Chủ Trương Trung Lập Pháp Lý của Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy trong bối cảnh Đông Á và Thái Bình Dương ngày nay – Dương Thái Sơn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chủ Trương Trung Lập Pháp Lý của Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy trong bối cảnh Đông Á và Thái Bình Dương ngày nay – Dương Thái Sơn

(Thuyết trình Paltalk đêm 23/12/2011, lúc 11:00 PM, giờ New York, trên Diễn Đàn Chính nghĩa VNCH)

Bài này phối hợp hai viễn kiến của cố GS Nguyễn Ngọc Huy: Qui chế Trung Lập pháp lý  cho Việt Nam, và viễn tượng Đông Á và Thái Bình Dương mà ông đã nêu ra để tranh đấu cách đây ba thập niên.

Hồi thập niên 1980, GS. Nguyễn Ngọc Huy đã nêu ra chủ trương Trung Lập pháp lý cho VN, khi ông thành lập tổ chức Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ở hải ngoại. Lúc đó,có người ủng hộ ông, nhưng cũng có nhiều người chống đối ông rất mãnh liệt.  Ông cũng biết như vậy và ông đã nhận định như sau:

‘’Trong việc giải phóng đất nước khỏi ách độc tài của bọn Cộng sản Hà Nội (CSHN), chúng ta phải tự mình tranh đấu, nhưng cũng phải có sự hỗ trợ của các nước mới mong nắm được phần thắng lợi.  Trong sự nhờ các nước hỗ trợ, chúng ta cần phải có một chánh sách thích hợp. Nếu không có chánh sách thích hợp, chúng ta không thể tìm được sự hỗ trợ cần thiết, hoặc có thể được giúp đỡ nhưng bị thao túng và bị lái đi theo chiều hướng bất lợi cho dân tộc ta. Với tình thế hiện tại, giải pháp trung lập là giải pháp có thể dung hoà quyền lợi của dân tộc Việt Nam và cuả những nước có thể giúp chúng ta trong cuộc tranh đấu chống lại chánh quyền CSHN.

‘’ Nghe nói đến giải pháp trung lập, người Việt Nam đã có những phản ứng khác nhau. Có người nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng cũng có người chống đối một cách mãnh liệt.  Lẽ cố nhiên người hoan nghênh cũng như người chống đối đều có lý do của họ. Nhưng ta có thể nhận thấy rằng thái độ của rất nhiều người Việt Nam về vấn đề này đã dựa vào những hiểu biết liên hệ đến riêng chủ trương trung lập được nêu ra cho Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, trong khi từ ngữ Trung lập đã mang nhiều ý nghĩa khác nhau, mà tình thế hiện giờ của Việt Nam cũng đã hoàn toàn khác trước. Mặt khác, khi phán đoán giải pháp trung lập, một số người Việt Nam  khác lại đã dựa vào những quan niệm sai lầm, thí dụ như cho rằng trung lập là thái độ lừng chừng, thiếu quyết tâm, hay quốc gia trung lập không có quyền có lực lượng võ trang để tự vệ.  Muốn có một lập trường thích ứng, chúng ta cần mổ xẻ vấn đề trung lập một cách kỹ càng. (Sách Tài Liệu Huấn Luyện, LMDCVN, 1990, trang 489 và tiếp theo).

Vấn đề ‘’Nước Việt Nam trung lập’’ vẫn còn gây nhiều dị ứng đối với người Việt Nam, dù là phía quốc gia hay phía cộng sản. Khái niệm trung lập đã bị hiểu lầm rất nhiều và ngày nay một số người cho là không còn thích hợp vì sự tranh chấp giữa hai khối Tự Do và Cộng sản trên thế giới không còn nữa. Sở dĩ hiểu như vậy là vì còn thành kiến và mặc cảm, bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh lạnh trước đây.  Thực ra trong hoàn cảnh mới, chính vì cuộc chiến tranh lạnh đã qua rồi mà ngày nay chúng ta đặt vấn đề ‘’nước Việt Nam trung lập pháp lý’’ mới dễ có điều kiện được thoải mái và không còn bị hiểu lầm là thân Cộng hay thân Tư Bản như trước kia.

Người Việt Nam ngày nay có đủ điều kiện để vô tư hơn, đứng ngoài cuộc chiến tranh lạnh, để nhìn tương lai đất nước trong thế địa lý chính trị tự lập với một qui chế trung lập chân chánh có lợi cho sự phát triển và hòa bình trường cửu ở Đông Dương và Đông Á.

Nước Việt Nam thật sự ‘’độc lập’’ khi nào nước Việt Nam không bị khống chế bởi bất cứ nước nào.  Tình trạng này ngày nay Việt Nam đã có chưa? Trên thực tế, người ta đã thấy Trung Quốc khống chế Việt Nam, buộc phải chia cắt đất đai và vùng biển cho họ. Một số người lãnh đạo cộng sản còn lòng yêu nước đã có khuynh hướng dựa vào Hoa Kỳ để chống lại sự khống chế của Trung Quốc. Một số người Việt chống Cộng thì có khuynh hướng dựa vào Mỹ để chống lại Cộng sản Hà Nội, và nuôi hy vọng Mỹ trở lại Việt Nam và … bảo vệ Việt Nam như hồi trước 1975 đã bảo vệ VNCH ! Những ước muốn này có thực sự có lợi cho nước Việt Nam không hay đó là một mối họa tiềm ẩn để đưa Việt Nam vào một cuộc chiến khác khi các tranh chấp vì quyền lợi kinh tế của họ xảy ra?

Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, thế lực của Trung Quốc đang đè nặng trên các cấp lãnh đạo Cộng sản Việt nam, và họ đã ‘’gián tiếp thống trị Việt Nam’’ qua những người cộng sản tay chân của họ.  Đây là tiền đề đưa đến nhiều hậu quả tai hại cho đất nước sau này, bởi muốn thoát ra ngoài móng vuốt của họ sẽ gây nhiều đớn đau và đổ vỡ cho dân tộc. Dùng đối lực Hoa Kỳ để chống lại có phải là giải pháp tốt hay không?  Bởi vậy mà người viết nêu lên vấn đề này ngày nay để các bậc thức giả cùng suy nghĩ, nhất là những người lãnh đạo đất nước hiện tại và tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ bởi vì họ sẽ là lớp người gánh chịu các hậu quả của sự sai lầm.

1/- Khái niệm Trung Lập pháp lý.

Trong quốc tế công pháp và bang giao quốc tế, có hai khái niệm về chữ ‘’trung lập’’ và được phân biệt thành ‘’trung lập sách’’ và ‘’trung lập chế’’.

– Trung lập sách tức là chánh sách trung lập của một chánh quyền. Chánh sách này có thể thay đổi tùy theo chánh quyền đương sự hoặc khi có chánh quyền khác lên thay. Như vậy chánh sách trung lập không có giá trị pháp lý để ràng buộc quốc gia đương sự hoặc buộc quốc gia khác phải tôn trọng.  Điển hình cho trung lập sách là các nước như Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập với chủ trương phi liên kết của họ hồi thời chiến tranh lạnh trước đây.

– Trung lập chế tức là chế độ trung lập pháp lý. Đây là một qui chế pháp lý về trung lập vĩnh viễn có hiệu lực ràng buộc quốc gia đương sự phải tuân thủ, và cũng ràng buộc quốc gia khác phải tôn trọng.  Do đó, chánh quyền nào lên lãnh đạo quốc gia đương sự cũng phải tiếp nối tôn trọng, cho nên còn được gọi là qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn. Điển hình cho trung lập pháp lý vĩnh viễn là các nước Thụy sĩ, Thụy Điển, Áo.

Theo GS. Nguyễn Ngọc Huy:

Khác với chủ trương theo Trung lập sách vốn là một đường lối chính trị, trung lập chế hay qui chế trung lập pháp lý (neutrality) là một qui chế pháp lý có những tiêu chuẩn và điều kiện tương đối rõ ràng.

Mặc dù chánh sách trung lập đã được nhiều nước áp dụng từ ngàn xưa, mầm mống của qui chế trung lập pháp lý hiện tại chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ 16 ở Âu Châu. Các biện pháp mà những nước theo chánh sách trung lập đã thi hành lúc ấy được các học  giả để ý nghiên cứu và hệ thống hóa. Quan niệm về một qui chế trung lập pháp lý đã nảy sanh và phát triển song song với sự nảy sanh và phát triển cuả quốc tế công pháp.  Đến thế kỷ 17, qui chế trung lập pháp lý đã bắt đầu có cơ sở và lần lần thành hình.  Từ thế kỷ 19, nó đã được các nước tây phương công nhận và đem ra áp dụng; và sang thế kỷ 20, nó đã được ấn định trong 2 Qui ước số 5 và số 13 của Hội Nghị Quốc Tế La Haye năm 1907.

Đối với Việt Nam, có người sẽ đặt câu hỏi: nếu theo qui chế trung lập pháp lý, không dựa vào một siêu cường nào thì làm sao để bảo vệ lãnh thổ khi bị xâm lăng? Qui chế trung lập pháp lý buộc quốc gia đương sự không được xâm lăng nước khác, không liên kết quân sự với nước khác, và cũng không cho nước khác lập căn cứ quân sự, hoặc mượn lãnh thổ để tấn công một nước thứ ba. Điều đó không có nghĩa là quốc gia trung lập đương sự không có quyền võ trang để tự vệ.  Sự võ trang để tự vệ không trái với qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn. Ngược lại, kinh nghiệm lịch sử cho thấy sự ỷ lại, nương tựa vào nước khác để bảo vệ lãnh thổ đã nhiều khi tự mình làm mất chủ quyền của mình và bị đồng minh ‘’bán rẻ’’ vì quyền lợi của đất nước họ, trường hợp VNCH hồi năm 1975 là một điển hình.

2/- Nhu cầu và viễn tượng khả thi chế độ Trung lập pháp lý cho Việt Nam.

Vị trí địa lý của nước Việt Nam khiến cho Việt Nam bị lọt vào nơi tranh giành của các siêu cường kinh tế và chính trị. Người Việt Nam yêu nước nào cũng mong muốn đất nước mình được độc lập và được các nước khác tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải lẫn không phận. Tuy nhiên, thế địa lý chính trị của Việt Nam sẽ khiến cho Việt Nam khó có thể đứng yên trước sự dòm ngó và tranh giành của các siêu cường kinh tế và chính trị.

Muốn tạo được thế địa lý chính trị tự lập, Việt Nam rất cần một qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn, để bảo vệ được sự độc lập của quốc gia trong tương quan đa quốc kềm chế lẫn nhau.

Thay vì bị mất hết ảnh hưởng, với chế độ trung lập  pháp lý vĩnh viễn ở Việt Nam, Trung Quốc còn có chỗ đứng để làm ăn kinh tế và không sợ có căn cứ quân sự từ phía nam tấn công vào Trung Quốc. Với một nước Việt Nam trung lập pháp lý vĩnh viễn (nếu được cả Đông Dương hay nhiều quốc gia ở Đông Nam Á càng tốt), Hoa Kỳ và các nước Tây phương không còn sợ sự bành trướng của Trung Quốc về phía Nam và phá vỡ các quyền lợi kinh tế của họ ở Đông Nam Á.

Với các nước khác ở Đông và Nam Á như Nhựt Bản, Nam Hàn, Singapore, Mã Lai, Thái, Phi, Indonesia, Úc cũng vậy, họ sẽ dễ dàng làm ăn kinh tế mà không còn bị đe dọa tấn công quân sự từ Trung Quốc về phía nam gây khó khăn cho các huyết mạch kinh tế trong vùng.

Đây là giải pháp có lợi cho đất nước Việt Nam về lâu về dài, nhưng làm sao để đưa nó vào hiện thực?  Vấn đề đầu tiên là những người lãnh đạo chính trị nước Việt Nam có nhìn thấy lợi ích đó không, và kế đến là có quyết tâm để đề xuất nó không.

Các nhà đấu tranh chống cộng sản độc tài cũng vậy, có chấp nhận nó không, và có đầy đủ can đảm để đề xuất nó không.

Nếu câu trả lời là ‘’Không’’ cho cả hai trường hợp trên thì quả thật là đại bất hạnh cho nước Việt Nam, bởi vì một tương lai chiến tranh, bất ổn định và lệ thưộc sẽ không tránh khỏi; đất nước rồi sẽ bị dập vùi trước các thế lực siêu cường.

3/- Nhận định của GS. Nguyễn Ngọc Huy về chế độ trung lập pháp lý vĩnh viễn cho Việt Nam.

Có thể nói Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy là người tiền phong đã đề xuất lý tưởng trung lập pháp lý vĩnh viễn cho Việt Nam. Ông đã đưa ra từ năm 1980 khi thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (trong đó có GS. Vũ Quốc Thúc là thành viên sáng lập), và lúc đó thế giới còn nằm trong tranh chấp chiến tranh lạnh gay gắt, và Miền Nam Việt Nam cũng vừa mới mất vào tay cộng sản năm 1975.

Ông đã bị nhiều người chống đối rất mạnh và còn bị hiểu lầm là ngây thơ trước nanh vuốt cộng sản.  Lúc đó, lý tưởng trung lập pháp lý vĩnh viễn quả thật là bất khả thi, bởi vì Cộng sản Việt nam vừa mới chiến thắng, và chế độ của họ đang thịnh trị với sự hậu thuẫn của cả Khối Cộng sản thế giới.

Tuy nhiên, cái nhìn của GS Huy là cái nhìn xa về lâu về dài, mà nếu có cơ hội tranh giành được chánh quyền ông sẽ quyết tâm thực hiện nó, bởi vì nó là lợi ích lâu dài cho cả quốc gia dân tộc.

Trong Sách ‘’Tài Liệu Huấn Luyện’’ của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (do Tổng Bộ Tuyên Huấn ấn hành năm 1990 tại Hoa Kỳ), GS Nguyễn Ngọc Huy đã viết nơi trang 514 và 515 về lợi ích của Trung lập pháp lý vĩnh viễn như sau:

‘’Trên trường chính trị quốc tế, lúc các đại cường quốc xung đột nhau ráo riết, các quốc gia nhược tiểu không có lợi gì mà tham dự cuộc xung đột đó. Tham dự cuộc xung đột giữa các đại cường quốc, quốc gia nhược tiểu chỉ bị thiệt thòi vì thường phải đi đầu đỡ đạn cho các đại cường quốc mà khi may mắn đứng về phe thắng trận, quốc gia nhược tiểu cũng chẳng chia chác được quyền lợi bao nhiêu, bởi lẽ các mối lợi lớn bị các đại cường quốc giành lấy mất rồi. Một số người chống lại qui chế trung lập vì cho rằng trong một thế giới phân hóa vì ý thức hệ hiện nay, qui chế trung lập pháp lý không cho phép một quốc gia nhược tiểu liên minh với một đại cường quốc để nhờ đại cường quốc đó che chở và giúp đỡ cho mình. Người khác thì cho rằng một quốc gia theo qui chế trung lập pháp lý ít nhiều bị hạn chế trong sự hoạt động đối ngoại của mình. Nhưng kinh nghiệm đã cho thấy rằng một đại cường quốc có thể vì quyền lợi riêng của mình mà bỏ rơi một quốc gia nhược tiểu đồng minh, khi gặp tình thế khó khăn, như Mỹ đã bỏ rơi VNCH năm 1975.

Mặt khác, việc áp dụng qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn đã không ngăn trở Thụy Sĩ có một chánh sách đối ngoại tích cực và trở thành một quốc gia được trọng nể trên thế giới; đồng thời nhờ qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn từ hơn 160 năm nay mà được an hưởng thái bình và xây dựng được một nền kinh tế phồn thịnh. Vậy, rốt cuộc, giải pháp hay hơn hết đối với các quốc gia nhược tiểu vẫn là đứng ngoài cuộc xung đột giữa các đại cường quốc, tức là theo đường lối trung lập, và vấn đề còn lại được đặt ra là tình thế có cho phép mình theo qui chế trung lập một cách đúng đắn được như Thụy Sĩ hay không mà thôi.’’

Cuối cùng, GS Nguyễn Ngọc Huy đã đưa ra nhận định kết luận như sau, hồi thập niên 1980:

‘’1.- Nghiên cứu vấn đề trung lập một cách đầy đủ rồi, chúng ta có thể nhận thấy rằng trung lập không hẳn có nghĩa là lừng chừng hay nhu nhược không quyết đoán như một số người lầm tưởng. Trái lại, thái độ trung lập có thể là một thái độ phù hợp với quyền lợi chánh đáng của một quốc gia, và những nhà lãnh đạo một quốc gia theo chánh sách trung lập muốn duy trì chánh sách đó thường phải có đủ quyết tâm để cưỡng lại sự dụ dỗ hay áp bách phát xuất từ các quốc gia đương đầu nhau khi các quốc gia này tìm cách lôi kéo mình về phía của họ. Mặt khác, một quốc gia theo qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn không phải là không có quyền có lực lượng võ trang. Thật sự thì một trong những nghĩa vụ của một nước theo qui chế trung lập pháp lý là tự bảo vệ lấy nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chánh sách trung lập của mình, mà muốn chu toàn nghĩa vụ đó, quốc gia theo qui chế trung lập pháp lý tất nhiên là phải có một lực lượng quân sự đầy đủ. Các nước Thụy Điển và Thụy Sĩ đã theo qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn từ lâu là những nước có một quân đội rất mạnh có những võ khí tối tân.

2.- Trên trường chính trị quốc tế, lúc các đại cường quốc xung đột nhau ráo riết, các quốc gia nhược tiểu không có lợi gì mà tham dự cuộc xung đột đó.  Tham dự cuộc xung đột giữa các đại cường quốc, quốc gia nhược tiểu chỉ bị thiệt thòi vì thường phải đi đầu đỡ đạn cho các đại cường quốc mà khi may mắn đứng về phe thắng trận, quốc gia nhược tiểu cũng chẳng chia chác được quyền lợi bao nhiêu, bởi lẽ các mối lợi lớn bị các đại cường quốc giành lấy mất rồi. Một số người chống lại chánh sách trung lập vì cho rằng trong một thế giới phân hóa vì ý thức hệ hiện nay, qui chế trung lập pháp lý không cho phép một quốc gia nhược tiểu liên minh với một đại cường quốc để nhờ đại cường quốc đó che chở và giúp đỡ cho mình. Người khác thì cho rằng một quốc gia theo qui ché trung lập pháp lý ít nhiều bị hạn chế trong sự hoạt động đối ngoại của mình. Nhưng kinh nghiệm đã cho thấy rằng một đại cường quốc có thể vì quyền lợi riêng của mình mà bỏ rơi một quốc gia nhược tiểu đồng minh khi gặp tinh thế khó khăn, như Mỹ đã bỏ rơi VNCH năm 1975.

Mặt khác, việc áp dụng qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn đã không ngăn trở Thụy sĩ có một chánh sách đối ngoại tích cực, và trở thành một quốc gia được trọng nể trên thế giới. Đồng thời, nhờ theo qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn từ hơn 160 năm nay mà được an hưởng thái bình và xây dựng được một nền kinh tế phồn thịnh. Vậy, rốt cuộc, giải pháp hay hơn hết đối với các quốc gia nhược tiểu vẫn là đứng ngoài cuộc xung đột giữa các đại cường quốc, tức là theo đường lối trung lập, và vấn đề còn lại là tình thế có cho phép mình theo chánh sách trung lập một cách đứng đắn được như Thụy sĩ hay không mà thôi.

3.- Khi đứng lên tranh đấu dể tự giải phóng năm 1945, nhơn dân Việt Nam chỉ mong muốn thấy nước nhà độc lập và mình sống tự do. Giả sử như lúc đó mà người quốc gia nắm được chánh quyền và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, thì quốc gia Việt Nam đã được độc lập dễ dàng như Ấn Độ hay Indonesia; và sau khi độc lập, nhơn dân Việt Nam đã theo đường lối phi liên kết rồi, vì người Việt Nam ta  không có lợi gì mà can dự vào cuộc tranh chấp quyền lợi giữa các đại cường quốc.Việt Nam thật ra ở vào một vị trí chiến lược tốt; và nếu lấy Việt Nam làm căn cứ, một cường quốc có thể kiểm soát được miền Tây và Nam Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Việt Nam không nằm trên con đường giao thông thiết yếu của các đại cường quốc thời hậu Thế Chiến thứ hai là Mỹ và Nga, không phải như Bỉ và Lục Xâm Bảo so với các nước Đức, Pháp và Anh hồi tiền Thế Chiến I và I I.  Do đó, Các đại cường quốc thời hậu Thế Chiến I I  hẳn đã không  đến nỗi nhứt quyết phải có mặt ở Việt Nam cho bằng được và đã để cho Việt Nam áp dụng chánh sách trung lập rồi.

4.- Cái rủi cho Việt Nam là cộng sản đã cướp được chánh quyền hồi năm 1945 rồi lôi kéo dân tộc ta theo Cộng sản Quốc tế chống lại Khối Tự Do. Người Pháp đã lợi dụng cơ hội tìm cách trở lại Việt Nam, nên cuộc tranh đấu cho nền độc lập bị kéo dài. Trong khi đó, người quốc gia Việt Nam vì nhu cầu đương cự với cộng sản cũng phải dựa vào các cường quốc Tây phương, nên Việt Nam bị xâu xé vì nội chiến từ 1945 rồi lại bị chia đôi sau khi độc lập. Kế đó, vì cộng sản nhứt quyết chinh phục miền Nam với sự yểm trợ của các cường quốc cộng sản, nên người quốc gia phải dựa vào Mỹ để chống lại, thành ra nhơn dân Việt Nam bị lôi kéo vào một cuộc tranh đấu đẫm máu dai dẳng để cuối cùng bị cộng sản nô lệ hóa. Trong cuộc tranh đấu này, giải pháp trung lập cho Việt Nam đã được nêu ra, nhưng vì cộng sản nhứt định không nhận trung lập thật sự, nên giải pháp trung lập chỉ bị dùng làm một chiêu bài, và bị cộng sản lợi dụng để làm yếu phía quốc gia, hầu dễ chinh phục Miền Nam Việt Nam.  Vì thế, trong thời kỳ này, người quốc gia chơn chánh không thể chấp nhận giải pháp ấy được.

5.- Nhưng sau khi Cộng sản chiếm trọn Việt Nam , đất nước Việt Nam lại trở thành nơi tranh chấp gay go vì sự xung đột giữa các phe cộng sản với nhau. Do đó, tình thế lần lần đưa đẩy các cường quốc phải nghĩ đến việc trung lập hóa Việt Nam trong tương lai. Sự trung lập hóa này hàm ý rằng Việt Nam sẽ được tổ chức theo lề lối dân chủ tự do, nhưng phải theo qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn, với sự chấp thuận và bảo đảm của các cường quốc.

Một giải pháp như vậy chỉ có lợi cho nhơn dân Việt Nam, vốn không có lý do gì đì theo cường quốc này để chọi lại cường quốc khác, và sẵn sàng hợp tác thân hữu với các dân tộc láng giềng. Vậy, nhờ một tình thế may mắn đặc biệt Việt Nam lại có cơ hội thuận tiện để thoát khỏi sự thao túng của các đại cường quốc, và có thể theo qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn như Thụy sĩ, với điều kiện là người Việt Nam phải đóng góp vào cuộc tranh đấu  giải phóng khỏi ách độc tài cộng sản Hà Nội, và sau đó tận lực bảo vệ nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chánh sách trung lập của mình. Nếu một cường quốc muốn thao túng Việt Nam trở lại, họ sẽ gặp sự chống đối của các đại cường quốc khác dồng thời với sự chống đối của dân tộc Việt Nam. Do đó, họ sẽ bắt buộc phải để cho Việt Nam yên, nếu người Việt Nam không cố tình làm điều gì có lợi cho địch thủ họ và bất lợi cho họ.

Như vậy, đối với tình thế mới hiện nay, việc trung lập hóa theo chiều hướng trên đây lại trở thành một mục tiêu tranh đấu chánh đáng cho những người Việt Nam muốn cho dân tộc mình được sống tự do, hòa bình và yên ổn lâu dài.’’  (Nguyễn Ngọc Huy, Sách Tài Liệu Huấn Luyện của LMDCVN, 1990, trang 514 và tiếp theo).

  • Nhận định của chúng ta: Trong bối cảnh Đông Á và Thái Bình Dương ngày nay.

Chúng ta thấy Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ra sức tranh giành ảnh hưởng nhau, nhất là Trung Quốc đang ra sức bành trướng để thể hiện một siêu cường đang lớn mạnh và tham vọng lãnh đạo thế giới dưới thế kỷ 21. Việt Nam là một quốc gia nằm ngay cửa ngõ của Đông Nam Á, nên đương nhiên nằm trong gọng kềm tranh giành của các siêu cường, bởi vị trí địa lý dặc biệt của Việt Nam. Dù theo bên nào thì Việt Nam cũng sẽ trở thành ‘’tiền đồn’’ để chống lại bên kia. Chỉ có lối thoát duy nhứt là Việt Nam cần một qui chế Trung lập pháp lý để đứng bên ngoài cuộc xung đột và có thể giao thiệp thương mại và ngọai giao với cả hai bên mà không lệ thuộc bên nào cả. Đây là một giải pháp lý tưởng, nhưng làm sao thực hiện được?

Các yếu tố khách quan do các yếu tố chính trị bên ngoài đang diễn ra khá thuận tiện là Trung Quốc và Hoa Kỳ tuy tranh giành ảnh hưởng với nhau, nhưng cả hai đều không muốn có chiến tranh với nhau, mà cả hai còn muốn có sự hợp tác kinh tế, thương mại với nhau để cùng phát triển thịnh vượng thay vì đánh nhau. Nhiều nước ở Đông Á đều tỏ ra lo sợ Trung Quốc bành trướng và khống chế toàn vùng, nên họ tỏ ra vui mừng khi thấy Hoa Kỳ trở lại Đông Á để tạo thế quân bình lực lượng tại Đông Á và Thái Bình Dương. Trong cái thế lưỡng phân đó, thì một giải pháp Trung lập pháp lý cho Việt Nam hoặc cho một số nước tại Đông Á sẽ là một điều hay và cần thiết để hai bên có thể tránh va chạm trực tiếp với nhau mà gây ra chiến tranh.

1.-  Một vùng Trung lập pháp lý, phi nguyên tử và hoà bình tại Đông Á (trong đó có Việt Nam và một số nước nữa càng tốt) sẽ là khu vực thương mại mở ngõ cho cả các bên giao dịch với nhau mà không có va chạm quân sự.

2.- Do vị trí địa lý của Việt Nam, mà Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng, nhờ vai trò địa lý chính trị, Việt Nam trở thành trung tâm của  Khối các nước trung lập pháp lý tại Đông Nam Á, xây dựng một nền hòa bình lâu dài tại đây, đúng theo các sấm ký về Thế Hội Long Hoa mà các tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo ở Việt Nam thường nói.

3.-  Trung Quốc có thể chấp nhận giải pháp trung lập này của Việt Nam và các nước, để Trung Quốc không bị bao vây cô lập.  Mặt khác vẫn có thể giao dịch thương mại với các nước này, đồng thời nhờ đó mà thông thương với các nước Tây phương, mà không lo sợ bị Hoa Kỳ tấn công quân sự từ phía nam, miễn là Trung Quốc không còn hung hãn, công nhận và tôn trọng nền độc lập của các nước trung lập láng giềng ở Đông Á và Thái Bình Dương

4.- Hoa Kỳ, Nhựt Bản, Úc Châu, và các nước Tây phương cũng có thể chấp nhận khối trung lập này, để giao dịch thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế mà không lo ngại chiến tranh, không còn lo sợ Trung Quốc một mình làm chủ Á Châu.

5.- Các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Khối ASEAN sẽ không còn lo ngại Trung Quốc bành trướng và khống chế như gần đây.

Nói chung các nước đều hòa bình lâu dài,và thế giới cũng được hòa bình, nếu Việt Nam cùng một số nước khác ở Đông Á theo giải pháp Trung Lập pháp lý vĩnh viễn tạo thành một vùng hòa dịu cho sự tranh chấp của các siêu cường. Đây là nền tảng của một trật tự mới của thế giới tại Đông Á và Thái Bình Dương.  Nhờ đó mà Việt Nam sẽ có hòa bình lâu dài và thoát ra khỏi móng vuốt của các siêu cường gần lẫn xa, để có cơ hội hưng vận đất nước, xây dựng dân chủ, phát triển chính trị và kinh tế, biến nước nhà thành con rồng châu Á, và nhân dân được thái bình thịnh vượng, sống trong tự do dân chủ hạnh phúc.

Các yếu tố khách quan đã thuận tiện, bây giờ chỉ còn chờ xem các yếu tố chủ quan là các nhà lãnh đạo Việt Nam có chấp nhận hay không mà thôi. Hiện nay, chúng ta thấy các nhà lãnh đạo cộng sản đang bị khống chế bởi Bắc Kinh rất nặng nề. Tuy nhiên trong sự khống chế nặng nề đó luôn luôn ngầm chứa một sức bung, đây là cái nguồn hy vọng của chúng ta.

GS. Nguyễn Ngọc Huy thì ông nói rõ ràng ông không tin cậy người cộng sản có thể làm được. Cho nên ông đã viết : ‘’với điều kiện là người Việt Nam phải đóng góp vào cuộc tranh đấu  giải phóng khỏi ách độc tài cộng sản Hà Nội, và sau đó tận lực bảo vệ nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chánh sách trung lập của mình.’’

Tuy nhiên, hiện nay bên trong giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cũng có những người còn sáng suốt và thấy rõ âm mưu đen tối của Bắc Kinh. Họ sẽ là cái ngòi cho sự bùng dậy ở tương lai khi mà sức ép của Bắc Kinh làm cho nó bùng vỡ. Khi cuộc cách mạng nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam bùng vỡ thì cơ hội Trung Lập pháp lý cho Việt Nam sẽ có thể thành hình, nếu những người lãnh đạo mới đó có kiến thức và can đảm lãnh đạo đất nước là vì đất nước, vì nhân dân, thay cho vì Chủ nghĩa Xã hội lệ thuộc Bắc Kinh.

Nếu có những người lãnh đạo cộng sản làm được việc này, họ sẽ là những người có công với dân tộc và đất nước, vì họ đã dưa được đất nước đến chỗ độc lập vinh quang, thái bình lâu dài, kinh tế phát triển phồn thịnh, mở đầu một triều đại mới rất vẻ vang.