Tin Biển Đông – 21/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 21/05/2017

Tập Cận Bình « dọa » Rodrigo Duterte :

Thẩm phán Philippines đòi kiện Bắc Kinh

Tú Anh

Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines kêu gọi chính phủ đệ đơn kiện Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc sau khi tổng thống Rodrigo Duterte tiết lộ bị chủ tịch Tập Cận Bình « dọa đánh » nếu Manila thực thi phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về chủ quyền biển đảo.

Thứ Sáu 19/05/2017, trở về nước sau cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Philippines cho biết lãnh đạo Trung Quốc « đe dọa sẽ đánh » Philippines nếu Manila quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông theo phán xử của Tòa Trọng Tài La Haye (tháng 07/2016) và khoan dầu ở vùng biển mà Trung Quốc đơn phương giành chủ quyền.

Bắc Kinh chưa phản ứng về lời tuyên bố này của tổng thống Duterte. Tuy nhiên, lời đe dọa « sử dụng vũ lực » của Trung Quốc, do tổng thống Philippines kể lại, bị một thẩm phán có uy tín tại Manila công kích. Theo Reuters, với nhận định lời đe dọa của Tập Cận Bình « vi phạm trắng trợn » Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển và Hiệp Ước Hữu Nghị Và Hợp Tác Đông Nam Á mà Trung Quốc và Philippines đều là thành viên, thẩm phán Antonio Carpio, nhân vật cột trụ trong vụ đưa hồ sơ Biển Đông ra Toà Án Trọng Tài La Haye, thúc giục chính phủ một lần nữa kiện Trung Quốc ra các cơ quan trọng tài quốc tế cũng như ở Liên Hiệp Quốc.

Thẩm phán Antonio Carpio đả kích chính sách « bỏ Mỹ theo Trung Quốc » và thái độ thụ động của tổng thống Duterte, theo ông, đã đưa đến hệ quả là « khuyến khích » Bắc Kinh lấn tới tại Biển Đông : « Tổng thống không làm gì cả, thậm chí còn đồng lòng với Trung Quốc không bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia ».

Nhân vật số hai của Tối Cao Pháp Viện Philippines cũng chỉ trích tổng thống Duterte chọn giải pháp đàm phán song phương với Trung Quốc và « lúc nào cũng trình bày vấn đề (chủ quyền biển đảo) một cách bi quan để dân chúng cuối cùng phải chấp nhận luận điểm của Trung Quốc ».

De dọa của chủ tịch Trung Quốc được tổng thống Philippines thuật lại trong bài diễn văn hôm thứ Sáu trước những chỉ trích từ công luận. Phát ngôn viên tổng thống Ernest Abella, trái lại, cho rằng trong cuộc gặp hôm thứ Hai 15/05, « lãnh đạo hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn về khả năng thăm dò dầu khí trong tương lai và đồng ý tiếp tục một giải pháp ôn hòa tôn trọng quyền kinh tế và chủ quyền quốc gia ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170521-tap-can-binh-%C2%AB-doa-%C2%BB-rodrigo-duterte-philippines-bac-kinh

 

Tác động của thỏa thuận khung về Biển Đông

Thỏa thuận khung giữa Trung Quốc với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông đánh dấu bước tiến quan trọng tiến tới việc giảm nhiệt căng thẳng tại vùng biển chiến lược này, theo giới phân tích ngày 19/5.

Các chuyên gia nói dù chi tiết thỏa thuận đạt được hôm nay chưa được tiết lộ, nhưng đây là dấu hiệu có tiến bộ trong việc tiến tới một Bộ Quy tắc chung cuộc mà các bên đã cam kết 15 năm trước.

Đối với Trung Quốc, Bộ Quy tắc Ứng xử là phương tiện để đạt mục đích cản chân Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ can thiệp vào chuyện Biển Đông trên danh nghĩa quyền tự do hàng hải hay duy trì ổn định khu vực, chuyên gia khu vực, Huang Jing, từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

“Trung Quốc có thể tuyên bố ‘Nhìn đây, chúng tôi đã đạt thỏa thuận và tự kìm chế, Mỹ hay các nước khác không cần nhúng tay vào chuyện của chúng tôi nữa,” ông Huang nhận định.

Vẫn theo lời ông, thỏa thuận này thích hợp với mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát tranh chấp hơn là giải quyết tranh chấp và Bắc Kinh vẫn đinh ninh rằng cuối cùng sẽ đạt được giải pháp thông qua các cuộc đàm phán tay đôi.

Đối với 10 nước ASEAN, thỏa thuận tạo điều kiện để ngưng các bước tiến sâu hơn nữa từ Trung Quốc trong lúc Mỹ chuyển trọng tâm ra khỏi khu vực với việc hủy bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, chuyên gia này nói thêm.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân, nói văn bản của khung thỏa thuận vẫn được giữ kín. Philippines cho biết văn kiện sẽ được đưa cho Ngoại trưởng các nước xem xét vào tháng 8 tới đây.

Nhà phân tích Huang Jing cho rằng ‘Các nước ASEAN biết rõ không thể đối chọi với Trung Quốc hay trông cậy vào Mỹ, cho nên tốt hơn hết là làm việc với Trung Quốc để bình ổn thực trạng.

Trong khi chuyên gia Huang Jing xem thỏa thuận khung này là ‘tiến bộ rất đáng kể,’ nhà nghiên cứu Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói đây chỉ là ‘một bước tiến nhỏ’ dựa vào bản thảo nhất trí hồi tháng 3.

Ông Storey nói bản thảo đó chẳng kêu gọi một Bộ Quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý như ASEAN mong muốn, thành ra tác động sẽ không đáng kể.

Đáp câu hỏi liệu thỏa thuận đó có mang tính ràng buộc pháp lý hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói ‘Tôi chưa thể có câu trả lời dứt khoát vào lúc này.’

Tuy nhiên, ông Lưu Chấn Dân cho biết thỏa thuận vừa kể sẽ là nền tảng vững chắc cho các cuộc thương thuyết sau này.

http://www.voatiengviet.com/a/tac-dong-cua-thoa-thuan-khung-ve-bien-dong-/3862701.html

 

Đài Loan muốn tham dự các cuộc thương lượng về Biển Đông

Mâu thuẫn Biển Đông phải giải quyết một cách ôn hòa và thảo luận về phát triển-khai thác chung trong khu vực phải có cả Đài Loan, đại diện của Đài Loan tới Philippines, Gary Lin, tuyên bố hôm 19/5.

Phát biểu trước báo giới Philippines, ông Lin nói Đài Loan luôn cổ súy cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông ôn hòa và rằng chớ nên tiến hành các cuộc thảo luận, thương lượng về Biển Đông mà không có Đài Loan.

Trước đó một ngày, Trung Quốc và các nước ASEAN nhất trí soạn thảo khung sườn Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.

Nhà ngoại giao của Đài Loan kêu gọi chớ nên bỏ Đài Loan ra ngoài cuộc và rằng Đài Loan phải là một thành viên trong bàn thương thuyết.

Khẳng định chủ quyền của Đài Loan tại các đảo trên Biển Đông, ông Lin lặp đi lặp lại rằng các cuộc thương lượng trong vùng tranh chấp sẽ không đầy đủ nếu thiếu sự hiện diện của Đài Loan.

“Là một thành viên ở Biển Đông, Đài Loan nên được tham gia trong các cơ chế đa phương tìm cách giải quyết tranh chấp trong vùng,” ông Lin nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định rằng Trung Quốc không bao giờ có thể đại diện Đài Loan tại các cuộc thương thuyết về Biển Đông.

Ông Lin gửi thông điệp tới tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông rằng Đài Loan sẵn sàng tham gia đối thoại với các nước để cùng cổ súy hòa bình-ổn định khu vực.

Nguồn: CNA/GMA News

http://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-muon-tham-du-cac-cuoc-thuong-luong-ve-bien-dong-/3862695.html