ĐVQDĐ – Quá trình tranh đấu, từ thành lập đến phân hóa (1939-1964) – Hoài Sơn

Cac Bai Khac

No sub-categories

ĐVQDĐ – Quá trình tranh đấu, từ thành lập đến phân hóa (1939-1964) – Hoài Sơn

LGT:  Tôi sanh năm Quí Hợi (1923) đến nay đã được 90 tuổi, và gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ) năm Ất Dậu  (1945), đến nay vừa đúng 68 năm.

Nhờ tôi sống dai lại hoạt động tương đối lâu năm, nên nhiều bạn trẻ trong Đảng cho rằng tôi đã được  ”lên lão làng”, ngõ ý nhờ tôi kễ lại cuộc đời hoạt động của mình, để qua đó biết được phần nào quá trình tranh đấu của Đảng, đồng thời biết được những nguyên nhơn nào đã khiến ĐVQDĐ phân hóa thành ba Đảng:  Tân Đại Việt (TĐV),  Đại Việt Cách Mạng (ĐVCM), và Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQD Đ) như hiện nay. Chiều lòng các bạn trẻ ấy, tôi viết bài này. Nhưng tôi xin thưa trưóc, bài này chỉ là bài hồi ức, lại là hồi ức của một lão làng đã đến tuổi lẩn thẩn, nhớ trước quên sau, nên chắc chắn là trong bài có nhiều thiếu sót và lầm lẫn. Vì đó, tôi kính mong quí vị cao niên, các bậc thức giả, khi nhận thấy những điều thiếu sót và lầm lẫn đó, xin nêu lên để tôi kịp thời sửa chữa, tránh cho những bạn trẻ khỏi bị lầm lạc, thì tôi xin cảm tạ rất nhiều.

Ngoài ra, trong bài này, đối với những đảng viên trước hoặc sau tôi, dầu lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, tôi đều gọi tất cả bằng ”anh”, chớ không bằng ”ông, bác” hay ”em, cháu”, theo ”truyền thống bất thành văn” lâu nay trong Đảng.  Vậy xin bạn đọc thông cảm cho.

Bài hồi ức của tôi là ”Từ quá trình tranh đấu của ĐVQD Đ đến nguyên nhân phân hóa Đảng thành 3 hệ phái khác nhau”.  Bài gồm có hai phần là:

1.- Quá trình tranh đấu của ĐVQD Đ từ ngày thành lập (1939) cho đến ngày phân hóa (1964) :  25 năm.

2.- Những nguyên nhơn chánh khiến ĐVQD Đ phân hóa thành nhiều hệ phái khác nhau.

Nhưng trước khi vào bài, tưởng cũng nên nhắc sơ qua về tiểu sử của Đảng trưởng Trương Tử Anh cùng cuộc đời sóng gió nhưng ngắn ngủi của anh.

 

Tiểu sử Đảng Trưởng Trương Tử Anh.

Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQD Đ) do Đảng Trưởng Trương Tử Anh sáng lập tại Hà Nội năm 1939, ngay sau khi nước Đức phát khởi trận Thế Chiến thứ Hai tại Âu Châu.

Trương Tử Anh tên thật là Trương Kháng, bí danh là Phương, thường được gọi là anh Cả Phương, nhưng về sau được nhiều người biết đến dưới tên Trương Tử Anh.

Anh sanh năm 1914 tại làng Mỹ Thanh, tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, và thất tung tại Hà Nội ngày 19-12-1946, ngày bắt đầu khai diễn cuộc chiến tranh toàn quốc giữ Việt Nam và Pháp.

Chịu ảnh hưởng của truyền thống gia đình, anh tham gia cách mạng lúc còn niên thiếu. Năm 1935, anh ra Hà Nội học Trường Đại Học Luật Khoa, đồng thời tiếp xúc với những phần tử cách mạng, nhứt là trong giới trí thức, để mưu đồ thành lập một chánh đảng quốc gia có một lý thuyết chính trị vững chắc làm nền tảng.

Ngày 10-12-1938, anh cho công bố chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn (DTST) rồi sang năm sau (1939), công bố thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQD Đ) lấy chủ ngĩa DTST làm nền tảng.  Anh được tôn làm Đảng Trưởng, lúc bấy giờ mới có 25 tuổi.

Trong thời kỳ hoạt động, anh bị nhà cầm quyền Pháp bắt và giam giữ nhiều lần; và trong nhà tù, anh được dịp thảo luận về chủ nghĩa và chánh sách với các lãnh tụ cộng sản cùng bị giam chung với anh.  Vì đó, anh thấy rõ tất cả những tai hại của chủ nghĩa Cộng sản.  Điều này làm cho anh cố gắng xây dựng chủ nghĩa DTST thành một chủ nghĩa trực tiếp đương đầu lại chủ nghĩa Cộng sản.

 

I.- Quá trình tranh đấu của Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQD Đ) từ ngày thành lập cho đến ngày phân hóa (1939 – 1964)

A.- Quá trình tranh đấu từ 1939 đến 1954.

Sau khi thành lập ĐVQD Đ, Đảng Trưởng ra sức hoạt động nên chẳng bao lâu kết nạp được những đảng viên năng nổ làm nồng cốt để phát triển Đảng: Nguyễn Tiến Hỷ, Đặng Văn Sung, Nguyễn Tôn Hoàn (Nguyễn Tôn Hoàn lúc bấy giờ còn là sinh viên y khoa, học tại Hà Nội, nên hoạt động tại Miền Bắc), Đặng Vũ Lạc, Đặng Vũ Trứ (Trứ vừa tốt nghiệp bác sĩ, ngoan cường, bị cộng sản bắt, chống cự đến cùng, nên bị họ thủ tiêu. Anh được Đảng vinh danh là liệt sĩ, dùng tên anh để đặt tên cho Phân Bộ Thanh Niên, Sinh Viên:  Phân bộ Đặng Vũ Trứ ).

1.- Hoạt động quân sự:

-Năm 1944, Đảng Trưởng cho thành lập Chiến khu Kép (thuộc tỉnh Bắc Giang), sau đó chiến khu Lạc Triệu (thuộc tỉnh Hải Dương) với trường võ bị sĩ quan Lạc Triệu. Anh Triệu Giang tức Tướng Phạm Cao Hùng (từng được đào luyện tại trường Hoàng Phố, Trung Hoa) làm Chỉ Huy Trưởng Trường này.

– Năm 1945, thành lập Chiến khu An Điền, thuộc quận Thủ Đức (Gia Định) với anh Bùi Hữu Phiệt làm Chỉ Huy Trưởng. Ban Tham mưu gồm có Nguyễn Văn Tại (Năm Tại), Phan Khắc Sửu, Trần Quốc Bửu, vừa từ Côn Đảo về và gia nhập ĐVQD Đ.  Bộ đội An Điền vừa chống Pháp vừa chống Cộng sản, đã thắng Pháp nhiều trận lẫy lừng ở Dốc 47, gần Long Thành, Tân Uyên, Củ Chi, khiến tướng Nguyễn Bình (cộng sản ) lo ngại nên đến đầu năm 1947, cho huy động các trung đoàn chủ lực của Việt Minh và Bình Xuyên của Bảy Viễn đến bao vây và tiêu diệt.  Bộ Đội An bị thiệt hại nặng và tan rã.  Anh Bùi Hữu Phiệt chết tại trận. Ba anh Phan Khắc Sữu, Trần Quốc Bửu, Nguyễn Văn Tại phải mở đường máu mới thoát hiễm.  Đến Sài gòn, Phan Khắc Sửu tách ra, hoạt động chính trị độc lập, rồi trở thành Quốc Trưởng.  Trần Quốc Bửu thành lập Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam rồi trở thành vua Lao Động tại Miền Nam cho đến ngày VNCH sụp đổ (1975). Còn anh Nguyễn Văn Tại tiếp tục hoạt động trong hàng ngũ ĐVQD Đ, TĐV, PTQGCT (trước 1975), rồi LMDCVN (sau 1975 tại hải ngoại) cho đến ngày từ trần tại Nam California (2001).

– Cuối năm 1945 và đầu năm 1946, ĐVQD Đ kết hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập Khối Quốc Dân Đảng, rồi cho thành lập Trường Lục Quân Yên Bái. Trường Lục Quân Yên Bái là danh hiệu chung để chỉ các trường Đại Việt Lục Quân Sĩ Quan (Sa Pa) và trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn (Yên Bái). Trường khai giảng ngày 31 tháng Giêng năm 1946 (nhằm ngày 29 Tết Bính Tuất), có phái bộ Trung Ương do anh Đặng Vũ Trứ thay mặt Đảng Trưởng đến dự. Chỉ huy trưởng trường là một Đại tá Nhựt có tên Việt là Hùng San (theo Nhựt ngữ, San có nghĩa là Ngài, là Ông. Vậy Hùng San có nghĩa là ông Hùng, ngài Hùng). Chỉ huy phó là ông Dân, tức Dân San (trung tá). Ban Giáo Quan (sĩ quan huấn luyện và sĩ quan cán bộ) gồm có những sĩ quan Nhựt (đào thoát quân đội Nhựt, sau ngày Nhựt đầu hàng Đồng Minh) và sĩ quan Việt (đào thoát quân đội Pháp sau ngày Pháp bị Nhựt đảo chánh ngày 9/3/1945) đã gia nhập ĐVQD Đ.  Trường được đào luyện theo lối Nhựt: chương trình học tập rất nặng nề, kỹ luật thật gắt gao: ba tháng đầu, các sinh viên phải học tập và sống như một binh sĩ, ba tháng kế tiếp như một hạ sĩ quan, và sáu tháng cuối cùng như một sĩ quan.  Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu, đại tá Phạm Văn Liễu, cũng như Tổng Trưởng XDNT Nguyễn Tất Ứng, Đại sứ Trần Kim Phượng, Ký giả Nguyễn Tú (báo Chính Luận) và nhiều đảng viên cao cấp khác nữa đều xuất thân từ trường này.

– Giữa năm 1948, Đảng cho lập Chiến khu An Thành tại Cù lao An Thành, đối diện với Tỉnh lỵ Vĩnh Long.  Chiến khu qui tụ nhiều đảng viên trẻ, năng nỗ và kiên cường, nên phát triển rất nhanh, được dân trên toàn đảo ủng hộ. Cộng sản rất lo ngại, nên đế tháng 8/1949, họ huy động nhiều đơn vị chính qui trong vùng, tập trung tấn công tràn ngập. Chiến khu bị thiệt hại nặng nề. Hơn 20 đảng viên bị thiệt mạng, chôn một phần tại cù lao, một phần tại nghĩa trang tỉnh lỵ Vĩnh Long.  Các anh Nguyễn Văn Hữu (trung tá), Dương Hiếu Nghĩa (đại tá), Trần Văn Tự (đại tá), Dương Quang Tiếp (đại tá), Dương Quang Thừa (trung tá) là những đảng viên đã chiến đấu kiên cường tại đây, trước khi trở thành những sĩ quan ưu tú của Quân Lực VNCH.

2.- Hoạt Động chánh trị.

– Năm 1944, Đảng Trưởng Trương Tử Anh đưa ĐVQDĐ liên kết với Đại Việt Quốc Xã (ĐVQX) của ông Nguyễn Xuân Tiếu, Đại Việt Duy Dân (ĐVDĐ) của ông Lý Đông A, và Đại Việt Dân Chính (ĐVDC) của ông Nguyễn Tường Tam thành lập một Mặt Trận rộng rãi lấy tên là Đại Việt Quốc Gia Liên Minh (ĐVQGLM) để gây thêm thanh thế.

– Cuối năm 1945, khi Cộng sản cướp được chánh quyền , anh Trương Tử Anh đứng lên chống lại họ và đưa ĐVQDĐ liên kết với VNQDĐ thành lập Khối Quốc Dân Đảng (QDĐ) để chống lại Việt Minh Cộng sản.

– Sau ngày 6-3-1946, ngày Việt Minh và Pháp bắt tay nhau ký Sơ ước mùng 6 tháng Ba, anh cho tách ĐVQD Đ ra khỏi Khối, vì không đồng ý với các lãnh tụ VNQDĐ đã hợp tác với Việt Minh ký vào bản Sơ ước chấp nhận cho Việt Nam  đứng trong Liên Bang Đông Đương và Liên Hiệp Pháp, đồng thời cho phép quân đội Pháp đổ bộ ra Bắc.

Sau đó, liên minh Việt Minh – Pháp tấn công các chiến khu ĐVQDĐ (chiến khu Kép, chiến khu Lạc Triệu có trường sĩ quan Lạc Triệu, chiến khu Lào Cai có trường Lục Quân Yên Bái). Trước sức tấn công ồ ạt của liên quân Việt minh- Pháp được võ trang hùng hậu và yểm trợ mạnh mẽ bằng pháo binh, thiết giáp, các lực lượng quân sự của ĐVQDĐ lần lượt thất bại rồi tan rã; tàn quân phải lánh sang Tàu.  Riêng anh Trương Tử Anh vẫn ở lại Hà Nội để tiếp tục điều khiển cuộc tranh đấu chống Cộng sản và Thực dân cho đến ngày 19-12-1946, ngày Pháp trở mặt tấn công Việt minh và cũng là ngày anh bặt tích.

–  Đầu năm 1948, khi giải pháp Bảo Đại được thành hình, Xứ Bộ Miền Nam ĐVQDĐ

cho thành lập một tổ chức ngoại vi lấy tên là Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn (TNBQĐ) để làm lực lượng chính trị hậu thuẫn cho giải pháp.

TNBQĐ đặt trụ sở tại rạp hát Đội Có, Tân Định, do anh Đỗ Văn Năng làm Thủ Lãnh, anh Trần Văn Xuân làm Phó Thủ Lãnh, và anh Vương Hữu Đức làm Tổng Thư Ký.  Tiếng nói Chánh thức của Đoàn là nhựt báo Thanh Niên.

Đoàn phát triển rất mau. Mới có một năm mà đã có mặt trên gần khắp các tỉnh Miền Nam, và đến cuối năm sau- 1949  -phát triển ra tận Miền Bắc.

Trước đà phát triển nhanh chóng của TNBQĐ, Cộng sản lo sợ nên đến tháng Giêng 1950, họ ra lệnh cho đoàn công tác thành của họ ở Sài gòn ám sát anh Đỗ Văn Năng.  Anh Năng chết, anh Trần Văn Xuân lên thay. TNBQĐ vẫn tiếp tục phát triển và đặt chơn lên Miền Bắc.  Khi TNBQĐ đã có mặt trên khắp nước thì anh Trần Văn Xuân trở thành Thủ Lãnh toàn quốc, anh Vương Hữu Đức làm Thủ Lãnh Bắc Việt, và anh Phạm Thái (Nguyễn Ngọc Tân) làm Tổng Thư Ký (thay anh Vương Hữu Đức vừa thăng chức).

Nhờ sự hoạt động đắc lực của TNBQĐ mà trong Chánh phủ đầu tiên của Cựu hoàng Bảo Đại, có đến 5 đảng viên ĐVQD Đ tham chánh.  Đó là các anh:

1.         Nguyễn Tôn Hoàn                   Bộ Trưởng Bộ Thanh niên

2.         Lê Thăng                                 Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao

3.         Đặng Trinh Kỳ                         Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng

4.         Phan Huy Quát (1)                   Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục

5.         Nguyễn Hữu Trí                                   Thủ Hiến Bắc Việt

(1)Bác sĩ Phan Huy Quát chỉ là một chánh khách độc lập, không đảng phái. Nhưng vì hoạt động chung và có cảm tình với các đảng viên Đại Việt nên bị mắc hàm oan là Đại Việt, lại là Đại Việt quan lại.

Vì TNBQĐ chủ trương chống Pháp cực đoan nên đến giữa năm 1951, nhơn vụ Chanson- Thái Lập Thành bị ám sát chết ở Sadec (tên khủng bố có mang thẻ TNBQĐ), Tướng De Lattre de Tassigny ra lịnh giải tán TNBQĐ.  Các anh Trần Văn Xuân, Vương Hữu Đức, Phạm Thái bị bắt giam từ 1951, mãi đến 1953 mới được trả tự do.

-Giữa năm 1950, song song với TNBQĐ tại Miền Nam, Xứ Bộ Miền Bắc ĐVQD Đ cho ra mắt tại Hà Nội một tổ chức ngoại vi khác lấy tên là Phong Trào Quốc Gia Bình Dân (PTQGBD) do các anh Đặng Văn Sung, Bùi Diễm, Phan Huy Quát, Lê Thăng, Đặng Trinh Kỳ.. . lãnh đạo.  Phong Trào này đặt trụ sở tại số . … đường Reinach (Hà Nội), và dùng tờ Thanh Niên làm cơ quan ngô luận.  Phong Trào hoạt động đến năm 1954 thì chấm dứt do Hiệp định Genève chia hai đất nước .

3.- Họp Trung Ương Đảng Bộ ĐVQD Đ (1950 -1952)

Sau khi Đảng Trưởng Trương Tử Anh mất tích vào cuối năm 1946, ĐVQD Đ phải trải

qua một cuộc khủng hoảng nặng nề, vì những người trong Đảng lúc bấy giờ, không ai có đủ uy tín để thay Đảng Trưởng lãnh đạo Đảng.  Lại nữa, chiến tranh toàn quốc vừa xảy ra (19-12-1946), việc giao thông giữa ba Miền bị gián đoạn, nên các Xứ Bộ, theo xu hướng biến cải tự lo giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.

Mãi đến khi giải pháp Bảo Đại thành hình (1948), việc đi lại không còn khó khăn nữa, Đảng mới bắt đầu họp Trung Ương được . Trung Ương Đảng Bộ họp hằng năm, trong ba năm liền (từ năm 1950 đến năm 1952), khi thì ở Sài Gòn, khi thì ở Hà Nội để giải quyết nhiều vấn đề trọng đại, trong đó có hai vấn đề gai gốc nhứt, phải đến năm thứ ba (1952) mới giải quyết được.  Đó là vấn đề Đảng kỳ và vấn đề dân chủ hóa (thay chủ trương lãnh tụ chế của Đảng)

a)- Vấn đề Đảng kỳ.

Nguyên Đảng kỳ của ĐVQD Đ từ ngày thành lập là nền đỏ, giữa có vòng xanh, trong vòng xanh có ngôi sao trắng, nên thường gọi là cờ Sao Trắng.  Lúc ĐVQD Đ liên minh với VNQD Đ chống lại Việt Minh, và lập Khối Quốc Dân Đảng trong hai năm 1945 -1946 thì cả hai đảng đều đồng thuận dùng lá cờ Sao Trắng làm cờ cho Khối.  Sau khi Khối tan rã thì ĐVQD Đ tiếp tục dùng cờ Sao Trắng đã đành, mà VNQD Đ cũng tiếp tục dùng cờ đó nữa (cho đến ngày nay (2013), VNQD Đ vẫn còn dùng cờ Sao Trắng là Đảng kỳ của mình).

Để tránh lầm lẫn dễ đưa đến ngộ nhận, năm 1950, khi bắt đầu mở Hội nghị trung ương lần đầu, Xứ Bộ Miền Nam đã đề nghị với Đại Hội cho đổi lại Đảng kỳ bằng cách thêm một sọc vàng ở giữa nền đỏ theo chiều dài để phân biệt với Đảng kỳ của VNQD Đ.  Như vậy, Đảng kỳ mới sẽ là: nền có 3 sọc bằng nhau theo chiều dài, 2 sọc ngoài màu đỏ, sọc giữa màu vàng, và giữa nền, vẫn có vòng xanh, sao trắng như cũ.

b)- Vấn đề chủ trương dân chủ hóa Đảng.

Khi mới thành lập Đảng, Đảng Trưởng Trương Tử Anh chủ trương ĐVQD Đ theo đường lối lãnh tụ chế, tức là chế độ theo đó ở mỗi cấp bực có một lãnh tụ (được gọi là Trưởng) toàn quyền quyết định việc điều hành đảng vụ.  Như ở trung ương có đảng trưởng, ở cấp Xứ có Xứ Trưởng, ở cấp tỉnh có Tỉnh bộ trưởng, ở cấp quận có Quận bộ trưởng, ở cấp xã có Xã bộ trưởng,…

Sở dĩ, Đảng Trưởng Trương Tử Anh chủ trương lãnh tụ chế vì lúc anh nêu ra chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn (1938) thì các nước Dân Chủ Tự Do (Anh, Pháp) đang hồi suy yếu, còn các nước theo chế độ độc tài quốc gia (Đức, Ý, Nhựt) thì đang trong thời kỳ cực thịnh.  Do đó, anh Trương Tử Anh đã nghiêng về chủ trương xây dựng một chánh quyền mạnh áp dụng lãnh tụ chế (tức chế độ độc tài) trong việc điều khiển Đảng.  Có như vậy thì Đảng mới bảo mật được trong lúc tranh đấu bí mật và xây dựng đất nước nhanh khi ra hoạt động công khai.

Nhưng khi áp dụng lãnh tụ chế, Xứ Bộ Miền Nam gặp phải anh Xứ Trưởng độc đoán phạm những sai lầm tai hại khiến Xứ Bộ gần như bị tan rã, sau đó phải dùng biện pháp mạnh mới chấm dứt được cuộc khủng hoảng.  Nguyên sau khi thành lập ĐVQD Đ, anh Trương Tử Anh ra sức hoạt động để phát triển Đảng.  Xứ Bộ Miền Bắc và Miền Trung lần lượt ra đời.  Tại Miền Nam, mãi đến cuối năm 1944, anh mới cho một phái đoàn gồm 4 anh gốc miền Nam về hoạt động.  Đó là các anh có bí danh trùng hợp với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín:

1.         Phạm Đăng Cảnh, bí danh Nhân,

2.         Nguyễn Văn Kiểu, bí danh Nghĩa (anh Kiểu là anh ruột của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu).

3.         Nguyễn Văn Hướng, bí danh Lễ hay Mười Lễ hay Phạm huy Lễ, anh là Xứ Trưởng.

4.         4. Nguyễn Tấn Thành, bí danh Trí, rồi Tín.

Về đến quê nhà Phan Rang, anh Nguyễn Văn Kiểu dừng lại, phát triển Đảng tại hai tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang) và Bình Thuận (Phan Thiết), không về Sài Gòn.

Ba anh còn lại tiếp tục về Nam và chia nhau hoạt động tại Sài Gòn (Miền Đông) và Cần Thơ (Miền Tây).

Tại Miền Đông, các anh lần lượt kết nạp được  12 đảng viên (1945- 1946) :

Tại Miền Tây, các anh lần lượt kết nạp được 16 đảng viên (1945- 1946) :

(28 đảng viên nêu trên gồm nhiều đảng viên tên tuổi mà tác giả có nêu rõ tên họ. Vì để bảo mật cho đoàn thể, và bảo vệ an ninh cho các đương sự, nên Ban Chủ Biên TĐV mạn phép không công bố tên họ, vì cuộc tranh đấu ở trong nước còn đang tiếp diễn).

Trong 28 đảng viên được kết nạp trên đây (Miền Đông 12 d/v, Miền Tây 16 d/v), trừ các anh Đỗ Văn Năng bị ám sát chết, Bùi Hữu Phiệt tử trận, Nguyễn Văn Lâm sang Pháp nên vắng mặt,Phan Khắc Sửu tách ra hoạt động độc lập,Trần Quốc Bửu thành lập nghiệp đoàn,Trần Văn Xuân cũng tách ra từ năm 1953, và lập hệ phái riêng. Còn 22 đảng viên còn lại, đến năm 1964, khi thành lập Đảng Tân Đại Việt đều trở thành đảng viên sáng lập của Tân Đại Việt.

 

B.- Quá  trình hoạt động của ĐVQD Đ từ 1954 đến 1964.

Vấn đề thay đổi Đảng kỳ và dân chủ hóa chủ trương đường lối của Đảng là những vấn đề gai gốc, nên Trung Ương Đảng Bộ phải bàn thảo sôi nổi trong ba năm liền mới quyết định được. Xứ Bộ Miền Nam do bị kinh nghiệm đau thương của lãnh tụ chế, nên quyết tâm đề nghị dân chủ hóa, nhưng lại bị hai Xứ Bộ Miền Bắc và Miền Trung quyết liệt từ chối. Trong hai năm liên tiếp 1950-1951.  Mãi đến năm 1952, rút kinh nghiệm, trước khi khai Hội, Xứ Bộ Miền Nam vận động ngầm với một số đại biểu Trung Bắc có cùng chung quan điểm, nên đến khi biểu quyết, mới đạt được đa số, nhưng thật khít khao.

Sau Đại Hội, về địa phương, Xứ Bộ Miền Nam áp dụng ngay Quyết Định của Trung Ương là cho may và treo Đảng kỳ có sọc vàng (và cờ này còn dùng cho đến ngày nay) và áp dụng dân chủ hóa trong nội bộ.

Riêng anh Nguyễn Ngọc Huy lúc bấy giờ đang phụ trách phần khai triển chủ nghĩa DTST, anh cho chuyển chủ nghĩa ngay sang đường lối dân chủ , không những trong nội bộ Đảng mà cả trong tổ chức quốc gia . Sở dĩ anh cho chuyển ngay sang đường lối dân chủ là vì anh đã nhận thức được những họa hại của chế độ độc tài, đồng thời những kinh nghiệm sống của anh sau ngày Đảng Trưởng Trương Tử Anh mất tích, làm cho anh thấy rõ những nhược điểm của lãnh tụ chế.

Chủ nghĩa DTST vốn đặt căn bản trên bản năng của con người. Anh Trương Tử Anh đã nhấn mạnh trên bản năng sinh tồn cá nhơn đưa đến lòng vị kỷ.  Anh quan niệm từ ”vị kỷ ”theo nghĩa hẹp, tức là khuynh hướng chỉ biết có mình, những mưu đồ lợi ích riêng cho mình. Vì cho rằng con người có khuynh hướng vị kỷ theo nghĩa hẹp đó, nên anh chủ trương xây dựng một chánh quyền nghiêm khắc, thi hành những biện pháp gắt gao để bắt mọi người phải sợ mà bỏ lợi ích riêng, tôn trọng quyền lợi chung.

Khi khai triển chủ nghĩa DTST, anh Nguyễn Ngọc Huy đã mở rộng ý nghĩa của từ ngữ vị kỷ. Anh không còn xem vị kỷ là khuynh hướng chỉ biết có mình, chỉ mưu đồ lợi ích cho cá nhơn mình, mà xem vị kỷ là khuynh hướng dựa vào mình, lấy mình làm gốc trong mọi việc và qui mọi việc vào mình.

Ngoài ra, anh Nguyễn Ngọc Huy còn cho rằng, ngoài bản năng sinh tồn cá nhơn làm cho con người vị kỷ, lại còn có bản năng sinh tồn chủng loại làm cho con người biết yêu thương giống nòi, và bản năng xã hội khiến con người biết yêu thương nhơn loại.

Những nhận xét trên đây đã được dùng để biện minh cho một chánh quyền cởi mở hơn, chấp nhận cho người có nhiều tự do dân chủ.

*     *     *

ĐVQD Đ họp Trung ương đảng bộ chưa được bao lâu thì Hiệp định Genève 1954 được ký kết, Việt Nam chia hai đất nước. Ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền và áp dụng chánh sách độc tài gia đình trị.  ĐVQD Đ lập chiến khu Ba Lòng (thuộc vùng Tây nam tỉnh Quãng Trị) để chống lại.  Chiến khu tan vỡ, đảng bị đàn áp nặng nề, một phần bị bắt cầm tù, một phần phải lưu vong ra ngoại quốc, một phần rút vào hoạt động bí mật.

1.- Đảng viên bị bắt cầm tù gồm có:

Trần Việt Sơn, Nguyễn Quốc Xủng, Nguyễn Văn Ngải. . . (Miền Bắc), Hà Thúc Ký, Nguyễn Văn Mân, Đoàn Thái, Hoàng Xuân Tửu, Hoàng Văn Hiền, Nguyễn Văn Lý . . . (Miền Trung), Đỗ Thiện Lân, Lê Bình Tăng (Lê Xuyên), Nguyễn Đình Huy (Việt Huy)(1), Trương Dụng Khả (Minh Nhật), Nguyễn Kim Vui,v.v… (Miền Nam).

2.- Đảng viên lưu vong ra ngoại quốc gồm có:

Phan Thông Thảo, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy, Phạm Văn Mười, Nguyễn Văn Đạt (tại Pháp). Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân, Dương Văn Liệng (tại Cao Miên), Lê Văn Hiệp, Hoài Sơn Ung ngọc Nghĩa (tại Lào)

3.- Đảng viên hoạt động bí mật:

Nguyễn Văn Tại (Năm Tại), Nguyễn Đăng Xinh (Mười Mén), Huỳnh Văn Tồn (Trọng Nhơn), Dương Hiếu Nghĩa (Thần Long).

(1)Nguyễn Đình Huy, đảng viên Miền Bắc, hoạt động trong Xứ Bộ Miền Nam.

Nhờ có sự hoạt động đắc lực của các đảng viên trên đây mà trong 9 năm cầm quyền của Đệ Nhứt Cộng Hoà, ĐVQD Đ đã không bị tan rã mà còn khởi sắc phát triển nữa, nhứt là trong giới quân nhân, hai đảng viên Huỳnh Văn Tồn và Dương Hiếu Nghĩa đã kết nạp được nhiều sĩ quan cấo tá và cấp tướng lập nên Phân Bộ Bùi Hữu Phiệt, tham gia vào những cuộc chánh biến trong thập niên 60 của thế kỷ trước.

 

Phần  II.- Những nguyên nhơn khiến ĐVQDĐ phân hóa thành nhiều hệ phái khác nhau.

Sau khi có Quyết Định của Trung Ương Đảng Bộ về việc chủ trương dân chủ hóa đường lối của Đảng, Xứ Bộ Miền Nam thi hành ngay: may Đảng kỳ mới có thêm sọc vàng ở giữa, và điều hành nội bộ với tập đoàn chỉ huy thay cho cá nhơn lãnh đạo.  Còn 2 Xứ Bộ Trung và Bắc vẫn tiếp tục đường lối cũ: Đảng kỳ nền đỏ (không có sọc vàng), và lãnh tụ chế trong việc điều hành nội bộ. Kể từ đó, trong nội bộ ĐVQD Đ, bắt đầu có sự rạn nứt. Sự rạn nứt còn âm ỉ dưới thời Bảo Đại (1952-1955) , trở nên trầm trọng dưới thời Ngô Đình Diệm (1955-1963), và bùng nổ để phân hóa thành nhiều hệ phái, dưới thời Nguyễn Khánh (1964-1965). Nguyên nhơn rạn nứt này là do trước mỗi tình thế, trong nội bộ Đảng có nhiều thái độ khác nhau để đối phó: cứng rắn, ôn hòa, và mềm dẽo.  Mỗi thái độ có một chủ trương riêng, như:

*Phái cứng rắn chủ trương chống đối, bất hợp tác với mọi đối tượng. Đứng đầu phái này là các anh Hà Thúc Ký, Trần Văn Xuân.

*Phái ôn hòa chủ trương chống đối hoặc hợp tác tùy theo đối tượng. Đứng đầu phái này là các anh Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy.

* Phái mềm dẽo chủ trương không chống đối mà còn hợp tác với những đối tượng xét thấy có lợi cho cuôc tranh đấu của mình. Đứng đầu phái này là các anh Đặng Văn Sung, Bùi Diễm.

Chính vì có những thái độ và chủ trương khác nhau như vậy mà bất cứ với chánh quyền nào trong Đảng cũng có nhiều phái ủng hộ hoặc chống đối, khiến cho chánh quyền đã có phản ứng không hay đối với Đảng, và dư luận cũng có thái độ không tốt trước chủ trương và đường lối bất nhất của Đảng.

Nhận thấy rằng trong nội bộ Đảng đã có nhiều quan niệm, chủ trương và đường lối khác nhau mà trong Đảng không có đảng viên nào có đủ khả năng và uy tín để thống nhất Đảng, nên đến ngày 14-11 năm 1964, Xứ Bộ Miền Nam đưa ra bản Tuyên Ngôn (Nội dung Tuyên Ngôn đã đăng trong Tập San TĐV số 3), rồi cho tách Xứ Bộ ra khỏi ĐVQD Đ để thành lập một Đảng mới lấy tên là đảng Tân Đại Việt, tức là đảng Đại Việt tranh đấu theo đường lối mới, đường lối dân chủ , khác với ĐVQD Đ tranh đấu theo đường lối cũ, đường lối lãnh tụ chế tức độc tài.

Sau đó, đảng Tân Đại Việt gởi cho các đảng viên ĐVQDĐ một bức tâm thơ có tên là ”Thơ Gởi Các Đồng Chí” nêu rõ các nguyên nhơn vì sao Tân Đại Việt tách ra khỏi ĐVQD Đ, và vì sao Đảng lại lấy tên là Tân Đại Việt.  Sau đây là 3 lý do chánh:

1.- Tân Đại Việt vẫn trung thành với chủ nghĩa DTST, với lý tưởng phụng sự Tổ Quốc, với tinh thần tranh đấu của những chiến sĩ Đại Việt.

2.- Nhưng đồng thời, TĐV áp dụng những nguyên tắc mới (Tân) trong việc tổ chức Đảng, và trong việc tranh đấu để mưu sự sinh tồn cho dân tộc .

3.- TĐV hòan toàn tách khỏi những hệ phái còn mang tên Đại Việt, nếu có sự cộng tác thì cũng đứng trên lập trường những đoàn thể khác nhau liên minh với nhau, chớ không phải lập trường một đoàn thể duy nhứt.

Ngoài ra, TĐV còn cho biết những đảng viên ĐVQD Đ nào chấp nhận lập trường của TĐV và muốn gia nhập TĐV thì Đảng rất vui mừng đón nhận. Còn đối với những đảng viên nào không đồng lập trường và kiên quyết trung thành với tổ chức và đường lối cũ, thì TĐV rất tiếc không xem là đồng chí nữa. Tuy vậy, với thiện chí hợp tác với mọi người quốc gia, TĐV vẫn lấy tình chiến hữu với những anh chị em ấy, và xem họ là những bạn đồng hành thân thiết trên đường phụng sự Tổ Quốc.

Sau khi đảng TĐV thành lập ngày 14/11/1964, thì cuối năm sau, ngày 25/12/1965, anh Hà Thúc Ký cho tách Xứ Bộ Miền Trung khỏi ĐVQD Đ thành lập một Đảng khác lấy tên là Đại Việt Cách Mạng Đảng (ĐVCMĐ) kế tục cách mạng truyền thống của Đảng Trưởng Trương Tử Anh.

Còn Xứ Bộ Miền Bắc di cư vào Nam từ năm 1954 do anh Trần Việt Sơn và chị Cả Tề lãnh đạo thì vẫn dùng danh xưng ĐVQD Đ, và vẫn tiếp tục hoạt động như cũ.

Như vậy, ĐVQD Đ do Đảng Trưởng Trương Tử Anh thành lập từ năm 1939, sau 25 năm hoạt dộng, đến năm 1964 thì bắt đầu bị phân hóa thành 3 hệ phái là TĐV, ĐVCMĐ, và ĐVQD Đ.

Ngoài 3 hệ phái chánh trên đây, ĐVQD Đ còn có 2 nhánh phụ có tên là Đại Việt Quan Lại và Đại Việt Chánh Thống.

1.- Đại Việt Quan Lại.

Đại Việt Quan Lại không phải là một hệ phái lớn có tổ chức qui mô như TĐV, ĐVCM hay ĐVQD Đ, mà chỉ là một số cá nhơn đảng viên lẻ tẻ qui tụ thành nhóm, gốc quan lại nên gọi là Đại Việt Quan Lại.

Nguyên vào năm 1949, khi thành lập chánh phủ, cựu hoàng Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến. Ông Nguyễn Hữu Trí vốn là quan lại cao cấp  -tổng đốc- lại cũng là đảng viên ĐVQD Đ. Để có người cộng sự thân tín, ông dùng các ông Vũ Quí Mão, Nguyễn Đình Tại, Nguyễn Đình Lý, . . . cũng quan lại và cũng đảng viên ĐVQD Đ, vào những chức vụ quan trọng trong chánh quyền. Những ông này muốn lập công với Đảng, cho kết nạp các đảng viên mới trong hàng ngũ quan lại, gây dư luận không tốt trong dân chúng.  Vì đó, báo chí miền Bắc lúc bấy giờ đã gọi ĐVQD Đ là Đại Việt Quan Lại.  Thật ra, danh từ Đại Việt Quan Lại chỉ dùng để chỉ nhóm đảng viên quan lại Đại Việt thời ông Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến mà thôi, tức là tại miền Bắc từ 1949 đến 1954.  Ngoài không gian và thời gian đó, nếu dùng là sai.  Điều trớ trêu là các anh Đặng Văn Sung, Bùi Diễm, Lê Thăng, bác sĩ Phan Huy Quát chỉ là dân sự, không liên quan gì đến quan trường, mà ũng mang tiếng oan là Đại Việt Quan Lại. Oan nhứt là bác sĩ Phan Huy Quát.  Ông là nhà chính trị hoạt động độc lập, không đảng phái. Chỉ vì hoạt động chung với các anh Đặng Văn Sung, Bùi Diễm, đảng viên Đại Việt, mà ông mang tiếng Đại Việt, lại còn là Đại Việt Quan Lại nữa!

2.- Đại Việt Chánh Thống.

Đại Việt Chánh Thống là danh từ dùng để chỉ nhánh Đại Việt của anh Trần Văn Xuân.

Nguyên anh Trần Văn Xuân gia nhập ĐVQD Đ vào đầu năm 1948.  Ngay sau đó, anh được bổ nhiệm làm Phó Thủ Lãnh Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn (TNBQD), phụ tá cho Thủ Lãnh Đỗ Văn Năng. Đầu năm 1950, anh Đỗ Văn Năng bị La Văn Liếm, công tác thành của Việt Minh ám sát chết, anh được thăng lên làm Thủ Lãnh, anh Vương Hữu Đức làm Tổng Thư Ký.

Cùng lúc đó, TNBQĐ phát triển ra Bắc, anh Vương Hữu Đức được bổ nhiệm làm Thủ Lãnh TNBQĐ Bắc Việt, anh Trần Văn Xuân, Thủ Lãnh Toàn Quốc, và anh Phạm Thái làm Tổng Thư Ký, thay anh Vương Hữu Đức.

Giữa năm 1951, sau vụ ám sát Chanson Thái Lập Thành, TNBQĐ bị liên lụy nên bị tướng De Lattre De Tassigni ra lệnh giải tán và bắt giam các anh Trần Văn Xuân, Vương Hữu Đức, Phạm Thái trong 2 năm, từ 1951 dến 1953 mới trả tự do.

Sau khi anh Trần Văn Xuân ra tù, Đảng đã phái anh Lê Văn Hiệp (tên thật là Trần Văn Hương, thân phụ anh Trần Văn Ba) đến trình bày cho anh Xuân rõ tình hình của Đảng trong thời gian anh bị tù, nhứt là Quyết Định từ bỏ lãnh tụ chế chuyển sang dân chủ. Vụa nghe đến đó, anh Xuân cắt ngang: ”Vậy là Đảng sai! Sở dĩ tôi gia nhập ĐVQD Đ là vì tôi thích chủ trương lãnh tụ chế của Đảng.  Nếu lúc mời tôi vào Đảng mà các anh cho biết Đảng theo chủ trương dân chủ thì tôi đã từ chối ngay”. Rồi anh kết luận: ” Tôi nhứt quyết theo đường lối chính thống”. Anh Hiệp đã hết lời trình bày nhưng anh vẫn quyết định từ chối. Sau cùng anh Hiệp nói:”Thôi thì từ nay, đường ai nấy đi. Anh đi dường anh, chúng tôi dì đường chúng tôi. Không ai đụng chạm đến ai. . . .” Anh Xuân chấp nhận.  Và kể từ năm đó (1953) cho đến năm 1964, năm ĐVQD Đ bắt đầu phân hóa, anh âm thầm hoạt động, qui tụ được một số khá đông Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn trước kia, như các anh Toàn, anh Thu, anh Trần Văn Hai, Trần Văn Son . . . (anh Trần Văn Hai, tức Chuẩn Tướng Trần Văn Hai đã tự vận chết năm 1975, còn Trần Văn Son là bào đệ của anh). Tuy qui tụ được một số anh em, anh vẫn âm thầm hoạt động, không thành lập hệ phái, cũng không lên tiếng chống Đảng, ” đường ai nấy đi”. Mãi đến cuối năm 1964, khi Xứ Bộ Miền Nam ra Tuyên Ngôn và thành lập Đảng TĐV, anh mới công khai tuyên bố thành lập Đại Việt Chánh Thống, áp dụng lãnh tụ chế, đúng theo đường lối của Đảng Trưởng.

Nhưng Đại Việt Chánh Thống hoạt động chưa được bao lâu thì anh Trần Văn Xuân lâm bịnh rồi từ trần. Không còn người đủ uy tín như anh, Đại Việt Chánh Thống yếu lần rồi lịm chết theo anh mấy năm sau đó.

Tóm lại, ĐVQD Đ hoạt động đến năm 1964 thì bắt đầu phân hóa thành 3 hệ phái là TĐV, ĐVCM, và ĐVQD Đ, cùng với 2 nhánh nhỏ là Đại Việt Quan Lại (ĐVQL) và Đại Việt Chánh Thống (ĐVCT). Cả 3 hệ phái và 2 nhánh này đều có 2 điểm tương đồng, và 2 điểm dị biệt căn bản sau đây:

1.- Hai điểm tương đồng giữa các hệ phái và nhánh:

a)- Các đảng TĐV, ĐVCM, ĐVQD Đ, ĐVQL, và ĐVCT đều cùng tôn Trương Tử Anh là Đảng Trưởng của Đảng mình,

b)- Các đảng TĐV, ĐVCM, ĐVQD Đ, ĐVQL, và ĐVCT đều công nhận chủ nghĩa DTST là chủ nghĩa của Đảng mình.

2.- Hai điểm dị biệt giữa các hệ phái và nhánh:

a)- Tuyệt đại đa số đảng viên sáng lập đảng TĐV là của Xứ Bộ Miền Nam; tuyệt đại đa số đảng viên sáng lập đảng ĐVCM là của  Xứ Bộ Miền Trung; tuyệt đại đa số đảng viên của ĐVQD Đ là của Xứ Bộ Miền Bắc di cư vào Nam từ năm 1954, cộng với vài đảng viên miền Nam mà không gia nhập đảng TĐV, và vài đảng viên miền Trung mà không gia nhập đảng ĐVCM; tuyệt đại đa số đảng viên sáng lập ĐVQL là một số quan lại cao cấp miền Bắc gia nhập nhánh này thờI ông Nguyễn Hữu Trí làm Thủ  Hiến Bắc Việt (1949-1954); tuyệt đại đa số đảng viên sáng lập đảng ĐVCT là các đoàn viên Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn trung thành với anh Trần Văn Xuân.

b)- Về chủ trương thì chỉ có đảng TĐV áp dụng đường lối dân chủ hóa trong nội bộ theo chủ trương đổi mới của Trung Ương Đảng Bộ, còn ĐVCM, ĐVQD Đ, ĐVQL, và ĐVCT vẫn áp dụng lãnh tụ chế, đúng theo chủ trương chánh thống của Đảng Trưởng Trương Tử Anh.

Các hệ phái, sau khi thành lập, bắt đầu hoạt động, mỗi hệ phái một địa phương song song vớI nhau, nhưng không đụng chạm nhau hay chống báng nhau như nhiều đảng khác, vì đó mà không có gì đáng tiếc xảy ra.  Tuy vậy, đã có nhiều đảng viên tâm huyết, nhớ đến Đảng Trưởng, nghĩ đến tương lai đất nước , muốn Đảng thống nhứt trở lại để phục hồi trở lại thời huy hoàng cũ để có đủ sức mà gánh vác việc quốc gia . Vì đó, họ ra sức vận động, và từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trưóc đến nay, đã có 3 cuộc vận động thống nhứt đáng lưu ý sau đây:

1.- Cuộc vận động lần thứ nhứt (1972).

Sau khi ĐVQD Đ bị phân hóa thành Tân Đại Việt và Đại Việt Cách Mạng thì các bậc lão thành như Đặng Văn Sung (Miền Bắc), Đoàn Thái (Miền Trung), Phạm Đăng Cảnh (Miền Nam) cùng hàng trăm đảng viên Đại Việt của 3 Miền cùng nhau hội họp để vận động thống nhứt lại ĐVQD Đ.  Cuộc họp được tổ chức long trọng tại Nhà hàng Nam Đô ở Sài Gòn năm 1972, nên về sau gọi cuộc họp này là Đại Hội Nam Đô 72.

Cuộc vận động rất khả quan, tiến triển tốt đẹp, hứa hẹn nhiều hy vọng thống nhứt, nhưng đến năm 1975, VNCH sụp đổ kéo theo sự tan vỡ của cuộc vận động.

2.- Cuộc vận động lần thứ hai (1988).

Đây là cuộc vận động quan trọng nhứt và cũng ý nghĩa nhứt trong 3 cuộc vận động, vì qui tụ được đến 6 lãnh tụ cao cấp nhứt của cả 3 hệ phái.  Đó là các anh Cung  Đình Quỳ, Đặng Văn Sung, Bùi Diễm (của ĐVQD Đ), Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy (của TĐV) và Hà Thúc Ký  (của ĐVCM).

Hội nghị họp ngày 28-5-1988 tại San Jose, một thành phố gần San Francisco nằm trong Vịnh Cựu Kim Sơn, thuộc tiểu bang California, nên về sau gọi Hội nhị này là Hội Nghị Cựu Kim Sơn 88.

Hội nghị diễn tiến tốt đẹp đến nỗi ngày bế mạc, anh Đặng Văn Sung (ĐVQD Đ) đã mở rôm, hai tay ôm choàng một bên anh Nguyễn Ngọc Huy (TĐV) và bên kia, ôm anh Hà Thúc Ký (ĐVCM), trước sự chứng kiến của ba anh Cung Đình Quỳ, Bùi Diễm, và Nguyễn Tôn Hoàn (ĐVQD Đ và TĐV). Trong quá trình hoạt động của ĐVQD Đ, không có hình nào về thống nhứt ĐVQD Đ lại quan trọng và ý nghĩa bằng bức hình này.

Nhưng tiếc rằng, chỉ vài năm sau, anh Nguyễn Ngọc Huy mất (1990), rồi sau cái chết của anh, việc thống nhứt ĐVQD Đ nguội lần rồi tắt hẳn.

3.- Cuộc vận động lần thứ ba (2004).

Năm 2001, các anh Hồ Văn Đồng, Đoàn Thái, Võ Đại Tôn, Hoài Sơn,. . . .vận động thống nhứt ĐVQD Đ lần thứ ba. Cuộc vận động bắt đầu từ năm 2000 tại Houston (Texas) đến năm 2001 chuyển sang tành phố Westminster (Nam California), lấy tên là Trần Việt Sơn I I, (đổi tên Hội nghị I, họp tại Khách sạn Nam Đô, Sài Gòn, năm 1972, thành Hội nghị Trần Việt Sơn I).

Năm 2004, Hội nghị họp Đại hội tại Thị xã Anaheim (Nam California), qui tụ đến gần 80 đại biểu của 3 hệ phái khắp các châu lục.  Hội nghị bàn thảo thật sôi nổi, hào hứng, hứa hẹn thống nhứt sẽ thành công, tiếc rằng đến gần giờ chót, có vài sự bất đồng trong một số đảng viên lãnh đạo TĐV nên đại hội đã không thành. Kể từ đó đến nay (2013), không còn cuộc vận động nào nữa.

Từ cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, tại Việt Nam có nhiều đảng Đại Việt hoạt động song song với nhau.  Đó là đảng Đại Việt Quốc Xã (ĐVQX) của ông Nguyễn Xuân Tiếu; đảng Đại Việt Duy Dân (ĐVD D) của ông Lý Đông A; đảng Đại Việt Dân Chính (ĐVDC) của ông Nguyễn Tường Tam, và đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQD Đ) của ông Trương Tử Anh.

Tuy cùng mang tên Đại Việt và hoạt động đồng thời với nhau, nhưng khi nhắc đến, dân chúng có thói quen gọi đảng của ông Nguyễn Xuân Tiếu là đảng Đại Việt Quốc Xã hay gon lại là đảng Quốc Xã; đến đảng của ông Lý Đông A là Đại Việt Duy Dân hay đảng Duy Dân; đến đảng của ông Nguyễn Tường Tam là Đại Việt Dân Chính hay đảng Dân Chính.  Chỉ riêng với Đại Việt Quốc Dân Đảng của ông Trương Tử Anh, dân chúng mới gọi là đảng Đại Việt. Vậy ngày nay, nói đến đảng Đại Việt, mọi người đều ngầm hiểu đó là ĐVQD Đ của ông Trương Tử Anh.

ĐVQD Đ sở dĩ chống Cộng sản là vì chủ trương của Đảng và của Cộng sản hoàn toàn trái nghịch nhau. Trong lúc ĐVQD Đ chủ trương Đoàn kết Toàn dân và thực thi tự do dân chủ có lợi cho đất nước, thì Cộng sản lại chủ trương Chia rẽ Dân tộc và áp dụng Độc tài Đảng trị tai hại cho nước nhà.

Từ ngàn xưa, xã hội Việt Nam có 4 thành phần quen gọi là giai cấp. Đó là Sĩ, Nông, Công, Thương.  ĐVQD Đ chủ trương đoàn kết 4 thành phần này để tạo sức mạnh toàn dân theo truyền thống Diên Hồng có lợi cho đất nước. Trong lúc đó, cộng sản lại chủ trương chia rẽ dân tộc bằng chỉ đoàn kết với công nông (liên minh công nông) và tiêu diệt sĩ thương.   Qua chủ trương ”Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” mà cộng sản đã áp dụng để thực thi chủ nghĩa giai cấp đấu tranh trong cuộc Khởi nghĩa Sô Viết ở Nghệ An năm 1930. Cộng sản đã diệt 2 giai cấp Sĩ và Thương (tức sĩ phu và thương gia) qua chủ trương đào tận gốc Sĩ và Thương, chỉ đoàn kết với công và nông mà thôi.

Ngoài chủ trương chia rẽ dân tộc trên đây để thực thi đấu tranh giai cấp, Cộng sản còn áp dụng vô sản chuyên chính qua sự cai trị độc tài khắc nghiệt của mình, rất có hại cho dân tộc và đất nước. Độc tài hữu sản nhờ giàu có học hành nên trí thức thông minh còn dễ chấp nhận, chớ độc tài vô sản vì nghèo nàn thất học nên u tối lạc hậu thì không ai chịu nỗi.

*   *   *

Tuy thất bại trong ba cuộc vận động thống nhứt, các hệ phái Đại Việt vẫn không ngã lòng. Không thống nhứt được, họ tìm cách ngồi lại với nhau.  Và từ năm 2004 đến nay, gần 10 năm qua, các hệ phái TĐV, ĐVCM, ĐVQD Đ tại Huê Kỳ, tại Canada, tại Âu Châu, đã hợp tác với nhau, cùng sát cánh tranh đấu chung nhau trong các vấn đề lớn của đất nước . Với thái độ khoan dung và cởi mở, họ chủ trương xem các đảng viên Đại Việt, dầu thuộc hệ phái nào, cũng đều là đồng chí, xem đảng viên các đoàn thể bạn như VNQD Đ, Đại Việt Duy Dân Đảng,v.v… đều là chiến hữu, và những người tranh đấu độc lập, không đảng phái, nhưng không chấp nhận cộng sản đều là những bạn đồng hành.  Nhờ vậy mà trong mấy năm gần đây, hệ phái nào cũng khởi sắc, và trong phần lớn sinh hoạt cộng đồng tại các địa phương, đều có sự tham gia đông đủ của cả ba hệ phái.

Nam California,   ngày 5/5/2013

Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa