Tin Việt Nam – 03/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 03/08/2017

Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’

Bộ Ngoại giao Đức nhắc lại yêu cầu “để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức” sau khi ông Trịnh Xuân Thanh nói lời “xin lỗi” trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tối 3/8.

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra “để tìm hiểu” và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Được BBC hỏi về phản ứng sau khi VTV đưa tin, Bộ Ngoại giao Đức nói họ không có gì bổ sung ngoài tuyên bố đã ra hôm 2/8.

Nhưng trong thư trả lời BBC, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh chữ đậm đoạn sau đây trong tuyên bố 2/8:

“Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.”

Trong khi đó, một luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức, Petra Schlagenhauf nói với BBC sau khi xem đoạn phim:

“Đây là ‘tự thú’ ép buộc. Ông ấy bị bắt cóc. Chúng tôi biết, cảnh sát Đức biết, chính phủ Đức biết.”

Bàn tròn BBC ngay sau khi ông Thanh ‘xin lỗi’ trên VTV

Hội luận: ông Trịnh Xuân Thanh thực sự ‘ra đầu thú’?

Bà nói thêm: “Tôi lo ngại cho sức khỏe thân chủ. Ông ấy trông rất tệ.”

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra “để tìm hiểu” và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Trong phim, ông Trịnh Xuân Thanh, ngồi ở địa điểm không xác định, nói ông đã “suy nghĩ không chín chắn”, “đành phải về để đối diện sự thật”.

Ông nói muốn “cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi”.

VTV cũng đưa hình về “đơn xin tự thú” ghi ngày 31/7 tại Hà Nội, viết tay, được nói là của ông Thanh.

Đoạn thuyết minh nói trong đơn có đoạn:

“Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi, và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC do lo sợ suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.

“Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ.

“Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam, ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, nhà nước và pháp luật.”

Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/8 “lấy làm tiếc” trước thông cáo của Đức nhưng dẫn lời Bộ Công an nói ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”.

Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 cáo buộc Việt Nam “bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh” và yêu cầu đại diện tình báo Việt Nam tại Berlin về nước.

Thay vì trả lời lần lượt câu hỏi của các phóng viên, người phát ngôn đã đề nghị các phóng viên nêu hết tất cả các câu hỏi liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, và sau đó bà đưa ra phản hồi vắn tắt.

“Thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công an và đã được báo chí đăng tải theo đó ngày 31/7/2017 Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra,” bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

Bộ Ngoại giao Đức nói Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Nhiều nội dung các phóng viên trong nước và quốc tế đề cập tới đã không được bà Lê Thị Thu Hằng giải đáp.

Trong số các câu hỏi, đáng chú ý là việc các phóng viên muốn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận có chuyện Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức đưa về nước không, nếu không phải bị bắt cóc thì làm cách nào ông Thanh ra trình diện và đầu thú được tại Hà Nội trong lúc giới chức từng nói ông Thanh đã lẩn trốn tại Đức, nếu không phải bị bắt cóc thì ông Thanh có tự nguyện rời khỏi Đức không, và hiện nay ông Thanh đang ở đâu.

Câu hỏi cũng được đặt ra về tin ông Trịnh Xuân Thanh đang làm đơn xin tỵ nạn tại Đức.

Việc bà Lê Thị Thu Hằng chỉ trả lời ngắn gọn như trên khiến một số phóng viên tiếp tục trở lại với các câu hỏi về chủ đề ‘bắt cóc’ hay ‘đầu thú’.

Tuy nhiên, câu trả lời lần thứ hai của bà Lê Thị Thu Hằng vẫn chỉ là dựa trên tin tức Bộ Công an đã nêu ra cách đây ít hôm.

“Chúng tôi xin nhắc lại: Thông tin công khai mà Bộ Công an đưa ra và báo chí đã đăng tải hôm 31/7 theo đó ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú,” bà nói .

Liên quan tới câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 ra thông cáo yêu cầu một nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ “do hệ lụy của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, và về ảnh hưởng của quyết định này đối với quan hệ song phương Việt-Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói vắn tắt rằng bà “lấy làm tiếc” về phát ngôn của phía Đức.

“Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức,” bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Trong thông cáo ra hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức nói họ có bằng chứng về việc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam lên vào tối 1/8, và sau đó đặt nhân viên tình báo tại Tòa Đại sứ vào vị trí “người không được hoan nghênh” (persona non grata), buộc phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40814934

 

Mạng xã hội nóng vì Trịnh Xuân Thanh ‘lên VTV’

Với nhiều tình tiết mới xuất hiện dồn dập trong những ngày qua, vụ ông Trịnh Xuân Thanh “ra đầu thú” ở Việt Nam tiếp tục làm nóng mạng xã hội Việt Nam, nhất là từ sau khi ông Thanh xuất hiện trong một đoạn phim trong chương trình thời sự của VTV3 tối ngày 3/8.

Các nhà báo, luật sư, facebooker đã có nhiều bài đưa tin và bình luận về vụ án mà nhiều người cho là “như trong phim” này.

Đơn xin tự thú phải được ‘bảo mật tuyệt đối’

Bình luận về ‘đơn xin tự thú’ được VTV3 nói là của ông Trịnh Xuân Thanh trong chương trình thời sự ngày 3/8, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook:

Bàn tròn BBC sau khi ông Thanh ‘xin lỗi’ trên VTV

“Đơn xin tự thú (nếu có thật) là một tài liệu tố tụng của một vụ án hình sự đã được khởi tố và trong quá trình điều tra, sao lại có thể bị công bố trên phương tiện truyền thông công khai như vậy? Tài liệu tố tụng luôn phải được bảo mật tuyệt đối.’

Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên VTV ‘xin lỗi’

Vụ Trịnh Xuân Thanh và ‘uy tín của VN’

Hội luận: Có thực ông Trịnh Xuân Thanh ‘ra đầu thú’?

TXT là “nạn nhân của phe phái” hay “kẻ ăn cướp của dân”?

Nhà báo Huy Đức, người đầu tiên đưa tin Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam trên mạng xã hội, thì bình luận về khía cạnh chống tham nhũng liên quan đến vụ này.

“Tôi ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và mong muốn những kẻ bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh phải bị bắt. Chính trị nào cũng có phe phái vấn đề là chúng ta còn phải chờ các phiên tòa để thấy những kẻ hôm nay bị bắt là nạn nhân của phe phái hay là những kẻ đang ăn cướp của dân,” ông Huy Đức viết.

“”Tái ông thất mã”, tôi hy vọng là trước phản ứng của Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng và các đồng chí của ông nhận ra, cải cách là đòi hỏi cấp thiết của đất nước”.

“Có dân chủ, có nhà nước pháp quyền chưa chắc đã chống được tham nhũng; nhưng nếu không có dân chủ, không có nhà nước pháp quyền thì các thành tựu chống tham nhũng nếu đạt được cũng chỉ là cục bộ,” nhà báo Huy Đức phân tích.

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Cũng bàn về chuyện chống tham nhũng, Luật sư Trần Vũ Hải so sánh cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc trong một dòng trạng thái trên Facebook chiều ngày 3/8:

“Trung quốc diệt hổ, bắt và xử án hàng trăm quan chức và tướng lĩnh cao cấp. Trong số đó, có hàng chục uỷ viên trung ương Đảng, mấy vị Bộ chính trị. Số doanh nhân bị bắt trong chiến dịch này cũng có, nhưng khá ít.

Việt nam bắt chước diệt hổ, nhưng chưa thấy bắt và xử án quan chức cao cấp nào, trong khi bắt và xử án hàng trăm doanh nhân (hay quản lý doanh nghiệp) thuộc loại có “hạng”! Ông Trịnh Xuân Thanh, mang danh Phó chủ tịch tỉnh, nhưng bị bắt vì những việc do ông làm quản lý doanh nghiệp nhà nước!”

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

Bộ Ngoại giao Đức nói Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’

‘Đức đòi VN trả TXT về Đức là phi lý’

Nhà báo Nguyễn Huy Toàn của Truyền hình Công an Nhân dân nói ông không hề bất ngờ về những diễn biến của vụ này nhưng việc Đức đòi Việt Nam trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức là “phi lý” vì ông Thanh không phải là công dân Đức.

Trong một bài viết trên Facebook với tựa đề “Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội – Bài toán tất yếu để giải quyết khủng hoảng niềm tin”, nhà báo Huy Toàn viết

Ông cho rằng “Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng thừa biết những vấn đề phức tạp sẽ xảy ra sau khi bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Nếu đúng như báo chí Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” thì cũng không có giải pháp nào tốt hơn là phải chịu trả giá về mặt đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội.”

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘ra đầu thú’

Tại sao quan chức trốn ‘đi nước ngoài’?

“Thực ra “bắt cóc” hay “đầu thú” không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng.”

“Nếu phía Đức đưa ra những cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” cũng chẳng qua họ muốn thể hiện uy quyền và sự nghiêm minh của bộ máy tư pháp của họ mà thôi. Bởi Trịnh Xuân Thanh không phải là biểu tượng về “tự do dân chủ”, “nhân quyển”, hay một nhà hoạt động về tư tưởng, chính trị. Còn họ bảo hộ cho một kẻ tham nhũng thì họ cũng chẳng tốt lành gì,” ông Toàn bình luận.

“Tôi nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để họ làm khó những vấn đề khác mà thôi. Sẽ vất vả cho các bác Bộ Ngoại giao phải vào cuộc và giải quyết những bất đồng giữa hai nước trên tinh thần xây dựng,” ông Huy Toàn viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40814072

 

VN tiếc việc Đức cáo buộc Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Việt Nam nói “lấy làm tiếc” về thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và yêu cầu Việt Nam cho phép Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”

Trả lời tại cuộc họp báo chiều ngày 3/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2/8/2017 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Đức.”

Dù các phóng viên quốc tế đặt câu hỏi cụ thể “Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không? Và liệu bà có nghĩ vụ việc này có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước không? Hiện giờ ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?” nhưng bà Hằng không trả lời thẳng, mà chỉ nói: “Theo thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công an và đã được báo chí đăng tải, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra,” như báo Tuổi trẻ loan tin.

Bà Hằng cũng không trả lời câu hỏi của hãng tin Đức DPA rằng “Bà phản ứng như thế nào về thông tin của luật sư ông Trịnh Xuân Thanh cho biết ông này đang xin tị nạn ở Đức?”

Trước đó, thông cáo Bộ ngoại giao Đức gửi cho VOA ngày 2/8 có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay để có thể tiến hành việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ (ông Thanh) và yêu cầu xin tị nạn của ông (ấy) được xem xét thấu đáo.”

Chính phủ Đức cũng yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi bộ Ngoại giao Đức cho rằng họ đã bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam ở Berlin.

Hiện vẫn chưa rõ liệu tùy viên tình báo Việt Nam tại Berlin đã rời Đức hay chưa tính đến chiều 3/8 ở Đức.

Thông cáo của bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7, và việc này “vi phạm luật pháp Đức và quốc tế.”

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Martin Schaefer nói trong thông cáo rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông Schaefer gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.”

Chính quyền Berlin cũng nói rằng Việt Nam đã “bội tín” sau khi từng yêu cầu dẫn độ ông Thanh về nước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị G20 ở Đức hồi đầu tháng trước.

Ông Trịnh Xuân Thanh là nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đã bị khởi tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản.”

Tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tài liệu điều tra, Trịnh Xuân Thanh và nhóm cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Tháng 3/2017, trong khi đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế, Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố thêm tội tham ô tài sản do liên quan tới vụ án lừa đảo xảy ra tại Dự án Thanh Hà – Cienco 5 Land.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Reuters, Tuổi Trẻ)

https://www.voatiengviet.com/a/vn-tiec-viec-duc-cao-buoc-hanoi-bat-coc-trinh-xuan-thanh/3970597.html

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh:

‘Cơ quan tố tụng có đi đến tận cùng sự thật?’

Một luật sư ở Sài Gòn nói với BBC rằng nếu có hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh thừa nhận rằng mình đã “đầu thú” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ hình phạt thì đây sẽ là “câu trả lời thỏa đáng cho hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức dấy lên sau khi Bộ Ngoại giao Đức nói với BBC rằng ông Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’ và yêu cầu nhân viên tình báo Việt Nam rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer, cũng được AFP dẫn lời nói nhân viên tình báo Việt Nam tại Tòa Đại sứ bị yêu cầu “phải ra khỏi Đức trong vòng 48 tiếng”.

Bàn tròn BBC ngay sau khi ông Thanh ‘xin lỗi’ trên VTV

Reuters đưa tin Ngoại trưởng Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam tại Berlin đến làm việc chiều 1/8.

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Toàn văn tuyên bố của Bộ NG Đức

BBC vào đầu giờ chiều 2/8 liên hệ với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin để lấy phản hồi, nhưng được trả lời “Chúng tôi chưa có thông tin gì về vụ này”.

Hôm 3/8, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: “Theo như tôi được biết thì việc “bắt cóc” công dân nước khác tại Đức để đưa về bản quốc để xét xử hình sự không phải là chưa từng xảy ra.”

“Năm 1967, Hàn Quốc từng bị Cộng hòa Liên bang Đức phản đối việc “bắt cóc” 17 công dân Hàn Quốc tại thủ đô Born, Cộng hòa Liên bang Đức, để đưa về Hàn Quốc xét xử hình sự. Như vậy, đây không phải là lần đầu tiên có việc “bắt cóc” công dân nước ngoài tại Đức.”

“Tôi cho rằng, trong ngôn ngữ ngoại giao, sự kín kẽ không phải là chấp nhận hoặc phản đối, mà sẽ có trả lời chính thức một cách chừng mực từ người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước báo chí trong nước và quốc tế. Điều đó sẽ tùy vào lời khai của chính ông Trịnh Xuân Thanh trước tòa khi tòa án xem xét tình tiết “đầu thú” để lượng hình.”

“Nếu ông Thanh thừa nhận rằng mình đã “đầu thú” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ hình phạt, đây sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.”

“Ngược lại, nếu ông ấy cho rằng ông bị bắt theo lệnh truy nã, và không xin được giảm nhẹ do đã “đầu thú” thì cũng chỉ là một lời khai mờ nhạt vì tòa sẽ không đi sâu về vấn đề ông bị bắt giữ trong trường hợp nào.”

“Do đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên bố rằng ông Trịnh Xuân Thanh tự mình về Việt Nam “đầu thú”.

‘Tử hình’

“Ông Thanh bị cơ quan điều tra Bộ Công an cáo buộc hành vi tội phạm về chức vụ, tham nhũng, hoàn toàn không thấy nói gì về hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.”

“Nhưng do từng là một chính khách, dư luận tin rằng hành vi bị cáo buộc đối với ông Thanh những tội phạm về chức vụ, tham nhũng chỉ là một phần, phần còn lại thuộc về bí mật an ninh quốc gia.”

Những người đóng vai trò luật sư cho ông Thanh có thể sẽ bị hạn chế các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bào chữa cho ông Thanh.”luật sư Phạm Công Út

“Cần lưu ý là các tội phạm về chức vụ, tham nhũng mà ông Thanh bị khởi tố có mức án đến tử hình, vì hậu quả thiệt hại được cho rằng ông Thanh đã gây ra là đặc biệt lớn.”

“Vấn đề là ngoài ông Thanh, còn những đồng phạm cao cấp nào đã cùng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn cho nền kinh tế nhà nước thì trong quá trình điều tra người ta sẽ biết được,”

“Chỉ có điều là liệu các cơ quan tiến hành tố tụng có đi đến tận cùng của sự thật để buộc các tội phạm về chức vụ, tham nhũng trong vụ án này phải đền tội và nộp trả lại các khoản tiền tham nhũng đó hay không mà thôi.”

Luật sư Công Út cũng dự báo: “Những người đóng vai trò luật sư cho ông Thanh có thể sẽ bị hạn chế các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bào chữa cho ông Thanh.”

“Theo thông lệ là chỉ được giáp mặt ông Thanh khi “gạo đã nấu thành cơm”, nghĩa là chỉ có thể gặp ông Thanh sau khi ông Thanh đã hoàn tất quá trình “khai nhận tội”.

“Khi luật sư giáp mặt với ông Thanh trong trại giam, sẽ có không ít cán bộ công an ngồi kè kè ghi chép nội dung trao đổi giữa luật sư của ông Thanh với thân chủ, và chỉ cho đọc, sao chụp một phần hồ sơ tài liệu của vụ án”.

‘Nền tảng pháp quyền’

Cũng trong hôm 3/8, trả lời BBC, ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: “Về thông tin ông Trịnh Xuân Thanh “bị bắt cóc”, có ý kiến cho rằng có thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện.”

“Và có người đồng ý, có người chưa đồng ý cách này.”

“Nhìn chung, người dân có thể hoan hỉ mỗi khi có tin tóm được quan chức tham nhũng cỡ này, cỡ kia, nhưng họ không thể hưởng ứng phong trào chống tham nhũng vì không có trong tay công cụ để thực thi.”

“Ở Việt Nam, quan điểm chống tham nhũng là mục tiêu chính trị của đảng Cộng sản và được dân chúng đồng thuận.”

“Tuy vậy, chống tham nhũng chỉ là công cụ xây dựng đất nước khi nó được thực thi trên nền tảng pháp quyền, pháp trị vững chắc.”

“Còn thì người ta thấy dường như chống tham nhũng chỉ là công cụ để củng cố quyền lực, chưa phải là mục đích vì nhân dân.”

“Còn về chuyện khủng hoảng chính trị Việt – Đức sau vụ Thanh “bị bắt cóc”, tôi tin là hai nước có thể sắp xếp với nhau theo một thỏa thuận nào đó hoặc quy ước quốc tế cho phép.”

Đề cập về chuyện báo trong nước không cập nhập vụ Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố ông Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’, ông Tâm Chánh cũng cho hay: “Hình như chẳng có ai cấm cản báo chí trong nước đưa tin về diễn biến các vụ như thế này.”

“Nhưng có thể là do các nhà báo ở Việt Nam còn hạn chế trong việc tiếp cận và thẩm định nguồn tin.”

Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ cùng ngày tường thuật, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng “lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về vụ Trịnh Xuân Thanh” và rằng “hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra”.

“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức,” báo này viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40800629

 

Luật sư của Trịnh Xuân Thanh hé lộ nhiều tình tiết mới

Nữ luật sư đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức hôm 3/8 cho VOA Việt Ngữ biết rằng thân chủ của mình từng “lo sợ cho tính mạng” và rằng không có chuyện ông “đầu thú”.

Hôm 31/7 chúng tôi nhận được tin ông ấy đã tự nguyện ra đầu thú. Thông tin này hoàn toàn không đúng sự thật.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh nói.

Về sự kiện đang gây căng thẳng ngoại giao Việt – Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf kể: “Ông ấy bị những người vũ trang bắt cóc lúc 10.40 phút sáng ở công viên Tiergarten ở Berlin hôm 23/7. Người thứ hai đi cùng với ông cũng bị bắt cóc. Sau này chúng tôi biết rằng người này đã bị thương và xuất hiện tại bệnh viện Việt – Đức ở Hà Nội hôm 25/7. Cảnh sát bắt đầu điều tra vào ngày 24/7 để truy tìm hai người đã bắt cóc ông Thanh. Hôm 31/7 chúng tôi nhận được tin ông ấy đã tự nguyện ra đầu thú. Thông tin này hoàn toàn không đúng sự thật”.

Bà nói thêm: “Cảnh sát đã biết danh tính người thứ hai cũng bị bắt cóc cùng với ông Thanh. Họ cũng đang điều tra những người tham gia vụ bắt cóc”, bà nói. Người này, theo báo chí của cộng đồng người Việt ở Đức, là “một nữ cán bộ Bộ Công thương”.

Truyền hình Việt Nam tối 3/8 đã đăng một đoạn video ngắn về ông Thanh kèm theo “đơn xin tự thú”, trong đó ông được cho là đã viết: “… Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

Bộ Công an Việt Nam cuối tháng trước ra thông báo rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang đã “đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú”.

Tuy nhiên, hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một thông cáo cho biết rằng ông Thanh đã bị phía Việt Nam “bắt cóc” và đưa về nước.

… tôi lấy làm tiếc về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức.

Nữ phát ngôn viên Việt Nam nói.

Hôm 3/8, sau một ngày im lặng, Bộ Ngoại Việt Nam đã lên tiếng. Nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói “lấy làm tiếc về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức”, nhưng không nói rõ vì sao.
Bà Schlagenhauf cho biết đã gặp ông Thanh “ở Berlin trước vụ bắt cóc”, và chưa liên lạc được với người từng bị Hà Nội truy nã gắt gao kể từ khi ông bị đưa về Việt Nam mà “chỉ nắm được các thông tin gián tiếp về tình hình hiện nay của ông”.

Nữ luật sư này cho biết sẽ làm việc với các cơ quan của Đức để “đưa ông trở lại Đức để ông được bảo vệ”. Đây cũng là một yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức trong tuyên bố ra ngày 2/8.

Khi được hỏi, trước khi bị bắt, ông Trịnh Xuân Thanh có khi nào lo ngại cho tính mạng của mình hay không, bà nói: “Có, cũng có cân nhắc, nhưng chúng tôi không thực sự tin rằng chính phủ Việt Nam có thể làm chuyện này (hành động phạm pháp ở Đức)”.

Việc lo sợ không được bảo đảm về mặt luật pháp là lý do xin tị nạn chính trị ở Đức. Ở đây ai cũng biết rằng Việt Nam áp dụng án tử hình, điều bị cấm ở Đức theo hiến pháp.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh nói.

Về lý do ông Thanh xin tị nạn ở Đức, bà Schlagenhauf nói: “Ông ấy xin tị nạn vì đã biết nước Đức và từng ở đây đầu những năm 90 cũng như từng nhiều lần công cán tới đây nhiều lần. Việc xin tị nạn giúp ông ấy được bảo vệ và có khả năng được ở lại Đức”.

“Ông ấy lo sợ rằng bất kỳ phiên tòa nào cũng sẽ không diễn ra theo pháp luật và được đảm bảo về luật pháp. Ông ấy từng viết tường trình lên Ban chấp hành Trung ương đảng để bác bỏ các cáo buộc”, nữ luật sư nói.

“Việc lo sợ không được bảo đảm về mặt luật pháp là lý do xin tị nạn chính trị ở Đức. Ở đây ai cũng biết rằng Việt Nam áp dụng án tử hình, điều bị cấm ở Đức theo hiến pháp”.

https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-cua-ong-trinh-xuan-thanh-he-lo-nhieu-tinh-tiet-moi/3970590.html

 

Repsol tạm ngừng khoan dầu ở VN

Công ty khai thác dầu Repsol của Tây Ban Nha xác nhận chính thức đã ngừng việc khoan dầu ở một khu vực ngoài khơi Việt Nam.

Giám đốc tài chính của Repsol, Miguel Martinez, cho biết hoạt động khai thác tại Việt Nam đã tạm ngừng, theo nguyên bản cuộc họp báo với các nhà phân tích vào hôm 27/7.

“Chúng tôi đang làm việc với PetroVietnam và với các nhà chức trách Việt Nam và bình luận duy nhất là ngay bây giờ, các hoạt động đã tạm ngừng,” ông Martinez nói.

VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông

Biển Đông: “Hoạt động dầu khí thuộc chủ quyền VN”

“Chúng tôi sẽ phải xem đầu ra là gì, nhưng như đã đề cập, 27 triệu đôla là những gì chúng tôi đã chi tiêu cho đến bây giờ cho giếng khoan này.”

Hôm 2/8 một viên chức của Repsol xác nhận việc đình chỉ, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

‘Việt Nam không muốn gây gổ với Trung Quốc’

Việc khoan đầu vào giữa tháng 6 tại Lô 136/3 của Việt Nam, được cấp phép cho công ty dầu quốc doanh của Việt Nam, Repsol của Tây Ban Nha và Công ty Phát triển Mubadala của United Arab Emirates.

Khu này nằm bên trong đường “chín đoạn” hình chữ U, đánh dấu vùng biển rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Bển Đông.

Trung Quốc đã kêu gọi ngừng hoạt động thăm dò và một nguồn ngoại giao có thông tin trực tiếp về tình hình nói rằng quyết định đình chỉ đã được thực hiện sau khi một phái đoàn Việt Nam tới thăm Bắc Kinh.

“Việt Nam quyết định không muốn gây gổ với Trung Quốc về vấn đề này”, nguồn tin cho Reuters hay.

Bill Hayton: ‘Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò’

Hàng không mẫu hạm Anh tới Biển Đông

Ngày 3/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết dự án dầu hợp tác giữa Việt Nam và tập đoàn REPSOL có phải đang bị ngừng lại hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:

“Hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với đối tác Tây Ban Nha là hoạt động kinh tế bình thường. Lộ trình, tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan”.

Ông Tập ‘chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông’

Biển Đông: Làm rõ tin ‘VN phải dừng khoan’

Dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy tàu khoan Deepsea Metro I vẫn ở cùng vị trí vào hôm 30/7 kể từ hoạt động khoan bắt đầu từ giữa tháng Sáu.

Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói việc đình chỉ khoan không có nghĩa là hợp đồng đã bị hủy bỏ.

Ông Hà nói: “Hà Nội có thể bật đèn xanh Repsol khoan một giếng khoan ở gần đó, nhưng chắc chắn là một sự chậm trễ đắt tiền.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40810452

 

Hãng Repsol lên tiếng

về việc ngưng khoan thăm dò tại lô của Việt Nam

Hãng Repsol của Tây Ban Nha chính thức xác nhận việc ngưng khoan thăm dò dầu khí tại một lô ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters loan tin vừa nêu vào ngày 2 tháng 8 dẫn lời viên chức phụ trách tài chính của Repsol, ông Miguel Martinez, xác nhận Repsol đang làm việc với PetroVietnam và cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội và bình luận duy nhất mà ông này có thể đưa ra lúc này là hoạt động khoan thăm dò đã ngưng.

Ông Miguel Martinez còn nhắc đến khoản kinh phí chi ra cho giếng khoan thăm dò tại lô 136/3 cho đến nay là 27 triệu đô la Mỹ.

Hoạt động khoan thăm dò tại lô này được cho biết bắt đầu vào giữa tháng sáu theo giấy phép cấp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Repsol của Tây Ban Nha và Công ty Phát triển Mubadala của Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Lô 136/3 nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền.

Reuters dẫn nguồn tin thông thạo trong lĩnh vực dầu khí cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội cho ngưng hoạt động khoan thăm dò và quyết định được Hà Nội đưa ra sau chuyến thăm của một phái đoàn Việt Nam sang Trung Quốc về. Việt Nam không muốn gây hấn với Trung Quốc chỉ vì chuyện khoan thăm dò như thế.

Trong tuần này, Tạp chí Foreign Policy cho biết Trung Quốc đã đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu như không cho ngừng khoan thăm dò tại lô 136/3. Theo Tạp chí này thì quyết định cho ngưng được đưa ra sau những cuộc họp căng thẳng của Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam.

Phía chính quyền Việt Nam chưa xác nhận tin cho ngưng khoan thăm dò dầu khí tại lô 136/03; nhưng trong tuần người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi trả lời báo giới lên tiếng bảo vệ các hoạt động liên quan dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo qui định của luật pháp quốc tế.

Dữ liệu của Reuters cho thấy tàu khoan Deepsea Metro I vào ngày chủ nhật 30 tháng 7 vẫn còn ở vị trí kể từ khi bắt đầu hoạt động vào giữa tháng sáu.

Giám đốc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ độ Washington DC , Hoa Kỳ, ông Greg Poling, cho rằng việc ngưng khoan thăm dò không có nghĩa là hợp đồng bị hủy. Theo ông Greg Poling thì Hà Nội có thể bật đèn xanh cho Repsol khoan một giếng gần đó; tuy vậy việc hoãn lại hẳn nhiên gây tốn kém.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, David Shear, cho rằng ông tin vì tranh chấp với Trung Quốc mà Việt Nam mất hai khu khoan thăm dò dầu khí.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/repsol-speaks-about-stopping-oil-drilling-viet-08022017135844.html

 

Khẩn trương đánh giá dự án “nhận chìm bùn” tại Bình Thuận

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài Nguyên-Môi Trường xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật đối với dự án nhận chìm bùn nạo vét tại vùng biển Bình Thuận của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Văn phòng Chính phủ ra văn bản với nội dung vừa nêu vào ngày 3 tháng 8. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương đánh giá toàn diện tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án này.

Vào ngày 26 tháng 7, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong trường hợp cần thiết thì có thể mời chuyên gia nước ngoài tham dự.

Xin được nhắc lại, hồi cuối tháng 6, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấp phép nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2017.

Tuy nhiên, dự án này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ vì giới khoa học lo ngại có thể xảy ra thảm họa môi trường

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pm-urged-to-quickly-assess-the-project-of-vinh-tan-mud-submerging-08032017090947.html

 

Lũ quét gây chết người tại Sơn La và Yên Bái

Có 31 người chết và mất tích cùng với 11 người khác bị thương tại hai tỉnh Sơn La và Yên Bái do lũ ống và lũ quét xảy ra vào đêm mùng 2 và rạng sáng ngày 3 tháng 8.

Cơn lũ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng không chỉ gây thiệt hại về nhân mạng mà còn cuốn trôi hoàn toàn 32 căn nhà và 14 căn nhà khác bị sập do sạt lở đất ở Mù Cang Chải, nhiều khu vực bị chia cắt và đời sống người dân bị xáo trộn.

Báo giới trong nước đưa tin đến chiều ngày 3 tháng 8 tại Sơn La, mưa vẫn rất to và nước suối dâng cao nhanh. Chính quyền tỉnh Sơn La đang tập trung di chuyển khẩn cấp các hộ dân ở khu vực này đến nơi an toàn.

Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà nói với Vietnamnet.vn rằng đây là cơn lũ ống chưa từng có trong lịch sử. Bà Trà còn cho biết có thể cần đến 3 ngày mới dọn dẹp xong những hư hại tại khu vực Mù Cang Chải.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn của hai tỉnh Sơn La và Yên Bái họp khẩn vào sáng ngày 3 tháng 8 để tìm biện pháp khắc phục hậu quả của đợt lũ được cho là kinh hoàng này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/31-dead-because-of-flood-in-yen-bai-and-son-la-08032017085203.html

 

Vụ án Sacombank: Một ví dụ của sự hỏng hóc liên đới

Cát Linh, RFA

Sau một thời gian điều tra, Cục cảnh sát điều tra tội phạm ngày 1 tháng 8 đưa tin cho biết Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh của cơ quan Cảnh sát điều tra chính thức khởi tố bắt tạm giam ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng thương mại cổ phẩn Sài Gòn Thương tín- Sacombank và ông Phan Huy Khang, nguyên thành viên Tổng giám đốc Sacombank cùng 25 nghi can có liên quantrong vụ án Sacombank làm thất thoát 1,800 tỷ đồng.

Gây ra nợ xấu

Về vụ việc này, ông Bùi Kiến Thành, Chuyên gia cao cấp các tập đoàn kinh tế Việt Nam nhận định là tình hình chung của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.

“Vụ án này liên quan đến ngân hàng Phương Nam và ngân hàng Sacombank, tức là những dịch vụ đầu tư trong ngân hàng và cách hoạt động trong ngân hàng không đúng theo quy luật của nhà nước, để xảy ra những vụ rất bê bối trầm trọng, làm cho ngân hàng phải mất rất nhiều tiền qua các nợ xấu.”

Chính vì vậy, ông cho rằng vấn đề Sacombank và ông Trầm Bê chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ khác cần phải xử lý.

“Nó là một cái tảng băng mà chỉ nổi lên 1 phần nào đấy, còn những phần chìm còn rất nhiều. Cho nên nhà nước phải tiếp tục xử lý tất cả những vấn đề nợ xấu, nợ khó đòi và những hành động của các vị quản lý, giám đốc ngân hàng đó phạm pháp như thế nào sẽ còn tiếp tục.”

Nó là một cái tảng băng mà chỉ nổi lên 1 phần nào đấy, còn những phần chìm còn rất nhiều. – Ông Bùi Kiến Thành

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, vụ án Sacombank được báo giới gọi là vụ án ông Trầm Bê, và nhiều những ngân hàng khác hiện nay đang bị truy tố đã dẫn đến một khối nợ xấu khổng lồ mà nhà nước Việt Nam chưa có phương pháp nào đề giải quyết.

Liên quan đến những khối nợ xấu mà nhà nước Việt Nam đang phải gánh chịu, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là một vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

“Vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng Việt Nam rất là lớn. Tổng số nợ xấu lên đến 600 nghìn tỉ, đâu đó tương đương với vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ngân hàng là 677 nghìn tỉ.

Đây là con số nợ xấu rất khổng lồ.”

Không phải vụ án tham nhũng

Từ một số thông tin ban đầu được đưa ra trong hồ sơ vụ án Sacombank, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và các đồng phạm gửi tiền sang Sacombank, trả nợ cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên cơ sở vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Ngày 2 tháng 8, chuyên gia về luật kinh tế Nguyễn Việt Khoa bình luận với BBC Việt ngữ cho rằng “khả năng một vài uỷ viên bộ chính trị bị khởi tố và điều tra chưa bao giờ gần đến thế.”

Đặt vấn đề này với Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) từ Singapore, ông có nhận định ngược lại.

“Chưa thấy có ai khẳng định chắc chắn nhân vật Trầm Bê liên quan gì đến bất kỳ lãnh đạo cấp cao nào. Trước đây chỉ có tin đồn là quan hệ cá nhân chứ không nói đến quan hệ làm ăn gì cả.”

Thêm vào đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định đây không phải là vụ án tham nhũng.

“Việc bắt Trầm Bê với lý do làm thất thoát 1,800 tỷ ấy không phải là án tham nhũng, nó liên quan đến chuyện cho tiền và nhận tiền, hối lộ và nhận hối lộ, rồi biển thủ…Không phải là tội dẫn đến tham nhũng. Đây là tội về kinh tế, tội cố ý làm trái.”

Việc bắt Trầm Bê với lý do làm thất thoát 1,800 tỷ ấy không phải là án tham nhũng, nó liên quan đến chuyện cho tiền và nhận tiền, hối lộ và nhận hối lộ, rồi biển thủ – TS Hà Hoàng Hợp

Chuyên gia Bùi Kiến Thành đưa ra quan điểm khá tương đồng khi ông cho rằng vụ án Trầm Bê, Sacombank là những hoạt động của cá nhân chứ không phải của viên chức nhà nước.

“Vì vậy không thể nói tham nhũng theo kiểu tham nhũng nhà nước được. Nhưng những cá nhân này có những hoạt động gì làm hại đến quyền lợi của các ngân hàng ấy bằng cách cho vay những nơi không đáng được cho vay thì cơ quan điều tra sẽ điều tra rõ từng vụ việc một.”

Không chỉ mỗi Sacombank

Những sai phạm này, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, là một tình trạng xảy ra rất nhiều ở các ngân hàng ở Việt Nam. Các ban quản lý của ngân hàng đó đã làm việc không đúng qui tắc của luật tín dụng.

“Toàn thể hệ thống ngân hàng Việt Nam đều trong tình trạng như thế cả.”

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đấy là hậu quả của hệ thống quản trị ngân hàng còn lỏng lẻo, không chuyên nghiệp.

“Tại nhiều ngân hàng, nó vẫn mang tính gia đình trị, tức là một số thành viên của hội đồng quản trị có quyền nắm giữ và quyết định hầu như là tối hậu trong 1 ngân hàng. Bên cạnh đó thì vấn đề tuân thủ luật lệ ngân hàng, Việt Nam có lẽ còn rất nhiều cái cần phải cải tiến.”

Trách nhiệm chính

Blogger Nguyễn Lân Thắng quan sát vụ việc này và bày tỏ trên trang cá nhân của ông rằng “Những cá nhân bị bắt giam kia không phải là những người duy nhất chịu trách nhiệm dẫn đến hiện trạng này”.

Hoàn toàn đồng ý với nhận định trên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích dựa trên quan điểm cá nhân của ông.

“Bởi vì hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam được quản lý và thanh tra rất chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước. Cho nên nếu có 1 sự hỏng hóc ở ngân hàng thương mại cổ phần đâu đó trong nước Việt Nam thì chắc chắn nó dính đến sự hỏng hóc về mặt chính sách của Ngân hàng nhà nước, cụ thể là anh quản lý không tốt.

Trách nhiệm trực tiếp là của những người làm sai ở ngân hàng đấy.

Còn có trách nhiệm từ mặt chính sách đến chỉ đạo và thanh tra là từ ngân hàng nhà nước.”

Tuy không khẳng định chủ thể nào chịu trách nhiệm chính, nhưng chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng hệ thống làm việc của các ngân hàng chắc chắn có những liên đới với các cơ quan công quyền và nên để cho các cơ quan điều tra thực thi nhiệm vụ.

Vụ án ngân hàng Sacombank là một trong 12 vụ án trọng điểm lớn từng được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra chỉ tiêu sẽ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm nay. Đặc biệt, việc điều tra, xử lý giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng xây dựng VNCB được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Sacombank-an-example-of-domino-mistakes-08032017082002.html