-1925). Ông đỗ cử nhân khi mới 17 tuổi, thi Hội đỗ đầu, đang chờ xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ. Đến năm 1892, ông thi lại và đỗ Hoàng Giáp khi mới 24 tuổi. Tuy đỗ cao nhưng ông không ra làm quan mà về ẩn cư ở vùng núi Nưa, Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông giữ chức Toản tu Quốc sử, rồi làm Đốc học tỉnh Ninh Bình.

4. Nguyễn Phan Chánh (sinh năm Nhâm Thìn, 1892-1984), là danh họa, bậc thầy của hội họa lụa Việt Nam. Họa sỹ Trịnh Cung đánh giá Nguyên Phan Chánh “là một người đã tạo ra một diện mạo tranh lụa Việt Nam không lẫn vào bất kỳ một phong cách nào đối với các nước có nền tranh lụa lớn nhất thế giới như Trung Hoa và Nhật Bản. Trong sáng tạo nghệ thuật, tạo dựng một phong cách riêng, hay hơn thế nữa là một trường phái, là điều hiếm hoi. Nguyễn Phan Chánh là một hiện tượng xuất chúng của hội họa Việt Nam cũng như Nguyễn Gia Trí với sơn mài”.

5. Đào Duy Anh (tuổi Giáp Thìn, 1904-1988), nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông là tác giả nhiều công trình học thuật sáng giá về ngôn ngữ học, văn học, sử học, trong đó giá trị nhất là cuốn “Hán-Việt từ điển.”

Trung Hòa – Biên dịch và tổng hợp