Năm Cuối của Hồ Cẩm Đào – Phạm Đức Duy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Năm Cuối của Hồ Cẩm Đào – Phạm Đức Duy

Triều đại Hồ Cẩm Đào đang bước vào năm cuối, người ta nhận thấy nhiều nhà quan sát tại Trung Cộng (TC) cùng chia sẻ một sự thất vọng lớn. Hồ bị chỉ trích vì sự “không hành động” (inaction), một từ ngữ thường được dùng trong các blog và những trao đổi hàng ngày trong nước. Một số trí thức nổi bật đã công khai nhận định là hai nhiệm kỳ lãnh đạo của Hồ là “một thập niên bị đánh mất”. Sự luyến tiếc những người lãnh đạo cũ, điển hình qua việc đón nhận nồng nhiệt của quần chúng đối với sự xuất hiện của Giang Trạch Dân vào tháng 10 và tác phẩm gần đây của Chu Dung Cơ, cũng chứng tỏ thêm họ Hồ không còn được đa số ủng hộ.
Nhiều nhà quan sát nước ngoài rất ngạc nhiên khi nghe những lời bình luận TC là một đất nước với một thập niên bị đánh mất. Trong mười năm qua, TC trỗi dậy như một anh khổng lồ với những thành quả đáng kinh ngạc về tài chính và sức mạnh kinh tế toàn cầu. Tổ chức Thế Vận Hội tại Bắc Kinh, World Expo tại Thượng Hải, sự phát triển năng động của hạ tầng cơ sở tại các khu vực ven biển và cả nội địa cũng như việc bắt đầu chương trình không gian đầu tiên có phi hành gia, lượng GDP tăng gấp 4 lần, lượng xuất cảng tăng 5 lần, tất cả đều xảy ra trong nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào. Người ta giải thích như thế nào về sự trái ngược giữa nhận thức của quốc tế về những thành công của TC và các quan điểm tiêu cực bên trong TC về nhà cầm quyền? Có đúng những khó khăn là do lỗi lầm của họ Hồ? Hay là vì bản chất của tập thể lãnh đạo và phe phái nội bộ đấu đá lẫn nhau, trong đó có những bế tắc về chính sách có thể gây ra bởi các đối thủ trong Đảng của Hồ?
Hồ Cẩm Đào bước lên đài danh vọng trong niềm lạc quan của người dân tại TC và cả giới người Hoa ở nước ngoài với những mong đợi cho nhiều thay đổi từ nhà lãnh đạo bí ẩn đầy tham vọng này. Ngay sau khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ 16 vào năm 2002, viễn kiến của Hồ cho một đất nước phát triển đã được thể hiện qua ba phần, rất khác biệt với đường lối của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân:
– Trong khi Giang đã được biết đến với lập trường cứng rắn về Đài Loan, Hồ Cẩm Đào muốn tiếp cận một cách mềm dẻo để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các quan hệ kinh tế và văn hóa, những cuộc đàm phán cao cấp và cho phép các chuyến bay trực tiếp ngõ hầu làm giảm các căng thẳng tại vùng eo biển Ðài Loan.
– Về chính sách đối ngoại, Hồ chủ trương “ngoại giao đa phương” với sự chú trọng vào cái gọi là chính sách “láng giềng tốt”. Đây là điểm khác biệt lớn so với chiến lược “ngoại giao quyền lực” của Giang Trạch Dân. Hồ chú tâm vào việc cải thiện các mối quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt ở Đông Nam Á.
– Ngược lại với họ Giang thường để tâm vào việc tăng trưởng GDP và chiến lược phát triển các vùng ven biển lấy Thượng Hải làm trọng tâm, Hồ đi theo quan điểm “xã hội hài hòa”, nhấn mạnh sự bình đẳng về kinh tế và xã hội cũng như phân bổ lại nguồn lực cho các khu vực nội địa.
Người Trung Hoa dường như tràn đầy những lạc quan mới trong buổi đầu họ Hồ lãnh đạo. Bài phát biểu quan trọng đầu tiên với cương vị Tổng Bí Thư, Hồ chú trọng vào “sự bất khả xâm phạm của Hiến pháp” trong phiên họp nghiên cứu đầu tiên của Bộ Chính Trị. Theo sáng kiến ​​của họ Hồ, nhà cầm quyền TC, lần đầu tiên tuyên bố những số liệu thống kê về bất ổn xã hội trong nước và thông qua quan điểm cho rằng nhân dân có quyền biết sự thật.
Chính quyền Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo được bắt đầu với những việc làm tích cực qua những hành động cương quyết trong cuộc khủng hoảng SARS vào mùa xuân năm 2003, bao gồm cả việc thanh trừng Bộ trưởng Y tế và Thị trưởng Bắc Kinh vì những sai lầm thiếu sót trong thời gian khủng hoảng. Nhờ vào các biện pháp đem lại các hiệu quả mới, Hồ và Ôn đã đạt được sự ủng hộ nhiệt tình của giới lãnh đạo có khuynh hướng vì dân (populist). Các chính sách Hồ và Ôn đưa ra như loại bỏ thuế nông nghiệp cho nông dân, hỗ trợ khoan dung hơn đối với giới lao động nhập cư, ưu tiên kinh tế cho các thành phố nội địa, thiết lập các dịch vụ y tế cơ bản, tăng mức lương tối thiểu ở khu vực thành thị và thúc đẩy các dự án nhà ở với giá rẻ, tất cả đều phù hợp với quan niệm vì dân. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng như thế nào trong hơn chín năm qua lại là chuyện khác.
Như đã từng xảy ra với nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới, sự nhiệt tình ban đầu của mọi người có thể nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng sâu xa. Hồ Cẩm Đào không phải là ngoại lệ. Trong ba viễn kiến đưa ra ở phần trên, Hồ có lẽ đã chỉ đạt được thành quả đáng kể trong mối quan hệ Đài Loan-TC. Tình hình eo biển đã rõ ràng trở nên ổn định hơn, một phần do cuộc bầu cử Mã Anh Cửu của Đài Loan vào năm 2008 và một phần do sự quản lý thực dụng của Hồ về vấn đề này.
Bên cạnh mối quan hệ eo biển, TC phải đối mặt với một hoàn cảnh ngày càng phức tạp và đầy thách thức trên trường quốc tế, mặc dù, hoặc có lẽ chính vì, quyền lực ngày càng tăng và càng ảnh hưởng nhiều hơn trên thế giới của TC. Hiện nay, có một số điểm nóng dọc biên giới và vùng biển TC. Việc Bắc Kinh hỗ trợ Bình Nhưỡng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự lớn với Nam Hàn và đồng minh chính Hoa Kỳ. Căng thẳng âm ỉ với Nhật Bản rất có thể bị gia tăng bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại cả hai nước. Bất đồng về lãnh hải tại vùng Biển Đông có thể làm trầm trọng thêm quan hệ với một số quốc gia, trong đó có Phi Luật Tân và Việt Nam. Những tranh chấp từ lâu liên quan đến lãnh thổ và nguồn nước với Ấn Độ có vẻ quá nặng nề để có thể được giải quyết sớm. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, khi một số nhà phê bình tại TC lập luận rằng chính sách láng giềng tốt của Hồ là hoàn toàn thất bại.
Trầm trọng nhất có lẽ là sự thất bại của Hồ về việc xây dựng một xã hội hài hòa. Những lời thuyết phục của Hồ về xã hội hài hòa thường bị mỉa mai vì mức chi tiêu quốc gia về an ninh công cộng trong những năm gần đây đã tăng vọt lên 84 tỷ đô la, vượt chi tiêu quốc phòng trong năm 2010. Con số này, bao gồm lực lượng công an nội bộ và quản lý cuộc biểu tình, phản ánh nhiều vấn nạn xã hội đang gia tăng, bao gồm sự chênh lệch về thu nhập ngày càng nhiều. Hệ số Gini của TC, tiêu chuẩn đo lường khoảng cách thu nhập, đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2002 và lên tới 0.47 vào năm 2010, vượt xa con số 0.4 là chỉ dấu của các học giả đưa ra cho một tiềm năng rất bất ổn trong xã hội. Sự tham nhũng trong giới cầm quyền cũng đã đạt đến một mức độ chưa từng thấy trong vài năm qua, đặc biệt trong các lãnh vực mà nhà nước độc quyền như đường sắt, dầu khí, tiện nghi điện nước, ngân hàng và viễn thông. Truyền thông chính thức của TC gần đây đã loan tin một cán bộ hàng Bộ Trưởng của ngành hỏa xa có số tài khoản ở các ngân hàng Thụy Sĩ và Mỹ lên tới 2.8 tỷ đô la.
Trong khi giới trí thức “lề trái” chỉ trích mạnh mẽ sự dung túng của Hồ đối với mức độ tham nhũng gia tăng, những người theo chủ nghĩa tự do thất vọng nhiều hơn nữa bởi lời hứa trống rỗng của Hồ Cẩm Đào về cải cách chính trị cũng như các phương tiện truyền thông và internet các ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ. Những sửa đổi chính trị của TC, bao gồm cả các cuộc bầu cử nội bộ Đảng, đã không tạo được bất cứ một tiến bộ nào, kể từ Hội nghị lần thứ tư của Ủy Ban Trung Ương hồi mùa thu năm 2009. Nhiều biện pháp được đưa ra trong các cuộc bầu cử nội bộ Đảng, trên thực tế, đã được thông qua tại các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 vào năm 1987 và lần thứ 15 vào năm 1997. Họ Hồ cũng đã có những đàn áp khắc nghiệt đối với những nhà chính trị bất đồng chính kiến tranh đấu cho dân chủ, sách nhiễu các luật sư về nhân quyền và hạn chế nhiều hơn những hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Đại đa số tầng lớp trung lưu ngày nay đã ”vỡ mộng”. Họ rất thất vọng ở Hồ Cẩm Đào với rất nhiều lý do chính đáng trong đó có tham nhũng như đã nói ở trên, kiểm duyệt internet và các phương tiện truyền thông, cùng với độc quyền ngày càng tăng của các doanh nghiệp nhà nước trong khi doanh nghiệp tư nhân càng bị thu hẹp. Người dân Trung Hoa bây giờ thường châm biếm “nhà nước thì đi lên và tư nhân bị thụt lùi”. Giới trung lưu thường phàn nàn rằng chính họ, chứ không phải những người giàu trong xã hội- là giới phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất cho chính sách xã hội hài hòa của Hồ nhằm nâng đỡ giới nghèo như nông dân, lao động nhập cư và người nghèo tại vùng đô thị. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cao trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học, thường là từ các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, lên tới hơn một triệu người mỗi năm. Tỷ lệ tại các kỳ thi dịch vụ dân sự đã xuống khá thấp, chỉ được gần 2% năm nay, tương phản với mười năm trước khi rất nhiều công chức bỏ việc để làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân.
Có thể quá sớm để đưa ra một phán quyết rõ ràng về những thành tích và thất bại của Hồ Cẩm Đào. Ngoài ra, nhiều vấn đề xảy ra hoặc không được giải quyết trong thời của Hồ có thể có nguồn gốc hoặc theo chu kỳ ngoài tầm tay của họ Hồ. Cũng có thể những lời chỉ trích đổ lỗi Hồ chỉ phản ánh quan điểm của các nhà lãnh đạo, học giả và tầng lớp trung lưu, còn đa số giới nông dân và lao động nhập cư có thể vẫn ủng hộ Hồ. Trong thời đại thông tin ngày nay với các phương tiện truyền thông trong xã hội, ý kiến ​​các nhà lãnh đạo nói riêng và tầng lớp trung lưu nói chung thường kiểm soát được dư luận chính trị.
Sự thành công thường có nhiều cha, nhưng thất bại luôn là đứa trẻ mồ côi. Những người làm chính trị thường tìm một vật tế thần cho các vấn nạn về chính sách và những cạm bẫy chính trị và cũng hiếm có nhà lãnh đạo hàng đầu nào sẵn sàng để chính quyền của họ nhận chịu các lỗi lầm thiếu sót. Đảng Cộng Sản cầm quyền tại TC ngày nay được dẫn dắt bởi hai phe nhóm thế lực chính trị ngang ngửa cạnh tranh lẫn nhau. Một bên là Hồ, nhân vật đầu trong Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị chín người hiện nay, cùng với Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, lãnh đạo nhóm thứ nhất, thường được phương Tây gọi là nhóm “populist”. Phe còn lại, “elitist”, do Chủ Tịch Quốc Hội Ngô Bang Quốc (Wu Bangguo) và Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin) -Chủ Tịch Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc- đứng đầu. Hội Nghị này là một cơ quan cố vấn chính trị của TC, bao gồm các đảng viên và các thành viên không phải đảng viên do Đảng lựa chọn, có mục đích thảo luận các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Cơ quan này tổ chức đại hội hàng năm vào cùng thời gian với đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Hai ứng cử viên hiện nay được xem là hàng đầu trong thế hệ lãnh đạo tiếp nối là Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Phó Thủ Tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đều là đại diện cho một trong hai nhóm này.
Nhóm Ngô-Giả, bao gồm các hậu duệ của các cán bộ nổi bật và có ảnh hưởng lớn (princelings) và phe phái băng đảng tại Thượng Hải, đại diện cho lợi ích của gíới tư bản đỏ, các doanh nhân và khu vực ven biển; trong khi Hồ-Ôn nói chung nghiêng về những lợi ích cho tầng lớp lao động và khu vực nội địa và bao gồm các đoàn viên trước đây của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản và cũng là căn cứ quyền lực của Hồ Cẩm Đào.
Hồ có thể đổ lỗi cho nhóm elitist đã ngăn chặn chính sách kiểm soát kinh tế vĩ mô của mình để có cơ hội làm giàu thủ lợi riêng. Sau nhiều năm đấu đá hậu trường, Hồ Cẩm Đào cuối cùng mới có thể sa thải cựu Bí thư Đảng tại Thượng Hải Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), người đã phản đối thẳng thắn chính sách kinh tế của Hồ. Chương trình trợ cấp nhà ở của Hồ cũng đã bị các nhóm lợi ích doanh nghiệp bất động sản có quan hệ mạnh mẽ với các nhà lãnh đạo elitist cản trở tại rất nhiều nơi. Hiện nay, Hồ Cẩm Đào còn khó chịu nhiều hơn nữa về việc Bí thư Đảng của Trùng Khánh là Bạc Hy Lai (Bo Xilai) -một nhân vật hạng nặng trong nhóm elitist với gốc gác con ông cháu cha- gần đây đã áp dụng sách lược của Hồ để làm suy giảm quyền lực của chính Hồ. Bạc đã nỗ lực theo đuổi một chiến dịch tự quảng bá nhằm mục đích thiết lập Trùng Khánh là một mô hình chính trị cho cả nước.
Càng ngày càng có nhiều cuộc tranh luận công khai về tư tưởng và chính sách cũng như những minh bạch về chính trị có thể được xem như là những tiến bộ lành mạnh trong việc quản trị tại TC. Tuy nhiên, khi bất đồng nội bộ về tư tưởng và các trò đổ lỗi cho nhau trong gioi lãnh đạo hàng đầu trở thành quá chia rẽ để có thể hóa giải, sẽ khiến cho quá trình quyết định những vấn đề quan trọng trở thành dài hơn, phức tạp hơn và nhiều khi dẫn tới bế tắc.
Một triết gia nổi tiếng của viện Khoa Học Xã Hội là Xu Youyu và giáo sư luật Wang Yi tại Đại Học Thành Đô đã bày tỏ sự thất vọng đối với Hồ Cẩm Đào từ hồi đầu năm 2005. Ông Xu tuyên bố “các chính sách của Hồ Cẩm Đào còn tồi tệ hơn của Giang” trong khi Wang cũng lưu ý mọi người là Hồ Cẩm Đào có tư tưởng bảo thủ hơn so với Giang Trạch Dân. Theo nghiên cứu gia Cheng Li của John L. Thornton China Center, Tập Cận Bình hay người nào khác nhận chức Tổng Bi Thu vào mùa thu năm nay, sẽ có ít thời gian để giải quyết những khó khăn. Họ sẽ phải làm cho mọi người nhận thấy họ khác với người tiền nhiệm bằng cách trình bày một lối nhìn mới, rõ ràng và nhất là thực hiện được các bước cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng dai dẳng.
Những dữ kiện và nhận định trên có lẽ còn cần nhiều tranh luận và phân tích nhưng cũng phần nào cho ta thấy được những thay đổi khá nhanh chóng, sâu sắc về xã hội, chính trị, mối quan hệ rộng rãi giữa giới cầm quyền và quần chúng, những đấu đá nội bộ giữa các phe phái ngày càng căng thẳng và có thể dẫn đến bế tắc chính trị, quyền lực ngày càng tăng của giới trung lưu, sự phát triển của các phương tiện thông tin, vai trò nhu cầu của quần chúng, của công luận, và quan trọng nhất, là sự đòi hỏi cấp bách của việc cải cách hệ thống chính trị cho tốt hơn để có thể thích ứng với những thay đổi mới này. Những người lãnh đạo nhiệm kỳ tới và ĐCS TC chắc sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn và thách thức hơn là người ta có thể dự đoán.

Tài liệu tham khảo:
The Brookings Institution, Asia Times, Telegraph, Financial Times