Vì sao ADB ngưng cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam?
Hội nghị thường niên của Ngân hàng ADB được tổ chức tại Hà Nội trước đây, ảnh minh họa.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-04-02
Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB loan báo sẽ ngưng cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam bước qua năm 2019. Lý do một định chế tài chánh lớn như ADB, quyết định ngừng việc cho vay lãi suất nhẹ đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, được chuyên gia giải thích như thế nào?
Việt Nam đã đạt mốc GNI
Hôm thứ Tư vừa qua, đại diện ADB Ngân Hàng Phát Triển Châu Á tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, thông báo về lộ trình chấm dứt cung cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam thông qua Quĩ Phát Triển Châu Á ADF kể từ ngày 1 tháng Giêng 2019.
Điều này cho thấy tên Việt Nam sẽ được rút khỏi danh sách những quốc gia được vay tiền với lãi suất rất thấp từ Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, trong lúc có khả năng Ngân Hàng Thế Giới WB sẽ chấm dứt nguồn vốn ưu đãi IDA đối với Việt Nam bắt đầu từ tháng Bảy 2017.
Tôi nghĩ vì Việt Nam đã vượt ngưỡng từ trước 2013 nữa, cho đến 2019 họ đưa ra thì lúc bấy giờ đại khái đã khoảng 10 năm. Đây là qui luật không phải chỉ áp dụng cho Việt Nam đâu mà cái này có từ rất lâu rồi. -TS Vũ Quang Việt
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu nhân viên Liên Hiệp Quốc, hiện là tư vấn cho Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức phát triển các nước, cho biết không chỉ Ngân Hàng Phát Triển Châu Á mà Ngân Hàng Thế Giới và ngay cả IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế từ năm ngoái đã bàn đến chuyện đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng vốn vay ưu đãi rồi:
“Những nước này được định nghĩa là có thu nhập trên đầu người dưới 1.215 đô la. Vấn đề Việt Nam vào năm 2013 họ đã bàn rồi, lúc đó Việt Nam đã có thu nhập đầu người lên 1740 đô la, tức là đã vượt qua ngưỡng những nước phát triển thấp nhất. Do đó họ từ từ, nghĩa là họ nói trong khoảng 10 năm, khi mà vượt ngưỡng trong khoảng 10 năm đó thì họ cứu xét để đưa ra khỏi.
Tôi nghĩ vì Việt Nam đã vượt ngưỡng từ trước 2013 nữa, cho đến 2019 họ đưa ra thì lúc bấy giờ đại khái đã khoảng 10 năm. Đây là qui luật không phải chỉ áp dụng cho Việt Nam đâu mà cái này có từ rất lâu rồi.”
Tuy nhiên, vẫn lời tiến sĩ Vũ Quang Việt, quyết định cuối cùng còn tùy thuộc vào chuyện từ giờ đến 2019 Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hay khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn hay không:
“Nếu được đưa ra khỏi danh sách phải nói là đáng mừng và cũng rất hợp lý vì Việt Nam đã vượt khỏi sự khó khăn. Đặc biệt Việt Nam luôn luôn dựa vào viện trợ nước ngoài để phát triển do đó có thể nhiều người sẽ lo, chính phủ hay những người lãnh đạo Việt Nam sẽ lo, nhưng tôi nghĩ như vậy thì họ sẽ phải tự mình phát triển để đạt được cái thu nhập ngày càng cao hơn.”
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda phát biểu tại Hội nghị thường niên của Ngân hàng ADB được tổ chức tại Hà Nội trước đây, ảnh minh họa. AFP PHOTO.
Về lý do chấm dứt nguồn ADF tức nguồn vay ưu đãi từ Quĩ Phát Triển Châu Á đối với Việt Nam, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick giải thích rằng tiêu chuẩn vay dựa căn bản trên GNI lợi tức thu nhập đầu người của quốc gia cần vay và Việt Nam đã vượt ngưỡng nghĩa là đã đạt mốc GNI lợi tức đầu người cho phép từ năm sáu năm trở lại đây.
Mặt khác, ông Sidgwick nói tiếp, những yếu tố cũng được cân nhắc là số lượng những nước hay những định chế đã cho Việt Nam vay, chỉ số tín nhiệm do các tổ chức uy tín như Standard& Poor hay Moody đánh giá về Việt Nam.
Tưởng cần nhắc một khi đã ra khỏi cơ chế hưởng vốn vay ưu đãi của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu thì Việt Nam vẫn được phép vay vốn của định chế tài chánh này với lãi suất bình thường chứ không được gia giảm. Tiến sĩ Vũ Quang Việt phân tích thêm về những điểm vừa nói:
“Họ cũng đã tính tới trường hợp là Việt Nam có khả năng để vay trên thị trường tài chính thế giới hay không. Rõ ràng nhiều năm nay Việt Nam đã vay trên thị trường tài chính thế giới, có nghĩa Việt Nam đã vượt khỏi một số điều khoản mà các tổ chức quốc tế đặt ra là thu nhập lợi tức đầu người cao hơn nhưng mà anh đã có khả năng vay trên thị trường thế giới và thị trường thế giới có sẵn sàng cho anh vay không. Một trong những điều kiện mà họ nhìn là Việt Nam đã thành công, đã có trái khoán bán trên thị trường thế giới và vay các ngân hàng tư của thế giới thì do đó càng có lý do để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.”
VN đã sử dụng vốn tốt chưa?
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia kinh tế và nông nghiệp từng làm cố vấn cho bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Afghanistan trong 7 năm, bổ túc vấn đề Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển được hưởng vốn vay ưu đãi từ các định chế tài chánh lớn:
Đúng là nếu mà trên giấy tờ thì Việt Nam vào ngưỡng một nước có lợi tức trung bình, nhưng khi nhìn rõ vô vấn đề lợi tức trung bình thì phải thấy nó còn sai biệt quá nhiều giữa người giàu, giữa người thành thị và những người ở nông thôn. -TS Đinh Xuân Quân
“Thường Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu có nguồn vay tạm nói là 1% nghĩa là lãi suất rất thấp, thời hạn vay và trả nợ trong vòng 40 năm. Sau một thời gian giúp một Việt Nam đang phát triển làm các công trình hạ tầng cơ sở, chuyên chở, trường học, nhà thương vân vân… thì Việt Nam bây giờ khá rồi, không thể được vay vốn ưu đãi nữa nhưng vẫn tiếp tục được vay với lãi suất bình thường. Vấn đề chính là mình phải coi trong thời gian mình được vay vốn từ 86 tới bây giờ mình đã sử dụng vốn đó tốt chưa. Đây là hai vấn đề quan trọng của Việt Nam.”
Vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm khi được kể là một quốc gia có lợi tức đầu người vượt mức trung bình là khoảng cách giàu nghèo còn quá chênh lệch, thứ hai là phải sử dụng vốn vay lãi suất thấp từ giờ đến 2019 sao cho thật hữu hiệu:
“Đúng là nếu mà trên giấy tờ thì Việt Nam vào ngưỡng một nước có lợi tức trung bình, nhưng khi nhìn rõ vô vấn đề lợi tức trung bình thì phải thấy nó còn sai biệt quá nhiều giữa người giàu, giữa người thành thị và những người ở nông thôn. Khi nói Việt Nam đã vào lợi tức trung bình rồi thì họ cúp nhưng mình vẫn có thể vay lãi suất cao hơn. Vấn đề của Việt Nam là làm sao sử dụng tốt vốn của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á hay của Ngân Hàng Thế Giới.
Cái thứ hai là Việt Nam phải cố gắng hơn tại vì còn phí phạm rất nhiều, nhiều vấn để xây cất hạ tầng cơ sở chưa được tốt lắm.”
Số liệu cho thấy từ 1993 cho đến hết 2014, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á đã cho Việt Nam vay tổng cộng 13 tỷ 900 triệu đô la , trong đó bao gồm 150 khoản vay, 287 dự án hỗ trợ kỹ thuật và 32 khoản viện trợ không hoàn lại.