Tin khắp nơi – 18/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/07/2016

Hậu Brexit, Nhật ‘mạnh tay’ mua công ty Anh

ARM Holdings, một trong những công ty công nghệ hàng đầu của Vương quốc Anh, sẽ được công ty Softbank của Nhật Bản mua lại với giá 24 tỷ bảng Anh (tương đương 32 tỷ đôla Mỹ).

Hội đồng quản trị của ARM được kỳ vọng là sẽ khuyến khích các cổ đông của mình chấp thuận thương vụ trên, với giá cao hơn tới gần 50% giá niêm yết của công ty này là 16,8 tỷ bảng Anh khi đóng cửa phiên giao dịch vào thứ Sáu.

Thiết kế chip điện tử của công ty ARM Holdings được sử dụng trong hàng loạt thiết bị như điện thoại iPhone của Apple.

Brexit không ảnh hưởng đầu tư nước ngoài

Công ty ARM Holdings có trụ sở đặt tại Cambridge được cho là viên ngọc giá trị nhất trong chiếc vương miện của ngành công nghệ Anh.

Tuy nhiên đề nghị chuyển giao công ty ARM đưa đến thách thức lớn cho chính phủ mới. Cùng với mức lương chức vụ quản lý cao, kinh doanh chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài là một vấn đề kinh tế mà Thủ tướng mới của Anh là bà Theresa May đưa vào tầm ngắm vì cho rằng những thương vụ mua bán như vậy có thể ảnh hưởng không tốt tới lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên chính phủ Anh khẳng định quyết tâm không để cho kết quả bầu cử Brexit ủng hộ Anh rời EU ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài.

Phát triển và mở rộng

Những nguồn tin thân cận nói trong vụ thương lượng này, công ty Nhật đánh giá ARM có thế mạnh khai thác “lợi ích của internet”, nhờ vào việc trong tương lai một loạt các thiết bị gia dụng và kinh doanh mới sẽ sử dụng chip điện tử.

Theo tin mà BBC nhận được, công ty Softbank của Nhật cam kết sẽ tăng gấp đôi nguồn nhân công của ARM ở UK trong vòng 5 năm tới. Hạn chế can thiệp nhà nước, quyết định cuối cùng sẽ do hội đồng cổ đông công ty này đưa ra.

Công ty ARM được thành lập vào năm 1990, hiện có 3000 nhân viên.

Phần lớn thành công của ARM được cho là do ảnh hưởng của Warren East. Ông Warren làm giám đốc điều hành công ty này từ năm 2001 đến 2013.

Vào năm 2013, ông John Buchanan, lúc đó là chủ tịch hội đồng quản trị hãng ARM, đánh giá ông East đã “biến đổi” công ty ARM trong thời gian giữ chức vụ giám đốc điều hành.

Khổng lồ công nghệ

Hiện ông Warren East là giám đốc điều hành hãng Rolls-Royce từ tháng Bảy năm ngoái. Đây cũng là một người khổng lồ khác trong ngành lắp ráp động cơ máy bay.

Ông Warren East được phong tước hiệu của Hoàng gia Anh là CBE (Commander of the Most Excellent Order of the British Empire).

Trong khi đó, Softbank là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, do người sáng lập là một nhà kinh doanh người Nhật có tên Masayoshi Son điều hành.

Trước đó công ty này xác nhập chi nhánh hãng Vodafone tại Nhật Bản cũng như một công ty viễn thông của Mỹ là Sprint. Thương vụ giá trị 20 tỷ bảng Anh là vụ mua bán lớn nhất của công ty Nhật tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, giá trị cổ phần của Softbank đã giảm 15% trong vòng 12 tháng qua.

Simon Jack, Tổng biên tập ban Kinh tế

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/07/160718_japanese_takeover_arm_holdings_24bn_quid

 

Người giết cảnh sát ở Baton Rouge là ai?

Người đàn ông được xác định đã bắn chết ba viên cảnh sát tại Baton Rouge, Gavin Long, đã đăng những đoạn video phàn nàn về cách thức cảnh sát đối xử với người Mỹ da đen và kêu gọi họ hãy “giáng trả”.

Một trong những video của ông Gavin Long nhấn mạnh rằng ông không có liên hệ gì với bất cứ một phe nhóm nào nhưng “liên kết với công lý”.

Viên cựu thủy quân lục chiến 29 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết trong vụ tấn công sáng hôm Chủ Nhật.

Căng thẳng bùng nổ khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen tại Baton Rouge cách đây hai tuần.

Cái chết này – và một vụ cảnh sát nổ súng giết một người da đen khác ở Minnesota – khiến nổ ra các cuộc biểu tình phản đối trên khắp nước Mỹ và một vụ tấn công trả thù của một cựu chiến binh người da đen, người đã bắn chết năm cảnh sát tại thành phố Dallas.

Phản ứng trước những vụ bắn giết mới nhất này, Tổng thống Barack Obama kêu gọi mọi người dân Mỹ hãy đoàn kết và kiềm chế trước những ngôn từ gây chia rẽ.

Mới có thêm các chi tiết về ông Gavin Long, người từ thành phố Kansas City, tiểu bang Missouri, bao gồm cả quá trình phục vụ trong quân đội của ông ta.

Là một thủy quân lục chiến từ tháng Tám 2005 tới tháng Tám 2010, ông lên đến cấp trung sĩ và phục vụ tại Iraq từ tháng Sáu năm 2008 đến tháng Giêng năm 2009, được nhận một số huy chương và bằng khen. Ông được cho xuất ngũ trong danh dự.

Video và những đăng tải trên mạng của ông dùng tên biệt danh Cosmo Setepenra. Ông phàn nàn về những gì ông xem là những bất công đối với người da đen, và có lúc ông nói “các bạn phải giáng trả”.

Trong một video đăng trên YouTube, Long nói nếu có “bất cứ điều gì xảy ra” với ông thì ông “không có liên kết” với bất cứ phe nhóm nào.

“Tôi liên kết với tinh thần của công lya, không hơn không kém. Tôi suy nghĩ bằng ý tưởng riêng của mình, tôi tự đưa ra các quyết định của chính mình,” ông nói.

Một trang mạng có tên “convoswithcosmo” nói ông này đã tới Dallas trước khi xảy ra vụ giết các cảnh sát tại đây.

Trong đoạn video hôm 10 tháng Bảy, dường như được đăng trên mạng từ Dallas, ông này nói chỉ có áp lực tài chính và bạo lực mới có thể mang lại thay đổi.

“Chúng ta biết những gì sẽ xảy ra. Chỉ có chiến đấu chống lại hoặc tiền bạc. Đó là tất cả những gì họ quan tâm.

Vụ tấn công hôm Chủ Nhật được cho là xảy ra vào ngày sinh nhật của ông Gavin Long. Còn chưa rõ tại sao ông Long lại có mặt ở Baton Rouge.

Cảnh sát đã tới khi được tin một người đàn ông mặc quần áo đen cầm súng trường sau một của hàng. Họ điều tra xem liệu đây có phải là một cú điện thoại cấp cứu gọi tới để lừa kéo cảnh sát tới đây hay không. Đã xảy ra bắn súng qua lại trong khoảng tám phút. Thị trưởng Kip Holden nói đây là một vụ tấn công “theo kiểu phục kích”.

Đại tá Mike Edmonson thuộc lực lượng cảnh sát bang Louisiana nói tay súng này được cho là đã hành động một mình.

Các viên cảnh sát bị bắn chết nay được nêu danh là Montrell Jackson, 32 tuổi, Matthew Gerald, 41 tuổi, thuộc đơn vị cảnh sát Baton Rouge, và viên Phó cảnh sát trưởng Brad Garafola, 45 tuổi. Cả ba đều là người có gia đình.

Một viên cảnh sát khác đang ở trong tình trạng nguy kịch.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160718_baton_rouge_shooting_gunman

 

ADB hạ dự báo tăng trưởng châu Á

Ngân hàng Phát triển châu Á hôm thứ Hai đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương từ 5,7% xuống 5,6%.

Tuy nhiên ADB nói kinh tế khu vực vẫn duy trì mức vững chắc và giúp bù đắp từ diễn biến chậm lại trong nền kinh tế Mỹ và từ những cú sốc thị trường về ngắn hạn sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu.

ADB nói dự báo tăng trưởng cho năm 2017 không thay đổi là 5,7%.

“Mặc dù việc bỏ phiếu Brexit đã ảnh hưởng đến tiền tệ tại các nước đang phát triển và thị trường chứng khoán tại châu Á, tác động của nó đối với nền kinh tế về ngắn hạn dự kiến sẽ nhỏ,” Shang-Jin Wei, kinh tế trưởng của ADB cho biết.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm tại các nền kinh tế công nghiệp lớn, giới hoạch định chính sách cần tiếp tục cảnh giác và chuẩn bị để đối phó với những cú sốc bên ngoài để đảm bảo tăng trưởng trong khu vực vẫn mạnh.”

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang trên đà đạt tốc độ tăng trưởng theo dự báo trước đó là 6,5% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017.

Đối với khu vực Đông Á nói chung, mặc dù các hoạt động kinh tế không mấy khởi sắc tại Hong Kong và Hàn Quốc, dự báo tăng trưởng cho khu vực này là không đổi ở mức 5,7% trong năm 2016 và 5,6% trong năm 2017, ADB nói trong báo cáo.

Tăng trưởng trong năm nay và năm tới theo dự kiến sẽ do Nam Á dẫn đầu, với với Ấn Độ có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 7,4% trong năm nay và 7,8% trong năm tới.

Ở Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho năm 2016 và năm 2017 vẫn được giữ nguyên ở mức 4,5% và 4,8%.

Kinh tế của hầu hết các nước Đông Nam Á trong nửa đầu năm nay đã được thúc đẩy bởi tiêu dùng cá nhân, trừ Việt Nam, nơi chịu đợt hạn hán tồi tệ gây khó khăn lớn cho khu vực nông nghiệp, ADB cho biết.

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/07/160718_adb_asia_growth_forecast

 

Làm từ thiện vì động cơ gì?

Vikram Barhat

Hồi đầu tháng này, diễn viên gốc Scotland sống tại California, Louise Linton, đã trở thành mục tiêu chế giễu của quốc tế sau khi đoạn trích dẫn hồi ký của bà trong thời gian nghỉ học một năm làm tình nguyện ở Zambia được đăng trên Telegraph.

Bài viết của bà bị chỉ trích vì những điểm thiếu chính xác và quảng bá những định kiến có hại cho châu Phi.

Thế nhưng hồi ký của Linton về thời gian tại Zambia cũng làm dấy lên câu hỏi về các chương trình tình nguyện ở nước ngoài dành cho sinh viên.

Theo truyền thống có từ những năm 1960 ở Anh, các sinh viên trẻ từ châu Âu thường nghỉ học một năm trước khi lên đại học, gọi là ‘gap year’, để tình nguyện làm việc ở những nước nghèo.

Tuy nhiên các chương trình tình nguyện có thể rất tốn kém, nhiều khi là đến cả nghìn đôla nếu các bạn trẻ muốn tham gia. Bên cạnh đó, điều gây tranh cãi còn là độ hiệu quả trong nỗ lực của các chương trình này nhằm tạo sự khác biệt đối với những nơi chúng muốn nhắm đến.

Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng chúng có thể có tác động xấu.

Vì vậy câu hỏi khó tránh đang được nêu lên đó là liệu toàn bộ việc ‘chủ nghĩa tự nguyện’ này, khi mà những người giàu mang danh nghĩa đi làm việc từ thiện, có thực sự mang lại đóng góp gì hay không.

Khoảng cách thu nhập

Chương trình tình nguyện trong gap year trên thực tế chỉ dành cho những người khá giả và những người thích ‘đi du lịch ở những nơi nghèo’ hơn là giúp đỡ những cộng đồng kém điều kiện trong các làng quê nghèo ở châu Phi, Á, hay Mỹ Latin, theo ý kiến của Sara Goldrick-Rab, một giáo sư về chính sách cao học và xã hội học tại Đại học Temple ở Philadelphia.

Cái gọi là ‘du lịch ở những nơi nghèo khổ’ là một xu hướng đang ngày càng thịnh hành, khi mà các khách du lịch từ những nước giàu có đến thăm những cộng đồng nghèo khi đi du lịch ở những nước đang phát triển để hiểu được đời sống nghèo khổ ở những nơi này.

“Có một sự cách biệt về tầng lớp xã hội trong cái gọi là gap year,” Goldrick-Rab, tác giả của một nghiên cứu về gap year và những khoảng cách về kinh tế xã hội, nói. “Chỉ những người thực sự khá giả mới có thể đi ra nước ngoài để khám phá sự nghèo khổ. Thật là điên rồ.”

Bà cũng chỉ trích cách mà gap year được đánh bóng: “Điều tồi tệ hơn cả là gap year được quảng bá như là cách tuyệt vời để đầu tư thời gian giữa trung học và cao đẳng.”

Trên thực tế, nhiều học sinh nghèo không thể trả tiền đại học, và buộc phải nghỉ một năm để làm việc và tiết kiệm, bà nói.

Bên cạnh đó, chi phí cho các chương trình này cũng không hề thấp. Một cuộc phiêu lưu từ bốn đến năm tuần đến một nước châu Phi – vì nhiều mục đích, ở nhiều quốc gia khác nhau – có thể tốn từ 3.830 đôla đến hơn 6.000 nghìn, chưa bao gồm tiền vé máy bay.

Có nhiều lý do tốt để bào chữa cho chi phí đắt đỏ của một số chương trình gap year, Ethan Knight, giám đốc điều hành và là người sáng lập American Gap Association, Portland, Oregon, nói.

“Các tổ chức tình nguyện liên kết với các đối tác ở tận nơi và phải trả chi phí cho những người này ngay cả khi các sinh viên không có mặt ở đó,” ông nói.

“Bên cạnh đó còn có chương trình quản lý rủi ro tốt và bảo hiểm để sơ tán, tư vấn y tế và sức khoẻ tinh thần trong những trường hợp xấu nhất. Bên cạnh đó, những chương trình này còn thuê nhân viên hoặc giáo viên để đảm bảo sự an toàn và giáo dục cho các sinh viên.”

Tuy nhiên yếu tố mấu chốt để các chương trình tình nguyện có thể tạo sự khác biệt, là thời gian tham gia ở tận hiện trường.

“Thời gian các sinh viên ở địa phương càng lâu thì tác động tạo ra sẽ càng lớn, và ở càng ít thì sẽ càng dễ gây hại,” Knight nói. Trong khi ông hy vọng rằng các sinh viên có thể tương tác và học từ những cộng đồng này, “có nhiều khả năng dự án tình nguyện không nằm trong một hoạch định lớn hơn cho cộng đồng và có thể không dẫn đến hiệu quả đáng kể,” ông nói thêm.

Đó là chưa kể “nhiều khả năng các sinh viên Mỹ có thể gây rắc rối vì không hiểu rõ hơn về cộng đồng và phong tục bản xứ, không hiểu cộng đồng đó thực sự cần phát triển kỹ năng hơn là ai đó giúp họ sơn tường”.

Chi phí

Ellan Dickieson đang hoàn thành năm cuối khoa tâm lý học tại Đại học Prince Edward Island ở Charlottetown, Canada khi cô quyết định dành ra 8 tháng ở Botswana vào năm 2008. Cô đã hy vọng có thể thu thập một số trải nghiệm bổ ích từ những công việc xã hội cho khoá thạc sỹ sắp tới.

Thế nhưng thách thức thực sự là khoản chi phí 3.050 đôla Mỹ, Dickieson, 30 tuổi, người hiện đang làm việc tại Credit Counseling Canada, nói.

Dickieson đã có được khoản tiền nói trên nhờ sự giúp đỡ của các nhóm cộng đồng bản xứ và tổ chức một vài buổi ‘ăn tối từ thiện’.

Trải nghiệm tại Botswana đã giúp ích cho khoá thạc sỹ của cô và cho phép cô đóng vai trò lãnh đạo ở các tổ chức sau này.

Tình trạng của gap year thực sự đáng lo ngại ở Anh, Fabian Frenzel, giảng viên Đại học Leicester, nói. “Sẽ tốt hơn nếu chính phủ Anh tái khởi động các chương trình do nhà nước tài trợ để thay thế các chương trình được thương mại hoá khác, để nhiều người có thể tham gia hơn,” ông nói.

Từ thiện vì động cơ gì?

Vẫn có một số ý kiến hoài nghi về động cơ khiến các sinh viên trẻ muốn đi làm công tác xã hội ở các nước xa xôi với văn hoá, tập tục và thời tiết xa lạ với họ.

Vì sao không làm từ thiện ở gần nhà hơn?

Dickieson, người đã đi đi về về Botswana trong 4 năm, đã trải nghiệm điều này.

Trong khi làm việc ở một câu lạc bộ dành cho trẻ em bản địa, cô đã nhận được nhiều yêu cầu xin tham gia từ những người tình nguyện ở nước ngoài.

“Tôi cảm giác như tất cả mọi người trong bọn họ đều muốn có một tấm hình chụp với trẻ mồ côi châu Phi,” cô nói. “Tôi cảm giác như đó chỉ là một trong những nhu cầu họ muốn được đáp ứng và sẽ là vô đạo đức nếu để họ tham gia ở câu lạc bộ.”

Những cáo buộc tương tự cũng đã được đưa ra nhằm về phía bà Linton, người bị cho là đã tìm cách gầy dựng hình ảnh cho chính mình, thay vì giúp đỡ những người bà đã gặp trong thời gian làm tình nguyện ở Zambia.

Frenzel thừa nhận rằng những lý tưởng đạo đức và xã hội từ công việc tình nguyện không thể bị tách ra khỏi những động cơ ích kỷ.

“Mỗi khi việc làm tốt được quảng bá, nó không còn thực sự là vì động cơ đạo đức,” ông nói. “Triết lý đạo đức dạy cho chúng ta rằng cách duy nhất để làm điều thiện, đó là làm nó một cách thầm lặng.”

Tính hiệu quả của các chương trình

Các ý kiến hoài nghi cho rằng những chương trình ngắn hạn khó lòng làm thay đổi đời sống của những cộng đồng nghèo.

Điều tệ hơn là chương trình càng đắt thì càng ít có trách nhiệm với xã hội, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Leeds Metropolitan University ở Anh.

Một số tổ chức sẽ lợi dụng động cơ tốt của nhiều người để kiếm lời, theo Rachel Harrison, giám đốc tuyển dụng, bàn giao và liên lạc tại Raleigh International, London – quỹ từ thiện giúp cung cấp những dự án tình nguyện cho các sinh viên muốn có gap year.

“Điều quan trọng là những người trẻ cần thực hiện nghiên cứu và suy nghĩ kỹ về lý do vì sao họ muốn làm việc tình nguyện,” bà nói. “Họ cần làm việc với một tổ chức có những chương trình dài hạn, vốn là một phần của kế hoạch phát triển của khu vực và của quốc gia đó.”

Lời khuyên tốt?

Nhiều người du lịch ra nước ngoài trong gap year muốn chia sẻ trải nghiệm qua blog hay sách – với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người khác. Thế nhưng điều này có thể phản tác dụng, giống như điều mà Linton đã phải bắt gặp khi sách của bà bị chỉ trích trên mạng xã hội, kèm hashtag #LintonLies.

Emma Harrison nhấn mạnh độ nhạy cảm và sự trung thực là yếu tố mấu chốt trong vấn đề giao tiếp về những trải nghiệm ở các nền văn hoá khác nhau. Và đó là điều mà nhiều tình nguyện viên gap year không có được.

“Sẽ rất ngây thơ để nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu được một nền văn hoá trong thời gian ngắn,” Dickieson nói. “Bạn cần rất cẩn thận về đối tượng mà bạn muốn chia sẻ trải nghiệm cùng.”

Tuy nhiên, mối lo ngại sẽ xúc phạm ai đó không nên là điều ngăn cản chúng ta, Frenzel nói.

“Tất nhiên, có những cách viết tốt và xấu,” ông nói. “Thế nhưng viết lách là một hành động cho phép người khác tranh luận với chúng ta, để đặt suy nghĩ của chúng ta vào một khuôn khổ logic. Một cuộc tranh luận về công lý và bình đẳng trong xã hội, ở phương diện toàn cầu, là điều không thể không có.”

Để chương trình gap year của mình thực sự hiệu quả, các sinh viên nên chọn chương trình sau khi đã nghiên cứu kỹ.

“Một người tình nguyện đã nghiên cứu kỹ sẽ hiểu rằng tác động của chương trình cần phải nhiều hơn là chỉ xây một bức tường hay những dự án nhỏ khác,” Knight nói. Bà cho biết bà hy vọng rằng chúng sẽ “xây dựng một mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các cộng đồng bản địa về dài hạn”.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/07/160718_is-gap-year-volunteering-a-luxury-for-the-rich_vert_cap

 

Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Hàn Quốc

tỏ ra hoài nghi về phát biểu của ông Trump

Brian Padden

Một ngày trước Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có thế lực đã kêu gọi Hàn Quốc hãy có một mức độ hoài nghi đối với bất kỳ lời chỉ trích nào mà ông Donald Trump, ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của đảng này, đưa ra về cam kết của Mỹ đối với Châu Á.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Robert Menendez, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã viết một bài bình luận hôm thứ Hai tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với những đồng minh Châu Á của mình bất chấp những phát biểu trước đây do ông Donald Trump đưa ra, kêu gọi đánh giá lại toàn bộ những hiệp ước an ninh đã có từ lâu giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Bất kỳ luận điệu chính trị nào đưa ra quan điểm trái ngược, bất kỳ bàn luận nào về việc thoái lui khỏi cam kết của chúng tôi phải được cả hai bờ Thái Bình Dương cứu xét với một mức độ hoài nghi.” Ông McCain và ông Menendez viết như vậy trong một bài xã luận đăng trên Nhật báo Joongang của Hàn Quốc, trong cả ấn bản bằng tiếng Anh và tiếng Hàn.

Hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ không nêu đích danh ông Trump trong bài viết mà chỉ nhắc chung chung tới những ứng cử viên tổng thống từng “khẳng định rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ đang suy yếu, và gợi ý rằng chúng ta phải đàm phán những thỏa thuận tốt hơn với những nước đối tác và đồng minh của chúng ta.”

Sai lầm

Ông Trump trước đây đã chỉ trích cả hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc là “ăn bám” vì chi trả cho Washington quá ít trong khi Mỹ đóng góp 50.000 binh sĩ ở Nhật Bản và 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc để duy trì hòa bình và an ninh.

Và nếu Tokyo và Seoul khước từ đòi hỏi của ông về việc gia tăng những khoản bồi hoàn an ninh cho Washington, ông Trump nói rằng ông sẽ cứu xét việc rút quân khỏi khu vực và cho phép hai nước đồng minh ở Châu Á Thái Bình Dương thủ đắc vũ khí hạt nhân của riêng mình để răn đe.

Lập trường của Trump đã khơi ra những lời chỉ trích gay gắt từ nhiều người ở Châu Á. Họ nói rằng những thay đổi triệt để như vậy sẽ gây tổn hại rất lớn cho uy tín của Mỹ, có thể sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Châu Á và sẽ làm suy yếu những nỗ lực của quốc tế nhằm gây áp lực buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình.

Ông McCain và ông Menendez lên án lời chỉ trích như vậy, và nói rằng “không có gì có thể phi lý hơn hoặc phản ánh một sự hiểu lầm sâu xa hơn về giá trị của những liên minh ở Châu Á của chúng ta.”

THAAD

Hai thượng nghị sĩ ghi nhận sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Seoul và Washington sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư và vụ phóng phi đạn tầm xa của Bình Nhưỡng trước đây trong năm.

Gần đây, Hoa Kỳ và Hàn Quốc nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn gây tranh cãi có tên là Phòng thủ Khu vực Cao độ Giai đoạn Cuối (THAAD) của Mỹ, bất chấp sự chống đối của Trung Quốc.

Trung Quốc coi THAAD là một phần của việc Mỹ tăng cường quân lực ở Châu Á và lo ngại rằng hệ thống radar mạnh của hệ thống phòng thủ này có thể được sử dụng để xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc.

THAAD cũng đã khơi ra những cuộc biểu tình trong những cộng đồng địa phương gần những địa điểm triển khai được đề xuất vì có những lo ngại có thể có liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của công chúng.

Trong một cam kết lưỡng đảng, hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng này nói rằng dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 đi nữa thì Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tham gia ở Châu Á và liên minh của Mỹ với Hàn Quốc “sẽ không bao giờ suy suyển.”

Ông McCain ủng hộ ông Trump

Ông McCain đã công khai tuyên bố ủng hộ ông Trump làm tổng thống, nhưng là một trong những nhân vật có tiếng của Đảng Cộng hòa sẽ không tham dự đại hội đảng trong tuần này ở thành phố Cleveland. Thượng nghị sĩ bang Arizona này cũng đang tái tranh cử và đã nói rằng ông cần ở gần nhà để tiện vận động tranh cử trước cuộc bầu cử sơ bộ ở bang của ông diễn ra vào tháng 8.

Năm ngoái, ông Trump nói rằng ông ta không nghĩ là ông McCain là anh hùng trong chiến tranh Việt Nam, dù cựu phi công Hải quân này đã bị Bắc Việt bắn hạ và sau đó bị giam giữ và tra tấn trong sáu năm.

Năm ngoái ông Trump nói: “Ông ấy là anh hùng chiến tranh bởi vì ông ấy bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt.”

http://www.voatiengviet.com/a/thuong-nghi-si-my-keu-goi-han-quoc-to-ra-hoai-nghi-ve-phat-bieu-cua-ong-trump/3422708.html

 

Chiến dịch oanh kích ISIL do Mỹ lãnh đạo xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại

Chiến dịch oanh kích Nhà nước Hồi giáo của liên quân do Mỹ lãnh đạo xất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại sau khi bị gián đoạn do không phận bị đóng vì một âm mưu đảo chính ở nước này hôm thứ Sáu.

Các cuộc không kích chống Nhà nước Hồi giáo bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngưng tiếp theo sau một vụ đảo chính.

Người phát ngôn Peter Cook của Bộ Quốc phòng Mỹ ra một thông báo nói rằng giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lại không phận cho máy bay quân sự hôm Chủ nhật, và “chiến dịch oanh kích ISIL của liên quân tại tất cả các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại.”

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực, đã cho phép Mỹ sử dụng Căn cứ Không quân Incerlik ở thành phố Adana để mở các cuộc tấn công chống Nhà nước Hồi giáo.

Ông Cook nói các cơ sở tại căn cứ không quân vẫn hoạt động bằng nguồn điện nội bộ và hy vọng nguồn cấp điện thương mại sớm được mở lại.

Trong khi đó, giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã câu lưu tư lệnh của Căn cứ Không quân Incerlik, Đại tướng Bekir Ercan Van, cùng với 10 quân nhân khác và một sĩ quan cảnh sát vì vai trò của họ trong cuộc đảo chánh bất thành.

Hãng thông tấn tư nhân DHA ở nước này đăng tải hình ảnh Đại tướng Van bị còng tay và đẩy vào một chiếc xe ở bên ngoài một tòa án.VOATiếngViệt trên Opera

MDhttp://www.voatiengviet.com/a/chien-dich-oanh-kich-isil-do-my-lanh-dao-xuat-phat-tu-tho-nhi-ky-duoc-noi-lai/3422004.html

 

Bà Clinton hơn điểm ông Trump

trong các cuộc thăm dò trước đại hội đảng

Trong những ngày sắp tới đại hội toàn quốc của hai đảng chính của Mỹ để đề cử người tranh chức tổng thống, cả 3 cuộc thăm dò dư luận hôm Chủ nhật đều cho thấy bà Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ hơn điểm ông Donald Trump của Ðảng Cộng hòa.

Bà Clinton, cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ đang hy vọng trở thành tổng thống nữ đầu tiên của Mỹ, hơn điểm ông Donald Trump, tỉ phú bất động sản sẽ giành quyền đại diện cho Ðảng Cộng hòa tại đại hội toàn quốc của đảng này trong tuần này tại thành phố Cleveland, bang Ohio, từ 4 cho đến 7%.

Cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post cho kết quả bà Clinton dẫn trước với tỉ lệ 47% trên 43%;

Cuộc thăm dò của NBC News/The Wall Street Journal cho kết quả 46% trên 41%;

Còn cuộc thăm dò của CNN/ORC cho kết quả 49% trên 42%.

Cả hai ứng cử viên vẫn không được lòng cử tri. Cuộc thăm dò của ABC News và Washington Post cho thấy 58% cử tri nói họ không hài lòng với việc phải chọn giữa bà Clinton, phu nhân của cựu tổng thống Bill Clinton, và tỉ phú Trump. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy 64% không ủng hộ ông Trump, và 54% không ủng hộ bà Clinton.

Nhưng cuộc thăm dò này cho thấy bà Clinton dẫn xa ông Trump về việc liệu hai ứng cử viên này có đủ khả năng làm tổng thống hay không, với 59% nói bà Clinton có khả năng đó, so với chỉ có 37% nói ông Trump đủ tiêu chuẩn.

Ông Trump chuẩn bị đến dự đại hội toàn quốc của Ðảng Cộng hòa sau khi chọn Thống đốc Mike Pence của bang Indiana, một người chủ trương xã hội bảo thủ có khả năng thu hút mạnh các cử tri Cộng hòa truyền thống, làm ứng cử viên phó tổng thống. Bà Clinton cho biết bà sẽ chọn người làm phó cho bà vào thứ Sáu tới, tức 3 ngày trước đại hội bên Ðảng Dân chủ sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania vào ngày 25 tháng 7.

Chủ tịch Ðảng Cộng hòa Reince Priebus hôm Chủ nhật nói rằng ông tin là bài phát biểu của ông Trump nhận đề cử của đảng vào thứ Năm sẽ cho cử tri Mỹ cơ hội nhận thấy ông là một tổng tư lệnh đáng tin cậy của nước Mỹ.

Phu nhân Melania của ông Trump và 4 người con đã trưởng thành của ông theo dự liệu cũng sẽ phát biểu tại đại hội để thuyết phục rằng ông sẽ là chọn lựa tối ưu để làm lãnh đạo của nước Mỹ sau khi Tổng thống Barack Obama rời Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng năm tới sau hai nhiệm kỳ tổng thống.

Một số giới chức Ðảng Cộng hòa cũng sẽ phát biểu cho ông tại đại hội, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan.

Nhưng nhiều thủ lãnh Cộng hòa không mừng chiến thắng của ông Trump bằng cách tránh xa đại hội, trong số đó có hai cựu tổng thống – George H.W. Bush và George W. Bush, và hai cựu ứng cử viên tổng thống – Thượng nghị sĩ bang Arizona, ông John McCain và cựu thống đốc bang Massachusetts, ông Mitt Romney.

http://www.voatiengviet.com/a/ba-clinton-hon-diem-ong-trump-trong-cac-cuoc-tham-do-truoc-dai-hoi-dang/3422050.html

 

Đại hội Đảng Cộng hòa khai mạc, đề cử ứng viên tổng thống

Vào cuối tuần này, Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ chính thức đề cử ông Donald Trump là ứng viên tổng thống, khai mào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mà đỉnh điểm sẽ là cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11.

Đại hội Đảng Cộng hòa sẽ khai mạc hôm nay, 18/7, tại Cleveland, Ohio, và dự kiến sẽ đặt trọng tâm vào vấn đề an ninh quốc gia và chính sách nhập cư.

Các diễn giả tại đại hội này bao gồm ông Rick Perry, thống đốc tiểu bang vùng biên Texas; thân mẫu của một công dân Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công ở Benghazi, Libya; một số nhà hoạt động ủng hộ kế hoạch cải cách chính sách nhập cư; cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani và vợ ông Trump, bà Melania.

Ông Trump dự kiến sẽ chấp thuận đề cử của Đảng Cộng hòa vào ngày 21/7, sau khi vượt qua 16 ứng viên khác trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng.

Chủ tịch Đảng Cộng hòa, Reince Priebus hôm qua, 17/7, nói rằng ông tin là bài phát biểu chấp nhận trở thành ứng viên tổng thống của ông Trump sẽ tạo cơ hội cho các cử tri nhìn nhận ông là một lãnh đạo có thể tin cậy.

Trong khi một số nhà lãnh đạo như Chủ tịch Hạ viện Mỹ Raul Ryan, sẽ phát biểu tại đại hội, một số nhân vật khác như cha con cựu tổng thống Bush cũng như các cựu ứng viên tổng thống John McCain và Mitt Romney sẽ không tham dự sự kiện.

Về phe Dân chủ, bà Hillary Clinton sẽ chấp nhận đề cử tại đại hội của đảng này vào tuần tới ở Philadelphia, Pennsylvania.

http://www.voatiengviet.com/a/dai-hoi-dang-cong-hoa-khai-mac-de-cu-ung-vien-tong-thong/3422830.html

 

Cảnh sát quá tải,

Pháp huy động lực lượng dự bị chống khủng bố

Thụy My

Sau một loạt các vụ tấn công đẫm máu, từ tòa soạn Charlie Hebdo cho đến nhà hát Bataclan, và cuối cùng là vụ khủng bố ở Nice vào đêm 14/07/2016 đúng ngày Quốc khánh, chính quyền Pháp đã kêu gọi các công dân gia nhập lực lượng dự bị tác chiến để tăng cường giữ gìn an ninh.

Vào khoảng bốn giờ sáng ngày 15/7, nghĩa là chỉ vài tiếng đồng hồ sau vụ thảm sát trên đại lộ La Promenade des Anglais, tổng thống Pháp François Hollande lên truyền hình tuyên bố :« Tôi đã quyết định huy động lực lượng dự bị tác chiến. Có nghĩa là tất cả những ai đã từng phục vụ dưới cờ, để giảm tải cho cảnh sát và hiến binh. Quân dự bị có thể triển khai tại tất cả những nơi cần đến, nhất là để kiểm soát biên giới ».

Năm 2015, quân dự bị tác chiến gồm 54.374 người có cam kết phục vụ, gồm 28.100 người trong quân đội, Tổng cục Vũ khí, và 26.274 người trong hiến binh. Một lực lượng thứ hai đặt dưới chế độ bắt buộc, năm ngoái gồm 127.022 cựu quân nhân.

Lần này khoảng 26.000 quân dự bị sẽ được huy động, hoạt động song song với lực lượng Sentinelle để giám sát những địa điểm nhạy cảm. Số quân nhân tham gia chiến dịch Sentinelle dự định rút xuống còn 7.000 người, nay được duy trì ở mức tối đa là 10.000 người.

Những ai có thể tham gia lực lượng dự bị ? Sau đây là các điều kiện.

Cảnh sát

Lực lượng dự bị của cảnh sát gồm 3.000 người tình nguyện. Cho đến năm 2011, lực lượng này chủ yếu gồm những cảnh sát viên về hưu, nhưng nay bắt đầu tiếp nhận các công dân từ 18 đến 65 tuổi. Việc mở cửa cho dân sự ban đầu nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa cảnh sát và dân chúng, nhưng hầu hết vẫn là các cựu cảnh sát.

Tùy theo khả năng tham gia của quân dự bị, những đợt công tác có trả thù lao, hoặc chỉ hỗ trợ, hoặc làm những nhiệm vụ đặc biệt, sẽ được đề nghị trong khoảng thời gian tối đa 30 ngày một năm.

Để gia nhập lực lượng dự bị của cảnh sát quốc gia, cần phải « phù hợp với quy định về nghĩa vụ công dân (tham gia Ngày quốc phòng đối với những ai sinh sau ngày 31/12/1979), không can án dẫn đến việc mất quyền công dân hay bị cấm làm việc trong cơ quan nhà nước, hay bị lãnh án hình sự ghi trong tư pháp lý lịch mẫu số 2, và cuối cùng phải có hành vi phù hợp ».

Các ứng viên phải theo một khóa huấn luyện sơ khởi mười ngày trong một trường của cảnh sát quốc gia, để có được căn bản luật pháp và kỹ thuật. Những người được tuyển mộ vì chuyên môn của mình thì chỉ cần được huấn luyện một ngày.

Tiền bồi dưỡng được tính toán theo năng lực.

Lực lượng dự bị của cảnh sát quốc gia không được vũ trang, nhưng có thể được trang bị một áo giáp chống đạn nếu hoạt động trên đường phố. Những người khác mặc trang phục dân sự.

Hiến binh

Hiến binh Pháp hiện nay có 25.000 quân thuộc lực lượng dự bị tác chiến được gọi là « cấp 1 », trong đó có 70% dân sự. Chính phủ mong muốn huy động thêm 9.000 quân dự bị nữa để hỗ trợ, làm giảm áp lực cho lực lượng hiến binh đang hoạt động.

Để tham gia lực lượng dự bị của hiến binh, phải trong độ tuổi từ 17 đến 30, đã làm nghĩa vụ công dân và có năng lực cả về thể chất lẫn đạo đức. Ứng viên sẽ được huấn luyện về quân sự cơ bản trong 15 ngày, hoặc huấn luyện quân sự ở mức cao hơn, kéo dài trên 30 ngày, sau đó được phân bổ về một đơn vị hiến binh.

Những công tác chuẩn bị này nhằm làm quen với những khó khăn trong các đợt can thiệp, cơ sở luật pháp của chiến dịch, và những điều căn bản trong cấp cứu cũng như chuẩn mực đạo đức. Sau đợt huấn luyện, họ sẽ được cấp giấy phép sử dụng súng để có thể vũ trang. Quân dự bị cũng phải tuyên thệ và được hưởng chế độ tương đương trợ lý cảnh sát tư pháp.

Lực lượng dự bị có thể tham gia các hoạt động hỗ trợ các đơn vị hiến binh, đặc biệt trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chống khủng bố ở địa phương. Họ được trả lương theo cấp bậc, và có thể phục vụ tối đa 90 ngày một năm. Trung bình quân dự bị của hiến binh có thu nhập 89 euro một ngày, đã trừ các khoản đóng góp theo quy định.

Theo bộ Quốc phòng Pháp, ngân sách dành cho quân dự bị từ 71 triệu euro năm 2012 đã tăng lên gần 100 triệu euro trong năm 2016. Theo dự kiến, từ 2014 đến 2018, mỗi năm sẽ tăng 77% ngân sách cho lực lượng này.

http://vi.rfi.fr/phap/20160718-canh-sat-qua-tai-phap-huy-dong-luc-luong-du-bi-chong-khung-bo

 

Toàn nước Pháp mặc niệm

các nạn nhân vụ khủng bố ở Nice

Anh Vũ

Đúng 12 giờ ( giờ Pháp) hôm nay, 18/07/2016, cả nước Pháp đã dành một phút im lặng mặc niệm 84 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng xe tải tại Nice trong đêm Quốc khánh 14/7.

Tại Nice, một biển người thực sự đã tập trung trên con đường ven biển, nơi kẻ khủng bố Mohamed Lahouaiej – Bouhlel đã dùng xe tải cướp đi mạng sống của 84 con người vô tội đêm 14/7. Đúng 12 giờ trưa, tiếng chuông nguyện hồn những nạn nhân xấu số vang lên từ nhà thờ thành phố Nice, hàng nghìn người chìm trong im lặng. Sau phút mặc niệm là những tiếng vỗ tay vang dội của công chúng.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls, cùng một số thành viên chính phủ đến Nice dự buổi lễ mặc niệm, tuy nhiên theo ghi nhận của AFP tại hiện trường, ông đã bị khá đông dân chúng la ó cùng với những tiếng hô đòi ông từ chức. Tổng thống François Hollande chọn trụ sở bộ Nội Vụ tại Paris để mặc niệm các nạn nhân.

Trên khắp nước Pháp, các cơ quan, công sở và phương tiện giao thông vào thời điểm mặc niệm cũng ngừng hoạt động dành một phút im lặng hướng về các nạn nhân của vụ khủng bố tại Nice.

Vụ khủng bố bằng xe tải do thủ phạm người Tunisia Mohamed Lahouaiej-Bouhlel tiến hành với cách thức hoàn toàn bất ngờ đã làm 84 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Khác với các vụ tấn công dã man mà nước Pháp phải hứng chịu trong hơn một năm qua, lần này nước Pháp không có được không khí đoàn kết trong giới chính trị. Phe đối lập cánh hữu và cực hữu đã liên tục chỉ trích chính phủ hoạt động kém hiệu quả, bất lực trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bốn ngày sau vụ tấn công, cuộc điều tra vẫn tiếp tục nhằm tìm ta được đường dây liên hệ giữa thủ phạm của vụ tàn sát và “ mạng lưới khủng bố ” nhưng vẫn chưa có được kết quả rõ rệt.

Theo các nguồn tin từ điều tra Pháp, trước khi hành động 2 ngày, thủ phạm Lahouaiej-Bouhlel đã chạy chiếc xe tải thị sát hiện trường chuẩn bị gây án. Điều này cho thấy, hung thủ đã hành động có chủ định tính toán từ trước.

http://vi.rfi.fr/phap/20160718-nuoc-phap-mac-niem-cac-nan-nhan-cua-vu-khung-bo-nice-trong-bau-khong-khi-chinh-tri-chi

 

Bắc Kinh xóa thông tin biểu tình

phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài

Anh VũĐăng ngày 18-07-2016 Sửa đổi ngày 18-07-2016 16:40

Chính quyền Bắc Kinh, một mặt công khai bác bỏ các phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về vụ kiện của Philippines liên quan đến các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, mặt khác đang rất thận trọng tránh không để làm dấy lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng lên ở trong nước.

Trang mạng Financial times hôm nay, 18/07/2016 cho biết Bắc Kinh đã cho xóa thông tin trên mạng về một cuộc biểu tình phản đối phán quyết của Tòa Trọng Tài phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hôm qua, 17/07/2016, tại huyện Lạc Đình ở tỉnh Hà Bắc, một cuộc biểu tình của vài chục người đã diễn ra trước quán ăn KFC. Người biểu tình mang cờ Trung Quốc và những khẩu hiệu như “ Đả đảo Mỹ, Nhật Hàn Quốc và Philippines! Hãy yêu dân tộc Trung Hoa ”. Những hình ảnh của cuộc biểu tình nhỏ này sau đó được đăng tải trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc. Ngay lập tức cơ quan kiểm duyệt thông tin mạng Trung Quốc đã cho xóa các thông tin trên.

Tuần qua, theo Financial Times, chính quyền Trung Quốc đã cho triển khai một số lượng cảnh sát đông bất thường xung quanh sứ quán Philippines tại Bắc Kinh để ngăn chặn các cuộc biểu tình có thể diễn ra.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã hôm nay bình luận rằng: “ Cái gọi là trọng tài về biển Hoa Nam( tức Biển Đông) chỉ là bước khởi động để Mỹ khuấy động tình hình ở Biển Đông nhằm củng cố ý đồ bá quyền của họ ”.

Financial Times nhắc lại, không chỉ Trung Quốc muốn kiềm chế tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân sau phán quyết của Tòa La Haye vừa rồi mà tại Việt Nam, nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đồng với Trung Quốc, chính quyền hôm qua cũng đã giải tán một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.

Về phần mình, chính quyền Phillippines cố giữ bình tĩnh tránh tỏ ra hân hoan với thắng lợi vừa rồi, có thể gây bất lợi cho các quan hệ khác với Trung Quốc sau này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-bac-kinh-xoa-thong-tin-bieu-tinh-phan-doi-phan-quyet-cua-toa-trong-tai