Tin Thế Giới – Thứ Ba 14/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – Thứ Ba 14/1/2014

1. Thủ đô Bangkok tê liệt vì biểu tình
2. Trung Quốc phản bác chỉ trích của Nhật về quy định đánh cá trên Biển Đông
3. Tòa án Cam Bốt không kết tội hai lãnh đạo đối lập
4. Trung Quốc: Chất độc hại được tìm thấy trong quần áo trẻ em
5. Quốc Hội HK đồng ý về ngân sách năm 2014 của chính phủ
1. Thủ đô Bangkok tê liệt vì biểu tình

Những người ủng hộ phe đối lập Thái Lan hôm nay xuống đường biểu tình ở Bangkok sang tới ngày thứ nhì trong chiến dịch “đóng cửa thủ đô” và tuyên bố sẽ không luì bước cho tới khi nào Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

Mục tiêu của những người biểu tình là “đóng cửa thủ đô”. Nhưng sinh hoạt hôm nay vẫn diễn ra bình thường tại hầu hết các khu vực của thành phố Bangkok, tuy xe cộ lưu thông không nhiều như mọi ngày.

Ngày mai 15/1, bà Yingluck sẽ họp với các nhà lãnh đạo chính trị và những người cầm đầu cuộc biểu tình để bàn về yêu cầu của ủy ban bầu cử là hoãn ngày đầu phiếu cho tới tháng 5.

Phe đối lập nói rằng những nhượng bộ của bà Yingluck chưa đủ. Ngày hôm qua, ông Suthep Thaugsuban, người cầm đầu cuộc biểu tình, thề hứa đóng cửa thủ đô cho tới khi nào đạt được mục tiêu.

Hôm nay 14/1 ông Suthep đe dọa “bắt sống” Thủ tướng và các thành viên chính phủ nếu bà không chịu từ chức trong những ngày tới.

Khoảng vài trăm người biểu tình sáng nay đã phong tỏa trong vài giờ văn phòng của hải quan cảng Bangkok nhưng không gây nhiều khó khăn cho chính quyền. Hành động tượng trưng này không mang lợi ích chiến lược bởi người biểu tình đã được mời quay trở lại một vị trí khác.

Các bộ có thể sẽ bị tấn công, nhưng hiện tại chính phủ khẳng định không một cơ quan hành chính nào bị ảnh hưởng. Giao thông bị hạn chế tại nhiều điểm trong trung tâm thành phố, nhưng chính phủ của bà Yingluck vẫn chưa đến mức bị đẩy lùi vào những nơi cố thủ cuối cùng của mình.

Hiện tại ông Suthep vẫn khăng khăng nói ông sẽ không chấp nhận một thỏa hiệp nào, tuy nhiên trong một phát biểu hôm qua, ông cũng ngỏ ý mong muốn tìm được giải pháp chấm dứt xung đột.

Có khoảng 170,000 người tham gia biểu tình, nhưng qua đêm đã tụt mất 20,000. Theo ghi nhận tại chỗ của AFP, xung quanh các địa điểm biểu tình, hầu như không thấy bóng lực lượng giữ gìn trật tự. Tránh tối đa đụng độ với người biểu tình lúc này là ưu tiên của chính phủ, vì để bạo lực đổ máu xảy ra sẽ rất có thể là tiền đề để quân đội ra tay đảo chính. – VOA, RFI & CSIS 

2. Trung Quốc phản bác chỉ trích của Nhật về quy định đánh cá trên Biển Đông

Hôm qua 13/1, Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội về chỉ trích của Nhật Bản liên quan đến các quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, nói rằng Tokyo chẳng có liên quan trực tiếp gì đến vấn đề này.

Hôm 12/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã lên tiếng phản đối các quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, được chính quyền tỉnh Hải Nam thông qua từ tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực kể từ ngày 1/1 vừa qua.

Các quy định mới về đánh cá của tỉnh Hải Nam đòi hỏi tàu cá nước ngoài phải được Bắc Kinh cho phép mới được vào hoạt động tại phần lớn vùng Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền.

Bộ trưởng Onodera tuyên bố: “Đơn phương đưa ra những quy định như thể đó là lãnh hải của mình, và áp đặt các hạn chế đối với các tàu đánh cá, đó không phải là điều được quốc tế chấp nhận”. Nhất là vì, theo ông Onodera, những quy định nói trên được thông qua ngay sau khi Trung Quốc vừa đơn phương thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Hoa Đông.

Đáp lại lời chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố: “Tôi khuyên các giới chức Nhật Bản, trước khi phát biểu như vậy, nên nghiên cứu sơ qua để hiểu đúng những quy định và luật lệ của Trung Quốc”.

Cũng về quan hệ Nhật-Trung, Lực lượng phòng vệ (quân đội) Nhật Bản đã mở cuộc thao dượt quân sự hàng năm và trong hai năm liên tiếp, binh lính Nhật đã diễn tập với kịch bản là chiếm lại một đảo từ tay kẻ địch. Đến thị sát cuộc diễn tập, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tuyên bố nhiệm vụ của Lực lượng phòng vệ là bảo vệ vùng lãnh hải chung quanh các đảo đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. – RFI

3. Tòa án Cam Bốt không kết tội hai lãnh đạo đối lập

Hôm nay 14/1/2014, lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị tư pháp Phnom Penh thẩm vấn sau các cuộc biểu tình chống Thủ tướng Hun Sen. Cuối cùng, tòa án đã để chủ tịch Sam Rainsy và người phụ tá Kem Sokha ra về mà không cáo buộc tội danh nào.

Trước tòa án Phnom Penh và sáng nay, một đám đông được ước lượng vài ngàn người đã tập họp hậu thuẫn hai nhà lãnh đạo đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc.  Hai ông Sam Rainsy và Kem Sokha bị công tố viên tòa án thủ đô thẩm vấn suốt nhiều tiếng đồng hồ sau các cuộc biểu tình bị chính quyền đàn áp đẫm máu mà nạn nhân là công nhân may mặc tranh đấu đòi tăng lương.

Theo AFP, sau nhiều giờ tra hỏi kín, cuối cùng tòa án không cáo buộc hai nhà lãnh đạo đối lập tội danh nào. Trong cuộc họp báo sau đó, ông Sam Rainsy bình luận: đây là vấn đề chính trị. Ngày nào chưa có giải pháp chính trị thì vẫn còn lơ lửng vấn đề tư pháp.

Vấn đề chính trị lãnh đạo đối lập Cam Bốt ám chỉ là yêu sách đòi thủ tướng Hun Sen từ chức sau cuộc bầu cử hồi tháng 7 năm 2013 bị tố cáo là có nhiều gian lận.

Được nhiều ngàn người tụ tập trước tòa án để ủng hộ, lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Sam Rainsy tuyên bố là cuộc tranh đấu vẫn tiếp diễn cho đến khi nào “công lý” được đền bù, công nhận đối lập chiến thắng cuộc bầu cử Quốc hội năm vừa qua. Trong một thông điệp truyền thanh, Thủ tướng Hun Sen khẳng định “không bao giờ từ chức”. Ông kêu gọi đối lập chờ cơ hội tới 2018. – RFI

4. Trung Quốc: Chất độc hại được tìm thấy trong quần áo trẻ em

Theo AFP hôm nay 14/1 tại Bắc Kinh, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã khẳng định đã phát hiện nhiều hóa chất nguy hiểm trong quần áo trẻ em mà các công ty Trung Quốc gia công cho các nhãn hiệu lớn như Disney, Burberry hoặc Adidas.

Trong một thông cáo ra hôm nay, tổ chức bảo vệ môi trường này cho biết đã cho phân tích 82 mẫu của 12 nhãn hiệu và kết quả là đều tìm thấy trên các sản phẩm này nhiều chất độc hại cho sức khỏe con người. Trong số các nhãn hiệu rơi vào tầm ngắm của tổ chức phi chính phủ trên có Nike, American Apperel, C&A và Gap. Các sản phẩm được xét nghiệm nêu trên được gia công ở 12 khu vực khác nhau trong đó có 1/3 là tại Trung Quốc.

Chih An Lee, một người có trách nhiệm của Greenpeace bình luận giờ đây “mua quần áo cho con cái sao cho không có chất độc hại quả thực là một cơn ác mộng đối với các ông bố bà mẹ”. Tổ chức này kêu gọi Trung Quốc, nhà gia công đồ dệt may hàng đầu và cũng là nhà tiêu thụ hóa chất lớn nhất thế giới, hãy chấm dứt sử dụng các loại chất độc hại cho sức khỏe con người trong công nghiệp dệt may.

Đây không phải là lần đầu tiên Greenpeace đưa ra lời cảnh báo đối với các nhà sản xuẩt quần áo lớn trên thế giới. Trong hai năm qua, tổ chức này đã công bố nhiều nghiên cứu khoa học chỉ cho thấy trên quần áo của nhiều hiệu thời trang như Zara, Calvin Klein, Levi’s và Li Ning có nhiều hóa chất có khả năng gây ung thư hoặc rối loạn hoóc môn.

Năm 2011, tổ chức Greenpeace cũng đã công bố hai báo cáo cho thấy các nhà cung cấp sản phẩm của những tập đoàn dệt may lớn đã đầu độc nguồn nước ra sao khi cho thải vào các con sông ở Trung Quốc các loại hóa chất độc hại mà người ta có thể thấy trong những sợi vải của sản phẩm được tung ra trên thị trường. – RFI

5. Quốc Hội HK đồng ý về ngân sách năm 2014 của chính phủ

Các nhà thương thuyết tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về ngân sách 1,100 tỉ đô la để tài trợ chính phủ liên bang cho đến tháng 9 năm nay, một thỏa thuận có thể tránh được việc chính phủ đóng cửa lần nữa.

Thỏa thuận được loan báo cuối ngày hôm qua 13/1 trong một thông cáo chung giữa bà nghị sĩ Dân chủ Barbara Mikulski, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng Viện và Dân biểu Cộng hòa Harold Rogers, người tương nhiệm của bà tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Kế hoạch chi tiêu chi tiết là kết quả của một thỏa thuận đạt được vào tháng 12 năm ngoái giữa Hạ viện và Thượng viện. Đó là thỏa thuận tài trợ cho chính phủ liên bang trong hai năm tới. Luật chi tiêu mới bãi bỏ việc cắt giảm chi tiêu tự động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến những chương trình trong nước và của quân đội trong năm ngoái.

Những biện pháp này gồm có 92 tỉ đô la tài trợ cho những hoạt động của quân đội ở nước ngoài, hầu hết dành cho cuộc chiến tranh đang tiến hành tại Afghanistan. Thỏa thuận mới cũng đảo ngược việc cắt tiền hưu bổng cho những thương phế binh và những thân nhân còn sống của họ.

Luật bãi bỏ việc tài trợ cho những chương trình đường ray cao tốc được chính quyền Obama ủng hộ, cũng như những khoản tiền cho phép Hoa Kỳ đáp ứng những cam kết đối với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Tuy nhiên đảng Cộng hòa thất bại trong việc cắt tiền tài trợ cho luật bảo hiểm Y tế của Tổng thống Obama, dù họ cắt giảm được 1 tỉ đô la trong quỹ y tế công cộng được thiết lập theo luật này.

Chính phủ liên bang hiện đang hoạt động theo một luật chi tiêu tạm thời, hết hạn vào ngày mai. Các nhà lập pháp sẽ thông qua một luật ngắn hạn mới tài trợ cho chính phủ cho đến khi một đạo luật toàn diện mới được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Obama ký ban hành. – VOA