Tin khắp nơi – 25/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 25/07/2017

Tàu chiến Mỹ nổ súng cảnh cáo tàu Iran

Một tàu hải quân Mỹ tuần tiễu trong vùng Vịnh Ba Tư đã nổ súng cảnh cáo một tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, sau khi chiếc tàu này áp sát tàu chiến Mỹ, một giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận với VOA hôm 25/7.

Chiến hạm USS Thunderbird đã nổ “vài phát cảnh cáo” khi chiếc tàu Iran chạy với tốc độ nhanh tiến gần đến mức chỉ cách tàu Mỹ có 140 m, theo giới chức Mỹ.

Những phát súng cảnh cáo được bắn đi như một giải pháp cuối cùng sau khi chiếc tàu Iran không đáp ứng những lời kêu gọi từ phía Mỹ trên sóng radio và tín hiệu của các tàu Mỹ, 5 lần dùng còi hú để phát đi tín hiệu nguy hiểm được quốc tế công nhận.”

Một giới chức quốc phòng cho VOA biết là có hai chiếc tàu của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đang tuần tiễu với chiến hạm USS Thunderbird khi xảy ra vụ chạm trán.

Giới chức Mỹ mô tả sự cố này là “mất an toàn và không chuyên nghiệp.” Ông nói:

“Những hành động mất an toàn và có tính cách khiêu khích của người Iran không làm được gì ngoại trừ tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm một cách hoàn toàn không cần thiết.”

Tháng trước, một tàu hải quân Iran đã dùng tia laser nhắm vào một máy bay trực thăng Mỹ đang hộ tống 3 tàu hải quân trên eo biển Hormuz.

Lúc dó, Trung Tá Bill Urban, người phát ngôn của Hạm đội 5, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết chiếc tàu Iran tiến gần cách chiến hạm USS Batan của Mỹ có 730 m.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-my-no-sung-canh-cao-tau-iran/3958296.html

 

Trung Quốc yêu cầu Mỹ

ngưng các chuyến bay trinh thám

Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngưng ngay những chuyến bay thám thính ở vùng biển Hoa Đông mà Bắc Kinh xem là không thân thiện và nguy hiểm, gây ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ song phương.

Kêu gọi được Bắc Kinh đưa ra trong bản thông cáo do Bộ Quốc phòng Trung Quốc phổ biến ngày 25 tháng 7, trong đó có đoạn viết rằng máy bay thám thính của quân đội Hoa Kỳ đến sát biên giới Hoa Lục, đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc, tạo nguy hiểm cho an ninh hàng hải và hàng không hai nước, đẩy phi công Mỹ và Trung Quốc vào tình thế nguy hiểm, có thể gây nên sự cố không quốc gia nào mong muốn thấy.

Bản thông cáo được Bắc Kinh phổ biến liên quan đến sự kiện xảy ra hôm Chủ Nhật vừa rồi, khi Trung Quốc đưa máy bay lên ngăn chận phi cơ thám thính của Hoa Kỳ đang hoạt động ở biển Hoa Đông. Tin cho hay phi cơ Trung Quốc bay cách chiếc phi cơ Mỹ chỉ có 90 mét, buộc chiếc phi cơ Mỹ phải chuyển hướng.

Đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Hồi tháng Năm vừa rồi, Lầu Năm Góc lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh đưa chiến đấu cơ lên bay thật sát một chiếc phi cơ thám thính của Mỹ bay trong không phận quốc tế ở biển Hoa Đông.

Đến cuối tháng Năm, Hoa Kỳ cũng cảnh báo Trung Quốc có hành động tương tự đối với phi cơ thám thính Mỹ hoạt động ở Biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-urges-us-stop-unfriendly-recon-flights-07252017104350.html

 

Chiến đấu cơ Trung Quốc ngênh chặn

máy bay trinh sát Hoa Kỳ

Hai chiến đấu cơ của Trung Quốc vào hôm chủ nhật 23 tháng 7 tiến hành bay nghênh chặn một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ tại khu vực vùng trời Biển Hoa Đông.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho hãng thông tấn Reuters biết như vừa nêu vào ngày 24 tháng 7. Theo đó hai máy bay J-10 của Trung Quốc bay nghênh chặn chiếc P-3 của Hải quân Hoa Kỳ đang hoạt động tại không phận quốc tế ở khu vực Biển Hoa Đông. Đội bay của chiếc P-3 cho rằng hoạt động của hai chiếc máy bay J-10 của Trung Quốc là không an toàn và thiếu chuyên nghiệp.

Hoạt động này khiến chiếc P-3 của Hải quân Hoa Kỳ phải chuyển hướng bay.

Viên chức Hoa Kỳ vừa nêu còn nói thêm hai chiếc J-10 của Trung Quốc có trang bị tên lửa.

Vụ việc được cho biết xảy ra cách thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc chừng 150 kilomet.

Vào tháng 5 vừa qua, hai chiếc SU-30 của Trung Quốc cũng bay nghênh chặn một máy bay Hoa Kỳ làm nhiệm vụ phát hiện phóng xạ tại khu vực Biển Hoa Đông.

Trung Quốc luôn nghi ngờ mọi hoạt động của Hoa Kỳ tại vùng biển của Hoa Lục.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/chinese-jets-buzz-us-plane-in-near-collision-over-east-china-sea-07242017152735.html

 

Bắc Hàn dường như đang chuẩn bị vụ thử tên lửa mới

Truyền thông Hoa Kỳ và Nam Hàn vào hôm 25 tháng bảy dẫn nguồn từ báo cáo của giới chức trong quân đội của Nam Hàn rằng có khả năng rất cao là Bình Nhưỡng sẽ phóng thử tên lửa tầm trung hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong vài ngày tới, nhân dịp Bắc Triều Tiên tổ chức kỷ niệm Ngày lễ Chiến thắng vào ngày 27 tháng bảy.

Đài CNN hôm 24 tháng bảy cũng dẫn nguồn từ một quan chức của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết Bắc Hàn đang chuẩn bị một cuộc phóng tên lửa mới và các thiết bị phóng tên lửa đã được vận chuyển đến Thành phố Kusong, mạn Bắc của Bình Nhưỡng vào hôm thứ Sáu tuần trước.

Thành phố Kusong là nơi Bình Nhưỡng đã thực hiện các lần phóng thử tên lửa trước đây, bao gồm cả lần phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, bắn xa hơn 700 km.

Vào ngày Lễ Độc Lập của Mỹ, ngày 4 tháng bảy vừa qua, Bắc Hàn gây chấn động với cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần đầu tiên và được các chuyên gia đánh giá là thành công.

Hồi tuần trước, Bình Nhưỡng đã không trả lời về đề nghị của Nam Hàn cho một cuộc đối thoại quân sự cấp cao liên quan đến tình hình căng thẳng của Liên Triều.

Phát ngôn nhân của Bộ Quốc Phòng Nam Hàn vào hôm 25 tháng bảy nói với RFA Seoul đang giám sát chặt chẽ các hoạt động cho lần phóng tên lửa mới của Bắc Hàn.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/nk-appears-to-be-preparing-new-missile-test-yonhap-says-07252017105420.html

 

Hoa Kỳ ‘có thể cấp vũ khí’ cho Ukraine

Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine cho biết Washington đang tích cực cân nhắc liệu có nên gửi vũ khí để giúp chống lại phiến quân được Nga hậu thuẫn hay không.

Ông Kurt Volker nói với BBC rằng cấp vũ khí cho lực lượng của chính phủ Ukraine có thể thay đổi cách tiếp cận của Moscow.

Ông Volker là cựu đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại NATO và được bổ nhiệm vào vai trò mới của mình hồi đầu tháng này.

Ông nói rằng ông không nghĩ rằng đây sẽ là động thái khiêu khích.

Trump kêu gọi Nga ngừng “làm mất ổn định” Ukraine

Người cộng sản Texas gây quỹ vì cuộc chiến Ukraine

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn mong manh ở miền đông Ukraine.

“Vũ khí tự vệ, những loại giúp Ukraine phòng thủ, chẳng hạn như để tiêu diệt xe tăng, sẽ thực sự giúp” để ngăn chặn Nga đe dọa Ukraine, ông Volker cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC.

“Tôi sẽ không phỏng đoán vấn đề này sẽ đi tới đâu, đó là một vấn đề cần thảo luận thêm và sẽ được quyết định, nhưng tôi nghĩ rằng lập luận rằng việc này sẽ khiêu khích Nga hoặc củng cố thêm cho Ukraine chỉ cách nghĩ thiển cận,” ông nói thêm.

Ông nói sự thành công trong việc thiết lập hòa bình ở miền đông Ukraine sẽ đòi hỏi những gì mà ông gọi là một cuộc đối thoại chiến lược mới với Nga.

Liên Hợp Quốc cho biết hơn 10.000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng Tư năm 2014, ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình. Cuộc giao tranh đã làm hơn 1.6 triệu người phải ly tán.

Một thoả thuận ngừng bắn đã được ký tại Minsk trong tháng Hai năm 2015, nhưng các điều khoản của nó khó có thể xem là được thực thi hoàn toàn.

Tuần trước, quân đội Ukraine cho biết năm lính của họ thiệt mạng trong vụ pháo kích lớn ở Donetsk phía bắc nơi phiến quân chiếm giữ.

Quân đội cho biết ba lính Ukraine cũng chết do trúng mìn.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi đây là “giai đoạn một ngày đẫm máu nhất của năm 2017” trong cuộc xung đột đông Ukraine và đã đổ lỗi cho phiến quân “do Nga hậu thuẫn” thực hiện.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40713332

 

Hai ‘giám mục’ Winston Blackmore và James Oler

bị kết án tội đa thê

Hai nhà lãnh đạo tôn giáo Canada vừa bị Tòa án tối cao British Columbia kết án tội đa thê.

Phiên tòa đã nghe ông Winston Blackmore, 61 tuổi, kết hôn với 24 phụ nữ. Người anh rể của ông, ông James Oler, 53 tuổi, kết hôn với năm người.

Cả hai đều bị truy tố về tội danh đa thê. Mỗi người phải đối mặt với án tù tối đa là 5 năm.

Phán quyết mang tính bước ngoặt này được xem là một phép thử đối với ranh giới về tự do tôn giáo ở Canada.

“Hiến chương về Quyền là luật tối cao của Canada nhưng chúng ta phải nhận ra rằng các quyền trong Hiến chương này không phải là tuyệt đối”, Wally Opal, cựu Trưởng công tố British Colombia nói với kênh CTV News sau khi phán quyết được đưa ra hôm thứ Hai.

Ông Blackmore và ông Oler đến từ Bountiful ở đông nam BC, một cộng đồng tôn giáo gồm khoảng 1.500 người được thành lập năm 1946.

Cả hai đều là từng là giám mục một giáo phái Mormon ly khai, Giáo hội Chính thống các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (FLDS).

Ông Blackmore bị trục xuất khỏi FLDS năm 2002 và ông Oler thay thế vị trí này.

Giáo phái có các chi nhánh tại Hoa Kỳ, với khoảng 10.000 thành viên.

Đa thê là bất hợp pháp theo Điều 293 của Luật hình sự Canada.

Cảnh sát Hoàng gia Canada bắt đầu điều tra về giáo phái này ở Bountiful vào những năm 1990.

Nhưng những nỗ lực đưa vụ án ra xét xử đã bị cản trở do thiếu rõ ràng về mặt pháp

Trong năm 2011, Tòa Thượng thẩm British Colombia ra quyết định coi luật chống đa thê của Canada là vấn đề liên quan đến Hiến pháp.

Tòa án tối cao nói luật đó đề ra một giới hạn hợp lý về tự do tôn giáo ở Canada.

Phán quyết hôm thứ Hai có lẽ chưa phải là quyết định hợp pháp cuối cùng.

Luật sư của ông Blackmore, ông Blair Suffredine, nói với tòa án rằng ông dự định sẽ thách thức luật chống đa thê nếu khách hàng của ông ta bị kết án có tội.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ này sẽ có thể còn được đưa lên tới Tòa Tối cao Canada.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40715236

 

TQ: ‘Ngôi sao đang lên’ bị điều tra tham nhũng

Nhà chức trách Trung Quốc cho hay đang điều tra một chính trị gia hàng đầu từng được xem là ứng viên sáng giá sẽ lọt vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.

Ông Tôn Chính Tài, ủy viên Bộ Chính trị và từng là Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Trước khi mất chức hồi đầu tháng này, ông từng là ứng viên nhiều khả năng lọt vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm có 7 ủy viên.

Trung Quốc bác chỉ trích về Lưu Hiểu Ba

Tập Cận Bình lần đầu thăm Hong Kong

Nhưng bây giờ cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cho biết đang điều tra ông vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”.

Động thái này diễn ra trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu khi danh tính những người được cho là kế vị chức chủ tịch và thủ tướng đương nhiệm – theo kế hoạch sẽ từ chức năm 2022 sau 10 năm cầm quyền – sẽ được tiết lộ.

Ông Tôn là ủy viên trẻ nhất của Bộ Chính trị gồm 25 người.

Ông là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị điều tra kể từ khi Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh – bị bắt giam năm 2013 và lãnh án tù chung thân vì tội tham nhũng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40701924

 

Hạ viện Mỹ sắp thông qua dự luật chế tài mới đối với Nga

Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba 25/7 được dự kiến sẽ biểu quyết với đa số áp đảo để thông qua một dự luật sẽ áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Nga, Iran và Bắc Hàn, và qua đó có thể gây thêm phức tạp cho những hy vọng của Tổng thống Trump, tìm cách cải thiện các quan hệ với Moscow, theo hãng tin Reuters.

Biện pháp được sự ủng hộ của lưỡng đảng nhắm trừng phạt Nga về việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên hiện chưa rõ liệu biện pháp này có được thông qua tại Thượng viện hay không, sau khi một nghị sĩ có thế lực tuyên bố biện pháp trừng phạt được loan báo hồi cuối tuần qua chưa phải là ‘bản thảo cuối cùng’.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với các nhà báo rằng bất cứ loan báo nào liên quan tới vụ này có thể “hơi quá sớm” tại thời điểm này.

Reuters dẫn lời Thượng nghị sĩ Corker nói :

“Hãy còn một số vấn đề về thủ tục mà chúng tôi đang bàn luận, tuy nhiên tôi tin rằng mọi sự đã diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi còn một đôi điều phải bàn về Bắc Hàn.”

Nếu biện pháp này được Thượng viện – hiện do Đảng Cộng hoà kiểm soát, thông qua, ông Trump sẽ phải quyết định liệu có ký hay phủ quyết dự luật này. Bác bỏ dự luật sẽ đi kèm với rủi ro là các nhà lập pháp có thể chặn phủ quyết của Tổng thống.

Chính quyền của Tổng thống Trump chống đối một điều khoản trong dự luật chế tài, theo đó Tổng thống phải được quốc hội chấp thuận trước khi nới lỏng bất cứ các biện pháp chế tài nào đang áp dụng đối với Moscow.

Trả lời truyền thông báo chí hôm 24/7, người phát ngôn Toà Bạch Ốc Sarah Sanders nói:

“Tổng thống Trump sẽ nghiên cứu dự luật này và xem bản thảo cuối cùng nó ra làm sao trước đã.”

Một bản thảo cũ hơn của dự luật, bao gồm các biện pháp chế tài đối với Nga và Iran, đã được thông qua tại Thượng viện với 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống hôm 15/6. Một dự luật nhằm trừng phạt Bắc Hàn được Hạ viện thông qua hồi tháng 5, và các nhà lập pháp tại Hạ viện đang tỏ ra mất kiên nhẫn về sự trì hoãn tại Thượng viện liên quan tới dự luật này.

Quan hệ giữa Tổng thống Trump với Nga là một vấn đề khúc mắc trong 6 tháng đầu từ khi ông Trump lên làm Tổng thống, trong bối cảnh nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành cùng lúc để xem liệu các cộng sự của ông Trump có thông đồng với tin tặc Nga để ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump hay không.

Nga đã gạt phăng mọi cáo buộc cho rằng họ đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Ông Trump cũng bác bỏ những thông tin cho rằng chiến dịch vận động tranh cử của ông đã thông đồng với Moscow. Tổng thống Trump liên tục chỉ trích các cuộc điều tra, nói rằng các cuộc điều tra đó có động cơ chính trị.

https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-my-sap-thong-qua-du-luat-che-tai-moi-doi-voi-nga/3958059.html

 

Con rể ông Trump tiết lộ chi tiết

các cuộc tiếp xúc với Nga

Ông Jared Kushner, con rể của Tổng thống Donald Trump và cũng là cố vấn cấp cao của Toà Bạch Ốc, nêu chi tiết về 4 cuộc tiếp xúc giữa ông với các giới chức Nga hồi năm ngoái trong một tài liệu hôm 24/7, và khẳng định ông “không thông đồng” với Nga trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 của ông Trump.

Jared Kushner công bố một tài liệu dài 11 trang trước khi đến gặp nhân viên Ủy ban Tình báo Thượng viện trong một cuộc họp kín. Tài liệu này đưa ra những chi tiết đầy đủ nhất- tính cho tới nay, về những cuộc tiếp xúc giữa ông với các giới chức Nga trong thời gian vận động tranh cử và thời gian chuyển quyền sang chính phủ mới.

Là một doanh nhân như Donald Trump, Jared Kushner tự mô tả là người không có kinh nghiệm trên chính trường khi trở thành cố vấn hàng đầu trong chiến dịch vận động tranh cử của bố vợ.

Kushner nói đôi khi công việc bề bộn với bao nhiêu là cú điện thoại và email, khiến cho ký ức của ông về một số cuộc tiếp xúc đôi khi không rõ rệt.

Nhưng ông khẳng định:

“Tôi không có thông đồng, hay biết bất cứ ai thông đồng với bất cứ chính quyền nước ngoài nào.”

“Tôi không từng có cuộc tiếp xúc nào ‘mờ ám’ nào. Tôi không dựa vào bất kỳ khoản tài trợ nào của Nga cho các hoạt động doanh thương của mình trong lĩnh vực tư.”

Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong nhiều ủy ban quốc hội điều tra vụ Nga xen vào bầu cử Mỹ, bên cạnh cuộc điều tra hình sự liên bang do biện lý đặc biệt Robert Mueller tiến hành.

Phát biểu tại Toà Bạch Ốc sau cuộc họp kín với ủy ban tình báo Thượng viện, Kushner nói tất cả những hành động của mình là ‘đúng đắn’ và xảy ra trong một ‘chiến dịch vận động có một không hai.’

Jared Kushner nói ông Trump đã đánh bại đối thủ Hillary Clinton hồi tháng 11/2016 bởi vì ông Trump điều hành một “chiến dịch vận động thông minh hơn”; và lý giải theo cách nào khác là “mang những người đã bầu cho ông Trump ra làm trò cười.”

Tổng thống Trump của Đảng Cộng hoà đã mô tả các cuộc điều tra liên quan tới Nga là có ‘động cơ chính trị’. Và ông mạnh mẽ lên án các cuộc điều tra trên trang Twitter của mình hôm thứ Hai.

Tổng thống Trump đã vấp phải nhiều trở ngại với những cáo buộc liên tục cho rằng các phụ tá của ông đã làm việc với Nga, nước bị các cơ quan tình báo Mỹ tố cáo là đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Moscow bác bỏ những tố cáo đó, nói rằng Nga không có xen vào cuộc bầu cử ở Mỹ, và ông Trump khẳng định ban vận động tranh cử của ông không có thông đồng với Moscow.

Ông Kushner đến dự buổi họp kín với nhân viên ủy ban tình báo Thượng viện cùng với Abbe Lowell, môt luật sư nổi tiếng. Buổi họp kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ.

Trong văn kiện nộp trước buổi điều trần, Kushner cho biết lần đầu tiên ông gặp đại sứ Kislyak của Nga là ở Washington vào tháng Tư, 2016, và hai người đã bắt tay nhau.

Kushner nói ông không nhớ đã điện thoại cho ông Kislyak trong thời gian giữa tháng Tư tới tháng 11/2016 như Reuters tường thuật hồi tháng Năm. Jared Kushner bày tỏ nghi ngờ về các cú điện thoại đó và nói ông không tìm ra chứng cớ nào về các cuộc điện đàm này.

https://www.voatiengviet.com/a/con-re-ong-trump-tiet-lo-chi-tiet-cac-cuoc-tiep-xuc-voi-nga/3957211.html

 

Máy bay Trung Quốc áp sát không phận Đài Loan

Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) ngày 24/7 xác nhận các máy bay ném bom Trung Quốc bay sát không phận phía nam của Đài Loan trong một phi vụ diễn tập đường dài sáng cùng ngày. Tháng này Trung Quốc đã tiến hành một số phi vụ kiểu này.

Bộ Quốc phòng Đài Loan nói 4 máy bay ném bom H-6K từ miền nam Trung Quốc bay sát bên ngoài Vùng Nhận diện Phòng không Đài Loan khi tiến vào Eo biển Bashi. Sau khi lượn vòng không phận phía nam của Đài Loan, các máy bay này hướng về phía bắc, trên eo biển Miyako của Nhật Bản, rồi trở về căn cứ tại miền nam Trung Quốc, Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết thêm.

Cuộc diễn tập ngày 24/7 là cuộc tập trận mới nhất trong 3 cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc trong tháng này.

Vào ngày 13 tháng 7, một phi đội máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận tại Eo biển Bashi và Eo biển Miyako. Vào ngày 20 tháng 7, mười máy bay ném bom H-6K Trung Quốc cũng bay vòng Đài Loan thực hiện diễn tập đường dài ngoài biển.

Phi đội này cũng bao gồm máy bay Thiểm Tây Y-8 với các trang bị điện tử có thể làm nhiễu ra-đa của đối phương, che chắn cho các máy bay và tàu chiến Trung Quốc khi tiến vào không phận hay hải phận của kẻ thù.

Bộ Quốc phòng Đài Loan nói những lực lượng liên hệ của Đài Loan ngày 24/7 đã được điều động để theo dõi và đáp ứng tình hình.

(Nguồn Taiwan News)

https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-trung-quoc-ap-sat-khong-phan-dai-loan/3957373.html

 

Miến Điện: Mưa lũ cuốn trôi chùa vàng

Nước lụt dâng cao nhận chìm một ngôi chùa Phật giáo tại miền trung Miến Điện, khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Nhà chức trách cảnh báo sẽ tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới.

Những đoạn video được phổ biến trên mạng xã hội cho thấy ngôi chùa dát vàng Thiri Yadana Pyilone Chantha bị nhận chìm xuống dòng sông Ayeyarwady cuộn sóng tại khu vực Magway, khiến mọi người bàng hoàng.

Ông U Pyinnya Linkkara, người quay được cảnh này, cho biết chùa bị phá hủy hôm 20/7.

“Ngôi chùa được xây vào năm 2009 cách sông khá xa nhưng năm tháng qua đi, bờ sông bị xói mòn và rồi hôm nay cả ngôi chùa bị nhận chìm xuống sông,” ông nói với AFP.

Ông cho biết lụt lội xảy ra thường xuyên tại đây trong mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, nhưng lũ lụt năm nay đã xói mòn bờ sông tới mức báo động. Ông nói thêm một số làng xã ven sông bị nước cuốn trôi hoàn toàn.

“Hiện dân làng sợ không dám cư ngụ ở đây nữa. Lụt hiện giảm bớt nhưng xói mòn vẫn tiếp tục,” ông nói.

Myanmar là một trong những quốc gia gặp nhiều tai ương nhất châu Á, thường bị bão, lụt, nhiệt độ khắc nghiệt và thỉnh thoảng bị động đất.

Ít nhất 2 người thiệt mạng và hơn 90.000 người phải sơ tán vì lũ lụt tại miền trung và miền nam Myanmar trong tháng này, theo chính phủ thống kê.

Mực nước dâng cao kể từ khi những cơn mưa mùa dai dẳng bắt đầu trút xuống miền trung Myanmar vào đầu tháng 7, khiến nhiều người phải sơ tán đến những vùng cao hơn hay tìm nơi cư trú tại các chùa chiền, một giới chức cứu trợ nói.

Đa số thiệt hại xảy ra tại vùng Magway, nơi ngôi chùa bị nước cuốn trôi. Hơn 60.00 người phải rời bỏ nhà cửa vì nước dâng.

“Tình hình hiện đang được kiểm soát nhưng những gì sẽ xảy ra còn tùy thuộc vào thời tiết,” ông Ko Ko Naing, Tổng giám đốc Bộ xã hội, cứu trợ và tái định cư nói với Reuters.

“Chúng tôi đã chuẩn bị hỗ trợ cho những khu vực bị lũ lụt vì việc này xảy ra mỗi năm.”

Cơ quan khí tượng thủy văn của chính phủ đã đưa ra những cảnh báo về lũ lụt đối với một vài thị trấn trong những ngày sắp tới vào lúc mưa mùa lớn tiếp tục đổ xuống Myanmar.

Chính phủ đã cung cấp thực phẩm và những trợ giúp khác cho tổng cộng 116.817 người sơ tán cho đến ngày 24/7, cũng như cung cấp nơi tạm trú dài hạn cho những người bên ngoài các khu định cư.

Một người bị chết đuối tại vùng Sagaing và một người khác bị cuốn trôi khi đang vượt qua một dòng suối tại bang Chin, ông Kay Thwe Win, một viên chức định cư cho biết.

Báo nhà nước loan tin mưa lũ làm vỡ một con đập nhỏ tại vùng Bago hôm 22/7.

(Nguồn AFP/REUTERS)

https://www.voatiengviet.com/a/mien-dien-mua-lu-cuon-troi-chua-vang/3957326.html

 

Thủ tướng Nhật bác bỏ cáo buộc thiên vị bạn thâm niên

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 24/7 khẳng định ông không hề chỉ thị thuộc quyền đối xử đặc biệt với một người bạn thâm niên, ông nói người bạn của ông cũng không hề yêu cầu được giúp đỡ.

Ông Abe và các phụ tá đã nhiều lần bác bỏ tố cáo rằng ông đã can thiệp để giúp trường Kake Gakuen, một cơ sở giáo dục do ông Kotaro Kake, bạn của ông Abe, làm giám đốc, được giấy phép để mở một trường thú y tại một đặc khu kinh tế.

Một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy mức ủng hộ dành cho ông Abe đã giảm, còn dưới 30 %, do bị tình nghi có dính líu vào vụ bê bối này. Một số cử tri cho rằng chính quyền của ông Abe xem thường họ.

Mức ủng hộ cho ông Abe giảm sút đang khuyến khích các đối thủ tấn công ông và làm tăng mối nghi ngờ về triển vọng ông Abe trở thành Thủ tướng nắm quyền lâu nhất tại Nhật Bản, nếu ông đoạt được thêm một nhiệm kỳ ba năm thứ ba, sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào tháng 9 năm 2018.

Phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của ủy ban ngân sách hạ viện, ông Abe nói không có gì ngạc nhiên khi công chúng bày tỏ hoài nghi bởi vì ông Kake là bạn của ông kể từ thời sinh viên, nhưng ông nhấn mạnh ông Kake “chưa một lần” tìm kiếm sự giúp đỡ của ông.

Ông Abe nói: “Không có yêu cầu hoặc vận động hành lang về việc thành lập một trường thú y mới.”

Khi được hỏi liệu ông có can thiệp vào quá trình phê duyệt ngôi trường này, ông Abe nói: “Tôi chưa bao giờ ra chỉ thị về những trường hợp cụ thể.”

Ngoài ra, ông Abe cũng bác bỏ lời kêu gọi của phe đối lập đòi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, người được ông nâng đỡ. Báo chí đưa tin là bà Inada cố tình dấu giếm các tài liệu của Bộ Quốc phòng.

Bà Inada phủ nhận cáo buộc nói rằng bà cho phép các giới chức quốc phòng giấu dữ liệu về hoạt động của Lực lượng Tự vệ Nhật, trong một chiến dịch gìn giữ hoà bình do LHQ dẫn đầu ở Nam Sudan.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-nhat-bac-bo-cao-buoc-thien-vi-ban-tham-nien/3956916.html

 

Olympic 2020 :

Tokyo ngổn ngang công việc chuẩn bị cùng nỗi lo động đất

Còn đúng 3 năm đến ngày khai mạc Thế vận hội Olymypic mùa hè 2020, hôm qua, 24/07/2017, thành phố chủ nhà Tokyo khai trương đồng hồ đếm ngược thời gian đến lễ khai mạc ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh 24/07/2020. Đến giờ, các công việc chuẩn bị vẫn còn rất bề bộn, trong khi kinh phí cho các công trình đang bị đội giá lên gấp nhiều lần.

Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo cho biết thêm chi tiết :

Tokyo đã hứa hẹn tổ chức một kỳ Thế vận hội khiêm tốn, giá rẻ, có chừng mực và tiết kiệm. Kinh phí dự trù ban đầu đặt ở mức hợp lý từ 5 đến 6 tỷ euro. Giờ đây Tokyo đánh giá chi phí có thể sẽ lên tới 28 tỷ euro, tức là tăng gấp 4 lần so với dự kiến và gấp 3 lần số tiền chi cho Thế vận hội Luân Đôn 2012.

Như thế cũng đã đủ để báo động Ủy Ban Olympic Quốc Tế. Từ sau Thế vận hội mùa đông Sotchi của Nga, ước tính tiêu tốn 38 tỷ euro, Ủy Ban Olympic Quốc Tế rất lo ngại giá thành chuẩn bị cho các kỳ Thế vận hội quá cao. Bởi như vậy sẽ khiến ngày càng có nhiều các thành phố không muốn xin tổ chức sự kiện.

Tokyo và Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã quyết định cùng nghiên cứu để giảm chi phí. Một báo cáo của chính phủ mới đây đã chỉ ra rằng trong công tác chuẩn bị không có lãnh đạo nào đủ khả năng ấn định được giới hạn ngân sách. Điều này giống như trong một công ty không có chủ tịch hay giám đốc tài chính.

Trong các công trình chuẩn bị cho Olympic, không chỉ có một mà là nhiều khoản ngân sách kết hợp với các công ty tư nhân như để xây dựng làng Thế vận hội, hay với thành phố để cho một số công trình hạ tầng cơ sở hay với chính phủ trong các công trình xây mới sân vận động Olympic.

Sau khi phải hủy bỏ dự án thiết kế của nữ kiến trúc sư người Pháp gốc Irak Zaha Hadid, qua đời năm 2016, công trình sân vận động Olympic mới, vừa thành hình bị đánh giá quá đắt.

Có thể giá thành của sân vận động này phải lên tới 2 tỷ euro. Bản thiết kế mới của kiến trúc sư người Nhật Kengo Kuma có giá thành rất đắt, ít nhất là 1,2 tỷ euro, chưa tính đến phần đài lửa. Tokyo hứa sẽ sửa chữa thiếu sót này.  Cấu trúc đài lửa mới dự kiến được dựng bằng gỗ.

Văn phòng của kiến trúc sự Zaha Hadid tố kiến trúc sư Kengo Kuma lấy lại nhiều chi tiết sáng tạo trong thiết kế cũ. Cuối cùng việc xây dựng vội vã đã dẫn đến việc một công nhân 23 tuổi không chịu nổi sức ép đã phải tự tử.

Tokyo còn hứa hẹn sẽ tổ chức một kỳ Thế vận hội « an toàn và hòa bình » . Còn đúng 3 năm nữa đến ngày khai mạc, các nhà tổ chức vẫn tiếp tục gặp thêm rắc rối. Họ đã phải thay đổi logo. Nhà thiết kế được chọn làm công việc đó là người nổi tiếng với hàng loạt vụ đạo tác phẩm của người khác.

Việc Tokyo giành quyền đăng cai  trước Madrid và Istanbul hội tháng 9/2013 còn bị vấy bẩn bởi nghi ngờ hối lộ. Về vụ việc này,  tư pháp của Pháp đang tiến hành điều tra.

Một mối lo khác liên quan đến các vận động viên. Nhiệt độ mùa hè ở Tokyo có thể lên tới 30 đến 35 độ trong bóng râm với độ ẩm lên tới 80%. Gần đây còn lan truyền tin sẽ có động đất cực lớn trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Tokyo : Động đất lớn, mối lo thường trực

Bên cạnh các cố gắng hoàn tất các công trình đang còn ngổn ngang, thành phố chủ nhà Olympic 2020 đang phải rất nỗ lực xóa đi nỗi lo sợ động đất của cả chục nghìn vận động viên và hàng triệu du khách đến với sự kiện thể thao lớn này.

Ông Satoru Sunada, một quan chức thành phố phụ trách các công trình chuẩn bị cho Thế vận hội giải thích với AFP : « Đúng là Nhật Bản rất hay bị động đất, nhưng các chuẩn mực xây dựng ở đây thuộc loại khắt khe nhất thế giới ».

Phần lớn các công trình hạ tầng cơ sở đều được gia cố bằng những hệ thống và công nghệ hiện đại. Lấy ví dụ như sân vân động Ariake dành cho các trận bóng chuyền được xây dựng trên một hệ thống giảm sốc khổng lồ bằng cao su.

Ông Satoru Sunada trấn an : « Chúng tôi sẽ làm hết sức trong việc chuẩn bị các địa điểm để sao cho dù có động đất lớn xảy ra thì mọi người vẫn sống sót ». Ông nhấn mạnh là các công trình ở Tokyo đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chống động đất rất khắt khe của Nhật.

Theo ông Toshiro Muto, tổng giám đốc của Ủy ban tổ chức Thế vận hội, nếu như Tokyo là một trong những thành phố được chuẩn bị tốt nhất để đối phó với thiên tai là bởi vì thành phố này đã trải qua những thảm họa thiên tai lớn.

Theo những mô phỏng chính thức về các biến động địa chất gần đây, khả năng xảy ra động đất trong vòng 3 thập kỷ tới trong khu vực thủ đô Nhật là 70%.

Tokyo là đô thị duy nhất trên thế giới nằm trên 3 mảng kiến tạo địa chất. Thành phố Yokohama kế bên là một trong vùng dễ bị động đất và sóng thần nhất, theo nghiên cứu năm 2013 của công ty bảo hiểm Swiss Re.

Trong quá khứ Nhật đã từng trải qua những trận thiên tai lớn.Vào năm 1923, hơn 100 người đã thiệt mạng trong một thảm họa xảy ở Kanto. Gần đây nhất là vào năm 2011, người dân Tokyo đã bị hoảng loạn vì vụ động đất kéo theo sóng thần lớn đã làm hơn 18 nghìn người chết và mất tích tại vùng đông bắc Nhật Bản. Trận thiên tai này còn để lại thảm họa hạt nhân Fukushima.

Ở Tokyo, cho dù tất cả các công trình xây dựng đều chịu được sốc, nhưng vì phải hạn chế sử dụng điện, cũng như các hoạt động nên cuộc sống ở thủ đô đã bị đảo lộn trong nhiều tuần.

Về phần ông Naoshi Hirata, phụ trách viện dự báo động đất thuộc Đại học Tokyo thì khẳng định : « Nếu từ nay đến Thế vận hội 2020 xảy ra một trận động đất trên quy mô lớn trong vùng Tokyo, thì vấn đề không còn là có nên tổ chức Thế vận hội nữa hay không mà là liệu kinh tế Nhật có gượng dậy được hay không ? ». Trong trường hợp đó chỉ có cách tìm một thành phố khác thay thế Tokyo, ông Hirata khẳng định.

Tokyo 2020 đã chuẩn bị gì trong trường hợp động đất sóng thần xảy ra ?

Các nhà tổ chức thì luôn tỏ ra yên tâm rằng các công trình Thế vận hội trong vịnh Tokyo được quy hoạch trên các bãi bồi tôn cao hay đều được bảo vệ bằng các con đê có khả năng chống được thủy triều cao 2 mét.Thế nhưng, thiên tai đôi khi vẫn có sức tàn phá lớn hơn dự tính của con người.

Thành phố Tokyo đang chuẩn bị một cuốn cẩm nang bằng nhiều thứ tiếng để hướng dẫn các du khách của Thế vận hội xử lý các tình huống xảy ra tai họa bất ngờ. Nhiều cuộc diễn tập đã được chuẩn bị để giúp người nước ngoài ý thức được các sự cố có thể xảy ra.

Bởi vì nếu người Nhật đã quen với các bài tập tình huống như vậy thì những người nước ngoài lần đầu đến Tokyo sẽ không biết trú ẩn vào đâu một khi có sự cố động đất. Một trận rung chấn nhỏ cũng có thể làm cho du khách hoảng loạn lớn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170725-olympic-2020-tokyo-ngon-ngang-cong-viec-chuan-bi-cung-noi-lo-dong-dat

 

Nga triển khai quân

đến giám sát hai vùng “an toàn” ở Syria

Trọng Nghĩa

Quân đội Nga ngày 24/07/2017 thông báo là đã cho triển khai lực lượng quân cảnh dọc theo hai vùng « giảm xung đột » – tức là vùng an toàn – được thiết lập ở Syria, một ở miền Tây Nam, và một ở khu vực Đông Ghouta, gần thủ đô Damas. Mục tiêu là để giám sát việc tôn trọng hực hiện hưu chiến.

Trong một cuộc họp báo tại Mátxcơva, tướng Sergei Rudskoy thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nga, cho biết là hai chốt kiểm soát cùng với 10 đồn giám sát đã được dựng lên vào hai ngày 21-22/07 tại miền Tây Nam Syria, ở khu vực bao gồm các vùng Deera, Qouneitra và Soueida.

Cũng theo nguồn tin trên, 2 chốt kiểm soát và 4 đồn giám sát cũng đã được thiết lập ngày hôm qua, 24/07 tại khu vực Đông Ghouta.

Đây là 2 trong số 4 khu vực giảm căng thẳng trong kế hoạch đã được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí vào tháng Năm vừa qua nhân vòng đàm phán ở Astana.

Phía Mỹ, Jordan và Israel đã được « báo trước » về kế hoạch triển khai này, thông qua kênh quân sự ngoại giao.

Theo tướng Rudskoy, việc triển khai lực lượng quân cảnh Nga và thiết lập các chốt, đồn kiểm soát cho phép « hỗ trợ lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, giúp hồi hương người tị nạn và những người bị di dời ».

Vào đầu tháng Bảy, Nga, Mỹ cùng Jordan đạt thỏa thuận cố định các đường ranh giới của vùng an toàn và áp đặt lệnh ngừng bắn tại miền Tây Nam Syria.

Ngoại trưởng Nga Lavrov từng cho là việc thiết lập các vùng « giảm xung đột » là bằng chứng cho thấy là Washington và Mátxcơva hoàn toàn có thể cùng làm việc với nhau để tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170725-nga-trien-khai-quan-den-giam-sat-hai-vung-%E2%80%9Can-toan%E2%80%9D-o-syria

 

Thượng Viện Mỹ lại bỏ phiếu về cải tổ Obamacare

 

Hôm nay, 25/7/2017, tại Washington, Thượng Viện Mỹ quyết định sự sống còn của bộ luật y tế Obamacare. Đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để đảng Cộng Hòa có thể cải tổ chính sách y tế.

Một ngày trước, tổng thống Mỹ Donald Trump, thúc giục đảng Cộng Hòa phải cải tổ y tế bằng mọi giá, tuyên bố rằng :“Obamacare là cái chết”, “Nó chết rồi. Và bây giờ là lúc để chúng ta xây dựng một chính sách y tế tuyệt vời cho người Mỹ”.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã liên tục kêu gọi xóa bỏ Obamacare. Nhưng do nội bộ chia rẽ, đảng Cộng Hòa không thể biểu quyết. Lần này, Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích chính đảng của mình, thúc giục các nghị sĩ Cộng Hòa nhất trí thông qua dự luật mới nhằm bãi bỏ Obamacare.

Theo AFP, Quốc Hội Mỹ hôm nay bỏ phiếu quyết định bãi bỏ Obamacare, nhưng sẽ không đưa ra biện pháp thay thế. Không ít cử tri đảng Cộng Hòa đã bày tỏ quan ngại về hướng đi này của chính quyền Donald Trump.

Hiện tại, nội dung chính xác của bộ luật mới vẫn còn rất mơ hồ. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Ron Johnson cho biết : “Tôi không hề biết chúng tôi sẽ bỏ phiếu cái gì”.

Chủ Nhật, ngày 23/7/2017, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John Barraso nói trên chương trình truyền hình Face The Nation của kênh CBS tại Mỹ : “Cho tới khi bộ luật mới này chính thức được mang tới Thượng Viện, tôi nghĩ không phải ai cũng nói họ sẽ làm gì”.

Đây không phải nỗ lực bãi bỏ và thay thế Obamacare đầu tiên của chính quyền Donald Trump. Những dự thảo luật thay thế trước của Nhà Trắng đều thất bại thê thảm.

Văn phòng Ngân sách Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Budget Office) ước tính số lượng người bị mất bảo hiểm lên tới trên 20 triệu. Nếu lần này chỉ bãi bỏ Obamacare mà không có chính sách thay thế thích hợp, đến năm 2026, 32 triệu công dân Mỹ sẽ không có bảo hiểm y tế.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170725-thuong-vien-my-bieu-quyet-cai-to-obamacare

 

Joon, hãng hàng không giá rẻ mới của Pháp

Tuấn Thảo

Cuối tuần qua, hãng máy bay Pháp Air France thông báo ngày ra đời của Joon, tên gọi chính thức của công ty hàng không chuyên bán vé giá rẻ. Ban đầu có tên gọi là Boost, sau đó đổi tên thành Joon, công ty này bắt đầu hoạt động vào mùa thu năm 2017 với các tuyến bay đường ngắn trong khối châu Âu, và từ năm 2018 trở đi với các tuyến bay đường dài sang các châu lục khác.

Có thể xem công ty Joon là đứa con út của hãng hàng không Air France. Công ty hàng không Pháp từng khai thác trước đây các tuyến bay nội địa với giá rẻ thông qua chi nhánh hàng không Hop, cũng như các tuyến bay châu Âu và quốc tế thông qua công ty Transavia ra đời nhờ sự hợp tác giữa công ty KLM của Hà Lan và Air France của Pháp.

Nói như vậy công ty Joon có gì khác so với hai chi nhánh Hop và Transavia ? Trước hết Joon đặt trung tâm địa bàn hoạt động tại phi trường quốc tế Charles De Gaulle thay vì tại sân bay Orly. Phi trường Orly hiện đang trong tình trạng quá tải, nhất là kể từ khi các biện pháp an ninh được tăng cường. Hy vọng rằng Joon sẽ có được những bước đầu thuận lợi.

Joon là công ty hàng không giá rẻ nhưng chủ yếu nhắm vào đối tượng trẻ ở lứa tuổi 18-35, mà giới chuyên ngành quảng cáo gọi là ‘‘millenials’’. Theo lời cô Caroline Fontaine, giám đốc truyền thông và tiếp thị, lứa tuổi 18-35 có một cung cách tiêu thụ riêng. Họ thường là nữhng thanh niên thanh nữ lớn lên ở thành thị, có kiến thức, năng động, làm việc nhiều nhưng đồng thờ biết hưởng thụ, họ thích đi du lịch vì họ thích khám phá những chân trời mới, tư tưởng luôn mở rộng với thế giới bên ngoài.

So với thế hệ cha anh, lứa tuổi ‘‘millenials’’ thời nay đi du lịch thường xuyên hơn ít nhát là hai hay ba lần trong một năm, xen kẽ các chuyến bay nhân những kỳ đi chơi ngắn ngày với các chuyến đi du lịch đường xa dài hạn. Một trong những đặc điểm khác nữa là lứa tuổi này rất thành thạo về các ứng dụng điện thoại di động và luôn gắn liền với các mạng xã hội. Điều đó có nghĩa là ngoài tiêu chuẩn ưu tiên là giá vé máy bay, Joon còn phải thiết lập những ứng dụng liên kết dễ xài, và gầy dựng một cộng đồng fan trên các mạng xã hội, bởi vì đó sẽ là hình thức quảng cáo hữu hiệu nhất (dù chỉ là rỉ tai nhau hay chia sẻ trên trang cá nhân).

Đối với công ty mẹ Air France, việc phát triển một mạng hàng không giá rẻ : Transavia, Hop, Joon là nhằm để quân bình lại cán cân chi thu. Mặt khác, Joon đáp ứng nhu cầu của một thị trường càng lúc càng nhắm vào một đối tượng cụ thể. Trên lãnh vục này, sự cạnh tranh khá là gay gắt Tây Ban Nha vừa mới tung ra Level Airlines, còn Thụy Điển khai thác từ ba năm nay Nordic Airlines với giá vé trung bình là 380€ một chuyến bay khứ hồi Luân Đôn-San Francisco.

Bất cứ hãng hãng không nào cũng dễ gặp trục trặc trong những bước đầu, nhưng lứa tuổi 18-35 chờ đợi một cách giải quyết hợp tình hợp lý từ phía công ty khi gặp vấn đề. Bằng không, uy tín của công ty dễ bị tổn hại do bị ‘‘ném đá’’ trên các mạng xã hội. Về diểm này nhiều công ty hàng không giá rẻ ở châu Âu như Volotea thiếu đàng hoàng trong cung cách làm ăn sau khi gặp nhiều trục trặc buộc phải hủy một số chuyến bay từ Pháp sang Tây Ban Nha.

Công ty Joon trong cách phiên âm lại gần với chữ June có nghĩa là tháng Sáu trong tiếng Anh, và cũng có đọc gần với Tuổi Trẻ (jeune) trong tiếng Pháp. Tháng Sáu là tháng đầu tiên của mùa hè (vào ngày 21/6 sẽ đạt tới đỉnh điểm do là ngày dài nhất trong năm). Joon hứa hẹn mở ra cho lứa tuổi 18-35 nhiều chân trời mới lạ, nhưng buộc phải gầy dựng uy tín để có thể thuyết phục đối tượng trẻ thời nay.

http://vi.rfi.fr/phap/20170725-joon-hang-hang-khong-gia-re-moi-cua-phap

 

Tổng thống Venezuela khẳng định đang bị CIA âm mưu lật đổ

Thụy My

Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro hôm 24/07/2017 đòi các chính phủ Mỹ, Mêhicô và Colombia giải thích về việc được cho là tham gia một âm mưu do CIA chuẩn bị nhằm lật đổ ông.

Tổng thống Nicolas Maduro tố cáo giám đốc CIA Mike Pompeo vì theo ông, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ « hợp tác trực tiếp với chính quyền Mêhicô và Colombia để lật đổ chính quyền Venezuela ». Ông Maduro yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump phải làm rõ những từ ngữ mà theo ông là « ngạo mạn, mang tính can thiệp » của ông Pompeo.

Ngoại trưởng Venezuela Samuel Moncada đăng trên Twitter các phát biểu của ông Mike Pompeo mà theo ông thì đây là cuộc trả lời phỏng vấn trong một diễn đàn an ninh tại Aspen (Hoa Kỳ) hôm 20/7. Theo tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha này, giám đốc CIA đã nói : « Tôi đến Bogota và Mêhicô cách đây hai tuần, đã nêu ra đề tài (chuyển đổi chính trị tại Venezuela), cố giúp họ hiểu những gì có thể làm nhằm đạt kết quả tốt hơn tại khu vực ».

Bộ Ngoại Giao Colombia trong thông cáo hôm qua khẳng định chưa bao giờ can thiệp vào việc nội bộ của Venezuela. Phía Mêhicô cũng « thẳng thừng bác bỏ » các cáo buộc, đồng thời cho biết « sẵn sàng tham gia vào một giải pháp hòa bình, dân chủ cho cuộc khủng hoảng trầm trọng tại Venezuela, thông qua con đường ngoại giao ».

Đối lập Venezuela tuần này tìm mọi cách để ngăn chận cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến vào 30/7 tới. Phía tổng thống Maduro tuyên bố : « Chủ nhật này, dù mưa bão hay sấm sét, cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến vẫn tiến tới theo ý định của nhân dân ».

Từ bốn tháng qua, hầu như hàng ngày đều diễn ra các cuộc biểu tình đòi tổng thống Nicolas Maduro phải ra đi. Đã có 103 người đã thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và hàng trăm người bị bắt.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170725-tong-thong-venezuela-khang-dinh-dang-bi-cia-am-muu-lat-do

 

Đơn phương trừng phạt Nga,

Quốc Hội Mỹ làm châu Âu bất bình

Tú Anh

Dự luật mới gia tăng trừng phạt Nga do Hạ Viện Mỹ biểu quyết ngày 25/07/2017 không những làm cho Matxcơva tức giận mà còn gây bất bình cho Bruxelles. Các công ty châu Âu trong lãnh vực khí đốt, hợp tác với Nga, có thể bị vạ lây.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa phải hứng chịu một chiến dịch tấn công mạng và tung tin thất thiệt gây nhiễu bầu cử tổng thống mà Nga bị xem là thủ phạm, các nhà lập pháp Mỹ tìm cách trói tay tổng thống Donald Trump. Nhất là vào lúc này, lãnh đạo hành pháp Mỹ muốn cải thiện quan hệ với chủ nhân điện Kremlin. Vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée và can thiệp vào nội tình Ukraina là lý do chính thức để trừng phạt.

Theo AFP, tổng thống Donald Trump không có cách nào cưỡng lại. Tại Hạ Viện Mỹ, số thân hữu của Matxcơva đếm không đầy năm ngón tay. Ở Thượng Viện, trong kỳ biểu quyết hôm 02/06 vừa qua, các biện pháp trừng phạt mới được 98 phiếu thuận trên tổng số 100.

Sau Hạ Viện, văn kiện sẽ được đưa lên Thượng Viện để biểu quyết chung cuộc vào giữa tháng Tám.

Nội dung của dự luật tương đối rộng, bao trùm luôn Iran và Bắc Triều Tiên. Trừng phạt Teheran, nhất là Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế ở Iran bị Mỹ cáo buộc ủng hộ khủng bố. Trừng phạt Bình Nhưỡng vì Kim Jong Un liên tục thử tên lửa đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ.

Quốc Hội Mỹ còn tự cho quyền can thiệp khóa tay tổng thống trong trường hợp Donald Trump quyết định đình hoãn các biện pháp trừng phạt Nga đang thi hành. Nghi ngờ chủ nhân Nhà Trắng tìm mọi cơ hội thuận tiện để hòa giải với đối thủ Nga, phe lập pháp không để Donald Trump một cơ may nào hết.

Trước sức ép của lưỡng viện Quốc Hội, Nhà Trắng gián tiếp cho biết tổng thống sẽ ký ban hành dự luật. Tuy nhiên, cho dù Donald Trump dùng quyền phủ quyết thì Quốc Hội lưỡng viện sẽ biểu quyết chung và có khả năng hội đủ đa số 2 phần 3 để thông qua.

Mỹ trừng phạt Nga đụng chạm tới quyền lợi châu Âu

Từ Berlin, Paris cho đến Ủy Ban Châu Âu ở Bruxelles đều không chấp nhận sáng kiến « đơn phương » của Quốc Hội Mỹ.

Từ trước đến nay, đồng minh hai bờ Đại Tây Dương luôn đoàn kết thành một khối trong các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ bán đảo Crimée. Phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu Margaritis Schinas lo ngại mất « tình đoàn kết trong G7 » cho dù chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean – Claude Juncker có tuyên bố từ trước thượng đỉnh G20 là Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng đáp ứng.

Nhiều nước châu Âu, nhất là Đức tức giận, bởi vì với đạo luật mới này, tổng thống Mỹ có thẩm quyền trừng phạt các doanh nghiệp thầu xây ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Cụ thể, những công ty như Engie của Pháp, Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo … đối tác của kế hoạch « North Stream 2 – Bắc Hải Lưu 2 », nối liền Nga với Đức. Các doanh nghiệp này sẽ khó vay tiền của ngân hàng Mỹ và thậm chí không được tham gia các cuộc gọi thầu của Nhà nước Mỹ.

Từ khi Tây phương ban hành cấm vận và trừng phạt Nga, Washington và Bruxelles có vạch ra một « làn ranh đỏ » là không để ảnh hưởng đến nguồn khí đốt mà châu Âu mua của Nga. Thế mà Mỹ đơn phương hành động không phối hợp với đồng minh.

Phản ứng bất bình của Liên Hiệp Châu Âu có lẽ đã được Quốc Hội Mỹ lắng nghe. Trước khi biểu quyết, dự luật được sửa đổi đôi chút, chỉ liên quan đến những ống dẫn phát xuất từ Nga mà thôi. Nói cách khác, những ống dẫn khí đốt từ vùng Kavkaz của Kazakhstan, đi ngang qua lãnh thổ Nga, đến châu Âu không bị ảnh hưởng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170725-don-phuong-trung-phat-nga-quoc-hoi-my-lam-chau-au-bat-binh