Tin Việt Nam – 14/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/09/2017

Đổi tiền ở VN: Truyền thông và đời thực

Trần Quốc Quân

Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Warsaw, Ba Lan

Ngày này 32 năm trước, 14/9/1985, nhà nước Việt Nam đã tiến hành đổi tiền trên cả nước.

Đây là lần đổi tiền thứ hai kể từ sau ngày thống nhất đất nước 1975, nhằm thực hiện một trong ba nhiệm vụ quan trọng của cải cách giá – lương – tiền, chuyển nền kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa mà thực chất là vận hành theo qui chế thị trường.

Nhưng quan trọng hơn là để cứu nền kinh tế kế hoạch hóa bị kiệt quệ vì sản xuất đình trệ và phải duy trì hai cuộc chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc.

Chuyên gia nói gì về tin đồn Việt Nam đổi tiền?

Ngân hàng Nhà nước VN ‘bác tin đổi tiền’

Đây cũng là lần thứ hai trong đời, tôi biết đến đổi tiền.

Lần đổi tiền đầu tiên là ngày 3/5/1978 với mục đích thống nhất tiền tệ lưu hành tại hai miền Bắc, Nam.

Khi ấy, đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi được trường phân công trợ giúp một bàn đổi tiền tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Là sinh viên hưởng trợ cấp 18 đồng một tháng, tôi không có nổi đến 100 đồng là lượng tiền tối đa để đổi cho mỗi người độc thân theo quy định. Tuy thế, tôi nhất định không “tiếp tay” đổi hộ các gia đình bạn bè tiểu thương để kiếm chút tiền tiêu.

Hồi đó hầu hết sinh viên đều có ý nghĩ trong sáng thế.

Sau cuộc đổi tiền này, từ năm 1979 đến 1985 đời sống khó khăn cùng với lạm phát tăng cao khiến đổi tiền trở thành thông tin nhạy cảm đối với cả xã hội. Toàn dân luôn trong tư thế thấp thỏm nghe ngóng mỗi khi có tin đồn thổi “đổi tiền”.

Bí mật và tin đồn

Đổi tiền là chủ trương có tác động rất lớn lên đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, cuộc đổi tiền lần thứ hai vào ngày 14/9/1985 được giữ bí mật đến phút chót với mục đích “cho bọn nhà giàu không kịp trở tay”.

Ấn Độ hỗn loạn sau lệnh đổi tiền

Tin đồn về việc đổi tiền của Ấn Độ

Trong tháng 11/2016, người dân Ấn Độ choáng váng khi giới chức công bố ngưng lưu hành các tờ tiền mệnh giá 500 rupee (tương đương 7 đô la) và 1.000 rupee (tương đương 14 đô la) để ‘chống tham nhũng’

Ngày 12/9/1985, báo Tuổi Trẻ vẫn đăng trên trang nhất bài viết “Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương”, trong đó có nội dung “Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản, mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để”.

Thế nhưng chỉ hai ngày sau, sáng sớm 14/09/1985, hệ thống phát thanh, truyền hình và báo chí trong cả nước bất ngờ đưa tin thời sự nóng hổi “Đổi Tiền”.

Lần đổi tiền này, tuy chỉ là công chức nghèo nhưng tôi cũng trở thành nạn nhân cùng với “đối tượng bị tước đoạt” là giới giàu có tiểu thương và tư sản.

Càng gần đến ngày N, tin đồn đổi tiền càng lan rộng, thậm chí công khai khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Nhưng những bài viết, bài phát biểu phủ nhận trên báo chí, truyền hình đã củng cố lòng tin cho tôi.

Ngày 13/9/1985, tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến công tác định trước với số tiền mang theo tương đương một tháng lương. Tôi ở nhà khách của Văn phòng 2 Tổng cục Thống kê tại 40E Ngô Đức Kế, cửa sổ phòng ngủ quay ra đường Nguyễn Huệ.

Sáng sớm hôm sau, đang ngủ sâu, bỗng nhiên tôi nghe ngoài cửa sổ vang lên tiếng loa truyền thanh loan báo thông tin đổi tiền. Tôi bừng tỉnh, lo lắng. Ơ! Sao mới bảo “Đập tan thủ đoạn tung tin đồn thất thiệt” cơ mà.

Cả thành phố như thức dậy theo, ngơ ngác, hoảng loạn.

“Nạn nhân”

Lắng nghe thông báo hướng dẫn qua loa truyền thanh, không kịp ăn sáng, tôi vội lao ra bàn đổi tiền xế bên cổng chợ Bến Thành. Ở đó đã có đám đông hàng trăm người xếp không ra hàng ra lối, ồn ào nhốn nháo đang chầu chực sẵn.

Việc đổi tiền thường được áp dụng ở những thời điểm kinh tế, chính trị có nhiều biến động

Vừa đến giờ mở cửa, ai cũng cố ào ạt xông lên để chen bằng được vào bên trong hàng rào sắt. Dưới ánh nắng, trong cái nóng nhễ nhại mồ hôi, người đổ đến bàn đổi tiền càng ngày càng đông.

Chen chúc một lúc, tôi bị bật ra vòng ngoài.

Quay sang, tôi thấy vợ chồng nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Tr. G. đang đứng bên cạnh. Nhìn đám đông một lúc lâu, họ ngao ngán lắc đầu rồi lững thững bỏ đi.

Chờ đến giữa trưa, thấy đám đông không hề thuyên giảm, với cái bụng đói meo tôi đành bỏ về nhà khách. Trong túi tôi lúc đó chỉ có cuộn tiền cũ không còn giá trị lưu hành.

Chưa tìm ra cách đổi được tiền cũ sang tiền mới, tôi đành ngồi nghĩ kế cứu đói cho mình trước tiên.

Chợt nhớ ra loa truyền thanh buổi sáng hướng dẫn, tiền lẻ mệnh giá thấp vẫn có giá trị trao đổi, tôi tìm trong ví được số tiền lẻ đủ mua một bữa ăn đạm bạc.

Hôm sau, vẫn chưa đổi được tiền, tôi tìm đến nhà người bạn để ăn chạc bữa trưa. Bạn tôi dân thành phố, tuy thổ công nhưng cũng không đổi được tiền. May là khi mở các ngăn kéo trong phòng riêng, bạn tôi tìm được khá nhiều tiền lẻ, đủ nuôi hai người đến khi đổi được tiền mới.

Đổi tiền hay tước đoạt tiền có tổ chức?

Như đã nói, Nhà nước Việt Nam tổ chức đổi tiền lần 2 mục đích là chuyển nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh “vận hành theo quy chế thị trường” và để trang trải cho những khó khăn của nền kinh tế.

Venezuela hoãn đổi tiền đến tháng Giêng

Venezuela đổi tiền nhằm ‘chống lại mafia’

Tháng 12/2016, Tổng thống Maduro của Venezuela tuyên bố đổi tiền đối với toàn bộ các tờ mệnh giá 100 bolivar để chống nạn buôn lậu

Với qui định tiền đang lưu hành phải nộp lại trong vòng 3-5 ngày với tỷ lệ 1 đồng mới ăn 10 đồng cũ và số lượng bị hạn chế như sau: Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới; mỗi người độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới; mỗi hộ kinh doanh công thương nghiệp chỉ được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới, thì bản chất cuộc đổi tiền năm 1985 không khác gì nhà nước thi hành chính sách cướp tiền dân.

Thế nhưng, y như không khí ngày đổi tiền, đời sống kinh tế xã hội Việt Nam những năm sau đổi tiền rơi vào hỗn loạn với mức lạm phát cao tới ba con số: năm 1986 là 774%, năm 1987 là 323%, và năm 1988 là 393%.

Với mức gia tăng lạm phát như trên, chỉ trong ba năm từ 1986 đến 1988, trước khi tôi đi du học Ba Lan, giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam đã tăng gần 100 lần.

Tôi còn nhớ rõ, cái xe máy Simson S50 anh tôi dành dụm tiền mua được trong thời gian du học Đông Đức, đem về bán trước đổi tiền năm 1985, má tôi gửi vào tiết kiệm, đến năm 1990 rút ra số tiền không mua nổi một chiếc lốp xe đạp.

Đổi tiền rồi phát hành tiền vô tội vạ khiến lạm phát gia tăng ở mức cao là đỉnh cao nghệ thuật nhà nước tước đoạt tiền của nhân dân.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, hiện đang sống tại Warsaw, Ba Lan.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41267504

 

Đại án OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị án tử hình

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank bị cho là “không thành khẩn”.

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên mức án tử hình với ông Nguyễn Xuân Sơn và án tù chung thân với ông Hà Văn Thắm, đều là các cựu lãnh đạo OceanBank.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, bị đề nghị án tử hình về các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Ông Hà Văn Thắm nguyên Chủ tịch HĐQT, bị đề nghị án chung thân về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ và vi phạm quy định về cho vay.

Hàng chục bị can còn lại bị đề nghị các mức án tù trong khoảng từ 3 tới 27 năm tù trong vụ xử được gọi là đại án.

Truyền thông tại Việt Nam mô tả phiên xử 11 ngày tập trung vào một loạt cáo buộc của Viện Kiếm sát Nhân dân Tối cao bao gồm việc các cựu giới lãnh đạo OceanBank và thuộc cấp “phù phép” hàng trăm tỉ đồng để tham ô trục lợi, chi tiền “chăm sóc” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và có các hành vi “lũng đoạn, mất an ninh thị trường tiền tệ”.

Vì sự liên hệ giữa PVN, đơn vị góp 800 tỉ tiền vốn vào OceanBank, một loạt các bị can khác đã và đang bị khởi tố “bổ sung” và Viện Kiểm sát (VKS) “chưa đề nghị xử lý”.

“Đại diện VKS nhận định Hà Văn Thắm xuất phát từ động cơ cá nhân, chịu áp lực vì PVN là cổ đông lớn nên đã đề ra chủ trương chi lãi ngoài trong thời gian dài; công khai trên toàn hệ thống OceanBank, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tiền tệ của Nhà nước,” báo Tuổi Trẻ đưa tin.

“Theo đại diện VKS, Nguyễn Xuân Sơn là cán bộ PVN, được cử sang OceanBank đại diện cho phần vốn góp của PVN.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘giám sát kém’

Đảng CS: 12 đại án của năm 2017

Lãnh đạo Lọc dầu Dung Quất bác việc ‘nhận tiền’

Khởi tố cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình

Ông Hà Văn Thắm nguyên chủ tịch HĐQT, bị đề nghị án chung thân

“Sơn đã lợi dụng chức vụ, chi phối, yêu sách, áp đặt Hà Văn Thắm chi lãi suất ngoài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn để chi tiêu cá nhân và chi cho một số mối quan hệ, gây ảnh hưởng xấu đến PVN – một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước và hành vi phạm tội của Sơn diễn ra trong thời gian dài gần như công khai.

“Bị cáo [Sơn] có nhiều thành tích trong ngành dầu khí nhưng không đủ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự,” báo này dẫn lời Viện Kiểm sát.

Viện Kiểm sát cũng đã đề nghị Hội đồng Xét xử kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét trách nhiệm của các cá nhân có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động của OceanBank giai đoạn từ năm 2009-2014 (giai đoạn NHNN hoạt động dưới quyền cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình).

Hồi cuối tuần trước một cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố với tội danh buộc “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan tới những sai phạm liên quan tới ngân hàng Ngân hàng Xây dựng và một số tổ chức khác trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Hồi đầu tháng, Thanh tra Chính phủ nói đã có những lỗ hổng trong công tác quản l‎ý tại Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc giám sát yếu kém đối với các tổ chức tín dụng, và việc phòng chống tham nhũng kém hiệu quả.

Bình luận về thực trạng của một số vụ án trong ngành ngân hàng, TS Lê Đăng Doanh mới đây nói rằng “để có thể hoạt động tốt, một số lãnh đạo ngân hàng đã liên kết với các cán bộ cấp rất cao trong bộ máy quyền lực.

“Họ nghĩ là với những liên kết như vậy, họ có thể bước lên trên các quy định pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm”.

Cho đến nay, một số quan chức cao cấp, gồm cả đương chức lẫn đã nghỉ hưu, bị kỷ luật dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đáng chú ‎ý nhất là ông Đinh La Thăng mất ghế ủy viên Bộ Chính trị vì bị kỷ luật liên quan tới giai đoạn 2006-2008, là thời gian ông lãnh đạo PetroVietnam (PVN).

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41264502

 

VN chủ trì ‘diễn tập chống sự cố an ninh mạng’ ASEAN

Hoạt động của ACID 2017) gồm các nước ASEAN, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc tham gia tại Việt Nam trong tuần này.

Tác giả Prashanth Parameswaran viết trên trang The Diplomat hôm 13/09/2017 rằng:

“Nhóm Việt Nam được chia làm nhóm chính (core team), và có nhiệm vụ hướng dẫn các bên tham gia giải quyết những vụ việc cụ thể, và các nhóm diễn tập thực hiện công tác điều tra, phân tích và ứng phó”.

Trang web chuyên về châu Á – Thái Bình Dương này cũng cho hay công tác diễn tập được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

FireEye: Tin tặc từ VN ‘tấn công Philippines’

Làm sao để ‘giữ mình’ an toàn trên mạng?

WeChat, Weibo và Baidu bị điều tra tại TQ

Cà phê cấm internet để khuyến khích hội thoại

The Diplomat cũng trích dẫn quan chức Việt Nam nói nước này “đối mặt với các vụ tấn công mạng, rõ rệt nhất là vụ mã độc WannaCry vào tháng 5/2017”.

WannaCry đã lan ra 200 nghìn máy tính cá nhân ở 150 quốc gia.

Hai mặt của an ninh mạng

Mới hồi tháng 7/2017, trang VnExpress ở Việt Nam trích nguồn Liên Hiệp Quốc ho hay an ninh mạng tại Việt Nam bị xếp hạng rất thấp, đứng thứ 101 trên 195 quốc gia theo một bảng xếp hạng năm 2017 của Các chính phủ vừa muốn đảm bảo thông tin mạng được lưu chuyển tốt vừa muốn chặn các trang web không phù hợp với chính sách của họ

Bên cạnh vấn đề an ninh mạng, nhà chức trách ở Việt Nam cũng được các tổ chức ở nước ngoài cho rằng đang chặn nhiều trang web mà họ cho là không phù hợp.

Công nghệ như thế được dùng vừa để đảm bảo an ninh mạng, vừa để ngăn chặn sự tiếp cận thông tin, tùy từng trường hợp.

Hồi tháng 11/2016, tạp chí Forbes đánh giá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về kiểm soát người dùng internet tại khu vực Đông Nam Á.

Bài của Forbes viết:

“Những người sử dụng internet ở Việt Nam thường tự phải để ý và tránh các chủ đề nhạy cảm, trong khi Facebook và một số trang đôi lúc bị chặn, tùy theo từng thời điểm.”

Cũng trong khu vực Đông Nam Á, các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia bị cho là chỉ có “tự do Internet một phần”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41267074

 

Quan chức tỉnh Việt Nam

trong danh sách kêu gọi áp dụng luật Magnitsky

Hơn 20 tổ chức theo dõi nhân quyền gửi thư đến hai bộ Ngoại Giao và Ngân Khố Hoa Kỳ kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt của Luật Magnitsky Toàn Cầu lên quan chức của 15 quốc gia vi phạm, trong đó có một quan chức tỉnh Việt Nam.

Thông cáo của tổ chức Freedom House vào ngày 12 tháng 9 vừa qua cho biết như vừa nêu, và vị quan chức Việt Nam nằm trong danh sách là ông đại tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Công An tỉnh Gia Lai.

Ông này bị nêu tên vì có trách nhiệm chỉ đạo biện pháp tra tấn và, ít nhất trong một trường hợp, gây nên tử vong cho những nhà hoạt động nhân quyền tập chú vào vấn đề tự do tôn giáo.

Theo thông cáo báo chí của Freedom House vào năm 2015 lực lượng công an dưới quyền ông đại tá Vũ Văn Lâu chịu trách nhiệm về việc thường xuyên bắt bớ, khảo tra, đánh đập bà Trần Thị Hồng. Bà này là vợ của mục sư Tin Lành Lutheran Nguyễn Công Chính và cũng là một nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo.

Biện pháp của công an được tiến hành sau khi bà Trần Thị Hồng đi gặp Đại sứ Lưu Động Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ.

Một trường hợp khác mà ông đại tá Vũ Văn Lâu phải chịu trách nhiệm trong phạm vi quản lý là vào tháng 12 năm 2015, Công An tỉnh Gia Lai cho bắt giữ một mục sư thuộc Hội Thánh Dega không được Nhà Nước công nhận.

Công an đánh đập nhằm buộc vị mục sư này phải từ bỏ niềm tin tôn giáo của ông. Tuy nhiên, vị mục sư không chịu nghe theo yêu cầu của công an nên ông bị đánh đến bất tỉnh. Do bị hành hung như thế đến tháng giêng năm 2016, vị mục sư này tử vong.

Chủ tịch tổ chức Freedom House, Michael J. Abramowitz, nhắc lại trong thông cáo báo chí được đưa ra rằng Luật Magnitsky Toàn Cầu cho chính quyền của tổng thống Donald Trump cơ hội chưa từng có: đó là qui buộc trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm nhân quyền và tham nhũng đáng kể trên khắp thế giới mà thường lâu nay không bị trừng phạt.

Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu thì tổng thống Mỹ có quyền từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh và phong tỏa tài sản của những người vi phạm nhân quyền và những quan chức nước ngoài tham nhũng.

Luật cũng yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ xem xét thông tin do những tổ chức phi chính phủ cung cấp khi đưa ra quyết định trừng phạt những ai.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/freedom-house-rights-group-unveil-global-magnistsky-list-09142017110657.html

 

Bao giờ các trường công lập hết lạm thu?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Năm học mới 2017-2018 vừa khai giảng trong những ngày đầu tháng 9 với phản ánh của nhiều phụ huynh rằng tình trạng lạm thu ở các trường công lập vẫn đang tiếp diễn.

Tiếp tục lạm thu

Song hành với niềm vui tựu trường của học sinh được gặp lại quý thầy cô cùng bè bạn sau ba tháng nghỉ hè là nỗi lo canh cánh của phụ huynh về việc phải đóng thêm các khoản phụ phí, mà đối với nhiều gia đình đó là một gánh nặng.

Năm học 2017-2018 vừa khai giảng, Báo mạng Tuổi Trẻ Online liên tục đăng tải thông tin liên quan phản ánh của phụ huynh học sinh tại các trường Trung học phổ thông Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa, Tiểu học Vĩnh Ninh và Tiểu học Lê Lợi ở thành phố Huế thu tiền “hỗ trợ tự nguyện” quá cao, không đúng quy định. Báo Tuổi Trẻ Online còn nêu trường hợp phụ huynh ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh kêu than rằng mới đưa con vào học lớp một mà phải đóng tiền mua báo 100 ngàn đồng/tháng; hay dẫn nguồn từ chia sẻ của nhiều phụ huynh có con em theo học tại Trường Tiểu học Chu Văn An, tỉnh Đồng Tháp trên mạng xã hội cần phải có đủ 16 triệu 738 ngàn đồng để đóng cho các khoản thu của trường trong năm học mới này.

Đại diện của một số trường học theo như phản ánh của phụ huynh trên Báo Tuổi Trẻ Online nêu danh, lên tiếng xác nhận sự việc như Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Cao Lãnh, ông Nguyễn Văn Ngợi cho biết khoản thu dự kiến của một lớp 1 tại Trường Tiểu học Chu Văn An là đúng, và đã yêu cầu lãnh đạo của trường tiểu học này chấn chỉnh, đồng thời ra thông báo về các khoản thu đầu năm cho tất cả phụ huynh tường tận. Còn Hiệu phó của Trường Trung học phổ thông Ba Đình nói rằng nhà trường sẽ yêu cầu Hội phụ huynh học sinh không được thu các khoản tiền không đúng quy định của ngành. Trong khi đó, Phó Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Huế khẳng định việc thu tiền “hỗ trợ thiện nguyện” là không sai quy định và được Ủy ban Nhân dân thành phố Huế chấp thuận.

Trong cái gọi là quỹ của Hội cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu các trường hưởng nhiều nhất. Còn các khoản thu khác đều có những mục đích cụ thể…Ai tham gia vào những công việc này thì người đó hưởng lợi. Thường là Ban giám hiệu và các nhân viên kế toán, thủ quỹ

-Cựu Chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục

Một chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục đã nghỉ hưu, không muốn nêu tên, từng lên tiếng với RFA rằng việc thu tiền tràn lan tại các trường công lập bắt đầu từ khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ 20, khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục và tình trạng lạm thu đã tới mức không thể kiểm soát nổi trong những năm gần đây. Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh là nhiều trường học thành lập Ban phụ huynh để thu tiền hộ nhà trường:

“Trong cái gọi là quỹ của Hội cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu các trường hưởng nhiều nhất. Còn các khoản thu khác đều có những mục đích cụ thể…Ai tham gia vào những công việc này thì người đó hưởng lợi. Thường là Ban giám hiệu và các nhân viên kế toán, thủ quỹ.”

Kể từ năm học 2011-2012 Bộ Giáo Dục ban hành quy định cấm thu tiền “xây dựng trường” và cấm thu tiền “trái tuyến” cũng như các điều lệ dành cho ban đại diện phụ huynh học sinh nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm thu núp bóng danh nghĩa hội phụ huynh. Mặc dù vậy, theo như nhận xét vừa rồi của vị chuyên gia từng làm việc trong Viện Khoa học Giáo dục thì tình trạng lạm thu tại các trường công lập vẫn không ngăn chặn được là do chủ ý của ban giám hiệu nhà trường.

Lạm thu do thiếu kinh phí?

Thế nhưng, nhiều hiệu trưởng của các trường phổ thông tại Việt Nam đã lên tiếng trần tình với truyền thông quốc nội rằng tệ trạng lạm thu sẽ không tái diễn chỉ khi nào khó khăn về kinh phí vận hành trường học được tháo gỡ. Các hiệu trưởng đưa ra số liệu ngân sách hàng năm của trường dành gần trọn 90% để trả lương cho giáo viên và chỉ còn xấp xỉ từ 10-15% trang trải cho các khoản chi thường xuyên khác. Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội nói rằng “Chúng tôi đang thu sai. Nhưng vì thu đúng thì chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ.”

Trong khi vấn đề liên quan thiếu hụt kinh phí của các trường công lập chờ đợi được giải quyết ở cấp vĩ mô, một số bậc cha mẹ của học sinh chia sẻ với RFA về đề nghị của họ rằng phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức về Luật Giáo dục cũng như các nghị định của Chính phủ và những quy định do Bộ Giáo Dục ban hành thì sẽ góp phần tránh được việc phải đóng góp những khoản thu không đúng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tham gia vào các quyết định thu phụ phí của trường trên tinh thần biểu quyết dân chủ.

Một giáo viên nghỉ hưu ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tên Vĩnh Lê nói với chúng tôi ông rất hài lòng về cách thức tổ chức sinh hoạt của ban phụ huynh tại trường tiểu học mà cháu nội của ông đang theo học. Vị giáo viên nghỉ hưu này cho biết mỗi khi lớp học của cháu ông có nhu cầu thật thiết yếu nào cần sự hỗ trợ tài chính từ phụ huynh thì các phụ huynh sẽ biểu quyết và đóng góp theo kết quả đồng thuận của số đông. Trong trường hợp thiểu số phụ huynh không thể đóng góp thì Hội phụ huynh của trường sẽ giúp đỡ. Trả lời câu hỏi của RFA về nguồn tài chính của Hội phụ huynh trường tiểu học này có từ đâu, vị giáo viên nghỉ hưu giải thích:

Bộ Giáo Dục thông báo cấm các trường đóng quỹ thế này thế kia. Những địa phương nào vi phạm thì bị xử lý, mà xử lý ngay hiệu trưởng và kế đến là Sở Giáo Dục của địa phương

-Thầy giáo Vĩnh Lê

“Hội phụ huynh học sinh của trường thì không làm gì gọi là dính dáng đến tiền bạc của lớp học hết, mà Hội có một quỹ gọi là ‘Quỹ học bổng’. Quỹ học bổng là do các cấp ở trên tài trợ hoặc do các nhà mạnh thường quân cho. Hội phụ huynh học sinh vận động các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ này.”

Ông giáo Vĩnh Lê còn nói rõ theo thiển ý của ông Bộ Giáo Dục cần phải xử lý triệt để các trường hợp lạm thu để tệ trạng này được dứt điểm:

“Bộ Giáo Dục thông báo cấm các trường đóng quỹ thế này thế kia. Những địa phương nào vi phạm thì bị xử lý, mà xử lý ngay hiệu trưởng và kế đến là Sở Giáo Dục của địa phương.”

Ý kiến của ông giáo nghỉ hưu Vĩnh Lê được nhiều phụ huynh mà Đài RFA tiếp xúc ủng hộ. Họ nói rằng Bộ Giáo Dục cần xử lý các trường hợp vi phạm trong việc lạm thu một cách công khai và minh bạch, chứ không nên kéo dài tình trạng ban giám hiệu của trường giải quyết nội bộ và “rút kinh nghiệm” để rồi đến hẹn lại lên, khi mỗi năm học mới được bắt đầu với điệp khúc “trường học vẫn cứ lạm thu”.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-public-schools-stop-abusing-the-collection-of-school-fees-ha-09142017092226.html

 

Việt Nam vẫn chưa là một nền kinh tế thị trường

Kính Hòa RFA

Đầu tháng 9 năm 2017, Trưởng ban Đối ngoại trung ương đảng cộng sản Việt Nam là ông Hoàng Bình Quân sang thăm Hoa Kỳ, và đề nghị Washington công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Việc công nhận như vậy có lợi gì cho Việt Nam? Và Việt Nam có thực sự là một quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không?

Sau đây là ý kiến một số chuyên gia trong nước về vấn đề này.

Việt Nam liên tục vận động các quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam nêu vấn đề công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường với Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Washington vào tháng Sáu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra lời đề nghị này với ông Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại Mỹ.

Kể từ lúc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (gọi tắt là WTO) vào năm 2007 đến nay, Việt Nam đã liên tục vận động các quốc gia thành viên công nhận mình là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Theo các bản tin của báo chí Việt Nam vào ngày 13 tháng Chín thì đã có 57 nước công nhận Việt Nam là có nền kinh tế thị trường. Nhưng hai đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Cộng đồng châu Âu (gọi tắt là EU) và Hoa Kỳ vẫn không xem Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.

Việt Nam vẫn coi kinh tế nhà nước là kinh tế chủ đạo.

-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Theo thỏa thuận gia nhập tổ chức WTO của Việt Nam, thì đến năm 2018, tổ chức này sẽ cứu xét xem là Việt Nam có phải là quốc gia hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay không.

Trong thời gian đó, Việt Nam được đối xử như một quốc gia không có nền kinh tế thị trường. Và trong tình cảnh đó khi có những tranh chấp về xuất khẩu hàng hóa phá giá, các nước như Mỹ, EU sẽ sử dụng một quốc gia khác được xem là có kinh tế thị trường làm qui chiếu, xem như tương đồng với Việt Nam. Việc lựa chọn như vậy thường là bất lợi cho Việt Nam.

Ngay khi ông Hoàng Bình Quân đang có mặt ở Mỹ, Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam ra thông cáo phản đối Bộ thương mại Mỹ áp thuế chống phá giá lên các mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam. Việc tương tự cũng đã từng xảy ra đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Nói về chuyện các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bị đánh thuế chống phá giá, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống ở Hà Nội cho biết:

“Thực ra đối với vấn đề nuôi tôm, nhà nước không có bao cấp, cũng chẳng tài trợ cái gì. Đó là cái cách bên Mỹ biện hộ cho nước Mỹ cái chuyện bảo hộ ngành tôm của Mỹ thôi, chứ thật sự nó không có thật.”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từng làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam thì khi thị phần của hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ vượt mức 8% thì các doanh nghiệp Mỹ sản xuất cùng mặt hàng đó sẽ tìm cách kiện để áp thuế chống phá giá lên hàng Việt Nam. Ngoài các mặt hàng hải sản, các mặt hàng khác của Việt Nam cũng hay bị chuyện này là giày dép và quần áo, những ngành sử dụng rất nhiều nhân công của Việt Nam. Ông nói tiếp:

“Nếu Việt Nam có được công nhận kinh tế thị trường thì việc vận dụng các biện pháp đó sẽ bị hạn chế rất nhiều, hoặc không còn có khả năng được sử dụng.”

Kinh tế thị trường

Để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Việt Nam phải thỏa mãn ba điều kiện, đó là đồng tiền của Việt Nam phải được chuyển đổi tự do, nhà nước không can thiệp vào các quyết định của doanh nghiệp, và quan trọng nhất là sự cạnh tranh công bằng.

Hoa kỳ yêu cầu nền kinh tế đó là một nền kinh tế hoàn toàn cạnh tranh, bình đẳng, không có ưu đãi, không coi trọng bất kỳ thành phần kinh tế nào. Trong khi đó Việt Nam vẫn coi kinh tế nhà nước là kinh tế chủ đạo, yêu cầu kinh tế nhà nước cạnh tranh bình đẳng. Nhưng cho đến nay kinh tế nhà nước vẫn chiếm phần lớn các tín dụng, chiếm phần lớn những dự án ODA, phần lớn những dự án nhà nước giao.”

Việt Nam đã bắt đầu công nhận những nguyên tắc của thị trường vào năm 1986, khi bắt đầu mở của và cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay các nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam vẫn thường xuyên lên tiếng nói rằng Việt Nam có những doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo của nền kinh tế, hoặc họ nói rằng Việt Nam sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, điều mà các nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đôi khi rất khó giải thích. Cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam là ông Bùi Quang Vinh, từng nói vào năm 2014 rằng không có cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng mong muốn là lĩnh vực tư nhân đóng góp 60% trong tổng sản lượng quốc nội. Như vậy là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn đóng đến 40% chứ chưa hẳn đã là một nền kinh tế thị trường thực thụ.
-Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét rằng đã có một sự điều chỉnh về cách vận hành nền kinh tế Việt Nam ngã sang hướng thị trường, nhưng chưa đầy đủ. Ông nói:

“Chính phủ của ông Phúc cũng đã chuyển hướng rằng lĩnh vực tư nhân sẽ đóng góp nhiều hơn trong kinh tế. Vừa rồi trong những cuộc họp thì Thủ tướng mong muốn là lĩnh vực tư nhân đóng góp 60% trong tổng sản lượng quốc nội. Như vậy là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn đóng đến 40% chứ chưa hẳn đã là một nền kinh tế thị trường thực thụ. Cho nên cái việc mình đi đến các nước như Mỹ, rồi châu Âu để xin thì tôi thấy không có ổn.”

Một quốc gia có hệ thống kinh tế, chính trị tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc, sau khi gia nhập tổ chức WTO vào năm 2001, cho đến nay vẫn chịu cảnh bị đối xử như là một quốc gia không có nền kinh tế thị trường. Hồi cuối năm 2016 cả Hoa Kỳ, EU, và Nhật Bản đều quyết định rằng Trung Quốc không phải là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lo ngại về thời điểm WTO xem xét tính thị trường của nền kinh tế Việt Nam đã gần kề, mà những trở ngại từ hai đối tác lớn nhất là Mỹ và EU vẫn chưa vượt qua được;

Sang năm Việt Nam sẽ đàm phán chuyện WTO, có thể những nước kia sẽ ủng hộ, nhưng nếu hai cái khối kinh tế này đưa ra những chứng minh như vậy, thì có lẽ là Việt Nam sẽ khó khăn.”

Theo tác giả Lê Sỹ Giảng viết trên tờ báo về kinh tế của Việt Nam là tờ Kinh tế Sài Gòn, vào năm 2016, ngay sau khi EU không công nhận Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường, thì trường hợp của Trung Quốc sẽ được đem ra làm án lệ để EU không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Điều đó có nghĩa là các sản phẩm của nông dân Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, dù hoàn toàn mang tính thị trường, không nhận trợ cấp nào của chính phủ cả, vẫn tiếp tục bị đánh thuế cao ở các thị trường này.

Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Kiến Thành cho rằng thay vì đi xin các đối tác công nhận mình có nền kinh tế thị trường, Việt Nam nên thực sự nổ lực cải cách nền kinh tế của chính mình theo hướng dân doanh, tự do hóa để thật sự có một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-not-free-market-09132017141125.html

 

Người Thượng tị nạn:

Nếu Việt Nam có tự do tôn giáo sẽ trở về!

Chân Như, phóng viên RFA

Chạy trốn vì bị đàn áp tôn giáo

Ngày 31/08/2017, tin từ bà Grace Bùi – Giám đốc chương trình Dự án hỗ trợ người Thượng cho hay thêm 9 người Montanard tị nạn ở Campuchia bị rớt phỏng vấn và sẽ bị trục xuất về Việt Nam trong 15 ngày nữa nâng tổng số người Thượng bị đưa về Việt Nam từ đầu năm đến nay lên con số hơn 50 người.

Đây là những đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên bị lấy mất đất đai hoặc bị đàn áp về tự do tôn giáo phải chạy trốn qua các nước lân cận để tìm kiếm quy chế tị nạn. Tuy nhiên, những người Thượng ở Thái Lan khi gặp chúng tôi đều nói rằng: Nếu Việt Nam có tự do tôn giáo họ sẽ trở về!

Người Thượng tị nạn ở xứ chùa Vàng sống quây quần tại một làng nhỏ nằm ở ngoại ô Bangkok, bao quanh là những kênh rạch chằng chịt. Kể từ khi qua đây, nơi mà Phật giáo chiếm đến 95% dân số, những người này vẫn được tự do đi nhà thờ, nhóm họp các nhóm tôn giáo Tin Lành.

Tôi đi từ chủ nhật đến thứ 7 mới tới Thái Lan, khoảng 6-7 ngày. Trên chặng đi bị nhịn đói, không được ăn, chỉ uống nước thôi. Đi xe, đi bộ rất mệt nhưng cũng phải cố chứ ở Việt Nam họ sẽ xét xử bỏ tù mình.
– Ông Siu Thul

Ông Siu Thul, người dân tộc Gia Rai ở xã Ea H’leo, tỉnh Gia Lai đi lưu vong từ tháng 12/2016. Lúc còn ở Việt Nam, ông chỉ dạy hát cho các thanh thiếu niên ở nhà thờ nhưng nhiều lần bị bắt và đàn áp vì chính quyền địa phương cho rằng đó là hành vi ‘tụ tập phản động’:

“Chính quyền đàn áp tôi 3 lần lúc tôi ở Việt Nam. Năm 2014, họ xông vào nhà thờ lúc chúng tôi đang cầu nguyện. Họ nói tôi là phản động, họ nói nhiều thứ khác lắm. Lần cuối bị bắt vào xã, bị cột vào cột cờ, họ thông báo bằng loa phóng thanh cho mọi người biết để trừng trị tội ác của tôi. Đến 12 giờ thì tôi nói với chị gái qua mở dây thừng cho em. Tôi đi từ chủ nhật đến thứ 7 mới tới Thái Lan, khoảng 6-7 ngày. Trên chặng đi bị nhịn đói, không được ăn, chỉ uống nước thôi. Đi xe, đi bộ rất mệt nhưng cũng phải cố chứ ở Việt Nam họ sẽ xét xử bỏ tù mình.”

Tuy vậy, khi được hỏi liệu một ngày nào đó chính quyền Việt Nam thay đổi theo hướng tự do, dân chủ thì họ có trở về hay không thì ông Siu Thul khẳng định:

“Nếu Việt Nam không đàn áp nữa, để mình tự do tôn giáo thì tôi chắc chắn sẽ về Việt Nam!”

Bà Siu Hler, chị gái của ông Siu Thul cũng đồng tình với quan điểm sẽ trở về quê hương khi có sự thay đổi về tự do tôn giáo, mặc dù trước đó bà nói mình bị một viên công an tỉnh Gia Lai nhiều lần cưỡng hiếp khi chồng đang xin tị nạn ở Thái Lan. Bà Siu Hler chia sẻ:

“Công an nhiều lần đi vào nhà tôi lúc nửa đêm vắng vẻ, bao nhiêu lần cưỡng hiếp tôi nhưng có lần cưỡng hiếp được. Họ không cho tôi kể về những gì họ đã làm nếu không sẽ giết gia đình tôi. Lần khác họ cũng cưỡng hiếp tôi thì bị thằng em tôi phát hiện, em tôi xông vào nhà đánh nó xong thì nó lấy súng chĩa vào đầu em tôi đe dọa nếu kể chuyện này thì sẽ giết. Từ đó em tôi không dám về nhà nữa. Mình cũng mong muốn được về Việt Nam nhưng hiện tại không dám về, chỉ mong UN cấp giấy. Nếu chính quyền VN cho tự do hội nhóm, tự do đi nhà thờ thì cũng muốn về Việt Nam”.

Hiện không có giấy tờ hợp pháp

Bà Jessica trước đây làm phục vụ nhà hàng ở tỉnh Pattaya, nhưng bị nghỉ việc từ khi Thái Lan có luật lao động mới. Hiện nay, bà theo làm các dự án giúp đỡ cho cộng đồng người Thượng.

Mặc dù rất lo sợ sẽ bị cảnh sát Thái Lan bắt vì không có giấy tờ hợp pháp, tuy nhiên bà rất vui vì được tự do thờ phượng Thiên Chúa mà không bị đàn áp:

“Một tuần đi nhóm 3 lần, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật. Hồi năm 1999, Công an không cho mình đi nhóm thì chặn đường mọi người, thậm chí còn thu kinh thánh và đốt đi. Họ nói không cho theo đạo. Sinh hoạt tôn giáo ở đây rất bình thường, mình đi chung nhà thờ với người Thái cũng không có vấn đề gì.”

Người ra đi vì không chịu nổi sự đàn áp, đã thế những người thân của họ ở quê nhà sống cũng không yên với những sự sách nhiễu. Bà Jessica cho hay:

Có nhiều người bị công an quấy nhiễu, họ nói đừng nên đi tị nạn, đùng nghe lời kẻ xấu xúi giục chống đối lại cộng sản. Có những người cũng bị bắt vào tù.

– Bà Jessica

“Có nhiều người bị công an quấy nhiễu, họ nói đừng nên đi tị nạn, đùng nghe lời kẻ xấu xúi giục chống đối lại cộng sản. Có những người cũng bị bắt vào tù. Tôi vượt biên ngày 5/2/2015. Hồi chị gái tôi ở VN bị công an đánh đập mấy lần. Chị gái tôi phải vượt biên qua Thái Lan. Tôi ở lại bị họ nói là người dẫn đường cho người vượt biên. Tình hình lúc đó rất là căng nên mẹ tôi nói tôi tìm cách đi vượt biên, nếu ở lại VN sẽ bị bắt, bị đánh.”

Bị đánh, bị đàn áp, bị bỏ tù… người Thượng phải lưu vong ở một đất nước xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa, con người chịu biết bao tủi hổ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu rằng họ có ghét người Kinh hay không thì câu trả lời là “không”. Họ chỉ ghét những con người cụ thể làm việc cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đàn áp đồng bào.

Trong 1 bài viết trên Website của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam của tác giả Nguyễn Trung cho rằng ở Việt Nam không có chuyện người dân đòi tự do tôn giáo và quyền sở hữu đất đai đúng pháp luật mà bị đàn áp nghiêm trọng: (http://bit.ly/2euo9jL)

“Thực tế ở Việt Nam cho thấy, khi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu đúng pháp luật hoặc bị kẻ xấu xúi giục mà làm những việc sai trái, chính quyền luôn kiên trì giải thích, nhắc nhở để họ không tái phạm, chứ không hề có chuyện bắt bớ, tù đày, “đàn áp nghiêm trọng” như HRW vu cáo. Chỉ những kẻ chủ mưu phá rối trật tự, an toàn xã hội, bất chấp những lời khuyên răn, cảnh cáo, cố tình phạm pháp đến mức nghiêm trọng mới bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.”

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/nguoi-thuong-vn-thai-09082017122503.html

 

Đinh La Thăng liên quan gì

đến án tử Nguyễn Xuân Sơn phải đối mặt?

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội hôm 14/9 đề nghị với tòa án mức án tử hình đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).

Ông Sơn, 55 tuổi, là nhân vật chủ chốt trong số 51 người đang bị xét xử trong vụ một ngân hàng cổ phần thất thoát gần 2.000 tỷ đồng, gây chấn động cả nước, thường được gọi là “đại án kinh tế OceanBank”.

Các tội dẫn đến việc ông Sơn đối mặt với án tử hình là “tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một bị cáo quan trọng khác trong vụ này, ông Hà Văn Thắm, 44 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng OceanBank, bị Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân.

Ông Thắm bị buộc tội giống ông Sơn, ngoài ra còn thêm tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bản luận tội của Viện Kiểm sát, được báo chí Việt Nam dẫn lại, nói ông Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian được PVN cử sang giữ chức Tổng giám đốc OceanBank, đã lạm dụng chức vụ quyền hạn. Cụ thể, ông Sơn đã yêu cầu ông Hà Văn Thắm chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất theo hợp đồng đối với tiền gửi của PVN, và giao cho ông Sơn toàn bộ số tiền đó.

Sở dĩ ông Sơn có thể làm như vậy vì ông lợi dụng vị thế của PVN là đối tác chiến lược có lượng gửi tiền lớn tại ngân hàng. Khi đó ông cũng giữ tư cách là người đại diện phần góp vốn của PVN tại OceanBank. Từ năm 2009, PVN nắm lượng cố phần trong OceanBank trị giá 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, về lý thuyết là cấp trên của ông Sơn, ông Hà Văn Thắm ở cương vị Chủ tịch HĐQT đã không phản đối yêu cầu của ông Sơn, mà còn triển khai tích cực việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Bản luận tội xác định rằng vì việc đó, ông Thắm giữ vai trò đồng phạm với ông Xuân Sơn.

Trong diễn biến mới nhất được báo chí trong nước tường thuật, sau khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với ông Sơn, chiều 14/9, luật sư của ông đã đưa ra chứng cứ quan trọng nhằm gỡ tội cho thân chủ.

Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010.

Trích văn bản chỉ đạo của ông Đinh La Thăng

Tin cho hay luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN khi đó là ông Đinh La Thăng ký.

Văn bản này yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí “phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank”.

Một đoạn trích trong văn bản cho thấy ông Đinh La Thăng chỉ đạo rằng “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010”.

Luật sư Tâm lập luận rằng do có chỉ đạo bằng văn bản ở cấp lãnh đạo cao nhất của PVN là ông Thăng, nên ông Sơn không thể làm trái. Nói cách khác, theo luật sư Tâm, ông Sơn không thể “dùng tư cách cá nhân” yêu cầu các đơn vị phải gửi tiền.

“Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài”, Luật sư Tâm phát biểu tại tòa, được báo chí trích đăng lại.

Tình tiết mới này đang làm nóng lên những phỏng đoán rằng cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng do Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đang ngày càng quyết liệt hơn.

Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Thăng đã bị kỷ luật phải ra khỏi Bộ Chính trị đầy quyền lực hồi tháng 5 năm nay, đồng thời cũng thôi chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định kỷ luật của đảng cộng sản nói khi còn nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất ở PVN, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm “rất nghiêm trọng”. Ông Thăng cũng từng là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải.

Theo thông tin từ phiên tòa xét xử vụ OceanBank, đến cuối 2014, ngân hàng này chi hơn 1.500 tỷ đồng ngoài hợp đồng cho hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại ngân hàng.

Chi tiết gây chấn động là trong 1.500 tỷ đó, tới hơn 246 tỷ chi riêng cho ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là phó tổng giám đốc PVN, và bị ông này chiếm đoạt.

Viện Kiểm sát nói các lãnh đạo của OceanBank đã mắc nhiều sai phạm trong công tác điều hành dẫn đến việc ngân hàng bị mắc những khoản nợ xấu rất lớn. Tính đến cuối tháng 3/2014, nợ xấu đạt gần 15.000 tỷ đồng, ngoài ra là khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.

Dường như để tránh nguy cơ ngân hàng phá sản, gây tác động dây chuyền không lường trước được, nên đầu tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Ngoài ông Sơn và ông Thắm, 49 bị cáo khác đang đối mặt với các mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 27 năm tù. Bà Nguyễn Minh Thu, một cựu chủ tịch HĐQT khác của OceanBank, có thể chịu hình phạt từ 24-27 năm tù về hai tội “cố ý làm trái” và “lạm dụng chức vụ quyền hạn”.

Từ những gì thu thập được qua vụ OceanBank, công an Việt Nam hôm 13/9 tuyên bố họ mở rộng điều tra sang những sai phạm liên quan đến các quan chức của PVN.

Báo chí Việt Nam dẫn thông tin của Bộ Công an cho hay bộ đã quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Công an nói tội danh chính trong các vụ này là “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Thông tin sơ bộ từ công an cho hay OceanBank đã chi trả lãi ngoài tổng cộng là 120 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp kể trên. Các nhà điều tra cho rằng việc nhận hoặc sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất đó là “hành vi vi phạm pháp luật”.

Tình trạng tham ô, tham nhũng ở Việt Nam bị một số tổ chức quốc tế đánh giá là nghiêm trọng. Chỉ số tham nhũng năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam ở vị trí 113 trong số 176 nước. Tháng 3 năm nay, một khảo sát của Minh bạch Quốc tế cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước châu Á-Thái Bình Dương.

https://www.voatiengviet.com/a/dinh-la-thang-lien-quan-gi-den-an-tu-nguyen-xuan-son-phai-doi-mat/4028786.html

 

Mất liên lạc với 12 ngư dân ở Hoàng Sa

giữa lúc bão số 10 cận kề

Hai tàu cá huyện Lý Sơn với 12 ngư dân trên tàu đã bị mất liên lạc ở Hoàng Sa và hơn 4.700 tàu cá vẫn đang ở trong khu vực nguy hiểm khi siêu bão Doksuri (bão số 10) mạnh nhất dự kiến sẽ vào đất các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị trong vòng 24 giờ.

Theo Dân Việt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chiều ngày 14/5 cho biết 2 tàu cá QNg-96237TS của ông Mai Văn Lý và tàu cá QNg-96499TS của ông Hoàng Minh Trung đã bị mất thông tin liên lạc. Hai tàu này được xác định đang đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa.

Một tàu cá khác ở Quảng Ngãi đã bị sóng đánh chìm trong lúc đi tránh bão vào trưa 14/9. Hai ngư dân trên tàu đã được một tàu cá khác cứu sống.

Trong khi đó, tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Việt Nam cho biết hiện vẫn còn 4.700 tàu cá vẫn còn trong vùng nguy hiểm.

Việt Nam cũng đã ra lệnh cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 7 giờ sáng ngày 15/9. Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã được yêu cầu “cấm biển” ngay lập tức.

Tại các tỉnh, nhiều hoạt động phòng chống bão cũng đang diễn ra.

Chiều 14/5, tỉnh Nghệ An đã ra công văn cho phép hơn 700.000 học sinh nghỉ học để tránh bão. Tỉnh Hà Tĩnh dự kiến sẽ di dời 110.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nhiều chuyến bay tới Huế, Đà Nẵng và các khu vực miền Trung khác cũng đã bị hủy bỏ từ ngày 14/9.

Dự kiến cơn bão mạnh nhất này sẽ gây mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất ở một số khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, vào 4 giờ chiều 14/5, vị trí tâm bão số 10 đang nằm ở vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình 180 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, biển động dữ dội.

Trước đó, hôm 12/9, bão Doksuri tràn vào Philippines giết chết ít nhất 4 người và làm 6 người khác mất tích.

Dự kiến bão số 10 sẽ vào đến đất liền ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị vào khoảng chiều tối 15/9 với cường độ cấp 11-12, giật cấp 15.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, thiên tai trong đó có bão lụt đã làm 116 người chết và mất tích, gây thiệt hại hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương với 250 triệu đôla, theo Tổng cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam.

Năm ngoái, bão lụt đã làm 264 người chết và gây ra thiệt hại gần 40 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,75 tỉ đôla. Con số này cao gấp 5 lần so với năm 2015.

(Theo AP, Dân Việt, Tiền Phong)

https://www.voatiengviet.com/a/mat-lien-lac-voi-12-ngu-dan-o-hoang-sa-giua-luc-bao-so-10-can-ke/4028658.html

 

Cha mẹ ngăn cản thi công, con gái bị ‘xe ben cán chết’

Một cô gái ở tỉnh Quảng Bình bị xe ben cán chết sau khi chạy ra đường can ngăn tranh cãi giữa người nhà và nhà chức trách khi đó đang thi công một đoạn đường ngay trước tư gia hôm thứ Tư 13 tháng 9, theo truyền thông trong nước.

Nạn nhân được xác định danh tính là Nguyễn Thị Thương, 26 tuổi, người xã Quảng Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vụ tai nạn được gọi là “hi hữu” xảy ra vào buổi sáng cùng ngày khi cha mẹ cô đang kịch liệt phản đối nhà chức trách đổ vật liệu xuống đường vì lo sợ làm đường cao sẽ khiến mặt sân nhà họ bị ngập nước vào mùa mưa lũ, theo tường trình của truyền thông trong nước.

Khi cô Thương chạy tới với ý định kéo cha mẹ ra khỏi hiện trường thì bất ngờ chiếc xe ben do một tài xế chưa rõ danh tính lao tới khiến cô “tử vong tại chỗ,” tin tức cho hay.

Các bản tin cũng nói rằng khi tại nạn xảy ra, người nhà và nhiều dân địa phương đã lao vào tấn công lực lượng thi công công trình và nhà chức trách có mặt tại đó, trước khi công an tới.

Báo Người Lao Động dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Thạch xác nhận toàn bộ sự việc xảy ra. Ông nói vụ việc không phải là cưỡng chế và gọi vụ việc là một “tai nạn ngoài ý muốn.”

“Vị trí xe đậu cũng nằm ngoài ranh giới đất của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn [cha cô Nguyễn Thị Thương]. Tôi đã yêu cầu gia đình ra khỏi đó nhưng họ vẫn lao tới ngăn cản. Đây là một tai nạn ngoài ý muốn,” ông được dẫn lời nói.

Công an huyện Quảng Trạch đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường vào chiều tối cùng ngày để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, trong khi đó gia đình đang làm đám tang cho nạn nhân, theo Người Lao Động.

https://www.voatiengviet.com/a/cha-me-ngan-can-thi-cong-con-gai-bi-xe-ben-can-chet/4027815.html

 

Quốc tế chỉ trích Suu Kyi: Giới hoạt động VN học gì?

Nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Hữu Long nói bà Aung San Suu Kyi làm ông “thất vọng”

Một nhà hoạt động nhân quyền bình luận với BBC rằng bài học lớn nhất cho phong trào dân chủ tại Việt Nam nhìn từ vụ khủng hoảng Rohingya là “nếu không có sự giám sát, một thủ lĩnh sẽ bị tha hóa”.

Người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar (Miến Điện) đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo, theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Ông Antonio Guterres nói rằng những cuộc tấn công bị cáo buộc là do lực lượng an ninh tiến hành nhắm vào người Rohingya là hoàn toàn không thể chấp nhận. Quân đội nói rằng họ đang đấu với dân quân và phủ nhận việc nhắm vào thường dân.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực.

Khoảng 379.000 người Rohingya đã trốn sang Bangladesh từ khi bạo lực nổ ra hồi tháng trước. Nhiều ngôi làng đã bị đốt.

Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo có quyền lực nhất Miến Điện, bị những người từng ủng hộ bà ở phương Tây chỉ trích vì không ngăn được bạo lực diễn ra.

LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’

Bà Aung San Suu Kyi không dự họp Đại Hội đồng LHQ

Hôm 14/9, trả lời BBC từ Đài Loan, nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Hữu Long nói: “Thật sự tôi rất thất vọng vì tôi từng nghĩ bà Suu Kyi là một tượng đài không thể lay chuyển về tinh thần đấu tranh.”

“Bài học lớn nhất cho phong trào dân chủ tại Việt Nam từ vụ khủng hoảng Rohingya là “nếu không có sự giám sát, một thủ lĩnh sẽ phản bội lý tưởng và bị tha hóa”.

“Bà Suu Kyi đã từng là thần tượng của những người đấu tranh ở các nước, trong đó có tôi. Bà từng rao giảng, truyền cảm hứng về tự do, dân chủ cho những người khác đứng lên đấu tranh giống bà.”

“Thế nhưng đến khi đứng trước lựa chọn chính trị, bà đã chọn chính trị thay vì giá trị phổ quát về nhân quyền và có hành động đi ngược lại những giá trị nhân quyền.”

“Với tư cách người đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi Miến Điện từ một nước độc tài quân sự sang dân chủ, bà đã chọn đứng về phe đa số trong xã hội, im lặng trước việc đàn áp phe thiểu số là người Rohingya.”

“Lựa chọn đó đã bỏ rơi một lực lượng thiểu số trong xã hội. Khi nói về tự do nhân quyền, không thể nói đa số có thể dùng quyền lực để đàn áp thiểu số, làm như thế không khác gì độc tài.”

Bà Aung San Suu Kyi dự kiến có bài diễn văn trên truyền hình vào ngày 19/9

‘Vấn đề cơ bản’

Người sáng lập trang Luật Khoa Tạp chí cho biết thêm: “Khi một người nắm chính quyền mà không bị giám sát thì rất dễ bị tha hóa.”

“Chuyện này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, kể cả Việt Nam.”

“Có gì đảm bảo rằng những người cổ súy cho nhân quyền, dân chủ đến khi nắm quyền sẽ không tha hóa, phản bội lý tưởng của họ? Một người từng đoạt giải Nobel Hòa bình như bà Suu Kyi mà còn vậy thì khả năng phản bội lý tưởng ở những nơi khác rất có thể xảy ra.”

Tôi mong muốn người dân sẽ chủ động tham gia hơn vào tiến trình chính trị, trong khả năng và điều kiện của họ, chẳng hạn như góp ý xây dựng dự thảo luật, chống lại sai trái và gầy dựng hội đoàn riêng để bảo vệ lợi ích của họ.

Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long

“Cho nên, trong mọi phong trào đấu tranh dân chủ, chúng ta không nên phụ thuộc nhiều vào cá nhân thủ lĩnh nào đó, và dồn toàn bộ sự tín nhiệm cho người đó.”

“Người nắm quyền phải bị giám sát chặt chẽ bởi báo chí, các tổ chức xã hội dân sự và người dân.”

“Khi đó, chúng ta mới có thể tin rằng người đó ít có khả năng tha hóa và phản bội lợi ích xã hội và giá trị phổ quát về nhân quyền.”

“Ngoài ra, tôi nghĩ rằng vấn đề cơ bản nhất của dân chủ là sự tham gia của từng người dân vào tiến trình chính trị, chứ không chờ thủ lĩnh phất cờ.”

“Tôi mong muốn người dân sẽ chủ động tham gia hơn vào tiến trình chính trị, trong khả năng và điều kiện của họ, chẳng hạn như góp ý xây dựng dự thảo luật, chống lại sai trái và gầy dựng hội đoàn riêng để bảo vệ lợi ích của họ.”

“Một khi người dân làm được việc này thì các chính trị gia hay bất kỳ thủ lĩnh nào, sẽ run sợ trước người dân biết chủ động giám sát họ.”

Theo một số nhà quan sát, bà Suu Kyi phải hết sức thận trọng về vấn đề người Rohingya vì người dân Myanmar không mấy cảm thông với người Rohingya.

Phần đông dân chúng Myanmar đồng tình với quan điểm chính thức của nhà nước rằng người Rohingya không phải là công dân nước này, mà là người nhập cư trái phép từ Bangladesh.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41251837