Tin Việt Nam – 15/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin  Việt Nam – 15/02/2017

 

Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Image captionĐại diện doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam hồi tháng 6/2016 

Phía Đài Loan nói gì về vụ tuần hành ở Nghệ An?

Ông Trương Phục Ninh, Phó Tổng Giám đốc Formosa Hà Tĩnh cho rằng nhiều người dân xuống đường vì không chấp nhận giá đền bù do chính quyền đưa ra, nhưng trong đó cũng có những người “không bị thiệt hại chút nào, hoặc có động cơ chính trị, muốn xuống đường để gây rối”.

Hôm 14/02, cuộc tuần hành do Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt được cho là thu hút hơn 600 người dân các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, dự định tới Hà Tĩnh nộp đơn khởi kiện Formosa.

BBC không có nguồn độc lập kiểm chứng lượng người tuần hành cũng như số người bị bắt.

Được biết 619 hộ gia đình thuộc các xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ đã gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại với bản kê khai thiệt hại vì chất thải công nghiệp của Formosa đính kèm nhưng đến nay chưa nhận được hồi đáp.

Không phải từ thiện

Trả lời riêng BBC hôm 15/02, ông Trương Phục Ninh nói “xuống đường là quyền của họ [người dân Nghệ An], nhưng họ không nên vượt quá giới hạn của chính quyền”.

Phó Tổng Giám đốc Formosa Hà Tĩnh cho rằng có lẽ những người biểu tình đã “không đi nhận tiền”.

“Họ cho là không đủ. Không thể nào mà chính quyền lại chưa đền bù. Không phải là những người chịu thiệt hại chưa được nhận tiền mà là những người này có lẽ không bị thiệt hại quá nhiều hoặc không bị thiệt hại chút nào hoặc họ có động cơ chính trị và muốn xuống đường để gây rắc rối.”

“…Tôi không có thẩm quyền để bình luận về việc liệu có xảy ra tham nhũng hay không. Tôi không tin rằng điều này sẽ xảy ra – đây là vụ việc mang tầm quốc tế, đều đã được công khai trên truyền thông.”

Ông Ninh cho biết thêm, hiện phía công ty vẫn đang cải thiện nhà máy ở Việt Nam và có các hoạt động từ thiện khác ở địa phương không liên quan tới đền bù.

Về số tiền và quá trình đền bù, đại diện của Formosa Hà Tĩnh bình luận, đây là mức do chính phủ Việt Nam đưa ra và phía Formosa “không biết mức độ thiệt hại là bao nhiêu”, cũng như “đã đưa toàn bộ số tiền bồi thường cho chính phủ”.

“Chúng tôi làm sao có thể trao tiền trực tiếp được, chúng tôi không biết mức độ thiệt hại cho họ là bao nhiêu. Chúng tôi là doanh nghiệp nước ngoài, không phải là quỹ từ thiện.

“Khi ký kết thỏa thuận [đền bù] với chính quyền, đã ghi rất rõ rằng chúng tôi được xá khỏi mọi vấn đề liên quan tới đền bù. Họ quyết định việc trả cho ngành du lịch, ngư dân, vv như thế nào. Chúng tôi làm sao quyết định được mức giá?

“Chính quyền đồng ý giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đền bù. Hiện nay, chính quyền vẫn chưa yêu cầu chúng tôi đền bù thêm,” ông Ninh nói.

Một nhân viên giấu tên từ phòng quan hệ công chúng Tập đoàn Formosa Plastics từ Đài Bắc khẳng định thêm, phía tập đoàn không biết có bao nhiêu nạn nhân, và đã làm tất cả những gì chính quyền Việt Nam yêu cầu.

“Chúng tôi không thể tham gia [quá trình đền bù]. Họ [chính quyền Việt Nam] nói họ sẽ giải quyết việc phân phát tiền đền bù như thế nào. Dù sao đây cũng là 500 triệu đô la Mỹ, không phải đô la Đài Loan,” người này nói.

Nghệ An: ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa

Báo trong nước im lặng vụ Formosa

‘Không đủ’

Tuy nhiên, trợ lý của một nhà lập pháp Đài Loan cho rằng nghiều người Việt Nam “nhận được rất ít tiền [đền bù] hoặc không đủ”.

Bà Thạch Triệu Hàm, trợ lý nhà lập pháp Đài Loan Ngô Côn Dụ cho biết phía Đài Loan đang tìm cách có được báo cáo điều tra ô nhiễm của chính quyền Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được, do đó chưa thể xác định chính xác nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng.

“Chúng tôi cần báo cáo này để xác định trách nhiệm đền bù của Formosa. Chúng tôi không thể nói liệu 500 triệu USD là quá nhiều hay quá ít để có thể hồi phục môi trường và giúp mọi người.”

“Tất nhiên chúng tôi hy vọng rằng chính quyền Việt Nam đánh giá đúng được về khoản đền bù phù hợp cho mỗi người bị ảnh hưởng. Nhưng từ phương diện quốc tế, rất khó để chúng tôi có thể nói chính quyền Việt Nam nên làm gì.

“Chúng tôi nói chuyện với một linh mục Việt Nam gần đây tới Đài Loan và ông nói ở khu vực của ông, mỗi người chỉ nhận được khoảng 0.62 xu USD, nhưng cần kiểm tra lại chi tiết này với vị linh mục ở đây.”

“…Chúng tôi cũng đang yêu cầu Ủy ban Đầu tư Đài Loan (thuộc Bộ Kinh tế) thêm việc bảo vệ môi trường và nhân quyền khi xem xét quyết định có cho phép công ty Đài Loan đầu tư ở nước ngoài,” bà Thạch nói thêm.

Reuters hôm 14/2 đưa tin, nhà máy thép Formosa thừa nhận gây thảm họa cá chết suốt 200km biển miền Trung nhưng cho rằng thiệt hại này không vươn xa đến tỉnh Nghệ An. – BBC

Báo trong nước im lặng vụ khiếu kiện về Formosa

Truyền thông Việt Nam, ngoại trừ đài báo Nghệ An, không đưa tin về cuộc tuần hành ở Nghệ An đi nộp đơn kiện Formosa hôm 14/2. 

Cuộc tuần hành do Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt.

Sự kiện được cho là thu hút hơn 600 người dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Linh mục Thục cáo buộc với BBC về việc nhiều người trong đoàn bị đánh đập, câu lưu khi mới đi được ⅕ chặng đường.

Tuy vậy, website của Truyền hình Nghệ An đăng liên tiếp ba bài viết như trong ảnh chụp màn hình.

“Với thái độ ngoan cố, quyết đạt mục đích cuối cùng, cuối chiều 14/2, Nguyễn Đình Thục cùng một số phần tử cực đoan đã kích động đoàn người đi khiếu kiện tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ,” trang này viết.

Nghệ An: ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa

Biểu tình Formosa: ‘Bước tiến’ của xã hội dân sự?

Hôm 15/2, có tin Tòa Giám Mục yêu cầu đoàn giáo dân Song Ngọc trở về nhà và cử người đại diện đi nộp đơn.

Hôm 15/2, Linh mục Thục nói với BBC: “Tạm thời chúng tôi chưa có quyết định rõ ràng là các bước tiếp theo sẽ như thế nào.”

“Thật sự là trước khi quyết định lên đường đến Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nộp đơn khởi kiện Formosa, tôi đã tận dụng nhiều phương thức như ngoại giao, tham gia điều trần tại Quốc hội Đài Loan hồi tháng 12/2016.”

“Tôi không lường được mức độ chính quyền lại hành xử bằng cách ngăn chặn và đánh đập người dân khi họ đi thực hiện quyền chính đáng của công dân.”

“Đến giờ, tôi vẫn thấy chính quyền hành xử phi lý quá.”

‘Tính chính danh của chính quyền’

Khi BBC hỏi phản ứng về việc truyền thông Nghệ An cáo buộc “kích động đoàn người đi khiếu kiện tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ”, linh mục đáp: “Tôi cho rằng không mấy người dân tin vào truyền thông của lề Đảng.”

“Mặt khác, tiến trình khiếu kiện vụ Formosa của chúng tôi luôn được thực hiện công khai, minh bạch.”

“Việc những người trong đoàn bị hành hung cũng được một số nhà hoạt động tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội để mọi người có thể chứng kiến tận mắt những gì đã diễn ra.”

“Và điều quan trọng hơn là trong việc này, tôi luôn căn dặn giáo dân của mình luôn hành xử ôn hòa, bất bạo động.”

“Tôi nói với họ rằng chúng ta gặp công an chúng ta vẫn phải vui cười với người ta để cho thấy chúng ta không có hận thù gì với họ cả mà chỉ đi đòi quyền lợi chính đáng mà thôi”.

Cùng ngày, trả lời BBC, nhà hoạt động Trịnh Anh Tuấn, người đi theo cuộc hành trình hôm 14/2, nói: “Theo những gì tôi quan sát được hôm qua thì việc trấn áp bằng bạo lực đối với người đi khiếu kiện đã làm tính chính danh của nhà cầm quyền rất xấu.”

“Người dân đã có hành động văn minh mà bị đáp lại như vậy thì chỉ đổ thêm dầu vào lửa, bức xúc của người dân càng dồn nén và hệ lụy sẽ vô cùng lớn.”

“Trước đây, Tòa Kỳ Anh từng từ chối hơn 506 người dân nộp đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại với thiếu chứng cứ chứng minh thiệt hại.”

“Theo tôi, động thái này cũng không thỏa đáng.”

“Người dân Nghệ Anh đã bị ảnh hưởng vì ngư dân tỉnh này không thể ra khơi đánh bắt cá, còn những người khác thì không thể tiêu thụ hải sản trong vùng.”

“Khi họ bị thiệt hại, họ có quyền, một quyền rất căn bản, tối thiểu của người dân từ các chế độ xa xưa, từ cổ đại, khi người khác gây thiệt hại cho mình, mình có quyền khởi kiện.”

“Một khi chính quyền Việt Nam tìm cách ngăn cản và họ không muốn người dân làm thủ tục tố tụng khởi kiện Formosa là một việc rất là bất thường và điều đó vi phạm điều tối thiểu nhất của pháp luật.”

Theo Reuters hôm 14/2, nhà máy thép Formosa đã bồi thường 500 triệu đôla và thừa nhận nhà máy thép gây thảm họa cá chết suốt 200km biển miền Trung nhưng không vươn xa đến tỉnh Nghệ An. – BBC

Việt Nam ra qui định mới cung cấp thông tin cho báo chí

Khi xảy ra các vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc có nhiều nguồn dư luận đưa ra ý kiến trái chiều nhau, không thuộc quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn được uỷ quyền phải cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận.

Đó là nội dung trong Nghị định số 09/2017/NĐ-CP vừa được chính phủ ban hành và báo trong nước loan tải ngày 15 tháng 2 năm 2017 .

Theo nghị định này, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là những người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. nếu vì lý do nào không thực hiện được thì uỷ quyền cho cấp phó.

Cũng theo nội dung trong nghị định, hình thức phát ngôn bao gồm tổ chức họp báo, đăng tải nội dung, cung cấp thông tin trên cổng điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước.

Ngược lại các văn phòng, cơ quan chính phủ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ một tháng một lần.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 3 năm 2017. – RFA

 

Ngưng cuộc tuần hành khiếu kiện Formosa

Cuộc tuần hành đi nộp đơn kiện Công ty Formosa gây thảm họa môi trường do giáo dân xứ Song Ngọc bắt đầu từ hôm 14 tháng 2 được ngưng lại trong ngày hôm nay 15 tháng 2.

Lý do được vị linh mục quản xứ Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục cho biết là theo chỉ chị của bề trên giáo phận Vinh yêu cầu giáo dân đi về và vị linh mục quản xứ cùng một số đại diện đi nộp đơn tại tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh mà thôi.

Vào chiều ngày 15 tháng 2, linh mục Nguyễn Đình Thục cho Đài Á Châu Tự do biết như sau:

Buổi sáng hôm nay Đức cha ngài gọi điện cho tôi và ngài khuyên tôi là đưa bà con giáo dân về rồi chúng ta sẽ thực hiện việc khiếu kiện vào một dịp khác. Lúc đó tôi và một số bà con giáo dân sẽ có đại diện của Tòa Giám mục đi nộp đơn kiện. Hôm nay chưa thực hiện việc này và giáo dân họ đã về nhà vào sáng hôm nay chỉ còn một người đang nằm bệnh viện từ ngày hôm qua và một người khác vào chiều hôm nay thấy rất đau nên đã đến bệnh viện, tôi cũng chưa gọi lại nên chưa biết họ có cần nằm lại để điều trị hay không.

Tin vừa nêu cũng được những người tham gia trong đoàn người đi kiện ngày hôm qua xác nhận. Bên cạnh đó, theo lời linh mục Nguyễn Đình Thục sau khi khỏe lại ông sẽ đến gặp đại diện tỉnh Nghệ An là ông chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; sau đó đi thăm các nạn nhân đang điều trị trong bệnh viện do lực lượng chức năng đánh đập, hành hung vào chiều hôm qua.

Sáng hôm qua 14/2, chừng 1.000 người là giáo dân thuộc Giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh bắt đầu hành trình đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện công ty Hưng nghiệp Formosa, đơn vị xả thải hóa chất gây thảm họa môi trường biển kể từ tháng tư năm ngoái.

Cùng lúc lực lượng công an, an ninh, cảnh sát cơ động cũng xuất hiện trên lộ trình bộ hành của đoàn người khiếu kiện.

Các video clip và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng công an đông đảo đã sử dụng đến lựu đạn cay để trấn áp đoàn người.- RFA

 

Doanh nghiệp ô tô Nhật có thể rút khỏi Việt Nam

Một số doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật Bản tại Việt Nam đang cân nhắc rút các nhà máy sản xuất khỏi Việt Nam trong tương lai gần với lý do ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam không phát triển.

Ông Takimoto Koji, trưởng đại diện của JETRO, tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô ở Việt Nam rất yếu kém trong nhiều năm qua. Điều này làm cho các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản đặt ở Việt Nam phải chuyển hướng đầu tư sang các nước lân cận như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Với thỏa hiệp thương mại mới giữa 10 thành viên ASEAN, bốn doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật là Toyota, Mazda, Honda, Suzuki đang có sự cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, nơi mỗi năm có khoảng 250 chiếc ô tô được xuất xưởng, một con số khá khiêm tốn so với quốc gia láng giềng là Thái Lan, với 2 triệu xe/năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản về ngành nông nghiệp lại tìm cách đầu tư vào Việt Nam. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã có buổi gặp gỡ và trao đổi về vấn đề trên ngày hôm nay.

Chương trình có sự tham gia của 20 nhà doanh nghiệp Nhật và 80 doanh nghiệp Việt Nam. Các tỉnh được đầu tư là Lâm Đồng và Nghệ An, tập trung vào một số mặt hàng nông sản như rau quả tươi, thuỷ hải sản, sản xuất gạo. – RFA

 

Việt Nam chuẩn bị đón Vua và Hoàng hậu Nhật

Công an Việt Nam đang tập trung công tác bảo vệ cho chuyến thăm sắp đến của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tại Huế. Hôm nay, 15 tháng 2, thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam đến Huế để kiểm tra công tác bảo vệ an ninh trật tự tại thành phố này mà mục tiêu quan trọng được cho biết là xem xét kế hoạch chuẩn bị cho chuyến thăm của Nhật Hoàng và hoàng hậu đến cố đô Việt Nam vào đầu tháng ba tới đây. Ngoài ra cũng kiểm tra kế hoạch chuẩn bị hội nghị cấp cao APEC 2017.

Tin cho biết Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam trong vòng một tuần lễ kể từ ngày 28 tháng 2.

Sau Hà Nội, Nhật hoàng và Hoàng hậu sẽ đến thăm cố đô Huế vào ngày 3 tháng 3.

Chiều hôm qua 14 tháng 2, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp đón đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Kunio Umede. Trong dịp này, thủ tướng Phúc cũng cho biết Việt Nam đang chuẩn bị đón tiếp cho chuyến viếng thăm của Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản vào cuối tháng 2 này. – RFA

 

Tướng Tô Lâm: ‘Công dân VN không mang hộ chiếu giả’

Bộ Trưởng Bộ Công An Việt Nam, tướng Tô Lâm, khẳng định với VOA Việt Ngữ, chưa nhận được thông tin liên quan đến người phụ nữ mang giấy thông hành Việt Nam bị bắt vì bị tình nghi ám sát anh trai lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un.

Người đứng đầu ngành công an còn khẳng định xác suất mang hộ chiếu giả đối với công dân Việt Nam là “gần như không có.”

 Đường dẫn trực tiếp

Vụ ám sát ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngay tại phi trường quốc tế Kualar Lumpur, Malaysia, hôm 14/2 đang gây chấn động dư luận thế giới.

Cảnh sát Malaysia hôm 15/2 bắt một phụ nữ mang giấy thông hành Việt Nam bị tình nghi là một trong những thủ phạm ra tay hạ sát ông Kim Jong Nam. Thông báo của cảnh sát Malaysia cho biết người phụ nữ này tên Doan Thi Huong, sinh ngày 31/5/1988 tại Nam Định.

Trả lời phỏng vấn của VOA Việt Ngữ tối 15/2, Bộ Trưởng Công An, Tô Lâm, cho biết ông “chưa có thông tin gì. Tôi chưa có thông tin gì về việc này”.

Trước đó hôm 14/2, các nhà lập pháp Hàn Quốc dẫn lời cơ quan tình báo nước này nói họ tình nghi thủ phạm giết ông Kim Jong Nam là 2 nữ đặc vụ Bắc Triều Tiên. Reuters cũng dẫn nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ nghi kẻ ám sát anh trai ông Kim Jong Un là đặc vụ Bắc Triều Tiên.

Trong khi cảnh sát Malaysia đang tiếp tục truy tìm các tòng phạm khác, một số người trong công luận đặt nghi vấn về việc có thể nữ nghi phạm bị bắt mang giấy tờ thông hành, hộ chiếu giả của Việt Nam. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Rất ít, gần như không có. Người đang ở Việt Nam thì rất ít, còn người Việt Nam ở nước ngoài thì tôi không quản lý được”.

Khi VOA hỏi liệu có thể có việc người làm công tác an ninh, tình báo tại Việt Nam mang giấy tờ giả hay không, ông Tô Lâm trả lời: “Không có. Người làm công tác thì không bao giờ, công việc nhà nước thì không bao giờ có hộ chiếu giả. Công dân Việt Nam thì không có hộ chiếu giả”.

Ông Kim Jong Nam bị ám sát tại phi trường Kualar Lumpur khi đang chờ chuyến bay đi đến Macau hôm 14/2. Một nhà lập pháp Hàn Quốc nói nhiều khả năng ông Kim Jong Nam bị giết chết “bằng chất độc”. Trong khi đó, đài truyền hình Chosun của Hàn Quốc nói nghi phạm là 2 nữ điệp viên đã lên taxi tẩu thoát sau khi hạ sát ông Kim Jong Nam. – VOA

 

Việt Nam: Pitu của Trung Quốc “thu thập thông tin lạ”

Một phần mềm giúp người dùng điện thoại di động hóa thân thành các nhân vật trong lịch sử Trung Quốc đang gây sốt ở Việt Nam, nhưng dân mạng được cảnh báo phải thận trọng vì phần mềm này có khả năng thu thập thông tin cá nhân không liên quan của người sử dụng nó.

Truyền thông trong nước gần đây cảnh báo về phần mềm ứng dụng Pitu do công ty Công Nghệ Tencent của Trung Quốc phát triển, có thể xâm hại đến quyền cá nhân và làm chủ nhân mất quyền điều khiển điện thoại.

Trên trang mạng xã hội Facebook, nhiều người đã tung lên các ảnh chân dung qua xử lý bởi Pitu để hóa thân thành những nhân vật cổ trang trong lịch sử Trung Quốc. Theo VNExpress, nhiều người dùng điện thoại ở Việt Nam đã dùng phần mềm Pitu để hóa thân thành các nhân vật trong Tam Quốc. Người dùng chỉ cần chụp 1 bức hình selfie, ảnh sẽ được bộ lọc mới nhất của Pitu biến thành các nhân vật chẳng hạn như Tào Tháo, Lã Bố hay Điêu Thuyền.

Tam Quốc là một trong những chuyện lịch sử của Trung Quốc được nhiều người Việt Nam đọc nhất và Tam Quốc Diễn Nghĩa của Trung Quốc được chiếu nhiều trên truyền hình Việt Nam. Trước đây, Pitu từng gây sốt ở Việt Nam nhờ hiệu ứng trang điểm giống Võ Tắc Thiên hay búp bê trong ngày Giáng Sinh.

Theo mô tả của trang web iTunes của Apple, Pitu là phần mềm miễn phí được tải nhiều nhất trên App Store ở Trung Hoa lục địa, Hong Kong, Đài Loan, Macau và Malaysia. Ứng dụng này hiện đang có phiên bản chạy trên cả iOS và Android.

Tuy nhiên, theo báo chí trong nước, ứng dụng này khi được cài đặt sẽ yêu cầu quyền can thiệp vào những thông tin có trong máy như quyền ghi âm, quyền đóng các ứng dụng khác và quyền truy cập vào camera.

Thanh Niên Online đã có bài viết “cảnh giác rò rỉ thông tin cá nhân với ứng dụng hóa trang của Trung Quốc” trong khi VNExpress cho rằng “ứng dụng gây sốt của Trung Quốc thu thập nhiều thông tin lạ.”

Báo chí trong nước trích lời các chuyên gia về công nghệ thông tin cho rằng “chỉnh sửa ảnh thì không cần quá nhiều thông tin như vậy.”

Phần mềm chỉnh sửa ảnh Meitu, cũng của Trung Quốc, được tung ra trước đây cũng đòi truy xuất các thông tin riêng tư tương tự.

Nhiều ứng dụng của Trung Quốc được cho là vướng vào các nghi vấn tương tự. Tờ The Globe and Mail trích một báo cáo trong năm 2016 cho biết hàng trăm nghìn người dùng điện thoại Android có cài đặt các phần mềm ứng dụng đã lâm vào tình huống thông tin về địa điểm và nhận dạng được gửi tới các máy chủ ở Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn nói với Thanh Niên rằng “nhiều người dùng smartphone không cảnh giác trước những ứng dụng lạ và cứ cài đặt mà không đọc kỹ các điều khoản khi cài.”

Diễn viên Ngọc Trinh đã tung lên Facebook của mình hình ảnh hóa thân thành mỹ nữ và soái ca cổ trang dùng ứng dụng Pitu, theo MotTheGioi.vn. Tuy nhiên trào lưu này không được một số nghệ sỹ Việt Nam hưởng ứng và thậm chí còn tẩy chay những người dùng avatar bằng các hình ảnh hóa thân vào các nhân vật cổ trang Trung Quốc.

Diễn viên hài Hoài Linh đã thông báo trên Facebook cá nhân là sẽ hủy kết bạn với những ai đăng ảnh cổ trang Trung Quốc và khích lệ mọi người hãy hóa thân thành các nhân vật cổ trang “khăn đóng, áo dài” theo truyền thống Việt Nam.

MC Phan Anh cũng lên tiếng trên Facebook khi viết rằng mặc dù anh không “biết nó thu thập thông tin gì? Liệu có dính virus hay mã độc gì không? Nhưng nói chung là chẳng ai lạ gì độ thâm hiểm của nước lạ này nữa!” ý nói Trung Quốc. – VOA

DB Lowenthal ‘tiếp tục thúc đẩy nhân quyền Việt Nam’

Pham Thuc.

Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal vừa trở thành đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam), theo thông cáo báo chí từ văn phòng của ông ngày 10/2. Hai vị đồng chủ tịch khác là Dân biểu Chris Smith và nữ Dân biểu Zoe Lofgren.

Ông Lowenthal đại diện cho khu vực Little Saigon, thuộc địa hạt 47 tại miền Nam California, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA Tiếng Việt ngày 14/2, dân biểu Lowenthal đã chia sẻ những ưu tiên và dự định của ông trên cương vị mới nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Ưu tiên tiếp tục thúc đẩy nhân quyền

VOA: Thưa ông, là đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Việt Nam, ông có những ưu tiên gì?

DB Lowenthal: Tôi muốn tiếp tục những ưu tiên mà tôi đã đặt ra khi còn là thành viên của ủy ban dưới sự lãnh đạo của các Dân biểu Zoe Lofgren, Loretta Sanchez trước đó, và Chris Smith.

Và tôi nghĩ Hoa Kỳ phải tiếp tục yêu cầu Việt Nam tham gia các hoạt động bảo vệ quyền của các công dân của họ.

Nếu họ muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ, tôi nghĩ chúng ta phải đề nghị họ bảo vệ quyền tôn giáo của công dân, quyền của các blogger được bày tỏ bất đồng, các nhà hoạt động lao động được đòi có công đoàn độc lập, các nhà môi trường được đòi bồi thường thật sự cho thảm họa Formosa, Hòa thượng Thích Quảng Độ đang bị quản thúc được thực hành tôn giáo.

Như vậy, có nhiều việc chúng tôi muốn tiếp tục. Và điều tôi muốn làm trên cương vị là một trong những đồng chủ tịch là duy trì việc ủy ban tập trung vào Việt Nam, và chúng tôi muốn thấy những thay đổi to lớn về nhân quyền của các công dân Việt Nam.

VOA: Trong những năm qua, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ, thảo luận với nhà chức trách Việt Nam. Ông đã đề nghị họ đạt tiến bộ về những vấn đề gì, và họ hồi đáp ra sao?

DB Lowenthal: Tôi đã đến Việt Nam, thách thức chính phủ Việt Nam rằng tôi sẽ không ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam muốn tham gia trừ phi Việt Nam có những thay đổi, thay đổi về nhân quyền, về môi trường.

Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Tôi nghĩ dưới thời chính quyền mới, Hiệp định TPP đã bị loại bỏ. Nhưng tôi nghĩ trên bàn đàm phán sẽ là những hiệp định thương mại mà chúng ta thảo ra với Việt Nam. Và tôi thực sự muốn chính quyền này cổ võ cho nhân quyền cũng như các quyền kinh tế của người Mỹ nếu như chúng ta có mối quan hệ thương mại, hay gia tăng thương mại với Việt Nam.

Do vậy, tôi nghĩ hết sức quan trọng phải làm công việc đó trong khuôn khổ của ủy ban.

VOA: Tân Tổng thống Trump chưa trực tiếp đề cập đến nhân quyền trong các phát biểu, tuyên bố. Ông có cho rằng như vậy chính quyền Trump thiếu quan tâm đến nhân quyền, và điều đó ảnh hưởng ra sao đến nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam?

DB Lowenthal: Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi thúc đẩy nhân quyền không phải vì có một chính quyền nào đó nói nhân quyền là quan trọng. Chúng tôi ủng hộ nhân quyền như là một nguyên tắc cơ bản của Mỹ, nguyên tắc đó cần phải là một phần trong chính sách đối ngoại của chúng ta trên toàn thế giới.

Tôi biết rằng có nhiều người Mỹ gốc Việt sinh ra ở Việt Nam hay ở Mỹ. Nhiều người có gia đình vẫn ở Việt Nam. Có những gia đình đã đi di tản và là một phần của cộng đồng Việt kiều. Họ thực sự muốn có quan hệ tốt với Việt Nam. Và thực sự là tùy thuộc vào việc chính quyền Việt Nam dừng các hoạt động đàn áp đối với chính người dân của mình.

Và như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chính quyền [Mỹ] hiện nay. Đúng như bạn nói, chính quyền hiện nay chưa tập trung vào nhân quyền. Vai trò của chúng tôi là Ủy ban về Việt Nam ở Quốc hội, với tư cách là một nhánh quyền lực ngang bằng với chính phủ, thì Quốc hội muốn chính phủ làm việc về các vấn đề này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ, với Ngoại trưởng và các vị khác để tập trung vào những vấn đề rất quan trọng này, đảm bảo rằng nhân quyền trở thành một trong những mục tiêu đối ngoại của Mỹ.

Đại sứ Osius ở vị trí khó khăn

VOA: Nhiều nhà hoạt động và nhiều người trong công chúng Việt Nam bày tỏ thất vọng về Đại sứ Ted Osius vì cho rằng dường như ông thiếu nỗ lực thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam. Ông bình luận ra sao về điều này?

DB Lowenthal: Tôi nghĩ ông Osius ở vào một vị trí khó khăn. Cá nhân tôi rất ủng hộ các hoạt động của ông Osius là người mà tôi nghĩ đã cố gắng thúc đẩy cả phát triển kinh tế với Việt Nam lẫn nhân quyền.

Ông Osius đã thăm Nghĩa trang Biên Hòa. Ông rất ý thức về việc chúng tôi mong muốn cung cấp trợ giúp nhân đạo cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa không thể đi Mỹ.

Có thể có một số quan ngại từ các nhà hoạt động là Mỹ chưa làm đủ. Vai trò của chúng tôi trong Quốc hội là tiếp tục thúc đẩy nhân quyền, bảo đảm rằng chính quyền hiện nay gửi ra thông điệp là nhân quyền nằm trong số các ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi muốn đi tiên phong làm việc đó theo cách thức lưỡng đảng.

Chính quyền chưa thực sự trình bày về chính sách đối với Việt Nam. Do vậy, thực sự đó là trách nhiệm của chúng tôi cần phải giúp đỡ chính quyền lập ra chính sách đó. Sau đó, họ sẽ làm việc với đại sứ của họ, như là ông Osius, để thực thi chính sách.

Như vậy, lúc này, đó là những gì ủy ban đang làm, đề ra một số định hướng, một số vấn đề mà chúng tôi muốn chính quyền giải quyết.

VOA: Lúc này đang có một cuộc biểu tình lớn ở Nghệ An liên quan đến Formosa. Những thông tin mới nhất chúng tôi nhận được cho thấy những người biểu tình bị cảnh sát đánh đập. Ông có thể nói gì về điều này? Ông có thông điệp gì dành cho họ?

DB Lowenthal: Chúng tôi muốn nói chúng tôi biết rõ Việt Nam đã phải hứng chịu một thảm họa môi trường to lớn do việc xả chất thải độc hại trái phép của hãng thép Formosa ở Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan. Vụ này đã làm chết hàng triệu tôm cá, tàn phá nền kinh tế và sinh kế địa phương.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam đã ứng phó chậm chạp, và đã từ chối điều tra xem ai chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cá nhân tôi cho rằng đó là một sai lầm lớn. Và tôi sẽ tiếp tục vận động chính phủ Mỹ – thông qua chính sách của mình – đứng lên vì những người bị thiệt hại nhiều do thảm họa môi trường này.

Luật Magnistky giúp nhắm vào những kẻ vi phạm

VOA: Hồi tháng 12/2016, Luật Magnistky về trừng phạt những người vi phạm nhân quyền đã được thông qua. Nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã hy vọng Mỹ sẽ sử dụng đạo luật này để lập danh sách các quan chức Việt Nam cần phải bị trừng phạt. Ông và các dân biểu khác đã bắt đầu hành động về việc này chưa? Ông nghĩ Luật Magnistky sẽ có tác động thế nào đến tình hình nhân quyền Việt Nam?

DB Lowenthal: Có, nó sẽ có tác động. Tôi nghĩ lúc này điều mà tôi hy vọng Quốc hội sẽ làm là sẽ nói chuyện với chính quyền [Mỹ] về việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, và sau đó sẽ bắt đầu xem xét các công cụ mà chúng tôi có, như là đạo luật này, để nhắm mục tiêu vào những ai vi phạm nhân quyền.

Như vậy, điều tôi thực sự mong đợi là có một cuộc thảo luận toàn diện giữa chính quyền và các thành viên Quốc hội, và các cộng đồng, những người thực sự muốn thấy Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ các công dân Việt Nam khỏi những sự vi phạm nhân quyền, quyền tôn giáo bởi chính phủ [Việt Nam]. Và đạo luật này sẽ có tiềm năng giúp chúng tôi nhắm mục tiêu vào một số những kẻ vi phạm tồi tệ nhất.

Nhưng lúc này chúng tôi cần đánh tiếng trước rằng Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi Việt Nam, và quan hệ của chúng tôi với Việt Nam trong tương lai sẽ tùy thuộc vào những thay đổi trong hành xử của chính phủ Việt Nam đối với chính các công dân của mình thông qua việc mang lại sự bảo vệ và các quyền, và không bỏ tù các công dân hay các tù nhân lương tâm.

VOA: Xin cảm ơn dân biểu Lowenthal đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. – VOA

 

Đoàn người đi kiện Formosa bị tấn công

Linh mục và ngư dân trong đoàn hàng trăm người đi khiếu kiện Formosa cho VOA biết họ đã bị tấn công “tàn nhẫn”, nhiều người “sống dở chết dở” khi đang trên đường, đi bộ đến Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện Formosa, công ty đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung, khiến người dân mất nguồn sinh kế.

Tin cho hay sau khi các xe hợp đồng bị chính quyền ngăn cản, đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km để nộp đơn kiện. Tuy nhiên, họ đã bị tấn công khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn giáo dân là nạn nhân của Formosa, cho VOA biết:

“Cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và an ninh mặc thường phục đã tràn ra và tất cả khoảng mấy trăm đến cả ngàn người tràn ra vây bắt tôi và đánh đập. Bà con giáo dân đến bảo vệ tôi thì nó bắt những người làm truyền thông cho lên xe và chở đi. Mấy xe ô tô của chúng tôi chở người, chở thực phẩm là nó câu đi hết”.

Một trong số những người đi trong đoàn cho biết chỉ trong buổi chiều 14/2, đoàn đã bị tấn công đến 2 đợt.

“Có 2 giai đoạn bị đánh đập. Lúc đầu tiên nó chận xe, ép người dân vào đường, rút chìa khóa xe xong thì lôi người xuống đánh. 4-5 người mặc thường phục đánh xong rồi còng tay ép đưa lên ô tô tải (xe thùng). Đó là lần đầu tiên. Nó cũng bắt khoảng gần 10 người. Bị ở đó xong thì nó ép dân vào một bãi đất rộng ở gần đấy. Lần hai là lúc cao trào chúng giở trò ném đá. Nó mạo danh là người dân ném đá. Nhưng đó không phải là người dân mà là công an ném đá để người dân hùa theo. Sau đó nó ném lựu đạn. Dân bắt đầu hoảng loạn chạy. Chạy thì nó đuổi và nó đánh. Nó đánh rất nhiều người bị thương”.

Những hình ảnh được cập nhật liên tục trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã bị đánh với những vết thương khá nặng, bị rách trán, bầm mắt, dập môi… Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết thêm:

“Nó đuổi, nó bắt và nó đánh đập tàn nhẫn. Nó đánh đập rất nhiều người bây giờ sống giở chết giở ngoài bệnh viện. Rất nhiều người, khoảng vài ba chục người, đã bị đánh đập”.

Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết hiện các nạn nhân đang được cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá địa phương.

Giáo dân giáo xứ Song Ngọc đa số làm nghề biển, nhiều người đã bị mất nguồn sinh kế kể từ khi xảy ra ô nhiễm môi trường. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết kể từ khi ô nhiễm môi trường xảy ra, rất nhiều gia đình trong giáo xứ đã phải bán cả tàu thuyền, là gia sản và phương tiện kiếm sống duy nhất, để có thể trả nợ ngân hàng và đắp đổi qua ngày. Nhưng chính quyền Việt Nam và công ty Formosa chỉ đền bù cho người dân của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Sau khi đã gửi đơn kiện với kê khai cụ thể thiệt hại mỗi hộ gia đình hồi năm ngoái, người dân ở Nghệ An vẫn chưa được xem xét bồi thường.

Vợ của một ngư dân tham gia trong đoàn đi kiện cho VOA biết:

“Chết sống gì chúng tôi cũng phải đi để đòi lại sự thật, đòi họ đền bù cho chúng tôi, chứ chúng tôi bị thiệt hại, chúng tôi không biết phải sống bằng nghề gì. Nếu họ có đánh đập, chúng tôi chết vì sự thật, chúng tôi vẫn cứ sẵn sàng”.

Hiện đoàn người đi kiện đang tạm nghỉ ở giáo xứ Đồng Tháp, thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trên đường đi kiện, họ được rất nhiều người dân, giáo xứ lân cận ủng hộ, trợ giúp thức ăn, nước uống.

Trong khi truyền thông lề trái và nhiều Facebooker liên tục đưa tin cập nhật tình hình, thì trên các phương tiện truyền thông chính thống vẫn chưa có thông tin về sự kiện này.

VOA đã cố gắng liên lạc với chính quyền địa phương để xác nhận thông tin nhưng không nhận được hồi đáp. – VOA