Tưởng Niệm Cố GS Nguyễn Ngọc Huy năm thứ 24, nhìn lại con đường đấu tranh Dân Chủ Hoá Việt Nam – Bs. Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tưởng Niệm Cố GS Nguyễn Ngọc Huy năm thứ 24, nhìn lại con đường đấu tranh Dân Chủ Hoá Việt Nam – Bs. Mã Xái

Mùa Tưởng niệm G.S. Nguyễn Ngọc Huy năm nay được tổ chức tại nhiều quốc gia  trên thế giới và năm nào cũng rơi vào thời điểm của những chuyển động quốc nội và quốc tế dồn dập tác động đến nỗ lực đấu tranh dân chủ hoá Việt Nam của toàn dân đối với chế độ CSVN, trước họa mất nước vào tay Trung Cộng. Giáo sư Nguyễn Ngọc qua đời ngày 28-07-1990 tại Paris trên đường đi tham dự Đại Hội Thế Giới Liên Minh Dân Chủ Việt Nam tại Hòa Lan vào tháng Tám năm 1990. Trong bài thuyết trình viết sẵn, dự trù cho Đại Hội, Giáo sư để lại một số di bút về con đường đấu tranh dân chủ hoá Việt Nam, dựa vào tình hình thế giới và nội tình CSVN lúc bấy giờ, trong thập niên 90.

GS Nguyễn Ngọc Huy và Viễn kiến về dân chủ hoá Việt Nam vào thập niên 90.

Nhìn lại tình hình chính trị vào thập niên 90 mối quan hệ Việt-Trung-Liên Xô-Hoa Kỳ rất phức tạp, nhứt là trong giai đoạn từ 1972-90; lúc bấy giờ Hà Nội lại kết thân với Liên Xô, trong khi Bắc Kinh lại bắt tay với Hoa Thạnh Đốn sau cuộc gặp gỡ Mao-Nixon năm 1972; qua tuyên bố chung Thượng Hải hai bên cam kết liên minh đối đầu với Liên Xô, góp phần thay đổi cục diện Chiến Tranh Lạnh; trong thời điểm này Trung Cộng lại ủng hộ Hoa Kỳ trong viêc giải quyết chiến cuộc Đông Dương, cả hai ủng hột giải pháp chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, theo mô hình Nam Bắc Triều Tiên; Hà Nội lúc đó gọi Bắc Kinh là bọn phản động, bọn xét lại, ôm chân đế quốc Mỹ. Và Hà Nội xé bỏ Hiêp định Paris 73, xua quân cưỡng chiếm Miền Nam năm 1975, quan hệ Việt Trung càng thêm căng thẳng, Hà nội theo lệnh Liên Xô, xua quân đánh Campuchia, triệt hạ đàn em của TC là Khờ Me Đỏ, ký hiệp nghị quân sự Việt-Xô, cho Kremlin thuê cảng Cam Ranh.  Đặng Tiểu Bình sang Hoa Kỳ thông báo cho Washington biết ông sẽ mở cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung 1979 chủ yếu “dạy cho CSVN bài học vong ân bội nghĩa”. Năm 1988 TC lại chiếm lấy đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Cũng vào giai đoạn này, chủ nghĩa CS đang trên đường thoái trào ngay tại cái nôi Liên Xô và ở các nước Đông Âu, rồi Liên Xô sụp đổ (1991), CSVN mất chỗ dựa, thiếu viện trợ từ khối anh em XHCN. Miền Bắc thật sự rơi vào tình trạng nghèo đói, càng thê thảm hơn từ khi TBT Nguyễn văn Linh khựng lại chủ trương Đổi Mới (1986) vì thấy Liên Xô thay đổi quá mau, nguy cơ đưa tới sự tan rã chế độ CS. Để cứu đảng và chế độ, Hà Nội lại muối mặt quay đầu thần phục Bắc Kinh: Nguyễn văn Linh, Đỗ Mười lại sang chầu Giang Trạch Dân và Lý Bằng tại Hội Nghi Thành Đô (1990); nội dung thỏa thuận được giữ bí mật, nhưng rồi cũng bị tiết lộ. Theo đó CSVN cam kết liên minh ý thức hệ, duy trì chủ nghĩa CS và trung thành với sự chỉ đạo của đảng CS Trung Quốc; quan hệ lệ thuộc lần lượt phơi bày với thời gian qua các hiệp định bán đất, bán biển, bán đảo, lệ thuộc kinh tế, lệ thuộc văn hóa, lệ thuộc ngoại giao, mong được Bắc Kinh bảo đảm quyền thống trị đất nước. Lúc bấy giờ CS Hà Nội ít ra cũng có chỗ dựa ý thức hệ, vì về mặt kinh tế Trung Cộng vẫn còn đang ở thời kỳ phát động “Mô hình Trung Quốc”, dù được sự đầu tư lớn lao của tư bản Hoa Kỳ và Tây phương, cũng không thể giúp đỡ Việt Nam để giải quyết vấn đề phát triển vì chính Trung Cộng cũng còn ở tình trạng khó khăn về kinh tế. Rốt cuộc, theo gương Đặng Tiểu Bình, đảng CSVN cần cầu viện Tây phương, nhứt là cần Tây phương đầu tư mới thúc đẩy sự sản xuất. Để nhận sự giúp đỡ , và thu hút đầu tư ngoại quốc, Hà Nội phải hứa hẹn với các nước Tây Phương về dân chủ hoá chế độ, về cải thiện nhơn quyền, nhưng bản chất giáo điều của CS vẫn không thay đổi. Phân tích về bối cảnh quốc tế trước xu thế thoái trào của chủ nghĩa Cộng Sản trong thập niên 90, về sự sống còn của đảng CS trước vấn nạn bất ổn xã hội vì nghèo đói, Hà Nội rõ ràng có nhu cầu cấp bách cần sự giúp đỡ của Tây Phương, nhứt là Hoa Kỳ , Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nghĩ rằng Cộng Sản Việt Nam ở vào thế không thể ngoan cố mãi  nên rồi sẽ phải chấp nhận con đường dân chủ hoá và tự do hoá chế độ; hoạt cảnh cho con đường dân chủ  này có thể theo những diễn tiến khác nhau:

1. Chính phe bảo thủ đảng CSVN nhận chân rằng quyền lợi của chính họ là cần thay đổi để có thể còn chỗ đứng trong xã hội Việt Nam tương lai, và họ sẽ chấp nhận và thực hiện sự thay đổi;

2. Nếu phe bảo thủ bám lấy chánh quyền mà không chịu thay đổi, thì phe chủ trương cải cách bằng cách này hay cách khác sẽ lật đổ họ để tiến hành sự thay đổi;

3. Nếu phe chủ trương cải cách không lật đổ đươc phe bảo thủ để thay đổi thì   nhơn dân Việt Nam sẽ đứng lên tranh đấu để tranh đoạt chánh quyền và thay đổi chế độ. (nguồn: Di Cảo II “Những Lời cuối của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy“; Mekong Tỵ Nạn Xuất Bản).

Như vậy, con đường dân chủ hoá Việt Nam như nhận định của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy thì hoặc là diễn biến hòa bình, hay con đường cách mạng mà con đường nào cũng đòi hỏi sự tranh đấu quyết liệt của quần chúng, trong chủ trương bất bạo động, mục tiêu vẫn phải là giải trừ chế độ CS với ba mặt chiến lược gồm lực lượng quốc nội là chánh, trực diện đấu tranh với Cộng Sản, song song với sự yểm trợ của các đoàn thể, cộng đồng tỵ nạn hải ngoại, đóng vai trò hậu phương và sự vận động quốc tế hỗ trợ vào công cuộc đấu tranh cho chánh nghĩa, mà thường được gọi là phương trình Nguyễn Ngọc Huy. Tại quốc nội vào thời điểm thâp niên 90, dù bị trấn áp và tù đầy, đảng Tân Đại Việt trong nước vẫn có mặt trên nhiều tỉnh, thành phố, bên cạnh các đảng cách mạng truyền thống còn bám trụ trong nước. Bên ngoài, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam đã có mặt hầu hết ở các châu trên thế giới, Giáo Sư đã vận động sự đoàn kết và thành lập “Uỷ Ban Điều hợp Các Tổ Chức Tranh Đấu Cho Việt Nam Tự Do” (17/9/89); một công trình quan trọng khác, từ năm 1986, Giáo Sư vận động và thành lập Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Viêt Nam Tự Do.

Nhưng tâm nguyện đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ, pháp trị chưa thành thì định mệnh khắt khe đến với nhà chí sĩ của thời đại; cơn bịnh hiểm nghèo đã mang Giáo Sư về bên kia thế giới, nhưng tinh anh của người quá cố vẫn còn sống mãi với hậu thế. Viễn kiến về dân chủ hóa và sách lược đấu tranh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã trao lại cho thế hệ nối tiếp sau khi Người khuất bóng, tại hải ngoại cũng như quốc nội.

Con đường Dân Chủ Hóa Việt Nam và con đường Bắc Thuộc Thành Đô

Một phần tư thế kỷ trôi qua, GS Huy đã phác hoạ con đường Dân chủ hóa và tự do hóa Việt Nam, nó vẫn còn có giá trị hướng dẫn, tất nhiên cần biến cải cho phù hợp với tình hình biến chuyển của quốc nội và thế giới ở thế kỷ 21này, vào thời đại thông tin, toàn cầu hoá. Trật tự quyền lực thế giới đã thay đổi; nhiều quốc gia đang phát triển chịu sự chi phối và quản trị dưới chánh thể khác nhau phải tìm con đường sống còn cho dân tộc đã thôi thúc các nhà lãnh đạo mở mắt tiếp cận cộng đồng thế giới để đi vào dòng chính của tiến trình toàn cầu hoá, theo xu thế dân chủ nhơn quyền của thời đại, để phát triển đất nước. Còn Việt Nam? Những cục diện lớn nổi bật làm thay đổi bộ mặt thế kỷ 21 này là sự trỗi dậy không hài hòa của cường quốc Trung Cộng, với chánh sách bành trướng bá quyền, tham vọng khống chế Châu Á Thái Bình Dương với sách lược làm cản trở chánh sách Tái Cân Bằng/Đổi trục của siêu cường Hoa Kỳ, trong lúc cuộc thánh chiến Hồi Giáo lại bùng nổ ở Trung Đông, nội chiến ở Syria, bất ổn triền miên Israel-Palestine, bất ổn chánh trị ở những quốc gia hậu Mùa Xuân Ả Rập, vấn đề hạt nhân ở Iran, Bắc Triều Tiên, sự chuyển mình của ASEAN, việc Putin đánh chiếm Crimea tạo sự khủng hoảng Ukraine với tham vọng điên cuồng hồi sinh của đế quốc Liên Xô.

Trong lúc thế giới đang trải nghiệm những biến động trong mọi lãnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, môi trường, tác động đến mối an nguy cho nhơn loại thì CSVN, sau 39 năm cưỡng chiếm Miền Nam (30-04-75) vẫn tiếp tục chế độ toàn trị, độc tài, độc đảng, khoác dưới chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua kỳ đại hội toàn quốc thứ XI, đảng CSVN vẫn quyết tâm độc quyền lãnh đạo đất nước và đưa đất nước quá độ tiến lên XHCN, trấn áp các nhơn sĩ bất đồng chánh kiến, phong trào tranh đấu dân chủ, nhơn quyền, các nhà tu đòi tự do tôn giáo, và trừng trị thẳng tay những cuộc xuống đường chống Trung cộng xâm lăng bờ cõi chỉ vì biểu lộ lòng yêu nước. Trong lúc nền kinh tế đang trên bờ vực thẩm, nước nhà tụt hậu mà các lãnh đạo cấp cao và những nhóm lợi ích đã trở nên tỉ phú, chưa kể những tranh chấp quyền lực trong cấp lãnh đạo giữa phe bảo thủ và cấp tiến, giữa nhóm thân Trung Cộng và Tây phương, nhưng cả hai phe vẫn nhứt trí trong trấn áp những ai dám đối kháng lại đường lối đảng. Nhưng đảng CSVN không còn che dấu được bản chất hèn với giặc lại ác với dân mình, cũng không còn dấu giếm được cung cách chủ tớ trong quan hệ ý thức hệ Việt-Trung từng được che dấu trong phương châm “Sơn thủy tương thân, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”; quan hệ mờ ám ơn đền oán trả lần lần được khai mở trước nhơn dân và thế giới về những văn kiện bán nước, nhượng biển, bán đảo, bán đất cho Trung Cộng, và gần đây thỏa hiệp Tập Cận Bình-Trương Tấn Sang (21/06/2013) với 10 văn kiện hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh, nhơn dân cũng không quên bản tuyên bố chung dài 3,208 chữ của Nguyễn Phú Trọng trong thăm Trung Cộng ngày 12/10/2011 để “Khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt Trung là tài sản quý báu chung của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố , phát triển, truyền mãi cho thế hệ mai sau”; nhơn dân cũng không quên nhà nước CSVN  cho phép tập đoàn Trung Cộng khai thác quặng bauxite trên vùng chiến lược Tây nguyên.

Nhưng rồi tình hữu nghị “16 chữ vàng”, “Bốn Tốt” lại đi vào một bước ngoặt mới khi Trung Cộng cho đặt giàn khoan HD-981 ngay trong vùng đăt quyền kinh tế (2 tháng Năm, 2014) để chứng tỏ “chủ quyền không tranh cãi” trên Biển Đông, và để biểu dương sức mạnh bành trương bá quyền nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế. Không còn ai lạ về biến cố này nằm trong chiến lược trường kỳ xâm chiếm Việt Nam, từng bước khống chế toàn vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong chiến lược biển, bành trướng của Đại Hán. Viễn tượng mất nước trong cảnh nhục nhã như thế mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thậm thụt tìm con đường hòa hiếu xin mối từ tâm của TC dù đã bị Tập Cận Bình từ chối việc xin triều kiến, ngược lại Bắc Kinh lại cử Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện sang Hà Nội (6/2014) cao ngạo khuyên Việt Nam “đừng quấy nhiễu” các giàn khoan, và sẽ “lãnh hậu quả“ nếu có những động thái không hàng phục, và với giọng trịch thượng hơn, kêu gọi tập đoàn lãnh đạo CSVN như “đứa con hoang hãy mau quay đầu về”. Thật là nhục nhã trong lịch sử “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự” (nhận định của Nguyễn Cơ Thạch về thoả thuận Thành Đô 1990). Tình hình tiếp tục căng thẳng, Trung Cộng chẳng những đưa thêm tàu chiến mà có cả phi cơ quân sự lượn quanh giàn khoan HD-981, lại triển khai đường băng máy bay tại đảo Gạc Ma.  Ai cũng biết cho tới 2 tuần sau ngày đặt giàn khoan, Hà Nội mới lên tiếng kêu gọi toàn dân đoàn kết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và tới ngày nay Tổng Bí Thơ ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng vẫn còn lay hoay thậm thụt cầu hoà với Bắc Kinh mong cầu hàn gắn lại lá chắn hữu nghị ý thức hệ; một mặt Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng  lại tiếp tục đánh tiếng hướng về Hoa Thạnh Đốn mưu tìm lối thoát cho “đại cục”;  TT Dũng đã bắt tay với Phi luật Tân, một đồng minh của Hoa Kỳ, và tuyên bố tại Manila không cần “hữu nghị viễn vông “với Trung Quốc;  nhưng có điều gì lấn cấn trong Bộ Chánh trị cộng sản khiến Ông Phạm Bình Mình trong chuyến đi sang Mỹ bị ngưng lại, dù có lời mời chánh thức của ông Kerry; cái lấn cấn đó cho thấy phe bảo thủ Nguyễn Phú Trọng thân Bắc Kinh đã ngăn cản được phe Nguyễn tấn Dũng, khiến việc đẩy mạnh chiến lược nâng cao tầm quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ rõ ràng găp nhiều khó khăn; và việc rút giàn khoan HD-981 trước hạn kỳ trung tuần tháng Tám 2014 dù TC cho biết đã hoàn tất việc thăm dò, vì lý do mưa bão nhưng sự kiện đó đang mở cửa cho đứa con hoang Hà Nội trở về con đường hòa hiếu với Trung Nam Hải. Ngày 21/7/2014, bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm quang Nghị, một uỷ viên Bộ chánh trị đến Washington DC chắc không để đẩy mạnh quan hệ “đối tác toàn diện “ với Hoa Kỳ lúc này khi Trung Cộng đã dời giàn khoan 981 và trong khi phe gọi là thân Tây Phương Bộ trưởng Phạm Bình Minh mất dịp thương thảo với người đồng nhiệm John Kerry dù đã được dự trù. Trong cuộc tranh giành quyền lực trong cung đình Hà Nội, phe Nguyễn Phú Trọng một lần nữa có thể đã hơn một lần nắm được thế thượng phong, có thể đẩy đồng chí X ra khỏi vị trí ứng viên lãnh đạo trong đại hội thế giới kỳ XII của đảng CSVN. Nhiều nhà phân tích thời cuộc còn đoán Phạm Quang Nghị sẽ còn có vai trò quan trọng sau đại hội Đảng thứ XII năm 2016. Trước đó, trong hồ sơ Biển Đông (South China Sea) Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 10/7 đã yêu cầu Trung Cộng rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vị trí hiện tại, đảm bảo nguyên trạng trước thời điểm 5/2014, cho rằng TC xử dụng hành vi khiêu khích, gây mất ổn định trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và tại cuộc Đối Thoại Chiến lược và Kinh tế (Strategic and Economic Dialogue) thường niên Trung-Mỹ tại Bắc Kinh (8/7/14) Kerry tố cáo yêu sách chủ quyền quá đáng tại Biển Đông; Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh rằng họ không đứng bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng tố cáo TC về hành vi làm mất ổn định và thúc giục Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do hàng hải trên tuyến đường thủy quan trọng; nhà lãnh đạo họ Tập nhấn mạnh việc đối đầu Mỹ Trung chắc chắn sẽ là một thảm hoạ; Kerry cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ không có chủ trương be bờ Trung quốc nhưng mong mỏi Trung quốc vươn lên trong “hài hòa, bền vững và thạnh vượng” và đóng góp vào sự ổn định trong khu vực. VNCS không hy vọng gì một sự cam kết sớm sủa về quân sự từ Hoa Thạnh Đốn dù rằng Hoa Kỳ cũng muốn Hà nội trở sẽ nên một đối tác tiềm năng trong chiến lược đổi trục trong thế kỷ 21 Thái Bình Dương của Hoa Kỳ; Hoa Thạnh đốn cũng cho biết nếu CSVN không có tiến bộ về nhơn quyền, không có sự thay đổi chánh trị thì việc quan hệ tầm cao chiến lược khó xảy ra và việc hội nhập TPP sẽ còn nhiều khó khăn. Chánh sách đu dây, hai mặt của Hà nội không còn lừa dối được ai. CSVN tới giờ phút này có lẽ sáng suốt hơn để nhận ra Bắc Kinh đã hiện nguyên hình đế quốc, dùng chiêu bài ý thức hệ trói buộc chi bộ đảng CSVN mà uy hiếp, và xử dụng CS Hà Nội như một công cụ thái thú, nhưng CSVN có đảm bảo nào đó từ TC để giữ đảng, giữ chế độ, đổi lấy quyền cai trị đất nước. Phe bảo thủ đảng CSVN cho đến hôm nay vẫn còn ưu thế trong quan hệ hòa hoãn, nhân nhượng, lệ thuộc Trung Cộng, tiếp tục “con đường Bắc Thuộc mới” mở ra từ thuở thỏa thuận Thành Đô 1990. Từ hơn 39 năm qua, từ ngày Miền Nam lọt vào tay CS, người dân không bao giờ nghe thấy các nhà lãnh đạo CSVN nói tới chuyện tự lột xác từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê, thay đổi con đường toàn trị, độc tài, độc đảng để trở về với dân tộc để xây dựng lại quê hương, đưa Việt Nam vào con đường phát triển cất cánh bay cao vào thời đại thông tin hoàn cầu hoá, hội nhập với thế giới văn minh. Tổng Bí Thơ Nguyễn Phú Trọng, trong năm qua (25/02/2013) phản ứng trước sự góp ý của nhơn dân, kiến nghị do 72 nhơn sĩ trí thức về sửa đổi Hiến pháp: “xem ai có tư tưởng muốn bỏ điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chánh trị hóa quân đội không? Người ta có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy…”, ông Trọng cho đó là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, chưa kể ông còn đe dọa đem ra xử lý. Cho tới kỳ đại hội toàn quốc thứ XI, Đảng CSVN tiếp tục quyết tâm quá độ lên XHCN theo con đường mà thỏa thuận Thành Đô đã vạch sẵn từ năm 1990 và lạ lùng thay bộ Chánh trị đảng CSVN qua các thời kỳ không ai trong phe gọi là cấp tiến dám chủ trương gỡ bỏ cái vòng kim cô oan nghiệt của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, vì đa số vẫn tin tưởng con ngáo ộp liên minh ý thức hệ Việt–Trung sẽ bảo vệ được sự sống còn của đảng, của chế độ, của nhóm lợi ích và còn giữ quyền lực để tiếp tục khống chế, trấn áp dân tộc, trong tâm trạng “còn đảng còn mình”, “mất đảng thì sổ hưu cũng mất“.

Tư duy của Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là giữ đảng, là giữ chế độ, kế tục quan hệ liên minh ý thức hệ với đảng CS Trung quốc; đảng CSVN chỉ lo phục vụ đảng và nhóm lợi ích, không phục vụ quyền lợi nhơn dân, cho dân tộc, tổ quốc; con đường một chiều đó đã đưa đất nước vào ngõ bí hôm nay. Toàn dân từ nông dân, ngư dân, công nhơn, trí thức những nhân sĩ, thanh niên, sinh viên và ngay cả một số đảng viên cấp tiến không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng CS, không còn ai tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lê; họ đã vượt qua sự sợ hãi cất lên tiếng nói, những bản lên tiếng, những bản kiến nghị, những cuộc xuống đường rầm rộ từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra hải ngoại không phải chỉ phản đối hành vi xâm lược của Trung Cộng mà đòi hỏi sự Thay Đổi tận gốc. Chế độ Cộng sản không thể canh tân hay sửa đổi, mà cần được thay thế. Đấu tranh tìm lối thoát cho đất nước đòi hỏi sự kiên trì và ý chí của người dân, ý thức của người dân, trong đấu tranh đòi lại cái quyền của mình, quyền sống còn của mình và quyền quyết định sự sống còn của đất nước, cái quyền đó đã bị Cộng sản tước đoạt. Sự dấn thân của nhơn dân đã thực sự diễn ra không ngừng nghỉ, có lúc trở thành cao trào đấu tranh cho dân chủ và nhơn quyền, cho tự do tôn giáo ngay trong quốc nội với sự hỗ trợ của các đoàn thể đấu tranh hải ngoại, các tổ chức vận động sự yểm trợ quốc tế. Khá nhiều tổ chức xã hội dân sự đã thành hình, có sự phối hợp trong và ngoài nước sẽ là một thách thức đấu tranh đối với chế độ toàn trị; Hà Nội gần đây có trả tự do cho một số các nhà tranh đấu dân chủ, tuy nhiên những biểu hiện đó không mang một tín hiệu cởi mở của nhà cầm quyền CS mà chỉ là sự “biến cải” tạm thời dưới sự đòi hỏi của Hoa Kỳ để được vào TPP, để được mua vũ khí, và được thế giới ủng hộ về vấn đề Biển Đông, và quan trọng hơn nữa làm giảm bớt nổi oán hận của nhơn dân. Nhà cầm quyền CS đôi lúc tạm thời nhân nhượng để rồi khi được việc thì sách lược trấn áp sẽ tái diễn như trước đây CS đã làm để được vào WTO, để được vào Hội Đồng Nhơn Quyền. Dư luận có lúc xôn xao về Thông điệp “đổi mới” của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhơn dịp đầu năm 2014 hứa hẹn cần thay đổi thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhơn dân, được khá nhiều nhân sĩ tán dương, lại nghĩ rằng Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm thật, có thể được phe thân Mỹ ủng hộ và như vậy chắc nhóm kiên định bảo thủ Nguyễn Phú Trọng đã nhượng bộ! Vở tuồng Gorbachev-Yelsin được CS hâm nóng chẳng qua lại là một thứ hỏa mù để phe bảo thủ mua thời gian, giàn xếp thỏa hiệp với Bắc Kinh.

Nhìn chung con đường đấu tranh dân chủ hoá dưới chế độ toàn trị còn nhiều khó khăn; công cuộc đấu tranh dân chủ nhơn quyền trong nước tuy từ từ phát triển nhưng có phần vững chắc hơn xưa; triển vọng các cá nhơn, các nhóm hay phong trào dân chủ đa dạng đa tầng trong nước có cơ liên kết lớn mạnh, thành một mặt trận, một lực lượng có tầm vóc, thật sự chánh nghĩa đã tạo được tiếng vang trên chánh trường quốc tế, trong thế giới tự do, kể cả LHQ, các tổ chức nhơn quyền, các định chế tài chánh; những vận động quốc tế đã khiến dư luận Tây Phương càng ngày càng thuận lợi cho công cuộc đấu tranh chung; vai trò yểm trợ của hải ngoại cũng như sự kết hợp đấu tranh với các tổ chức dân chủ quốc nội lớn mạnh hơn, dù mạng lưới trấn áp tinh vi trong nước và tác động phá hoại, chia rẽ của nghị quyết 36 ở hải ngoại. Nỗi bất công xã hội Viêt Nam, hố cách biệt nếp sống giữa từng lớp tư bản đỏ và dân nghèo, phản ứng của công nhơn về quyền thành lập công đoàn tự do, của nông dân về quyền sở hữu đất đai, của ngư dân có thể mở rộng dẫn đến bạo loạn, phản ứng về tự do tôn giáo (Công giáo, PGHH, Phật giáo, Cao đài, Tin Lành); thêm vào tác động tích cực của các blogger, face-book, của truyền thông.

Đảng CSVN đã quay lưng trước ý nguyện của nhơn dân, vẫn coi dân là kẻ thù, lại nhục nhã hòa hiếu với kẻ xâm lược để đổi lấy sự sống còn cho đảng CS, cho chế độ, thì nhơn khi bị đẩy vào chơn tường sẽ phải đứng lên làm cách mạng, giải thể chế độ cộng sản. Dân chủ hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân với sự kết hợp của lực lượng quần chúng trong nước là chủ động với sự yểm trợ của đồng bào hải ngoại cùng với công cuộc vận động quốc tế. Đảng Tân Đại Việt nguyện đóng góp một bàn tay trong sự nghiêp cứu nước thể hiện tâm nguyện của Cố lãnh tụ Đảng Tân Đại Việt, GS Nguyễn Ngọc Huy, nhà chí sĩ của thời đại, xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ pháp trị, và phú cường trong khuynh hướng toàn cầu hoá, trong thời đại thông tin.

Viết Trong Mùa Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy thứ 24

Bác Sĩ Mã Xái