Về nước, thấy gì? nghỉ gì?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Về nước, thấy gì? nghỉ gì?

Tinh thần dân tộc

“Toàn dân nghe chăng!
Sơn hà nguy biến!”
(Hội nghị Diên Hồng – Lưu Hữu Phước)
 
Tôi không nghĩ ông Lưu Hữu Phước là người không yêu nước. Việc chính phủ Quốc Gia, thời “Đức Quốc Trưởng hồi loan”, chọn bài “Tiếng gọi Thanh niên” để làm bài quốc ca, chứng tỏ chính phủ nước ta hồi đó mặc nhiên xác nhận ông Phước là người yêu nước. Vậy rồi ông theo kháng chiến, lâu ngày trở thành Việt Cộng. Việt Cộng thì không thể yêu nước vì họ yêu đảng hơn yêu nước. Tới bây giờ thì yêu đảng là điều kiện “cần và đủ” để thành một… đại gia. Ông Phước, nếu bây giờ còn sống, ông sẽ là một “đại gia yêu đảng” hay là một “người yêu nước chống đảng”. Ông chỉ có hai con đường. Ai lấy làm chắc ông không chọn con đường thứ nhất: “đại gia yêu đảng”. Con người mà! Biết thế nào được?! Lý tưởng cao cả thời thanh niên đã bị đánh rơi đâu đó, trên con đường kháng chiến chống thực dân.
 
Hôm tôi về Saigon, gặp người bạn cũ ở đường Lê Quang Định, nói chuyện với nhau, lại nói về Việt Nam còn hay mất, ông bạn hỏi tôi một câu “thắt họng”:
-“Theo “ông” nghĩ, thằng Tầu Cộng sợ ai nhứt?”
Tôi không trả lời liền được, suy nghĩ một chốc mà không ra, bèn nói liều:   -“Sợ thằng Mỹ chớ sợ ai?”
Nghe trả lời, ông bạn cười to làm tôi mắc cở. Anh ta nói:
-“Giáo sư sử địa mà trả lời trật lất! Vậy thì “ông” viết “Tân Cương trong văn chương Việt Nam để làm gì? “Ông” sờ trúng mục tiêu mà không thấy!”
Tôi “ờ” một tiếng rồi làm thinh. Người bạn nói tiếp:
-“Bọn mình học “Lịch sử thế giới chiến tranh” với ông Mục, với ông Phò, ông Quát (1); mấy ông nhìn chưa ra thì làm sao học trò thấy ra? Hỏi Trần gia Phụng, Trần Viết Ngạc chưa chắc mấy cha đó đã thấy. “Ông” biết tại sao không? Vì họ là giáo sư sử địa, là sử gia nên họ không thấy. Nhìn theo con mắt nhà báo là thấy ngay. “Moi” thường nhìn vấn đề thực tế của nhà báo, không “thiên kinh vạn quyển”, không “sách vở” nên dễ thấy lắm. Tui hỏi “ông” tại sao Tàu phải đem “Chiêu quân cống Hồ” (2).. Tàu cống người đẹp cho Hồ Hàn Tà là vì sợ nó chớ gì? Hồ Hữu Tường mà còn sống, đem ý đó mà hỏi ông, ông ta OK ngay! Phải không?”
Tôi ngớ ra mà cười trừ, và thấy mình dốt sử địa!
Một lúc sau, tôi chống chế:
-“Việt Nam mình triều cống cho Tàu là mình cũng sợ Tàu vậy!”
-“Ngoan cố nữa!” Anh bạn vừa nói vừa cười. “Mình muốn dàn hòa, không phải mình sợ. Đánh mãi không thắng Đại Việt ta, Quách Quỳ như bơi giữa sông mà không có phao. Lý Thường Kiệt đề nghị hòa là để tránh cảnh máu xương của dân tộc, Quỳ như được người cứu lên. Nó mừng vì “tấn thối lưỡng nan”. Nhà Lý sợ cái đếch gì! Trường hợp Thoát Hoan cũng vậy, mà Vương Thông cũng vậy. Đại Việt là cái xương khó nuốt nên chúng phải hòa. Triều cống là cái thắng lợi của nước ta chớ…”
Ông bạn không phải là giáo sư dạy sử địa như tôi, nhưng nghe anh ta giải thích, tôi cũng khoái vì thấy anh ta có lý quá, bèn nói:
-“Tây chinh, Bắc phạt” là cái pháo của thằng Tàu, nổ bậy chớ làm gì được ai?”
-“Tàu chỉ là thằng nhát gan, ỷ đông hiếp ít, ỷ lớn mà dọa trẻ con, rung cây nhát khỉ. Đánh nhầu vào là nó chạy trước người ta. Lỗ Tấn nhận xét về dân tộc của ông ta như thế nào biết không? “Tàn ác như sư tử, quỷ quyệt như hồ ly, nhát gan như thỏ đế”. Thật ra, Tàu như thế nào là do nơi mình. Nếu mình hèn nhát, Tàu sẽ là con sư tử ăn thịt mình; nếu mình ngu ngốc, nó sẽ là con hồ ly giết mình lần hồi như các anh chàng thư sinh mê gái trong “Liêu Trai Chí Dị” (3). Nếu mình đứng lên như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Tàu sẽ là con thỏ đế, chạy trối chết! Vậy đó! Đừng sợ Tầu!”
-“Sợ Mỹ?” tôi chêm vào một câu… vô duyên!
-“Mỹ không đáng sợ! Không ai sợ Mỹ hết vì Mỹ sợ người ta! Mỹ nhát không thua gì thằng Tàu!” Người bạn trả lời.
-“Tại sao ông nói vậy? Mỹ là cường quốc mà!” Tôi hỏi lại.
-“Mỹ là cường quốc về nhiều mặt. Mỹ giàu nhứt thế giới, giàu quá, sướng quá, ham hưởng thụ nên mới… nhát gan. Tàu nhát gan bởi bản tính tụi nó nhát gan. Mỹ nhát gan bởi vì Mỹ giàu! Giàu quá nên không dám đánh ai! Sợ chén kiểu đụng chén đá.” Người bạn giải thích.
-“Mỹ tham gia hai trận thế chiến, đem lại hòa bình cho nhân loại.” Tôi cố cãi.
-“Đúng rồi! Nhưng Mỹ có gây chiến đâu. Mỹ có phải là người nổ phát súng đầu tiên đâu!” “Ông” đọc lại lịch sử đi!”
-“Không đọc, tôi cũng nhớ. Thế giới chiến tranh thứ nhứt, thiên hạ đánh nhau đã đời, hơn ba năm, tới năm thứ tư, Mỹ mới nhào vô… ăn có.”
-“Đúng rồi!” Người bạn đồng ý với tôi. Tôi nói tiếp:
-“Trong chiến tranh thứ hai, Nhật đánh cho Mỹ một trận Trân Châu Cảng thất điên bát đảo, Mỹ phải tham chiến.”
Tôi nói tiếp:
-“Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, đuổi quân Nam Hàn xuống tận Phú Sơn ở cực Nam Đại Hàn, Mỹ mới đổ quân vào. Còn như ở Việt Nam?”
-“Lạ lắm!” Người bạn tôi nói. “Ông H., “toi” biết không! Ông nầy từng đi Mỹ, du học ở Pháp mấy năm, có lần ông nói “Sợ thanh niên Mỹ sẽ như Thụy Điển, họ đưa thanh niên Mỹ vào Việt Nam. Nhờ đó mà họ “chỉnh đốn” thanh niên Mỹ khỏi như Thụy Điển.”
-“Chủ nghĩa cá nhân và sự suy đồi giới trẻ, có phải không?” Tôi lại hỏi.
-“Cái nầy thì “moi” chịu. Nó thuộc lãnh vực xã hội, mà mình thì chưa từng ra ngoại quốc, làm sao hiểu được. Nhưng sự trụy lạc của thanh niên Thụy Điển và phong trào hippy thì ai cũng biết. Sau chiến tranh Việt Nam, phong trào hippy của Mỹ xẹp như cái bong bóng hết hơi. Ông về Mỹ tìm hiểu thử xem sao?” Người bạn tôi đề nghị.
-“Không đủ sức mà hiểu nó đâu “ông”. Ở Việt Nam bây giờ, thanh thiếu niên “đi xuống” còn tệ hơn phong trào hippy Saigon ngày trước nữa. Tụi nó hồi xưa sợ đi quân dịch, còn bây giờ thanh thiếu niên thì sao? Chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, chẳng nghĩ cái gì khác!” Tôi trả lời bạn.
Một lúc, tôi hỏi:
-“Vậy theo “ông” thì Tàu không sợ Mỹ?”
-“Thằng Mỹ có dám đánh ai trước đâu mà Tàu nó sợ. Mỹ không bao giờ nổ súng trước, “ông” nhớ vậy. Nó mà nổ súng trước, kẻ địch thua trăm phần trăm.. “Ông” có thấy mấy vụ ngoài biển không? Chiến hạm Mỹ tránh chiến hạm Tàu rồi la làng lên. Đại bác trên chiến hạm Mỹ chỉ cần nổ một phát thôi, chiến hạm Tàu “banh” xà-rông thành trăm mảnh. “Ông” có biết viên đạn đại bác trên chiến hạm Mỹ to chừng nào không? To gấp hai gấp ba trái bom trên máy bay thả xuống. Hồi còn ở Hải Quân, “moi” từng lên chiến hạm Mỹ, thấy quả đạn, “moi” phát ngán luôn, đường kính to bằng cái thúng đấy.” Người bạn kể.
-“Ông” nói cũng có lý đấy. Cứ tập trận với nước nầy, nước kia mà có dám làm cái gì đâu. Tập trận, nôm na là “đánh giặc giả” chớ gì. Đánh giặc giả thì ai sợ.” Tôi góp ý với bạn.
Tôi lại hỏi:
-“Thằng Tàu cũng không dám đánh thằng Mỹ. Vậy chiến tranh sẽ không xảy ra?”
-“Không chắc! Cái trận giặc kinh tế nầy! Tàu sẽ thua. Tàu không thua thì nước kẹt nhất là Nhựt chớ không phải Mỹ. Tới lúc đó, nếu có đánh nhau thì Nhựt sẽ đánh Tàu trước. Mỹ đứng ngoài.” Người bạn trả lời.
-“Mỹ đứng ngoài xem “lộ diệc tương trì!” (4) Tôi góp ý.
-“Nếu Tàu thắng thế, Mỹ sẽ đánh bồi cho Tàu thua luôn vì đánh nhau với Nhựt, Tàu đã yếu đi rồi, “lộ mục tiêu” cả rồi. Mỹ ăn ngon. Nếu Nhựt thắng, Mỹ Nhựt xé thằng Tàu ra năm bảy nước Tàu mà nhậu chơi!” Người bạn cười.
-“Đâu có dễ vậy!” Tôi phản bác.
-“Ông” quên rồi! Trong “Mười bài học tập, có một bài nói rằng “Mỹ giàu mà không mạnh”. Câu nói đó, ví với thàng Tầu bây giờ thì đúng hơn. Nhưng nếu không xé thằng Tàu ra nhiều mãnh, Tàu sẽ là “đại họa” của thế giới đó. Người Tàu sẽ tràn lan khắp địa cầu. Đi đâu, ở đâu, cũng có Tàu… Nhân loại chỉ còn là Tàu.
-“Ghê vậy!” Tôi nói. Việt Nam chắc chẳng còn!” Tôi nói với vẻ buồn.
-“Còn thế nào được. Một ngàn năm Bắc thuộc, người Tàu chưa biết cai trị, chưa có chính sách cai trị triệt để. “Moi” nói là triệt để. “Ông” nhớ giùm tui hai chữ “triệt để” ấy.”
-“Theo ý “toi”, triệt để là thế nào?” Tôi hỏi.
-“Là cách làm cho người Việt tiêu tùng, không còn dấu vết gì để mà vùng lên, còn ghê gớm hơn người Việt tiêu diệt người Chàm. Nói theo Hồ Hữu Tường, nhân quả đấy “ông” à!” Người bạn giải thích.
-“Tôi vẫn chưa hiểu chữ triệt tiêu ông nói.” Tôi hỏi.
-“Có gì đâu! Cộng Sản nào cũng giống Cộng Sản nào. Sau khi chiếm miền Nam, Cộng Sản nào cũng “cách mạng triệt để”. “Ông” nhớ Đỗ Mười không? Cũng Cộng Sản, cũng “chủ nghĩa Mác Lê-nin”, cũng “Tư tưởng Mao”. Vì vậy Đỗ Mười mới nói một câu để đời: “Vợ chúng nó, chúng ta lấy; tài sản chúng nó, chúng ta tịch thu; con cái chúng, chúng ta bắt làn nô lệ. “Ông” không thấy sĩ quan “ngụy”, chúng đày ra Bắc, không vì Tàu đánh dọc sáu tỉnh biên giới, không vì Mỹ và thế giới can thiệp, sĩ quan “ngụy” bây giờ còn ở ngoài Việt Bắc, thành ra Lô-Lô, Tày, Nùng, Hmông cả rồi.” Người bạn giải thích.
-“Còn như Tàu thắng Việt Nam Cộng Sản?” Tôi hỏi.
-“Tất cả những cái gì Đỗ Mười muốn làm cho người miền Nam thì Tầu sẽ làm ở Việt Nam. Hầu hết đàn ông, không cần phân biệt Cộng hay không Cộng – Có khi Cộng thì được ưu tiên cho đi trước. “A-lê hấp”, “Chẳng nơi Hãn Hải thì miền Tiêu Quan”(5) như “ông” viết trong bài “Tân Cương…” vậy. Qua bển mà ở với Duy Ngô Nhĩ, thành người Duy Ngô Nhĩ. “Ông” thấy không, cả cái nước “Mãn Châu Quốc” từng cai trị nước Tàu ba trăm năm, bây giờ là cái gì? Thành ba tỉnh của Tầu: Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang. Phong tục Mãn Thanh biến mất, tiếng nói của người Mãn Thanh cũng biến mất, bị xóa sổ. Việt Nam ta tương lai cũng vậy thôi.” Anh ấy nói, sôi nổi.
-“Việt Nam hết thuốc chữa?” Tôi nói như than!
-“Moi” nói rồi: Ta hèn, Tàu sẽ là con sư tử; ta ngu muội, Tàu sẽ là con hồ ly; Ta hùng dũng đứng lên, Tàu là con thỏ đế chạy trốn.”
-“Làm sao mà hùng dũng?” Tôi hỏi.
-“Cái đó là do vận nước. Dân ta từng hùng dũng đứng lên bao nhiêu lần. “Đinh Lê Lý Trần, hào kiệt thời nào chẳng có”. “Bình Ngô đại cáo” nói vậy mà. Mình phải có lòng tin. Nhưng mà thời nào chẳng có Mặc Đăng Dung tự trói mình lên ải Nam Quan mà quỳ xuống trước Mao Bá Ôn, cần chi tới vua Tầu. Bao nhiêu phần trăm Mạc Đăng Dung trong bộ Chính Trị của Việt Cộng. Họ có tinh thần để chống Tàu hay nhát sợ? Cái tinh thần là chính. Không có tinh thần thì chỉ là giá áo túi cơm.”      
-“Ông” nói làm tui nhớ tới hồi tháng Tư/ 75. Mới ba năm trước, mặt trận nào Việt Nam Cộng Hòa cũng thắng. “Bình Long anh dũng”, “Kontum kiêu hùng”, “Trị Thiên vùng dậy”. Đó là sự thực. Vậy mà chỉ ba năm sau, chạy dài dài.. Tinh thần xuống thảm hại.” Tôi nói.
-“Ông” nhớ quân đội có ba cái sức mạnh: Một là vũ khí, hai là quân số, ba là tinh thần. Vũ khí tối tân, binh lính đông đúc mà tinh thần không có là coi như xong. Huống chi mình hồi ba mươi tháng Tư, rất nhiều cái làm cho tinh thần người lính xuống thấp. Thái độ của Mỹ, phẩm chất của chính quyền, trí thức và sinh viên quậy phá… Mỗi thứ một ít đưa tới sự thảm bại. Ai cũng có trách nhiệm hết. Trách ai bây giờ?!”
-“Ông” nghĩ tình hình bây giờ thì sao? Nếu Tàu nó đánh.” Tôi hỏi.
-“Chưa chắc Tàu dám đánh. Thời đại bây giờ, một nước lớn đem quân đánh một nước nhỏ không dễ đâu. Nhưng Tàu nó dùng nhiều thủ đoạn làm cho nước mình như cái cột nhà bị mối ăn, mọt đục, tự nó phân hóa rồi sụp đổ.” Người bạn giải thích.
-“Khốn khổ cho người Việt!” Tôi lại than.
-“Khốn khổ là do ở Việt Cộng. Nên nhớ những nước chung quanh Tàu là nạn nhân của Tàu. Trong cái thế sinh tồn, các nước nầy đoàn kết với nhau thì Tàu nó sợ. Đằng nầy, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng bị đàn áp, Việt Cộng không hoan hô thì cũng ngồi cười. Vậy là sao? Đối với những nước đó, chúng ta hèn yếu hơn, sẽ đầu hàng Tàu trước họ.”
-“Tại sao “ông” nói vậy?” Tôi hỏi.
-“Sau lưng người Duy Ngô Nhĩ là khối Hồi Giáo. Người Hồi Giáo bây giờ đang “phục thù Thập Tự Chinh”, mỗi ngày mỗi mạnh lên. Khối nầy mà mạnh lên, Tàu lại phải “Chiêu quân cống Hồ”..
-“Còn như Tây Tạng?” Tôi hỏi.
-“Không bao giờ Tàu khuất phục được họ. Hễ mà yếu thế người Tây Tạng rút vô rừng đánh du kích. “Ông” có xem nấy cuốn video về Charlie không? Trong đó có cuốn của Nguyễn Thanh Khiết. Một tiểu đoàn 11 Dù – trong đó có “Hùng móm” em ông đấy – như hút mất trong núi rừng trùng trùng điệp điệp. Xem mà thấy thương cho em ông. Làm sao mà tìm cho ra Việt Cộng. Tây Tạng, nóc nhà của thế giới núi rừng còn khiếp hơn. Tàu sẽ bỏ ra bao nhiêu năm để diệt cho hết du kich Tây Tạng? Một vài trăm năm cũng chưa ăn thua. Mình không được như Duy Ngô Nhĩ, như Tây Tạng. Việt Nam chỉ trông chờ có một thời điểm nào đó, một sự kiện nào đó, một biến cố nào đó vực dậy tinh thần dân tộc. Không có tinh thần dân tộc thì làm được gì! Còn như bây giờ, một chút ánh sáng cuối đường hầm, cũng… chưa thấy.”
-“Ông” nói vậy tui cũng chưa rõ. “Một thời điểm nào đó” là bao giờ? “Một biến cố nào đó” là chuyện gì?” Tôi phản bác.
-“Khó nói lắm “ông” à! Chuyện “vận nước” làm sao biết trước được! Cái tội của Việt Cộng đối với dân tộc Việt Nam là lớn lắm. Đó là tội “hủy diệt tinh thần của dân tộc”. Tinh thần đó là do ở dân tộc, do ở chế độ cai trị, ở tầng lớp thống trị xã hội.” Người bạn tôi trả lời.
-“Ông” nói vậy tui cũng chưa hiểu. Có thể có một ví dụ cụ thể nào không?” Tôi yêu cầu.
-“Sao không? Tôi lấy ví dụ. Tại sao ở đời Trần, Đại Việt thắng quân Mông Cổ, thắng dễ dàng, tới ba lần. Trước hết là nhờ có vua. Vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, là những cái “đầu rồng” của nhà Trần. Vua có đức độ và tài năng. Vua đó thì có quan đó: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… Quan đó thì có binh lính đó, có dân đó… Không cần kêu gọi đoàn kết thì dân chúng cũng đoàn kết. Còn như đời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, những ông vua mà sử gọi là “vua heo”, “vua quỉ” là cái đuôi chuột. Nước phải mất vào tay Hồ Quí Ly. Dân chúng chán ghét nhà Hồ đến nỗi khi Trương Phụ bên Tàu đem quân qua thì “Giặc ngoài xâm lăng toàn dân hớn hở” như khi Tàu đánh sáu tỉnh dọc biên giới năm 1979 vậy. Thành ra ngày xưa, ông vua phải lấy “đức” mà trị dân, gọi là “Đức Trị”. “Đức” và “tài” là hai cái căn bản của người cầm quyền.”
Tôi cười: “Điều ông nói là “minh quân”. Đời bây giờ mà ông còn nói minh quân với “Đức trị”. “Nhân trị” thì có. Việt Cộng là “bạo lực cách mạng”, “bạo lực cách mạng” là súng với công an.”
-“Bên Mỹ thì sao?” Người bạn hỏi.
-“Xứ Mỹ là “pháp trị”. Không ai ngồi trên luật pháp, kể cả tổng thống Mỹ. Ông nào giỏi thì ngồi hai nhiệm kỳ, ông nào dở thì xong bốn năm, “đi chỗ khác chơi.” Tôi trả lời.
Người bạn cười: “Pháp trị” chính là “đức trị” đó mà “ông” không thấy. Các ông tổ phụ nước Mỹ là những người có lý tưởng, muốn cho nước Mỹ có một tương lai tốt đẹp lâu dài thì viết thành hiến pháp. Hiến pháp là luật pháp căn bản của nước Mỹ, trên nền tảng dân chủ, tự do. Một ông “vua đức trị” thì đất nước thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Nước Mỹ có mặt đã hơn hai trăm năm nay, càng ngày càng giàu mạnh, dân chúng an cư lạc nghiệp, không phải là nhờ có dân chủ, tự do hay sao? Dân chủ, tự do không phải được hiến pháp bảo vệ hay sao? Đó là “minh quân vô hình” mà “ông” không thấy đó thôi! “Ông” đang ngủ trên nệm ấm chăn êm, mà tự cho rằng đang ngủ trên nền đất lạnh. Mơ mộng gì đâu!”
Tôi cố cãi: “Nhưng mà bây giờ hai đảng Cộng Hòa, Dân Chủ đánh nhau chí chóe! Có ra cái thể thống gì đâu!”
Người bạn tôi lại cười to:
-“Ông” lại ngu ngơ nữa!” (tôi đoán chừng anh ta cố tránh không dùng chữ “ngu” đối với tôi). Cọ xát, mâu thuẫn, cạnh tranh, tranh đấu… là động lực của đi tới, của tiến bộ. Hai đảng hòa hợp, bắt tay, vui vẻ, phè phởn… là dừng lại. Mà dừng lại là gì. “Ông” có nhớ có lần bài thi trung học, đầu đề Việt Văn không? “Bình giải câu nói của Vương Dương Minh: “Sự học như thuyền đi ngược nước; không tiến tức là lùi.” Đâu phải chỉ là “sự học”. Việc đời có cái chi không “giống như thuyền đi ngược nước”! Hai đảng chúng nó “cọ” nhau là may mắn cho dân Mỹ đấy!”
-“Vậy ông cho rằng muốn chống Tàu thì phải có dân chủ tự do. Từ đó, dân chúng mới có tinh thần?” Tôi hỏi.
-“Chớ gì nữa!” Người bạn trả lời gọn lỏn.
-“Tôi nhớ thời ông Diệm mới về cầm quyền, tôi đang ở trong nhà ông chú họ. Ông là bạn thân với cụ Võ Như Nguyện, trong số những người theo “đảng cụ Ngô” – đảng cụ Ngô chớ không phải đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu -. Qua đó, tôi có đọc cuốn sách “Thế Nước Lòng Dân” của cụ Võ Như Nguyện trình lên cụ Diệm. Cuốn sách viết cũng hay mà cụ Diệm không dùng. Uổng thiệt!”
-“Sách nói gì?” Người bạn hỏi.
-“Đọc lâu rồi, tôi không nhớ hết, với lại hồi đó tôi đang học lớp Đệ Tam trường Khải Định, trình độ có đâu mà hiểu cho hết. Đại khái là:
-“Cụ Ngô đang gặp thời cơ, tức là thời kỳ thoái trào của “Chủ nghĩa thực dân”. Trong cái thoái trào đó, Pháp phải trả độc lập cho Viêt Nam mà mục đích tranh đấu của những nhà cách mạng Huế (6) là giành độc lập từ tay Pháp. Ấy là “Thế Nước”. Dân chúng thì ủng hộ “Ngô chí sĩ” vì ông là người đấu tranh, chống Pháp. Người Huế tôn vinh ông là “chí sĩ”, là “nhà cách mạng”. Đó là “Lòng Dân”. Vừa có “Thế Nước” vừa có “Lòng Dân” thế mà ông Diệm để vuột mất, để trở thành một “nhà độc tài, gia đình trị”. Thiệt là uổng..” Tôi nói.
Người bạn hỏi: “Vì sao?”
-“Sự sụp đổ của một chế độ là vì nhiều lý do. Làm sao nói hết được. Phải viết hết một cuốn sách mới phải chớ!” Tôi trả lời.
-“Theo “ông”, liệu Việt Nam có thể có một “thế nước” nữa không?” Người bạn tôi hỏi.
-“Không tiên đoán được “ông” à! Bây giờ thì Tàu đang vùng lên, giành cái nầy, giựt cái kia, muốn làm một đại ca bao trùm thiên hạ. Đông Tay Nam Bắc xứ nào cũng sợ, cũng ngại thằng Tầu. Các nước nhỏ ở Đông Nam Á thì sợ nó không ít. Mỹ, Nhật, Úc, với cả Ấn Độ liệu có để cho Tàu tự tung tự tác. Hễ mà thế giới lộn xộn lên một cái như thời “hậu Thế Chiến thứ hai” thì biết đâu thời cơ lại tới như hồi trước. Khổ là bọn Hà Nội còn ngồi chình ình mà cản trở dân tộc.”
-“Tôi nghĩ điều nầy “ông” à! Phải chụp thời cơ mà lập một liên minh với Duy Ngô Nhĩ, với Tây Tạng. Thế nào thằng Tàu cũng lạnh giò!” Người bạn tôi nói.
-“Diệu kế! “Ông” làm mưu sĩ được đó.” Tôi tỏ ý ngưỡng mộ người bạn.
-“Con sư tử thức dậy rồi đó. Một tỷ bốn trăm triệu dân Tàu sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhân loại sẽ nghẹt thở vì người Tàu. Vấn nạn nầy không dễ giải quyết đâu! Chỉ có một cách.”
-“Tự nó phân hóa. Do mâu thuẫn nội tại, nước Tàu tự nó chia làm nhiều nước, sẽ yếu đi. Khi đó mọi người mới khỏe.” Người bạn giải thích.
-“Con sư tử sẽ chết vì những con vi trùng trong cơ thể nó, như trong sách Phật nói vậy.” Tôi góp ý.
-“Vâng! Vâng!”
 
hoànglonghải
 
(1)-Lê Hữu Mục, Lê Khắc Phò, Lê Trọng Quát là các giáo sư nổi tiếng của trường Quốc Học hồi thập niên 1950.
(2)-Vương Chiêu Quân, tên là Vương Tường là một cung phi đẹp nổi tiếng đời Hán Nguyên Đế, quê quán ở tỉnh Hồ Bắc bên Tàu. Bởi vì Vương Tường không chịu đút lót cho tên thợ vẽ Mao Diên Thọ như các cung nữ khác, nên y khi vẽ hình Vương Tường để vua chọn người “hầu” vua, nên chấm một chấm đen dưới khóe mắt, sách tướng gọi là nốt ruồi “thương phu trích lệ”, có nghĩa là có tướng làm cho chồng chết sớm. Vì cái nốt ruồi nầy mà vua kỵ, không cho vời Vương Tường lên “hầu” vua. Đến khi vua Hung Nô đòi vua Hán phải gả cho y một bà công chúa, túng quá, vua chọn cho y năm nàng cung nữ, trong số có Vương Tường. Có phải ý Hán Nguyên Đế muốn gả cho vua Hung Nô một cô “thương phu trích lệ” để Hồ Hàn Tà chết cho mau để nước Tàu được yên.
Khi Vuơng Tường bái biệt vua để sang Hồ, thấy Vương Tường đẹp quá, mà không có nốt ruồi như Mao Diên Thọ vẽ, vua Hán tiếc quá, không muốn cho cô nàng qua Phiên, nhưng triều thần cản ngăn nên vua đành nuốt nước miếng mà cho Vuơng Tường ra đi.
Chuyện cũ còn kể khi Vương Tường đi ngang qua một sa mạc, nhớ cố hương, Vương Tường bèn gảy một khúc đàn “xuất tái khúc”. Có con ngỗng trời bay ngang, nghe tiếng đàn, đứt ruột, sa xuống mà chết. Đó là điển tích “chim sa” (chim sa cá lặn) trong văn chương. Khi đi ngang Nhạn Môn quan là cửa ải cuối cùng, Vương Tường lại làm thơ và gảy một khúc đàn khác. Đó là tích “Hồ Cầm” có nói trong Truyện Kiều (nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một chương – Kiều).
Vương Tường là một trong “Tứ đại Mỹ nhân” của Tàu. Câu chuyện Vương Tường là đề tài làm thơ cho nhiều thi gia Trung Hoa. Ở nước ta, có hai bài, là “Những bài thơ Nôm đầu tiên trong Văn Học nước ta” (bài cùng tác giả viết bài nầy:
                          Vua dụ Vương Tường gả cho chúa Thuyền Vu.
                          
                           Hán Hồ vẫn muốn vẹn trăm đường
                           Há trẫm riêng tây có phụ nường   
                          Bắc quốc tuy rằng ngoài dị vực                                
                          Vương đình song cũng một biên cương
                          Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt
                          Về đấy sen tàn lỗi cỏ hương
                          Hơn thiệt thôi đừng ai oán nữa
                          Chờ ngày áo gấm lại hoàn hương!                          
                                                               (Khuyết danh)
 
                          Vương Tường bái biệt vua Hán. (bài họa)
           
                           Từ nan khôn chối mệnh quân vương
                           Rõi rõi thêm đau nỗi đoạn trường
                           Khúm núm khấu đầu ngoài bệ ngọc
                        Thẹn thùng ra mặt trước nhà vàng
                         Mặt hoa dười dượi chiều đeo tuyết
                        Mày liễu rầu rầu dáng ủ sương
                        Hang thẳm phen nầy xuân nỡ phụ
                        Lòng quì khôn xiết ngóng về dương../
                                                    (Khuyết danh)       
 
Có tài liệu nói rằng Vương Tường là người Đại Việt, quê ở làng Diêm Tĩnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nay ở làng còn đền thờ, dân làng gọi là “Đền Bà Chúa”
(3)-“Liêu trai chí dị”, tác giả Bồ Tùng Linh, sách kể chuyện ma, có tính cách đã kích nhà Thanh cai trị Trung Hoa.
(4)-“Lộ diệc tương trì, ngư ông đắc lợi” (Trai cò tranh nhau, ngư ông được lợi”.
“Nước Triệu toan đánh nước Yên, Tô Tần vì nước Yên qua nói với vua nước Triệu là Huệ Vương rằng:
“Vừa rồi, tôi đi qua trên bờ sông Dịch Thủy, thấy có con trai đang há miệng, phơi mình nằm trên bãi. Có con cò đâu đó, đến mổ ngay vào thịt trai. Trai liền ngậm miệng lại..
Trai nói: “Ngày nay không rút được mỏ, ngày mai không rút được mỏ. Thế nào cò cũng phải chết.”
Cò nói: “Ngày nay không mưa, ngày mai không mưa. Thế nào trai cũng phải chết.”
Bỗng có lão đánh cá đi tới, liền chộp được cả trai lẫn cò.
Nay nước Triệu đem quân đánh nước Yên; nước Yên tất phải đánh lại. Hai bên găng nhau, chẳng ai chịu ai. Tôi e nước Tần nhân cơ hội ấy mà chiếm được cả Triệu lẫn Yên.
Huệ Vuơng nghe nói, tĩnh ngộ, bèn bỏ việc đánh Yên.
(Phỏng theo “Cổ học tinh hoa” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân)
(5)-“Chẳng nơi Hãn Hải thì miền Tiêu Quan” (Chinh phụ ngâm)
Hãn Hải: một sa mạc lớn ở Mông Cổ. Cổ Tiêu Quan, một cửa ải ở vùng Thiểm Tây)
(6)-Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Bá Hạp, Ngô Đình Diệm…  thời Pháp thuộc, dân chúng Huế gọi họ là “những nhà cách mạng”.