Tin Tổng Hợp – 21/03/23: Thủ tướng Nhật Kishida bất ngờ thăm Ukraina, gặp Tổng thống Zelensky; Putin nói với Tập: Nga muốn doanh nghiệp TC thay thế phương Tây; CSVN lại quản lý chặt thông tin báo chí, mạng xã hội; Kế hoạch hòa bình cho Ukraina của TC bất khả thi

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 21/03/23: Thủ tướng Nhật Kishida bất ngờ thăm Ukraina, gặp Tổng thống Zelensky; Putin nói với Tập: Nga muốn doanh nghiệp TC thay thế phương Tây; CSVN lại quản lý chặt thông tin báo chí, mạng xã hội; Kế hoạch hòa bình cho Ukraina của TC bất khả thi

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bất ngờ thăm Ukraina, gặp tổng thống Zelensky

21/03/2023 – Thùy Dương – Trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Nga và gặp tổng thống Vladimir Putin, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay 21/3/23 đã bất ngờ đến Kiev và hội đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Theo bộ Ngoại Giao Nhật, chuyến đi này nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Kiev và khẳng định sự ủng hộ của nhóm G7, mà Nhật là nước tổ chức thượng đỉnh vào tháng 05 tới đây.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles giải thích:

«Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Ukraina vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hiện diện ở Matxcơva để tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Vladimir Putin.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina đã khiến Nhật Bản ý thức được rằng chuyện tương tự cũng có thể xảy ra ở châu Á. Nhật Bản cảm thấy bị Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đe dọa. Và nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Nhật Bản sẽ ở ngay tuyến đầu, bởi hòn đảo xa nhất ở phía nam của Okinawa chỉ nằm cách Đài Loan chưa đến 100km.

Chiến tranh Ukraina đã buộc Nhật phải tăng chi tiêu quân sự thêm 60% cho 5 năm tới và Tokyo cũng phải suy nghĩ lại một cách toàn diện hơn về chính sách an ninh của Nhật, bất chấp những ràng buộc của Hiến Pháp chủ hòa.

Nhật Bản cảm thấy choáng váng về cuộc chiến tranh Ukraina và đã chấp thuận tiếp nhận người dân Ukraiana cho dù Nhật vốn là một nước ít cởi mở với di dân và người tị nạn.

Ông Fumio Kishida là thủ tướng Nhật đầu tiên đến thăm nơi đang có chiến tranh tính từ sau Đệ Nhị Thế Chiến».

Hồi tháng Giêng, khi công du Washington, thủ tướng Nhật đã phát biểu là thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima vào tháng 05/2023 sẽ phải nêu bật ý muốn của các đồng minh về việc duy trì trật tự quốc tế và Nhà nước pháp quyền để đối phó với cuộc chiến tranh của Nga xâm lược Ukraina.

Thủ tướng Nhật thăm Bucha, biểu tượng cho sự tàn ác của quân Nga

Kiev hôm nay nhận định chuyến thăm của thủ tướng Nhật là một chuyến đi «lịch sử». Trước khi gặp tổng thống Ukraina Zelensky, vào đầu giờ chiều nay, thủ tướng Nhật đã đi tàu đến thăm thành phố Bucha, gần Kiev, biểu tượng cho sự tàn ác của quân Nga, với cuộc thảm sát thường dân, các hố chôn tập thể bị phát hiện sau khi quân Nga tháo chạy khỏi thành phố.

Theo AFP, đài truyền hình nhà nước Nhật NHK đã công bố video cho thấy thủ tướng Kishida đã lên chuyến tàu xuất phát từ Przemyls, Ba Lan để sang Kiev. Trước khi trở về nước vào thứ Năm 23/03, thủ tướng Nhật sẽ trở lại Ba Lan với chuyến công du chính thức.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230321-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-fumio-kishida-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-th%C4%83m-ukraina-g%E1%BA%B7p-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-zelensky

Tổng thống Putin nói với Chủ tịch Tập: Nga muốn doanh nghiệp TQ thay thế các hãng phương Tây

21/03/2023 – Reuters – Moscow sẵn sàng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thay thế các công ty phương Tây đã rời Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba 21/3 trong cuộc hội đàm tại Điện Kremlin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow, 21/3/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow, 21/3/2023.

Nói về ngày thứ nhì trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Moscow, ông Putin cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đề án xây đường ống Sức mạnh Siberia 2, đường ống này sẽ vận chuyển khí đốt của Nga tới Trung Quốc.

Đường ống được lên kế hoạch này sẽ vận chuyển 50 tỷ mét khối (bcm) khí tự nhiên mỗi năm từ Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Moscow đã đưa ra ý tưởng này từ nhiều năm trước, nhưng giờ đây nó trở nên cấp bách khi Nga quay sang đưa Trung Quốc thay thế châu Âu trở thành khách hàng khí đốt lớn của Nga.

“Tôi tin rằng sự hợp tác nhiều mặt của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước”, ông Putin phát biểu với ông Tập, được phát lại trên truyền hình. Ông Putin nói thêm rằng Nga là “nhà cung cấp chiến lược” về dầu, khí đốt và than đá cho Trung Quốc.

Ông Tập phát biểu rằng Trung Quốc và Nga nên hợp tác chặt chẽ thêm để thúc đẩy nhiều hơn nữa “sự hợp tác thiết thực”.

“Có thể thấy thành quả ban đầu của sự hợp tác (của chúng ta) và sự hợp tác hơn nữa vẫn đang được thúc đẩy”, ông Tập nói với ông Putin, theo hãng truyền hình cáp Hong Kong.

Hãng Gazprom của Nga đã cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia theo hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỷ đô la bắt đầu thực hiện vào cuối năm 2019. Đường ống đó dài khoảng 3.000 km.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc vẫn chỉ là một phần nhỏ so với mức kỷ lục 177 bcm mà nước này giao cho châu Âu trong giai đoạn 2018-2019. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022, khối lượng khí đốt chuyển đến châu Âu đã giảm xuống, còn khoảng 62 bcm vào năm 2022.

Ông Putin nói hôm 21/3 rằng Nga sẽ cung cấp ít nhất 98 bcm khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2030.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận chi tiết về cuộc khủng hoảng Ukraine trong thời gian còn lại của ngày 21/3 sau khi ông Putin đã “làm rõ thêm” về lập trường của Moscow với ông Tập trong cuộc hội đàm đầu tiên vào ngày 20/3.

https://www.voatiengviet.com/a/7014769.html

Thủ tướng Việt Nam lại có yêu cầu quản lý chặt thông tin báo chí và mạng xã hội

RFA – 21-03-2023 – Thủ tướng Chính phủ Việt Nam lại có chỉ thị yêu cầu Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội. Mục đích được nói để chủ động tháo gỡ, ngăn chặn những tin tức mà Hà Nội cho là tin giả, tin xấu độc, chống phá đảng cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam lại có yêu cầu quản lý chặt thông tin báo chí và mạng xã hội

Ảnh minh họa: một số báo in tại Việt Nam – RFA edited

Yêu cầu mới nhất được nêu rõ trong Chỉ thị 07 đề ngày 21/3/2023 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký thay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nội dung của Chỉ thị 07 nêu yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm mọi quy định của Luật Báo chí, Luật Tiếp cận Thông tin, Nghị định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước…

Chỉ thị 07 nêu rõ “Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, bảo đảm những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí phải là dòng chảy chính”.

Trong diễn biến liên quan công tác cung cấp thông tin cho truyền thông, từ ngày 25/3 tới đây Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo một quyết định được ban hành cách đây 10 năm.

Đó là Quyết định 32 ký ngày 28/3/2013 với quy định thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc UBND Thành phố tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí hằng tháng; đồng thời cập nhật thông tin về hoạt động của cơ quan mình trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Tổ chức họp báo ít nhất ba tháng một lần để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố định kỳ mỗi tháng chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước có liên quan cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời đăng tải trên Trang tin Điện tử của UBND Thành phố.

Việt Nam liên tục bị các tổ chức theo dõi quyền tự do trên thế giới xếp vào nhóm các nước không có tự do ngôn luận thực sự. Tất cả mọi cơ quan truyền thông đều dưới sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo Trung ương, đảng cộng sản Việt Nam.

Đây được cho là tổng biên tập duy nhất cho toàn hệ thống truyền thông, báo chí ở Việt Nam hiện nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-pm-call-for-strict-control-of-information-on-print-and-social-media-03212023125339.html

”Kế hoạch hòa bình’’ cho Ukraina của Trung Quốc bất khả thi

21/03/2023 – Trọng Thành –Chủ tịch Trung Quốc công du Matxcơva trong bối cảnh cuộc xâm lăng của Nga tiếp tục bị cộng đồng quốc tế lên án. Một tâm điểm chuyến công du của ông Tập Cận Bình là cuộc thảo luận với tổng thống Nga Vladimir Putin về ‘‘kế hoạch hòa bình’’ 12 điểm cho Ukraina, mà Trung Quốc đề xuất. Thảo luận diễn ra hôm qua, 20/03/2023.

Trước cuộc thảo luận Tập Cận Bình – Putin, đài RFI phỏng vấn chuyên gia về quan hệ quốc tế Nga Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội Đồng Nga về Quan Hệ Đối Ngoại, một tổ chức tư vấn của chính quyền Nga. Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, ngay khi ra mắt hồi cuối tháng 2, đã bị đa số các nước phương Tây chỉ trích. Chính người đứng đầu tổ chức tư vấn gần gũi với điện Kremlin cũng nhấn mạnh là Bắc Kinh cũng hiểu rõ ‘‘gần như’’ không có cơ hội cho một thỏa thuận hòa bình cho chiến tranh Ukraina trong hiện tại (*). Ngoài hồ sơ chiến tranh Ukraina, chuyên gia tổ chức tư vấn Nga cũng cho biết thêm về quan hệ Trung – Nga và đặc biệt là các nỗ lực của Matxcơva nhằm củng cố vị trí tại châu Phi.

***

RFI: Ông đánh giá như thế nào về chuyến công du này của ông Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du có ý nghĩa quan trọng, thiết yếu hay hệ trọng?

Andrei Kortunov: Đây chắc chắn là một chuyến công du quan trọng về mặt chính trị. Về mặt biểu tượng, chuyến đi này có ý nghĩa quan trọng vì là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của chủ tịch Tập Cận Bình sau khi được tái bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch Trung Quốc. Nhưng lẽ dĩ nhiên, cả hai lãnh đạo phải đề cập một số vấn đề thực tế đang tạm treo. Ví dụ như thảo luận về cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng chung, củng cố những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực này trong năm qua.Họ cũng có thể sẽ thảo luận về một số tắc nghẽn và một số lỗ hổng còn tồn tại trong quan hệ song phương. Tôi cũng chắc chắn rằng các vấn đề địa chính trị sẽ không bị xem nhẹ. Họ sẽ bàn về tình hình chính trị chung trên thế giới. Chắc chắn rằng lập trường của họ trùng khớp ở một mức độ rất cao.

Đồng thời, tôi không nghĩ đó sẽ là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Tôi không nghĩ rằng sẽ có một bất ngờ sau cuộc họp này. Tôi nghĩ rằng chúng ta biết rõ lập trường của cả hai nước về các vấn đề quốc tế lớn. Tôi không nghĩ các lập trường này có khả năng thay đổi.

Ông nghĩ gì về kế hoạch hòa bình này?

Trước hết, chúng ta không có một kế hoạch hòa bình chi tiết của Trung Quốc. Chúng ta chỉ có một số nguyên tắc mà Trung Quốc coi là quan trọng để tiếp tục theo đuổi các nỗ lực. Chúng tôi cũng tin rằng mỗi bên trong cuộc xung đột này sẽ chủ yếu chú ý đến những điểm có thể phục vụ cho lợi ích của chính họ. Phía Ukraina có khả năng nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, còn phía Nga muốn phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương và ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraina. Do đó, tính chất mơ hồ này có nguy cơ sẽ tiếp tục kéo dài. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ có bất kỳ thay đổi đáng kể nào về lập trường, và tôi nghĩ Bắc Kinh hiểu rõ rằng cơ hội để đạt được một giải pháp chính trị nhanh chóng hiện nay gần như bằng không. Thậm chí sẽ rất khó để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc sẽ được trình bày, và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng sau chuyến đi tới Matxcơva, chủ tịch Trung Quốc có một cuộc điện đàm với tổng thống Zelensky để lập trường của Trung Quốc được thông báo không chỉ với Matxcơva mà với cả Kiev.

Về các giải pháp cho hòa bình, điều gì là có thể được chấp nhận, hoặc ngược lại bị Nga bác bỏ hoàn toàn?

Tôi nghĩ rằng không thể tưởng tượng được rằng điện Kremlin sẽ dễ dàng chấp nhận các điều kiện của Ukraina về thỏa thuận hòa bình, bởi vì đáp ứng các điều kiện này đồng nghĩa với việc chấp nhận thất bại. Và giới lãnh đạo Nga chắc chắn chưa sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Hơn nữa, tôi không nghĩ rằng giới lãnh đạo Nga sẽ bằng lòng với việc khôi phục nguyên trạng trước đây, có nghĩa là họ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận liên quan đến việc Nga rút về các vị trí mà Nga đã chiếm giữ trước ngày 24/02 năm ngoái. Giới lãnh đạo Nga luôn nói về “thực tế địa chính trị mới”, điều mà tôi hiểu là họ ngụ ý muốn bảo vệ những vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm được trong năm qua ở Ukraina. Và điều đó phải được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, quan điểm của giới lãnh đạo Nga là rất rõ ràng. Đây không phải là điều mà Ukraina có thể chấp nhận được, và điều đó có nghĩa là cơ hội đạt được một giải pháp chính trị mang tính thỏa hiệp ở giai đoạn này, bất hạnh thay, lại không nhiều.

Vậy tại sao Trung Quốc, tất nhiên không chỉ là Trung Quốc, lại nói về hòa bình vào thời điểm này?

Chúng tôi không nói về hòa bình. Phía Nga nói về một thỏa thuận ngừng bắn. Và tôi nghĩ rằng với việc nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận ngừng bắn, phía Nga đang tự coi mình là một bên tham gia mang tính xây dựng. Theo đó, trách nhiệm đối với các hành động quân sự do đó thuộc về Ukraina, quốc gia chưa sẵn sàng chấp nhận ngừng bắn. Nhưng rút cuộc, tôi cho rằng mọi người đang chờ đợi những cuộc tấn công hoặc phản công có thể xảy ra. Và cả hai bên dường như tự tin rằng với thời gian, vị thế đàm phán của mình có thể được tăng cường.

Chúng tôi không biết kế hoạch của giới lãnh đạo Nga là gì và điều gì sẽ đủ để được coi là một chiến thắng. Nếu chúng tôi xem xét các quan điểm chính thức của Nga, chúng tôi thấy có ít nhất hai logic khác nhau. Đầu tiên là đảm bảo an toàn cho cư dân hai vùng Donbass và Crimée, điều đó có nghĩa là Nga cần kiểm soát hai vùng thuộc Donbass theo địa giới hành chính cũ và duy trì cây cầu bắc sang Crimée, và như vậy là đủ.

Nhưng một số khác lại nói rằng điều đó là chưa đủ, bởi vì bất kể biên giới địa lý của Ukraina vào cuối cuộc xung đột như thế nào, nước này sẽ vẫn có khả năng chống Nga, quân sự hóa mạnh mẽ và hội nhập sâu vào các cấu trúc của khối NATO. Vì vậy, để giành được chiến thắng, Nga phải thay đổi nhà nước Ukraina, điều này tất nhiên là hoàn toàn khác. Đó không còn là chiếm lãnh thổ, mà nhiều hơn thế. Hai quan điểm đó hiện song song tồn tại, ít nhất là trong chính giới Nga. Tôi nghĩ có thể giới lãnh đạo Nga đang chủ trương duy trì một số mơ hồ ở mức độ nhất định để giữ khả năng linh hoạt cho các hành động của mình trong tương lai.

Trao đổi kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã bùng nổ năm 2022. Một số người nói về sự trỗi dậy của một thế giới đa cực, nhiều người khác nói về xu thế “trở thành chư hầu” của Nga. Ông nghĩ sao?

Chúng ta phải xác định cụ thể về ý nghĩa của khái niệm ‘‘trở thành chư hầu’’, bởi vì tất cả đều đang cạnh tranh nhau về thị trường Trung Quốc. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng ai cũng muốn trở thành một ‘‘chư hầu’’ của Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng ở các lĩnh vực khác nhau, mức độ phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc là không giống nhau. Trong một số lĩnh vực, điều đó thậm chí không quá quan trọng. Ví dụ, nếu xem xét lĩnh vực tài chính, tôi không nghĩ rằng Nga thực sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức đáng kể. Nga có thể phụ thuộc vào Trung Quốc về xuất khẩu năng lượng, nhưng chúng tôi cũng quan sát thấy rằng, chẳng hạn, nếu nhìn về năm ngoái sẽ thấy Nga đã tăng đáng kể lượng dầu xuất khẩu sang Ấn Độ. Như vậy, (Nga) có một nỗ lực để cân bằng quan hệ với Trung Quốc và tìm kiếm các cơ hội khác ở châu Á và các nơi khác. Nhưng rõ ràng là mối quan hệ với Trung Quốc là ở quy mô lớn hơn hẳn về nhiều mặt, và tất nhiên đây là điều cần lưu ý.

Liệu hợp tác này có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như quân sự và chiến lược?

Tôi không nghĩ rằng Nga đang tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Trung Quốc. Tôi thực sự không nghĩ đó là vấn đề. Nhưng nếu quý vị nghĩ về hợp tác quân sự tổng quát hơn, điều này có thể là tăng cường phối hợp và tập trận chung, và một số hoạt động song song khác mà hai nước có thể thực hiện. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực quân sự, hợp tác này sẽ phát triển, đặc biệt nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục xấu đi. Khi đó, Bắc Kinh sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xích lại gần hơn với Matxcơva trong lĩnh vực quân sự. Mặt khác, nếu có sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có lẽ quan tâm của Trung Quốc đến Nga sẽ ít quan trọng hơn. Nhưng trong mọi trường hợp, tôi nghĩ rằng hợp tác này đã có một quy mô lớn. Có những nhóm lợi ích rất hùng mạnh. Hai bên đều tìm thấy các lợi ích trong hợp tác. Do đó, hợp tác này sẽ tiếp tục.

Thứ Hai này, ông Putin đã có bài phát biểu trước đại diện của khoảng 40 quốc gia châu Phi, theo trang web của Hạ Viện Nga (Duma).Về mặt nào bài phát biểu này là một bước quan trọng trước hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi sắp tới, dự kiến ​​​​vào cuối tháng 7 tại Saint Petersburg?

Quý vị biết đấy, ở đây chúng ta đang nói về chuyện biểu tượng chính trị. Chúng tôi đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên vào mùa thu năm 2019 và sự kiện này đã thu hút rất nhiều người. Hầu như tất cả các lãnh đạo châu Phi đã tập trung tại Sochi để gặp tổng thống Putin. Vì vậy, tôi nghĩ số nước tham gia năm nay sẽ là một chỉ báo quan trọng về vị thế của Nga ở châu Phi. Và điều đó chắc chắn sẽ phụ thuộc một phần vào những gì mà Nga có thể cung cấp cho các đối tác châu Phi, bởi vì hội nghị thượng đỉnh này không thể chỉ là sự lặp lại của hội nghị đầu tiên, mà phải nhắm đến các mục tiêu rõ ràng hơn và chính xác hơn. Hội nghị phải mang lại kết quả cụ thể cho các quốc gia châu Phi sẽ tham gia, vì tất nhiên, hầu hết trong số họ đang chịu áp lực từ phương Tây để không đến Nga trong năm nay.

Đối với Nga, điều này rất quan trọng. Đây hẳn là một minh chứng cho thấy Nga không thực sự bị cô lập trong hệ thống quốc tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng rất nhiều năng lượng và nỗ lực sẽ được đầu tư để đảm bảo rằng chúng tôi có một sự kiện nổi bật với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một chỉ báo quan trọng về vị trí của Nga ở châu Phi. Theo quan điểm này, điều quan trọng là phải khởi động các dự án có lợi cho cả hai bên, và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hội nghị thượng đỉnh là tốt, nhưng không đủ để đảm bảo một mối quan hệ ổn định và cùng có lợi.

Nga có thể mang lại những gì cho các quốc gia này?

Nga có những lợi thế so sánh nhất định ở châu Phi. Ví dụ, hãy xem có bao nhiêu người châu Phi tốt nghiệp ở các trường đại học của Nga và Liên Xô cũ. Ở một số nước, con số này là khá lớn. Tổng cộng, chúng ta có thể nói đến nửa triệu người đã được đào tạo tại các trường đại học của Nga hoặc Liên Xô cũ.

Nga cũng có một số ưu thế trong các lĩnh vực như năng lượng, không chỉ khai thác dầu khí mà còn trong năng lượng hạt nhân. Nga cũng có thể mang lại nhiều cho các lĩnh vực vì lợi ích chung, như y tế công, quy hoạch đô thị. Tôi không nghĩ Nga có thể cạnh tranh lại được với Trung Quốc hay phương Tây. Tôi không nghĩ điều đó có khả năng xảy ra, nhưng Nga có những thị trường nhỏ riêng của mình ở châu Phi và có thể mở rộng các thị trường này, nếu nỗ lực.

Ghi chú

(*) Một nhà ngoại giao Ukraina ở Bắc Kinh cho hãng tin Bloomberg biết là không có dấu hiệu nào về việc Trung Quốc mời các bên tham gia thương thuyết. Kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc rất ít chi tiết, phần lớn bao gồm các lập trường đối ngoại lớn hơn mà Bắc Kinh đã từng khẳng định. Chuyên gia về Trung Quốc và Nga Joseph Torigian, Đại học American University, cho biết ông không tin ‘‘Trung Quốc cho rằng kế hoạch hòa bình có khả năng thực thi trong trong thời gian tới’’, nhưng ngược lại Bắc Kinh ‘‘có thể hy vọng Nga sẽ ủng hộ các nguyên tắc chung Trung Quốc đưa ra, mà Bắc Kinh có thể sử dụng sau đó để tuyên bố là họ mang lại các tác động tích cực đến diễn biến cuộc chiến”. Nguồn trích: ‘‘Xi’s Embrace of Putin Dents His Chances of Playing Peacemaker on Ukraine’’ (Quan hệ nồng thắm Tập – Putin làm mất vai trò kiến tạo hòa bình của Trung Quốc ở Ukraina), Bloomberg, ngày 19/03/2023.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230321-ke-hoach-hoa-binh-cho-ukraina-cua-tq-bat-kha-thi