Đọc báo Pháp – 14/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 14/09/2017

Miến Điện: Cội rễ của thảm kịch Rohingya

Trọng Thành

Dự án cải cách Liên Hiệp Châu Âu, vừa được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu công bố hôm qua, 13/09/2017, là chủ đề được hầu hết các báo Pháp bàn luận. La Croix chạy tựa trang nhất : « Sự trở lại của châu Âu ». Trước hết xin giới thiệu một phân tích của Le Monde về những cội rễ của thảm kịch Rohingya, Miến Điện, vừa buộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải vào cuộc.

Bài « Một lịch sử căng thẳng lâu dài và bạo lực » nhấn mạnh « cuộc thanh lọc sắc tộc » mà chính quyền Miến Điện đang tiến hành là đợt xung đột mới nhất của hơn một thế kỷ căng thẳng giữa hai cộng đồng Phật Giáo và Hồi Giáo tại vùng đất biên giới Miến Điện. Le Monde đưa độc giả trở lại trước hết với « nguyên nhân đầu tiên », đó là vào năm 1826, khi chính quyền Anh (kiểm soát Ấn Độ), sau khi xâm chiếm vùng Arkhan (tức bang Rakhine hiện nay), đã khuyến khích dân Hồi Giáo miền đông Bangladesh định cư tại khu vực này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1890 đến 1911, số lượng dân cư Bangladesh theo đạo Hồi sang định cư tại các địa điểm như Maungdaw, Buthidaung và Rathedaung – các trung tâm của những biến loạn hiện nay – tăng vọt tới 77%.

Cuộc chiến Anh-Nhật

Theo nhà nghiên cứu Moshe Yegar, trong Thế Chiến Hai, sau khi Nhật chiếm Miến Điện năm 1942, căng thẳng giữa hai cộng đồng lại có cơ hội bùng phát. Nhiều phần tử Phật Giáo không chấp nhận trở thành thiểu số tại một số địa điểm nơi người « Rohingya » sống quần tụ, đã xảy ra nhiều cuộc tấn công nhắm vào các « làng Hồi Giáo », và người « Rohingya » trả đũa, chống lại tín đồ Phật Giáo ở Maungdaw và Buthidaung.

Xung đột giữa hai cộng đồng đặc biệt quyết liệt, khi các tín đồ Phật Giáo bị lực lượng chiếm đóng Nhật Bản sử dụng để đẩy lùi quân Anh, trong khi đó, bên thực dân Anh – rút về Ấn Độ – tổ chức nhiều nhóm dân quân chống Nhật, bao gồm người Hồi Giáo Rohingya hay Bangladesh. Các chiến binh tình nguyện theo đạo Hồi nhiều khi, thay vì tấn công quân Nhật, lại nhắm vào các làng Phật Giáo.

Kể từ khi Miến Điện độc lập năm 1948, căng thẳng tiếp tục gia tăng. Năm 1951, một « tổ chức của người theo đạo Hồi ở Arakhan » kêu gọi thành lập một « Nhà nước Hồi Giáo tự do, bình đẳng với các quốc gia khác của Liên Hiệp Miến Điện ».

Chính vào thời điểm này mà từ « Rohingya » được lực lượng ly khai và các thành phần Hồi Giáo sử dụng để nói về cộng đồng này. Trong khi đó, chính quyền Miến Điện và đông đảo cư dân nước này không thừa nhận sự tồn tại của người « Rohingya », mà coi họ chỉ là những người Bangladesh tha hương. Trong khi đó, những người tranh đấu cho cộng đồng Rohingya coi đây là một sắc tộc riêng, một phần có nguồn gốc Bangladesh, nhưng có cả các gốc gác khác, như Ả Rập, Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ…

Kể từ những năm 1960, nhiều nhóm nổi dậy Rohingya được thành lập. Một số nhóm tuyên bố chiến đấu để bảo vệ quyền tôn giáo, một số nhóm khác nghiêng về Hồi Giáo chính trị. Nhìn chung, xung đột với chính quyền tại vùng biên giới diễn ra « với cường độ thấp ». Bản thân giữa các nhóm cũng có những cạnh tranh, và số lượng mỗi nhóm thường không vượt quá 100 người. Hiệp hội Đoàn Kết Rohingya, có cơ sở tại Bangladesh, từng là một trong những nhóm tích cực nhất.

Lực lượng nổi dậy Quân Đội Giải Phóng Rohingya hiện nay chắc chắn là một hóa thân của các nhóm chiến đấu trước đây, vốn hoạt động trong tình trạng phân tán. Một số người cho rằng lực lượng này do các thế lực lưu vong ở Ả Rập Xê Út và Pakistan giật dây, nhưng theo những người phát ngôn của tổ chức này, thì cuộc chiến của họ không liên quan gì đến Thánh chiến Hồi Giáo.

Aung San Suu Kyi chuẩn bị lên tiếng

Về tình hình tại chỗ, báo Le Figaro cho biết đã có hơn 379.000 người Rohingya tị nạn sang Bangladesh. Dòng sông biên giới Naf đầy tử thi. Hôm qua, phát hiện thêm bảy người bị bắn chết, sau khi thi thể của họ được vớt lên. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Miến Điện chấm dứt mọi hoạt động chống lại người Rohingya.

Người đươc coi là đứng đầu chính phủ Miến Điện trên thực tế, bà Aung San Suu Kyi, trở thành đối tượng bị chỉ trích mãnh liệt, vì thái độ « thụ động, trước số phận bi thảm của cộng đồng thiểu số Hồi Giáo này ». Đối với Le Figaro, sự im lặng của ngoại trưởng Miến Điện cho thấy rõ « những giới hạn » của bà trước giới quân sự đầy quyền lực. Quan điểm coi người Rohingya là người nước ngoài của lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing, được rất nhiều người trong số 90% cư dân Phật Giáo của Miến Điện hưởng ứng. Quan điểm này lại càng có cớ để truyền bá, khi tổ chức Al-Qaida đe dọa tấn công chính quyền Miến Điện để báo thù. Cuộc khủng hoảng bang Rakhine đang ngày càng trở nên một vấn đề quốc tế.

Theo Les Echos, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ có phát biểu chính thức về vấn đề này vào ngày 19/09. Theo một người phát ngôn chính phủ, một trong các nội dung phát biểu của bà liên quan đến « hòa giải dân tộc và hòa bình ».

Liên Hiệp Châu Âu tìm những chân trời mới

Phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, về tương lai của khối 27 nước, tại Strasbourg hôm qua, được báo chí Pháp đặc biệt chú ý. Xã luận của La Croix « Sự trở lại của Châu Âu » nhận xét đây là một dự án « đầy tham vọng ».

La Croix đặt dự án châu Âu của chủ tịch Juncker bên cạnh dự án « tái lập » châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được thủ tướng Đức chia sẻ, với nhận định trong bối cảnh bao thách thức hiện nay, Liên Âu rất cần đến những « sáng tạo táo bạo ». « ‘‘Thuyền trưởng Juncker’’ dẫn dắt Liên Âu đến những chân trời mới » là tựa một bài khác của La Croix.

« Đừng bỏ lỡ ‘‘cơ hội của châu Âu’’ » là tựa xã luận Les Echos. Tờ báo kinh tế bình luận, « nhiều vận động lớn » rõ ràng đang được khởi sự cho tương lai của Liên Hiệp. Thời điểm hiện nay là hết sức thuận lợi cho những thay đổi, khác hẳn với cách nay một năm, khi tình hình đen tối thể hiện ngay trong diễn văn « u ám và không có sức sống » của chủ tịch Juncker vào thời điểm đó.

Còn hiện nay, bối cảnh kinh tế thuận lợi, tình hình chính trị ổn định (nhất là sau cuộc bầu cử Quốc Hội Đức ngày 24/09), chủ nghĩa dân túy bị đẩy lùi, cộng đồng châu Âu đã tìm lại được ý chí tập thể sau khi kế hoạch Brexit được xác định rõ. Theo Les Echos, dự án của chủ tịch Juncker giống với kế hoạch của tổng thống Pháp ở một điểm chính là xây dựng một châu Âu « bảo vệ » người dân nhiều hơn nữa, đồng thời vẫn mở rộng cánh cửa với thế giới.

Dự án Juncker và dự án Pháp : Tương đồng và khác biệt

Về mặt thương mại, cụ thể là kiểm soát đầu tư nước ngoài tại châu Âu và tiếp tục thương lượng các hiệp định mới nhiều tham vọng. Ông Juncker cũng dự kiến đưa vào các định chế châu Âu quy chế quyết định theo đa số, chứ không cần đồng thuận 100%, trong nhiều lĩnh vực. Một điểm khá tương đồng với dự án của tổng thống Pháp, đó là thành lập ra một chức bộ trưởng Kinh Tế của châu Âu, cũng như một chủ tịch châu Âu, hợp nhất hai chức vụ hiện nay là chủ tịch Uỷ Ban và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.

Dự án cải cách châu Âu của chủ tịch Juncker dự kiến sẽ khởi sự đúng vào ngày 30/03/2019, ngày Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp, một thời điểm mang tính biểu tượng cao. Vấn đề khó nhất theo Les Echos hiện nay là tìm được sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên, và tăng cường « các lĩnh vực yếu nhất », như củng cố nền dân chủ trong khối. Vấn đề thuế đánh vào các tập đoàn tin học được coi sẽ là một dấu hiệu thử thách quyết tâm của khối.

Về dự án cải cách của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, về phần mình, Le Figaro nhấn mạnh đến sự khác biệt rõ rệt với dự án của tổng thống Pháp. Cụ thể là, ông Juncker không muốn tách biệt khối sử dụng đồng euro thành một nhóm hạt nhân, với Nghị Viện riêng, ngân sách riêng. Chống lại châu Âu co cụm vào khối euro và một châu Âu phân hóa theo nhiều nhóm nước là quan điểm của chủ tịch Juncker.

Ngày 28/09 tới, một hội nghị của Liên Âu sẽ được tổ chức tại Talinn, Estonia, để cụ thể hóa lộ trình của dự án nói trên.

Về dự án cải cách châu Âu, báo Libération lưu ý là sắp tới khối 27 nước sẽ trở thành khối 32 nước, với sự gia nhập của năm nước vùng Balkan.

Paris đăng cai Olympic : Một « thách thức kinh tế »

Le Figaro hôm nay chào mừng việc Pháp chính thức được đăng cai Thế Vận Hội, với hàng tựa : « JO 2024 tại Paris : Một thách thức thể thao và kinh tế ». Điều đáng mừng là một thế kỷ sau Thế Vận Hội Paris 1924, nước Pháp lại có cơ hội giương cao ngọn đuốc thể thao thế giới. Tuy nhiên, xã luận Le Figaro « Món cược khác của Thế Vận Hội » chú ý đến những tấm gương thâm hụt tài chính nặng nề của các lần Thế Vận Hội mới đây, cụ thể như Thế Vận Hội Luân Đôn, đội chi đến 76% (với tổng chi 15 tỉ).

Nước Pháp – theo ban tổ chức – có lợi thế là 95% cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, và đầu tư cho Olympic lần này chỉ là 6,6 tỉ euro, trong đó chính quyền trung ương và địa phương chỉ đóng góp 1,5 tỉ. Le Figaro nhắc nhở là tổng chi phí của Thế Vận Hội thường vượt xa dự kiến ban đầu. Paris và nước Pháp có thể ăn mừng thành công nói trên, nhưng chỉ nên thực sự coi đây là chiến thắng, khi nào toàn bộ chi phí được kết toán.

Mỹ : Thượng viện chống dự án ngân sách của tổng thống

Libération chú ý đến cuộc phản kháng của Thượng Viện Mỹ hồi tuần trước, chống lại dự án ngân sách của tổng thống Donald Trump. Một ủy ban của Thượng Viện, bao gồm cả hai phe, Cộng Hòa và Dân Chủ, đã đồng thuận tuyệt đối với dự án ngân sách, dành hơn 51 tỉ đô la cho ngành ngoại giao, nhiều hơn 11 tỉ so với khoản chi cho ngoại giao theo dự án của tổng thống Trump. Dự luật ngân sách sẽ còn phải được toàn thể Thượng Viện thông qua, và sau đó phải hợp nhất với dự luật của Hạ Viện, trước khi trình lên tổng thống.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược :

Bài học cho nước Mỹ từ siêu bão

Vẫn về thời sự nước Mỹ, Les Echos chú ý đến bài học mà nước Mỹ cần rút ra từ các siêu bão nhiệt đới. Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz tố cáo « học thuyết chống Nhà nước » đang ngự trị tại Washington, hay nói cách khác, quan điểm giảm thiểu vai trò của Nhà nước trong việc dự báo thiên tai và khắc phục thảm họa. Một điều trớ trêu là bang Texas, nơi vừa chịu siêu bão Harvey, với thiệt hại ít nhất 150 tỉ đô la, lại chính là một căn cứ địa của những người hoài nghi Biến đổi khí hậu.

Theo Joseph Stiglitz, nếu không đóng góp được gì nhiều cho cuộc chiến chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì chính quyền tiểu bang này cũng cần phải chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thiên tai, với mức độ nghiêm trọng gia tăng, do Biến đổi khí hậu. Giải Nobel kinh tế lưu là « chỉ có thị trường không thôi sẽ không thể mang lại những bảo trợ cần thiết cho xã hội ».

Điều mà chính giới Mỹ cần làm ngay là có một chính sách nhất quán. Không thể vừa một mặt chống lại việc xây dựng các quy định pháp lý, chống lại các đầu tư cho việc phòng ngừa hạn chế thiệt hại do thiên tai, mặt khác, khi thiệt hại xảy ra lại đòi được bồi hoàn lớn, nhiều khoản thiệt hại hàng tỉ đô la « nhẽ ra có thể dễ dàng tránh được ».

Châu Âu hỗ trợ Nga xử lý « nghĩa địa hạt nhân » trên biển

Về nước Nga, La Croix có phóng sự giới thiệu về chương trình xử lý « nhà máy Tchernobyl nổi», một trong các « nghĩa địa hạt nhân » tồi tệ nhất hành tinh, căn cứ hải quân cũ của Liên Xô ở Mourmansk, vùng Bắc Cực, cách biên giới Na Uy khoảng 50 km.

Khoảng 22.000 cấu kiện, tương đương với 100 lò phản ứng hạt nhân, phải được chuyển đến một nhà máy xử lý, nằm trong dãy núi Ural, cách địa điểm nói trên 3.000 cây số. Chi phí của chương trình ước tính 260 triệu euro hơn một nửa là do quốc tế đài thọ. Quốc tế cụ thể ở đây là Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu (BERD), đóng góp 165 triệu euro, trong đó Pháp 40 triệu. Châu Âu hỗ trợ Nga không chỉ về hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, mà cả việc « nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn ».

Bỏ xe hơi chạy xăng, Trung Quốc muốn đứng đầu xe điện

Trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, tiếp theo Pháp và Anh – tuyên bố từ giã xe hơi xăng kể từ năm 2040 – đến lượt Trung Quốc cũng ngỏ ý muốn chia tay với các động cơ xăng và diezel. Tuyên bố bất ngờ được đưa ra vào kỳ nghỉ cuối tuần trước, không kèm theo chi tiết cụ thể.

Hiện tại Trung Quốc là thị trường xe hơi đứng đầu thế giới, với 28 triệu xe sản xuất một năm, chiếm 30% tổng sản lượng toàn cầu. Xe chạy điện hay động cơ kết hợp điện xăng chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, với khoảng 320.000 chiếc trong 8 tháng đầu năm.

Thông tin gây bất ngờ nói trên từ phía chính phủ Trung Quốc đặt các nhà sản xuất Trung Quốc và nước ngoài trước một cuộc chơi hoàn toàn mới. Cổ phiếu của công ty BYD chuyên về xe điện, tại thị trường Hồng Kông, tăng 7,2% chỉ hai ngày sau đó. Trong cuộc chơi mới này, Bắc Kinh hy vọng đưa các nhà sản xuất Trung Quốc lên tốp đầu thế giới, cạnh tranh lại với các hãng phương Tây như Tesla. Hiện tại, công ty khởi nghiệp NIO của Trung Quốc, chuyên về xe điện, mới ra đời ba năm nay tại Thượng Hải, tuyên bố sở hữu « chiếc xe chạy điện nhanh nhất thế giới », với tốc độ tối đa 420 km/giờ.

Cuộc đua chuyển sang nền kinh tế không năng lượng hóa thạch dường như đang bước sang một khúc quanh mới.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170914-coi-re-cua-tham-kich-rohingya

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Nghị sĩ châu Âu phản đối dự luật giảm nhẹ kiểm soát thực phẩm nhập từ Fukushima. Ngày 13/09/2017, thông qua một nghị quyết được đa số ủng hộ tại Strasbourg, Nghị Viện yêu cầu Ủy Ban Châu Âu « rút dự thảo » trên và thảo một văn bản mới theo hướng « mọi mặt hàng thực phẩm và đồ ăn cho động vật nhập từ Nhật Bản vào châu Âu phải bị kiểm tra và xác minh ». Ủy Ban Châu Âu định giảm bớt danh sách kiểm tra các mặt hàng thực phẩm nhập từ vùng Fukushima, Nhật Bản, bị nhiễm nguyên tử sau thảm họa năm 2011.

(AFP) – Nga : Báo động bom giả, khoảng 45.000 người bị sơ tán ở Matxcơva. Hàng loạt báo động đánh bom giả đã diễn ra từ đầu tuần nay tại các khu vực công cộng ở Nga, bắt đầu từ vùng phía tây của Nga trước khi lan ra khắp nước, kể cả tại nhiều thành phố ở Siberia và Viễn Đông. Ngày 13/09/2017, chỉ riêng tại thủ đô Matxcơva, đã có 23 địa điểm bị đe dọa đánh bom, trong đó có các ga lớn (Iaroslavski, Kievski và Kazanski), khu trung tâm thương mại nổi tiếng Goum trên quảng trường Đỏ. Tuy nhiên, không một quả bom nào được phát hiện.

(Reuters) – Thổ Nhĩ Kỳ trách NATO trong hợp đồng mua tên lửa phòng không Nga. Trong một bài diễn văn tại Ankara ngày 13/09/2017, tổng thống Erdogan cho rằng các lãnh đạo của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « trở nên điên vì thỏa thuận mua tên lửa S-400 » giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ông tuyên bố Ankara « phải tự đưa ra các biện pháp cần thiết trên mặt trận an ninh » và đã chọn mua tên lửa của Nga vì các tập đoàn phương Tây chào hàng đắt hơn. Quyết định của tổng thống Erdogan khiến các đối tác NATO của Ankara lo ngại. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong khối NATO.

(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ đến Anh hội đàm về Bắc Triều Tiên và Libya. Buổi làm việc sáng 14/09/2017 với thủ tướng Theresa May mở đầu cho loạt gặp gỡ để bàn về hai chủ đề trên. Sau đó, ngoại trưởng Mỹ đã làm việc với đồng nhiệm Anh Boris Johnson và một quan chức Pháp để bàn về việc phối hợp hỗ trợ vùng Caribê vừa bị bão Irma tàn phá, cũng như cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ và Anh nhất trí về việc « cộng đồng quốc tế phải tiếp tục gây sức ép đối với chế độ Kim Jong Un ». Châu Âu và Hoa Kỳ đang nghiên cứu khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Bình Nhưỡng.

(Reuters) – Sản phẩm bảo mật của Nga bị cấm trong cơ quan hành chính MỹNgày 13/07/2017, bộ Nội Vụ Mỹ ra chỉ thị ra thời hạn 30 ngày cho các cơ quan liên bang liệt kê tất cả các sản phẩm của Kaspersky Lab được sử dụng trong hệ thống tin học và có 90 ngày để xóa bỏ. Trước đó, vào tháng Bẩy, công ty bảo mật của Nga đã bị rút khỏi danh sách nhà cung cấp của chính quyền trung ương. Washington lo ngại Kaspersky Lab có thể bị điện Kremlin tác động nên sản phẩm của công ty Nga, đặc biệt là phần mềm diệt vi rút rất phổ biến tại Mỹ, sẽ là một mối đe dọa cho an ninh mạng.

(AFP) – Tổng thống Mỹ phản đối một tập đoàn Trung Quốc mua lại công ty bán dẫn Lattice.Lý do được bộ trưởng Tài Chính nêu ngày 13/09/2017 là tổng thống Mỹ đánh giá « thương vụ này sẽ tác động đến an ninh của Mỹ ». Công ty này sản xuất các thành phần có thể lập trình được cho thị trường truyền thông và cho sản phẩm công nghiệp với một số ứng dụng quân sự. Quỹ đầu tư Canyon Bridge, được một tập đoàn nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, đàm phán mua Công ty Bán Dẫn Lattice với trị giá khoảng 1,3 tỉ đô la. Ý kiến riêng của tổng thống Mỹ khiến Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt ngày 14/09 vì cho rằng đây là một hình thức bảo hộ.

(AFP) – Tổng thống Mỹ đến thị sát thiệt hại do bão Irma tại Florida. Theo kể hoạch, tổng thống Donald Trump đến Florida ngày 14/09/2017 để thăm hỏi các nạn nhân và đánh giá thiệt hại do bão Irma gây ra. Theo thống kê mới nhất, đã có 20 người chết vì bão, trong đó có 8 người cao tuổi qua đời vì hệ thống điều hòa không hoạt động do mất điện. Tại bang Flordia, Georgia và Alabama, hơn 9 triệu người vẫn bị cắt điện. Khu vực phía nam của quần đảo Keys bị thiệt hại năng nề : 25% các ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và 65% bị hư hỏng nghiêm trọng.

(AFP) – Chuyển nhượng cầu thủ hè 2017 đạt 5 tỉ đô la trên toàn thế giớiLiên đoàn bóng đá thế giới FIFA hôm nay 14/09/2017 cho biết mùa hè năm nay các câu lạc bộ bóng đá trên thế giới đã chi 4,71 tỉ đô la cho việc chuyển nhượng cầu thủ, ngang với số tiền chuyển nhượng cầu thủ của cả năm 2016. Từ ngày 01/06 đến ngày 01/09, có 7.590 vụ chuyển nhượng cầu thủ. Các vụ chuyển nhượng có giá nhất được thực hiện ở Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp.

(AFP) – Học sinh Pháp có thể bị cấm dùng điện thoại di động ở trường phổ thông. Bộ trưởng giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer hôm nay 14/09/2017 cho biết lệnh cấm điện thoại di động ở trường phổ thông sẽ có thể được áp dụng từ năm 2018, chẳng hạn với việc lắp đặt các ngăn có khóa để học sinh cất điện thoại khi tới trường.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170914-tin-doc-nhanh