Liệu rằng sẽ có chiến-tranh giữa Trung-Hoa và Nhật-Bản – Nhữ Đình Hùng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Liệu rằng sẽ có chiến-tranh giữa Trung-Hoa và Nhật-Bản – Nhữ Đình Hùng

… và nếu có, liệu rằng cuộc chiến giữa hai nước sẽ trở thành đại-chiến ở Á-châu?

Câu hỏi được đặt ra vì hiện đang có những tranh-chấp gay gắt giữa Trung-Hoa và Nhật-Bản về chủ-quyền  quần đảo Diaoyu (tên gọi theo Trung Hoa) hay quần-đảo Senkaku (tên gọi theo Nhật Bản). Vấn-đề không phải chỉ là tranh-chấp chủ-quyền vì những tài-nguyên thiên-nhiên có trong vùng (mỏ hơi đốt,dầu hoả, vùng biển nhiều cá..) mà còn cả về vị-trí chiến-lược, cho phép kiểm-soát các hải-lộ đông bắc Thái-Bình-Dương. Mục- tiêu địa-lý chiến-lược có lẽ chiếm phần quan-trọng hơn chẳng những đối với Trung-Hoa mà còn cả đối với Nhật-Bản nữa.

Đôi bên đã có những ‘biểu-dương lực-lượng’ rất ngoạn-mục như Trung-Hoa cho chiếc hàng-không mẫu-hạm – hiện-tại mới chỉ có một chiếc – đi biểu-diễn trong vùng biển đông Thái-Bình-Dương, thậm chí đi đến cả việc ‘thị-uy’ với Hoa-Kỳ khi vào ngày 05.12.2013, hàng-không mẫu-hạm phóng hoả-tiễn Hoa-Kỳ USS Cowpens đã chút nữa bị một tuần-dương-hạm Trung-Hoa, hộ-tống cho hàng không mẫu-hạm Liaoning, tông phải. Cũng có thể coi đây là một trả đũa của Trung-Hoa đối với việc Hoâ Kỳ đã coi thường việc Trung-Hoa lập vùng không-phận nhận dạng khi cho hai máy bay B52 – dù không võ-trang – bay vào vùng này. Trung-Hoa cũng cho thấy khả-năng của Trung-Hoa trong lãnh vực hàng-không không-gian khi cho phóng hoả-tiễn chở một phi-thuyền đáp xuống mặt trăng chứng tỏ kỹ-thuật không-gian (và cả về hoả-tiễn) đã đạt tới mức độ cao. Ngoài ra, phi-thuyền còn đưa lên mặt trăng một xe thám sát tự động mang tên ‘yutu’. Nhật cũng không kém đã cho đóng thêm tàu chiến và tăng ngân-sách quốc-phòng. Về mặt không-gian, Nhật cho biết sẽ đặt một căn-cứ với robot trong vòng mười năm tới tại nguyệt cầu!

Sự thù nghịch của Trung-Hoa đối với Nhật có nguồn gốc trong quá-khứ. Vào cuối thế kỷ XIX, Nhật đã là một quốc-gia tiến-bộ trong khi Trung-Hoa vẫn còn ở trong tình-trạng chậm tiến. Nhật đã cùng với các nước tây-phương xâu xé Trung-Hoa. Cách đây 100 năm, trong đệ nhất thế chiến, Nhật đã đứng về phe tây phương, nhờ đó, đã được phần trong việc chia xẻ quyền lợi Đức ở Trung-Hoa. Trong Đệ Nhị thế chiến, Nhật cũng đã tấn công và khống chế Trung Hoa, điều này cũng chỉ mới hơn 60 năm. Cho nên, hận thù của Trung-Hoa đối với Nhật-Bản hãy còn đậm nét!

Vào đầu thế kỷ XXI, tình hình ở Á-Châu có vài thay đổi. Nhật không còn là cường-quốc số một ở Á-Châu nữa, thay vào đó, ngôi sao đang lên là Trung-Hoa, nước trở thành cường-quốc kinh-tế thứ nhì của thế-giới! Cùng lúc, Trung-Hoa muốn trở thành một siêu cường ở Á Châu bằng cách nỗ lực phát triển về quân-sự, ngân-sách quốc-phòng của Trung Hoa từ năm 2000 đến nay không ngừng gia tăng, ngân sách này lên tới 166 tỉ đô la cho năm 2012. Các cải cách và hiện-đại-hoá quân-độ  có từ những năm 80 dưới thời Đặng Tiểu Bình đã đưa đến những kết quả đáng kể, Trung Hoa đã có một căn cứ tàu ngầm nguyên-tử ở Sanya thuộc đảo Hải Nam và gần đây, năm 2012 đã cho hoạt động chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, Liaoning. Theo tướng Luo Yuan, học viện quân-sự và khoa-học Pékin, hải quân Trung Hoa phải có ít nhất ba hàng không mẫu hạm để bảo-vệ hữu-hiệu lãnh-hải của mình! Điều này cho thấy hoặc Trung-Hoa sẽ phải mua, hoặc sẽ tự thực-hiện thêm ít nhất hai hàng-không mẫu-hạm nữa! Theo các tin tức, Trung Hoa sẽ  hoàn tất một hàng không mẫu-hạm khác trong năm 2015!

Hiện tại, Trung-Hoa có 3 tàu ngầm nguyên tử mới loại Jin, một tàu ngầm nguyên tử loại Xia, một tàu ngầm loại cũ phóng ngư lôi loại Golf, và sáu Aujourd’hui.

Trước đây, Nhật chú tâm đến vùng bể phiá bắc Thái Bình Dương nhằm đối phó với Bắc Hàn, ngày nay, Nhật phải chú tâm thêm vào vùng Đông và Nam Thái Bình Dương, đặc-biệt là vùng tranh-chấp Senkaku/Diaoyu! Cho nên, không lấy làm lạ khi Nhật Bản cho gia tăng ngân-sách quốc-phòng và tăng cường lực lượng hải quân như việc có thêm một tàu chở trực thăng lớp Izumo, chiến-hạm lớn nhất do Nhật sản xuất kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Nam Hàn cũng thế, nước này đã cho tăng cường lực lượng hải quân với việc mua và chế tạo thêm các tàu ngầm, tàu đổ bộ.. vượt xa điều cần thiết để chống lại sự xâm lăng của Bắc Hàn.

Tại vùng biển Nam Hải, tranh chấp chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã khiến Việt Nam phải tăng cường hải quân, gần đây nhất là mua thêm tàu ngầm của Nga mà chiếc đầu tiên vừa được giao tại Cam Ranh.

Nhưng không phải chỉ có Đông Bắc Á và Đông Nam Á lo ngại về việc Trung Hoa tăng cường quân-lực, ngay cả các quốc gia Nam Á cũng lo ngại về việc gia tăng võ trang của Trung Hoa Mỗi nước, trong khả năng của mình tìm cách gia tăng khả năng phòng vệ và tìm cách nhích lại gần với Hoa Kỳ và cả các cường-quốc khác như Nhật Bản, Ấn-Độ, Úc… Việc Hoa Kỳ chuyển trục quân-sự sang Á Châu đương nhiên là được các nước hoan nghinh!

Cho tới nay, cuộc tranh chấp chủ quyền các đảo Senkaku/Diaoyu giữa Trung Hoa và Nhật Bản vẫn còn ở trong tình trạng dậm chân tại chỗ. Tranh chấp giữa Trung Hoa và các nước Việt-Nam, Phi Luật Tân nghiêng phần thắng về Trung Hoa về mặt quân-sự, trừ phi có sự can-thiệp của Hoa-Kỳ, Nhật, Ấn-Độ và cả của Úc.

Về tương-quan lực-lượng trong vùng, Nhật có ba khu-trục-hạm mang trực thăng (destroyer porte-hélicoptères) đang hoạt -động, một chiếc thứ tư sẽ ngưng hoạt động trong năm 2014 và được thay thế bằng chiến-hạm JS Izumo, tàu chiến lớn nhất được Nhật thực-hiện sau khi đầu hàng vào năm 1945. Lực lượng chống tàu ngầm của Nhật sẽ tăng từ 18 tàu ngầm hiện nay lên 22 tàu ngầm vào năm 2016. Mặc dù ngân-sách quốc-phòng gia-tăng, không chắc Nhật sẽ lao vào việc thực-hiện hàng-không mẫu-hạm, nhưng chắc chắn sẽ phải tân trang để kéo dài thêm thời gian hoạt động của các chiến-hạm của nước này.

Nam Hàn cũng đang có những nỗ lực để tạo một hạm-đội có tầm vóc lớn.Hiện nước này có một số tàu tuần duyên (frégate), tuần-dương-hạm nhỏ (avisos) và các tàu ngầm, một tàu đổ bộ và tấn công, Dokdo, có thể chở người, xe cộ và trực thăng (chở được 10 trực thăng). Một chiếc khác cùng loại, Marado, cũng sắp sửa được đưa vào hoạt-động. Nam Hàn cũng mong muốn có một lực lượng viễn dương với việc thực-hiện từ nay cho tới năm 2036 hai hàng không mẫu-hạm hạng nhẹ, trọng-tải 30.000 tấn với 30 phi cơ, theo kiểu hàng-không mẫu-hạm Ý Cavour.

Về phần Ấn-Độ, từ trước, nước này chủ-trương phòng-thủ cận duyên nhưng do việc Trung Hoa có căn-cứ ở Miến-Điện, Bangladesh và Pakistan, Ấn-độ có một cái nhìn chiến-lược khác. Hạm đội của Ấn đã ‘già’, cần được thay thế.

Hàng-không mẫu hạm Viraat được thay thế bằng ba hàng-không mẫu hạm khác: INS Vikrant do Ấn tự thực hiện đã hạ thủy vào mùa hè 2013 nhưng chưa được vũ trang đầy đủ, INS Vikramaditya (một hàng không mẫu hạm cũ đã 26 tuổi đời, mua lại của Nga vào năm 2004, được giao vào tháng 11/2013) và một hàng-không mẫu-hạm hạng nặng INS Vishal trọng tải 60,000 tấn, được dự trù hoàn tất năm… 2025. Nhưng kỳ hạn này có thể sẽ bị đẩy lùi thêm vì vấn đề ngân-sách. Như vậy, chỉ có hàng-không mẫu-hạm Vikramaditya là hoạt động được và nếu bó buộc, tân trang và xử dụng lại INS Viraat!

Nhưng, dù muốn dù không, các nước ở Á-Châu Thái-Bình-Dương không thể một mình chống lại Trung Hoa. Những nước này cần có sự hỗ-trợ của Hoa-Kỳ. Nước sau này, gần đây, đã xoay trục sang khu-vực Á-Châu Thái-Bình-Dương. Rõ nét nhất là việc hợp-tác  quân-sự với Úc cho phép Mỹ có căn-cứ tại Úc, mặc dù trước đây, Mỹ, Tân-tây-lan và Úc đã cùng đứng chung trong khối ANZUS. Hiện nay, Mỹ cũng đang có những thảo-luận với Nam Hàn và Nhật về hợp-tác quân-sự.

Để lập một vòng đai phòng-vệ chống hoả-tiễn, Mỹ trù-liệu việc lập một đài radar báo-động nằm về phiá nam quần-đảo Nhật-Bản, nơi Nhật có một lực-lượng đồn-trú đáng kể. Vào tháng 12 năm 2013, Mỹ đã cho thay thế loại phi cơ tuần-tiểu hải-dương P-3 Orion bằng phi-cơ P-8 Poseidon do Boeing chế-tạo vuà vừa đưa vào hoạt-động. Mỹ cũng dự-trù đưa thêm 12 phi-cơ chiến-đấu F-22 Raptor sang căn cứ Kadena ở Nhật.

Về hải-quân, Mỹ đã chuyển phần lớn hàng-không mẫu-hạm về phiá tây Hoa-kỳ tức là hướng về Thái-Bình-Dương, gồm tất cả sáu hàng-không mẫu hạm (USS Nimitz, USS John C.Stennis, USS Theodore Roosevelt, USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan và USS George Washington). USS George Washington được biệt phái thường-trực trong vùng biển Nhật Bản, dự trù khi phải về nước để kiểm-soát ‘nửa đời’ sẽ được USS Ronald Reagan thay thế. Ngoài ra 60% các cuộc tuần tiễu bằng tàu ngầm (14 tiềm-thuỷ-đĩnh nguyên-tử phóng hoả-tiễn) đã được thực hiện trong vùng Á-Châu Thái-Bình-Dương.

Với tất cả những chuẩn bị như thế, nếu có đụng chạm giữa Nhật và Trung-Hoa, một cuộc đại chiến ở Á-Châu sẽ là điều khó tránh.

18.01.2014

Tham khảo:
http://www.opex360.com/2014/01/17/les-etats-unis-vont-deployer-12-avions-f-22-raptor-et-un-porte-avions-de-plus-dans-la-zone-asie-pacifique/
http://aejjrsite.free.fr/goodmorning/gm137/gm137_LaMarineJaponaise.pdf
http://www.lemonde.fr/japon/article/2013/10/27/tokyo-deploie-des-avions-de-combat-apres-des-vols-d-appareils-chinois_3503644_1492975.html
http://www.wsws.org/fr/articles/2013/oct2013/japo-o07.shtml
http://www.rtbf.be/info/opinions/detail_reflexions-a-propos-des-tensions-recentes-entre-la-chine-et-le-japon?id=7846573