Đọc báo Pháp – 03/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 03/08/2017

Mỹ : Không khí rối loạn tại Nhà Trắng

Trọng Thành

Tăng trưởng trở lại vững chắc tại khu vực đồng euro, vụ câu lạc bộ Pháp mua lại cầu thủ Neymar với cái giá chưa từng có trong lịch sử, hay nạn chết người vì dùng các chất có chứa ma túy tại Hoa Kỳ là một số tựa trang nhất của báo chí Pháp hôm nay. Trước hết xin giới thiệu nhận định của Le Monde về tình trạng « rối loạn » tại Nhà Trắng, sau hơn sáu tháng trị vì của Donald Trump.

Xã luận Le Monde, mang tựa đề « Ngôi nhà náo loạn của tổng thống Trump », nhận xét : cho dù tổng thống Mỹ có nhắc đi nhắc lại trên Twitter là « không hề có hỗn loạn tại Nhà Trắng », điều trông thấy rõ ràng là phong cách điều hành ngẫu hứng của người lãnh đạo, nhiều vị trí chủ chốt liên tục bị thay đổi, nhiều mảng lớn trong bộ máy chính phủ không có người đứng đầu, chưa kể cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử mỗi ngày một gây khó khăn cho ê kíp của ông Trump. Le Monde nhận định là tình trạng này « chưa từng có » trong lịch sử chính trị Mỹ.

Trong vòng 6 tháng cầm quyền của Donald Trump, đã có 9 nhân vật cao cấp bị cách chức, hoặc bị buộc phải từ chức. Mới đây nhất là vụ giám đốc truyền thông của Nhà Trắng Anthony Scaramunicci, người chỉ vừa đảm nhiệm chức vụ được mười hôm. Trước đó có tổng thư ký Nhà Trắng Reince Priebus, người phát ngôn của tổng thống Sean Spicer, hay cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Michael Flynn, hay giám đốc FBI James Comey. Chưa kể đến các tin đồn xung quanh việc ngoại trưởng Rex Tillerson có thể bị cho ra rìa.

Theo Le Monde, xu hướng của Donald Trump đứng trên luật pháp có khả năng sẽ gây ra một khủng hoảng chính trị sâu sắc, có nguy cơ gây tổn hại cho các định chế của nền dân chủ Mỹ. Le Monde đặc biệt chú ý đến tình trạng một bộ phận của nền hành chính bị tê liệt, do không có người đứng đầu. Trong số 575 chức vụ cao cấp, Nhà Trắng chỉ mới đề cử 218, mà đa số các ứng cử viên lại chưa được Quốc Hội chấp thuận.

Mới 60 trên 575 chức vụ cao cấp có phụ trách chính thức

Dù cho đến nay ông Donald Trump vẫn còn nhận được sự ủng hộ của gần 40% cử tri (và 80% chính trị gia Cộng Hòa), không khí rối loạn tại Nhà Trắng « mỗi ngày một khiến người ta thêm nghi ngờ về khả năng của ông Trump trong việc điều hành cường quốc số một thế giới ».

Le Monde trong một bài viết khác nói rõ hơn về tình trạng « tê liệt » của chính quyền Trump. Trên thực tế, trong số 575 chức vụ cao cấp, hiện mới chỉ có khoảng 60 có lãnh đạo chính thức. Phe Cộng Hòa lên án phe Dân Chủ kìm hãm tiến trình bổ nhiệm. Các nghị sĩ Dân Chủ giải thích là nhiều ứng viên do tổng thống đề cử có vấn đề xung đột lợi ích, cụ thể như trường hợp nhà ngân hàng David Malpass, ứng cử vào chức trợ lý bộ trưởng Tài Chính, phụ trách quan hệ quốc tế, vốn là kinh tế gia trưởng của ngân hàng Bear Stearns, một trong các ngân hàng Mỹ đầu tiên phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Ngoại giao và quốc phòng là hai trong số các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại bộ Ngoại Giao có đến 28 vị trí trợ lý bộ trưởng phụ trách khu vực hiện do các công chức tạm thời đảm nhiệm. Thậm chí có đến 39 vị trí không có người đứng đầu. Chỉ có khoảng 30 đại sứ được bổ nhiệm trên tổng số 188.

Le Monde giải thích tình trạng thiếu hụt lãnh đạo trong chính quyền Trump một phần quan trọng là do ê kíp của tổng thống không chấp nhận tuyển lựa những người phản đối việc Donald Trump ra ứng cử tổng thống năm 2016, cho dù họ có thuộc đảng Cộng Hòa.

Điều tra nghi án Nga hướng về tổng thống Trump

Về nghi án ông Donald Trump thông đồng với Nga trong thời gian tranh cử, theo Le Monde, « Cuộc điều tra Nga đang tiến sát ông Trump ». Le Monde dẫn các thông tin mới do Washington Post đưa ra hôm 01/08. Theo đó, người phát ngôn Nhà Trắng thừa nhận là tổng thống đã « tham gia » vào việc thảo ra một tuyên bố để bảo vệ người con trai, sau các nghi ngờ đồng lõa với Nga. Thừa nhận nói trên được coi như một « lời thú nhận, có thể làm dấy lên các ngờ vực về âm mưu che dấu sự thực, hoặc cản trở tư pháp, và điều này dẫn đến việc chính ông Trump có thể bị chưởng lý đặc biệt Robert Mueller thẩm vấn ».

Pakistan :

Kế hoạch « Marshall » của Trung Quốc và các lo ngại

Về thời sự châu Á, Le Figaro chú ý đến « kế hoạch Marshall » của Trung Quốc tại Pakistan. Tờ báo dẫn độc giả đến với công trình xây dựng xa lộ dài 260 km, nối liền thủ đô Islamabad với thành phố Thakot, ở phía bắc. Đây là chặng đường đầu tiên nối miền bắc Pakistan với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Điểm cao nhất mà xa lộ đi qua nằm ở độ cao hơn 4.700 mét. Chính qua ngả đường này, hàng hóa ở miền tây bắc Trung Quốc sẽ đổ về vịnh Persic. Công trình dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2020.

Le Figaro cho biết đoạn đường này là một trong 32 dự án của Trung Quốc tại Pakistan, được khởi sự từ năm 2014, với tổng trị giá 55 tỉ đô la. Ngoài đường xá, còn có một sân bay, một cảng biển, nhiều nhà máy nhiệt điện và điện mặt trời. Tên gọi chính thức của kế hoạch là Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).

Chính quyền Pakistan hy vọng hưởng lợi từ kế hoạch khổng lồ này, sẽ tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm, đặt niềm tin vào tỉ lệ tăng trưởng 7 đến 8% trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo là chỉ trong vài năm tới, Pakistan sẽ phải trả nợ và hoàn vốn mỗi năm đến 4 tỉ đô la. Một lãnh đạo ngành giao thông Pakistan báo động là chỉ ồ ạt xây dựng đường xá sẽ không bảo đảm triển vọng kinh tế thịnh vượng, nếu những con đường này không có người sử dụng.

Một giới chức Pakistan lo ngại kế hoạch khổng lồ này không tính đến các trụ cột của phát triển, như giáo dục tiểu học và y tế. Le Figaro cũng nhấn mạnh đến việc chính quyền địa phương trì hoãn đưa ra các quy định pháp lý đối với các đặc khu kinh tế do Trung Quốc đầu tư. Nguy cơ tấn công khủng bố cũng là một đe dọa thường trực khác.

Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh nhiều hơn đến chiến dịch mở rộng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc tại nước cộng hòa Nam Á, với việc phổ biến giảng dạy tiếng Trung, và gia tăng khuyến khích sinh viên Pakistan du học (18.000 người đang theo học tại Trung Quốc), song song với kế hoạch Hành Lang Kinh Tế. Theo tờ báo, sức mạnh văn hóa gia tăng của Trung Quốc tại Pakistan mới chỉ đang ở điểm khởi đầu.

Trung – Nhật : Căng thẳng xung quanh « đường phân cách »

tại biển Hoa Đông

Về quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, Les Echos chú ý đến cuộc khủng hoảng trên biển Hoa Đông, bùng trở lại với việc Bắc Kinh đưa giàn khoan thăm dò dầu khí đến vùng biển tranh chấp, sát « đường phân cách » các vùng đặc quyền kinh tế của hai nước láng giềng, theo Tokyo.

Theo báo Nhật Asahi Shimbun, cho đến nay Bắc Kinh đã xây dựng tổng cộng 16 giàn khoan sát đường phân cách. Nguồn gốc chính của mâu thuẫn là Trung Quốc không công nhận đường phân cách của Tokyo. Năm 2008, hai nước từng thỏa thuận sẽ hợp tác khai thác tại khu vực này, tuy nhiên, các đàm phán đã chấm dứt sau hai năm thương lượng, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, và tiếp tục không ngừng kể từ đó.

Venezuela : Bầu cử giả mạo quy mô lớn

Khủng hoảng chính trị tại Venezuela là một chủ đề thời sự quốc tế khác của Les Echos với bài « Caracas bị nghi ngờ thao túng cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ». Theo nhiều nguồn tin, mức độ giả mạo trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật được xác định là rất lớn. Trong lúc chính quyền thông báo có 41,5% cử tri đi bầu, thì Smartmic, công ty tin học tham gia vào việc xây dựng hệ thống bỏ phiếu điện tử của quốc gia này, khẳng định ít nhất một triệu phiếu bầu đã bị sửa đổi. Theo các nhà quan sát, vào lúc 17 giờ 30, mới chỉ có tổng cộng 3,7 triệu cử tri đến phòng bỏ phiếu, thì trong khoảng thời gian hơn một giờ còn lại, không thể nào có thêm gần 5 triệu cử tri ồ ạt đến phòng phiếu.

Hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu từ chối công nhận Quốc Hội Lập Hiến Venezuela. Ngoài các áp lực ngoại giao, chính quyền của tổng thống Maduro lo ngại sẽ phải đối đầu với quyết định cấm vận dầu mỏ từ Mỹ. Hồi năm ngoái, xuất khẩu dầu mỏ đã mang lại cho nước này 12 tỉ đô la.

Hiện tại tập đoàn dầu mỏ quốc gia Venezuela đang chuẩn bị phương án B, cụ thể là xuất dầu sang một số nước châu Á. Tuy nhiên, khó khăn nội bộ của Venezuela là các cảng biển chưa chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các tàu chở hàng lớn.

Đồng euro : Tăng trưởng trở lại vững chắc

Về châu Âu, trang nhất báo Le Monde chạy hàng tựa « Mười năm sau khủng hoảng, tăng trưởng trở lại phổ biến tại khu vực đồng euro ». Hồ sơ kinh tế của Le Monde về chủ đề này cho biết trong quý hai vừa qua, vùng euro tăng trưởng 0,6%, so với 0,5% trong quý một. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của vùng euro tăng 2,1%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ 2011.

Theo một kinh tế gia của ngân hàng Pháp BNP Paribas, cách đây một năm không ai chờ đợi một tình trạng sáng sủa như vậy, trong bối cảnh Anh Quốc quyết định rời châu Âu và nguy cơ chủ nghĩa dân túy dâng cao.

Theo một chuyên gia kinh tế khác, thuộc Bloomberg Intelligence, khác với tình trạng của hai năm 2015-2016, phục hồi kinh tế giờ đây gần như mang tính đồng bộ và được chia sẻ bởi hầu hết các quốc gia thành viên vùng euro, ngay cả đối với lĩnh vực công nghiệp, vốn bị coi là điểm đen.

Tuy nhiên, các kinh tế gia cũng tỏ ra thận trọng. Theo một chuyên gia của Natixis, không nên quá mừng với các con số tốt lành trong những tháng vừa qua. Duy trì được tỉ lệ tăng trưởng 2% đều đặn trong những năm tới là điều không dễ với khu vực đồng euro. Hiện tại mức tăng trưởng năng động, gây lạc quan, được nhiều người cho rằng về cơ bản do hiệu ứng « rút ngắn khoảng cách tụt hậu ». Khu vực euro được đánh giá hiện vẫn còn phát triển dưới 1% so với tiềm năng.

Mỹ : 60.000 người chết/năm do dùng quá liều dược phẩm

Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro trên trang nhất chú ý đến cuộc khủng hoảng dược phẩm có chứa moorphin, khiến hơn 60.000 người Mỹ tử vong một năm, tổng cộng hơn 500 triệu người trong 15 năm đầu của thế kỷ 21, do dùng thuốc quá liều. Tổng thống Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế. Đứng đằng sau tình trạng này là các tập đoàn dược phẩm lớn. Theo Le Figaro, tiếp theo ngành công nghiệp thuốc lá, đến lượt công nghiệp dược phẩm bắt đầu phải tính sổ trước công lý.

Siêu sao bóng đá Neymar : Vụ chuyện nhượng gây xôn xao

Vụ chuyển nhượng cầu thủ Neymar giữa câu lạc bộ bóng đá Bacerlona, Tây Ban Nha, với câu lạc bộ Pháp Paris Saint Germain, trị giá 222 triệu euro, được bình luận nhiều trên các báo Pháp. Tờ Le Figaro chú ý đến lợi ích kinh tế của vụ này, có thể mang lại cho Nhà nước khoảng 300 triệu euro trong vòng 5 năm. Trong khi đó, Libération nhấn mạnh đến mức lương chưa từng có dành cho siêu sao Brazil, với 30 triệu euro/năm, phá vỡ mọi giới hạn, không chỉ về tiền bạc, mà còn cả đối với các quy định điều chỉnh lĩnh vực thể thao này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170803-my-khong-khi-roi-loan-tai-nha-trang

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Tổng thống Mỹ bổ nhiệm đại sứ tại Pháp. Donald Trump hôm qua 02/08/2017, ký quyết định bổ nhiệm nữ doanh nhân Jamie MacCourt làm đại sứ Mỹ tại Pháp. Năm nay 63 tuổi, có bằng đại học Sorbonne của Pháp, bà MacCourt đã từng sống và học tập tại Aix-en-Provence, miền nam nước Pháp. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 của Donald Trump, bà Jamie MacCourt đã đóng góp 400.000 euro cho quỹ Trump Victory và ủng hộ chương trình cải cách kinh tế của ứng viên Trump. Bà là đồng sở hữu câu lạc bộ bóng chày Dogers tại bang Los Angeles cùng với chồng cũ, ông Frank MacCourt. Ông Frank MacCourt còn là chủ câu lạc bộ bóng đá Olympique de Marseille.

(Reuters) – Donald Trump dọa điều tra chính sách thương mại của Bắc Kinh. Theo nhiều nguồn tin cấp cao, trong những ngày tới đây, tổng thống Mỹ sẽ ký văn bản cho phép lãnh đạo thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer, điều tra các đường lối của Bắc Kinh về thương mại và sở hữu trí tuệ. Cuộc điều tra sẽ cho phép tổng thống Donald Trump đơn phương áp đặt thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ. Trong một thông cáo, đại sứ Trung Quốc tại Washington phản đối mọi hành động đơn phương và mọi hình thức bảo hộ của Mỹ. Cả Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và Đức đều lo ngại trước nạn Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.

(FlightGlobal) – Hãng hàng không Neos của Ý mở đường bay đến Việt Nam và Thái Lan. Các chuyến bay bắt đầu từ tháng 12/2017, xuất phát từ sân bay Milan Malpensa đến đảo Phú Quốc (Việt Nam) và đến Phuket (Thái Lan) và sử dụng loại phi cơ Boeing 767-300 ER. Theo FlightGlobal ngày 02/08/2017, chưa có hãng hàng không nào khai thác đường bay từ Milano đến Việt Nam. Hiện mới có Thai Airways khai thác tuyến Roma-Bangkok.

(RFI) – Air France mở rộng vùng không bay quanh Bắc Triều Tiên. Ngày 28/07/2017, Bình Nhưỡng bắn thử một tên lửa liên lục địa và tên lửa này chỉ cách chiếc máy bay chở 323 hành khách từ Tokyo đi Paris của hãng hàng không Air France khoảng 100 km, tương đương với 7 phút bay. Theo CNN ngày 02/08, tên lửa của Bắc Triều Tiên nổ tung cách hai hành lang bay chỉ có 16 km. Trả lời RFI, hãng hàng không Pháp quyết định « mở rộng vùng không bay xung quanh Bắc Triều Tiên » dù an ninh của chuyến bay không bị đe dọa.

(AFP) – Nam Á sẽ thành nơi không thể sống được từ nay đến năm 2100 vì nóng ẩm cực đoan nếu không có biện pháp nào làm giảm hiện tượng nhà kính. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Advances ngày 02/08/2017 dự đoán nhiệt độ và độ ẩm tăng vào mùa hè có thể đạt đến ngưỡng quá sức chịu đựng của cơ thể người nếu không có trang thiết bị bảo hộ. Thậm chí, các đợt nắng nóng chết người có thể xảy ra chỉ trong vài thập kỷ nữa tại khu vực có đến 1/5 dân số thế giới sinh sống, gồm Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh.

(AFP) – Tượng đồng của Che Guevara bị yêu cầu tháo dỡ khỏi một công viên ở Rosario, quê hương của nhà đấu tranh nổi tiếng. Ngoài lời kêu gọi trên, Hội Franco Lopez ở Achentina còn yêu cầu thị trưởng Rosario, thuộc đảng xã hội, bỏ mọi hình ảnh, vật chất tưởng niệm nhà đấu tranh vì cho rằng Che Guevara là « kẻ sát nhân phục vụ chủ nghĩa xã hội ». Theo thông báo ngày 02/08/2017 trên website, Tổ chức quốc tế Bases cho biết đã thu thập được 3.000 chữ ký ủng hộ kiến nghị này.

(Reuters) Tổng thống Philippines muốn tuyển thêm 20.000 lính mới. Theo tiết lộ từ các nghị sĩ Philipinnes, ngày 02/08/2017, tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu Quốc Hội cấp ngân sách để tuyển thêm 20 000 lính mới nhằm tăng cường lực lượng chống phiến quân Hồi Giáo. Quyết định này được đưa ra sau một buổi họp đặc biệt ngày 01/08 giữa tổng thống và nhóm các nghị sĩ về các thông tin tình báo liên quan đến kế hoạch tấn công ba thị trấn trên đảo Midanao của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) tại nước này.

(AP) – Indonesia trục xuất hơn 140 kẻ tình nghi lừa đảo về Trung Quốc. Nhóm tội phạm này là đường dây chuyên giả danh cảnh sắt nhằm lừa đảo, tống tiền các doanh nhân và quan chức Trung Quốc. Tuy vậy, nhóm này hoạt động ở Indonesia nhằm trốn tránh pháp luật. Đường dây lừa đảo này đã gây thiệt hại 450 triệu đôla. Trong nhóm có 121 người Trung Quốc và 22 người Đài Loan. Hôm nay 03/08/2017 nhóm này đã được chuyển giao cho công an Trung Quốc.

(The Jakarta Post) – Malaysia và Trung Quốc gia tăng hợp tác quân sự. Trong buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập “Giải phóng quân” Trung Quốc vào thứ ba, 01/08/2017, Tùy viên Quân sự của Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia Trương Trung Dân (Zhang Zhongmin) nói rằng trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác, mở rộng, làm giàu mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước bằng cách chung tay giữ gìn trật tự tại Biển Đông.

(Reuters) – Vùng tây bắc Hoa Kỳ chịu đợt nóng kỷ lục. Hôm qua, 03/08/2017, nhiệt độ thành phố Portland, bang Oregon lên tới 39 độ C , khác xa với con số 26.6 độ C tầm này những năm trước, cùng với đó đánh dấu mốc 45 ngày khu vực này không mưa, chỉ kém 6 ngày so với kỷ lục hồi 1951. Khu vực bang Oregon đã từng chịu đợt nóng tương tự vào năm 2009, lúc đó nhiệt độ lên tới 41 độ C.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170803-tin-doc-nhanh-ok