Genève 2: Khởi Điểm Cho Việc Giải Quyết Khủng Hoảng Ở Syrie – Nhữ Đình Hùng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Genève 2: Khởi Điểm Cho Việc Giải Quyết Khủng Hoảng Ở Syrie – Nhữ Đình Hùng

Trong ngày thứ hai 27.01.2014. đại-diện của chánh-quyền Syrie và đại-diện của phe đối-lập đã không thỏa-thuận được về nghị-trình của buổi họp nhưng điều này không có nghĩa là hội-nghị đã thất-bại. Cả hai phái-đoàn đều cho biết họ mong muốn tiếp-tục thảo-luận. Điều này có thể diễn-giải như cuộc thảo-luận chính-thức bị bế tắc nhưng những cuộc thảo-luận hoặc ngầm, hoặc qua trung-gian của Lakhdar Brahimi vẫn tiếp diễn! Chưa kể đến các thảo-luận hậu-trường giữa Nga và Mỹ!

Hai phe đã gặp gỡ nhau liên-tục ba ngày ở trụ-sở LHQ tại Genève và đã vấp phải những vấn đề chánh-trị không, hay chưa, vượt qua được trong đó có việc lập một chánh-quyền chuyển-tiếp, các vấn-đề nhân-đạo, …

Eima Fleyhane thuộc phía đối-lập nói là thái-độ của phe chánh-quyền thiếu xây-dựng vì muốn lái việc thảo-luận ra ngoài việc áp-dụng các quyết-định của Genève I, thay vào đó là nói về vấn-đề khủng-bố.

Ngược lại, phía chánh-quyền Syrie đổ lỗi cho phe đối lập đã làm bế-tắc cuộc thảo-luận khi bác bỏ ‘lộ-trình đồ’  (feuille de route) do chánh-quyền Damas đưa ra và chỉ muốn thảo-luận về cơ cấu chánh-quyền chuyển-tiếp. Theo đại diện phe chánh-quyền Damas ‘lộ-trình thư’ đưa ra năm điểm gồm có: tôn trọng chủ quyền và độc-lập của Syrie, loại bỏ mọi can-thiệp nước ngoài, Syrie là một nền dân chủ đa nguyên, loại trừ việc khủng-bố và duy-trì các định-chế của Nhà Nước.

Do sự bế tắc này, trung-gian hòa-giải của LHQ, Lakhdar Brahimi đã cho bế-mạc phiên họp. Mặc dù vậy, ông Lakhdar Brahimi vẫn lạc-quan “Đây không phải là những cuộc thảo luận dễ dàng, không phải cho những ngày vừa qua, không phải cho ngày hôm nay và sẽ không phải cho ngày mai… Chưa có việc xuyên phá nhưng chúng tôi đang làm cho điều này và đối với tôi, đó đã là việc tốt”

Hai bên đối lập cũng như chánh-quyền đều cho biết sẽ không rời khỏi bàn hội-nghị. Thứ-trưởng ngoại-giao Syrie, Fayçal Moqdad, cho biết sẽ tiếp tục thảo-luận. Phiá đối-lập, Rima Fleyhane cho biết tiếp tục ở lại cho đến khi mục tiêu cuộc họp đạt tới nghĩa là việc thành-lập một cơ-cấu chánh-quyền chuyển-tiếp! Phía đối lập coi cơ-cấu chánh-quyền chuyển-tiếp không có sự hiện-diện của tổng-thống Bachar al Assad trong khi phe chánh-quyền coi cơ-cấu chánh-quyền chuyển-tiếp là một chánh-quyền mở rộng không đòi hỏi việc ra đi của ông Bachar al Assad!
Kể từ ngày thứ bảy, các phe đối-lập và chánh-quyền đã tiếp-xúc nhau qua trung-gian ông Lakhdar Brahimi và các vấn-đề đưa ra gồm các vấn đề nhân-đạo, vấn-đề người mất-tích và tù nhân.

Sau khi thảo-luận với Lakhdar Brahimi, chánh-quyền Damas đã đồng-ý cho phụ nữ và trẻ em rời khỏi Homs, nơi bị vây hãm từ nhiều tháng qua. Trong khi đó, phe đối lập đòi ưu-tiên tiếp-tế y dược và thực-phẩm cho dân-chúng ở Homs. Ngoài ra, phe đối-lập còn đòi phải bảo-đảm việc những người rời khỏi Homs không bị nhà cầm-quyền Damas bắt giữ sau đó! Phe đối lập cũng bày tỏ sự nghi ngờ là một khi phụ nữ và trẻ em rời khỏi Homs, chánh-quyền Syrie sẽ tấn công mạnh mẽ ở đây.

Trong phiên họp buổi sáng ngày thứ tư 29.01.2014, dưới sự chủ toạ của ông lakhdar Brahimi, phe đối lập và phe chánh-quyền Syrie đã đạt tới thoả-thuận dùng ‘thông-cáo Genève’, bản văn tháng sáu 2012 như là căn-bản để thương-thuyết về hoà-bình; trong bản văn này có dự trù một chánh-quyền chuyển-tiếp. Cho đến nay, phe đối lập và phe chánh-quyền Syrie diễn dịch thông cáo Genève một cách khác nhau. Vào trưa thứ tư, phe đối lập nói là đã ‘có một bước tiến’  trong việc thương-thuyết. Louai Safi, thuộc phe đối-lập, cho biết ‘lần đầu tiên, chúng tôi đang nói đến thẩm-quyền chính-phủ chuyển-tiếp để chấm dứt chế độ độc tài và để chấm dứt các giao-tranh và khốn cùng ở Syrie’. Về phía đặc sứ LHQ, ông Lakhdar Brahimi cho biết là không chờ đợi một thành-công thiết-thực nào và hi-vọng cuộc họp đợt hai sẽ khá hơn đợt đầu! Trong khi đó, ở hậu trường, một bên là Nga, nước ủng hộ chế-độ Damas, và một bên là Mỹ với sự hậu-thuẫn của Pháp và các nước bạn Syrie ủng hộ phe nổi dậy, đang có những vận-động mạnh mẽ đối với hai phái đoàn để hai bên đi tới một thoả hiệp trong ngày thứ sáu 31.01, trước khi chuyển sang giai-đoạn hai. Trong khi chờ đợi, việc tiếp tế nhân-đạo vẫn còn bị dậm chân tại chỗ và các giao-tranh vẫn tiếp tục.

Sau một tuần lễ thảo-luận qua trung-gian LHQ Lakhdar Brahimi, mặc dù phe đối-lập và phe chánh-quyền cùng ngồi chung trong một phòng họp kể từ ngày 25.01 vừa qua, lập-trường của đôi bên vẫn không thay đổi. Phái-đoàn của chánh-quyền Syrie đang tham khảo với chánh- phủ và cuộc họp sẽ được nhóm trở lại, trên nguyên-tắc, vào ngày 10.02. Trong cuộc họp báo ngày thứ sáu 31.01, ông Brahimi xác-nhận cuộc họp Genève 2 này đã là ‘một khởi đầu khiêm-tốn, nhưng mà là một khởi đầu mà người ta có thể xây dựng trên đó… Đây đã là một sự khởi-động rất khó khăn….và vị-thế quan-trọng của đôi bên hãy còn rất xa cách nhau.

Những nước ủng hộ phe đối-lập Syrie (Mỹ, Pháp, Anh, Ý, Đức, Ai Cập, Jordanie, Qatar, Aeabie Saoudite, Thổ Nhĩ Kỳ, Emirats arabes unis) coi là chế-độ Damas phải chịu trách-nhiệm về việc không có những tiến-bộ thực sự và đã áp dụng chánh-sách  gây tắc nghẽn. Các nước này cũng đánh vào mặt tình cảm của quần chúng khi coi chế độ Damas áp dụng chánh-sách làm đói hàng trăm ngàn người ở Damas, Homs hay ở những nơi khác khi không cho những người này nhận tiếp tế thực phẩm, y dược. Bằng hành-động để thay cho trả lời, chánh-quyền Damas trong ngày thứ năm và thứ sáu đã cho phép chở lương-thực tới trại Yarmouk ở Damas để tiếp tế cho người Palestine dù rằng điều này không được đề cập đến trong các cuộc thảo-luận.

Thủ-lãnh của phe đối-lập Syrie, Ahmad Jorba, cáo buộc chế-độ Damas không đưa ra một cam kết nghiêm-chỉnh trong các cuộc thương thuyết, và cho biết phe nổi dậy võ trang sẽ tiếp-tục nếu họ tiếp tục bị chánh-quyền Damas xâm phạm. Trong khi đó, phe chánh quyền Damas, qua tuyên bố của tổng-trưởng thông-tin Omrane al-Zohbi tại trụ sở của ONU tại Genève, ‘không ở trong vòng họp này, cũng không phải trong các vòng họp tới, họ sẽ không đạt được ở chánh-quyền Syrie bất kỳ một nhượng bộ nào’. Walid Mouallem, thành-viên của phái đoàn Damas, cho biết không đạt được một kết-quả rõ rệt nào và cáo-buộc phe đối-lập thiếu trách-nhiệm và nghiêm-chỉnh, coi như chúng tôi đến đây chỉ trong một giờ và phải nhượng-bộ họ mọi sự. Mouallem nói thêm ‘không ai có thể thay chỗ cho ban lãnh-đạo Syrie’.

Mới thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ hội nghị Genève 2 ngay từ vòng đầu đã thất bại vì hai bên không đạt được một thoả-thuận nào. Nếu nhìn lại lập-trường đôi bên kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy ở Syrie từ ba năm qua cho đến nay, phải nói là đã có những thay đổi quan-trọng. Buổi đầu, quân nổi dậy nhất định đòi Bachar al Assad phải ra đi rồi sau đó Bachar al Assad phải ra đi mới có việc thành-lập chánh-quyền chuyển-tiếp và không thương thuyết với chế-độ của ông Bachar al Assad, giờ đây phe đối lập đã phải ngồi vào bàn hội-nghị để thảo-luận – dù là qua trung gian của ông Lakhdar Brahimi – với chánh-quyền của chế-độ Damas trong lúc ông Bachar vẫn còn nắm quyền! Và phía chế-độ Damas, mặc dù tiếp tục coi phe nổi dậy là những quân khủng-bố, cuối cùng cũng đã ngồi lại thảo-luận với phe nổi dậy!

Nhưng hãy còn quá sớm để có thể nói đến việc có những tiến-bộ trong việc giải-quyết tranh-chấp ở Syrie. Phiá chánh-quyền Damas đã cho thấy thiện-chí trong việc mong muốn giải-quyết cuộc khủng-hoảng ở Syrie như việc chấp-thuận cho quốc-tế đến điều-tra, kiểm-soát và phá-hủy các vũ-khí hoá-học của Syrie, chấp-nhận việc tham-dự hội-nghị Genève 2. Chánh-quyền Damas cũng gởi một phái-bộ đến vận-động với Toà Thánh Vatican. Về phiá đối lập Syrie, sau nhiều do dự, cuối cùng cũng đã đến tham dự Genève 2. Nhưng không phải việc gặp nhau giữa hai bên đủ để giải-quyết cuộc khủng-hoảng Syrie trong một vài phiên họp. Tiến-trình có lẽ sẽ lâu và khó khăn do tình hình phức tạp trong vùng! Trong khi hội đàm Genève 2 diễn ra, các giao-tranh vẫn tiếp tục và đã có khoảng 1900 người bị chết! Chánh quyền Damas đã cho phép tiếp tế thực phẩm và y dược cho trại Yarmouk ở Damas, cho phép phụ nữ và trẻ em ở đây được di tản; trại này đã bị quân chánh-phủ vây hãm từ nhiều tháng qua nhưng không được phe đối lập đề cập đến trong các thảo luận. Chánh quyền Damas cũng đồng ý cho phụ nữ và trẻ em rời khỏi Homs, nhưng chưa cho phép có những tiếp tế nhân-đạo.

Một cuộc họp Genève 2 vòng hai trên nguyên tắc sẽ được triệu-tập ngày 10.02. Ngoại-trưởng Mouallem của Syrie cho biết còn chờ tham khảo với tổng-thống Bachar al Assad để biết có tham dự cuộc họp vòng hai hay không, trong khi đó, phe đối lập, qua tuyên-bố của ông Jarba, cho biết sẽ tham-dự cuộc họp lần tới. Về phiá ông Brahimi, ông này ghi nhận ‘có một vài điểm hội-tụ’ và cho biết sẽ tham-khảo với tổng thư ký LHQ và các ngoại-trưởng Nga và Mỹ.

Đối với phe đối lập, theo Massoud Akko, một thành-viên của toán kỹ-thuật, họ đã đạt được một chiến-thắng tiêu biểu vì “đã đẩy phe chánh-quyền phải thương-thuyết với ‘nhân-dân’ Syrie. Đây là lần đầu tiên chế độ đã chấp nhận thảo-luận về tương-lai Syrie với người dân Syrie. Đây là điều ít nhất chúng tôi có được”. Nhưng điều này xem chừng là một sự khoa trương. Phe đối-lập đến tham dự Genève 2 chỉ là một phần của phe đối-lập, trong đó có nhiều thành-phần chống đối nhau như các nhóm djihad EIIL, nhóm Front al Nosra theo Al Qaïda. Nhóm đối lập tham dự Genève 2, được coi là nhóm ôn-hòa, đứng ở giữa hai làn đạn: phe nổi dậy theo ý-thức-hệ hồi-giáo và phe chánh quyền Damas. Càng kéo dài thương-thuyết, càng bất lợi cho họ. Mặc khác, nếu như cuộc thương thuyết có đạt đến một kết quả nào đó, liệu rằng điều này sẽ được các phe đối lập khác chấp nhận? Và khi chấp-nhận thảo-luận tại hội-nghị Genève 2 với phe chánh-quyền Damas, phe đối-lập ‘ôn-hoà’ đương-nhiên đã thừa nhận chánh-quyền Damas. Vị thế chánh-trị của họ bị yếu đi Thêm vào đó, trên diện địa, đã có nhiều nhóm võ-trang của ASL về qui-thuận chế-độ Damas. Điều này không được giới truyền-thông tây phương nói đến!

Theo Volker Perthes, một chuyên gia Đức về chánh-sách đối-ngoại và vấn-đề an-ninh, hội nghị Genève 2 vừa qua đã là ‘bước đầu hướng đến việc có thể thành công vì đôi bên đã thừa nhận nhau như là thành phần họ phải thương thuyết. Người ta không thể mong muốn hơn’.
Cuộc khủng-hoảng ở Syrie đã kéo dài gần ba năm, giải-quyết việc này không phải là điều có thể thực-hiện trong vòng một vài phiên họp. Sẽ không phải là việc phe chánh quyền Damas và phe đối lập ‘ôn-hoà’ nói chuyện với nhau, đó còn là việc thương thuyết giữa hai nước Nga (ủng hộ Syrie) và Mỹ (cùng với các nước bạn Syrie, ủng hộ phe nổi dậy) trong hậu-trường. Cũng còn phải kể đến những quốc-gia có ảnh-hưởng trong vùng như Iran (ủng hộ Syrie) và Arabie Saoudite (ủng-hộ phe nổi dậy). Một hội-nghị Genève mở rộng có thể được nghĩ tới. Và cũng không loại trừ việc thành-lập một chánh-quyền hoà-giải hoà-hợp theo kiểu Cam-Bốt trước đây giữa hoàng-gia Cam-Bốt (với Norodom Sihanouk) và Khmers Đỏ (với Hunsen). Cũng có thể có việc lập các vùng tự trị Kurde và đối lập và vùng dưới quyền kiểm soát của Damas.

Nhữ Đình Hùng tổng-hợp và bình-luận 03.02.2014

Tham khảo:
http://www.rfi.fr/moyen-orient/20140201-syrie-geneve-assad-etats-unis-brahimi-russie
http://www.lemonde.fr/idees/article/2014/02/01/syrie-pour-une-autre-negociation_4358225_3232.html
http://www.lemonde.fr/proche-orient/article/2014/02/03/syrie-il-faut-faire-redescendre-geneve-2-sur-terre_4359427_3218.html
http://www.leparisien.fr/international/video-syrie-le-regime-laisse-femmes-et-enfants-quitter-homs-assiegee-27-01-2014-3529601.php
http://www.affaires-strategiques.info/spip.php?article9174
http://www.voltairenet.org/article181999.html