Chiếc Ghế Trống – Phạm Đức Duy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chiếc Ghế Trống – Phạm Đức Duy

Văn bằng và huân chương của giải Hòa Bình Thế Giới (Nobel Peace Prize) năm nay vừa được đặt lên một “chiếc ghế trống” tại buổi lễ trao tặng giải thưởng. Năm 1936, nhà độc tài Hitler cũng đã cấm không cho nhà tranh đấu cho hòa bình người Đức Carl von Ossietzky đi nhận giải. 74 năm sau, lịch sử tái diễn, một chế độ độc tài thiếu dân chủ lớn nhất trên thế giới hiện nay cũng cấm người tù chính trị Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) hoặc thân nhân của Ông ở Trung Cộng đại diện đi nhận giải. Đúng vào lúc lễ trao giải khai mạc tại Oslo Na Uy, các đài truyền hình của thế giới như CNN và BBC tại Trung Cộng đều đồng loạt bị gián đoạn. Cư gia của ông Lưu và gia đình ở Bắc Kinh bị công an bao vây canh giữ không cho bất cứ ai đến gần. Bộ ngoại giao Trung Cộng giận dữ mô tả giải thưởng này là một “trò hề chính trị” và phản ảnh tâm lý chiến tranh lạnh cũng như xâm phạm chủ quyền tư pháp của Trung Cộng!
Thật ra phải nói chính nhóm lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang diễn một “trò hề” thô kệch trước trường quốc tế. Chỉ riêng chiếc ghế trống, không có Lưu Hiểu Ba ngồi đã là một chứng cớ hùng hồn vạch trần bộ mặt trái của những gì đã và đang xảy ra về nhân quyền và dân chủ tại Trung Hoa dưới ách cai trị của tập đoàn Đảng Cộng Sản mà họ đang tìm mọi cách để che đậy và bóp méo.
Việc trao giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba có thể coi là “cái tát” của cộng đồng tự do thế giới vào những lời rêu rao từ phía Trung Cộng về những cải thiện liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận báo chí cũng như những đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến. Và chiếc ghế trống đã chứng minh rằng sự tự do dân chủ “Made in China” hiện nay ở đất nước Trung Hoa chỉ là những “đồ giả”!
Trên thực tế, trong số những nhà đấu tranh dân chủ và bất đồng chính kiến tại Trung Hoa hiện nay, Lưu Hiểu Ba được coi là một trong những người có chủ trương ôn hòa nhất. Trao giải cho Lưu Hiểu Ba, phải chăng người phương Tây có ý nhẹ tay, ngầm cổ xúy một “diễn biến hòa bình” với mong ước những người cộng sản tại Trung Hoa có những thay đổi và nhắn nhủ với người dân Trung Quốc rằng tiếng nói của họ có thể được thế giới lắng nghe? Sau nhiều năm tư tưởng dân chủ được lan truyền xuyên qua những thay đổi về kinh tế, người dân Trung Hoa ngày nay không chỉ sẵn sàng đấu tranh cho các lợi ích kinh tế của họ, mà họ còn mong muốn một sự thay đổi về thể chế chính trị nữa. Có lẽ đã đến lúc những người lãnh tụ ở Bắc Kinh, thay vì “mỵ dân” qua việc lợi dụng tinh thần Hán tộc để củng cố sức mạnh của Đảng, thì nên lấy dân làm gốc, cần phải chấp nhận những xu hướng biến cải về chính trị để có thể hợp quần được sức mạnh của mọi tầng lớp người dân, như cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy đã khai triển trong  “Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn”, để từ đó có thể đem dân chủ tự do hạnh phúc thực sự đến hơn 1 tỷ người dân Trung Hoa và đưa Trung Quốc thực sự trở thành một cường quốc trong thế giới tự do.
Trong khi cả thế giới tuyên dương Lưu Hiểu Ba, lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam như ngựa bị che mắt chỉ quen đường cũ, hoàn toàn bị khống chế bởi quan thày ở Trung Nam Hải, đã cùng với một số nước khác đang bị áp lực chính trị và kinh tế từ phía Trung Cộng hoặc có thể chế độc tài như Cuba, Serbia, Ukraine, Nga, Pakistan, Iran, Venezuela, v.v… tẩy chay không tham dự lễ trao giải. Như đã được đề cập trong cuốn phim tài liệu “Đại Họa Mất Nước” do Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy thực hiện mới đây và phổ biến rộng rãi trên youtube, bè phái lãnh tụ Đảng Cộng Sản tại Hà Nội vì lòng tham lam quyền lợi cá nhân đã trở thành những Lê Chiêu Thống thời đại góp phần không nhỏ trong âm mưu thôn tính của ngoại bang phương bắc. Những nguời trong đảng cộng sản, trong quân đội, công an Việt Nam còn có ý thức dân tộc và tinh thần Diên Hồng cần mau góp phần chuyển hóa vận mạng quốc gia. Hãy vì lợi ích chung của dân tộc, đứng về phía người dân, dành lại quyền lãnh đạo đất nước từ tay những kẻ nội thù của dân tộc để đưa Việt Nam thoát khỏi những thủ đoạn bành trướng và âm mưu thôn tính của Trung Cộng hiện nay ngõ hầu đưa hơn 80 triệu người Việt Nam bắt đầu bước lên đại lộ tự do dân chủ.
Đông Bắc Hoa Kỳ, ngày 10 tháng 12, 2010.