Xây dựng một chế độ chính trị hậu-cộng-sản ở Việt Nam – Trần Thanh Hiệp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xây dựng một chế độ chính trị hậu-cộng-sản ở Việt Nam – Trần Thanh Hiệp

Về khái niệm “hậu-cộng-sản”

Khi nói và bàn về “Hậu cộng sản”, tôi xin tiên khởi được nhấn mạnh rằng những gì tôi sắp trình bày sẽ chỉ là những ý kiến riêng mà tôi cho là có thể giúp soi sáng cho việc giải quyết các vấn đề chung của đất nước. Tôi không thiếu thận trọng đến mức coi đó là những chân lý hay hô hào mọi người hãy chấp nhận ý kiến của tôi như là những chân lý. Tôi mong sẽ không xảy ra những sự hiểu lầm, vô tình hay cố ý, về những ý kiến tôi sẽ phát biểu dưới đây.

Theo tôi, bàn về một chế độ chính trị hậu-cộng-sản ở Việt Nam là bàn về tương lai chính trị của Việt Nam. Vì thế, thành ngữ hậu-cộng-sản cần phải đuợc hiểu theo cả về nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Hẹp là có ý nói về thứ tự thời gian. Vậy chế độ hậu-cộng-sản là chế độ tiếp theo sau, và sẽ thay đổi hẳn, chế độ cộng sản là chế độ phải loại bỏ và đã được loại bỏ. Vì lẽ đó chế độ chính trị mới hay hậu-cộng-sản còn phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là chế độ này phải có những đặc tính bảo đảm ít ra là hai điều : Một mặt, nó phải chấm dứt được quốc nạn cộng sản. Và mặt khác, nó cũng phải ngăn giữ kỳ được không để cho quốc nạn này tái diễn trên đất nước thêm một lần nữa.
Trong lịch sử thế giới hiện đại có một tiền lệ lịch sử đã được cả nhân loại trân trọng. Đó là sự thành công trong sự nghiệp phục hưng đất nước có thể nói rất đáng khâm phục của dân tộc Đức dưới ngọn cờ lãnh đạo của Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc.

Bài học Dân chủ

Chúng ta còn nhớ năm 1945, sau chiến thắng của Đồng Minh, tập đoàn cầm quyền na zi, phát xít Đức đã phải trả lời trước tòa án quốc tế và thụ hình về những hành vi vô nhân đạo của họ. Năm 1948, ba cường quốc Anh, Pháp và Mỹ đã tạo điều kiện cho bộ phận của dân tộc Đức, sinh sống trong vùng dưới quyền giám hộ của Đồng Minh, xây dựng lại đất nước. Và sự nghiệp phục hưng dân tộc này đã dựa trên một văn bản pháp lý có tên gọi là Luật Căn Bản 1949. Tuy gọi là Luật Căn Bản nhưng thực ra đó chính là bản Hiến Pháp xây dựng nước Đức thời hậu chiến. Vì nuớc này vẫn còn ở trong tình trạng chia đôi thành Tây Đức và Đông Đức nên phải đợi thống nhất xong mới đổi  tên là Hiến Pháp. Trong văn bản lịch sử này, nếu chỉ để ý đọc điều 20 thôi, theo đó, Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc là mộtquốc gia liên bang dân chủ và xã hội thì đã chẳng thấy được giá trị đích thực của nó.

Phải nghiên cứu nội dung của trên 20 điều đầu tiên của Luật Căn Bản 1949 mới ý thức được rằng văn bản này đã mang lại cho nhân loại trên địa hạt chính tri, nhân quyền, dân quyền , những thành tố của một nền văn minh nhân bản mới. Đó là sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Hiến Pháp Luật, một bản Hiến pháp đã đưa vấn đền nhân phẩm của con người lên hàng giá trị tuyệt đối làm nền tảng cho mọi cộng đồng nhân xã, cho hòa bình và công lý trên thế giới. Và để cho chủ trương này được thực thi, bản Hiến Pháp này đã buộc chính quyền phải triệt để tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ nó. Đồng thời bản Hiến pháp còn trù liệu thể hiện nhân phẩm bằng hơn 20 nhân quyền cơ bản, ghi rõ trong hiến pháp, với đòi hỏi rằng những điều khoản của hiến pháp dự liệu các nhân quyền này có hiệu lực áp dụng trực tiếp đối với cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Chưa hết, Hiến pháp còn đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi cá nhân, tổ chức chính trị nào đi ngược lại chủ trương thượng tôn nhân phẩm, coi những cá nhân, tổ chức này là có hành vi vi hiến.

Nói tóm lại, Luật Căn Bản 1949 đã chính thức ngăn giữ không cho cực quyền toàn trị có thể tái xuất hiện trên chính trường nước Đức. Có thể nói rằng Luật Căn Bản 1949 đã kiện toàn để hoàn thiện “chế độ đại nghị nguyên mẫu”  của Anh Quốc và bổ sung Hiến pháp cơ năng của Mỹ Quốc để cung cấp cho nhân loại một điển mẫu văn hóa chính trị tiên tiến nhất.

Việt Nam, ngày mai này, khi không còn cộng sản nữa, liệu có thể đi theo hướng chánh trị nước Đức được không?

Tất nhiên đó là một chọn lựa tốt nhưng nhất định phải có điều kiện tiên quyết. Vì độc tài đảng trị, toàn trị không thể sống chung với tự do dân chủ.

Vậy điều kiện tiên quyết để xây dựng dân chủ là phải thanh toán độc tài. Cũng như ở Liên Xô và Đông Âu cũ thập niên 1990 và ở Bắc Phi, Trung Đông đầu thập niên 2000, bộ máy cai trị độc tài cộng sản ở Việt Nam, gồm có Đảng, Chính phủ và hệ thống tổ chức quân chúng công cụ, phải giải thể để nhường chỗ cho chế độ dân chủ tự do đặt nền móng xây dựng xã hội mới.

Tuy nhiên, tình hình chuyển hóa độc tài sang dân chủ ở Việt Nam không đơn giản như lý thuyết. Cho nên ở đó độc tài vẫn còn tại chức. Vì vậy, phải kiếm ra được một phương thức chuyển hóa thích hợp, vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ. Phương thức này chi có thể đạt được mục đích nếu phe dân chủ đủ tài trí và thế lực để hành động, thay vì chỉ bàn cãi suông về lập trường và lý thuyết chính trị.

Trong nước, ai cũng nhận thấy đảng cộng sản cầm quyền đang phải đối mặt với sự vùng dậy đòi nhân quyền, dân quyền của mọi tầng lớp xã hội. Trong khi đó, đảng này nội bộ chia rẽ trầm trọng, nạn tham nhũng hoành hành đại qui mô, kinh tế suy sụp tận đáy, đe dọa xâm lược phương Bắc ngày càng lớn. Thiểu số lãnh đạo lại chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng, để mặc cho bọn tay sai cấp dưới tự tung tự tác, dầy xéo lên luật pháp, cướp của giết người. Tôi tưởng rằng dân chúng, nhất là những người dân chủ ,đã dễ dàng thấy được đâu là phưong thức vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ.

Ở ngoài nước, tôi tự hỏi liệu những người dân chủ có dám tin rằng thời cơ đánh bại độc tài ở trong nước đang đến hay không. Để mau lẹ củng cố lại hàng ngũ tranh đấu, rèn đúc cho sắc bén ý thức chính trị và đầu tư về mọi mặt cho tương lai đất nước. Một quốc gia Việt Nam mới, dân chủ tự do, văn minh, thịnh vượng sẽ không tự trên trời rơi xuông mà phải được khai sinh bằng máu, nuớc mắt và mồ hôi của nhân dân.

Ngay từ bây giờ, nếu muốn bắt đầu tiến hành cải cách chính trị ở trong nước, và nếu cần, cả ở ngoài nước, như là khởi đầu cho công cuộc xây dựng một nước Việt nam mới “hậu cộng sản” thì mọi người hảy thật sự bắt tay vào việc, thay đổi nếp suy nghĩ, cùng hướng về mục tiêu lớn chứ đừng giử thói quen cố hữu chỉ nói mà không làm . Mà không làm thì “Việt nam hậu cộng sản” sẽ chẳng bao giờ có!

Nhũng chuyển biến mới

Ở trong nước, có nhiều chuyển động chính trị hiện đang diễn ra, từ ngay trong nội bộ đảng, đến tầng lớp trí thức, thế hệ trẻ, v.v… Nhiều người tự hỏi liệu đó có phải là những chuyển động mở đường một cách bất bạo động cho việc xây dựng một nền chính trị hậu cộng sản hay không?

Nhận định về những chuyển biến này tùy thuộc vào cách nhìn vấn đề của mỗi người. Nếu người đó còn bị ám ảnh bởi những kỷ niệm chiến tranh của quá khứ, cũng như không tin tưởng  gì vào xu thế tất yếu của thời đại là dân chủ, thì sẽ không thể đánh giá đúng những hiện tượng đó được. Tuy không hề có ảo tưởng rằng độc tài đảng trị cộng sản đã hối cải trở về với dân chủ, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hiện nay trong nước, dân chủ đang phản công, từng bước đẩy lui độc tài cộng sản. Và một lực lượng dân chủ tiền phong đã thành hình, qua sự liên kết một cách tự phát của nhiêu thành tố nhân xã. Từ cộng sản phản tỉnh qua dân chủ đối kháng đến tuổi trẻ tiến bộ. Theo tôi, đó chính là đội ngũ mở đường cho chế độ chính trị hậu-cộng-sản.

Ở ngoài nước, cộng đồng người Việt tị nạn, sau gần 40 năm lưu vong, đã trở thành một chủ lực dân chủ tiền phong. Nhưng, để góp phần tranh đấu cho Việt nam ngày mai, tưởng cũng cần đổi mới đường lối, tổ chức tranh đấu cho thích hợp với những đòi hỏi của tình thế mới, ở quốc nội cũng như trên bàn cờ quốc tế. Thay đổi để đáp ứng những đòi hỏi mới của tình thế, tức là lực lượng dân chủ sẽ không đấu tranh bằng bạo lực mà đấu tranh theo cung cách ôn hòa, phù hợp với những qui phạm của luật quốc tế về nhân quyền, dân quyền. Phải nhấn mạnh nếu không được như vậy thì e rằng khó tranh thủ được sự yểm trợ mạnh mẽ có qui mô của quốc tế.

Hảy nhìn lại Iraq rồi Bắc Phi và Trung Đông để thấy rằng dân chủ chỉ có thể chiến thắng độc tài nếu dân chủ có bản lĩnh kết hợp được hai hình thức tranh đấu võ trang và ôn hòa.

Theo tôi trong hiện tình chính trị, kinh tế và xã hội dưới chế độ cộng sản ở trong nước hiện nay, con đường tranh đấu thích hợp nhất sẽ chỉ có  thể là tranh đấu bất bạo động, trên cơ sở luật quốc tế về nhân quyền và dân quyền.

Vậy nay chính là lúc phải cập nhật hóa việc tổ chức tranh đấu của giai đoạn trước chỉ biết sử dụng bạo lực. Nhưng, nên nhớ rằng, tranh đấu bất bạo động, không phải chỉ là nêu lên lập trường, hô khẩu hiệu tranh đấu bất bạo động. Nghĩa là không chỉ tranh đấu bằng lời nói mà phải quyết liệt tranh đấu bằng việc làm bất bạo động. Như hai tiền lệ lịch sử gương mẫu là cuộc tranh đấu của Công đoàn Solidarsnoc ở Ba Lan và cuộc tranh đấu của Thánh Mahatma Gandhi ở Ấn Độ.

Nói cách khác, trước đây thì tranh đấu bằng bạo lực chiến tranh, giành thắng lợi cho ý thức hệ nhưng nay tình thế lại đòi hỏi phải thay thế bằng một hình thức vận động văn hóa cho hòa bình để xây dựng một xã hội tương lai, văn minh và thịnh vượng ở Việt Nam hậu-cộng-sản.

Một Dự Án chánh trị hậu cộng sản

Theo tôi nghĩ, muốn thiết lập cho tương lai một chế độ chính trị hậu-cộng-sản thì tất yếu phải lập dự án chính trị hậu-cộng-sản. Trong quá khứ, sáng kiến này chưa xuất hiện nên đương nhiên đã có nhiều xu hướng khác nhau về việc xây dựng tương lai. Nhưng nay nếu muốn cho ra đời một dự án chung thì dĩ nhiên phải có một cuôc vận động liên kết các xu hướng dị biệt trên nền tảng mẫu số chung là dự án. Một cuộc vận động chỉ có tính chất văn hóa như vậy mà cũng không mang lại được kết quả hợp nhất thì làm sao có được dự án. Cho nên tôi tin chắc rằng ai cũng ý thức được cáí lô-gích đơn giản này nên sẽ không ai đi vào vết xe đổ của quá khứ.

“Văn hóa chính trị” là một khái niệm mới, một loại kiến thức mới, nên đó là một ngành học mới đối với người Việt Nam. Loại kiến thức mới này xuất hiện để thay thế ý thức hệ, hay đúng hơn, để hiện thực hóa ý thức hệ. Bằng cách mang lại cho ý thức hệ một nội dung nhân bản chính xác hơn, đích thực hơn,  trên địa hạt chính trị.

Thí dụ về chế độ chính trị hậu-cộng-sản, ý thức hệ đòi hỏi phải có dân chủ mà không cần xác định thế nào là dân chủ hay không cần đích thực có dân chủ. Còn văn hóa chính trị thì  khác, vì nó sẽ xác định rõ là dân chủ phải mang lại cho xã hội một hệ thống quan hệ bình đẳng, nhân ái, giữa người với người, giữa quảng đại quần chúng bị trị với thiểu số thống trị.

Nhờ vậy mà xã hội được bình định, một khi con người đã biết thay thế xung đột bạo lực bằng quy phạm pháp lý bất bạo động. Do đó, chế độ chính trị trong tương lai ở Việt Nam cần được xây dựng trên nền tảng văn hóa chính trị thay vì trên nền tảng ý hệ.

Ổn định chánh trị, phát triển kinh tế

“Ổn định chính trị trong một thế chế dân chủ thực sự” phải được hiểu như là một cuộc sống trong đó tự do, nhân phẩm của người dân được tôn trọng và bảo đảm. Còn sự “phát triển kinh tế” cần thực hiện thì phải là sự phát triển bền vững và công bằng. Cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, không phải chỉ riêng cho một tuyệt thiểu số đặc quyền đặc lợi ngang nhiên cướp quyền sống của tuyệt đại đa số.

Do đó, trật tự chính trị mới của nước Việt Nam dân chủ hậu-cộng-sản sẽ phải xây dựng trên nền tảng môt hệ thống pháp luật tôn trọng nhân quyền, dân quyền theo tiêu chuẩn của luật quốc tế, được áp dụng nghiêm chỉnh trong khuôn khổ của một Nhà nước pháp trị.

Những tiêu chuẩn này đã được qui định rõ ràng, theo nhiều cách khác nhau trong một số văn bản có tên gọi là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền năm 1948, hai Công ước quốc tế  năm 1966, về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và về các quyền dân sự và chính tri (nếu chỉ kể ra những văn bản chính). Ở Hà nội, nhà cầm quyền cộng sản thường đề cao cái gọi là ” Nhà nước Pháp quyền ” của họ. Ở hải ngoại cũng không ít người nói theo. Vì ngộ nhận hay có ẩn ý gì khác?

Theo tôi,  giữa ”Nhà nước Pháp quyền” của cộng sảng Hà nội và “Nhà nước Pháp trị” của chế độ Dân chủ tự do, có sự khác nhau một trời một vực, như trắng khác với đen. Cộng sản Việt Nam đã sáng chế ra một tên gọi mới là Nhà Nước Pháp Quyền vừa để che dấu thực chất phi nhân quyền, phản dân chủ của lọai nhà nước này vừa để lừa gạt dư luận rằng cộng sản cũng cai trị bằng pháp luật. Nhưng trong khi Nhà Nước Pháp trị cai trị bằng pháp luật dân chủ thì cộng sản lại cai trị bằng pháp luật độc tài đảng trị. Tính tự pháp quyền ngụ ý nhà nước cộng sản cũng cai trị bằng pháp luật, hơn nữa còn coi pháp luật có quyền cao nhất. Nhưng không thể đánh đồng hai lọai tên gọi mà phải coi xem có phải cùng lọai pháp luật hay không, tức là phải phân biệt“ áp dụng pháp luật” với “pháp luật được áp dụng”. Bởi lẽ ấy, phẩm chất và giá trị pháp lý của Nhà Nước tùy thuộc vào lọai pháp luật được áp dụng chứ không hoàn toàn vào việc áp dụng pháp luật.Cho nên, người dân chủ không thể xài chữ pháp quyền như là một đồng nghĩa của pháp trị.

Thực tế phải làm gì đây?

Tất nhiên là có thể sẽ có nhiều sáng kiến để thanh tóan độc tài và xây dựng dân chủ. Việc tôi chỉ trình bày một – của riêng tôi – rong những sáng kiến ấy thôi không có nghĩa là tôi bài bác tất cả những sáng kiến khác với sáng kiến cua tôi. Sáng kiến nào cũng có thể góp phần đánh bại độc tài, nếu nó được đưa ra thực hiện. Nhưng nếu sáng kiến ấy chỉ là một ảnh tượng ở trong đầu thôi thì không có giá trị thực tiễn.

Tôi cho rằng trong hiện tình, ở trong nước cũng như ở ngòai nước những người dân chủ chưa đủ điều kiện để mở ra trận thư hùng đánh bại độc tài. Cho nên tôi chủ trương vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ.

Tuy nhiên giải thể chế độ độc tài không phải là vấn đề đơn giản .Thật khó có thể tìm ngay ra một giải pháp tồi ưu như nhiều người mong muốn. Thay vì đưa ra một lời khẳng định, tôi muốn gợi ý chúng ta nên cùng tìm trong những tiền lệ đánh bại dộc tài ở Việt Nam cũng như trên thế giới bài học kinh nghiệm để giành chiến thắng cho dân chủ.

Trước hết, ít ra chúng ta cũng đã hiểu được vì sao phe dân chủ đã thất bại trong cuộc chiến đấu võ trang quốc cộng ở miền Nam trước đây. Cũng như trong những cuộc vận động phục quốc ở hải ngọai. Ngòai ra chúng ta còn chứng kiến sự thành công rực rỡ của công đoàn Solidacnosc ở Ba Lan. Sau hết chúng ta đã nhìn thấy cuộc vùng lên của dân chủ ở Bắc Phi Tung Đông dưới hình thức kết hợp bạo động với bất bạo động.

Một cách chủ quan, tôi tạm rút ra bài học kinh nghiệm là phe dân chủ trong hiện tình trong nước cũng như ở ngòai nước, chỉ có thể vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ.

Về xây dựng dân chủ, tôi xin tóm lược thành hai điểm ngắn gọn.

Thứ nhất, nếu phe dân chủ Việt Nam biết tổ chức thành cơ cấu hành động – thay vì thông tin tuyên truyền suông – thì, như đã được chứng tỏ ở Bắc Phi, Trung Đông, các cường quốc dân chủ trên thế giới sẽ ủng hộ không những về mặt ngọai giao mà còn cả về mặt quân sự nữa.

Thứ hai, riêng về phần nước Việt Nam thì chính mỗi người Việt Nam phải tỏ ra có trình độ dân chủ tương xứng với cách ứng xử của người dân một nước dân chủ vào thời đại những năm 2000. Dân chỉ có thể là chủ đất nước được khi nào mỗi người dân đủ tư cách làm chủ. Không được vậy thì lại sẽ chỉ có những chế dộ độc tài giả dạng dân chủ.