HIẾN CHƯƠNG

Cac Bai Khac

No sub-categories

HIẾN CHƯƠNG

Đảng Tân Đại Việt

HIẾN CHƯƠNG


LỜI NÓI ĐẦU

            Áp dụng xu hướng biến cải trong chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, những chiến sĩ Đại Việt Quốc Dân Đảng có tinh thần Cấp Tiến đã quyết định thành lập Đảng Tân Đại Việt ngày 14.11.1964 để tiếp tục tranh đấu cho thích ứng với tình thế mới.

            Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, Đảng Tân Đại Việt chủ trương bên trong  thay thế lãnh tụ chế bằng tập thể lãnh đạo, và bên ngoài, liên kết rộng rãi với các lực lượng chánh trị Quốc Gia để chống Cộng và xây dựng dân chủ.

            Từ 1964 đến 1975, sau hơn 10 năm hoạt động, Đảng đã đóng góp quan trọng vào các sinh hoạt chánh trị tại Miền Nam Việt Nam và cũng đã nhiều lần mở rộng hàng ngũ, phát triển đảng viên ồ ạt khi gặp hoàn cảnh thuận lợi.

Từ 1975 đến nay (2013), sau 38 năm kiên trì hoạt động cho tự do dân chủ cho Việt Nam, đặc biệt là ở hải ngoại, các đảng viên Đảng Tân Đại Việt luôn hăng say đóng góp khả năng một cách bán công khai, qua các tổ chức quần chúng khác nhau.

            Khởi đầu thập niên 2010, thế giới chứng kiến sự thức tỉnh của hạ tầng quần chúng trong các chế độ, dù dân chủ hay độc tài, một xu hướng biến cải toàn cầu của người dân trong Thời Đại Thông Tin, mà kiến thức là quyền lực và các chính quyền độc tài đã và đang mất dần khả năng che đậy và tuyên truyền.

            Do đó, Tân Đại Việt vốn là một Đảng được tổ chức theo nguyên tắc bí mật đã chuyển hướng hoạt động như một Đảng bán công khai và sau đó chính thức công khai, từ một Đảng cán bộ lần lần trở thành một Đảng quần chúng.

            Một giai đoạn lịch sử đã qua…

Trước tình thế mới, với những nhu cầu mới, Đảng Tân Đại Việt lại phải biến cải một lần nữa.

 Vì vậy ĐẠI HỘI ĐẢNG ngày 27/09/2013 đã chấp nhận và ban hành Hiến Chương Tu Chính 2013 để áp dụng thay cho Hiến Chương 1974, Tu Chính 1982 và Tu Chính 1993.

            Kèm theo Hiến Chương Tu Chính 2013, Ban Lãnh Đạo nhiệm kỳ 2013-2017 sẽ biểu quyết chấp thuận và ban hành một bản Đảng Quy mới, ấn định những quy tắc thi hành Đảng vụ cho các Cấp Bộ và toàn thể Đảng viên, theo đúng tinh thần của Hiến Chương Tu Chính 2013.

Hiến Chương Tu Chính 2013 đánh dấu sự trưởng thành của Tân Đại Việt, mang lại cho Đảng một định chế mới để thực hiện việc năng lực hóa hàng ngũ, khoa học hóa tổ chức, hữu hiệu hóa lãnh đạo, nghiêm minh hóa kỷ luật và thích hợp hóa Đảng với môi trường mới của Thời Đại Thông Tin, giúp cho Đảng sớm hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.

– Đảng Tân Đại Việt nhứt định phải thành công.

– Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn nhứt định phải được thực hiện hoàn hảo.

– Việt Nam dân chủ pháp trị, hòa bình, độc lập, thống nhứt, phú cường muôn năm.

             

ĐẢNG TÂN ĐẠI VIỆT

ĐẠI HỘI KỲ VII

SỐ 1                                                                           NGHỊ QUYẾT

Đại Hội Đảng TÂN ĐẠI VIỆT Kỳ VII họp ngày 27/09/2013 tại Westminster, California, USA.

– Chiếu điều 43 Chương 8 của Hiến Chương 1974 về việc tu chính Hiến Chương;

– Chiếu kết quả cuộc biểu quyết của Đại Hội Đảng chấp nhận Hiến Chương Tu Chính 2013 ngày 27/09/2013;

– Chiếu nhu cầu Đảng vụ.

QUYẾT NGHỊ

            ĐIỀU 1: Nay ban hành Hiến Chương Tu Chính 2013 gồm 7 Chương 37 Điều để áp dụng thay cho Hiến Chương 1974 đã được Đại Hội Đảng Kỳ I chung quyết năm 1974.

ĐIỀU 2: Hiến Chương Tu Chính 2013 bắt đầu có hiệu lực từ 15:00 giờ ngày 27/09/2013.

ĐIỀU 3: Các cấp bộ Đảng, cùng toàn thể đảng viên chiếu nhiệm vụ thi hành Nghị Quyết này.

Ðại Hội Ðảng Tân Ðại Việt đã biểu quyết chấp thuận Nghị Quyết này tại Garden Grove, California, Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 9 năm 2013

 

Chủ Tọa Đoàn:                                                                                    Chủ Tịch Ðảng Tân Ðại Việt

Mã Xái

Lê Tấn Trạng

Lý Văn Phước

Phùng Quốc Công                                                                                      BS Mã Xái

(đã ký)

 

HIẾN CHƯƠNG TU CHÍNH – ĐẢNG TÂN ĐẠI VIỆT – 2013

CHƯƠNG MỘT

Tổng Tắc

 

            ĐIỀU 1: Danh hiệu và mục đích

            Đảng Tân Đại Việt thành lập với mục đích:

            1. Giải phóng hoàn toàn dân tộc Việt Nam khỏi chế độ độc tài

2. Kiến tạo nước Việt Nam thành một quốc gia tự do, dân chủ pháp trị, phú cường, đủ sức bảo vệ tổ quốc và phát triển sự sinh tồn sung mãn cho toàn thể quốc dân.

 

            ĐIỀU 2: Chủ nghĩa và tôn chỉ

            Đảng theo “CHỦ NGHĨA DÂN TỘC SINH TỒN” và trong sự tranh đấu của mình, luôn luôn đặt sự sinh tồn của dân tộc lên trên hết.

 

            ĐIỀU 3: Đảng kỳ

Đảng kỳ nền đỏ thẫm, có một lằn vàng nghệ ở giữa, theo chiều dài, ngay chính giữa và chận lên lằn vàng là một vòng tròn xanh dương, trong có ngôi sao năm nhánh trắng; bề ngang lá cờ bằng 2/3 bề dài, bề ngang lằn vàng bằng 1/3 bề ngang lá cờ, trực kính vòng tròn xanh bằng 2/3 bề ngang lá cờ, năm đầu nhánh sao trắng giáp với vòng xanh trong đó 1 nhánh chỉa đứng lên.

 

ĐIỀU 4: Đảng ca

Đảng ca là bài “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”.

 

CHƯƠNG HAI

Đảng Viên

 

ĐIỀU 5: Điều kiện gia nhập

Đảng nhận là đảng viên tất cả những công dân Việt Nam không phân biệt nam nữ, tôn giáo, giai cấp, có đủ những điều kiện sau đây:

1. Từ 18 tuổi trở lên.

2. Tôn trọng nhân quyền và có tinh thần yêu nước.

3. Tin theo chủ nghĩa “DÂN TỘC SINH TỒN”, chấp nhận chủ trương cùng đường lối của Đảng, và chịu hoạt động theo chỉ thị của Đảng.

4. Được đảng viên chính thức giới thiệu, được Chi Bộ đề nghị kết nạp và Khu Bộ chấp nhận cho làm lễ tuyên thệ nhập Đảng.

 

ĐIỀU 6: Các hạng đảng viên

Đảng viên của Đảng chia ra làm 5 hạng:

Đảng viên không hoạt động: Đảng viên không hoạt động là đảng viên đã làm lễ tuyên thệ nhập Đảng, đã từng hoạt động trong Đảng nhưng vì một lý do nào đó mà không tham gia hoạt động nữa nhưng cũng không muốn ra khỏi Đảng và không phải là đảng viên danh dự.

Đảng viên dự bị: Đảng viên dự bị là đảng viên đã làm lễ tuyên thệ nhập Đảng, nhưng còn chịu huấn luyện và đương thực tập hoạt động.

Đảng viên chánh thức: Đảng viên chánh thức là đảng viên đã được công nhận và có đủ tư cách hoạt động đảng vụ, và được phép tham gia vào một tổ chức của Đảng.

Đảng viên tiềm năng: Đảng viên tiềm năng là đảng viên chánh thức có đủ khả năng, tư cách để đảm nhận các công tác hệ trọng, có khả năng lãnh đạo chỉ huy, và lúc nào cũng sẵn sàng để lưu chuyển đến những nơi cần.

Đảng viên danh dự: đảng viên danh dự là đảng viên đã có quá trình trung kiên và trường kỳ với Đảng, đã trải qua các vị trí đảng viên dự bị, đảng viên chính thức và đảng viên tiềm năng, và hiện nay không còn điều kiện để hoạt động tích cực

 

ĐIỀU 7: Nhiệm vụ đảng viên

Đảng viên có nhiệm vụ:

1. Nhiệt thành tin tưởng nơi chủ nghĩa “DÂN TỘC SINH TỒN”, nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa theo dòng sống của dân tộc và tận tâm binh vực chủ nghĩa ấy.

2. Phát triển tổ chức Đảng, đưa Đảng đến với quần chúng và cộng đồng thế giới.

3. Tích cực và thi hành mọi chỉ thị của Đảng và triệt để tôn trọng kỷ luật nội bộ.

4. Bảo vệ những bí mật của Đảng.

5. Luôn luôn làm gương mẫu trong cuộc tranh đấu chung.

6. Đóng nguyệt liễm hay niên liễm cho đoàn thể và thi hành những Đảng vụ thường xuyên hoặc đặc biệt của Đảng giao phó.

 

ĐIỀU 8: Quyền hạn đảng viê

Đảng viên có quyền hạn sau đây:

a. Đảng viên không hoạt động được coi như cảm tình viên của Đảng, chỉ tham dự những sinh hoạt có tính cách quần chúng của Đảng.

b. Đảng viên dự bị có quyền tham gia thảo luận, đề nghị sáng kiến nhưng không biểu quyết trong các cuộc hội nghị.

c. Đảng viên chánh thức có quyền tham gia thảo luận, đề nghị sáng kiến trong các hội nghị, ứng cử, đề cử và bầu cử những nhơn viên các cơ quan lãnh đạo.

d. Đảng viên tiềm năng được hưởng những quyền của đảng viên chánh thức, được Ban Lãnh Đạo chỉ định đại diện Đảng khi có nhu cầu công tác cấp thiết, và ngoài ra, còn có thể được Đảng châu cấp nếu không thể tự túc khi cần phải hoạt động như một cán bộ thoát ly.

e. Đảng viên danh dự được tham gia các sinh hoạt cơ sở của Đảng và được quyền bỏ phiếu trong sinh hoạt của đại hội cơ sở hay đại hội toàn Đảng.

 

CHƯƠNG BA

Tổ Chức Cơ Sở

 

ĐIỀU 9: Nguyên tắc tổ chức

1. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách: Quyền lãnh đạo và chỉ huy ở mọi cấp thuộc về một cơ quan gồm nhiều nhơn viên được bầu cử, hoặc do cấp trên chỉ định và quyết định mọi việc theo nguyên tắc đa số. Sau khi có quyết định hợp lệ:

– Thiểu số phải phục tùng đa số

– Cấp dưới phải phục tùng cấp trên

– Đảng viên phải phục tùng cơ quan chỉ huy

2. Nguyên tắc tiềm năng: Địa vị của đảng viên trong hệ thống tổ chức căn cứ nơi tài năng, đức hạnh, sự cố gắng, lòng hy sinh và thành tích tranh đấu, chớ không căn cứ nơi địa vị xã hội hoặc thời gian vào Đảng.

3. Nguyên tắc bảo mật: Cơ sở, tài liệu và nhơn sự của Đảng, nếu không được Ban Lãnh Đạo Đảng chính thức công khai, cần phải được bảo mật.

 

ĐIỀU 10: Hệ thống tổ chức

Tổ chức cơ sở Đảng chia làm 3 hệ thống. Hệ thống tổ chức căn bản, hệ thống tổ chức chuyên môn và hệ thống tổ chức đặc biệt.

10.A. Hệ thống tổ chức căn bản

Hệ thống tổ chức căn bản dựa theo các đơn vị hành chánh của Việt Nam hay của quốc gia sở tại, gồm những đảng viên cư trú cùng một địa phương họp lại.

10.A.1. Chi Bộ

            – Chi Bộ là cơ sở hạ tầng của Đảng tương ứng với đơn vị Xã hoặc Phường, hay thành phố nhỏ nếu ở hải ngoại. Mỗi Chi Bộ gồm tất cả các đảng viên trong một Xã, một Phường, hay một thành phố nhỏ.

– Cơ Quan lãnh đạo Chi Bộ là Chi Ủy (cũng gọi là Ban Chấp Hành Chi Bộ) với thành phần nhơn sự như sau:

– 1 Chi Bộ Trưởng

– 1 Thư ký

-1 Thủ Quỹ

Và các ủy viên, nhiều hay ít tùy theo nhu cầu, phân công nhau giữ các nhiệm vụ Tổ Chức, Tuyên Huấn, Thông Tin, Liên Lạc và Tài Chánh.

– Chi Bộ có thể chia ra làm nhiều Tổ, mỗi Tổ từ 3 đến 7 đảng viên, do một Tổ Trưởng điều khiển.

10.A.2. Khu Bộ

– Các Chi Bộ trong 1 tỉnh, 1 Thị Xã hoặc 1 Quận tại Thủ Đô hay thành phố lớn họp lại thành 1 Khu Bộ, hay nhiều tiểu bang nếu ở hải ngoại.

– Cơ quan lãnh đạo Khu Bộ là Khu Ủy (cũng gọi là Ban Chấp Hành Khu Bộ) với thành phần nhơn sự như sau:

– 1 Khu Bộ Trưởng

– 1 Thư Ký

– 1 Thủ Quỹ

Và các ủy viên, nhiều hay ít tùy theo nhu cầu Đảng vụ, phân công nhau giữ các nhiệm vụ Tổ Chức, Tuyên Huấn, Tài Chánh, Thông Tin, Liên Lạc, Xã Hội, Văn Hóa, Thanh Sinh và đặc trách các cơ sở quan trọng của Khu Bộ.

10.A.3. Tổ chức trung gian

Nhiều Chi Bộ ở gần nhau có thể kết hợp thành Liên Chi Bộ và tùy theo điều kiện địa dư thuận tiện, nhiều Khu Bộ ở gần nhau có thể hợp lại thành Liên Khu Bộ.

Liên Khu Bộ và Liên Chi Bộ là những tổ chức trung gian được thành lập khi nhu cầu Đảng vụ đòi hỏi và không có tánh cách bắt buộc. Ban Lãnh Đạo sẽ ấn định hình thức tổ chức và thành phần nhơn sự Liên Chi Bộ và Liên Khu Bộ bằng một Đảng văn.

10.A.4. Đô Thành Bộ

– Cơ cấu tổ chức của Đảng tại Thủ Đô là Đô Thành Bộ.

– Cơ quan lãnh đạo Đô Thành Bộ gọi là Đô Ủy (hoặc Ban Chấp Hành Đô Thành Bộ) với thành phần nhơn sự như sau:

– 1 Ðô Ủy Trưởng

– 1 Thư Ký

– 1 Thủ Quỹ

Và các ủy viên phân công nhau giữ các nhiệm vụ Tổ Chức, Tuyên Huấn, Tài Chánh, Thông Tin, Liên Lạc, Xã Hội, Thanh Sinh v.v… và đặc trách các cơ sở quan trọng tại Đô Thành.

– Cấp dưới của Đô Thành là Khu Bộ tương ứng với đơn vị Quận, cấp dưới của Khu Bộ là Chi Bộ tương ứng với đơn vị Phường.

10.B. Hệ thống tổ chức đặc biệt

– Hệ thống tổ chức đặc biệt gồm những đảng viên cùng chung nghề nghiệp hoặc cùng một giới nhứt định (Phụ nữ, Sinh viên, Lao động v.v…)

– Cơ sở thấp nhứt của hệ thống tổ chức là Chi Bộ, có từ 25 đảng viên trở xuống, gồm đảng viên chánh thức và đảng viên dự bị. Chi Bộ có thể chia ra thành Tổ tùy theo nhu cầu. Từ 3 đến 7 Chi Bộ hợp lại thành Khu Bộ. Tất cả các Khu Bộ hợp lại thành Biệt Bộ trực thuộc Ban Lãnh Đạo.

– Thành phần Ban Chấp Hành đều có 1 Trưởng Cơ Sở, 1 Thư Ký, 1 Thủ Quỹ và một số ủy viên như trong hệ thống tổ chức căn bản.

10.C. Hệ thống tổ chức chuyên biệt

– Hệ thống tổ chức chuyên biệt gồm có những đảng viên được Đảng ủy nhiệm thi hành một công tác chuyên biệt hay lãnh đạo một tổ chức ngoại vi của Đảng. Những đảng viên trong tổ chức này có thể lập thành những Chi Bộ hoặc Khu Bộ độc lập trực thuộc BCHTƯ.

ĐIỀU 11: Ban Chấp Hành các Khu Bộ, Đô Thành Bộ, Biệt Bộ đều có thể mời một hay nhiều đồng chí cao niên hoặc có uy tín và kinh nghiệm làm Cố Vấn.

ĐIỀU 12: Nhiệm kỳ Ban Chấp Hành các Khu Bộ, Đô Thành Bộ, Biệt Bộ là 2 năm và nếu vì lý do gì không tổ chức bầu cử được thì BCHTƯ sẽ trực tiếp chỉ định.

ĐIỀU 13: Nhiệm vụ và quyền hạn của các cấp Bộ cũng như của Trưởng Cơ Sở, Thư Ký, Thủ Quỹ và các Ủy Viên trong Ban Chấp Hành do Đảng Quy ấn định.

 

CHƯƠNG BỐN

Cơ Quan Lãnh Đạo Trung Ương

 

ĐIỀU 14: Các Cơ Quan Trung Ương

Thành phần Lãnh Đạo Trung Ương của Đảng gồm có 3 cơ quan:

– Ban Lãnh Đạo (BLĐ)

– Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTƯ)

– Giám Sát Đoàn Trung Ương (GSĐTƯ)

ĐIỀU 15: Ban Lãnh Đạo (BLĐ)

BLÐ là cơ quan nắm giữ các quyền hành của Ðảng trong thời gian Ðại Hội Ðảng (ÐHÐ) không nhóm họp. BLÐ nắm quyền giải thích tối hậu về sự áp dụng Hiến Chương, Ðảng Quy cũng như chính sách và chiến lược đấu tranh. Các Ủy Viên BLÐ do ÐHÐ tuyển chọn qua một cuộc bầu cử theo thể thức bỏ phiếu kín với sự đồng thuận của hiện diện và ủy quyền. Tổng số Ủy Viên BLÐ do ÐHÐ ấn định. Thường Vụ BLÐ có 5 thành viên, gồm Chủ Tịch BCHTƯ, 2 Phó Chủ Tịch, Tổng Thư Ký, 1 Ủy Viên Giám Sát Ðoàn và chỉ có nhiệm vụ triệu tập và chủ tọa tất cả các phiên họp của BLÐ.

 

ĐIỀU 16: BLÐ họp theo nhu cầu đảng vụ, ít nhất một năm 2 lần, do Chủ Tịch BCHTƯ và cũng là Ủy Viên BLÐ, hoặc Thường Vụ BLÐ, hoặc quá bán tổng số Ủy Viên BLÐ triệu tập.

 

ĐIỀU 17: Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTƯ)

BCHTƯ là cơ quan điều khiển các công việc thường xuyên của Ðảng. BCHTƯ phải theo đúng đường lối chính sách đã được ÐHÐ hoặc BLÐ đưa ra. Thành phần BCHTƯ gồm một Chủ Tịch, một hay nhiều Phó Chủ Tịch, một Tổng Thư Ký, các Ủy Viên giữ các chức vụ Chủ Nhiệm và Phó Chủ Nhiệm của các Tổng Bộ và các Ủy Viên đảm trách các nhiệm vụ đặc biệt. Các Trưởng Cơ Sở từ cấp Khu Bộ trở lên cũng được tham dự BCHTƯ với tư cách là Ủy Viên BCHTƯ.

Chủ Tịch, các Phó Chủ Tịch và Tổng Thư Ký phải là Ủy Viên của BLÐ. Các chức vụ này do ÐHÐ tuyển chọn với đa số quá bán tổng số hiện diện và ủy quyền. Hình thức bầu cử Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch và Tổng Thư Ký đơn danh hay liên danh do BLÐ đương nhiệm quyết định.

Chủ Tịch BCHTƯ là phát ngôn viên chánh thức của Đảng.

Chủ Tịch BCHTƯ có toàn quyền sắp xếp cơ cấu và cắt cử nhơn sự trong các Tổng Bộ và Ban Chấp Hành Trung Ương.

 

ĐIỀU 18: Khu Bộ Trưởng Các Đại Cơ Sở

Khu Bộ Trưởng cơ sở của các đại cơ sở hải ngoại và trong nước được các đại cơ sở trực tiếp bầu. Ban Lãnh Đạo, theo chủ trương dân chủ có hướng dẫn và nhu cầu lãnh đạo vận dụng được đội ngũ cán bộ, với tỷ số 2/3 có quyền bãi nhiệm Khu Bộ Trưởng các đại cơ sở và triệu tập một cuộc bầu cử khác với các ứng viên mới. Nếu đại cơ sở không tổ chức được cuộc bầu cử Khu Bộ Trưởng thì Chủ Tịch sẽ chỉ định và quá bán Ủy Viên Ban Lãnh Đạo chấp thuận. Việc bầu cử sẽ được tổ chức khi hoàn cảnh cho phép, dựa vào báo cáo của Tổng Bộ Tổ Chức Trung Ương, hay quá bán thành viên Ban Lãnh Đạo xét thấy cần phải thực hiện.

 

ĐIỀU 19: Giám Sát Đoàn Trung Ương (GSĐTƯ)

Giám Sát Đoàn Trung Ương có nhiệm vụ bảo vệ Hiến Chương, bảo vệ Đảng Quy và giám định tài chánh của Đảng, có quyền đưa ra trước Ban Lãnh Đạo, hay hội nghị liên cơ quan (gồm Ban Lãnh Đạo, Ban Chấp Hành Trung Ương và Giám Sát Đoàn Trung Ương), hay Đại Hội những khuyến cáo đối với những hoạt động của trung ương và các cơ sở trực thuộc xét ra trái với Hiến Chương và Đảng Quy. GSĐTƯ Ban Giám Sát Trung Ương gồm có 3 Ủy Viên được Đại Hội Đảng bầu độc lập từng Ủy Viên một. Ban Giám Sát Trung Ương GSĐTƯ không có vị Chủ Tịch, tất cả là Ủy Viên Giám Sát Trung Ương với nhiệm vụ và trọng trách như nhau. Ủy Viên Giám Sát phải là Ủy Viên của BLÐ. Ủy Viên Giám Sát Trung Ương không kiêm nhiệm các chức vụ khác trong cơ chế Ban Chấp Hành Trung Ương. BLÐ có quyền điền khuyết Ủy Viên Giám Sát theo nhu cầu với 2/3 tổng số Ủy Viên BLÐ đồng ý.

 

ĐIỀU 20: Ban Cố Vấn

Chủ Tịch BCHTƯ mời một số đảng viên kỳ cựu, có uy tín hay dày kinh nghiệm chính trị, thành lập Ban Cố Vấn. Ban Lãnh Đạo có quyền từ chối thành viên được mời với đa số quá bán. Nhân số Ban Cố Vấn gia giảm tùy theo nhu cầu và quyết định của Ban Lãnh Đạo. Thành viên Ban Cố Vấn có thể là người ngoài Đảng nhưng có lòng và có khả năng giúp Đảng, số thành viên này không quá 1/3 Ban Cố Vấn. Ban Cố Vấn không phải là một trong ba cơ quan lãnh đạo trung ương.

 

ĐIỀU 21: Nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ của Ban Lãnh Đạo là 4 năm. Nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành Trung Ương, Giám Sát Ðoàn Trung Ương và Ban Cố Vấn trùng hợp với nhiệm kỳ của Ban Lãnh Đạo.

 

CHƯƠNG NĂM

Tài Chánh

 

ĐIỀU 22: Ngân quỹ của Đảng gồm có:

– Nguyệt liễm hay niên liễm

– Tiền ủng hộ bất thường của Đảng viên hoặc cảm tình viên.

– Các nguồn lợi do sự kinh doanh, thương mãi của Đảng.

 

ĐIỀU 23: Chi Bộ, Khu Bộ, Đô Thành Bộ, Biệt Bộ phải dự trù các khoản chi, thu hàng năm dựa trên nguyên tắc cấp bộ nào tự túc cấp bộ nấy.

 

ĐIÊU 24: Cơ Quan Tài Chánh Trung Ương của Đảng có nhiệm vụ dự trù ngân khoản cho BCHTƯ, đặt kế hoạch và thiết lập các cơ sở tài chánh của Đảng với sự chấp thuận của Ban Lãnh Đạo.

 

ĐIỀU 25: Chủ Tịch BCHTƯ là Chuẩn Chi Viên của Ban Lãnh Đạo, Trưởng Cơ Sở của cấp bộ nào là chuẩn chi viên của cấp bộ nấy.

 

ĐIỀU 26: Các tài vụ của Đảng phải được quản thủ, ký thác và chi tiêu theo đúng Đảng Quy và các đảng văn về thủ tục do cơ quan Tài Chánh Trung Ương ban hành, và đặt dưới quyền kiểm soát thường xuyên của cấp bộ trên, cùng sự kiểm soát đặc biệt của Giám Sát Ðoàn Trung Ương.

 

 

CHƯƠNG SÁU

Khen Thưởng và Kỷ Luật

 

ĐIỀU 27: Việc khen thưởng gồm có khen thưởng đơn vị và khen thưởng cá nhơn.

Các hình thức khen thưởng được ấn định như sau:

– Giấy ban khen của cấp bộ trên

– Tuyên dương công trạng trước Đại Hội của cấp bộ

– Tuyên dương công trạng trước BCHTƯ, trước Ban Lãnh Đạo, hoặc trước Đại Hội Đảng.

 

ĐIỀU 28: Đảng viên đã hy sinh vì đảng vụ hoặc vì Tổ Quốc hoặc đảng viên có nhiều công trạng với Đảng, sau khi quá cố sẽ được Ban Lãnh Đạo truy phong vào hàng liệt sĩ hoặc tử sĩ của Đảng.

 

ĐIỀU 29: Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh và bình đẳng với mọi đảng viên.

 

ĐIỀU 30: Những vi phạm kỷ luật của đảng viên chia ra làm 2 loại: lỗi nhẹ và lỗi nặng.

 

a. Lỗi nhẹ gồm có:

1. Không làm tròn nhiệm vụ

2. Nói dối hay báo cáo sai lầm

3 .Bất tuân thượng lịnh

4. Ỷ công lạm quyền

5. Giới thiệu lầm lẫn người gia nhập Đảng

b. Lỗi nặng gồm có:

1. Tái phạm nhiều lần những lỗi nhẹ

2. Tiết lộ các công tác bí mật hay cơ sở, nhân sự được Đảng xếp vào loại mật

3. Lợi dụng uy danh của Đảng để mưu đồ tư lợi

4. Phản Đảng hoặc gây phân hóa Đảng

5. Phản quốc

 

ĐIỀU 31: Những đảng viên phạm lỗi nhẹ sẽ bị một trong những trừng phạt sau đây:

– Cảnh cáo

– Khiển trách

Những đảng viên phạm lỗi nặng sẽ bị một trong những trừng phạt sau đây:

– Hạ thấp cấp hạng của đảng viên

– Cách chức hay giáng chức

– Khai trừ vĩnh viễn

 

ĐIỀU 32: Cơ Quan Tài Phán:

Đảng viên phạm lỗi nhẹ do cấp cơ sở chỉ huy trực tiếp bên trên xét xử. Đảng viên phạm lỗi nặng do một Hội Đồng Kỷ Luật cấp trung ương xét xử. Hội Đồng này gồm 3 cơ quan: Giám Sát Ðoàn trách nhiệm việc điều tra, Ban Lãnh Đạo đề nghị sự trừng phạt, đại diện cơ sở của đảng viên phạm lỗi trách nhiệm việc biện hộ. Trong trường hợp đảng viên phạm lỗi là Chủ Tịch BCHTƯ, Ủy Viên BLÐ, Ủy Viên Giám Sát Ðoàn, cơ quan tài phán là hội nghị liên cơ quan.

 

ĐIỀU 33: Hội Đồng Kỷ Luật Trung Ương:

Hội Đồng Kỷ Luật Trung Ương được Chủ Tịch BCHTƯ triệu tập khi cần thiết, gồm các vị sau đây:

1. Chủ Tịch hoặc đại diện Ban Lãnh Đạo: Chủ Tọa

2. 1 Ủy Viên Giám Sát Ðoàn: Thuyết Trình

3. 1 Ủy Viên Giám Sát Ðoàn: Hội Viên

4. 1 Ủy Viên Ban Lãnh Đạo: Hội Viên

5. 1 Đại Diện Cơ Sở: Hội Viên

Tất cả 5 nhơn viên trong Hội Đồng đều có quyền biểu quyết.

Thành phần Hội Đồng Kỷ Luật Trung Ương không thể bao gồm đồng chí bị phạm lỗi.

 

ĐIỀU 34: Cơ Quan Thi Hành Kỷ Luật:

Sự thi hành kỷ luật do cơ sở trực tiếp chỉ huy đảng viên phạm lỗi đảm nhận.

 

 

CHƯƠNG BẢY

Tu Chính Hiến Chương

 

ĐIỀU 35: Bản Hiến Chương này do Đại Hội Đảng kỳ VII chấp nhận và ban hành. Chỉ có Đại Hội Đảng mới có quyền sửa đổi với ¾ tổng số đảng viên hiện diện và ủy quyền. Đề nghị sửa đổi phải do Chủ Tịch BCHTƯ, hoặc 2/3 tổng số Ủy Viên Ban Lãnh Đạo nêu ra.

 

ĐIỀU 36: Ban Lãnh Đạo có nhiệm vụ soạn thảo và ban hành một bản Đảng Quy đính kèm Hiến Chương này ấn định các qui tắc thi hành đảng vụ cho các đảng viên và các cấp Bộ trong Đảng áp dụng đúng đắn những điều khoản của Hiến Chương.

 

ĐIỀU 37: Vì tình thế và hoàn cảnh khác biệt giữa hải ngoại và quốc nội, BLРtham khảo và quyết định những đề nghị của BCHTƯ cho từng trường hợp liên quan đến việc gia nhập Ðảng tại quốc nội cũng như thiết lập một hoặc nhiều tổ chức căn bản, trung gian, đặc biệt và chuyên biệt ở trong nước cho phù hợp với nhu cầu Ðảng vụ. Nguyệt liễm hay niên liễm của các đảng viên trong nước do BCHTƯ quyết định tùy theo từng trường hợp.