Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn

CHƯƠNG MỘT.  DẪN NHẬP

Sự tổ chức chính trị muốn đưa đến kết quả tốt, cần phải dựa vào một hệ thống tư tưởng dẫn đạo. Từ ngàn xưa các chính trị gia đã nhận ra điều này, do đó các tư tưởng chính trị đã được phát hiện rất sớm. Một số tư tưởng chính trị ấy được sắp xếp thành chủ nghĩa chính trị và đóng những vai trò quan trọng trong lịch sử tiến hóa của loài người.Những chủ nghĩa chính trị đều nêu lên những lý tưởng tốt đẹp và cố tìm cách thoả mãn những khát vọng của con người, nhưng đã không thành công, vì hãy còn nhièu điểm không hợp lý và nhất là : “Mỗi nước trên thế giới đều có một hay nhiều dân tộc khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, có một trình độ văn hóa khác nhau và phong tục, tập quán hoàn toàn khác nhau. Một chủ nghĩa chính trị muốn được thành công tất phải căn cứ vào những yếu tố kể trên mới mong được dân chúng ủng hộ và có thể đem ra áp dụng được….”. Vì vậy, một chủ nghĩa chính trị có thể thích hợp tại một quốc gia này, nhưng lại không thể đem ra áp dụng tại một quốc gia khác. Hiện thời “… Các chủ nghĩa đã xuất hiện trên thế giới dều không thích hợp với dân tộc ta… (Nguyên văn bút tích năm 1936 của Đảng Trưởng Trương Tử Anh).

MỤC I – NHẬN XÉT CHUNG VỀ NHỮNG CHỦ NGHĨA CHÍNH TRỊ  HIỆN HÀNH

Nhận xét chung, những chủ nghĩa đang lưu hành đều có những điểm không chính xác:

A. CHỦ NGHĨA DÂN CHỦ

Tóm lược:

Chống lại nền quân chủ chuyên chế, chủ nghĩa Dân Chủ phát khởi ở các nưóc Tây Au vào thế kỷ thứ 17.
Vào lúc đó, tổ chức xã hội tại các nước ấy còn quá khắc nghiệt va thiếu hẳn công bình, không như phần đông các nước ở Á Đông.Tại Á Đông chỉ có ngôi vua là có tính cách thế tập, còn các quan lớn, nhỏ trong nước hầu hết là từ dân chúng xuất thân. Nhờ học rộng tài cao, họ thi đậu hoặc lập được công trạng với quốc gia nên được bổ làm quan và lần lần chiếm được địa vị cao sang trong nước. Mặt khác, tuy có uy quyền tuyệt đối, nhưng nhà vua chỉ chăm chú vào mặt chính trị, ít khi can thiệp vào đời tư của nhân dân. Vì vậy, người dân được hưởng một sự tự do khá rộng : tự do nghề nghiệp, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng v.v…. Do đó, dân chúng không quá oán ghét chế độ quân chủ chuyên chế. Chỉ khi gặp phải hôn quân bạo chúa, gây khốn khó cho dân, họ mới nổi lên đánh đổ rồi tôn người khác lên thay.Tại các nước Au Châu, tình thế khác hẳn. Ngoài nhà vua ra, trong nước còn có giới quý tộc thế tập chia nhau giữ hết các chức vụ chỉ huy và giới tăng lữ hưởng rất nhiều đặc ân của triều đình. Người thường dân, dù có tài cao, học rộng, cũng không được quyền tham gia chánh sự. Đã thế, triều đình lại can thiệp quá nhiều vào đời sống của dân. Nông dân bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nhà quý tộc, địa chủ, họ không được đổi chỗ ở, không được đổi nghề v.v… trọn đời họ bị cột chặt vào mảnh đất của các vị quý tộc địa chủ. Thợ thuyền ở đô thị thì tương đối được tự do hơn, nhưng lại bị lệ thuộc quá nhiều vào các luật lệ khắc nghiệt của các phường công nghệ nên đời sống của họ cũng không được sáng sủa gì hơn. Ngoài ra, cả nông dân lẫn thợ thuyền đều bị bắt buộc phải theo đạo của nhà vua, người nào theo đạo khác thì bị khủng bố, giết hại, khó lòng sống yên ổn được. Triều đình lại ăn tiêu xa xỉ. Thuế khóa nặng nề, trong khi đó giới quý tộc, tăng lữ lại được miễn thuế, nên dân chúng phải lãnh trọc gánh nặng.
Đời sống dân chúng lúc bấy giờ thật vô cùng khổ sở. Nhận thấy sự cùng cực của họ là do sự bất công của chế độ xã hội đương thời nên một số học giả như John Locke ở Anh, Jean Jacques Rousseau ở Pháp nêu ra tư tưởng Dân Chủ, lấy Tự Do, Bình Đẳng làm nền tảng.Chủ nghĩa Dân Chủ không chủ trương phụng sự Thượng Đế như các thuyết Thần Quyền, mà nhằm mục đích phụng sự con người, lấy con người làm trung tâm cho mọi hoạt động chính trị.Theo chủ nghĩa Dân Chủ, mọi người sinh ra tánh vốn tốt và đều được tự do và bình đẳng. Chỉ vì chế độ hủ bại nên họ trở nên xấu, mất hết tự do và phải chịu nhiều bất công, khổ sở khốn cùng. Muốn cho người được hạnh phúc, phải cải tổ cho xã hội tốt trở lại, đồng thời đảm bảo sự tự do của mọi người và đãi ngộ mọi người bình đẳng với nhau.Dân chúng các nước Tây Âu đang khao khát tự do và bình đẳng nên họ nhiệt liệt hoan nghênh chủ nghĩa Dân Chủ. Họ lần lượt đánh đổ những nhà vua chuyên chế và thiết lập chế độ Dân Chủ. Chế độ này cho mọi người tham dự chánh sự bằng lối bầu cử người thay mình làm ra luật pháp, ban bố mọi điều tự do căn bản, đồng thời công nhận mọi người đều bình đẳng trước luật pháp.

Nhận xét:

Chủ nghĩa Dân Chủ có tiến bộ hơn nhờ biết lấy việc phục vụ con người làm cứu cánh, nhưng cũng không đạt được kết quả hoàn toàn tốt đẹp vì nó chỉ được xây dựng trên những nguyên tắc triết lý.Con người sanh ra tánh vốn tốt, hưởng trọn các quyền tự do và hoàn toàn bình đẳng với nhau mà Locke và Rousseau dựa vào để xây dựng thuyết Dân Chủ chỉ là con người hư ảo.
Đó là sản phẩm của trí tuệ, nằm trong trí tưởng tượng của những triét gia chứ không hề thấy xuất hiện thật sự trong đời. Bởi vì người sống trong xã hội nào cũng bị ràng buộc vào những luật lệ, quy tắc của xã hội đó nên không thể nào hoàn toàn tự do được. Mặt khác, người sinh ra mạnh yếu, khôn dại, hay dở khác nhau. Để cho tự do hoạt động thì người mạnh hiếp kẻ yếu, người khôn hơn kẻ dại, người hay ép kẻ dở, nên sự bình đẳng không thể có được. Trái lại, muốn cho mọi người đồng đều như nhau (tức là bình đẳng với nhau), xã hội phải hạn chế sự hoạt động của những người mạnh, khôn, hay, tức là hạn chế sự tự do của họ.Vậy hai lý tưởng Tự Do và Bình Đẳng chống chọi nhau và một xã hội tự do bình đẳng thật sự rất khó thực hiện được.
Trong thực tế, chế độ Dân Chủ xây dựng ở các nước Tây Phương từ thế kỷ 18 trở đi đã thiên về lý tưởng tự do. Kết quả là một thiểu số người đã lợi dụng sự tự do chính trị và kinh doanh tạo được thế lực và tư bản rất lớn rồi thao túng, bóc lột lao động vô sản. Vì đó ngày nay, chế độ Dân Chủ tại các nước Tây Phương được gọi là Dân Chủ Tư Sản hay Dân Chủ Tự Do.

B. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DUY VẬT (hay Chủ Nghĩa Cộng Sản)

Tóm lược:

Chủ nghĩa Xã Hội Duy Vật phát sinh vào giữa thế kỷ 19 ở các nước Tây Phương theo chế độ Dân Chủ Tư Sản. Nó phản ứng lại chủ nghĩa Dân Chủ.Người sáng lập chủ nghĩa Xã Hội Duy Vật là Karl Marx, một người Đức gốc Do Thái. Đi xa hơn chủ nghĩa Dân Chủ trong việc đối phó với tư tưởng thần quyền, Marx đã lập lại ý niệm của các triết gia duy vật cổ thời cho rằng trong vũ trụ, chỉ có vật chất là thực tại, còn Trời (hay Thượng Đế) chỉ là sản phẩm của trí óc con người. Dựa vào biện chứng pháp duy vật, ông cho rằng lịch sử nhân loại là một cuộc đấu tranh không ngừng giữa các giai cấp, trong đó giai cấp thống trị, nhờ làm chủ các phương tiện sảnxuất, nên có nhiều thế lực và thẳng tay bóc lột giai cấp bị trị.Xã hội trong đó Marx đang sống là xã hội Dân Chủ Tư Sản nguyên thủy. Xã hội này tuy có tiến bộ hơn xã hội Quân Chủ Chuyên Chế, nhưng cũng phân thành hai giai cấp đối kháng nhau : Tư Bản và Vô Sản. Những nhà tư bản đã dùng tài sản gây thế lực trên chính trường để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời bắt chẹt tầng lớp vô sản thợ thuyền, trả cho họ đồng lương chết đói. Do đó, trong nước có một thiểu số tư bản tỷ phú và một đại đa số vô sản cùng đinh. Tầng lớp vô sản này bị bóc lột thẳng tay nên sự tự do, bình đẳng mà chế độ Dân Chủ Tư Sản nhìn nhận cho họ đã trở thành hư ảo, không giúp gì cho họ được.Để chấm dứt sự bóc lột của tư bản, Marx kêu gọi vô sản toàn thế giới hãy đoàn kết nhau lạithành một khối, tranh đấu cướp chính quyền, tiêu diệt giai cấp tư ản, tập trung mọi tài sản làm của chung, thực hiện chế độ Cộng Sản không giai cấp. Nhân loại sẽ sống thân ái với nhau trong cảnh hoan lạc của thế giới đại đồng.Thợ thuyền các nước Âu Châu đang khốn khổ vì sự bóc lột nặng nề của tư bản nên nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Marx, lập đảng Cộng Sản Quốc Tế chống lại chế độ Dân Chủ Tư Sản.

Đến năm 1917, đảng Cộng Sản Nga đã thành công trong việc cướp được chính quyền, xây dựng chế dộ Cộng Sản tại đây. Sau Thế Chiến Thứ Hai, một số quốc gia bị ngoại bang chi phối về chính trị, chậm tiến về kinh tế bị lọt vào quỹ đạo Cộng Sản.Trong chế độ Cộng Sản này, đảng Cộng Sản giữ độc quyền chính trị lẫn kinh tế. Về chính trị họ thi hành chính sách vô sản chuyên chính, bóp nghẹt mọi quyền tự do căn bản, kể cả quyền tự do tín ngưỡng, vì Cộng Sản chủ trương vô thần, công khai bài xích tôn giáo. Về kinh tế, họ tập trung tất cả tài sản trong nước làm của chung, không ai được quyền có tài sản riêng dùng trong sự sản xuất. Vì thế, mọi người đều hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền. Nhà nước Cộng Sản có một uy quyền rất lớn, lớn hơn bất cứ chính quyền của chế độ nào khác, thành ra dân chúng tại các nước Cộng Sản bị bó buộc cùng cực mà không có cách gì cưỡng lại được.

Nhận xét:

Chủ nghĩa Xã Hội Duy Vật hay chủ nghĩa Cộng Sản cũng biết lấy con người làm trung tâm điểm cho mọi hoạt động xã hội như chủ nghĩa Dân Chủ. Về mặt lý luận, nó bổ xung cho tư tưởng Dân Chủ ở chỗ đem sự bình đẳng kinh tế thêm vào sự tự do chính trị của tư tưởng Dân Chủ.

Tuy vậy, chủ nghĩa Xã Hội Duy Vật vẫn chứa nhiều nhược điểm :

a. Vấn đề có Trời hay không có Trời là một vấn đề vượt khỏi sự nhận thức của con người. Thuyết Duy Vật quả quyết là không có Trời, thật ra đã dựa vào một sự phủ định tiên nghiệm. Chủ nghĩa Xã Hội Duy Vật đã đặt nền tảng trên một phủ định tiên nghiệm không thể được xem là một Chủ Nghĩa Khoa Học.Chủ Nghĩa Xã Hội Duy Vật khi quả quyết là không có Trời đã không trả lời được trên căn bản khoa học những câu hỏi của phái Duy Tâm nêu ra (Thí dụ : Tại sao những tác động ngẫu nhiên vật chất lại có thể đưa đến những tiến hóa lạ lùng trong vũ trụ ?), thật đã có một phủ định tiên nghiệm không phù hợp với tinh thần khoa học. Tinh thần này phải là “biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó mới thật là biết ” (Tri chi vi tri chi, bất tri chi vi bất tri chi, thị tri dã).

b.
Biện chứng pháp là một phương pháp suy luận để tìm ra chân lý. Tự nó, biện chứng pháp không có tính Duy Tâm hay Duy Vật gì cả. Ap dụng phương pháp đó trong tư tưởng Duy Vật thì gọi đó là Biện Chứng Pháp Duy Vật. Trong biện chứng pháp Duy Vật, có một nguyên tắc rất đúng là tính cách tạm thời của chân lý, nhưng chính những người theo chủ nghĩa Xã Hội Duy Vật lại không chịu áp dụng nó. Đáng lẽ phải xem chủ nghĩa Xã Hội Duy Vật của Marx là một hệ thống tư tưởng chỉ đúng vào thế kỷ 19, nhưng sau đó đã lỗi thời, thì những môn đồ của ông ta, đến nay vẫn cho nó là một chân lý tuyệt đối, có giá trị muôn đời.

c. Lịch sử của loài người không phải chỉ là lịch sử giai cấp tranh đấu, mà còn có nhiều hình thức tranh đấu khác như dân tộc tranh đấu, tôn giáo tranh đấu, tư tưởng tranh đấu v.v… Giai cấp tranh đấu chỉ là một khía cạnh của sự sinh tồn tranh đấu giữa loài người mà thôi.d. Trong xã hội, có nhiều yếu tố khác nhau. Kinh tế tuy là một yếu tố quan trọng, nhưng chưa phải là quyết định. Chính trị mới là yếu tố quyết định vì tổ chức của xã hội tùy thuộc vào chính trị nhiều hơn là vào kinh tế. Chính sự sản xuất kinh tế cũng phải noi theo một chính sách do cơ quan chính trị nêu ra. Trong sự kiến trúc xã hội, kinh tế ví như những vật liệu, còn chính trị ví như bản họa đồ xây cất.Thực ra trong một xã hội, yếu tố chính trị quan trọng hơn yếu tố kinh tế nhiều, và kinh tế chịu sự chi phối mạnh mẽ của chính trị. Chính những người cộng sản chủ trương kinh tế quan trọng hơn chính trị cũng phải tổ chức đấu tranh cách mạng để cướp chính quyền trước, tức mặc nhiên xem chính trị là vấn đề quan trọng nhất.e. Thế giới đại đồng vô sản, cũng như xã hội không giai cấp mà người cộng sản mơ ước không thể nào thực hiện được. Vì nhiều lý do vật chất và tâm lý, loài người không thể kết hợp thành một khối duy nhất thuận hòa nhau.”…
Chủ nghĩa đó (Marxisme) chối bỏ giá trị cá nhân của con người, nó bác bỏ sự quan trọng của thực thể dân tộc, giống nòi và do đó cướp đi của nhân loại cái điều kiện tiên khởi để sinh tồn và tạo văn minh… ” (Bút tích của Đảng Trưởng “Critique du Marxisme” do đ/c Trần Việt Sơn dịch năm 1954 – “… il nie la valeur  individuelle de lhomme, conteste l’importance de l’entité ethnique et de la race, et ainsi privé l’humanité de la condition préalable mise à son existence et à sa civilisation…”)
Vì những nguyên nhân chia rẽ loài người (như ý thức đồng loại, bản năng sinh tồn, tư tưởng bất đồng v.v…) nên tất cả những tổ chức nuôi mộng đại đồng, dầu là tổ chức tôn giáo hay chính trị, cuối cùng rồi cũng phân hóa. Sự xung đột giữa Nga và Trung Cộng trong thời gian đảng Cộng Sản còn thống trị ở Liên Xô là một bằng chứng cụ thể cho ta thấy rằng giấc mộng đại đồng vô sản của Marx chỉ là một không tưởng. Từ Stalin đến Mao Trạch Đông và những kẻ kế vị, chủ nghĩa Quốc Tế Cộng Sản chỉ là tấm bình phong che đậy cho chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô và Trung Quốc.f. Ngoài ra sự thực hiện một xã hội không giai cấp cũng không thể nào thành công được, vì cuộc cách mạng nào cũng phải do một thiểu số lãnh đạo và khi thành công rồi, thiểu số đó trở thành giai cấp chỉ huy. Việc hủy diệt quyền tư hữu cũng không đưa đến việc hủy diệt giai cấp như Marx lầm tưởng. Ngược lại, nó còn tăng thêm quyền lực của giai cấp chỉ huy đối với dân chúng. Sự quan sát chế độ Cộng Sản cho ta thấy rằng uy quyền của đảng Cộng Sản đối với người dân còn lớn hơn gấp bội uy quyền của bất cứ giai cấp chỉ huy nào trên thế giới từ trước tới nay.”… Thế mà cái thuyết duy vật ấy chẳng hề là một cái hay cho số đông hoặc là làm công nhân thăng tiến, mà chỉ đem lại nghèo khó, hoang tàn, thất vọng và nó thật ra chỉ là một cuộc sụp đổ dứt khoát… ” (Bút tích và bản dịch dẫn chứng như trên – “… Or, ce matérialisme, loin de constituer un bienfait pour le nombre ou favoriser lessor de louvrier, ne représente que misère, désolation et détresse et nest, en réalité qũune débâcle définitive…”).

C. CÁC CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT VÀ QUỐC XÃ

1. Tóm lược

Giữa hai trận Thế Chiến, sự xung đột giữa hai phe Cộng Sản (chủ trương độc tài và quốc tế) và Dân Chủ (chủ trương tự do và cá nhân) đã gây ra nhiều rối loạn ở các nước Au Châu. Do đó, phát sinh ra “tinh thần chủng tộc ” ở một số quốc gia, chống lại cả chủ nghĩa Cộng Sản lẫn Dân Chủ. Phản ứng này đưa đến chủ nghĩa Phát Xít của Mussolini ở Ý và chủ nghĩa Siêu Tộc của Hitler ở Đức.Tư tưởng quốc gia và dân tộc, thật ra đã có từ ngàn xưa. Nhưng lúc đó, nó chỉ có tính cách tiềm tàng chứ không rõ rệt, vì bị tinh thần tôn giáo và chủ trương tôn giáo che lấp. Đến lúc phong trào Dân Chủ phát sinh, nó mới bộc lộ dần dần. Nhưng những nước dẫn đầu phong trào dân chủ là những nước hùng cường nhất thế giới nên tinh thần quốc gia và dân tộc đã được thỏa mãn với chế độ này. Chế độ Dân Chủ trong giai đoạn tiên khởi vì tìm kiếm thị trường tiêu thụ đã đẩy mạnh chủ trương bành trướng, xâm lược nhưng nó chỉ tàn bạo đối với dân thuộc địa, còn tại chính quốc, nó vẫn giữ tính cách ôn hòa. Chỉ với Mussolini và Hitler, tư tưởng quốc gia và dân tộc mới trở nên cực đoan, quá khích, tàn bạo ngay với cả dân chúng trong nước.Mussolini, lãnh tụ Phát Xít Ý cho rằng trên đời, chỉ có quốc gia là thực thể đáng tôn quý nhất. Quốc gia là tối thượng, không có ai đứng ngoài quốc gia, cũng không có gì trên quốc gia. Mọi hoạt động đều nhằm phục vụ cho quốc gia, mọi quyền lực đều phát xuất từ quốc gia. Cá nhân phải hoàn toàn phục tùng quốc gia, khép mình vào khuôn khổ quốc gia và hy sinh cho quốc gia.Hitler cũng chủ trương xây dựng một chế độ độc tài khắc nghiệt như Mussolini, nhưng Hitler đặt nền tảng lý thuyết của ông trên yếu tố Siêu Tộc, chứ không trên Quốc Gia như Mussolini.

Hitler dựa vào lý thuyết Siêu Nhân của Nietzche, thuyết này cho rằng trong nhân loại có một số ít siêu nhân thật tài ba, có thể làm những việc xuất chúng. Nhiệm vụ của Siêu Nhân là hướng dẫn nhân loại trên con đường văn minh. Muốn cho Siêu Nhân thành công mỹ mãn, người dân bình thường phải phụng sự và tuân lệnh Siêu Nhân.Hitler chủ trương rằng trên thế giới có nhiều chủng tộc cách biệt xa nhau về tài trí, về năng lực : có những chủng tộc cực kỳ thông minh, có những chủng tộc cực kỳ ươn hèn. Những chủng tộc thông minh, giàu năng lực là những Siêu Tộc. Các siêu tộc có nhiệm vụ thống nhất thế giới và đưa nhân loại trên đường tiến bộ. Các chủng tộc khác có nhiệm vụ phụng sự siêu tộc và thi hành các mệnh lệnh của siêu tộc. Theo Hitler, trong tất cả các chủng tộc trên thế giới, chỉ có chủng tộc Aryen là chủng tộc duy nhất đáng làm chúa tể thiên hạ. Nhưng muốn thi hành được sứ mạng thiêng liêng này, người Aryen cần phải giữ cho giòng máu mình được thuần túy, vì nếu giòng máu bị pha trộn, họ sẽ trở thành ngu độn đi vì sự trừng phạt của tạo hóa, như trường hợp con la, là con của con ngựa và con lừa. Ngựa và lừa giao hợp nhau sinh ra con la, một con thú vừa ngu đần, vừa không sinh đẻ được. Vì sự lầm lạc từ ngàn xưa, dân Aryen đã bị lai giống rất nhiều. Riêng có người Đức là còn giữ giòng máu Aryen được thuần túy mà thôi. Vì đó, dân tộc là dân tộc duy nhất có đủ năng lực và tài ba lãnh đạo thế giới. Nhưng muốn làm tròn sứ mạng của mình, người Đức phải giữ cho giòng máu mình không pha trộn, mà muốn được như vậy, họ phải bài trừ Do Thái là một giống dân ươn hèn, chỉ biết sống bám và an hưởng vật chất.Dựa vào thuyết Quốc Gia Tối Thượng và Siêu Tộc, Mussolini và Hitler đã xây dựng các chế độ Phát Xít và Quốc Xã ở Ý và Đức. Các chế độ này có tính cách độc tài khắc nghiệt về mặt chính trị, nhưng vẫn công nhận quyền tư hữu tài sản và để cho những người hoạt động kinh tế được hưởng một sự tự do khá rộng. Nó làm cho hai nước Ý và Đức mạnh lên trong một thời gian rất ngắn, nhưng cũng làm cho dân chúng khổ sở rất nhiều. Sau cùng, vì muốn bá chiếm hoàn cầu, Hitler lôi Mussolini vào cuộc chiến tranh thế giới làm sụp đổ cả những chế độ do họ dựng lên.

Nhận xét:
Chủ nghĩa Phát Xít ở Ý cũng như chủ nghĩa Quốc Xã ở Đức đã phạm phải lỗi lầm căn bản là không nhằm vào mục đích phụng sự con người. Chủ nghĩa Phát Xít, Quốc Xã đã có những hành động cực kỳ tàn bạo, khiến mọi người trên thế giới đều công phẫn, ghê tởm.

D. CHỦ NGHĨA TAM DÂN

1. Tóm lược:

Trong khi Mussolini và Hitler dựa vào chủ trương Quốc Gia và Siêu Tộc nêu ra các chủ nghĩa Phát Xít và Quốc Xã phản ứng lại các chủ nghĩa Dân Chủ và Xã Hội (Cộng Sản) thì tại Trung Hoa, Tôn Văn cố dung hòa các tư tưởng Quốc Gia, Dân Chủ và Xã Hội đề xướng ra chủ nghĩa Tam Dân.

Chủ nghĩa này gồm có ba phần: Dân Tộc, Dân Quyền và Dân Sinh.

Trong Thuyết Dân Tộc, Tôn Văn bảo rằng dân Trung Hoa đông đảo nhất, lại có một nền văn minh tối cổ, đáng lẽ phải là dân tộc hùng cường nhất trên thé giới, nhưng trên thực tế, Trung Hoa đã bị các dân tộc khác uy hiếp và lăng nhục. Điều này sở dĩ  xảy ra là vì người Trung Hoa chỉ có tinh thần gia tộc và tinh thần thế giới mà thiếu hẳn tinh thần Dân Tộc. Nếu tình thế này còn kéo dài, Trung Hoa cò thể bị diệt vong. Vậy người Trung Hoa phải đoàn kết nhau lại thành dân tộc, tranh đấu với người ngoại quốc để bảo vệ quyền lợi của mình, và khi được hùng cường rồi, sẽ giúp cho các dân tộc nhược tiểu khác trên thế giới.Trong thuyết Dân Quyền, Tôn Văn chống hẳn các chế độ độc tài dùng cường quyền thống trị dân chúng, nhưng đồng thời ông cũng không tán thành chủ trương tự do cá nhân và bình đẳng của chủ nghĩa Dân Chủ mà ông cho là không thích hợp với tình thế Trung Hoa. Ông cho rằng nước Trung Hoa yếu vì người Trung Hoa đã quá tự do và bình đẳng. Ông hô hào người Trung Hoa nên hy sinh sự tự do và bình đẳng cá nhân của mình để tranh đấu cho Tổ Quốc mình được tự do và bình đẳng với những quốc gia hùng cường.Trong thuyết Dân Sinh, Tôn Văn cố giải quyết các vấn đề xã hội. Ông chống lại chế độ tư bản, nhưng cũng không tán thành chủ trương giai cấp đấu tranh của chủ nghĩa Cộng Sản, mặc dù cho rằng chủ nghĩa Dân Sinh cũng giống như chủ nghĩa Cộng Sản. Ông công nhận quyền tư hữu, song hạn chế bớt nó để nó không uy hiếp được quần chúng. Để cải cách dân sinh, ông chủ trương tiết chế tư bản và bình quân địa quyền để mọi người đều có thể có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi.

2. Nhận Xét:

Chủ nghĩa Tam Dân cố dung hòa tinh thần Quốc Gia với các lý tưởng Dân Chủ và Xã Hội, nhưng trong sự dung hòa này, Tôn Văn đã đăạt nặng vào chủ trương Dân Tộc và gián tiếp phủ nhận sự tự do cá nhân. Mặt khác, chủ nghĩa Tam Dân đã được xây dựng trong lúc Trung Hoa đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn : ngoài thì liệt cường uy hiếp, trong thì dân chúng phân hóa, nghèo đói. Ngoài ra, còn phải giải quyết sự bất mãn của lớp người tân học, phải ve vãn Nga Sô để được Nga Sô yểm trợ. Vì được xây dựng để giải quyết bao nhiêu khó khăn phức tạp đó nên chủ nghĩa Tam Dân đã đưa ra nhiều lý luận mâu thuẫn nhau, như bảo rằng chủ nghĩa Dân Quyền cũng giống như chủ nghĩa Dân Chủ nhưng rồi lại chỉ trích các nguyên tắc tự do bình đẳng của chủ nghĩa Dân Chủ. Như bảo rằng chủ nghĩa Dân Sinh giống như chủ nghĩa Cộng Sản nhưng rồi lại chỉ trích chủ trương giai cấp đấu tranh của chủ nghĩa này.Chủ nghĩa Tam Dân có tính cách chiết trung rõ rệt. Nó cố dung hòa những chủ trương Quốc Gia (Dân Tộc), Dân Chủ (Dân Quyền) và Xã Hội (Dân Sinh), cố sửa chữa những chủ trương ấy cho thích hợp với tình thế Trung Hoa. Xét về mặt lý thuyết, Chủ Nghĩa Tam Dân đã thâu nạp được hết các lý tưởng tốt đẹp của các học thuyết đã ra đời từ thế kỷ thứ 17. Nhưng về mặt thực tế, chủ nghĩa ấy chưa thi hành được, vì sau khi nhà Mãn Thanh bị cách mạng lật đổ, nước Trung Hoa hết lâm vào cảnh rối loạn đến theo đuổi cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nên các chính quyền quốc gia phải theo mãi chế độ độc tài cho đến ngày lục địa mất vào tay Cộng Sản (1949).

MỤC II – SỰ CẦN THIẾT CỦA MỘT CHỦ NGHĨA CHÍNH TRỊ HỢP LÝ

Như trên, chúng ta đã thấy, hai chủ nghĩa Phát Xít và Quốc Xã đã phạm vào lỗi lầm rất lớn là không lấy việc phụng sự con người làm cứu cánh.Các chủ nghĩa Dân Chủ, Xã Hội và Tam Dân có tiến bộ hơn vì biết lấy con người làm trung tâm điểm cho mọi hoạt động chính trị cùng mưu đồ hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, các chủ nghĩa này lại phạm vào lỗi lầm khác không kém quan trọng là không xây dựng những nguyên tắc căn bản trên con người thực sự, con người bằng xương bằng thịt sống ngoài đời.Con người tự do bìng đẳng của tư tưởng Dân Chủ hay con người kinh tế của tư tưởng Xã Hội Duy Vật chỉ là những con người hư ảo hay là những hình bóng khiếm khuyết về con người. Đó là vì những tác giả của những thuyết ấy chỉ quan sát riêng xã hội trong đó họ sống để lập thuyết. Và trong sự quan sát này, họ chỉ nhắm vào những tệ đoan làm cho con người khổ sở. Locke và Rousseau chỉ quan tâm đến sự thiếu tự do bình đẳng của xã hội Au Châu vào thế kỷ 17 và 18.Marx chỉ nhắm vào sự bóc lột lao động của những nhà tư bản thé kỷ thứ 19.Tôn Văn chỉ chú trọng nhiều nhất đến cảnh dân tộc Trung Hoa bị liệt cường uy hiếp và chi phối.Sự quan sát trong một phạm vi hẹp hòi đã đưa các nhà tư tưởng trên đây phản ứng tự nhiên là đánh đổ những chế độ cũ để cải tổ lại cho nó đẹp hơn.

Nhưng trong sự xây dựng xã hội mới, họ lại không nghiên cứu đến bản chất con người mà còn khẳng định là con người vẫn tốt và có đủ đức tính để tạo ra một xã hội hoàn hảo. Do đó, những chủ trương xây dựng xã hội mới của họ đều là những chủ trương không tưởng.Điều này không có gì lạ. Con người dẫu có thông minh tài trí đến đâu, cũng chỉ là một phần tử nhỏ bé của vũ trụ. Do đó, con người không thể sửa đổi bản chất của vũ trụ và không thể đi trái với những định luật thiên nhiên chi phối vũ trụ.Từ ngàn xưa con người đã nhận hiểu rằng, trong thế giói có một trật tự hiển nhiên : mặt trời buổi sáng mọc ở phương Đông, chiều lặn ở phương Tây ; mặt trăng tròn khuyết theo một chu kỳ nhất dịnh ; sự luân chuyển ngày đêm và bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Do đó, con người đã biết tổ chức sự sinh hoạt của chính mình như cày cấy, chăn nuôi, săn bắn chài lưới cho hợp với thời tiết. Hơn nữa, con người còn biết rằng những định luật thiên nhiên này súc người không chống lại nổi. Cho nên muốn điều khiển thiên nhiên, con người chỉ có cách duy nhất là phải thích nghi với trật tự thiên nhiên đó.Ap dụng ý tưởng này vào kỹ nghệ, con người đã thực hiện được nhiều công trình vĩ đại : dùng sức nước, ánh sáng mặt trời tạo những nguồn năng lực mạnh mẽ, chế ngự vật chất để bắt nó phục vụ đời sống của mình. Ngoài ra con người còn áp dụng những định luật ấy vào đời sống hàng ngày của mình. Những thuật dưỡng sinh, những phép ngừa bệnh và trị bệnh, những phương pháp giáo dục, tuyên truyền vận dụng quần chúng… đều không ít thì nhiều, dựa vào các định luật thiên nhiên này. Con người hiểu rằng càng đi sát với định luật thiên nhiên, con người càng dễ thành công.Nhưng trong sự xây dựng những chủ nghĩa chính trị, con người lại gạt qua một bên những định luật thiên nhiên mà chỉ lưu tâm đến những nguyện vọng, ước mơ của mình. Con người vốn không thay đổi được bản chất vũ trụ và đi ngược lại các định luật thiên nhiên, nếu có được, cũng chỉ đưa đến những kết quả tai hại cho con người. Cho nên những chủ nghĩa xây dựng trên nguyên tắc không phù hợp với các định luật thiên nhiên chi phối đời sống con người, tất nhiên phải thất bại.

Vậy, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, ta cần phải có một chủ nghĩa chính trị hợp lý. Chủ nghĩa này không những phải nhằm mục đích phụng sự con người, mà còn phải có dủ điều kiện phụng sự con người một cách đắc lực. Nó phải giải quyết mọi vấn đề theo quan điểm con người, nhưng không thể dựa vào ảo vọng không tưởng của con người mà phải dựa vào những nhận xét xác thật về đời sống con người và về những tương quan giữa con người với thế giới bên  ngoài.”…

Muốn tránh các sai lầm trong lúc hành động, cần phải nêu lên một chủ nghĩa làm tiêu chuẩn cho lý thuyết của Đảng, làm nơi tập trung hấp lực cho đảng viên xa gần cố kết nhau và làm kim chỉ nam cho mọi công cuộc kiến thiết sau này… ” (Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn năm 1939)

(còn tiếp)