Tin Việt Nam – Thứ Ba 14/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – Thứ Ba 14/1/2014

1. Hà Nội: Học viên Pháp Luân Công căng biểu ngữ trước lăng Ba Đình
2. VN thắt chặt quan hệ với Campuchia
3. Vinashin ‘có lãi hàng nghìn tỉ đồng’
1. Hà Nội: Học viên Pháp Luân Công căng biểu ngữ trước lăng Ba Đình

Lúc 9:30AM sáng ngày 14/1, một nhóm 5 thanh niên trong bộ đồng phục vàng của Pháp Luân Công đã bất ngờ kéo đến căng biểu ngữ ngay trước khu vực quảng trường Ba Đình.

Một tấm biểu ngữ khổ lớn có nội dung: “Chân tướng Pháp Luân Công là tử huyệt của ma giáo cộng sản” được giăng ngang ngay phía chính diện cổng lăng Hồ Chí Minh. Bên cạnh là một biểu ngữ nhỏ hơn có nội dung: “Tà đảng Việt Cộng và đại ma đầu Hồ Chí Minh là tội đồ của dân tộc”.

Trong bức email đến Danlambao xác nhận vụ việc, nhóm các học viên Pháp Luân Công viết: “5 đệ tử Đại Pháp trong “Pháp Luân Đại Pháp – Thập Tam Chân Truyền Đệ Tử” tử chiến trước lăng Hồ Chí Minh. Những người này gồm: Nguyễn Tăng Lượng, Nguyễn Văn Kiệm, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Doãn Kiên, Nguyễn Xuân Trường.

Các video tiếp theo cho thấy hình ảnh lực lượng bảo vệ lăng sau đó đã xuất hiện giựt băng-rôn và xô xát với nhóm các học viên Pháp Luân Công. Có nhiều tiếng la lối, quát tháo không nghe rõ nội dung xen lẫn tiếng còi xe của nhiều người dân qua đường. Bị lấy mất băng-rôn, nhóm thanh niên trên đã ngồi thiền tại chỗ để bày tỏ sự phản đối.

Theo tin từ Facebook Duong Doi Soi Da, lực lượng công an sau đó đã cho xe ô tô bắt 4 học viên Pháp Luân Công lên xe, áp giải về trụ sở công an phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.

Có tin nói rằng công an đã hành hung thô bạo những người bị bắt, sau khi một người trong nhóm lên tiếng tố cáo tội ác đảng cộng sản, nêu đích danh ông Hồ Chí Minh là người gốc Tàu, và đồng thời kêu gọi đảng viên cộng sản thoái đảng.

Tin cho biết, 4 người bị công an bắt giữ và bị đánh đập dã man là: Vũ Hồng Tố, Nguyễn Tăng Lượng, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Doãn Kiên.

Các học viên Pháp Luân Công gởi thư kêu gọi hổ trợ và nêu rõ lý do “Chúng tôi gửi thư này hy vọng các vị có lòng hảo tâm lên tiếng giúp đỡ để họ sớm được tại ngoại. Việc họ giăng băng rôn là do công an trên khắp đất nước Việt Nam đã ra tay đàn áp những học viên Pháp Luân Công tu luyện chân chính và hiền hòa.”

Khu vực quảng trường Ba Đình có đội ngũ nhân lực bảo vệ vô cùng hùng hậu, được quản lý bởi Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Chi phí để duy trì và bảo vệ lăng không được đảng cộng sản tiết lộ. – danlambao

2. VN thắt chặt quan hệ với Campuchia

Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn tất chuyến thăm Campuchia hôm nay 14/1, bày tỏ hy vọng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2015. Hiện tại kim ngạch thương mại hai chiều hai nước đạt trên 3,2 tỷ USD.

Trong chuyến thăm từ 12 đến 14/1, Dũng đã tiếp kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, hội kiến Thủ tướng Hun Sen và cùng đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ 4.

Hai vị thủ tướng bày tỏ quyết tâm nâng giao thương hai chiều từ mức 3.5 tỷ Mỹ kim hiện nay lên 5 tỷ Mỹ kim vào năm 2015 và sẽ thực hiện các biện pháp kết nối hai nền kinh tế trong các lĩnh vực giao thông, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng…

Thủ tướng Dũng cũng chúc mừng cuộc bầu cử vừa qua của Campuchia mà phe đối lập tố cáo là gian lận và chúc mừng Hun Sen một lần nữa làm thủ tướng Campuchia.

Lãnh đạo đối lập Campuchia Sam Rainsy đã liên hệ chuyến đi Phnom Penh của Thủ tướng Dũng với hành động đàn áp đẫm máu người biểu tình mới đây của Thủ tướng Hun Sen, theo một tờ báo ở Campuchia. Tuy nhiên, ông Rainsy cũng nói Việt Nam có những điều mà Campuchia nên học hỏi.

Một trong những nguyên nhân đối lập đòi Hun Sen từ chức là ‘Việt Nam có ảnh hưởng quá mức’ đối với Thủ tướng Campuchia. “Khi Thủ tướng Hun Sen từ Việt Nam về Campuchia thì sau đó xảy ra đàn áp đẫm máu. Do đó chúng tôi ngờ rằng Chính phủ Việt Nam chắc hẳn đã có lời khuyên với Hun Sen nên dùng vũ lực đối với người dân và nhất là đối với công nhân,” ông Rainsy được dẫn lời nói. “Và giờ đây nhiều khả năng là Thủ tướng Việt Nam sang Campuchia để chúc mừng Hun Sen đã làm theo lời khuyên của ông ta.”

Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen lại ca ngợi đầu tư của Việt Nam vào Campuchia tại buổi đối thoại giữa hai thủ tướng với doanh nghiệp hai nước tại Cung Hòa Bình. Cũng theo Cambodia Daily thì Hun Sen đã nói rằng số vốn đầu tư từ các công ty Việt Nam đã tăng từ gần 86 triệu Mỹ kim trong năm 2012 lên hơn 302 triệu Mỹ kim trong năm 2013. “Trên thực tế các nhà đầu tư Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ ba (về đầu tư vào Campuchia),” ông Hun Sen nói và cho biết Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Nam Hàn. “Nhưng nếu nhìn trên giấy tờ (số liệu của Phòng Thương mại Campuchia) thì các nhà đầu tư Việt Nam lại xếp vị trí thứ 10 hay 11,” ông được dẫn lời nói thêm.

Trước đó, trong cuộc hội đàm tại Cung Hòa Bình, hai vị thủ tướng đã ‘nhất trí nhiều biện pháp cùng nỗ lực triển khai nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư’, theo tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mặc dù Sam Rainsy lên án cái mà ông gọi là ‘các chính sách phá hoại’ của Việt Nam đối với Campuchia, ông cũng nói rằng Việt Nam có thể ‘là tấm gương’ cho chính phủ Hun Sen, nhất là trong việc hạn chế nhiệm kỳ cầm quyền và đấu tranh chống thanh nhũng. “Chúng ta có thể học hai điều từ Việt Nam: thứ nhất là thay đổi lãnh đạo sau một thời gian, cứ 5 năm hoặc tối đa 10 năm một lần,” ông Rainsy nói. Năm nay 61 tuổi, Hun Sen đã từng tuyên bố sẽ cầm quyền cho tới tuổi 74. “Thứ hai là Việt Nam đấu tranh chống tham nhũng. Họ trừng trị thậm chí là các cán bộ cao cấp có tham nhũng.”

“Mặc dù Việt Nam là một nước cộng sản thì hệ thống của họ hoạt động một cách lành mạnh,” lãnh đạo đối lập Campuchia nhận xét. – BBC

3. Vinashin ‘có lãi hàng nghìn tỉ đồng’

Trong một thông tin gây bất ngờ, Vinashin, từng nợ đầm đìa và mới đây đã đổi tên sau đề án tái cơ cấu, xác nhận có lãi 7,900 tỉ đồng (371 triệu USD) trong năm 2013.

Trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị, Chủ tịch Công ty, Nguyễn Ngọc Sự, giải thích con số này là nhờ tái cơ cấu tài chính, không phải nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vinashin đã chính thức mang tên mới Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) từ ngày 1/1/2014.

Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trở thành tân Chủ tịch của SBIC, trong khi Tổng giám đốc là Vũ Anh Tuấn, vốn là quyền Tổng giám đốc Vinashin.

Ông Sự nói với báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Tôi phải nhấn mạnh khoản lãi 7,900 tỉ không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại mà là kết quả của hoạt động tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu tài chính.” “Thực ra, sau khi tái cơ cấu tài chính, chúng tôi được giảm gốc và giảm lãi vay rất nhiều.” Theo ông, “sau khi được xoá lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa mà dương lên rất nhiều”. Sự cũng cho biết SBIC chỉ còn giữ lại tám doanh nghiệp đóng tàu, “sẽ thay đổi về chất thật sự”.

Theo vị chủ tịch, SBIC hiện có đối tác Damen, tập đoàn của Hà Lan, đã đầu tư vào ba công ty của SBIC.

Theo báo cáo của tập đoàn Vinashin vào tháng 09/2013 thì trong tám tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu của Vinashin mới đạt 39.67% kế hoạch của cả năm, hay 2,700 tỷ đồng, tương đương khoảng 130 triệu đô la Mỹ. – BBC