Trống Chùa Rộn Rã – Lê Văn
06-01-2014
Vào những ngày cuối năm, các diễn biến đã dồn dập xảy ra tại xứ Chùa Tháp nơi mà quyền hành đang nằm trong bàn tay sắt của Hun Sen, từng là một tay súng của Khmer Ðỏ, được bộ đội csVN dựng lên hồi 1979 sau khi lật được nhóm diệt chủng do Trung Cộng hổ trợ, Ðảng Nhân Dân – Cambodia People Party (CPP) của Hun Sen vẫn được coi như là một đảng cs đàn em trá hình của csVN còn mang đậm nét chuyên chính và sắt máu cố hữu của nó.
Ngày 26-28.12.2013:Hun Sen có mặt tại Việt Nam
Ngày 29.12.2013: Giới quan sát ước lượng lên đến 100.000 người dân ở 24 tỉnh thành trên khắp nước đổ về biểu tình đòi ông Hun Sen từ chức, cùng nhiều người trong hàng ngũ 400,000 công nhân ngành dệt may (1) do thủ lãnh phe đối lập Sam Rainsy của Ðảng Cứu Quốc Campuchia tổ chức tại Công viên Tự Do ngay bên trong trung tâm thủ đô Phnom Penh đòi tăng gấp đôi mức lương tối thiểu hàng tháng lên $160 đồng thời đòi Hun Sen từ chức hoặc tổ chức lại cuộc bầu cử Quốc hội.
02.01.2014: Hun Sen sử dụng đơn vị đặc biệt 911 để giải tán cuộc biểu tình của công nhân ngành dệt may.
03.01.2014: Lực lượng an ninh 911 đã bắn vào người biểu tình gây cho ít nhứt có bốn người chết và hơn 20 người bị thương trong đó có 15 nhà sư, ít nhất 10 người bị bắt.
04.01.2014: Hun Sen triệu tập lãnh đạo đối lập Sam Rainsy và phó là ông Kem Sokha đến tòa án ngày 14.01.2014.
Chúng ta thấy gì qua các diễn biến nầy
Ông Sam Rainsy lãnh tụ của Ðảng Cứu Quốc sau khi được quốc vương Norodom Sihamoni ân xá theo đơn xin của đương kim thủ tướng Hun Sen “vì lợi ích của đất nước và trên tinh thần hòa giải dân tộc”, đã từ Pháp trở về thành lập Ðảng Cứu Quốc mà trước đây là Ðảng Sam Rainsy, nhưng ông đã bị cấm ra tranh cử Dân biểu Quốc Hội tháng 7 vừa qua.
Ðảng Cứu Quốc Campuchia đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội với 55 ghế Dân Biểu (từ 29 trong kỳ bầu trước) so với 68 ghế ở Quốc hội của phe Hun Sen bị mất 22 ghế so với lần trước cho thấy sự ủng hộ của một số tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, cho đảng của Sam Rainsy. Khối 55 dân biểu tân cử của phe đối lập Cứu Quốc đã không chịu nhận ghế trong Quốc hội 123 đại biểu. Họ muốn ông Hun Sen phải từ chức và tổ chức một cuộc bầu cử thứ hai vào năm tới.
Ðảng Cứu Quốc cũng được sự hỗ trợ của hơn 350.000 công nhân may mặc từ gần 500 nhà máy trên khắp Campuchia bằng cách hứa hẹn tăng gần gấp đôi mức lương tối thiểu hàng tháng đến $160 nếu tái tổ chức bầu cử Quốc Hội tháng 7 rồi nhưng bị Hun Sen từ chối.
Chính phủ Hun Sen cũng đồng thời từ chối nâng lương vượt quá $100 đô la một tháng và đã ra lệnh cho các nhà máy mở lại để tránh thiệt hại và tổn thất 5 tỷ USD mỗi năm (3). Dệt may là một ngành kinh tế trụ cột của Cam Bốt, khu vực này sử dụng khoảng 650.000 công nhân trong đó 400.000 người làm việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhiều câu hỏi lớn đang chờ trả lời:
– Hun Sen có phải bị lúng túng trong suốt gần 2 tuần lễ khi bị lực lượng đối lập cùng công nhân dệt may rầm rộ biểu tình đòi tăng lương và yêu cầu ông từ chức
– Tại sao Hun Sen chỉ ra tay đàn áp sau khi trở về từ VN mà không phải từ Trung Cộng
– Tại sao lại có Hiệp Ước Dẫn độ đi kèm với các Hợp tác Kinh tế và câu hỏi lớn sau chót là
– Liệu Ðảng đối lập Cứu Quốc gồm 55 Dân biểu Quốc Hội hợp lực cùng với lực lượng hơn nửa triệu công nhân và sư sãi vừa biểu dương sức mạnh qua cuộc biểu tình vĩ đại lên đến 100.000 người ngay trung tâm Thủ Ðô Nam Vang làm rúng động Cambodia và chấn động đến nhiều thủ đô khác, sẽ bị nghiền nát hay đây là chỉ dấu của một sự khởi đầu thay đổi chưa có tiền lệ trong lịch sử?
Hun Sen có phải bị lúng túng?
Từ 23/10 hàng ngàn người ủng hộ đối lập ở Campuchia bắt đầu đợt biểu tình 3 ngày để phản đối cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận, chính quyền nói sẽ cho phép biểu tình nếu không có bạo lực còn lãnh đạo đối lập Sam Rainsy cam kết biểu tình sẽ hòa bình.
Nhưng trước khi Hun Sen đi VN 26.12 thì tình hình đã nhanh chóng thay đổi:
“Cuộc xuống đường biểu tình của phe đối lập đã trải qua gần hai tuần, và nay lại có thêm sự tham gia của mấy chục ngàn công nhân ngành may mặc, khiến công luận rất ngạc nhiên vì sự lớn mạnh và tập trung chưa từng có của phe đối lập đòi cải cách chính trị và xã hội.”
Từ đầu tuần này, tại tỉnh Svay Rieng, 20.000 công nhân đình công biểu tình đòi tăng lương. Tại Phnom Penh, hôm thứ Tư, gần 60.000 công nhân xuống đường đòi tăng lương. Mức lương họ muốn có là 160 Mỹ Kim. Và trước Tòa Đô Chính Phnom Penh, những phụ nữ có nhà tại hồ Boeng Kak lại tập trung biểu tình, đốt vỏ xe hơi, thậm chí khóa cổng Tòa Đô Chính không cho nhân viên ra khỏi, để đòi chính quyền thành phố Phnom Penh phải đền bù thỏa đáng khi đuổi họ, phá nhà, lấy đất bán cho Trung Quốc.
Trong khi đó, tại Công Viên Dân Chủ, người dân ở 24 tỉnh thành trên khắp nước đổ về dựng lều trại ngày càng đông. Buổi sáng họ ca hát bày tỏ lòng yêu nước, rồi phát biểu về bất công xã hội, và chiều đến họ lại tập trung tuần hành trên đường phố Phnom Penh đòi ông Hun Sen phải từ chức. Số người biểu tình ủng hộ đối lập lên đến 100.000 người vào Chủ Nhật vừa qua.
Trên trang Facebook, lãnh tụ đối lập Sam Rainsy viết rằng: «Có đến 500.000 ngàn người xuống đường rầm rộ, tạo nên cơn sóng thần chính trị». Ông Sam Rainsy còn đe dọa, ngày 07/01/2014 sắp đến, khi chính quyền kỷ niệm ngày bộ đội Việt Nam tiến vào đất Cam Bốt, lực lượng biểu tình sẽ phong tỏa 6 quốc lộ hướng về Phnom Penh, đẩy thủ đô vào tình trạng tê liệt sinh hoạt.
Những khó khăn chồng chất trong đời sống người dân, như bị lấy đất, bị đuổi nhà, công nhân thì nghèo khó, lương không đủ sống. Còn về chính trị thì bầu cử gian lận mấy nhiệm kỳ Quốc Hội. Giới chức chính quyền thì tham nhũng và giàu có, còn dựa vào ngoại bang đàn áp dân. Tất cả những áp bức bị dồn nén nhiều năm trời, nay có cơ hội bùng lên. Nên hàng vạn người bỏ sinh hoạt ổn định hàng ngày để tập trung tại Công Viên Dân Chủ đi theo phe đối lập đòi cải cách chế độ cho bằng được(2)
Hun Sen chỉ ra tay đàn áp sau khi trở về từ Việt Nam?
Qua cuộc biểu tình vĩ đại hàng 100.000 người đã gây không khí phấn khởi cho người dân Phnom Penh và cũng đặt một áp lực khiến gây lo sợ cho chính quyền, đặc biệt là gia đình ông Hun Sen.
Chính quyền đang đứng trước một thách thức nghiêm trọng chưa từng có. Một biến động lớn có thể xảy đến khi người biểu tình thề sẽ đẩy ông Hun Sen ra khỏi chiếc ghế thủ tướng mà ông ta đã ngồi gần 3 thập niên qua.(2)
Một số tin không chính thức từ Phnom Penh đưa ra là ông Hun Sen không tin tưởng ở khả năng và quyết tâm đàn áp khối lượng biểu tình vĩ dại ngay tại Thủ đô của lực lượng an ninh và quân đội nên phải chờ có sự hậu thuẩn từ VN mới dám ra tay và chỉ xử dụng lữ đoàn 911 tinh nhuệ trung thành với ông.
Giới thạo tin ghi nhận là csVN vẫn còn ảnh hưởng mạnh trong Ðảng CPP của Hun Sen vì hầu hết các cấp lảnh đạo đều được csVN huấn luyện, thông thạo tiếng Việt như chính bản thân ông Hun Sen, các dạng hoạt động, tổ chức của csVN vẫn còn tích cực bên trong xứ Chùa Tháp, nắm vững địa hình và còn nhiều tai mắt.
Còn về ảnh hưởng của Bắc Kinh, Trung cộng là quốc gia có lượng đầu tư trực tiếp lớn nhất ở Campuchia, gấp mười lần Mỹ. Viện trợ từ Trung Quốc chiếm tới nửa ngân sách của Campuchia và Bắc Kinh cũng cấp cho Phnom Penh nhiều khoản vay ưu đãi trị giá hàng trăm triệu đôla. Hun Sen bị cho là đã có nhiều chính sách thân Trung Quốc đặc biệt trong thái độ của nước này đối với các vấn đề khu vực thể hiện rõ nhất trong bất đồng về chủ quyền ở Biển Đông mà Campuchia đã đứng hoàn toàn về phía Trung Quốc khi nước này làm chủ tịch luân phiên khối Asean năm 2012.
Người dân thường Campuchia tỏ ra nghi ngại khi thấy hiện diện quá lớn của người Trung Quốc, sự thống lĩnh của Trung Quốc trong nền kinh tế Campuchia, khi các dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư lại thuê mướn người Trung Quốc tràn lan chứ không phải người bản địa, các dự án làm ăn của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp và khai khoáng, đã làm tăng tình trạng tham nhũng tràn lan trong giới quan chức. Campuchia (4) Điều này chắc khiến Hun Sen phải cân nhắc lại chính sách của mình là không thể chỉ dựa vào một mình Trung Quốc và với kết quả bầu cử Quốc Hội vừa rồi đưa đến nhiều vấn nạn nghiêm trọng hôm nay có thể khiến Hun Sen dần dần tách xa Trung Quốc.
Tại sao lại có Hiệp Ước Dẫn độ?
Hai ông Hun Sen và Nguyễn Tấn Dũng đã tái khẳng định nguyên tắc không cho phép bất cứ «lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh và can thiệp vào công việc nội bộ của nước kia». Cho tới nay, một số nhà hoạt động ở Việt Nam vẫn chạy sang Cam Bốt tỵ nạn khi bị đàn áp trong nước. Với hiệp định dẫn độ vừa được ký kết, những người này sẽ bị bắt giữ và đưa về Việt Nam dễ dàng hơn và ngược lại.
Hiệp Ước Dẫn độ, được coi như là một lá bài chốt của cả hai vì đàng sau của thỏa hiệp nầy người ta đang chú ý đến một sự đổi chát giữa Việt và Miên trong đó csVN sẽ yểm trợ cho sự tồn tại của Hun Sen ngược lại Hun Sen sẽ làm theo yêu cầu của csVN về những nhà tranh đấu cho Dân Chủ Tự Do của VN tạm lánh nạn bên Miên khi bị csVN đàn áp, cũng như đối với các tổ chức tranh đấu chống lại Hà nội xử dụng địa bàn Miên. Nhưng vấn đề khác lớn hơn được chú ý đó là các tổ chức của người Khmer Krom (http://www.khmerkrom.org/) đang có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, có văn phòng tại Phnom Penh và có liên hệ với hơn mấy triệu người Việt gốc Miên tại đồng bằng sông Củu Long. Họ luôn nhấn mạnh là “ngày nào mà nguyện vọng Khmer Krom chưa đạt được, thì không thể bảo đảm được một nền hòa bình lâu dài tại vùng đồng bằng sông Mekong. Sự lắng diệu hiện nay chỉ có tính cách hòa hoãn tạm thời, và có thể nói là Khmer Krom đang trong trạng thái “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Chỉ cần một biến cố nhỏ, và sự khích động của khuynh hướng cực đoan, thì bạo động có thể bùng lên và nhanh chóng lan tràn khắp nơi trong vùng châu thổ sông Mekong” và như vậy rõ ràng là Hiệp Ước Dẫn độ nầy sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc tranh đấu của họ.
Liệu lực lượng đối lập sẽ bị nghiền nát?
Tưởng cũng cần nhắc lại các diễn biến trước đây khi Hun Sen từng là đệ nhị Thủ tướng dưới thời chánh phủ liên hiệp miễn cưỡng với Hoàng tử Rhannadith của Ðảng Bảo Hoàng Funcinpec nhưng Hun Sen đã không ngần ngại triệt hạ vị Thái tử chỉ có chỗ dựa lớn là hào quang và dư âm cũ của Hoàng thân Sihanouk mà nhân dân Cambodia coi như trang sử đã lật qua.
Liệu màn kịch cũ sẽ tái diễn trong bối cảnh mới mà Hun Sen chưa chắc đã lượng định hết những đặc điểm khác biệt với ông Ranaddhith vì Sam Rainsy hiện tại là một lảnh tụ đối lập do chính nhân dân Cambodia bầu lên, tưởng chừng như thắng được đa số ghế nếu Hun Sen không gian lận theo sự cáo buộc của phe đối lập cùng với hậu thuẩn quyết liệt của hơn nữa triệu công nhân sống qua ngày bằng đồng lương ít ỏi nhờ đó Hun Sen mới có đủ phương tiện để tiếp tục duy trì quyền thống trị.
Một đặc điểm đáng chú ý khác là Hun Sen đang bị giới sư sãi Phật Giáo chống lại, một chỗ dựa tinh thần của Xứ sở với hàng vạn Tháp Chùa cao ngất.
Nguồn tin của phe đối lập cho biết, chính quyền đang tìm cách trấn áp để ông Sam Rainsy phải bỏ Cam Bốt chạy ra ngoài lánh nạn như mấy lần trước đây
Vào giữa tháng này, hai ông Sam Rainsy và Kem Sokha phải ra trả lời trước cơ quan tư pháp về cái mà chính quyền gọi là kích động bạo lực hòng có cớ để buộc tội hình sự.
Theo nhận định của nhà báo Trung cộng Ding Gang, cây bút của Hoàn Cầu thời báo, cho hay khi tới Campuchia ông cảm nhận được rõ ràng một điều là người dân quá bất bình vì nạn tham nhũng, và với kết quả bầu cử mà không giành được số phiếu bầu hơn đảng đối lập Cứu nguy dân tộc do ông Sam Rainsy lãnh đạo là bao sẽ khiến Hun Sen phải có các chính sách hướng tới người dân nhiều hơn nữa (3) nhứt là giới công nhân đang biểu tình, nông dân đang rất bất mãn vì bị cướp đất nay đang ủng hộ khối đối lập của Ðảng Cứu Quốc và nếu thẳng tay đàn áp các thủ lảnh nầy chưa hẳn đã dập tắt được cao trào chống đối mà không chừng lại làm cho làn sóng biểu tình bộc phát dữ dội hơn.
Chiến lược nào có tính khả hữu cho ông Sam Rainsy?
Ông Sam Rainsy mới tuyên bố: “Tôi rất tự tin vì đây là một xu hướng thế giớị Đó là một xu hướng lịch sử. Gió Tự Do đang thổi khắp nơi trên thế giới, và nó đang thổi đến Campuchia. “(5)
Ðể tránh rơi vào cạm bẩy và bị đàn áp, Ông Sam Rainsy cần giữ ôn hoà tránh bạo động nhưng ngược lại muốn thay đổi một chế độ tàn bạo thì lại phải có sức mạnh, sức mạnh đó phải là sức mạnh của đa số quần chúng muốn thay đổi và cái khôn ngoan của người lảnh đạo là biết vận dụng cả hai để đạt được mục đích.
Mặt khác kiên trì tẩy chay Quốc Hội không đại diện cho nhân dân và đòi tái bầu cử, đó là các mục tiêu cốt lõi đang đẩy Hun Sen vào thế bị động, mất ưu thế.
Nhóm đối lập có lý do chánh đáng để gây áp lực thường trực lên nhóm cầm quyền bằng các đòi hỏi trả tự do cho các công nhân bị bắt và các nhà tranh đấu chống cướp đất tham nhũng.
Dùng số đông liên kết rộng rãi với tất cả các nhóm chống đối khác và đưa ra các đòi hỏi chánh đáng qua các hình thức lãng công, bãi công, bất tuân, tẩy chay, biểu tình mang tính hôn hoà mà sức mạnh tối hậu có tính quyết định phải được biểu dương qua cuộc tổng đình công toàn quốc làm tê liệt kinh tế khi cần thiết làm mất ưu thế của công an & quân đội.
Tranh thủ sự hổ trợ của giới tăng lữ Phật Giáo Cam Bốt qua đó lực lượng tranh đấu có một hậu thuẩn tinh thần quan trọng của Phật Giáo nói chung và tại các nước láng giềng như Thái, hay Việt Nam nói riêng, đặc biệt là khối sư sãi Khmer Krom rất được người Khmer kính trọng.
Có phải cuộc chơi lớn đã bắt đầu?
Hầu như đã có một tiền lệ lịch sử, là một nước tại Ðông Dương đổi chế độ sẽ kéo theo sự thay đổi chế độ của nước còn lại và xa hơn nữa như đã từng xảy ra ở các nước cộng sản Ðông Âu, khi các nước cs nầy xụp đổ đã kéo theo sự xụp đổ của cả Liên bang Xô viết. Chính điều nầy đã làm cho giới quan sát thời sự Ðông Dương cho rằng hành động đàn áp thẳng tay phe đối lập và công nhân của Hun Sen không nhửng chỉ có sự đồng thuận của Hà nội mà có cả sự yểm trợ của Bắc kinh.
“Bà con xa không bằng láng giềng gần” có lẽ Hun Sen học được từ VN và chắc trong các thỏa thuận ngầm đạt được, Hun Sen tin tưởng nhiều hơn là VN sẽ tiếp tục ra sức bảo vệ sự tồn tại của mình gần 30 năm vì khả năng quân sự và lực lượng công an đông đảo của csVN, nhưng giới thạo tin Miên cũng nghĩ rằng ông Hun Sen cũng biết rỏ đã có bao nhiêu cán bộ cao cấp cùng hàng ngũ với ông đã từng công khai chống lại csVN như Pen Sovanh, 1 cựu thủ tướng đàn anh của Hun Sen và trong nội bộ Ðảng CPP, đa số đã từng biểu quyết chống lại chính sách rập khuôn XHCN của VN để chấp nhận thay đổi kinh tế và mở rộng chính trị sang đa đảng.
Khi càng dựa vào csVN, thế lực bị cho là luôn có ý đồ xâm lấn đất Miên và khống chế anh em của họ ở vùng miệt dưới (krom), Hun Sen càng tự cho thấy sự suy yếu của mình trước đối lập và với bản chất tàn bạo cố hữu, bất cứ sự leo thang đàn áp sẽ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ kể cả từ trong nội bộ và càng đẩy Hun Sen lệ thuộc nhiều hơn vào lực lượng từ VN, lúc đó trước cảnh đồng bào mình bị công an, quân đội csVN đàn áp thì người dân Khmer Krom có thể không còn ngồi yên được nữa.
Mấy triệu người Khmer Krom cùng với nhân dân VN vùng đồng bằng sông cửu long nói riêng và cả miền nam VN nói chung đã từng hưởng được không khí tự do dân chủ trong suốt thời gian dài, họ biết rõ các giá trị của nó đối với cuộc sống hàng ngày và do đó khát vọng được hưởng tự do dân chủ của người Việt hay người Việt gốc Miên đều giống như nhau.
Cuộc tranh đấu của người Khmer chống lại đảng tộc tài Hun Sen có phần rất giống như người Việt và người Việt gốc Miên chống lại chế độ độc tài CSVN.
Với hàng triệu người Khmer Krom miền tây hình như giữa Sàigòn và Phnom Penh không còn xa lắm.
Tiếng trống Chùa rộn rã, cuộc chơi lớn đã bắt đầu!!!
(1)Thủ tướng Hun Sen khai chiến với giới công nhân http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140104-thu-tuong-hun-sen-khai-chien-voi-gioi-cong-nhan
(2) Cam Bốt ký hiệp định dẫn độ với Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của thủ tướng Hun Sen http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131226-cam-bot-ky-hiep-dinh-dan-do-voi-viet-nam-nhan-chuyen-vieng-tham-cua-thu-tuong-hun-
(3) Trung Quốc và ván bài bầu cử Campuchia http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/08/130808_beijing_cambodia_vote.shtml
(4) Trung Quốc và ván bài bầu cử Campuchia http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/08/130808_beijing_cambodia_vote.shtml
(5) Cambodian opposition to take anti-govt movement to rural areas http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/cambodian-opposition-to/944752.html