Tưởng Nhớ GS Nguyễn Ngọc Huy: Tiếp Nối Những Ước Mơ Còn Dang Dở – Lê Minh Nguyên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tưởng Nhớ GS Nguyễn Ngọc Huy: Tiếp Nối Những Ước Mơ Còn Dang Dở – Lê Minh Nguyên

GS Nguyễn Ngọc Huy qua đời ngày 28/7/1990 tại Pháp trong lúc ông mang những hơi thở cuối đời để đi và ngã quỵ trên con đường tranh đấu.

Ước mơ cho riêng ông khi về già thì thật bình dị, nhưng rồi cũng chỉ là ước mơ cho đến ngày ngã gục của một chiến sĩ chết trên yên ngựa mà vẫn xông pha trận mạc như Don Rodrigo (Charlton Heston) trong phim El Cid để đàn em cứ thế mà tiến lên xóa bỏ độc tài, xây dựng dân chủ pháp trị.

Ông mơ ước đất nước được thống nhất hòa bình trong một thể chế dân chủ pháp trị và Việt Nam được thế giới công nhận là một quốc gia theo quy chế trung lập pháp lý vĩnh viễn.

Sống và nghiên cứu chính trị ở tây phương khi lưu vong, ông thấy rằng nếu xây dựng và củng cố được các định chế dân chủ pháp trị vững chắc thì sự lãnh đạo đất nước sẽ rất dễ dàng và bất cứ một người bình thường nào cũng đều có thể đảm trách một cách tốt đẹp được. Nó là cái thước, cái tấc, cái quy (compa) cái củ (êke) để đo đạc mà đóng nên bàn ghế nhà cửa theo các mẫu mã hay đồ hình (blueprint) và không cần phải thiên tài mới lãnh đạo được. Chính trị sẽ trở thành một khoa học mà ai cũng có thể học được chứ không phải là một năng khiếu trời ban của lãnh vực nghệ thuật.

Cá nhân tôi đã quan sát được nhiều thể hiện về điều này ở Hoa Kỳ, một đất nước có thể tự vận hành hết sức bình thường dù không có lãnh đạo, hay lãnh đạo thay đổi nhanh như thay áo như ở Úc hay Nhật mà đất nước vẫn mạnh lành.

Năm 2000, có cuộc khủng hoảng khi tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ giữa ông George W. Bush và ông Al Gore, vì bên nào cũng nói mình thắng ở tiểu bang Florida. Có lẽ chưa quen lắm với sự vận hành đã rất vững chắc của các định chế dân chủ, nên tôi lo lắng đến độ gần như khẩn trương rằng nước Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị, và phải làm sao đây? Thấy tôi lo sốt vó, anh bạn ký giả chính trị đầy kinh nghiệm David Satter cười tỉnh queo và trấn an “bạn đừng có lo, hiến pháp đã định là tới ngày đó, tháng đó là nước Mỹ phải có một tổng thống mới. Hai bên tranh đấu dù có quyết liệt đến đâu đi nữa thì họ cũng phải cho ra một ông tổng thống đúng hạn kỳ”. Quả đúng như vậy, Tối Cao Pháp Viện đã phán là ông George W. Bush thắng, ông Al Gore gọi điện chúc mừng và chấp nhận mình thua.

Ước mơ của GS Huy là khi đất nước được thống nhất thanh bình trong một nền dân chủ pháp trị thì ông sẽ cùng bạn bè như bác Hoài Sơn, đạp xe đạp đi từ Nam ra Bắc để tận hưởng các nét đẹp của những nẻo đường đất nước, đi không định trước thời gian bao lâu và các điểm dừng chân nào sẽ đến. Thứ đến là ông viết về các đặc tính dân tộc Việt và địa chính trị của Việt Nam, nói về những ưu khuyết điểm của dân tộc ta để các thế hệ mai sau tránh được sai lầm, thấy được tại sao một dân tộc thông minh và dũng cảm đã phải hứng chịu quá nhiều điều bất hạnh, hầu tránh lập lại các lỗi lầm này trong tương lai và đưa dân tộc tiến lên sánh vai cùng những dân tộc mạnh của thế giới.

Tiếc thay một ước mơ đơn sơ bình dị nhưng ông đã không thực hiện được cho cá nhân của mình, và 24 năm sau khi ông nằm xuống, đất nước vẫn còn tối om trong đường hầm của độc tài độc đảng, và còn tệ hơn nữa, của sự mất dần biên cương và biển đảo.

GS Huy đã dày công phát huy chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của nhà cách mạng Trương Tử Anh thành hai pho sách trong thập niên 1960s. Ông đã hệ thống hóa và phát triển nó ra thành một chủ nghĩa quốc gia khoa học để chống lại chủ nghĩa vô tổ quốc của cộng sản, chủ trương xóa bỏ biên cương, thế giới đại đồng, duy vật, vô nhân và phản khoa học.

Nền tảng của chủ nghĩa DTST là con người rất thật ở vị trí người, bằng xương bằng thịt, sống trong những thực tại xã hội, những môi trường hay hoàn cảnh khác nhau, với động lực hành động hay tương tác ứng xử là bản năng sinh tồn. Dù ở mức thô sơ hoang dã hay ở mức văn minh nơi những đô thị đa sắc màu, thì bản năng sinh tồn vẫn là động cơ lèo lái sự hoạt động của con người, ở mức cao như tâm linh trí tuệ, hay ở mức thấp như ăn uống vui chơi.

GS Huy quan sát các chủ nghĩa khác mà mục tiêu nhằm phục vụ thần linh (thần quyền), hay phục vụ quốc gia cực đoan (phát xít), hay phục vụ con người duy vật (cộng sản), hay phục vụ con người lý tưởng (tự do) và thấy rằng con người thực tế sống trong xã hội không được các chủ nghĩa này quan tâm đúng mức.

Trước khi xây dựng chủ nghĩa DTST, GS Huy trước tiên phân tích về các yếu tố cấu tạo con người, con nguời hiện hữu để làm gì? Mục đích của con người là gì trong cuộc sống? GS đã dựa vào các bộ môn khoa học, nhất là khoa học xã hội với những công trình nghiên cứu và khảo nghiệm khách quan, chứ không duy ý chí, ngồi tưởng tượng để viết về một thiên đường mù.

Chủ nghĩa DTST như tên gọi, là đi tìm sự sinh tồn và thịnh vượng của dân tộc và trong phạm vi dân tộc (nation-state people), nó không nhằm xây dựng một quốc gia cực đoan hay rơi vào chủ nghĩa dân tộc quá khích, nó tranh đấu trong dạng thái cộng tồn của hợp tác hay tranh đua, xem các dân tộc khác ở các dạng cộng tác (partner), hay cạnh tranh (competitor) chứ không phải là kẻ thù (enemy) cần phải tiêu diệt. Chủ nghĩa DTST nhằm đưa dân tộc Việt tiến về phía trước trong dòng tiến hoá của nhân loại, trở thành một trong những dân tộc mạnh của thế giới.

Cốt lõi của chủ nghĩa DTST là BẢN NĂNG SINH TỒN. Bản năng này được hình thành bởi sự kết hợp của ba tiểu bản năng mà tỷ lệ mạnh yếu được biến thiên theo môi trường thực tại của mỗi thời điểm mà “người” đang ở bên trong và phải tương tác để thích hợp: đó là bản năng TÌNH DỤC, bản năng VỊ KỶ và bản năng XÃ HỘI.

Động lực để bản năng sinh tồn vận hành là TRANH ĐẤU và ba yếu tố giúp cho sự tranh đấu được thành công là: SỨC MẠNH, BIẾN CẢI, và HỢP QUẦN.

Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các vấn đề trên trong những bài sau, như bản năng vị kỷ chẳng hạn, tức lấy mình làm trung tâm điểm cho mọi quyết định, mỗi người đều có hào quang chung quanh mình, hào quang sáng rực tức vị kỷ hướng thượng thành vị tha, hào quang lu mờ tức vị kỷ hạ xuống thành ích kỷ.

Từ bản năng, con người đi xây dựng các định chế, để các cấu trúc xã hội không được rời xa nền tảng con người, có gốc nhân bản, để vừa phát triển vừa điều tiết (regulate) bản năng, để người hướng thượng lên lãnh vực văn minh, những nhu cầu phát triển tâm linh, tinh thần, trí tuệ, không sa đà vào thú tính. Thí dụ như từ bản năng tình dục con người tạo ra các định chế hôn nhân hay các bộ luật gia đình, từ bản năng vị kỷ con ngươi tạo ra các định chế về quyền sở hữu hay luật về cổ phần, từ bản năng xã hội con người tạo ra các luật hội đoàn…

Để dễ nhớ các nét căn bản của chủ nghĩa DTST, tôi gom nó vào các dòng thơ sau đây:

SINH TỒN nguồn gốc BẢN NĂNG

Trong (có) ba tiểu bản giảm tăng (theo) môi trường

BẢN NĂNG VỊ KỶ đo lường

BẢN NĂNG TÌNH DỤC nối đường cháu con

BẢN NĂNG XÃ HỘI sắc son

Dân ta TRANH ĐẤU giữ non nước nhà

Muốn THẮNG thì phải có ba

SỨC MẠNH, BIỂN CẢI, thiết tha HỢP QUẦN

Văn minh ĐỊNH CHẾ không ngừng

Phát huy DÂN TỘC thấm nhuần BẢN NĂNG
Cuối tháng Bảy mỗi năm, chúng tôi tưởng nhớ đến một chí sĩ của Việt Nam, tác giả của những bài thơ hùng tráng như Anh Hùng Vô Danh, Ngày Tang Yên Báy… Lúc sinh tiền, GS Huy viết rất nhiều sách, nhưng khi cần phải nói thật ngắn và gọn về ông trong vài chữ, thì như ông Khổng Tử bảo rằng “ngô đạo nhất dĩ quán chi” hay cái đạo của ta chỉ có một mối mà quán thông cả thiên hạ, và cái mối đó là chữ “NHÂN”, thì cái mối của bao nhiêu ngàn trang giấy mà GS Huy viết là “DÂN CHỦ PHÁP TRỊ”.

GS Huy đã bước ra khỏi thế giới này rồi, nhưng chúng tôi những người còn ở lại, vẫn thấy trước mặt mình là một chiến sĩ hiên ngang trên lưng ngựa, quyết tâm dẫn dắt dân tộc Việt Nam qua khỏi bến bờ của dòng sông bất hạnh.

Nhân ngày giỗ lần thứ 24, xin dâng lên Người một nén hương tưởng niệm.

Lê Minh Nguyên

Tháng 7, 2014