Tin Cập Nhật Thứ Tư 4/12

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Cập Nhật Thứ Tư 4/12

Tin Thế Giới

1.
Ông Biden gặp ông Tập Cận Bình, không công khai nói tới ADIZ

PTT Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm nay đã gặp nhau tại Bắc Kinh, nhưng cả hai đều không công khai bình luận về vùng phòng không mới của TQ.

Sau cuộc gặp lúc đầu bên trong Đại Sảnh đường Nhân dân, ông Biden nói rằng quan hệ giữa đôi bên phải được dựa trên sự tin tưởng.

Nhưng ông Biden không đề cập tới vùng phòng không ADIZ, vốn là trọng tâm của các cuộc thảo luận của ông tại Nhật Bản hôm thứ ba.

Ông Tập cũng không trực tiếp nhắc tới vụ tranh cãi này, mà chỉ nói rằng quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh nói chung đã duy trì “sự phát triển tích cực” nhưng “các điểm nóng khu vực” không ngớt xuất hiện.

Trước đó, ông Biden đã hứa sẽ nêu vấn đề này trong các cuộc họp với ông Tập và các giới chức cấp cao khác của TQ.

Trước khi ông Biden tới Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng TQ cho biết quyết tâm của họ trong việc bảo vệ vùng phòng không này là “không thể lay chuyển và họ có đầy đủ năng lực để hành sử quyền kiểm soát hữu hiệu.”

Tờ Trung Quốc Nhật báo do nhà nước kiểm soát cũng cảnh cáo trong một bài bình luận ngày hôm nay là ông Biden “không nên trông đợi sẽ có tiến bộ đáng kể nếu ông tới TQ chỉ để lập lại những phát biểu sai trái và một chiều.”

Ông Biden tuyên bố trong khi TQ và HK ra sức tạo dựng một hình thức bang giao mới, họ cần phải tăng cường hợp tác và đem lại kết quả.

Tại Tokyo, PTT Biden đã bàn về sức mạnh của liên minh với Nhật Bản và lên tiếng bày tỏ mối quan tâm sâu xa của HK về ADIZ mà TQ vừa công bố.

Tại Bắc Kinh ông Biden nhấn mạnh đến các nỗ lực của hai nuớc muốn tạo dựng một mối quan hệ mới, ông nói “Ðây là một mối quan hệ mang lại hậu quả vô cùng to lớn sẽ tác động đến hướng đi của thế kỷ thứ 21 và, cũng như tất cả các mối quan hệ phức tạp, thưa ngày phó Chủ tịch, nó đòi hỏi sự giao tiếp bền vững ở cấp cao”, trước khi diễn ra một cuộc họp kín với ông Lý Nguyên Triều. Ông Lý biểu đồng tình, nhưng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng các quyền lợi cốt lõi và các mối quan tâm chủ yếu của nhau.

TQ nói sẵn sàng thảo luận vấn đề này với Nhật Bản, nhưng cũng nói rằng một số nước đang có phản ứng thái quá và bóp méo sự việc.

Ông Hồng Lỗi nói TQ thiết lập ADIZ để bảo vệ an ninh quốc gia và làm như vậy theo đúng các luật lệ quốc gia. Ông nói HK và Nhật nên coi chuyện này một cách khách quan và không phải TQ đã thay đổi hiện trạng mà chính là Nhật Bản.

Ông Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị tại trường Ðại học Hong Kong, cho rằng ông Biden đang tìm cách duy trì một thế quân bình khó khăn bằng cách đưa ra những lời trấn an với đồng minh lâu đời là Nhật, trong khi cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối bang giao Mỹ-Trung. Ông nói HK muốn đóng vai trò hòa giải “…Một vai trò điều giải chính thức có thể hơi khó khăn bởi vì thông thường các giới hữu trách TQ không muốn có sự can dự của một nước thứ ba, nhất là lại là một cường quốc…”

Theo VOA đối thoại thêm nữa cũng có thể phức tạp trước việc Nhật Bản từ chối không chính thức thừa nhận một vụ tranh chấp về các hòn đảo.

Ông Cheng nói trong khi tất cả các bên hiểu rõ những hiểm họa chiến tranh và các rủi ro do leo thang căng thẳng đề ra, các áp lực trong nước gây khó khăn cho TQ và Nhật “cả hai chính phủ đều bị đặt dưới áp lực của tinh thần dân tộc trong nước và các nhà lãnh đạo của họ không muốn bị coi như yếu thế trong khi đối phó với nhau.”

Trong những ngày qua, TQ đã tiến hành các nỗ lực xoa dịu căng thẳng về vùng ADIZ. Trước khi ông Biden đến, Bộ Quốc phòng đã công bố một thông cáo hiếm thấy nhấn mạnh rằng vùng này không phải là một vùng cấm bay và cũng không phải là một dấu hiệu rằng TQ đang bành trướng không phận của mình. Thông cáo có nói rằng trong khi việc theo dõi trong vùng vẫn cần thiết, việc sử dụng các phản lực cơ chiến đấu sẽ không cần thiết trong đa số các trường hợp.

Sau khi thăm TQ ngày hôm nay, ngày 5/11 ông Biden sẽ lên đường đi Nam Hàn, ông sẽ gặp bà TT Phác Cận Huệ và đi thăm vùng phi quân sự ở miền Bắc trước khi trở về Washington.

Hôm 2/12, Ðại sứ TQ ở Phi Luật Tân nói Bắc Kinh có quyền chủ quyền để thiết lập một ADIZ trên biển ở một khu vực khác giống như đã làm ở Biển Hoa Ðông.

Khi được yêu cầu bình luận về những lo ngại rằng TQ có thể lập một ADIZ ở Biển Ðông, Ðại sứ Mã Khắc Thanh nói TQ có quyền quyết định ở đâu và khi nào thực hiện điều này.
|

2.
Biểu tình ở Thái Lan tạm ngưng ngưng trước sinh nhật của nhà vua

Thủ đô Thái Lan hôm nay yên tĩnh, trong lúc người biểu tình tuân thủ một cuộc hưu chiến trước ngày ăn mừng sinh nhật của nhà vua.

Nhiều người trong số những người xuống đường trong những ngày qua hôm nay đã rủ nhau ra đường, nhưng là để dọn dẹp chuẩn bị cho các lễ hội mừng sinh nhật.

Vua Bhumipol Adulayeh mừng sinh nhật thứ 86 vào ngày mai 5/12.

Các nhân vật lãnh đạo phe đối lập tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình trở lại vào ngày thứ sáu.

Họ cho biết họ sẽ không ngưng nghỉ cho tới khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức và trao quyền lại cho một Hội đồng không do dân bầu ra.

Hàng trăm người biểu tình tiếp tục ở lại tại trụ sở Bộ Tài chánh và một số cơ sở khác của chính phủ, nhưng chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động như thường.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi mọi người mọi giới trong xã hội, kể cả những người biểu tình, hãy làm việc chung với nhau để tìm ra một giải pháp.

Theo VOA, các vụ biểu tình đã tạm ngưng một cách đột ngột ngày 3/12 giữa lúc cảnh sát tháo dỡ rào cản và để cho những người biểu tình tụ tập trong khuôn viên của Tòa nhà Chính phủ và những tòa nhà khác.

Diễn tiến rõ ràng là một cuộc hưu chiến, trước ngày sinh nhật của nhà vua, đã tạo ra một cảnh tượng rất khó có thể tưởng tượng một ngày trước đó: một đoàn người biểu tình chống chính phủ ngồi yên trên sân cỏ của Tòa nhà Chính phủ, trung tâm quyền lực chính trị ở Thái Lan.

Việc chiếm cứ tạm thời khuôn viên của Tòa nhà Chính phủ làm cho một số người biểu tình cảm thấy ngạc nhiên và họ không hiểu diễn tiến này có ý nghĩa như thế nào. Họ không biết chắc là họ thắng hay thua.

Nhưng sự hân hoan không bảo đảm được là vụ xung đột này đã chấm dứt.

Ông Suthep Thaugsuban, người lãnh đạo cuộc biểu tình, đã ăn mừng việc chiếm được các tòa nhà quan trọng của chính phủ trong một thời gian ngắn, nhưng ông thừa nhận là mục tiêu loại bỏ gia tộc Thaksin ra khỏi quyền lực vẫn chưa hoàn tất.

Bà Yingluck lên nắm quyền năm 2011 với thế đa số khá mạnh ở quốc hội. Tuy nhiên một số chính sách của chính phủ bà đã làm cho dân chúng cảm thấy tức giận, đặc biệt là một dự luật ân xá.

Nhiều người Thái Lan và các nhà quan sát chính trị cho rằng việc người biểu tình đòi thay chính phủ được bầu lên một một cách dân chủ bằng một “hội đồng nhân dân” là một đòi hỏi không hợp lý.

Hiện chưa ai biết rõ số phận của Thủ tướng Yingluck sẽ ra sao sau cuộc biểu tình. Trong lúc cả nước đón chờ sinh nhật của nhà vua, bà đã xuất hiện trên truyền hình trong một thời gian ngắn để kêu gọi mọi người đoàn kết và chung sức tìm kiếm một giải pháp.

Bất kể kết cuộc ra sao, vụ rối loạn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Thái Lan. Bộ tài chánh mới đây cho biết tỉ lệ tăng trưởng có thể sụt xuống còn 3% và thứ hạng tín dụng của quốc gia cũng có thể bị hạ thấp.
|

3.
Ngoại trưởng Nga: Nga sẽ không can thiệp vào Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ không can thiệp vào tình hình bất ổn chính trị ở nước láng giềng Ukraine và nói rằng các quốc gia khác cũng nên đứng ngoài cuộc tranh chấp. Các cuộc biểu tình đã gia tăng kể từ cuối tháng trước, khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych rút ra khỏi một hiệp ước thương mại với Liên Hiệp châu Âu, vì nói rằng nước này cần phải phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Các vị ngoại trưởng NATO họp ở Brussels để đàm phán về Afghanistan đã nhận thấy mình rơi vào một loạt các cuộc thảo luận bên lề về tình hình bất ổn chính trị ở Ukraine, kể cả những vấn đề về NATO sẽ đáp ứng ra sao nếu Nga gửi binh sĩ băng qua biên giới để trấn dẹp các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Ngoại trưởng Lavrov nói ông không thể hiểu vì sao bất cứ ai lại có thể nêu vấn đề về sự can thiệp của Nga.

Ông Lavrov nói Moscow không hiểu được sự hung hãn của phe đối lập ở Ukraine đối với TT Yanukovych, mà ông cho rằng đang thực thi quyền của ông trong tư cách đứng đầu ngành hành pháp để phê chuẩn hay không phê chuẩn các hiệp định với Liên Âu.

Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov đang cảnh báo những cuộc biểu tình chống chính phủ hãy ngưng leo thang căng thẳng trong khi các tổ chức nhân quyền bày tỏ quan ngại về việc cảnh sát đàn áp người biểu tình.

Thủ tướng Azarov từng tuyên bố Ukraine muốn hòa nhập thêm vào EU, nhưng không thể chịu đựng các thiệt hại về thương mại với Nga, nước đầu tư và là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và chống quan hệ thân cận hơn giữa Ukraine và EU.

Ngoại trưởng HK John Kerry nói ở NATO 3/12 rằng TT Yanukovych đã “rõ ràng thực hiện một quyết định cá nhân” mà dân chúng Ukraine không đồng ý.

Phe đối lập ở Ukraine đã không buộc được chính phủ giải tán bằng một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm của quốc hội hôm thứ ba. Cuộc biểu quyết được sự ủng hộ của 186 nhà lập pháp chủ yếu theo phe đối lập, thiếu 40 phiếu đa số cần thiết để được thông qua.
|

4.
Chỉ huy Hezbollah ‘bị ám sát’

Một chỉ huy cao cấp của nhóm dân quân Lebanon, Hezbollah, bị giết gần Beirut.

Hezbollah nói ông Hassan Lakkis bị “ám sát” gần nhà, cách thủ đô Lebanon khoảng bảy cây số.

Tổ chức này nói Israel là thủ phạm, nhưng Israel bác bỏ.

Có lời đồn rằng ông Lakkis gần gũi với lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, và là chuyên gia sản xuất vũ khí.

Một ngày trước đó, Hassan Nasrallah nói Saudi Arabia đứng đằng sau vụ đánh bom bên ngoài sứ quán Iran ở Beirut hồi tháng 11.

Iran là nhà tài trợ chính của Hezbollah, còn Hezbollah lại gửi tay súng đến Syria ủng hộ chính phủ Bashar al-Assad.

Thông cáo của Hezbollah hôm thứ Tư nói Lakkis bị giết khi ông ta trở về nhà trong đêm.

Giới chức an ninh Lebanon cho biết các tay súng phục sẵn và bắn chết Lakkis khi ông ta còn ở trong xe.

Nhưng một nguồn khác lại nói với Reuters rằng Lakkis bị súng giảm thanh bắn thẳng vào đầu, và rằng đây là sát thủ chuyên nghiệp.

Hezbollah trỗi dậy trong đầu thập niên 1980 nhờ hỗ trợ tài chính của Iran và bắt đầu tranh đấu nhằm đuổi quân Israel khỏi Lebanon.
|

Tin Việt Nam

5.
Cảnh sát giao thông ‘làm nhiều tiền ít’

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nói trung bình mỗi cảnh sát giao thông (CSGT) phụ trách tới 70km quốc lộ mà tiền bồi dưỡng ‘chỉ đủ mua thêm cái bánh mì’.

Phát biểu của ông bộ trưởng tại cuộc họp của Chính phủ ngày 2/12 đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Trong cuộc họp cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT, được báo trong nước tường thuật lại, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng cho hay tổng số tiền phạt lỗi giao thông thu về trong 11 tháng của năm 2013 cho ngân sách là hơn 2,000 tỷ đồng.

Ông Thăng nói chế độ bồi duỡng cho các CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường rất ít ỏi, dù họ thường xuyên phải tham gia các chiến dịch an toàn giao thông.

Ông kêu gọi cân nhắc lại quy chế bồi dưỡng cho CSGT phả̉i đi làm trong ngày nghỉ, thêm giờ…

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết thêm chi tiết rằng “vì lực lượng mỏng… nếu chia bình quân chỉ tính riêng quốc lộ, mỗi CSGT phải đảm đương 70km đường và chia nhau trực 24/24h”.

“Thực ra mỗi ca trực, tiền bồi dưỡng của mỗi chiến sĩ chỉ mua được cái bánh mì. Số tiền xử phạt theo quy định phải nộp về cho Bộ Tài chính.”

Có nguồn tin nói tiền bồi dưỡng trực mỗi ca cho CSGT chỉ khoảng 100,000 đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho báo VnExpress biết rằng thu nhập của CSGT cấp bậc thiếu úy, trung úy “cũng chỉ được 5-6 triệu đồng/tháng, không đủ tiền xăng xe đi lại, nói gì nuôi vợ con…”

Theo giải thích của các thành viên Chính phủ trong cuộc họp 2/12, trước đây 70% tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được trích lại cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên sau ngày 1/7/2013, toàn bộ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Trước ý kiến của các bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nói đã chỉ đạo đưa ra quy chế bồi dưỡng xứng đáng cho CSGT.

Ông Dũng nói “Nếu kinh phí thu về được nộp cho ngân sách thì phải tính cơ chế cấp lại cho Bộ Công an để mua trang thiết bị và chi bồi dưỡng cho CSGT yên tâm làm việc”.

Theo đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, có thể 30% các khoản phạt trong tương lai sẽ được để lại cho địa phương, còn 70% nộp cho Trung ương, và từ số đó chi bồi dưỡng cho CSGT.
|

6.
Một tòa án LHQ kêu gọi trả tự do cho LS Lê Quốc Quân

Một tòa án về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vừa lên án Việt Nam về việc giam giữ luật sư Lê Quốc Quân, xem đây là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng của ông.

Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ, một tòa án được thành lập trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong phiên họp lần thứ 67, từ ngày 26-30/8/2013, đưa ra phán quyết rằng Lê Quốc Quân đã trở thành mục tiêu tấn công của chính quyền do những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền và viết blog.

Phán quyết này được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố ngày 12/11/2013.

Nhóm Làm việc kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho luật sư Lê Quốc Quân hoặc để cho một tòa án độc lập xét lại bản án. Nhóm còn đề nghị VN phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Quốc Quân về thời gian mà ông bị giam giữ tùy tiện như vậy.

Phán quyết của toà án Liên Hiệp Quốc là nhằm trả lời kiến nghị hồi tháng Ba của tổ chức Media Legal Defence Initiative, phối hợp với nhiều tổ chức nhân quyền khác, như Phóng viên không biên giới, Luật sư không biên giới….

Trong thông cáo đề ngày 29/11/2013, tư vấn pháp lý cao cấp của tổ chức Media Legal Defence Initiative, Nani Jansen, cho rằng, do các tòa phúc thẩm của VN không được độc lập, cho nên, cách duy nhất để VN tuân thủ phán quyết của Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ là trả tự do ngay lập tức cho ông Lê Quốc Quân.

Ngày 20/11, Liên hiệp các Luật sư đoàn của Pháp cũng đã ra thông cáo cho biết trong cuộc họp toàn thể vào ngày 15/11 đã nhất trí thông qua kiến nghị đòi trả tự do ngay lập tức cho luật sư Lê Quốc Quân.

LS Quân bị bắt ngày 27/12/2012 với cáo buộc trốn thuế. Trong phiên xử ngày 2/10/2013, ông bị kết án 30 tháng tù giam và bị phạt tiền 1,2 tỷ đồng. Ông đã kháng án lên tòa phúc thẩm.