Tin khắp nơi – 31/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 31/05/2018

Tướng Bắc Hàn gặp Ngoại trưởng Mỹ ở New York

Nhân vật được coi là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Bắc Hàn gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo tại New York nhằm bàn về kỳ họp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim.

Tướng Kim Yong-chol bay từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tới trên chuyến bay của hãng hàng không Air China.

Ông là quan chức cao cấp nhất Bắc Hàn tới thăm Hoa Kỳ kể từ gần 20 năm qua.

Tướng Bắc Hàn ‘đi Mỹ bàn về kỳ họp thượng đỉnh’

Ông Moon ‘có thể dự hội nghị Trump-Kim’

Vẫn còn hy vọng cho hội nghị Trump-Kim

Tổng thống Donald Trump trước đó tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh, theo dự kiến diễn ra vào ngày 12/06 tại Singapore, nhưng hai bên kể từ đó đã có những nỗ lực nhằm tổ chức sự kiện này theo đúng lịch trình ban đầu.

Được lên lịch diễn ra tại Singapore, cuộc họp lịch sử này sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo đương quyền của Mỹ và Bắc Hàn.

Ông Pompeo theo kế hoạch sẽ ăn tối với Tướng Kim trước khi có các cuộc thảo luận vào thứ Năm.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng đã gặp phái đoàn Bắc Hàn tại Bàn Môn Điếm ở vùng biên giới liên Triều, trong lúc đã có thêm các nhà ngoại giao Mỹ tới Singapore để chuẩn bị cho sự kiện họp thượng đỉnh.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders xác nhận hai nhà lãnh đạo vẫn có kế hoạch gặp nhau trong tháng tới.

“Như tổng thống nói, nếu điều đó xảy ra thì chúng tôi hẳn sẽ sẵn sàng,” bà Sanders nói.

Kim ‘quyết tâm’ về thượng đỉnh với Trump

Trump: Thượng đỉnh với Kim có thể bị trì hoãn

Trong các bước đi ngoại giao nữa trước khi có kỳ họp thượng đỉnh, Nga tuyên bố rằng Ngoại trưởng Sergey Lavrov của nước này sẽ tới thăm Bắc Hàn vào thứ Năm.

Ông Lavrov và ông Pompeo đã lần đầu tiên nói chuyện với nhau qua điện thoại hôm thứ Tư.

Tổng thống Trump đã ra một lá thư hủy cuộc họp dự kiến, trong đó ông nói đó là bởi “thái độ giận dữ điên cuồng và công khai thù nghịch” từ phía Bắc Hàn.

Nước này đã mạnh mẽ phản đối các tuyên bố mà chính quyền ông Trump đưa ra theo đó so sánh việc phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng với chương trình tương tự của Libya.

Cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Gaddafi từ bỏ chương trình hạt nhân của mình và sau đó vài năm đã bị các phiến quân do phương Tây hậu thuẫn giết chết.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44311552

Ông Trump ‘mong’ thư riêng từ lãnh tụ Bắc Hàn

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 31/5 cho biết rằng phái đoàn cấp cao của Bắc Hàn ngày 1/6 sẽ từ New York tới thủ đô Washington để chuyển cho ông lá thư của lãnh tụ Kim Jong Un.

Theo Reuters, trước khi đáp máy bay đi Houston, ông Trump nói rằng ông “nóng lòng muốn xem” nội dung lá thư.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận giữa hai nước đã hình thành hay chưa, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng các cuộc gặp “rất tích cực”.

Trong khi đó, hôm 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong Chol bắt đầu ngày làm việc thứ hai ở thành phố New York nhằm giải quyết những bất đồng về vũ khí hạt nhân và chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước, theo hãng tin Reuters.

Ngoại trưởng Pompeo và ông Kim Yong Chol có buổi gặp riêng khi họ cùng ăn tối trong khoảng thời gian 90 phút tại một căn hộ vào tối hôm 30/5, nhưng không tiết lộ chi tiết về nội dung trao đổi của họ.

Hôm 30/5 có tin nói rằng các quan chức Hàn Quốc cho biết có sự khác biệt “khá lớn” giữa Mỹ và Triều Tiên về việc giải trừ hạt nhân.

Các cuộc họp ở New York diễn ra sau khi ông Pompeo thăm Bình Nhưỡng vào tháng 4 và đầu tháng 5 nhằm giúp Hoa Kỳ và Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán trước đó về hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jung Un từng lên kế hoạch gặp nhau ở Singapore vào ngày 12/6 tới. Nhưng các bất đồng giữa Washington và Bình Nhưỡng buộc ông Trump phải hủy bỏ cuộc gặp này, và những ngày gần đây đã có vài động thái mới cho thấy nỗ lực ngoại giao giữa hai bên.

Ông Kim Yong Chol, một trợ lý thân cận của lãnh tụ Kim Jong Un và là Phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động đương quyền, là quan chức cao cấp nhất Triều Tiên sang Hoa Kỳ đàm phán trong gần hai thập kỷ qua.

Cùng lúc đó tại Bình Nhưỡng, lãnh tụ Kim Jong Un tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà ngoại giao hàng đầu của Nga sang thăm Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua.

Ông Lavrov đã mời ông Kim sang thăm Nga, và đề xuất một phương pháp giải trừ hạt nhân theo nhiều giai đoạn, bao gồm việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-mong-th%C6%B0-ri%C3%AAng-t%E1%BB%AB-l%C3%A3nh-t%E1%BB%A5-b%E1%BA%AFc-h%C3%A0n/4417715.html

 

Kim Yong Chol –

sứ giả Triều Tiên đến Mỹ – là ai?

Khi ông Kim Yong Chol đến New York trong tuần này, ông sẽ trở thành sứ giả cao cấp nhất của Triều Tiên hội đàm với các quan chức của Mỹ trên đất Mỹ trong vòng 18 năm.

Vốn từng lãnh đạo cơ quan tình báo, ông Kim là một cố vấn đáng tin cậy của ông nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của ông Kim Yong Chol, Tổng thống Trump đã loan báo về chuyến đi New York của ông Kim trên Twitter hôm thứ Ba ngày 29/5.

Nhà Trắng cho biết ông Kim sẽ gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo vào cuối tuần này – cuộc tiếp xúc ở mức cao nhất giữa hai nước ở Mỹ kể từ khi đặc phái viên Jo Myong Rok gặp Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000.

Kim Yong Chol là một vị tướng bốn sao, phó chủ tịch của Ban chấp hành Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền và là giám đốc của Ban Mặt trận Thống nhất vốn chịu trách nhiệm về mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Với vị chức vụ đó, với sự hiện diện xuyên suốt của ông trước và trong khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên Triều hồi tháng Tư và hôm thứ Bảy ngày 26/5, ông Kim Yong Chol trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Triều Tiền, các quan chức Hàn Quốc cho biết.

Được Kim Jong Un cử làm sứ giả đến Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc hồi tháng Hai, ông Kim Yong Chol đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Bình Nhưỡng để ngỏ khả năng đối thoại với Washington, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Triều Tiên đang thay đổi lập trường sau nhiều tháng đe dọa và đả kích qua lại với Washington.

Ông ta cùng Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un, là hai quan chức tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên tại hai cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều.

Ông cũng điều phối hai cuộc tiếp xúc của ông Kim Jong Un với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ở Bình Nhưỡng.

Kim Yong Chol trước đây là lãnh đạo Tổng cục Do thám, một cơ quan tình báo quân đội hàng đầu của Triều Tiên và đã có gần 30 năm là thành viên cao cấp của cộng đồng tình báo nước này.

Mỹ và Hàn Quốc đã liệt ông này vào danh sách đen vì ủng hộ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tương ứng vào các năm 2010 và 2016. Việc ông Kim đến Mỹ cho thấy Mỹ đã đưa ông ra khỏi danh sách đen.

Hàn Quốc cáo buộc ông này đứng sau vụ tấn công gây chết người vào một tàu hải quân của Hàn Quốc và vào một hòn đảo vào năm 2010. Tình báo Mỹ cũng liên hệ ông này với một vụ tấn công mạng vào hãng Sony Pictures gây thiệt hại lớn vào năm 2014.

Triều Tiên đã phủ nhận vai trò của mình trong cả hai vụ việc.

Kim Yong Chol đã ‘bước phăng ra khỏi phòng’ trong cuộc đối thoại quân sự năm 2014 khi Hàn Quốc yêu cầu xin lỗi cho cuộc tấn công vào năm 2010, theo lời các quan chức Hàn Quốc.

“Ông ấy là một nhà đàm phán cứng rắn và là một chuyên gia về các cuộc đàm phán Liên Triều, nhưng đúng là ông ấy là một biểu tượng diều hâu chứ không phải hòa hợp, hòa giải cho đến năm nay,” ông Moon Sang-gyun, một cựu quan chức quốc phòng Hàn Quốc, cho biết.

Ông Kim Yong Chol từng làm việc cho lực lượng công an quân đội ở khu phi quân sự tại biên giới hai miền Triều Tiên. Ông ấy cũng từng là vệ sỹ cho ông Kim Jong Il, cựu lãnh đạo và là người cha quá cố của ông Kim Jong Un, theo Cơ quan Theo dõi Lãnh đạo Triều Tiên, một phân nhánh của Viện nghiên cứu Bắc Vĩ tuyến 38.

Ông là người có liên hệ chặt chẽ với quá trình kế nhiệm của ông Kim Jong Un và đã được nhìn thấy đi cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên trong một số chuyến thăm viếng.

Ông được cho là người khó đối phó, hay châm biếm và không đủ cung kính đối với cấp trên, cũng theo Cơ quan Theo dõi Lãnh đạo Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông cũng trải qua những lúc khó khăn. Tình báo Hàn Quốc cho biết hồi năm 2015 ông Kim Yong Chol bị giáng xuống làm tướng ba sao sau khi bị phát hiện ngủ gục trong một cuộc họp.

https://www.voatiengviet.com/a/kim-yong-chol-s%E1%BB%A9-gi%E1%BA%A3-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%BFn-m%E1%BB%B9—l%C3%A0-ai-/4417289.html

 

Tổng thống Pháp kêu gọi

viết lại luật thương mại toàn cầu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư ngày 30/5 nói đã đến lúc các nền kinh tế lớn nhất thế giới phải bắt đầu đàm phán để viết lại các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới để ngăn căng thẳng hiện nay leo thang thành chiến tranh thương mại.

Ông Macron đưa ra ý kiến này trước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở ở Paris trong lúc Liên minh châu Âu đang còn chưa tới 48 giờ để Mỹ quyết định có miễn cho họ thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép hay không.

“Đây là việc phải cập nhật lại hoàn toàn các luật lệ cạnh tranh toàn cầu,” ông Macron nói và cổ súy cho chủ nghĩa đa phương vào lúc nguy cơ các đòn ăn miếng trả miếng trong thương mại đang đe dọa làm chệch hướng tăng trưởng toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Pháp muốn EU, Mỹ, Canada và Nhật Bản viết lại bản kế hoạch cải tổ WTO để kịp trình lên hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới ở Argentina và cuối năm nay.

“Các quy định mới phải đáp ứng được các thách thức hiện tại của thương mại thế giới: các khoản trợ cấp khổng lồ của Nhà nước đã tạo ra những bóp méo trên thị trường toàn cầu, trong việc sở hữu trí tuệ, các quyền xã hội và bảo vệ môi trường,” ông Macron nói.

Tuy nhiên ông Macron nói rằng châu Âu không nên thể hiện sự yếu ớt trước hành động đơn phương. “Tất cả các bên đều không được lợi trong chiến tranh thương mại,” ông nói.

Ông Macron đã thể hiện mình là người bảo vệ cho sự hợp tác toàn cầu – điều mà ông gọi là ‘chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ’ – và cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin không hành động một mình trên các vấn đề từ ngoại giao cho đến thương mại và môi trường.

Đến giờ, kết quả mà ông đạt được là hạn chế.

Ông Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và đang đe dọa sẽ đảo lộn quan hệ thương mại với Trung Quốc, châu Âu và các nền kinh tế lớn khác.

Trước đó, đại diện thương mại của ông Trump, ông Wilbur Ross, nói rằng chủ nghĩa đa phương không nên là lý do để các cuộc đàm phán kéo dài vô tận và rằng Washington cần phải đáp ứng nhu cầu của những người dân thường Mỹ bị đe dọa bởi quá trình toàn cầu hóa.

Ông Trump là người gây ra cuộc khủng hoảng trong cơ chế giải quyết tranh chấp toàn cầu của WTO với việc phủ quyết mọi đề cử cho vị trí trọng tài ở cơ quan xử lý khiếu nại của WTO.

Đến tháng Chín năm nay, cơ quan này vốn dĩ có bảy trọng tài chỉ sẽ còn lại có ba người, con số cần thiết để giải quyết mỗi khiếu nại.

“Tôi đã nghe thấy lời chỉ trích, nhưng tôi chống lại cách làm gây cản trở,” ông Macron nói.

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ph%C3%A1p-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-vi%E1%BA%BFt-l%E1%BA%A1i-lu%E1%BA%ADt-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u/4416909.html

 

Châu Âu khẩn trương

trước giờ quyết định áp thuế nhôm thép của Mỹ

Tú Anh

Liên Hiệp Châu Âu lên cơn sốt trước giờ biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Theo báo chí Mỹ, chính quyền Donald Trump sẽ ban hành biểu thuế quan mới trong ngày thứ Năm 31/05/2018. Bruxelles cho biết sẽ trả đũa.

Sau cuộc họp với bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross vào sáng nay tại Paris, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Lemaire cảnh báo : người bạn Hoa Kỳ của chúng ta phải biết là nếu họ lấy những quyết định có hại cho châu Âu, thì châu Âu sẽ không ngồi yên.

Pháp và Đức cũng như Ủy viên Thương Mại châu Âu Cécilia Malmstrom đã đồng ý ban hành các biện pháp trả đũa. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp không cho biết chi tiết cụ thể. Châu Âu vẫn hy vọng tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi ý định vào giờ chót, nhưng hy vọng này rất mong manh, theo một nguồn tin từ Bruxelles.

Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal, Washington sẽ áp dụng các biểu thuế quan mới đánh lên nhôm thép châu Âu, xuất sang Mỹ từ 10% đến 25%, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 06.

Ngày hôm qua, trong diễn văn đọc tại Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế (OCDE), tổng thống Pháp Emmanuel Macron mạnh mẽ lên án hành động « đe dọa chiến tranh thương mại »mà ông cho là « chỉ gây thiệt hại cho tất cả mọi ngành nghề, mọi quốc gia ». Ông đề nghị cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trong tinh thần một thế giới « đa cực vững chắc », trong đó « kẻ mạnh là người biết tôn trọng cam kết », để làm cơ sở cho ngoại thương toàn cầu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180531-chau-au-khan-truong-truoc-gio-quyet-dinh-ap-thue-nhom-thep-cua-my

 

Đồng minh ‘thất vọng’ vì Mỹ áp thuế thép, nhôm

Mỹ sẽ áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu, Mexico và Canada.

Mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm sẽ bắt đầu vào đêm nay.

Trump áp thuế nhập thép, đối tác nổi giận

Mỹ: Phe Cộng hòa ‘rất lo’ về kế hoạch của Trump

Mỹ: ‘trừng phạt mạnh chưa từng có’ với Iran

Động thái này, được tiết lộ bởi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, sẽ ảnh hưởng đến một số đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ – và các thành viên NATO – ở châu Âu.

Vương quốc Anh “thất vọng sâu sắc” bởi quyết định của Hoa Kỳ, trong khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết đó là một “ngày tồi tệ với thương mại thế giới”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng thuế quan này là “vô lý và nguy hiểm”.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thông báo các lệnh trừng phạt từ Paris, nơi ông đã đàm phán với các nhà lãnh đạo EU, những người cố gắng để chống lại các thuế quan này.

Ông cho biết các cuộc đàm phán không thực hiện đủ tiến độ để đảm bảo việc trì hoãn hơn nữa và thừa nhận khả năng trả đũa sẽ xảy ra.

“Chúng tôi sẽ phải xem phản ứng của họ,” ông nói.

“Chúng tôi tiếp tục sẵn sàng và thực sự mong đợi thảo luận với tất cả các bên.”

EU sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để đáp trả nếu Mỹ áp đặt thuế quan, ông Le Maire cảnh báo.

“Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ liệu họ muốn tham gia vào một cuộc xung đột thương mại với đối tác lớn nhất của họ, châu Âu,” ông nói.

Ben Digby, thuộc nhóm hành lang kinh doanh của Anh, CBI, gọi thuế quan này “quan ngại sâu sắc” nhưng nhấn mạnh các bên phải thận trọng, với chi phí tiềm năng của một cuộc chiến thương mại.

“Giờ không phải là lúc cho bất kỳ sự leo thang không cân xứng nào, và chúng tôi kêu gọi EU xem xét điều này khi ám chỉ phản ứng của họ,” ông nói.

Việc này bắt đầu như thế nào?

Chính quyền Trump công bố mức thuế trong tháng Ba cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.

Một số quốc gia, bao gồm EU, đã được miễn trừ, đang chờ thảo luận về các điều khoản thương mại.

Hoa Kỳ cấp miễn giảm thường xuyên hơn đối với thuế quan cho một số quốc gia, như Nam Hàn, để đổi lấy hạn chế về xuất khẩu.

Khi Nhà Trắng công bố các biện pháp, EU đe dọa trả đũa các mức thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ như nước cam, quả nam việt quất và rượu whisky ngô.

Trung Quốc đã áp thuế mới trị giá 3 tỷ đô la Mỹ lên các hàng hóa Mỹ, bao gồm rượu vang, để trả đũa thuế thép và nhôm của Mỹ.

EU là nơi sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Ước tính có khoảng 320.000 người làm việc trong ngành thép ở EU.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-44314585

 

Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ giờ sẽ được gọi là Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Việc đổi tên lực lượng chỉ huy quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương trong tư duy chiến lược của Washington.

“Để công nhận sự kết nối ngày càng khăng khít giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương ngày hôm nay, chúng tôi đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ,” Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ James Mattis phát biểu tại buổi lễ đổi tên ở Hawaii.

Hoa Kỳ nói TQ bắn laser vào phi công

Trump có đang thua cuộc chiến thương mại với TQ?

TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ

Bộ chỉ huy này thực hiện các hoạt động của Mỹ ở châu Á và có khoảng 375.000 nhân viên quân sự và dân sự.

Sự thay đổi tên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang mở rộng hoạt động quân sự trong khu vực.

“Đó là chỉ huy chiến đấu chính của chúng ta, đứng canh gác và gắn bó mật thiết với hơn một nửa bề mặt trái đất, từ Hollywood đến Bollywood, từ gấu Bắc cực đến chim cánh cụt,” ông Mattis nói.

Ông Mattis nói thêm rằng lực lượng này có lịch sử thích nghi tốt với sự thay đổi và sẽ tiếp tục duy trì điều này khi Mỹ tập trung mở rộng tầm ảnh hưởng về phía tây.

Các nhà phân tích cũng tin rằng sự đổi tên cũng phản ánh tầm quan trọng ngày càng gia tăng của Ấn Độ trong khu vực.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44312804

 

Ông Trump lại đòi Mexico

trả tiền xây tường biên giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba ngày 29/5 cáo buộc Mexico đã ‘không làm gì’ để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vượt biên giới đến Mỹ, và lặp lại lời cam kết khi vận động tranh cử của ông là Mexico sẽ phải chịu phí tổn cho bức tường biên giới mà ông dự định xây.

Mexico phản ứng tức thì rằng họ sẽ không trả tiền theo yêu cầu của ông Trump.

Ông Trump đưa ra phát biểu này trước người ủng hộ ông trong một cuộc tập hợp giống như vận động tranh cử ở Nashville, bang Tennessee. Ông đã trở lại chủ đề bức tường mà ông muốn xây ở biên giới phía nam của Mỹ để ngăn không cho người nhập cư bất hợp pháp vào.

Bức tường biên giới là một chủ đề vận động cử tri mà ông Trump ưa thích và từ lâu vẫn là điểm tranh chấp giữa Mỹ với Mexico.

“Cuối cùng thì Mexico sẽ phải trả tiền xây tường,” ông Trump nói với đám đông. “Họ chẳng làm gì cả để ngăn những người qua ngõ Mexico, từ Honduras và tất cả những nước khác… Họ không làm gì để giúp chúng ta cả.”

Khoảng một giờ sau, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã lên Twitter phản pháo.

“Gửi Tổng thống Donald Trump: KHÔNG. Mexico sẽ không đời nào trả tiền cho bức tiền. Bây giờ không và bất cứ lúc nào cũng không. Thân ái, Mexico (tất cả người dân đất nước chúng tôi),” ông Pena Nieto viết bằng tiếng Anh. Sau đó ông viết lại dòng tweet này bằng tiếng Tây Ban Nha.

Hoa Kỳ, Mexico và Canada đang mắc vào các cuộc đàm phán kéo dài để điều chỉnh lại Hiệp định Thượng mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đang tìm cách tránh nguy cơ bế tắc xung quanh lời đe dọa của Mỹ sẽ áp thuế đối với nhôm và thép.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-l%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%B2i-mexico-tr%E1%BA%A3-ti%E1%BB%81n-x%C3%A2y-t%C6%B0%E1%BB%9Dng-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi/4417292.html

 

Mỹ đóng chương trình nhân đạo TPS,

nhiều người khốn đốn

Trong vòng 18 tháng tới, gần 310.000 người tại Mỹ có thể mất khả năng được sống và làm việc hợp pháp tại đây, khi chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt Tình trạng được Bảo vệ Tạm thời (TPS) có tính cách nhân đạo đối với công dân một vài quốc gia vốn chịu ảnh hưởng vì những cuộc xung đột vũ trang, thiên tai, nhưng tình hình đã được cải thiện vào năm ngoái, theo như các giới chức liên bang.

Không chắc những người này sẽ đi về đâu một khi tình trạng được bảo vệ tạm thời của họ chấm dứt.

Các giới chức chính phủ cũng như các luật sư và các nhà hoạt động cũng không biết được những gì sẽ xảy ra. Sở Di trú và các cơ quan liên bang giám sát chương trình TPS nói do không biết tình trạng của những người được hưởng chương trình TPS trước đây nên không thể suy diễn được gì.

TPS là một tình trạng phi di dân có nghĩa là những người được hưởng chương trình này không có con đường đến thường trú nhân hay được nhập tịch Mỹ–những người này, theo như tên gọi, là những người có qui chế tạm thời vì khủng hoảng tại đất nước của họ.

Bà Royce Bernstein Murray, Giám đốc về chính sách tại Hội đồng Di dân Mỹ, cho rằng cùng với việc ông Trump chấm dứt chương trình DACA vào năm 2017 và chương trình này hiện đang tranh chấp trong hệ thống tư pháp, có khả năng là một triệu người nước ngoài hiện sống hợp pháp tại Mỹ có thể mất tình trạng hợp pháp của họ.

Hai nước có nhiều công dân được hưởng chương trình TPS là El Salvador và Honduras.

Khi TPS hết hạn, những người bị ảnh hưởng một là phải chuyển sang một tình trạng di dân hay phi di dân khác, hai là di chuyển sang một nước khác, ba là trở về nguyên quán, bốn là trở thành di dân không giấy tờ hợp pháp.

Chính quyền ông Trump chấm dứt chương trình TPS đối với 6 quốc gia trong năm 2017 và 2018, gia hạn cho 2 quốc gia khác và sẽ có quyết định chung cuộc đối với 2 quốc gia nữa trong năm nay.

https://www.voatiengviet.com/a/my-dong-chuong-trinh-nhan-dao-tps-nhieu-nguoi-khon-don/4416862.html

 

Đài Loan bác tin được Mỹ giúp đóng tàu ngầm

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Yen Teh-fa ngày 30/5 bác tin nói rằng Hoa Kỳ có thể phái các chuyên viên kỹ thuật đến Đài Loan để giúp đóng tàu ngầm.

Trang Up Media có trụ sở tại Đài Bắc ngày 30/5 loan tin là căn cứ trên một thỏa thuận giữa công ty CSBC Đài Loan và một toán thiết kế tàu ngầm Hoa Kỳ, toán này đã yêu cầu chính phủ Mỹ chấp thuận giúp Đài Loan đóng tàu ngầm.

Bản tin này nói rằng yêu cầu đó đang được cứu xét, và nếu được bật đèn xanh, toán thiết kế sẽ phái hơn 200 chuyên gia đến làm việc tại CSBC và tham gia “chương trình tàu ngầm phòng vệ” của Đài Loan sớm nhất là vào cuối năm 2018.

Dù bác bỏ tin này, nhưng ông Yen xác nhận các mối quan hệ đang diễn tiến giữa Hoa Kỳ với Đài Loan.

“Chúng tôi cảm kích sự ủng hộ lâu dài của Quốc hội Mỹ bằng cách phát huy các dự luật thân thiện với Đài Loan giúp củng cố khả năng quốc phòng của Đài Loan và thúc đẩy trao đổi quân sự hai chiều,” ông Yen nói.

Vào ngày 24/5, Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng trị giá 717 tỉ đô la cho năm tài khóa 2019 trong đó có các điều khoản giúp củng cố khả năng quốc phòng của Đài Loan.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-bac-tin-duoc-my-giup-dong-tau-ngam/4416780.html

 

Ngoại trưởng Nga mời ông Kim Jong Un thăm Moscow

Trong chuyến công du đến Bình Nhưỡng hôm 31/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội kiến với Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và mời ông sang thăm Moscow, Reuters dẫn nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Chuyến công du đến Bình Nhưỡng của nhà ngoại giao Nga diễn ra trước khi dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6 tới.

Theo hãng tin Anh, dường như Nga đứng bên lề theo dõi một loạt các hoạt động ngoại giao quốc tế quanh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Hàn nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hôm 31/5, ông Lavrov đã chuyển đến ông Kim Jong Un lời thăm hỏi của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã mời ông Kim đến thăm Moscow.

Ông Lavrov nói với ông Kim: “Hãy đến thăm Nga đi. Chúng tôi sẽ rất vui khi ông đến thăm.” Ông Lavrov bày tỏ sự ủng hộ của Moscow đối với tuyên bố vào tháng trước giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, theo đó hai bên đồng ý cùng hợp tác việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo.

Các hãng thông tấn Nga đưa tin, cũng trong chuyến công du đầu tiên đến Bình Nhưỡng kể từ năm 2009, ông Lavrov cũng đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên, Ngoại trưởng Ri Yong Ho.

Ông Lavrov nói rằng Moscow hy vọng tất cả các bên sẽ có một cách tiếp cận tinh tế cho các cuộc đàm phán sắp tới về việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo và không nên quá vội vã khi thực hiện tiến trình này.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-nga-moi-ong-kim-jong-un-tham-moscow/4417586.html

 

Trung Quốc dùng tiền lôi kéo đồng minh,

Đài Loan ‘chịu thua’

Đài Loan sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các đồng minh ngoại giao quay sang trung thành với Trung Quốc, vì Đài Loan thiếu những ngân khoản mà các nước ấy cần, theo nhận định của chuyên gia và các giới chức tại Đài Bắc.

Số các nước công nhận Đài Loan về phương diện ngoại giao giảm xuống còn 18 nước sau khi Burkina Faso cắt đứt mối quan hệ kéo dài 24 năm qua. Vài ngày sau, quốc gia Tây Phi này, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã chính thức thành lập các quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và trở thành quốc gia thứ tư ‘trở cờ’ kể từ năm 2016.

Đài Loan đã gia tăng trợ giúp thuốc men và nông nghiệp cho Burkina Faso, nhưng truyền thông Đài Loan cho biết Trung Quốc năm ngoái đã cấp 50 tỉ đô la cũng như thường xuyên đưa các nhà đầu tư sang châu Phi để khai thác tài nguyên thiên nhiên và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Không thể cạnh tranh bằng tiền bạc với Trung Quốc có thể khiến Đài Loan mất mát đồng minh vào tay Bắc Kinh, làm giảm thiểu tiếng nói của Đài Loan tại Liên hiệp quốc và gây phương hại cho cuộc tranh đấu của Đài Loan để được quốc tế công nhận là một nước tách biệt với Trung Quốc.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình chứ không phải là một quốc gia được công nhận về phương diện ngoại giao. Trung Quốc và Đài Loan có chính quyền riêng kể từ cuộc nội chiến trong những năm 1940.

Được sự ủng hộ của hơn 170 quốc gia, trong đó có những cường quốc thế giới, Trung Quốc nhất mực muốn thống nhất đôi bên thành một dù các cuộc thăm dò cho thấy người Đài Loan muốn tự trị.

Chính phủ Đài Loan tố cáo Trung Quốc mua chuộc các đồng minh của Đài Loan để thay đổi sự ủng hộ như một phương cách làm áp lực đối với Tổng thống Thái Anh Văn. Bà Thái nhậm chức cách đây hai năm và bác bỏ ý kiến cho rằng hai bên thuộc một nước Trung Hoa duy nhất.

Đài Loan viện trợ cho các đồng minh căn cứ trên việc đánh giá mỗi nước cần những gì để phát triển kinh tế và xã hội, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Andrew Lee nói. Đài Loan có thể ấn định một thời hạn từ 2 đến 3 năm. Thông thường viện trợ của Đài Loan nhằm các lãnh vực học bổng, công nghệ nông nghiệp và các chương trình y tế.

Tuy nhiên, theo lời ông Lee trong một cuộc họp báo, ngân sách của Đài Loan có giới hạn.

Đài Loan ít khi nêu chi tiết số tiền viện trợ cho các nước, hầu hết thuộc vùng Caribê, Trung Mỹ và Nam Thái Bình Dương.

Trong khi đó, quốc gia cộng sản Trung Quốc không cần phải thông qua Quốc hội hay lấy ý kiến công chúng trong các khoản viện trợ nước ngoài, theo các chuyên gia. Hơn nữa, Bắc Kinh có nhiều tiền hơn cũng như nhiều chương trình ‘vươn xa’ hơn để phân phối viện trợ. Một trong những kênh đó là Sáng kiến Vành đai Con đường trị giá 1 ngàn tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng mới xung quanh khu vực Á-Âu.

Trung Quốc cũng có thể khuyến khích dân đi du lịch tới các nước nghèo, tạo nguồn thu nhập cho các nước đồng minh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước đồng minh với Trung Quốc còn có thể tiếp cận với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Đó là chưa kể các nước cần gìn giữ hòa bình có thể dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc vì Trung Quốc là một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong khi Đài Loan không có ghế tại đây, theo nhận định của các chuyên gia.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dung-tien-loi-keo-dong-minh-dai-loan-chiu-thua/4416880.html

 

Malaysia muốn

tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc

Malaysia và Trung Quốc đang tìm cách tái cân bằng các mối quan hệ vào lúc tân chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohammad mưu tìm việc tái thương thuyết nhiều tỉ đô la chi phí hạ tầng cơ sở do Trung Quốc hỗ trợ, với mục đích giảm bớt nợ quốc gia.

Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu vào Malaysia với hơn 3,38 tỉ đô la, (hơn cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore) với những thỏa thuận chính yếu về hạ tầng cơ sở được thương lượng với chính phủ trước đây của ông Najib Razak.

Giáo sư chính trị học Carl Thayer thuộc Trường đại học New South Wales, Australia, nói Malaysia đang tìm cách vượt qua những lời lẽ ngấm ngầm chống Trung Quốc trong những cuộc bầu cử ngày 9/5 vừa qua.

Giáo sư Thayer nói trong cuộc vận động tranh cử, đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia là một đề tài, giữa những quan ngại là Malaysia nợ Trung Quốc quá nhiều.

Ông Thayer nói: “Tuy nhiên, Thủ tướng Mahathir kể từ khi bầu cử đã tuyên bố trên căn bản là những thỏa thuận hiện hữu sẽ vẫn tồn tại đối với bất cứ quốc gia nào, nhưng sẽ duyệt xét lại những thỏa thuận với Trung Quốc. Và dự án quan trọng là Đường ray nối liền bờ đông được xem như là vô giá trị nhưng tốn rất nhiều tiền và không thực sự mang lại lợi ích nào cả.”

Đường ray nối liền bờ Đông là một phần quan trọng của sáng kiến hạ tầng cơ sở của Bắc Kinh mang tên Vành đai Con đường xuyên qua Đông Nam Á dài 688 kilômét, nối liền Biển Đông với biên giới Thái Lan.

Tân chính quyền Malaysia nói những cuộc thương thuyết mới là một nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ quốc gia vào khoảng 251,32 tỉ đô la, hay 80% GDP.

Thủ tướng Mahathir thấy cần phải đánh giá lại những dự án và chiến lược đầu tư của Trung Quốc một cách tổng quát, nhất là các dự án lệ thuộc vào công nhân và nhân viên kỹ thuật nhập từ Trung Quốc.

Ông Mahathir nói với Đài VOA “Chúng tôi cần tìm hiểu xem chúng tôi được lợi những gì.”

Ông nói tiếp “Chúng tôi không muốn có một con số khổng lồ những di dân tại Malaysia. Một số công ty của Trung Quốc đã làm việc này. Đây không phải là đầu tư trực tiếp.”

https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-muon-tai-can-bang-quan-he-voi-trung-quoc/4416870.html

 

Ukraina bị chỉ trích đưa tin giả về vụ ám sát nhà báo

Minh Anh

Nhà báo Nga Arkadi Babtchenko, mà chính quyền Kiev đưa tin là đã bị ám sát tối thứ Ba, 29/05/2018, đã xuất hiện trong cuộc họp báo hôm thứ Tư. Cơ quan an ninh Ukraina SBU đã dàn dựng vụ nhà báo Babtchenko bị bắn để tiến hành một « chiến dịch đặc biệt », nhằm bắt giữ những kẻ muốn giết hại nhà báo, nổi tiếng về các chỉ trích nhắm vào điện Kremlin.

Tuy nhiên, vụ việc đã làm dấy lên nhiều câu hỏi và tranh luận về phương pháp của cơ quan ninh Ukraina. Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert tường trình :

« Hôm qua, hiển nhiên là mọi người vui mừng về việc nhà báo Arkadi Babtchenko tái xuất hiện. Hơn nữa, chiến dịch đặc biệt này đã kết thúc rất thành công : cơ quan an ninh Ukraina SBU khẳng định là những kẻ định giết nhà báo đã bị bắt giữ.

Tuy nhiên, tại Ukraina, niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho những câu hỏi. SBU cho biết là có một âm mưu của Nga dự tính sát hại 30 người, trong đó có nhà báo Babtchenko, nhưng không đưa ra các bằng chứng khẳng định cáo buộc này. Đối với một số người, chiến dịch này làm sứt mẻ uy tín của chính quyền.

Theo một số người khác, thì sự liêm chính của giới nhà báo bị tổn hại, do các thông tin giả. Tính chất kỳ khôi của vụ này tương phản hẳn với hàng loạt vụ ám sát trong những năm gần đây, trong đó nhiều vụ không tìm ra thủ phạm. Ngày 5 tháng 7 năm 2016, nhà báo Pavel Sheremet đã bị giết chết ngay tại trung tâm Kiev.

Vào lúc đó, tổng thống Porochenko đã hứa là sẽ nhanh chóng có kết quả điều tra. Gần hai năm sau, những kẻ giết người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và SBU đã bị cáo buộc ngăn cản cuộc điều tra. Vụ nhà báo Arkadi Babtchenko tái xuất hiện lại càng không thể làm quên đi các câu hỏi này. »

Ngay sau khi chính quyền Kiev lên tiếng thừa nhận dàn dựng vụ việc, tổng thư ký Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới Chritophe Deloire đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Ukraina về vụ này :

« Phản ứng đầu tiên là sự thở phào nhẹ nhõm vì nhà báo này không bị giết chết, mà trên thực tế vẫn còn sống. Nhưng đối với tôi việc nói dối ở cấp Nhà nước mà chính quyền Kiev tiến hành trong khuôn khổ cuộc chiến tranh thông tin chống lại Nga là điều không thể chấp nhận được.

Bởi vì dàn dựng một vụ việc, làm cho mọi người tin rằng nhà báo Arkadi Babtchenko bị giết chết, rồi đưa ra các cáo buộc… chính là những hành động duy trì, nuôi dưỡng các thuyết giả tưởng, hiện đang có rất nhiều.

Điều mà Ukraina cần, cho dù đôi khi họ cũng là đối tượng của cuộc chiến tranh thông tin, đó là không trả đũa với các phương pháp tương tự. Cần tránh lao vào lô gích chiến tranh và càng cần tránh hơn nữa việc tung ra các tin thất thiệt. Đây quả thực là một sự nói dối của Nhà nước trên lưng các nhà báo.

Thành thật mà nói, điều này không phục vụ cho công việc của nhà báo, không có lợi cho tự do báo chí, thậm chí còn phản tác dụng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180531-ukraina-bi-chi-trich-dua-tin-gia-ve-vu-am-sat-nha-bao

 

Hoa Kỳ :

Trump lại dọa cách chức bộ trưởng Tư Pháp

Thanh Phương

Hôm qua, 30/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump lại dọa cách chức bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions. Chủ nhân Nhà Trắng vẫn không tha thứ thái độ của ông Sessions trong cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :

« Trên mạng Twitter ngày 30/05, ông Donald Trump nhắc lại lời của một nghị sĩ Cộng Hòa nói về bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions. Nghị sĩ Trey Gowdy đã từng tuyên bố : « Có rất nhiều luật gia xuất sắc trong nước, tổng thống lẽ ra phải chọn người khác. ». Tổng thống Mỹ viết thêm, thể hiện sự bực bội : « Tôi tiếc là đã không làm như thế ».

Ông Donald Trump, vốn vẫn đòi là nhân viên thuộc cấp phải trung thành tuyệt đối, trước đó đã nhiều lần công kích bộ trưởng Tư Pháp của ông. Đối với tổng thống Mỹ, ông Jeff Sessions lẽ ra phải đảm trách cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử và ngăn chận việc chỉ định công tố viên Robert Muller để điều tra vụ này. Các cuộc điều tra của Mueller đang dần dần đe dọa đến Nhà Trắng.

Vì đã có tiếp xúc với đại sứ Nga trong thời gian tranh cử tổng thống 2016, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ sợ bị cáo buộc là thiên vị, cho nên đã từ chối đảm trách cuộc điều tra. Nhật báo The New York Times hôm qua tiết lộ rằng vào lúc đó tổng thống Donald Trump, rất giận dữ, đã yêu cầu ông Sessions đổi ý, nhưng vị bộ trưởng này dứt khoát không chịu.

Việc ông Trump yêu cầu như vậy có thể bị xem là một hành động cản trở pháp luật. Theo nhật báo Mỹ, chính điều đó đã khiến công tố viên Mueller chú ý. Đây có thể là lý do khiến tổng thống Trump một lần tỏ thái độ tức giận đối với bộ trưởng của ông. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180531-hoa-ky-trump-lai-doa-cach-chuc-bo-truong-tu-phap

 

Tây Ban Nha : Thảo luận

về kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Rajoy

Thanh Phương

Hôm nay, 31/05/2018, các dân biểu Quốc Hội Tây Ban Nha bắt đầu thảo luận kiến nghị bất tín nhiệm do Đảng Xã Hội cánh tả đối lập đệ trình nhằm lật đổ chính phủ cánh hữu của thủ tướng Mariano Rajoy. Kiến nghị này sẽ được đưa ra biểu quyết ngày mai.

Trong cuộc thảo luận hôm nay, lãnh đạo Đảng Xã Hội Pedro Sanchez, ứng cử viên thủ tướng, trình bày chương trình hành động của ông nếu ông giành được chiếc ghế thủ tướng từ tay ông Rajoy.

Từ Madrid, thông tín viên François Musseau tường trình :

« Đây là thời điểm nghiêm trọng đối với ông Mariano Rajoy. Cầm quyền từ năm 2011, thủ tướng Tây Ban Nha rất có thể sẽ bị mất chức với việc đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm, tiếp theo sau vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến Đảng Nhân Dân PP, cánh hữu. Trong một phán quyết lịch sử, tòa án Audiencia nacional, có thẩm quyền trên toàn quốc, cách đây một tuần đã kết án tù 27 cựu lãnh đạo của đảng PP trong vụ tai tiếng tham nhũng, gọi là vụ « Gurtel ».

Vào năm 2016, đảng Podemos đã từng đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Tây Ban Nha cũng với lý do tham nhũng, nhưng đã bất thành. Lần này, tình hình nghiêm trọng hơn : ngành tư pháp đã xem đảng PP là « một hệ thống tham nhũng được định chế hóa » . Ngành tư pháp cũng đã đặt vấn đề về uy tín của thủ tướng Tây Ban Nha khi ông tìm cách bao che cho đảng của ông, nhất là bao che cho cựu thủ quỹ Francisco Correa, bị kết án 31 năm tù.

Nếu tính trên số dân biểu, kế hoạch của ông Pedro Sanchez, lãnh đạo đảng Xã Hội có thể thành công. Vấn đề là các đảng có thể ủng hộ ông lại bất đồng với nhau. Đặc biệt là ông Ciusdadanos không hề muốn đứng chung với phe ly khai Catalunya, kẻ thù chính trị của họ. Cho dù kiến nghị bất tín nhiệm gặp nhiều trở ngại, ông Mariano Rajoy không khỏi lo ngại rằng chiếc ghế thủ tướng của ông sắp chấm dứt. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180531-tay-ban-nha-thao-luan-ve-kien-nghi-bat-tin-nhiem-chinh-phu-rajoy

 

Trung Quốc sẽ cử đoàn tham dự diễn đàn Shangri-La

Trung Quốc sẽ cử các học giả quân sự dẫn đầu phái đoàn tới dự Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 3 tháng 6 này. Mục tiêu được cho biết nhằm giảm thiểu căng thẳng về vấn đề Biển Đông với Hoa Kỳ.

Mạng báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn một số nguồn tin ẩn danh cho biết như vậy vào ngày 31 tháng 5.

Theo đó, dự báo trước khả năng Mỹ sẽ đề cập vấn đề quân sự hóa mạnh mẽ các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông ở Diễn đàn Shangri-La, Bắc Kinh đã tuyển chọn cẩn thận một phái đoàn tham dự nhằm giảm thiểu căng thẳng.

Các nguồn tin cho hay thay vì một quan chức quốc phòng cao cấp, đoàn Trung Quốc sẽ do trung tướng Hà Lôi, phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học quân sự, dẫn đầu.

Ngoài ra, đại tá Chu Ba, giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sẽ có bài phát biểu tại phiên thảo luận đặc biệt về hợp tác và cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngay trước bài phát biểu chính của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về nguy cơ xung đột khu vực.

Theo một nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã nghỉ hưu, diễn đàn luôn bị phía Mỹ và đồng minh tận dụng như một cơ hội để chỉ trích Hoa Lục. Như vậy, bằng cách cử đoàn đại diện tới tham dự, Trung Quốc muốn phản bác quan điểm mà Bắc Kinh cho là sai trái như thế, đồng thời tái khẳng định hội nghị Shangri- La là dịp chia sẻ các lý thuyết về mặt quân sự.

Phía Việt Nam có ông Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại diện tham dự.

Trước thềm diễn ra hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các chiến dịch tuần tra hàng hải trên Biển Đông và nói bóng gió rằng dường như chỉ có một quốc gia khó chịu với điều này.

Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).

Năm nay hội nghị diễn ra từ ngày 1 đến 3 tháng 6, với sự có mặt của bộ trưởng quốc phòng và quan chức từ hơn 50 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Việt Nam, Philippines…

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Mỹ chỉ trích mạnh mẽ hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai vũ khí hiện đại và máy bay tác chiến, trong đó có máy bay ném bom H-6K đến các vùng biển đang tranh chấp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-will-send-team-to-minimize-conflict-at-regional-security-talks-sources-say-05312018093542.html