Các công trình xây dựng quan sát được trên 3 đảo Bắc Kinh chiếm giữ ở Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các công trình xây dựng quan sát được trên 3 đảo Bắc Kinh chiếm giữ ở Biển Đông

Ảnh chụp vệ tinh Đảo đá Mischief ở Biển Đông (Ảnh chụp)

Tác giả: Andrei Popescu | Dịch giả: Kim Xuân

17 Tháng Tám , 2016

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy các tòa nhà như nhà chứa máy bay (hangar) được xây dựng trên các đảo được Bắc Kinh chiếm giữ ở Biển Đông, theo một hội thảo ở Washington.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh vào cuối tháng 7 cho thấy các nhà chứa máy bay được xây xựng trên các đảo đá Fiery, Subi và Mischief thuộc quần đảo Trường Sa, có kích thước cho từng loại máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc, theo tuyên bố của Trung tâm Chiến lược Nghiên cứu Quốc tế (CSIS).

“Ngoại trừ một chiếc máy bay vận tải quân sự đỗ ngắn hạn trên Đảo Đá Chữ Thập hồi đầu năm nay, không có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã đậu máy bay chiến đấu trong những tiền đồn này. Nhưng việc xây dựng nhanh chóng các nhà chứa máy bay trên tất cả ba đảo cho thấy tình hình có thể sẽ thay đổi”, theo báo cáo của CSIS.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, nơi lưu chuyển hàng hóa hàng năm đạt giá trị 5 nghìn tỷ đô la. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đều tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực này.

Những bức ảnh vệ tinh được công bố khoảng một tháng sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague đã đưa ra phán quyết không công nhận yêu sách lãnh thổ phóng đại của Trung Quốc trong khu vực giàu tài nguyên này. Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định trên.

Mỹ đã đề nghị chế độ cộng sản Trung Quốc và các nước ngấp nghé khác không quân sự hóa Biển Đông.

Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận việc này, thay vào đó đã chỉ trích các cuộc tuần tra và diễn tập quân sự của Mỹ khi tuyên bố Mỹ làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh”, theo tuyên bố hôm thứ 3 ngày 9 tháng 8 của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố hoạt động xây dựng trên các đảo và bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa là có nhiều mục đích, ngoại trừ những yêu cầu phòng thủ quốc phòng cần thiết, chúng được sử dụng cho các vấn đề dân sự”.

Quan hệ của các quốc gia trong khu vực đã xuống cấp trước và sau khi có quyết định của Tòa Trọng tài ở Hague.

Chính quyền Trung Quốc đã điều máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tiến hành tuần tra gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trong khi đó, Nhật Bản đã phản đối những vụ xâm nhập vào lãnh hải của mình xung quanh một nhóm đảo khác đang tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Tất cả các nhà chứa máy bay cho thấy việc tăng cường xây dựng căn cứ, CSIS nêu rõ.

“Chúng vững chãi hơn rất nhiều nếu được xây dựng cho bất kỳ mục đích dân sự nào”, theo tuyên bố của Gregory Poling từ CSIS với tờ New York Times, tờ báo đầu tiên công bố những bức ảnh mới. “[Những nhà chứa máy bay] được gia cố để chịu được các cuộc tấn công”.

Các công trình được xây dựng khác như những tháp và khu căn cứ lục giác trên một số đảo nhỏ trong khu vực trong những tháng gần đây, CSIS cho biết thêm.

Ngoài ra, trong tuần này, Reuters đưa tin Việt Nam đã kín đáo củng cố một số đảo của mình ở Biển Đông với những bệ phóng tên lửa di động mới.

Một vệ tinh mới 

Tình hình ở Biển Đông sẽ phức tạp nhiều hơn sau khi Bắc Kinh đã phóng một vệ tinh mới để giúp bảo vệ lợi ích hàng hải của mình, theo tin của China Daily vào cuối tuần.

Vệ tinh Gaofen 3 đã được phóng lên hôm thứ 4 ngày 10 tháng 8 và có một hệ thống radar để chụp ảnh từ không gian với độ phân giải lên đến 1 mét và có thể hoạt động trong mọi thời tiết, theo tuyên bố của Cơ quan Quản lý nhà nước Trung Quốc về khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng với báo chí.

“Vệ tinh này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát môi trường hàng hải, các đảo và rạn san hô, các tàu và các giàn khoan”, China Daily nêu rõ.