Tin Biển Đông – 18/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 18/07/2016

Biển Đông tại Asem: Truyền thông nói gì?

Tân Hoa Xã đưa tin Việt Nam “ủng hộ lập trường Trung Quốc” trong khi truyền thông Nhật nói Bắc Kinh và Tokyo bất đồng lớn về chủ đề Biển Đông.

Bản tin của cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc mô tả điều họ gọi là nỗ lực của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường quảng bá lập trường của Bắc Kinh về chủ đề Nam Hải (Biển Đông) tại Hội nghị Cấp cao Á – Âu (Asem) lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ, đã nhận sự “ủng hộ rộng lớn”.

“Phát biểu trong một cuộc họp không chính thức tại hội nghị thượng đỉnh, ông Lý nói rằng chủ đề Nam Hải không nên phụ thuộc vào các cuộc thảo luận đa phương ngay từ đầu, hoặc được đưa vào nghị trình hội nghị.

“Nhưng vì một số nước đã bình luận về chủ đề này nên Trung Quốc thấy cần thiết phải làm rõ lập trường của mình và nói ra sự thật,” Tân Hoa Xã dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc.

Bài viết khẳng định lập trường của Thủ tướng Lý rằng Trung Quốc không bao giờ tham gia vào phiên tòa do Philippines đâm đơn và nước ông không chấp nhận và cũng không thừa nhận cái gọi là phán quyết.

Tân Hoa Xã mô tả những tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc đã được đón nhận tích cực và giành sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo “nặng ký” tại châu Á và châu Âu.

Điểm đáng chú ý là bài của Tân Hoa Xã đề cập tới một cuộc họp giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc.

“Trong cuộc họp với ông Lý, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng nước ông tôn trọng lập trường của Trung Quốc về phiên tòa, và nói thêm rằng các tranh chấp nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán,” Tân Hoa Xã viết.

Trong khi đó truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông trong cuộc họp ngày 14/07.

“Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông,” Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin.

Việc có “độ vênh” trong cách đưa tin của cơ quan thông tấn chính thức của hai nhà nước gây bàn luận trên mạng.

Trung Nhật và Biển Đông

Trong khi đó báo Yomiuri của Nhật đưa tin cuộc họp song phương Trung Nhật vào hôm 15/07 cho thấy Bắc Kinh và Tokyo “chia rẽ chưa từng có” về chủ đề Biển Đông.

Bài báo mô tả Thủ tướng Trung Quốc muốn đóng vai trò “chủ nhà” nhận lời đề nghị tiếp “khách” với việc đến phiên họp với thủ tướng Nhật muộn (để Thủ tướng Abe đứng chờ ngoài phòng họp) và đi vào phòng rồi sau đó mới mời ông Abe vào.

Báo này nhận định việc Thủ tướng Trung Quốc đồng ý gặp người tương nhiệm phía Nhật dường như là để cảnh báo Nhật trong vai trò vận động cho nỗ lực quốc tế nhằm kìm hãm Trung Quốc.

Tuy nhiên việc Trung Quốc chấp nhận có cuộc gặp này, theo Yomiuri, dường như cho thấy Trung Quốc cân nhắc rằng nếu không gặp Thủ tướng Nhật là điều không hay trong bối cảnh Trung Quốc muốn tuyên truyền về tương lai Biển Đông với cộng đồng quốc tế.

Hơn nữa Bắc Kinh cũng không muốn bị cô lập trước cộng đồng quốc tế sau phán quyến của tòa PCA về vụ Philippines kiện, báo này bình luận.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được dẫn lời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ bất bình lớn về phản ứng của chính phủ Nhật.

Trong bài diễn văn tại Asem trước cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Abe phát biểu rằng “nên nhất quán với nguyên tắc rằng không thể cho phép thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”.

Được biết ông Abe cũng đã họp với Thủ tướng Việt Nam và Ngoại trưởng Philippines và hai nước này xác nhận việc “hợp tác chặt chẽ”.

Báo Yomiuri nhận định gần như không có khả năng Trung Quốc thỏa hiệp về chủ đề Biển Đông.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160718_scs_asem_press_review

 

Đường Lưỡi Bò từ đâu mà ra?

Chín Đoạn hình thành ra sao từ thời Tưởng Giới Thạch và cho biết cả chính sách liên quan từng bị Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan xóa bỏ.

Thế nhưng, trong bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông lên cao, Đường Chín Đoạn mà người Việt Nam hay gọi là Đường Lưỡi Bò, lại được Trung Quốc ‘tiếp quản’, và đề cao.

Trả lời trang The Diplomat hôm 06/07/2016, trước ngày phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tháng này, ông Tiết Lực (Xue Li) từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích ngọn nguồn vụ việc:

“Ý tưởng rằng Đường Chín Đoạn phân định ra vùng nước lịch sử là do Đài Loan đề ra, và sau được đưa vào trong ‘Nam Hải Chính sách Cương lĩnh – Nanhai Zhengce Gangling’ năm 1993.

“Vùng nước lịch sử giống vùng nội thủy nhưng có ý nghĩa pháp lý thấp hơn.”

“Tổng thống Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này vào năm 2003 khi ông lên cầm quyền, nhưng Đài Loan chưa bao giờ ra tuyên bố về vùng nước nằm trong Đường Chín Đoạn, nên các vùng nước này vẫn có thể bị cho như là vùng nước lịch sử.”

Mơ hồ vì vẽ bản đồ kém?

Ông Tiết Lực nêu quan điểm rằng Đường Chín Đoạn chỉ nên được coi là đường phân định chủ quyền của các hòn đảo vì cách hình thành với các lý do kỹ thuật khiến chúng thiếu chính xác:

“Khi đường này được chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Quốc Dân Đảng vẽ ra năm 1947, Trung Quốc không có khả năng đo lường các hòn đảo để xác định mọi địa hình tạo đường phân định cho khu vực hành chính xung quanh.”

“Vì thế, họ vẽ ra đường chạy qua điểm giữa các hòn đảo và vùng đất lân bang để chỉ ra rằng các đảo nằm bên trong đường vẽ ra là lãnh thổ Trung Hoa.”

“Đường này nói chung chạy qua điểm trung tuyến giữa các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung quanh. Không hề có các vị trí địa lý cụ thể được nêu ra, và những bản đồ mỗi thời in một kiểu lại có chút ít khác biệt về điểm chính xác của đường chín đoạn này.”

Theo ông Tiết Lực, Trung Hoa lục địa sau này đưa Đường Chín Đoạn và Luật lãnh hải năm 1992 và ra công bố ngoại giao khẳng định “chủ quyền không tranh cãi” về các đảo ở biển Nam Trung Hoa và mọi vùng nước xung quanh.

Nhưng theo ông, “đường chín đoạn nên được coi như là ranh giới chủ quyền của các hòn đảo” mà thôi.

Bản tiếng Trung bài phỏng vấn với ông Tiết Lực được đăng trên trang21ccom.net.

Ông Tiết Lực, hiện giữ chức chủ nhiệm Ban nghiên cứu chiến lược quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, không phải là người đầu tiên và duy nhất trong giới chuyên gia tiếng Trung lên tiếng về tính thiếu chính xác của Đường Chín Đoạn.

Một học giả khác, giáo sư Uông Tranh từ Đại học Seton Hall, Hoa Kỳ, cũng có bài gần đây nói về tính mơ hồ của Đường Chín Đoạn.

Cũng viết trên trang The Diplomat, ông nói ông chưa tìm thấy bất cứ sách nào xuất bản ở Trung Quốc “phân tích cụ thể, đầy đủ và khách quan về cả sự kiện và lịch sử Biển Nam Trung Hoa cũng như quá trình hình thành bản đồ Đường Chín Đoạn và ý nghĩa của nó”.

Hôm 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague, Hà Lan đã ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung Quốc về Đường Chín Đoạn.

Tòa nói không có bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc có thể kiểm soát đặc quyền các vùng biển và nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Trung Quốc nói sẽ không công nhận phán quyết của Tòa và tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160718_china_taiwan_nine_dash_line

 

Trung Quốc lại tập trận ở Biển Đông

Trung Quốc loan báo chuẩn bị tập trận ở Biển Đông trong tuần này, vài ngày sau khi tòa trọng tài quốc tế bác bỏ đường yêu sách chín đoạn của Bắc Kinh.

Cục Hàng hải Hải Nam nói khu vực phía đông nam đảo này sẽ bị khoanh vùng cấm lưu thông để tập trận nhưng không cho biết thêm chi tiết. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không cung cấp thêm thông tin.

Thông báo này được đưa ra ngay trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày của Đô đốc John Richardson, Tư lệnh các hoạt động hải quân Mỹ. Ông Richardson đã có cuộc gặp với Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi để thảo luận về tình hình Biển Đông và thúc đẩy quan hệ giữa hải quân hai bên.

Đô đốc Richardson, ngoài tới Bắc Kinh và cảng Thanh Đảo, còn thăm học viện tàu ngầm và hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc.

Không thừa nhận

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn khẳng định không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đối với vụ Philippines kiện nước này về Biển Đông.

Bắc Kinh tái khẳng định rằng Nam Hải (Biển Đông) là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và dọa sẽ thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại đây nếu cảm thấy bị đe dọa.

Bắc Kinh cũng cho đáp hai máy bay dân sự lên các đường băng mới xây trên Đá Vành Khăn và Đá Subi, đồng thời điều quân ra chặn tàu cá của Philippines ở gần Bãi cạn Scarborough.

Dennis Blair, cựu chỉ huy lực lượng của Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương, nói tại một cuộc điều trần ở Hạ viện tuần trước rằng Hoa Kỳ cần sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc tại Scarborough, “không phải để gây chiến mà là để vạch giới hạn của sự bắt buộc”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160718_scs_china_drill

 

Trung Quốc lại thông báo cấm tàu bè ở biển Đông

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm nay, 18/7, thông báo cấm tàu bè qua lại một khu vực ở phía đông ngoài khơi đảo Hải Nam từ ngày 19 tới 21/7 trong khi các cuộc tập trận diễn ra tại đó.

Trung Quốc cho biết rằng đây là các cuộc thao dượt thường lệ trên biển Đông.

Trong khi đó, không quân Trung Quốc viết trên trang vi blog của mình rằng lực lượng này mới đây đã thực hiện “các cuộc tuần tra tác chiến thường lệ” ở biển Đông với sự tham gia của máy bay ném bom, máy bay trinh sát và máy bay tiếp nhiên liệu.

Hoạt động này còn diễn ra trên khu vực bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh và Philippines đang tranh chấp.

Trong phán quyết công bố đầu tuần trước, Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố “đường đứt khúc 9 đoạn” bao trọn gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc.

Hôm 4/7, Cục trên cũng ra thông báo tiến hành tập trận trong vòng một tuần ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa hiện có tranh chấp với Việt Nam.

Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 5 tới 11/7, và trong khoảng thời gian này, tàu bè sẽ bị cấm vào vùng lãnh hải diễn ra cuộc thao dượt.

Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.

Theo Reuters, VOA, MOFA

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-lai-thong-bao-cam-tau-be-o-bien-dong/3422789.html

 

Đô đốc Trung Quốc cảnh báo ‘thảm họa’ ở biển Đông

Một vị đô đốc trong Quân ủy Trung ương đầy quyền lực ở Trung Quốc cảnh báo rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải do hải quân nước ngoài thực hiện ở biển Đông có thể kết thúc ‘trong thảm họa’.

Phát biểu tại một diễn đàn kín ở Bắc Kinh tối 16/7, đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cho rằng tự do hàng hải là vấn đề giả tạo mà một số quốc gia liên tiếp thổi phồng lên.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Tôn nói: “Từ khi nào tự do hàng hải ở biển Đông bị ảnh hưởng? Chưa khi nào, kể cả bây giờ lẫn trong quá khứ. Trong tương lai, sẽ không có vấn đề gì, chừng nào không ai dùng thủ đoạn”.

Vị đô đốc nói thêm rằng Trung Quốc là quốc gia “hưởng lợi nhiều nhất từ tự do hàng hải ở biển Đông, và sẽ không để cho ai làm tổn hại điều đó”.

Ông Tôn nói: “Nhưng Trung Quốc luôn phản đối cái gọi là tự do hàng hải quân sự mà kèm theo đó là mối đe dọa quân sự, sự thách thức và không tôn trọng luật biển quốc tế”.

Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nói thêm rằng “kiểu hoạt động tự do hàng hải quân sự này đang làm tổn hại tới tự do hàng hải ở biển Đông, và có thể kết cục trong thảm họa”.

Ông Tôn nói thêm rằng trước phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc cần phải cải thiện khả năng để khi nào bị dồn ép, quân đội có thể đóng một vai trò quyết định trong giây phút cuối nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia”.

Phát biểu của ông Tôn được đưa ra ít ngày sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Bắc Kinh lâu nay vẫn tuyên bố không công nhận quyết định của Tòa ở La Haye.

Hoa Kỳ thời gian qua đã tiến hành nhiều hoạt động tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở biển Đông, khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản ứng.

Cho dù ông Tôn lên tiếng cảnh báo như trên, Bắc Kinh và Washington vẫn duy trì các kênh liên lạc.

Hôm thứ Hai, 18/7, ông John Richardson, đô đốc đảm trách chiến dịch hoạt động của hải quân Mỹ, đã gặp ông Ngô Thắng Lợi, người đứng đầu lực lượng hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Năm ngoái, khi được hỏi về các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói rằng “là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông và thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển”.

Theo Reuters, MOFA

http://www.voatiengviet.com/a/do-doc-trung-quoc-canh-bao-tham-hoa-o-bien-dong/3422774.html

 

Tại sao Việt Nam không kiện Trung Quốc?

Trương Nhân TuấnGửi cho BBC từ Pháp

Câu hỏi “Kiện hay đàm phán?” đã được đặt ra sau khi Tòa Trọng tài PCA ra phán quyết ngày 12/7 về vụ Philippines đơn phương kiện Trung Quốc về cách diễn giải và áp dụng bộ Luật Biển 1982.

Kết quả phán quyết ra sao mọi người đều biết: Philippines đã thắng lớn trong vụ kiện.

Đường chữ U chín đoạn, yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” (và trong chừng mực “danh nghĩa lịch sử”) ở khu vực Biển Đông đã bị Tòa bác bỏ. Đơn giản vì các yêu sách về lịch sử này đã không được Trung Quốc chứng minh.

Dầu vậy, theo Tòa, ngay cả khi các yêu sách (lịch sử) này được chứng minh, chúng cũng không còn ý nghĩa, vì nó đi ngược lại tinh thần Công ước về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Tòa cũng cho rằng các đảo thuộc Trường Sa không có cái nào được xem là “đảo” để có thể yêu sách vùng “kinh tế độc quyền” 200 hải lý. Phán quyết 12/7/2016 vì vậy hạn chế yêu sách của Trung Quốc thể hiện qua tấm bản đồ đường 9 đoạn gởi lên LHQ năm 2009.

Trên lý thuyết, yêu sách đường chữ U chín đoạn của Trung Quốc không còn lý do hiện hữu ở vùng biển Trường Sa nữa. Việt Nam vì vậy cũng thắng lớn.

Nguyên nhân thất bại của Trung Quốc, dĩ nhiên đến từ các yêu sách vừa phí lý, vừa quá lố của nước này. Nhưng chính yếu là do Trung Quốc đã không tham gia vụ kiện.

Các động thái của Trung Quốc, ngay vừa khi Tòa bắt đầu nhận đơn của Philippines, như cho bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo tại các bãi cạn, đá… mà họ chiếm được của Việt Nam năm 1988… đối với Tòa là một sự khiêu khích trắng trợn, coi thường luật pháp quốc tế.

Phán quyết ngày 12/7 của Tòa là một cái tát vào mặt Trung Quốc (và là một bài học cho Việt Nam). Đáng lẽ phán quyết đã không đến nỗi nặng nề như vậy. Nguyên lý là kẻ vắng mặt lúc nào cũng bị thiệt thòi.

Việt Nam kiện, hay đàm phán, về cái gì với Trung Quốc?

Phán quyết của Tòa PCA ngày 12/7 đã không chỉ giải quyết những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trường Sa mà còn mở cho Việt Nam nhiều cơ hội pháp lý (và ngoại giao) để giải quyết Hoàng Sa, vấn đề đã bị “đông lạnh” ít ra từ năm 1975 đến nay.

Cho rằng Việt Nam thắng lớn không phải là quá lố.

Vấn đề Trường Sa coi như “không đánh mà thắng”, không mua mà được. Việt Nam còn có thể khai thác “chiến thắng” này cho khu vực Hoàng Sa, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bao gồm: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khác biệt lập trường phân định biển (đến từ các việc đối kháng về cách diễn giải về Luật Biển như vùng nước quần đảo, tình trạng pháp lý các thực thể ở Hoàng Sa…)

Kiện, vấn đề thuộc “pháp lý”, đàm phán thuộc ngoại giao. Vấn đề là Việt Nam có thể kiện, hay đàm phán, với Trung Quốc về cái gì tại Hoàng Sa?

Tranh chấp về chủ quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kéo dài hơn thế kỷ.

Từ thập niên 30-40 của thế kỷ trước, nhà nước bảo hộ Pháp, đã hai lần thách thức Trung Quốc giải quyết tranh chấp Hoàng Sa trước một trọng tài quốc tế. Cả hai lần Trung Quốc đều khước từ.

Trung Quốc cũng không hề “đàm phán” với nhà nước bảo hộ Pháp về Hoàng Sa. Họ chờ dịp thuận tiện thì ra tay. Tháng Giêng 1974 mở ra cho Trung Quốc cơ hội ngàn năm: Việt Nam Cộng hòa đang bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa uy hiếp về quân sự trong khi “đồng minh” Mỹ đã rút lui theo Hiệp định Paris 1973.

Trung Quốc đưa quân chiếm trọn Hoàng Sa, qua một cuộc chiến bất cân xứng về lực lượng giữa hải quân Trung Quốc và hải quân VNCH.

Sau 1975, VNDCCH thắng trận và “thống nhất đất nước”, không thấy hai bên Việt Nam và Trung Quốc đả động gì đến Hoàng Sa.

Chưa bao giờ Trung Quốc muốn ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa cả. Nhưng từ phán quyết ngày 12/7 của Tòa, Việt Nam có thể “ép” Trung Quốc ngồi vào bàn “đàm phán” với mình về tranh chấp Hoàng Sa.

Chỉ đến tháng Hai 1979, chiến tranh biên giới bùng nổ, Việt Nam ra tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như giải thích lại nội dung các tuyên bố đơn phương trước đây của Việt Nam liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa như Công hàm 1958).

Không có đàm phán

Hòa bình được thiết lập, bang giao hai bên Việt-Trung được hàn gắn, từ đầu những năm 90, qua hệ quả của Hội nghị Thành Đô.

Từ đó đến nay không hề nghe có “đàm phán” nào giữa hai nước về Hoàng Sa. Việc phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tiếp nối theo việc phân định Vịnh Bắc Bộ (hiệp ước ngày 25-12-2000), vẫn trong tình trạng bế tắc mặc dầu công trình phân định Vịnh Bắc Bộ đã kết thúc từ lâu. Nguyên nhân dĩ nhiên đến từ tranh chấp chủ quyền cũng như hiệu lực các đảo Hoàng Sa.

Cho đến khi Trung Quốc kéo giàn khoan HY 981 đặt trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 100 hải lý, cách đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) khoảng 20 hải lý, mâu thuẫn giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc mới được biểu lộ ra trước công chúng.

Đối với Việt Nam, hành vi Trung Quốc đặt giàn khoan HY 981 nhằm thám hiểm, thăm dò thềm lục địa là xâm phạm đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, được thiết lập theo Luật Biển 1982. Lập luận của Trung Quốc là giàn khoan HY 981 hoạt động trong khu vực biển và thềm lục địa của quần đảo Hoàng Sa.

Khủng hoảng đem đến do giàn khoan HY 981 hiển nhiên bắt nguồn từ việc đối kháng cách diễn giải bộ Luật Biển 1982 về “hiệu lực các đảo” thuộc quần đảo Hoàng Sa theo điều 121. Ngoài ra còn có quan điểm của Trung Quốc về lãnh hải, thể hiện qua hệ thống đường cơ bản của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã công bố từ năm 1996.

Khủng hoảng do giàn khoan HY 981 đem lại ít nhiều hệ quả trong xã hội Việt Nam. Dầu vậy vẫn không có “đàm phán” nào giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa.

Tin tức từ trong nước cho biết, từ lâu, Trung Quốc không nhìn nhận “có tranh chấp với Việt Nam về Hoàng Sa”. Đối với Trung Quốc, Hoàng Sa là chuyện đã rồi, đã thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ một “đàm phán” nào với Việt Nam về vấn đề này.

Sau vụ giàn khoan HY 981, ta có thể khẳng định rằng tin tức nói trên là đúng. Không hề có “đàm phán” nào giữa Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa. Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan cho ta biết yêu sách về biển của Trung Quốc.

Chưa bao giờ Trung Quốc muốn ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa cả.

Nhưng từ phán quyết ngày 12/7 của Tòa, Việt Nam có thể “ép” Trung Quốc ngồi vào bàn “đàm phán” với mình về tranh chấp Hoàng Sa.

Việt Nam có thể vịn vào 3 khoản : 1/ các đảo Hoàng Sa, tương tự như Trường Sa, không có cái nào phù hợp cho đời sống một cộng đồng dân chúng cũng như có thể có một nền kinh tế tự tại. 2/ không hiện hữu vùng nước quần đảo và 3/ ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Từ những luận điểm này Việt Nam có thể “đàm phán song phương” với Trung Quốc để thực hiện các điều: 1/ phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và xác định đường phân định giữa bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam. 2/ Trong vùng lãnh hải 12 hải lý các đá thuộc Hoàng Sa là ngư trường lịch sử của Việt Nam.

Đàm phán “song phương”, bởi vì các việc phân định biển và việc xác định ngư trường truyền thống các đá ở Hoàng Sa là chuyện “riêng” giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chỉ khi nào Trung Quốc một mực từ chối “đàm phán”, lúc đó ta mới có thể nghĩ đến việc đi kiện.

Bởi vì, việc “đi kiện” (trước Tòa án về Luật Biển) chỉ được một bên áp dụng khi mà mọi phương án “ngoại giao” (tức đàm phán) đều cạn kiệt. Luật Biển 1982 xác định rõ việc này ở các điều 281 và 282.

Việt Nam bị ràng buộc bởi các tuyên bố chung, theo đó hai bên giải quyết các tranh chấp thông qua thủ tục “đàm phán” và (việc đàm phán) dựa trên căn bản:” tuân thủ những nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước… nghiêm túc thực hiện những Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”.

Do đó, ngay khi cả việc “đàm phán” đã kiệt, vì Trung Quốc không chấp nhận đàm phán, như vụ giàn khoan 981, việc đi kiện đối với Việt Nam vẫn không dễ.

Kiện gì? Ở đâu?

Chúng ta đâu ai biết được “những nhận thức của lãnh đạo” về Hoàng Sa và Trường Sa là gì? Lãnh đạo này là ai? (Nếu là ông Hồ Chí Minh hay ông Phạm Văn Đồng, thì Việt Nam xem như mất Hoàng Sa và Trường Sa). Những “thỏa thuận” giữa hai bên về “nguyên tắc cơ bản” gồm những nguyên tắc nào?

Vì vậy, theo tôi, nếu ta không làm sáng tỏ những chi tiết ghi trên thì việc “lo liệu hồ sơ” đi kiện cũng hoài công.

Bởi vì, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về Hoàng Sa đã trên 100 năm, tranh chấp Trường Sa bắt đầu từ sau Thế chiến Thứ hai, cũng đã tròn 70 năm. Từ 1975, Việt Nam đã có vô số cơ hội đi kiện Trung Quốc để giải quyết vấn đề mà Việt Nam đã không đi kiện.

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines chỉ bộc phát mới đây. Philippines chỉ bắt đầu yêu sách một số đảo Trung Quốc từ thập niên 50, mà nguyên tắc về thụ đắc chủ quyền lãnh thổ của Philippines cũng không tuân thủ theo tập quán quốc tế. Manila chỉ kiện Bắc Kinh qua sự việc Trung Quốc chiếm các đá Scarborough, uy hiếp quân đội Philippines ở bãi Cỏ Rong, cho xây dựng đảo nhân tạo ở bãi chìm Vành Khăn… Tức những sự kiện chỉ xảy ra mới đây, không quá 5 năm.

Việt Nam không kiện Trung Quốc hẳn nhiên có một số lý do tiềm ẩn. Và có thể Việt Nam sẽ không bao giờ kiện được Trung Quốc, cũng bởi những lý do tiềm ẩn này.

Nhưng từ phán quyết 12/7 của PCA, Việt Nam có thể vịn vào một số phán lệnh làm cơ bản, từ đó “ép” Trung Quốc ngồi vào đàm phán với mình về Hoàng Sa. Nếu Trung Quốc chấp nhận đàm phán, tức là Trung Quốc đã nhìn nhận “có tranh chấp” ở Hoàng Sa.

Nếu đi kiện, Việt Nam cũng không thể kiện ra ngoài nội dung các bảo lưu của Trung Quốc (về chủ quyền, về phân định biển). Việt Nam chỉ có thể kiện ở các nội dung tôi đã liệt kê ở trên.

Mà theo các điều 282, 283 của Luật Biển, Việt Nam chỉ có thể kiện khi “đàm phán” đã kiệt. Phi lý là vậy. Ý kiến của một số học giả không chủ trương đàm phán với Trung Quốc, vậy thì Việt Nam có thể làm gì? Nếu kiện thì kiện cái gì và kiện ở đâu?

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, nhà nghiên cứu sống ở Pháp.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/07/160718_scs_courtcase

 

Trung Quốc phong tỏa một phần Biển Đông để tập trận

Trọng Nghĩa

Trung Quốc vào hôm nay, 18/07/2016 đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền tiến vào một khu vực ở Biển Đông, ngoài khơi đảo Hải Nam nơi diễn ra một cuộc tập trận trong tuần này. Thông báo này được đưa ra vào lúc tư lệnh Hải Quân Mỹ đang thăm Trung Quốc, với hồ sơ Biển Đông nổi bật trong chương trình nghị sự.

Theo chính quyền đảo Hải Nam, một vùng biển ở phía đông nam của tỉnh đảo này sẽ bị phong tỏa từ hôm nay cho đến ngày 21/07/2016 vì lý do tập trận. Bắc Kinh không cho biết chi tiết về các cuộc tập trận, trong lúc cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc nhấn mạnh rằng mọi tàu thuyền không phận sự đều bị cấm đi vào khu vực.

Theo hãng tin Pháp AFP, vùng bị phong tỏa khá xa Hoàng Sa, và dĩ nhiên là rất xa Trường Sa, hai quần đảo mà Bắc Kinh đang tranh chấp với một số láng giềng.

Hãng tin Mỹ AP đã gắn liền thông báo cấm biển mà Bắc Kinh đưa ra vào trong bối cảnh một chuyến thăm Trung Quốc ba ngày của đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Mỹ, bắt đầu từ hôm qua, 17/07. Người đứng đầu Hải Quân Mỹ đã tiếp xúc với đồng cấp Trung Quốc đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli).

Theo chương trình dự kiến, đô đốc Mỹ sẽ thăm học viện tàu ngầm của hải quân, lên tham quan tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và thảo luận với phía Trung Quốc về cuộc tập trận quốc tế RIMPAC do Mỹ tổ chức và Trung Quốc được mời tham gia.

Thông báo phong tỏa một phần Biển Đông cũng được đưa ra vào lúc quan chức Hải Quân cao cấp khác của Trung Quốc, đô đốc Tôn Kiến Quốc, thành viên Quân Ủy Trung Ương, đã lên tiếng đe dọa rằng các chiến dịch tuần tra do Hải Quân nước ngoài tiến hành tại Biển Đông có thể kết thúc trong « thảm họa ». Lời đe dọa rõ ràng là nhắm vào Mỹ, đã được nhân vật này đưa ra tối hôm 16/07, nhân một diễn đàn tại Bắc Kinh.

Trung Quốc đã liên tiếp tỏ thái độ giận dữ sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Những lời đe dọa hay động thái quân sự của Trung Quốc trong những ngày gần đây đều nhằm thách thức phán quyết của Tòa Trọng Tài mà Bắc Kinh không công nhận.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-trung-quoc-phong-toa-mot-phan-bien-dong-de-tap-tran

 

Biển Đông : Nước Pháp trong thế dấn thân trở lại

Trọng Nghĩa

Cho đến nay, khi nói đến Biển Đông, người ta thường chú ý đến các nước có liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Trung Quốc…, hay các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ… Thế nhưng, thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc ngày càng khiến cho nhiều nước khác quan ngại, trong đó có Pháp. Bất chấp nguy cơ có thể khiến Bắc Kinh phật ý, trong thời gian gần đây, Paris đã cho thấy rõ ý định dấn thân trở lại vào Biển Đông, thậm chí khuyến khích Liên Hiệp Châu Âu tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, mặc nhiên hậu thuẫn cho các nỗ lực của Mỹ.

Trong một bài phân tích được trang mạng The Diplomat tại Nhật Bản công bố hôm 14/07/2016, ông Yo-Jung Chen, nguyên là một nhà ngoại giao Pháp gốc Đài Loan, đã không ngần ngại cho rằng quyết định dấn thân của Paris đã làm tăng thêm tình trạng cô lập của Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.

Tác giả đã nhắc lại sáng kiến vừa được bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu lên hôm 05/06 vừa qua tại Đối Thoại Shangri-la ở Singapore, theo đó Liên Hiệp Châu Âu cần tổ chức những chiến dịch tuần tra chung tại « các vùng biển châu Á », và duy trì « một sự hiện diện thường xuyên và rõ rệt » tại đấy.

Để làm điều đó, nước Pháp sẵn sàng đứng ra phối hợp các lực lượng Hải Quân của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu để tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải (từ tắt tiếng Anh là FONOP) ở Biển Đông.

Dĩ nhiên, Trung Quốc không được nêu đích danh trong phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp (vì Trung Quốc không phải là nước duy nhất tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông), nhưng sáng kiến của Pháp đã được xem là một tin xấu đối với Bắc Kinh, vốn đã rất bực tức trước những điều mà Trung Quốc coi là « hành vi can thiệp từ bên ngoài » của Mỹ và đồng minh vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ven Biển Đông.

Giá trị chiến lược nhỏ, giá trị ngoại giao rất lớn

Trên bình diện thuần túy chiến lược, kế hoạch của Pháp sẽ không có tác động quyết định nào đến tình hình Biển Đông. Lý do rất dễ hiểu, dù là một trong những cường quốc quân sự trên thế giới, sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực rất khiêm tốn, còn các nước Liên Hiệp Châu Âu khác thì hoàn toàn vắng bóng.

Dù vậy, theo tác giả bài viết, sáng kiến của Pháp rất có khả năng có giá trị lớn hơn trên mặt bình diện ngoại giao, nêu bật một cách đáng kể thế cô lập gần như hoàn toàn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thể hiện qua thất bại của Bắc Kinh trong việc hình thành một liên minh quốc tế nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, chống lại phán quyết ngày 12/07 vừa qua của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Sáng kiến của Pháp, nếu được hưởng ứng, sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế của Trung Quốc vì lôi kéo được một khối nước nặng ký như Liên Hiệp Châu Âu vào việc gây thêm áp lực quốc tế buộc Bắc Kinh tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật, được thể hiện trong phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye.

Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là tại sao Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, vốn có lợi ích thương mại quan trọng với Trung Quốc, lại dám dấn thân vào Biển Đông, dù biết rõ rằng điều đó sẽ làm Bắc Kinh phật ý ?

Theo tác giả bài viết trên tờ The Diplomat, nguyên do chính yếu đến từ thái độ của Bắc Kinh. Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đang càng lúc càng quan ngại rằng các hành động hung hăng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ tác hại nghiêm trọng trên vấn đề quản trị toàn cầu và tôn trọng pháp luật quốc tế, với những hệ quả vượt quá khu vực Đông Nam Á.

Trong bài phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Le Drian không nói gì hơn khi cho rằng nếu các quy tắc của pháp luật và quyền tự do hàng hải không được tôn trọng ngay bây giờ và ngay ở Biển Đông, ngày mai các quy tắc đó sẽ bị tác hại ở những nơi khác trên thế giới, kể cả bên trong và xung quanh châu Âu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-bien-dong-nuoc-phap-trong-the-dan-than-tro-lai

 

Biển Đông: Oanh tạc cơ Trung Quốc

bay qua bãi cạn Scarborough

Thanh Hà

Bắc Kinh công bố hình ảnh oanh tạc cơ hiện đại nhất của Trung Quốc H-6K đã bay qua bãi cạn Scarborough vài ngày sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Giới quan sát coi đây là hành động mới trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc trên không phận Philippines.

Cuối tuần qua, hình ảnh oanh tạc cơ H-6K bay qua bãi cạn Scarborough được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội Vi Bác. Đây là loại máy bay ném bom hiện đại nhất của Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tờ báo Mỹ Forbes ấn bản ngày 17/07/2016 nhấn mạnh, hành động nói trên là thông điệp cứng rắn Bắc Kinh gửi đến Washington : Trung Quốc có khả năng đáp trả một cách tương xứng những hành vi của Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây, chiến đấu cơ Thunderbird A-10 của Mỹ, rồi máy bay B-52 đã nhiều lần bay qua vùng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhân danh quyền « tự do lưu thông hàng hải ».

Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu mạnh Trung Quốc gửi đến cả Phlippines lẫn Hoa Kỳ về quyết tâm của Bắc Kinh không từ bỏ bản đồ đường 9 đoạn đối với Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, và nhiều đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa.

Một cựu lãnh đạo Tình báo Hải quân Hoa Kỳ James Fanell, gắn liền việc máy bay ném bom bay ngang qua bãi Scarborough với phán quyết của Tòa La Haye hôm 12/07/2016. Theo tòa, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông căn cứ theo bản đồ đường 9 đoạn.

Một điểm đáng chú ý khác là lần đầu tiên Không quân Trung Quốc cho phổ biến rộng rãi hình ảnh của oanh tạc cơ H-6K cất cánh từ Hoa lục để bay ngang bãi đá Scarborough. Theo cựu lãnh đạo Tình báo Hải quân Mỹ, James Fanell thì đây là một chiến dịch tuyên truyền có hệ thống của Bắc Kinh.

Bãi cạn Scarborough được đặt dưới quyền quản lý của Philippines nhưng Bắc Kinh căn cứ trên bản đồ đường « lưỡi bò 9 đoạn» để khẳng định chủ quyền với thực thể này.

Thứ Sáu 15/07/2016 hải cảnh Trung Quốc không cho phép ngư dân Philippines vào đánh bắt cá trong khu vực bãi cạn Scarborugh. Trước đó, một tàu cá Trung Quốc đã bám sát và ngăn cản một số phóng viên của đài truyền hình Phiilippines ABS-CBN đến bãi cạn Scarborough.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-oanh-tac-co-trung-quoc-bay-qua-bai-can-scarborough