Về Hội Cờ Đỏ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Về Hội Cờ Đỏ
1-11-2017
Buổi tụ tập của các thành viên Hội cờ đỏ hôm 29/10 tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: internet
Việc một nhóm người trong xã hội liên kết để thành lập ra Hội Cờ Đỏ là điều tất yếu xảy ra khi mâu thuẫn xã hội ngày càng lớn. Không ít người cho rằng phía sau đó là chính quyền giật dây, coi đó là một lực lượng như Hồng vệ binh bên Trung Quốc năm xưa. Nhiều ý kiến khác không khẳng định, nhưng khi thấy họ thoải mái tổ chức buổi tụ họp, ra mắt rầm rộ thì cho rằng họ nhận được sự đồng tình của chính quyền. Tôi có góc nhìn khác, góc nhìn về sự mâu thuẫn.
Có thể có chính quyền giật dây, có thể có sự đồng tình ngầm, tôi không quan tâm, điều tôi quan tâm là nguyên nhân ra đời của một hội quy tụ số lượng lớn người ở nhiều tỉnh thành.
Hãy bỏ qua yếu tố chính quyền, bỏ qua luôn yếu tố tiền bạc vì nó không, chưa có bằng chứng để xác thực. Khi chưa có bằng chứng xác thực mà ta suy diễn thì nó sẽ không khác việc chính quyền suy diễn người dân nhận tiền hải ngoại, thế lực thù địch để đi biểu tình. Tôi (tạm) xét đến yếu tố chân thực nhất, họ là những người dân tham gia vào Hội cờ đỏ một cách tự nguyện theo tiêu chí bảo vệ an ninh tổ quốc, chống phản động.
Nhìn vào số lượng, ta thấy gì? Toàn bộ những người dân ở đó là những người “ngu xuẩn, bị nhồi sọ, điên khùng…” chăng? Thưa không. Họ có những mâu thuẫn, xung đột với: các cuộc biểu tình, các hội nhóm xã hội dân sự, các cá nhân đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, các tổ chức giáo, hội nhóm chính trị. Mâu thuẫn, xung đột ở đây lại chia ra theo: ngành nghề, quan điểm chính trị, tôn giáo, niềm tin mà đa phần lợi ích gắn liền theo sau đó. Quá nhiều người có mâu thuẫn và sẵn sàng hành động để đối chọi với các nhóm mâu thuẫn khác. Họ tham gia hội với nhiều bức xúc khác nhau nhưng có cùng mục đích: trở thành một lực lượng đồng nhất niềm tin để đối chọi với lực lượng mà họ cho là phá hoại an ninh tổ quốc.
Đừng vội khinh thường họ, đừng vội bỉ bôi miệt thị niềm tin của họ, đừng vội cho rằng họ là những con rối của chính quyền. Chính quyền không thể giật dây kích động từng đó con người nếu như trong mỗi người họ không có trước sự mâu thuẫn, xung đột với “thành phần phản động,” mà trong đó cả linh mục, giáo dân, trí thức, người đấu tranh, người hoạt động xã hội… đều bị họ quy vào một mối thù hằn. Hãy nhìn họ như một hội nhóm đối lập và cư xử với họ trên tinh thần văn minh. Có thể không tôn trọng, nhưng chí ít là lịch sự tối thiểu của những người làm chính trị thông minh.
Đúng lý ra, những người cấp tiến, là những người có nhận thức sâu hơn về lợi ích lâu dài của bản thân và đất nước, về dân chủ, nhân quyền, tự do…thì cần, nên, phải ứng xử khác đi để giải quyết hoặc chí ít là không làm bùng thêm xung đột có hại. Và phải làm điều đó từ lâu rồi. Bây giờ đã muộn nhưng vẫn chưa quá muộn để thay đổi cách tư duy, nhìn nhận vấn đề và ứng xử phù hợp.
Chửi và sỉ nhục họ chỉ làm mâu thuẫn thêm tăng, không có lợi ích gì, chỉ có lợi thêm cho chính quyền. Sự tức giận không giúp gì được cả. Cần và rất cần những cái đầu lạnh lùng, biết nén lại cảm tính cá nhân và những gì cần nén, để suy nghĩ phương pháp đúng.
Tôi chúc mừng sự ra đời của hội cờ đỏ, vì họ đã dũng cảm khẳng định, thực hiện quyền công dân của mình: Tự do lập hội và tụ họp theo tinh thần điều 25 hiến pháp.
Tôi chúc mừng sự thành công của những người đấu tranh, vì sự ra đời của hội cờ đỏ là minh chứng tốt nhất cho chúng ta thấy việc phổ biến nhân quyền, quyền công dân mà chúng ta thực hiện bao năm nay đã có kết quả rất tốt đẹp. Rất nhiều người dân đã biết quyền của mình và tự đứng ra lập hội một cách rầm rộ. Giỏi thay, hay thay!
Trân trọng.

baotiengdan.com/2017/11/01/ve-hoi-co-do