Viễn Tượng Sống Còn của Dân Tộc trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực Mỹ -Trung tại Biển Đông – BS Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Viễn Tượng Sống Còn của Dân Tộc trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực Mỹ -Trung tại Biển Đông – BS Mã Xái

(Bài phát biểu nhân dịp Lễ Tưởng Niệm năm thứ 25 Cố GS Nguyễn Ngọc Huy tại Sacramento, CA vào cuối tháng 7, 2015)

Hiện tình đất nước và thế giới diễn biến từng giây phút, trong đó Biển Đông vẫn là vùng biển sôi động trên bàn cờ chánh trị Châu Á-Thái Bình Dương. Câu chuyện Biển Đông dậy sóng đã xảy ra từ nhiều thập kỷ nhưng bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng thực sự khởi đầu với nhiệm kỳ Tổng thống Obama; tại Diễn đàn An Ninh Khu Vực ASEAN năm 2010 tại Hà Nội, Bộ Trưởng ngoại giao TC Dương Khiết Trì ngang nhiên tuyên bố “Biển Đông là quyền lợi cốt lõi” ngang hàng với Tây Tạng, Tân Cương, Đoài Loan; và để đối lại, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton cũng phát biểu một câu nói câu nói để đời “Biển Đông là nơi gắn bó quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ”. Đây là nơi mà hai cường quốc sẽ trường kỳ đối đầu nhau trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương.
Điều bất hạnh cho dân tộc Việt Nam là đảng CSVN từ sau thập niên 1990s, từ sau thoả thuận Thành Đô, ngay cả từ thời Hồ Chí Minh, lại chọn con đường lệ thuộc thông đồng và tiếp tay cho giặc là đảng CSTQ trong chiến lược gậm nhấm Biển Đông và mưu đồ thôn tính và Hán hoá dân tộc Việt Nam. Nhưng rồi sự thật phũ phàng, sự thật bán nước của tập đoàn cộng sản Hà Nội cũng không che dấu được ai, đảng CSVN thấm thía thân phận lệ thuộc của mình khi đồng chí Bắc phương mười sáu chữ vàng bốn tốt ngang nhiên cắm giàn khoang HD-981 (5/2014) đặt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, rồi năm sau đó lại lấn đất lấp đảo, xây đấp đảo nhơn tạo, quân sự hoá vùng Biển Đông, và mới đây lại mang giàn khoang HD-981 triển khai gần vùng bờ biển Việt Nam. Như vậy là TC tự xem mình như đã hoàn tất tham vọng khống chế được Đường Lưỡi Bò bao gồm 90% Biển Đông, một hành động phi lý, vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi cuộc tranh chấp biển đảo giữa các quốc gia còn gây go. Đây là lúc mà nền kinh tế Việt Nam đang vào thời kỳ suy sụp, CSVN lại chịu sức ép, bắt nạt, cưỡng chế của Bắc Kinh dù đã hết lòng thần phục, tình thế tạo nên sự phân hoá sâu rộng trong nội bộ lãnh đạo đảng CSVN, cả hai phe thân Tàu hay thân Mỹ tạm thời hoà với nhau để tìm giải pháp cho sự sống còn cho đảng, cho chế độ; thêm vào đó với áp lực quần chúng quá bất mãn về bản chất hèn với giặc, ác với dân của nhà nước, tâm trạng nhơn dân thù ghét Bắc Kinh lại hướng về với Mỹ, đã khiến đảng CSVN phải đẩy mạnh cuộc vận động ngoại giao để tiếp cận sâu hơn với Hoa kỳ mưu tìm chỗ dựa mới mong tạo được sự cân bằng quan hệ Việt Trung hay ít ra cũng giảm được áp lực của Trung Cộng. Nhiều người nghĩ rằng đây là cái dấu chuyển hướng chiến lược ngoại giao của Hà Nội, và cũng đúng vào lúc này Mỹ cần lôi kéo CSVN về với mình; từ lâu Obama vẫn tin tưởng Cộng sản Việt Nam sẽ là một đối tác tiềm năng cho chánh sách Tái Cân Bằng về Châu Á. Nhiều nhà phân tích cho rằng khúc quanh lịch sử bang giao mới đã tới, sau bốn mươi năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, sau bốn mươi năm chánh quyền Hoa Kỳ bức tử người đồng minh VNCH (1975-2015) để thắt chặt tình nồng thấm mới với CSVN, từ một kẻ thù thành bạn. Biến cố Biển Đông cũng là dịp cho Hoa Kỳ thẩm định lại hệ quả tai hại không lường qua cái bắt tay chiến lược Mao-Nixon để nặn ra cái Thông Cáo Thượng Hải 1972, theo đó Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Bắc Kinh mở cửa ra thế giới bên ngoài, để từ một quốc gia ”đang phát triển” với dân số cả tỉ người trở nên một cường quốc kinh tế quân sự lộ diện bản chất bá quyền bành trướng của một “Trung hoa Trỗi dậy”, nhưng không hài hoà và cường quốc đó lại cũng đẩy mạnh chiến lược cùng tiến về Châu Á-Thái Bình Dương đối đầu với chánh sách Tái cân bằng của Mỹ; cả hai coi Biển Đông-Việt Nam là tâm điểm cho địa chiến lược cho bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc, vốn có một thời từng là “liên minh” với nhau để chống Liên Xô cũng như để sắp xếp thế cuộc Đông Dương với viêc bán đứng VNCH qua HĐ Paris 1973. Đó là cái bi hài kịch “trên thế giới này không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi quốc gia” định hướng cho quan hệ giữa Việt-Mỹ-Trung, cả ba hành xử theo quyền lợi sống còn của mình.
Trở lại vấn đề Biển Đông, trong đại sách lược Châu Á của TC, việc khống chế Biển Đông là ưu tiên cốt lõi để thực hiện chiến lược hai đại dương, từ đó bành trướng về Tây Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương (Tập Cận Bình từng nói Thái Bình Dương đủ rộng cho Hoa Kỳ và Trung Quốc xử dụng, ý nói lấy Hawaii làm ranh chia đôi TBD!) và hướng về Ấn Độ Dương xuyên qua Eo Malacca, vẽ lại Con Đường Tơ Lụa Trên Biển. Có thể nói sách lược kinh tế Đông Nam Á của TC đi trước Hoa Kỳ khá xa từ những năm Hoa Kỳ còn sa lầy ở chiến cuộc Iraq và Afganistan; với “Mô hình Trung Quốc”, kinh tế phát triển nhanh, tăng trưởng mạnh, từ đầu thế kỳ 21, nền kinh tế TC chỉ bằng một phần chín nền kinh tế Hoa Kỳ và bằng một phần tư của Nhựt, nhưng đến năm 2010 thì TC qua mặt Nhựt để trở nên cường quốc số hai, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Có thể nói “sự trổi dậy không hài hoà” trong lãnh vực an ninh kinh tế năng động của TC đã phần nào thúc đẩy Hoa Kỳ đặt nền mống cho chiến lược Tái Cân Bằng về Châu Á; và quan trọng hơn Hoa Kỳ chắc phải quan tâm trước thách thức của một nền kinh tế năng động của TC có tham vọng định hình lại cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu với sáng kiến thành lập hiệp hội mậu dịch tự do Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) và sáng kiến thiết lập định chế Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Á Châu (AIIB) và sáng kiến “Một Vòng Đai Một Con Đường”(One Belt, One Road/ OBOR).
Cuộc cạnh tranh tại Biển Đông giữa Mỹ và TC còn tiếp diễn trên nhiều mặt, nhưng đã trở nên gay gắt sau biến cố Biển Đông, đưa tới những diễn biến với nhiều hệ quả chánh trị đáng quan tâm, trong đó việc chuyển hướng CSVN về phía Mỹ, dẫn tới sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Cộng, cả hai muốn coi Việt Nam như con bài trao đổi trên bàn cờ chánh trị Đông Nam Á. Những chuyển biến an ninh, kinh tế, ngoại giao đó ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh dân chủ hoá của nhơn dân Việt Nam từ quốc nội đến hải ngoại:
Thứ nhứt, người Mỹ vì quyền lợi quốc gia tại Biển Đông, quốc hội và nhà nước Hoa Kỳ đều nhập cuộc, có hành động quyết liệt hơn để ngăn chận mưu toan bành trướng hung hăng của TC chẳng những ở Biển Đông và Hoa Đông mà còn chuẩn bị tiến lên lấy vị thế siêu cường của Mỹ. Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương Scott Swift tuyên bố sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Aston Carter đã cho tàu chiến và máy bay quân sự tuần tra vào Biển Đông, khẳng định bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải; và hơn thế nữa cho TC biết Hoa Kỳ vẫn là cường quốc trên Thái Bình Dương; Hoa Kỳ tăng cường bố trí lực lượng vòng đai quân sự, tăng cường sức mạnh cho đồng minh (Nhựt bổn đi vào phòng thủ tập thể, Đại Hàn, Phi, Úc và các đối tác thân thiện như như Ấn Độ, Singapore), đẩy mạnh hơp tác quốc phòng Việt Mỹ (thông cáo tầm nhìn chung Trọng-Obama 7/7 2015). Kêu gọi mọi phía trong vấn đề tranh chấp được giải quyết theo đường lối ngoại giao, hoà bình, tôn trong pháp luật. Hành đông cụ thể của Mỹ ít nhứt cũng tạo được lòng tin của ASEAN về quyết tâm bám trụ với ĐNA.
Thứ hai, Hoa kỳ đã thành công trình bày sự thật trước dư luận thế giới về động thái hiếu chiến hung hăng phi pháp, phi lý về tham vọng khống chế Biển Đông của TC tại Đối Thoại Shangri-La (5/ 2015), và tại G-7 vùa qua tại Âu Châu; các nước trong ASEAN thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực là cần thiết để tạo thế cân bằng, cũng cố an ninh, hoà bình ổn định và thịnh vương cho khu vực.
Thứ ba, biến cố thô bạo ở Biển Đông do TC tạo nên đã đẩy CSVN đi gần với Mỹ, và còn tác động lên chánh trường Việt Nam. Nội bộ lục đục giữa hai phe thân Tàu thân Mỹ càng rõ nét hơn, sự tranh chấp quyền lực ở cấp lãnh đạo trung ương trở nên quyết liệt hơn, nhứt là những tin đồn về những vụ thanh trừng mờ ám. Hoa Kỳ qua buổi hội đàm Trọng-Obama đã làm an lòng cánh bảo thủ, thân TC khi lần đầu tiên TBT đảng CSVN Nguyễn phú Trọng được TT Obama tiếp tại Phòng Bầu Dục, lại còn bảo đảm không có việc lật đổ chánh quyền, tôn trọng sự dị biệt ý thức hệ, tức cái chủ nghĩa Mác-Lê mà đảng CSVN vẫn tôn thờ. Hoa Kỳ mở rộng cánh cửa cho nhà cầm quyền CSVN tự chọn lựa trước ngã ba đường. Theo sự phân tích của thì CSVN chỉ sẽ gần Mỹ hơn để tìm thế chống đỡ, chớ không dám thoát Trung vì các vị lãnh đạo còn lo cho sự an toàn bản thân, cho chế độ ít nữa cho đến đại hội đảng toàn quốc đảng CSVN thứ XII. Bắc Kinh thì rõ ràng làm mọi cách ngăn ngừa việc Hà Nội xích gần với Mỹ, nên đã đưa Phó Thủ Tướng Trương Cao Lệ, một uỷ viên thường vụ Bộ Chánh trị đảng CSTQ, vội vã sang Hà Nội nói là do Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mời, trong lúc TBT Nguyễn Phú Trọng vừa từ Mỹ trở về; TC muốn khai triển quan hệ đối tác chiến lược và nhắc nhở thoả thuận ký kết giữa lãnh đạo hai nước; nhưng cũng không loại trừ việc họ Trương khẩn cấp qua Hà Nội để giàn xếp tình trạng tranh chấp gây go giữa hai phe thân Tàu thân Mỹ trước đại hội đảng thứ XII. Phái đoàn Trương Cao Lệ còn cho biết Tập cận Bình sắp qua thăm Việt Nam. Bắc Kinh còn tạo xáo trộn biên giới Viêt –Campuchia làm áp lực răn đe. Ai cũng thấy là CSVN sẽ chọn con đường nào có lợi cho đảng cho chế độ, không gì lợi ích quốc gia dân tộc.
Thứ tư, vấn đề Biển Đông thực tế đã trở thành vấn đề giữa Mỹ và Trung Cộng. Hai cường quốc cho tới hôm nay vẫn có những quyền lợi tròng tréo, cho nên cuộc cạnh tranh về Biển Đông, trong khu vực hay trên phạm vi toàn cầu có vẻ gây cấn, khiến thế giới lo âu về nguy cơ chiến tranh Hoa Kỳ Trung Cộng ở Biển Đông, nhưng biến cố này khó xẩy ra, xét theo khía cạnh tương quan lực lượng, vì TC thừa hiểu chiến tranh là thảm hoạ cho cả hai bên và thế giới, trừ phi Bắc Kinh không đối phó nổi một khủng hoảng kinh tế và những bất ổn chánh trị xã hôi trong nước. Môt nhà ngoại giao Hoa Kỳ ông Daniel Russel đã từng phát biểu rằng hai quốc gia còn nhiều lãnh vực để hợp tác, dù vừa phải cạnh tranh!
Thay lời kết
Trở lại với hiện tình quan hệ Việt-Trung-Mỹ ngày nay, đảng CSVN dù thân Tàu hay dù có tạo được thế quan hệ sâu hơn với Mỹ thì mục tiêu họ cũng chỉ lo cũng cố đảng, cũng cố chế độ toàn trị, độc tài, độc đảng và mỉa mai hơn nữa, vẫn cổ giữ cái chủ nghĩa Mác-Lê. Nhà nước CSVN lại được Hoa Kỳ cam kết không có chuyện lật đổ chế độ hoặc như lời cựu đại sứ Pete Peterson, chánh phủ Hoa Kỳ cũng không màng nghĩ tới cái chuyện ý thức hệ mà đảng CSVN vẫn đang tôn thờ. Với sự” hợp tác” như vậy của Hoa kỳ, chế độ CSVN sẽ có cơ tồn tại, dù cho sau đại hội đảng toàn quốc XII, phe thân Mỹ có nắm quyền lãnh đạo, thì cộng sản vẫn tiếp tục chế độ độc tài, toàn trị, ngoại trừ có một cuộc đột phá chánh trị chuyển hoá dân chủ theo mô hình từ trên xuống mà dư luận nói nhiều vai trò của Nguyễn Tấn Dũng, một lãnh tụ có nhiều triển vọng trong tứ trụ triều đình hiện nay; đây lại là một lạc quan thiếu cơ sở dựa trên cơ cấu tổ chức và điều hành của đảng cộng sản; một cuộc cách mạng toàn dân từ dưới lên trên do nhơn dân chủ động, dù trong chế độ toàn trị với chánh sách trấn áp, với mạng lưới công an chằng chịt và hệ thống công an giả dạng côn đồ, lực lượng cảnh sát cơ động, cuộc nổi dậy từ nhơn dân cũng có thể xảy ra khi điều kiện chín mùi, dù cuộc nổi dậy có đưa tới hao hớt sanh mạng con người, vì nhơn dân thực sự đã vượt qua sự sợ hải, nhơn dân ngay cả những người cộng sản phản tỉnh đã quá chán ngấy cái chế độ độc tài thối nát tham nhũng, bất công, độc ác có cơ đưa tới hoạ mất nước vào tay Trung Cộng; trong hoàn cảnh hiện tại điều kiện cần và đủ cho cuộc cách mạng thành công quả khó xảy ra, nhưng cách mạng cũng thường xảy ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.
Chánh quyền Obama là muốn thấy môt Việt Nam hoà bình ổn định, tôn trọng luật pháp, để tư bản Mỹ yên tâm vào làm ăn, dù biết là Hà Nội chưa thể vuột khỏi tầm tay TC, nhưng đồng thời các giá trị Hoa Kỳ là tự do, dân chủ, nhơn quyền cũng không thể bỏ qua, khi ngày nay sức mạnh của cộng đồng tị nạn Việt Nam hải ngoại có tiếng nói quan trong trọng trong chánh trường Hoa Kỳ, trong các chánh sách liên quan với Hà Nội. Cộng đồng hải ngoại và các người dân chủ trong nước đã biết tận dụng sự hiện diện của Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực, biết nhìn vào kẻ hở của chế độ để tích cực đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do dân chủ. Phải nói là CSVN cũng rất e dè về ảnh hưởng “diễn biến hoà bình” của “thế lực thù địch” tạo nên tình trạng tự diễn biến ngay trong lòng chế độ hiện nay. Với tầm quan hệ đối tác toàn diện mở rộng giữa Mỹ và CSVN ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Viêt Nam Ted Osius đã quá lạc quan nghĩ là nhơn quyền Việt Nam chắc sớm phải thay đổi khi ông tiếp chuyện với Cộng đồng Việt Nam tại Nam Cali và với 8 đoàn thể đấu tranh cho nhơn quyền và dân chủ (12/7/2015). Truyền thông hiện đại (Internet, Facebook, Twitter) trở nên công cụ hữu hiệu trong đấu tranh, để giúp nâng cao nhận thức về quyền con người đã bị đảng CSVN cướp đoạt.
Trong nước phong trào đấu tranh dân chủ,phong trào dân oan khiếu kiện vẫn phát triển tuy rất chậm, và số tổ chức xã hội dân sự độc lập khá đông đảo và liên lạc được với cộng đồng hải ngoại và các tổ chức nhân quyền quốc tế; giới trẻ nhập cuộc đứng lên tiếp nối công cuộc đấu tranh. Tuy vậy tình hình đấu tranh còn nhiều khó khăn, gian khổ, và nhân dân sẽ còn chịu nhiều đau thương dưới chế độ độc tài toàn trị.
Lúc còn sanh tiền GS Nguyễn Ngọc Huy có nhận xét dân tộc Việt Nam là dân tộc thông minh, cần cù, dũng cảm nhưng chịu đựng quá nhiều bất hạnh đau thương; nỗi bất hạnh đau thương trong quá khứ, với một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, rồi một trăm năm nô lệ giặc Tây và ngày nay trong cảnh đoạ đày của cộng sản. Nỗi niềm đau thương đó sẽ tiếp tục nếu chúng ta không kiên trì nuôi dưỡng ý chí đấu tranh cho sự Sống Còn của Dân Tộc, nuôi dưỡng ý chí giải trừ chế độ cộng sản. Ngày nay dân tộc Việt Nam đang đứng trước đại họa bá quyền bành trướng Trung Cộng và trong nước thì nhơn dân phải đối mặt với giặc nội xâm tức là đảng CSVN với chủ nghĩa Mác-Lê phản dân tộc vẫn tiếp tục phá nát tiền đồ của tổ quốc, đưa tương lai dân tộc đến chỗ diệt vong. Do đó mục tiêu của cuộc đấu tranh chúng ta là phải giải trừ chế độ CSVN, vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê. Công cuộc đấu tranh giải thể chế độ CSVN phải dựa trên Sức Mạnh Dân Tộc, huy động được sức mạnh của toàn dân trong nước và hải ngoại. Nếu không dựa vào chủ nghĩa dân tộc, vào sức mạnh của dân tộc thì khó mà bảo vệ được sự sống còn của dân tộc và tổ quốc, mới mong ngăn ngừa và chống trả giặc ngoại xâm. Chủ nghĩa Dân Tộc Sanh Tồn với xu hướng biến cải phù hơp với thời đại toàn cầu hoá, thời đại tin học ngày nay sẽ phải thành công trong sự nghiệp giải trừ chủ nghĩa vô thần, vô tổ quốc, vô dân tộc, hầu xây dựng lại một nước Việt Nam tự do, dân chủ pháp trị và sự toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta chủ trương không hoà giải hoà hợp với đảng CSVN, nhưng sẽ cùng đồng hương quốc nội tiếp tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi, với sự vận động quốc tế hổ trợ cho cuộc đấu tranh vì chánh nghĩa.
Chánh Nghĩa tất thắng.

Bác Sĩ Mã Xái