Tin Việt Nam – 22/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/02/2018

Biểu tình phản đối thu phí tại trạm BOT Biên Cương,

thành phố Cẩm Phả

Trong hai ngày 21 và 22/2, nhiều người dân ở thành phố Cẩm Phả và các tài xế đã đồng loạt phản đối việc thu phí tại trạm BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, gây ùn tắc kéo dài nhiều lần trong hai ngày.

Một tài xế giấu tên ở Cẩm Phả  nói với đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 22/2 về nguyên nhân khiến người dân phản đối trạm thu phí như sau:

“Cái BOT đó có nhiều cái để người dân phản đối. Thứ nhất khoảng cách giữa hai trạm quy định là chỉ 70 km nhưng trạm này với trạm cũ là 56 km thôi. Thứ hai là trạm này thu phí rất cao, trạm cũ thu 30,000 VND mà trạm này thu 35,000VND. Cái thứ ba vô lý ở chỗ là doanh nghiệp không làm đường mới mà làm trên đường cũ, làm trên con đường huyết mạnh nối giữa hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả từ bao đời nay, từ thời Pháp đến giờ. Họ làm trên nền đường cũ và họ có giải phóng được hai bên đường rộng ra một tí và đồng nghĩa là họ lấn sát vào nhà dân, và đồng nghĩa với việc là họ cắm biển hạn chế tốc độ gần như suốt dọc đường. Gần như lưu thông chỉ có 50 hay 60 km một giờ.”

Trạm cũ mà người tài xế nói đến là trạm Đại Yên cũng trên cùng quốc lộ 18A

Theo tài xế này cho biết và các video người dân quay được ở hiện trường mà chúng tôi có được, người dân đã phản đối trạm thu phí bằng cách không trả tiền, khiến các xe ùn ứ.

“Người dân phản đối là cứ đến trạm BOT thì báo là không có tiền đi BOT, cứ như thế thôi. Còn tất cả các lực lượng tụ tập ở đó nhiều lắm. Họ bảo không có tiền có cho lùi lại thì lùi. Nhưng lùi lại cũng không giải quyết được gì. Lùi lại thì tắc hết rồi vì xe quá đông.”

Việc phản đối đã gây tắc đường lên đến khoảng 1 cây số vào ngày 21 tháng 2, theo chứng kiến của người tài xế. Doanh nghiệp thu phí BOT đã bắt buộc phải xả trạm 3 lần vào ngày 21/2.

Tuy nhiên, việc phản đối lại tiếp tục vào ngày 22/2 khi doanh nghiệp thu phí trở lại, dẫn đến ùn tắc ở trạm thu phí kéo dài đến hơn 2 cây số, theo lời của người tài xế. Đến chiều ngày 22/2, doanh nghiệp thu phí phải xả trạm nhưng rồi sau đó lại tiếp tục thu phí trở lại vào khoảng 6 giờ chiều.

Người lái xe cho biết, mặc dù việc phản đối đã kéo dài hai ngày nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết giúp dân mà chủ yếu chỉ huy động cảnh sát, và xe cẩu đến trạm thu phí. Hôm 21/2, một đại diện của thành phố Cẩm Phả đã đến yêu cầu người dân giải tán. Người lái xe cho biết:

“Có cái phòng riêng của công ty để người dân vào góp ý nhưng mới chỉ dừng lại là tiếp thu ý kiến của người dân thôi. Người bên đại diện doanh nghiệp chỉ tiếp thu ý kiến của dân mà chưa có động thái gì. Có một phó chủ tịch thành phố Cẩm Phả đứng ra hô hào cảnh sát giao thông, cơ động đuổi người dân đi.”

Trạm thu phí BOT Biên Cương do công ty Cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư. Theo báo chí trong nước, công ty BOT Biên Cương đã đầu tư vào dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long đi Mông Dương.

Ngày 29/1 công ty cổ phần BOT Biên Cương đã đưa trạm thu phí vào vận hành thử nghiệm. Sau gần hai tuần vận hành thử nghiệm, trạm bắt đầu thu phí từ ngày 13/2 với giá phí là 35.000 đồng một lượt với xe tải có trọng tải dưới 2 tấn, xe buýt và tải khách công cộng. Xe chở hàng container 40 feet và xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên phải nộp phí là 200.000 đồng một lượt.

Tuy nhiên theo người tài xế, ngay trong ngày thu phí đầu tiên, người dân và các tài xế đã phản đối, vì vậy công ty đã ngừng thu phí trong suốt dịp tết cho đến hết ngày 5 tết tức 20/2.

Cũng theo truyền thông trong nước, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương do công ty cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư theo hình thức đầu tư- khai thác –chuyển giao (gọi tắt là BOT) có chiều dài đường là 38 km với thiết kế 4 làn xe. Tổng mức đầu tư bao gồm cả giải phóng mặt bằng là gần 2.000 tỷ đồng.

Làn sóng phản đối các trạm thu phí BOT đã nổ ra ở khắp Việt Nam trong suốt năm 2017 và kéo dài đến đầu năm nay, trong đó điển hình là những phản đối của người dân và cánh lái xe ở trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang xảy ra gay gay gắt vào tháng 12 năm ngoái. Người dân chủ yếu phản đối việc các chủ đầu tư đã đặt trạm thu phí sai vị trí, và thu phí quá cao. Phản đối gay gắt tại trạm BOT Cai Lậy đã khiến chính phủ phải ngừng thu phí trạm này để chờ đưa ra giải pháp.

Tuy nhiên, đã có một số lái xe tham gia phản đối trạm thu phí Cai Lậy bị công an mời lên làm việc vì hành vi gây rối. Hôm 18/1, chính phủ Việt Nam ra quyết định cho phép Bộ Công An thu thập thông tin để xử lý những phần tử gây rối tại trạm thu phí.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/protest-at-bot-bien-cuong-02222018102640.html

 

Báo cáo:

Tham nhũng trong lĩnh vực công ở Việt Nam vẫn nhiều

Việc chống tham nhũng ở Việt Nam có tiến triển, nhưng tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn còn nhiều.

Đó là báo cáo nhận thức về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là TI) có trụ sở ở Đức công bố trong ngày hôm nay 22/2/2018.

Theo báo cáo này, điểm số của Việt Nam trong năm 2017 là 35/100, tăng 2 điểm so với năm 2016, và xếp hạng 107/180 quốc gia được khảo sát. Theo thang điểm của TI, 100 điểm là những quốc gia vô cùng ít tham nhũng, còn 0 điểm là những quốc gia rất tham nhũng.

Trên bảng đồ chỉ số tham nhũng được TI đưa ra, trong vùng Đông Nam Á Việt Nam bị xếp hạng sau Singapore và Malaysia, nhưng trên Lào và Campuchia.

Tổ chức minh bạch quốc tế cho rằng việc chống tham nhũng ở Việt Nam được cải thiện trong năm qua với những vụ tham nhũng tại tập đoàn dầu khí quốc gia được đem ra xét xử.

Tuy nhiên báo cáo TI cũng chỉ ra rằng tham nhũng tại Việt Nam mang tính hệ thống rất cao vì thiếu sự cân bằng trong việc kiểm soát của các định chế nhà nước.

Đặc biệt là TI có đưa ra một báo cáo về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, và đưa ra một khuyến cáo rằng khi Việt Nam bắt đầu xây dựng những cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, nguy cơ tham nhũng là tiềm ẩn rất cao trong các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/anti-corruption-in-vietnam-is-improved-but-still-the-risks-02222018081449.html

 

Hơn 210 ngàn người nhập viện trong Tết

Các cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam tiếp nhận hơn 210 ngàn bệnh nhân trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất.

Theo số liệu ghi nhận của Bộ Y Tế, có hơn 37 ngàn người nhập viện do tai nạn giao thông, tỷ lệ tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần 600 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tăng 5% so với năm trước và có gần 400 ca chấn thương sọ não. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29 đến ngày mùng 4 Tết tiếp nhận 438 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông. Bệnh viện Bạch Mai, tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày Tết mổ cấp cứu 20 ca, chủ yếu là bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Bên cạnh số người nhập viện vì tai nạn giao thông, các bệnh nhân đến khám và cấp cứu trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất do bị tai nạn trong sinh hoạt, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu và ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Ngoài ra còn có 5 trường hợp bị tai nạn do pháo và các chất nổ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-200k-people-were-hospitalized-in-tet-holiday-02222018100142.html

 

Giáo dân Phú Yên lên tiếng

về việc Linh mục Đặng Hữu Nam bị thuyên chuyển

Hòa Ái, phóng viên RFA

Linh mục Đặng Hữu Nam, phụ trách giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An nhận được quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong tháng Hai.

Giáo dân giáo xứ Phú Yên nói gì về việc Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã tận sức để hỗ trợ họ trong việc khiếu kiện bồi thường thảm họa Formosa, bị thuyên chuyển một cách đột ngột như thế?

Lo lắng cho sự an toàn

Một số giáo dân ở giáo xứ Phú Yên, vào tối ngày 21 tháng Hai lên tiếng với Đài RFA rằng họ lo lắng cho sự an toàn của Linh mục Đặng Hữu Nam khi ông nhận quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, vì theo họ đây là một sự thuyên chuyển bất thường, không theo thông lệ thuyên chuyển linh mục như trước đây.

Sự lo lắng của giáo dân ở giáo xứ Phú Yên dành cho Linh mục Đặng Hữu Nam bắt nguồn từ những lời hăm dọa của công an địa phương. Những người công an này mặc thường phục và thường xuyên chặn đường các giáo dân để răn đe họ. Một giáo dân giấu tên cho biết:

“Khi các bà đi chợ hay người ta đang đi trên đường thì họ kêu lại, bảo không được giúp đỡ và đồng hành với Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam nữa. Nếu tiếp tục thì có thể sẽ bị triệu tập hoặc bị bắt. Họ biết Cha Đặng Hữu Nam đi rồi nên gây sức ép nhiều hơn, bắt giáo dân từ bỏ lương tâm về sự đúng đắn để theo ý của họ.”

Không những vậy, một vài giáo dân còn nhận được giấy mời làm việc của công an trong những ngày trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Thanh niên trong giáo xứ Phú Yên, tên Sơn kể lại:

“Tôi nghe tin Cha Nam bị chuyển thì có một vài người nói với tôi là đã bị công an gửi giấy mời làm việc trước đó. Trong giấy mời không ghi rõ làm việc về vấn đề gì, nhưng họ vẫn không tới trụ sở công an để làm việc.”

Khi các bà đi chợ hay người ta đang đi trên đường thì họ kêu lại, bảo không được giúp đỡ và đồng hành với Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam nữa. Nếu tiếp tục thì có thể sẽ bị triệu tập hoặc bị bắt. Họ biết Cha Đặng Hữu Nam đi rồi nên gây sức ép nhiều hơn, bắt giáo dân từ bỏ lương tâm về sự đúng đắn để theo ý của họ

-Giáo dân giáo xứ Phú Yên

Kể từ sau khi biến cố thảm họa môi trường xảy ra do nhà máy Formosa xả thải độc tố ra biển hồi đầu tháng 4 năm 2016, Linh mục Đặng Hữu Nam cùng với hàng trăm giáo dân và ngư dân, là những nạn nhân của thảm họa Formosa biểu tình cũng như làm đơn khiếu kiện tập thể đòi được bồi thường thiệt hại, vì tỉnh Nghệ An không được Nhà nước Việt Nam đưa vào danh sách các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Thế nhưng, truyền thông tỉnh Nghệ An đưa tin cho rằng Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An kích động giáo dân làm loạn, không làm tròn bổn phận sống tốt đời đẹp đạo.

Các lần đi khiếu kiện tập thể của hàng trăm ngư dân và giáo dân các giáo xứ thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An bị trả đơn kiện, bị ngăn cản và thậm chí bị công an và an ninh hành hung, đánh đập. Điển hình, cuộc tuần hành của hơn 1000 ngư dân và giáo dân giáo xứ Song Ngọc, vào sáng ngày Valentine-14 tháng Hai năm 2017, đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện công ty Hưng nghiệp Formosa bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động dùng bạo lực, lựu đạn cay để trấn áp khiến nhiều người bị đổ máu và thương tích.

Trong những tháng cuối năm 2017, một số giáo xứ ở Nghệ An còn bị Hội Cờ Đỏ, với cả ngàn thành viên bao vây, thóa mạ và đe dọa linh mục cùng giáo dân.

Tiếp tục đồng hành vì công lý

Trước những diễn tiến như vừa nêu trong hai năm vừa qua, Linh mục Đặng Hữu Nam, người lãnh đạo tinh thần của bà con giáo dân giáo xứ Phú Yên chia sẻ với RFA rằng tiếp tục sử dụng các luật trong pháp luật để bảo vệ quyền lợi và mạng sống của những nạn nhân thảm họa Formosa trong giáo xứ.

Vào ngày 7 tháng Hai, Linh mục Đặng Hữu Nam nhận được quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Linh mục Đặng Hữu Nam cho RFA biết quyết định thuyên chuyển này là do chính quyền gây sức ép lên Hội đồng Giám mục Việt Nam:

“Nhà cầm quyền không chỉ bằng văn bản giấy tờ mà còn trực tiếp yêu cầu và làm sức ép lên Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp. Họ đã công khai làm điều đó, là yêu cầu trục xuất Linh mục Đặng Hữu Nam ra khỏi địa bàn của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, họ yêu cầu là cùng lắm thì đưa đi chỗ khác chứ không thể để tại Giáo xứ Phú Yên vì nó có môi trường Formosa và người dân Phú Yên làm ngư nghiệp. Họ không chỉ nhiều lần ép lên Hội đồng Bề Trên của Giáo phận Vinh mà cón ép lên Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thậm chí, họ còn vươn vòi đến cả Vatican.”

Chắc chắn một điều là với những người là nạn nhân của Formosa thì tôi sẽ tiếp tục đồng hành với họ để tìm cách đòi quyền lợi chính đáng cho họ, và bảo vệ họ trước pháp lý
-Linh mục Đặng Hữu Nam

Giáo dân giáo xứ Phú Yên cũng cho Đài Á Châu Tự Do biết Linh mục Đặng Hữu Nam lên đường sang giáo xứ Mỹ Khánh vào hôm 21 tháng Hai. Một ngày trước khi rời giáo xứ Phú Yên, Linh mục Đặng Hữu Nam nói với RFA rằng:

“Chắc chắn một điều là với những người là nạn nhân của Formosa thì tôi sẽ tiếp tục đồng hành với họ để tìm cách đòi quyền lợi chính đáng cho họ, và bảo vệ họ trước pháp lý.”

Một số giáo dân giáo xứ Phú Yên mà chúng tôi tiếp xúc cũng khẳng định dù Linh mục Đặng Hữu Nam bị thuyên chuyển, dù giáo dân bị công an đe dọa nhưng họ vẫn đồng lòng cùng đồng hành với Linh mục Đặng Hữu Nam kiên trì đòi lại quyền lợi chính đáng cho cuộc sống của họ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa Formosa.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/phu-yen-parish-continues-to-accompany-with-the-priest-dang-huu-nam-02212018131759.html

 

Đối ngoại ‘cân bằng động’ với các nước lớn

Một số hoạt động ngoại giao diễn ra ngay ttrong tháng giêng năm 2018. Đáng chú ý là chuyến đi của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Ấn Độ dự thượng đỉnh ASEAN- New Dehli. Rồi hai chuyến thăm dường như đồng thời của hai vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nga đến Việt Nam. Nhận định về hoạt động đối ngoại đó ra sao?

Quan hệ đối ngoại thiên về an ninh – quốc phòng

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cho rằng, chính sách “đa dạng hóa” trong đối ngoại của Việt Nam đã được triển khai ở một tầm mức cao hơn, có trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ với các nước lớn; nội dung công khai, cụ thể và chi tiết hơn so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN với các đối tác lớn trong các vấn đề chung của khu vực.

“Đây là một không khí, một xu thế đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nhưng lần này chú ý đến đối ngoại về quốc phòng, nhấn mạnh đến những vấn đề an ninh, trong khuôn khổ an ninh khu vực, cũng như an ninh của Việt Nam.”

Yếu tố Trung Quốc là điều mà ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết nhấn mạnh trong các hoạt động đối ngoại đầu năm của Việt Nam. Bởi theo ông, Việt Nam và các nước đối tác lớn của khu vực đều có chung mối quan tâm với quốc gia đông dân nhất thế giới và đang tìm cách kiềm chế, đối trọng và cân bằng sức mạnh trong khu vực Châu Á. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội hợp tác này.

“Mối quan hệ của họ không chỉ là quan hệ quốc phòng, mà còn cả quan hệ kinh tế. Tôi tin rằng Nga đang muốn bán nhiều vũ khí cho Việt Nam, Mỹ cũng muốn bán nhiều vũ khí cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần vũ khí cả của Nga và Mỹ để củng cố quốc phòng cho mình. Nói như tướng (Nguyễn Chí) Vịnh là để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.”

Quan hệ đối tác Việt – Mỹ sang trang mới

Ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trong hai ngày 24 và 25 tháng giêng, Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành cuộc Đối thoại song phương về Chính trị – An ninh – Quốc phòng lần thứ 9 tại Hà Nội vào ngày 30 tháng giêng.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ ngày càng khăng khít và đa dạng trên nhiều lĩnh vực là điều rất tích cực, giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia và Mỹ đang muốn xây dựng một mối quan hệ đối tác bền vững với Việt Nam.

“Không phải chỉ để kiếm tìm mối quan hệ để mua súng đạn, tàu, khí tài của họ. Mà cái sâu xa hơn là cùng tạo được mối hợp tác mới với họ, để thu hút được năng lực của họ về khoa học – kỹ thuật, về nền dân chủ, về mối quan hệ xã hội, về phương thức quản trị đất nước. Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội, bây giờ phải khôi phục lại, trong thời cơ mới, phải tận dụng tối đa.”

Trong nhiều năm trở lại đây, mối quan hệ đối tác Việt – Mỹ được củng cố. Trong năm 2017, Hoa Kỳ tặng Việt Nam tàu tuần duyên lớp Hamilton đầu tiên – nay là tàu Cảnh sát biển 8020. Đây là chiếc tàu tuần tra lớn nhất của Việt Nam. Tháng 3/2018 tới đây, đội tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm đến Việt Nam kể từ khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ là có bài bản, lớp lang, nội dung cụ thể, đi từng bước chắc chắn.

“Cái điểm nhấn ở đây là lịch sử đã sang trang, mối quan hệ Việt – Mỹ đã có bước chuyển về chất. Nó sẽ mở ra những cơ hội mới, mà tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề an ninh – quốc phòng.”

Tăng cường quan hệ hợp tác để cân bằng

Các hoạt động đối ngoại của Việt Nam gắn chặt với tình hình đang diễn tiến từng ngày trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách an ninh quốc gia mới; sự ra đời của chiến lược “Indo-Pacific” bởi tứ giác kim cương về an ninh Mỹ –Nhật Bản – Australia – Ấn Độ; Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Vành đai – con đường”; Nga muốn quay lại Châu Á – Thái Bình Dương.

ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nằm trong khu vực địa chính trị chiến lược quan trọng, là điểm giao thao trong chính sách an ninh – quốc phòng, cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Vì vậy, ASEAN có vai trò đặc biệt, cần một sự hợp tác nội khối với các đối tác lớn bên ngoài.

Các hoạt động ngoại giao tấp nập tại Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia có vị trí quan trọng khác trong khu vực nhằm xây dựng tập hợp lực lượng mới để cân bằng, đối trọng, kiềm chế sức ảnh hưởng và các mối đe dọa an ninh chung do Trung Quốc đang tạo nên trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.

“Ở đây đang có những chuyển động khác trước đây, nó hứa hẹn tất cả đều nhận thức được, ý thức được về một nguy cơ chung, và hy vọng sẽ có hành động đi đến làm thế nào vừa thúc đẩy cái hợp tác, đồng thời vừa kiềm chế những lực lượng quá khích, những động thái quá khích ảnh hưởng đến an ninh và phát triển trong khu vực.”

Riêng về phần Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai ghi nhận sự thay đổi trong sắc thái ngoại giao, cụ thể là Việt Nam đang tìm thế cân bằng mới, thoát dần sự ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng cách “vừa cương quyết, vừa tế nhị”, bởi mối quan hệ Việt – Trung phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, theo ông Khắc Mai, để làm được điều này, Việt Nam cần cải thiện nội lực.

“Về mặt kinh tế, về mặt nhân quyền, dân chủ, tạo thế được một sức mạnh mới, ý chí mới của dân tộc, làm cho người dân tự lực, tự cường. Đấy là vấn đề của Việt Nam. Muốn tránh trở thành con tốt đen trong bàn cờ của họ, thì phải quay về với dân tộc, với nhân dân, phải xây dựng kế mà Trần Hưng Đạo gọi là “sâu rễ, bền gốc” mới có đủ nội lực để đối thoại với thiên hạ.”

Còn Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh, Việt Nam cần phải hợp tác sâu, rộng với các đối tác trong và ngoài khu vực để phá vỡ thế “bao vây chiến lược” hay “tứ bề thọ địch”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dynamic-balance-diplomate-with-big-countries-02222018094412.html

 

Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng Eximbank

trộm hơn 10 triệu USD của khách

Một phó giám đốc Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam, Eximbank, đã làm giấy tờ giả để rút hơn 10 triệu Mỹ kim của một khách hàng rồi bỏ trốn.

Báo chí trong nước hôm Thứ Năm 22/02 đưa tin, hội đồng quản trị Eximbank trong cùng ngày ra quyết định hoàn trả khoảng 245 tỉ đồng cho khách hàng được nêu tên tắt là C.T.B. đã gửi tiền tiết kiệm tại đây.

Một nguồn tin của tờ Người Lao Động cho biết, ông Lê Nguyên Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh Sài Gòn, đã lợi dụng sự tin tưởng của bà B. ủy quyền cho ông thực hiện mọi giao dịch, để làm văn bản rút tiền từ trương mục của bà. Đầu năm 2017, bà B. nghi ngờ mình bị lừa đảo nên kiểm tra, thì phát giác khoảng 245 tỉ đồng trong nhiều trương mục của bà đã “bốc hơi”. Bà B. đã đến làm việc với tổng giám đốc Eximbank và trình báo với cảnh sát điều tra C44B bộ công an CSVN. Đầu tháng 2 này, cơ quan điều tra đã truy tố ông Lê Nguyên Hưng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tờ Người Lao Động dẫn lời ông Lê Văn Quyết, tổng giám đốc Eximbank, hôm Thứ Năm xác nhận sự việc phó giám đốc chi nhánh trộm tiền khách hàng là có thật. Ông Quyết cho biêt Eximbank đã khởi kiện ông Lê Nguyên Hưng, và hội đồng quản trị Eximbank đã ban hành nghị quyết cam kết trả tiền cho bà B. sau khi có phán quyết của tòa án. Ông Lê Nguyên Hưng đã bỏ trốn và đang bị truy nã.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/pho-giam-doc-chi-nhanh-ngan-hang-eximbank-trom-hon-10-trieu-usd-cua-khach/

 

Ân xá Quốc tế: Nhiều người Việt phải bỏ nước ra đi

Viễn Đông

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 22/2 công bố phúc trình mới về nhân quyền trên thế giới, trong đó nói tới việc các nhà hoạt động người Việt “phải bỏ nước ra đi” do “tình trạng đàn áp người bất đồng”.

“Các nhà hoạt động nổi bật bị hạn chế đi lại và chịu cảnh giám sát, sách nhiễu cũng như tấn công bạo lực”, báo cáo được cho là toàn diện nhất về nhân quyền thế giới dài, hơn 400 trang, có đoạn.

“Ít nhất 29 nhà hoạt động bị bắt [ở Việt Nam] trong năm ngoái, và những người khác phải đi trốn sau khi bị ra trát bắt”.

VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập con số vụ bắt giữ nêu trên.

Dẫn trường hợp nhà hoạt động Đặng Xuân Diệu đi Pháp và Mục sư Nguyễn Công Chính đi Mỹ, Ân xá Quốc tế nói rằng “chính quyền tiếp tục phóng thích sớm các tù nhân lương tâm nếu họ đồng ý đi lưu vong”.

Việt Nam lâu nay nhiều lần nhấn mạnh không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ tống giam những ai vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Hà Nội còn nói “không có cái gọi là tù nhân lương tâm”.

Không chỉ nhắc tới các nhà hoạt động hay những người bất đồng chính kiến, tổ chức nhân quyền có trụ sở đặt tại London còn đề cập các cựu quan chức vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, nhất là vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh do “an ninh nhà nước [Việt Nam] thực hiện ở Đức khi ông này đang xin tị nạn”, và cũng nói tới việc “chính quyền Việt Nam nói rằng ông tự nguyện trở về”.

Không phải ra đi là tốt hay ở lại là tốt. Tùy theo người đó họ làm tốt công việc của họ ở nơi thích hợp nhất.

Nhạc sĩ Việt Khang nói.

Hà Nội chưa phản ứng về phúc trình của Ân xá Quốc tế, nhưng từng lên tiếng cho rằng báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế “không khách quan” và “không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.

Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về nhân quyền ít ngày sau khi nhạc sĩ Việt Khang, người từng bị kết án tù về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” mà nhiều tổ chức cho là “mơ hồ”, sang Hoa Kỳ “tị nạn”.

Phát biểu sau khi đặt chân tới phi trường Los Angeles tại tiểu bang California, khi được hỏi là “đi tị nạn hết thì lấy ai đấu tranh” ở trong nước, tác giả của ca khúc “Việt Nam tôi đâu” nói: “Không phải ra đi là tốt hay ở lại là tốt. Tùy theo người đó họ làm tốt công việc của họ ở nơi thích hợp nhất”.

Ít lâu trước nhạc sĩ Việt Khang, một nhà hoạt động khác là Trương Minh Tam cũng rời Hà Nội để “sang Mỹ định cư theo diện tị nạn”.

Mới đây, giới hoạt động trong nước, trong đó có blogger Đoan Trang và Huỳnh Ngọc Chênh, đã viết thư ngỏ, vận động hai nữ tù nhân có con nhỏ là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Thúy Nga sang nước khác.

Xin coi việc rời nhà tù cộng sản để đến một quốc gia tự do, dân chủ là một cách để các chị giúp phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay trưởng thành…

Thư ngỏ gửi Blogger Mẹ Nấm và nhà hoạt động Thúy Nga.

“Xin coi việc rời nhà tù cộng sản để đến một quốc gia tự do, dân chủ là một cách để các chị giúp phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay trưởng thành: Chúng tôi nợ các chị quá nhiều, và việc đi tiếp con đường các chị đã đi, làm tiếp những gì các chị đã làm, là cách để chúng tôi trả ơn các chị”, bức thư viết.

“Chúng tôi hiểu rằng, từ ngày đầu tiên tham gia tranh đấu cho tới tận hôm nay trong chốn lao tù, việc ra đi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là ưu tiên của các chị. Chẳng ai chọn ngục tù làm phòng chờ để kiếm tìm sự ra đi cả. Song trong hoàn cảnh gia đình của hai chị hiện nay, đây có thể là một lựa chọn cần cân nhắc…”

https://www.voatiengviet.com/a/to-chuc-an-xa-quoc-te-noi-nhieu-nguoi-viet-phai-bo-nuoc-ra-di/4266066.html

 

Mỹ : Một người gốc Việt

được bồi thường trên 150.000 đô la vì bị ngăn làm hôn thú

Thụy My

Theo AP hôm nay 22/02/2018, một thẩm phán liên bang Mỹ đã buộc tiểu bang Louisiana bồi thường hơn 150.000 đô la phí tổn và tiền thuê luật sư cho một người gốc Việt vì không được cấp giấy hôn thú.

Các luật sư đại diện cho ông Võ Anh Việt ở Lafayette đòi bồi thường 213.000 đô la chi phí và trên 11.267 đô la thù lao, nhưng thẩm phán Ivan Lemelle chỉ chấp nhận số tiền bồi thường lần lượt là 144.614 và 10.140 đô la.

Ông Võ Anh Việt đã khởi kiện vào năm 2016, sau khi bị từ chối cấp giấy chứng nhận kết hôn. Luật pháp không cho cấp giấy này, vì ông không xuất trình được giấy khai sinh.

Ông Việt sinh ra trong một trại tị nạn ở Indonesia, sau khi cha mẹ ông chạy trốn khỏi Việt Nam. Không có nước nào cấp giấy khai sinh cho ông cả. Võ Anh Việt sống tại tiểu bang Louisiana khi mới ba tháng tuổi, và đến năm lên tám thì được nhập quốc tịch Hoa Kỳ.

Ông cùng với hôn thê sinh tại Mỹ là Heather Pham đã chi ra hàng ngàn đô la và mời 350 khách đến dự tiệc cưới vào tháng 2/2016, nhưng sau đó đơn xin giấy chứng nhận kết hôn bị cả ba địa phương là Iberia, Vermillion và Lafayette bác bỏ.

Chú rể và cô dâu vẫn tiến hành hôn lễ, nhưng về mặt chính thức không phải là vợ chồng, cho đến khi có được phán quyết thuận lợi của tòa án hôm nay.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180222-my-mot-nguoi-goc-viet-duoc-boi-thuong-tren-150000-do-la-vi-bi-ngan-lam-hon-thu