Tin Thế Giới – Thứ Bảy 18/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – Thứ Bảy 18/1/2014

1. Bắc Kinh đóng tàu sân bay thứ hai

2. Đối lập Thái lại biểu tình sau vụ ném bom làm một người chết

3. Phe đối lập Syria xem xét việc tham gia hòa đàm Geneva

4. Hoa Kỳ hạn chế hoạt động do thám

5. Kính sát tròng thông minh kiểm tra lượng đường của Google

6. Tướng lãnh Trung Quốc hô hào tiến hành chiến tranh ở Biển Đông

7. Lo ngại bạo động gia tăng sau các vụ tấn công người biểu tình ở Bangkok

8. Đài Loan ra mắt chiến đấu cơ

9. Mỹ dùng hổn hợp thuốc độc mới để tử hình

 

1. Bắc Kinh đóng tàu sân bay thứ hai

Một viên chức cao cấp của Hoa lục thông báo là Trung Quốc đã bắt đầu đóng chiếc tàu sân bay thứ hai. Hàng không mẫu hạm thứ ba và thứ tư cũng đã được dự tính. Theo AFP, tin Trung Quốc đóng thêm hàng không mẫu hạm ở thành phố cảng Đại Liên được hai tờ báo loan tải.

Tờ Nam Phương Đô Thị báo tại Quảng Châu và tờ Tạ Công báo, thân lập trường Bắc Kinh, ở Hồng Kông đồng loạt trích lời Vương Dân, Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc tại Liêu Ninh, nơi có cảng Đại Liên, cho biết tin này trong một cuộc họp của “Hội đồng Nhân dân tỉnh”. Theo tin này, thì công trình đóng tàu sân bay thứ hai kéo dài 6 năm và hải quân Trung Quốc sẽ trang bị tổng cộng 4 hàng không mẫu hạm.

Đây là lần đầu tiên một viên chức Trung Quốc xác nhận kế hoạch đóng tàu sân bay thứ hai đang được tiến hành tại Đại Liên, bến cảng lớn ở phía bắc Trung Quốc và nói đến nhu cầu chính xác về hàng không mẫu hạm là 4 chiếc. Trước đây, nhiều viên chức Trung Quốc chỉ nói ý định của Bắc Kinh là cần nhiều tàu sân bay mà không cho biết là bao nhiêu.

Cũng tại công xưởng Đại Liên, Trung Quốc đã tân trang xong tàu sân bay thứ nhất dài 300 thước mua lại từ hàng phế thải của Ukraine. Chiếc tàu mang tên Liêu Ninh được tăng cường cho hạm đội Nam Hải và mới đây đã tập trận tại biển Đông của Đông nam Á.

Trong cuộc tập trận này, một chiến hạm trong hạm đội Nam Hải thiếu chút nữa đã đụng vào tuần dương hạm USS Cowpens thuộc hạm đội 7 của Mỹ. Nhận định về vụ việc này, Đô Đốc Samuel Locklaer, Tư lệnh lực lượng Thái bình dương của Hoa Kỳ cho rằng sĩ quan hải quân Trung Quốc còn non tay “vừa thiếu kinh nghiệm vừa không thông thạo Anh ngữ”. – RFI

2. Đối lập Thái lại biểu tình sau vụ ném bom làm một người chết

Một ngày sau vụ ném chất nổ vào đoàn biểu tình làm một người chết và 35 người bị thương, phe chống chính phủ Yingluck tiếp tục biểu dương lực lượng. Lãnh đạo phong trào phản kháng cho là có bàn tay của chính phủ và hành động này sẽ nâng lên tinh thần đối lập đã biểu tình suốt hai tháng nay.

Nhiều ngàn người biểu tình, thổi còi ầm ỉ vang trên trên đường phố thủ đô Bangkok trong ngày hôm nay thứ Bảy 18/1 mặc dù hôm qua lực lượng của họ bị chết một người và 35 người bị thương, sau khi đoàn biểu tình bị ném lựu đạn tự chế. Nạn nhân là một người đàn ông 46 tuổi đã từ trần trong đêm qua. Trước đó, trung tâm y tế Erawan thông báo là không có nạn nhân nào bị thương tích nghiêm trọng.

Cùng lúc đó, hàng trăm cảm tình viên của phe đối lập tập họp trước trụ sở cảnh sát để yêu cầu phải truy tìm cho được kẻ ném bom. Tuy không rõ ai là thủ phạm nhưng lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban quy trách nhiệm cho chính phủ Yingluck.

Trong cuộc họp báo, ông Suthep Thaugsuban tuyên bố tiếp tục “tranh đấu cho đất nước”. Phong trào này cho biết đã tăng cường an ninh vì quả lựu đạn hôm qua chỉ cách thủ lãnh có 30 thước.

Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ bắt đầu xuất hiện hoạt động. Bằng hình thức thả đèn bay và thông điệp vận động trên mạng xã hội, họ nhân danh những công dân “tôn trọng kết quả bầu cử” bày tỏ nỗi bất bình phe phản kháng. Họ thả đèn màu trắng, mặc “áo trắng” để chứng tỏ thái độ ôn hòa, trung lập không muốn Thái Lan rơi vào vòng xung đột không lối thoát giữa phe “áo Đỏ” và “áo Vàng”. – RFI

3. Phe đối lập Syria xem xét việc tham gia hòa đàm Geneva

Liên minh đối lập chính tại Syria được Phương Tây hậu thuẫn hôm nay sẽ biểu quyết tại Istanbul về việc có tham dự cuộc hòa đàm vào tuần tới tại Geneva hay không.

Cho tới nay, các nhà lãnh đạo đối lập đã khước từ tham gia cuộc hòa đàm nếu không có một cam kết trước là Tổng thống Bashar al-Assad sẽ từ chức. Liên minh Toàn quốc Syria bị áp lực nặng nề của Hoa Kỳ để tham dự hội nghị với mục đích thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Trong khi đó, chính phủ Syria nói rằng họ đã trao cho Nga một kế hoạch cho cuộc đình chiến tại thành phố lớn nhất của nước này là Aleppo và một cuộc trao đổi tù nhân với phe nổi dậy tại Syria.

Bộ trưởng Ngoại giao Syria, ông Walid al-Moallem, nói rằng trong chuyến viếng thăm Moscow hôm thứ Sáu ông đã chuyển giao những đề nghị đó để chuẩn bị cho cuộc hòa đàm vào tuần tới với phe nổi dậy.

Hôm qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cảnh báo tổng thống của Syria là Hoa Kỳ không phải không còn chọn lựa nào để gây áp lực đòi chính phủ của ông tuân hành những mục đích được đề ra trong hội nghị Geneva đầu tiên. Ông Kerry cũng nói rằng cuộc hòa đàm này là “cơ hội tốt nhất cho phe đối lập để đạt được các mục đích của nhân dân Syria và cuộc cách mạng.”

Chính phủ Syria coi tất cả các lực lượng nổi dậy là các tổ chức khủng bố, và đã tìm cách chuyển trọng tâm cuộc hòa đàm được đề nghị từ thành lập một chính phủ mới sang việc tranh đấu chống đường lối cực đoan. – VOA

4. Hoa Kỳ hạn chế hoạt động do thám

Tổng thống Obama vừa ban hành lệnh hạn chế hoạt động thu thập dữ liệu của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh rằng các quyền tự do dân sự phải được tôn trọng. Ông Obama nói những dữ liệu này đã giúp ngăn chặn nhiều vụ tấn công khủng bố ở trong và ngoài nước, nhưng cũng thừa nhận trong quá trình thu thập thông tin, chính phủ đã đối mặt với nguy cơ đi quá giới hạn.

Tuy nhiên, nhiều nhóm vận động cho các quyền tự do dân sự tại Hoa Kỳ cho rằng những thay đổi vừa được công bố là chưa đủ.

Trong bài diễn văn tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Tổng thống Obama nói ông sẽ không xin lỗi vì những hoạt động hiệu quả của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định ông chưa nhìn thấy biểu hiện vi phạm pháp luật nào. Ông cho biết việc Hoa Kỳ thu thập dữ liệu trên quy mô lớn là điều cần thiết, dù thừa nhận nguy cơ dẫn đến “lộng hành”. “Những thay đổi mà tôi công bố ngày hôm nay sẽ giúp người dân Mỹ có thể an tâm rằng quyền lợi của họ vẫn được bảo vệ, ngay cả khi các cơ quan tình báo và hành pháp [Hoa Kỳ] duy trì những công cụ cần thiết để bảo vệ cho sự an toàn của chúng ta,” ông nói.

Hiện những chi tiết về thời gian, thời lượng, số lượng cuộc gọi, hay còn gọi là metadata, vẫn đang được thu thập bởi Cơ quan An ninh Quốc gia NSA. Tuy nhiên ông Obama nói ông sẽ chấm dứt “tình trạng hiện nay” của hệ thống này. Ông đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ và các cơ quan tình báo soạn thảo kế hoạch trong đó quy định việc các dữ liệu metadata được lưu trữ bởi một bên thứ ba, và NSA sẽ cần sự cho phép của pháp luật để được sử dụng chúng.

Một ủy ban của các luật sư hiến pháp, đại diện cho công chúng để phản biện trước Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài, cơ quan bí mật phụ trách việc thẩm định các chương trình thu thập tin tức tình báo, cũng sẽ được thiết lập.

Ông Obama cũng trấn an người dân bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ rằng “Hoa Kỳ không theo dõi thường dân và không đe dọa đến an ninh quốc gia của quý vị”. “Điều này cũng áp dụng đối với những lãnh đạo nước ngoài,” ông nói, đồng thời hứa rằng từ nay, Hoa Kỳ sẽ ngưng theo dõi lãnh đạo của các nước đồng minh.

Ông Obama cũng chỉ trích những quốc gia mà ông cho là “giả vờ ngạc nhiên” trước chương trình do thám của Hoa Kỳ, dù “tự biết rằng Hoa Kỳ có những trách nhiệm đặc biệt của một nước siêu cường”. – BBC

5. Kính sát tròng thông minh kiểm tra lượng đường của Google

Người bị bệnh tiểu đường mỗi ngày phải vất vả theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu mà nếu không kiểm soát có thể dẫn đến thương tổn dài hạn về mắt, thận và tim.

Hầu hết các xét nghiệm lượng đường được thực hiện bằng cách lấy một giọt máu, tuy nhiên các nhà khoa học đang nỗ lực tìm những cách thức dễ dàng hơn để thực hiện bằng cách thử nghiệm chất lỏng trong cơ thể, chẳng hạn như nước mắt.

Công ty Google cho biết họ hiện thử nghiệm xem liệu có thể chế tạo ra kính sát tròng “thông minh” có thể cảnh báo bệnh nhân khi lượng đường trong máu của họ tuột xuống hay không. Viết trên blog của mình, công ty này cho biết những con chip và các bộ cảm biến tí hon, cùng với ăngten mỏng hơn một sợi tóc của con người, có thể được lồng vào trong vật liệu của kính sát tròng mềm. Ðeo kính này vào mắt, nó sẽ giám sát lượng đường thường xuyên mỗi giây một lần.

Google cho biết các nhà khoa học của họ đã hoàn tất nhiều nghiên cứu và bây giờ đang thử nghiệm nguyên mẫu với các đèn LED nhỏ xíu nhấp nháy khi lượng đường tuột xuống. Các nhà nghiên cứu cũng hình dung ra một ứng dụng mới sẽ giúp đưa thông tin lên mạng để cả bệnh nhân và cả bác sĩ của họ có thể tìm thấy dễ dàng.

Google nói công nghệ này hiện vẫn đang còn được thử nghiệm nhưng công ty này tin rằng một ngày nào đó, nó sẽ dẫn đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường một cách tốt hơn và dễ dàng hơn. – VOA

6. Tướng lãnh Trung Quốc hô hào tiến hành chiến tranh ở Biển Đông

Một tướng lãnh nổi tiếng của TQ mới đây đã hô hào cho việc tiến hành chiến tranh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa lúc có tin đồn là trong năm nay TQ sẽ đánh chiếm một hòn đảo đang do Việt Nam kiểm soát.

Trong cuộc phỏng vấn hồi gần đây trên tờ Tham Khảo Quốc phòng, Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng quân đội TQ đang có một “cơ hội chiến lược” để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.

Vị tướng nổi tiếng nhờ chủ trương “Tây Bộ Luận” này cho rằng việc tận dụng và nắm bắt các cơ hội như vậy sẽ giúp quân đội Trung Quốc có được sức mạnh ngang hàng với Hoa Kỳ.

Lưu nói rằng những vùng biên giới mà Trung Quốc từng chiến đấu để giành được đều ổn định và hòa bình hơn, còn những vùng mà Bắc Kinh có thái độ nhún nhường thì có nhiều tranh chấp, căng thẳng.

Phát biểu của Tướng Lưu Á Châu đã gặp phải sự phê phán của một số các nhà phân tích ở Trung Quốc. Những người này cho rằng chủ trương của Lưu là “cực đoan”, sai lầm và không phản ánh đường lối chính thức của Trung Quốc.

Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) trích lời ông Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự ở Ma Cao, nói rằng phát biểu của Lưu có mục đích bênh vực cho những hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông sau khi Bắc Kinh loan báo thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở vùng biển này hồi cuối năm ngoái.

Ông Dong nói rằng “Phát biểu của Lưu chắc chắn là nhắm tới mục đích làm vui lòng Chủ tịch Tập Cận Bình vì Tập cũng cần phải chứng tỏ là việc loan báo vùng phòng không có được sự ủng hộ của quân đội.”

Một chuyên gia hải quân ở Thượng Hải, Nghê Lạc Hùng, cũng không tán thành ý kiến là quân đội Trung Quốc cần kinh nghiệm chiến đấu để “thử lửa” của Lưu Á Châu.

Nghê nói, “Chiến thắng trong các cuộc chiến với Liên Sô cũ, Việt Nam và Ấn Độ đã không mang lại hòa bình thật sự cho Trung Quốc, mà những cuộc thương thuyết chính trị và ngoại giao sau đó mới nắm giữ vai trò then chốt cho sự ổn định của Trung Quốc trong những thập niên qua.”

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan, ông Dương Niệm Tổ, cho rằng cuộc phỏng vấn của Lưu Á Châu nhắm tới việc tăng cường sĩ khí của quân đội và thúc đẩy họ tiến hành các biện pháp cải cách, như đòi hỏi của Tập Cận Bình từ khi lên nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012.

Ông Dương cho rằng phát biểu của ông Lưu không có nghĩa là “Bắc Kinh sẽ có hành động quân sự ngay lập tức để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, vì điều này không phù hợp với chiến lược quốc phòng và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.”

Lời hô hào của Tướng Lưu Á Châu được đưa trong lúc dư luận Việt Nam đang xôn xao trước những thông tin nói rằng trong năm nay Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo Thị Tứ, một hòn đảo tương đối lớn thuộc quần đảo Trường Sa, đang do Việt Nam kiểm soát.

Hồi đầu năm nay, hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc trích lời Lưu Tứ Quý, Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia, nói rằng mục tiêu chính của Trung Quốc trong năm 2014 là tăng cường điều mà ông gọi là “sự hiện diện được bình thường hóa” ở Biển Đông. – VOA

7. Lo ngại bạo động gia tăng sau các vụ tấn công người biểu tình ở Bangkok

Một vụ tấn công dùng chất nổ nhắm vào nguời biểu tình chống chính phủ ở Bangkok đã làm ít nhất 28 người bị thương. Bạo động xảy ra vào lúc giới hữu trách tư pháp đang điều tra việc thủ tướng có liên hệ đến một kế hoạch về gạo gây tranh cãi mà giới chỉ trích cho là nặng phần tham nhũng.

Vụ tấn công vào giữa trưa ngày thứ sáu gây thương tích cho người biểu tình đi tuần hành cùng với thủ lãnh phong trào là Suthep Thaugsuban, và tiếp theo một loạt các vụ đánh bom trong những ngày gần đây nhắm vào đám biểu tình chống chính phủ.

Trước đó trong ngày, những người ‘áo đỏ’ ủng hộ chính phủ đã tấn công một địa điểm biểu tình cách trung tâm thành phố 20 kilomet.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York nói rằng không có đối thoại thì dự kiến sẽ xảy ra thêm các vụ bạo động. Kể từ khi các cuộc biểu tình “Ðóng cửa Bangkok” bắt đầu trong tuần này, bạo động lẻ tẻ phần lớn đã xảy ra vào lúc cuối ngày. Vụ việc hôm nay là lần đầu tiên nhắm vào các cuộc tuần hành ban ngày.

Hôm qua, Uỷ ban Chống tham nhũng Quốc gia của Thái Lan NACC đã loan báo khởi sự một cuộc điều tra đầy đủ về vai trò và sự giám sát của bà Yingluck trong một kế hoạch trị giá nhiều tỷ đôla có liên quan đến gạo. Hai cựu bộ trưởng nội các và nhiều giới chức nhà nước cũng bị điều tra. NACC nói nếu bà Yingluck bị phát hiện là bất cẩn thì bà sẽ bị yêu cầu từ bỏ mọi chức vụ chính thức.

Phát ngôn viên NACC, ông Vicha Mahakhun, nói vụ điều tra thủ tướng nhắm vào trách nhiệm của bà trong tư cách đứng đầu một uỷ ban về chính sách gạo. Ông Vicha nói cơ sở chống lại bà Yingluck là sự lơ là đáng trách theo luật hình sự của Thái Lan và cuộc điều tra dự trù sẽ mất từ 2 đến 3 tháng.

Cuộc điều tra nằm trong số nhiều cuộc điều tra có thể dính dáng đến các thành viên trong đảng của thủ tướng, về các mưu toan trước đây muốn cải tổ hiến pháp và một chương trình dự chi vào cơ sở hạ tầng trị giá 70 tỷ đôla.

Nhưng nhà khoa học chính trị từng làm phát ngôn viên chính phủ, ông Panitan Wattanayagorn, nói rằng các cơ quan độc lập sẽ thận trọng trong việc xử lý các vụ này vì bầu không khí nặng mùi chính trị. – VOA

8. Đài Loan ra mắt chiến đấu cơ

Đài Loan vừa ra mắt phi đội chiến đấu cơ được nâng cấp hoàn toàn do nước này tự sản xuất theo sau chính sách hiện đại hóa quân sự vì quan hệ với Trung Quốc ngày càng lạnh đi. Đến thăm căn cứ không quân Đài Nam hôm 16/1, Tổng thống Mã Anh Cửu đã ca ngợi chương trình mang tên ‘Vạn Kiếm’ nhằm nâng cấp nhiều phi cơ chiến đấu IDF.

Theo AFP trích nguồn tin từ Đài Loan, máy bay IDF sau khi cải tiến sẽ có khả năng chuyên chở ‘bom định vị’ tự tìm mục tiêu và hệ thống điều phối đường bay ‘rất hiện đại’.

Tổng thống Mã ca ngợi bom thông minh của Đài Loan ‘tốt như của Hoa Kỳ’ trong lúc một trung tá không quân Đài Loan nói với các nhà báo rằng từ nay nước ông có thể dùng bom để ‘tấn công tầm xa và không cần phải bay vào lục địa’.

Sự kiện này diễn ra sau khi Hoa Kỳ từ chối không chịu bán bom định vị cho Đài Loan dù hai nước vẫn có ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ Đài Loan mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đã lâu.

Chương trình hiện đại hóa của Đài Loan mang tên cố Tổng thống Tưởng Kinh Quốc kéo dài hai năm nhằm tăng sức chiến đấu cho 127 chiếc phi cơ Đài Loan tự sản xuất. Hiện 71 chiếc IDF đã hoàn tất công đoạn đầu của kế hoạch nâng cấp này và số còn lại sẽ được làm xong vào 2017.

Hồi 2008, Đài Bắc chuyển hướng sang quan hệ thân thiện hơn với Hoa lục sau khi phe Quốc dân đảng thân thiện với Bắc Kinh thắng cử.

Tổng thống Mã Anh Cửu, người duy trì chính sách tăng cường giao lưu xuyên eo biển với Trung Quốc, đã tái đắc cử năm 2012.

Tuy thế, Bắc Kinh không đáp lại mong muốn làm thân của Đài Bắc bằng hành động cụ thể và vẫn coi Đài Loan là hòn đảo ly khai và phải được thống nhất với Trung Quốc, kể cả bằng vũ lực khi cần.

Trung Quốc cũng không gỡ bỏ giàn hỏa tiễn hàng trăm chiếc nhắm vào Đài Loan và cấm các nước đón tiếp quan chức Đài Loan. Điều này khiến quan hệ xuyên eo biển Đài Loan nguội lạnh đi và Đài Loan tiếp tục hiện đại hóa quân sự để phòng ngừa, theo AFP. Hiện tại Đài Loan đã có nhiều loại máy bay chiến đấu như Mirage do Pháp sản xuất và F-16 của Hoa Kỳ. – BBC

9. Mỹ dùng hổn hợp thuốc độc mới để tử hình

Một tử tù bị kết án ở bang Ohio đã bị hành quyết bằng một hỗn hợp độc dược gồm hai loại thuốc chưa từng được sử dụng ở Mỹ.

Giới hữu trách ở Ohio hôm thứ Năm đã sử dụng kết hợp thuốc an thần midazolam và thuốc giảm đau hydromorphone để xử tử Dennis McGuire, người bị kết án tử hình vì cưỡng hiếp và đâm chết một phụ nữ trẻ đang mang thai vào năm 1989.

Năm ngoái, 39 tù nhân đã bị hành quyết ở các tiểu bang của Mỹ. Nhiều người bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc pentobarbital barbiturate. Loại thuốc này được sản xuất bởi các công ty ở châu Âu vốn đã ngừng bán cho các nhà tù Mỹ khi biết được sản phẩm của họ được sử dụng để hành quyết.

Khi hết thuốc pentobarbital, Ohio đã dùng một loại thuốc pha trộn mới trước sự phản đối của các luật sư đại diện cho McGuire. Họ nói thứ hỗn hợp này sẽ gây đau đớn và kinh hãi và dẫn đến tử vong vì nghạt thở.

Những người chứng kiến vụ hành quyết nói tử tù 53 tuổi chết khoảng 15 phút sau khi bị tiêm hỗn hợp thuốc – một khoảng thời gian được cho là dài bất thường. McGuire có vẻ như thở gấp vài lần trước khi ngừng thở. – VOA