Tuyên thệ của Kỳ Nhông
Phạm Văn (Danlambao) – Sau bài viết “Tột đỉnh vinh quang hay đáy cùng ô nhục?” tôi có ý định sẽ không viết bài nào “dành riêng cho” cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng nữa. Nhưng vì rốt cuộc sự lựa chọn của con người phần nhiều không do ý muốn cá nhân họ, mà do cuộc sống thực tế quyết định. Vì thế, sau khi xem livestream của những kẻ “chống cộng” ở hải ngoại, nghe và liếc qua phần nói về lễ nhậm chức “Chủ tịch nước CHXHCN” ở Việt Nam của ông Trọng, thấy ông trịnh trọng cúi đầu trước lá cở đỏ sao vàng, tay trái đặt lên quyển Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam màu đỏ, còn tay kia giơ lên hướng lòng bàn tay về phía các đại biểu quốc hội bù nhìn và nói lời thề thiêng, tôi lại thấy không thể không viết “cho” ông.
Tuyên thệ của ông Trọng khẳng định sẽ “tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc, nhân dân Việt Nam và với Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam!”. [Lưu ý: Tôi thường dùng chữ “ở” (ở Việt Nam) vì cho rằng đảng cộng sản, những người cộng sản, chế độ đảng cộng sản trị và những gì liên quan đến những tổ chức, con người này như bản Hiến pháp và hệ thống luật pháp v.v…, đều về căn bản, thiếu, thậm chí không có phẩm tính Việt Nam, trái lại còn phá hoại phẩm tính ấy, thực ra chúng chỉ hiện diện, tồn tại ở Việt Nam thôi. Thêm nữa, tôi cũng muốn nói ở đây rằng trước đây tôi hay viết cộng sản là “cộng sản” (trong ngoặc kép), ý muốn nói là cộng sản hiện nay không còn như thời kỳ đầu tiên của nó nữa. Nhưng bây giờ tôi viết là cộng sản (không trong ngoặc kép) với nghĩa cộng sản là sai lầm, ngu tối, dối trá và tàn ác. Ở Việt Nam cộng sản còn có những thuộc tính khác nữa. Tùy mọi người bổ sung thêm].
Trở lại tuyên thệ của ông Nguyễn Phú Trọng đảng trưởng, giờ đã thành Chủ tịch của nước CHXHCN ở Việt Nam. Có lẽ cũng như tôi, nhiều người thấy rằng không thể cùng một lúc lại có thể “trung thành” với cả hai cái, hai điều không tương xứng với nhau, thậm chí rất khác nhau, khác nhau, đối lập nhau như trời cao và vực thẳm. Tổ Quốc, đất nước, dân tộc, giống nòi, nguồn cội, tổ tiên, quê hương, con người, nhân dân Việt Nam, đó là tất cả những gì vô cùng cao quý, hết sức thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước thương nòi, đó là những gì mà ta không thể đánh đổi chúng cho bất cứ thứ gì, điều gì khác. Dù cho cơ thể, thân xác ta mất đi, tan nát vào đất, thành cát bụi, nhưng tất cả những điều ta có này vẫn luôn tồn tại, sẽ được truyền lại cho muôn đời và vĩnh viễn sống.
Nhưng đảng cộng sản là ai mà Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam, cụ thể là điều 4 Hiến pháp, đã đặt nó lên trên tất cả? Đảng chỉ có hơn 4 triệu người là đảng viên của đảng so với hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Vậy, đảng nhất định không thể là, không bao giờ là dân tộc, nhân dân Việt Nam. Mọi ý định đồng nhất đảng với dân tộc, với đất nước đều là sự điên rồ, xảo trá và độc ác. Đảng là tinh hoa, là tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ của dân tộc, giống nòi, nhân dân Việt Nam? Không, từ khi nắm-cướp được chính quyền của nhân dân, đảng đã biến bộ máy công quyền-chính quyền thành bộ máy quyền lực của riêng mình và dùng hệ thống này để cai trị nhân dân, thao túng toàn bộ đời sống xã hội. Đảng đã tạo nên sự sợ hãi trong nhân dân, trong xã hội để bảo vệ địa vị và thực hiện những lợi ích của riêng mình. Nhưng sự tuyên truyền dối trá đã cố tình che đậy sự thật này và thay vào đó, ép nhân dân và xã hội phải tin rằng đảng là “đạo đức”, là “sáng suốt”, “văn minh”, là đại diện cho giai cấp, dân tộc và toàn thể nhân dân. Đảng sẽ tiếp tục tồn tại?
Bao nhiêu năm nay ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn đảng, chọn Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam. Ông đã từng tuyên bố: “Mất đảng, mất chế độ chúng ta mất tất cả”. Dường như tuyên bố của ông có cội nguồn-tiền thân là lời của nguyên TBT Nguyễn Văn Linh: “Biết rằng đi với Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng đi với Mỹ thì mất đảng. Vậy thà mất nước còn hơn mất đảng”? Rõ ràng với những tuyên bố-lựa chọn như thế, Tổ Quốc, dân tộc, nhân dân Việt Nam chẳng là gì hết. Có cần phải chứng minh không? Có, xin được chứng minh bằng vài sự thật sinh động và hùng hồn là ông Trọng, đảng ông, cả chế độ của ông, vì lựa chọn ấy đã bị chói mắt, hoàn toàn mù lòa, nên đã không thể nhìn thấy hàng ngàn người dân yêu nước đã nổi dậy biểu tình-đấu tranh vì môi trường, chống lại, đòi loại bỏ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, đặc biệt chống lại âm mưu, bước chân xâm lược của Tàu Cộng trong những ngày tháng 6 sục sôi vừa qua. Không những thế, các ông còn bắt bớ, đàn áp, giam cầm dã man, trái phép những người biểu tình-đấu tranh. Đặc biệt, cũng với sự mù lòa ấy các ông đã không thấy được dã tâm của kẻ thù xâm lược, cho nên có thể từ chỗ “ngây thơ” và lòng tham, các ông dần dần trở thành những kẻ, hơn thể trở thành một chế độ tiếp tay-bán nước từng phần cho Tàu Cộng. Cả một chế độ tiếp tay-bán nước! Thật là một điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Nhưng trên đây là sự “lựa chọn” khi ông Trọng còn là, chỉ là TBT đảng. Còn bây giờ ông vừa là đảng trưởng lại vừa là Chủ tịch nước CHXHCN ở Việt Nam. Ông có thể lựa chọn cả hai: Tổ Quốc, nhân dân và Hiến pháp? Không, ông chỉ có MỘT và chỉ MỘT mà thôi. Hoặc ông phải lựa chọn “trung thành” với Hiến pháp, nghĩa là trung thành với đảng cộng sản, với chế độ của ông, cũng có nghĩa là trung thành với những lợi ích ích kỷ, tanh tưởi của đảng, của chế độ này và xem đó là cái “nguyên tắc” cơ bản để tiếp tục đu dây trong mọi hoạt động xã hội, trong các quan hệ quốc tế, kể cả việc sẵn sàng bán đứng Tổ Quốc, dân tộc, nhân dân cho kẻ thù. Nhưng đây là sự lựa chọn của sự ô nhục và cái chết. Hoặc ông phải lựa chọn trung thành với Tổ Quốc và Nhân dân. Đây là lựa chọn của sự sống, là con đường sống. Bởi vì, chỉ có Tổ Quốc, dân tộc, giống nòi, nhân dân Việt Nam mới có thể sống, vĩnh viễn sống, còn đảng cộng sản ở Việt Nam có thể chết và chắc chắn sẽ chết.
Tuy nhiên, ông Trọng, đảng ông và chế độ của ông đừng nhầm lẫn rằng chính việc có địa vị mới đã đưa ông đến những sự lựa chọn, mà cần hiểu cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng, quyết liệt và khó lường (như chính ông cũng đã nói trong bài phát biểu nhậm chức) đã đặt ông lên địa vị với những lựa chọn ấy. Rất may cho ông về điều này. Ông có thể lựa chọn con đường sống cho ông và có thể cho cả đất nước, dân tộc, nhân dân? Tôi biết rõ, sau khi ông trở thành Chủ tịch nước CHXHCN ở Việt Nam, thậm chí trước đó, rất nhiều người chỉ muốn ông chết, tôi cũng muốn thế, vì tôi rất khinh ông, căm ghét ông. Nhưng nhiều khi thấy “thương” ông, cho nên tôi vẫn muốn ông sống. Tôi nói thật đấy.
Vả lại, trong phát biểu nhậm chức của mình, ông nói rằng ông tuổi cao, sức yếu, trình độ, năng lực có hạn, nhưng vì trách nhiệm đảng, nhà nước và nhân dân giao cho và vì vẫn được tín nhiệm, nên phải cố gắng làm, như thế, thực ra không phải ông khiêm nhường như bậc thánh Lão Tử (“công thành thì lui về”), mà trái lại rất kiêu căng, tự phụ. Hẳn ông muốn nói: trong số 4 triệu đảng viên, hàng trăm đại biểu quốc hội kia, chẳng còn ai có thể hơn ta, thay ta, chúng chỉ như những đống thân xác trần trụi không linh hồn mà thôi! Ông còn lẩy Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”. Nhưng nếu cùng ông đọc tiếp các câu sau đó: “Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”, sẽ thấy ông hoặc đúng là năng lực văn chương “rất có hạn”, vì cụ thể, phải hiểu chỉ có Thúy Kiều tài hoa mới có thể nói câu “phận mỏng cánh chuồn” được và nói với ai chứ, hoặc ông rất kiêu căng, nghĩ mình là đấng tài hoa! Vì thế, nghĩ về tình thế của ông hiện nay, tôi nghĩ đến câu: “Cờ đến tay ai người ấy phất!”.
Nhưng ông Trọng ạ! Như đã nói, Tổ Quốc, đất nước, dân tộc, giống nòi, nguồn cội, tổ tiên, quê hương, con người, nhân dân Việt Nam, đó là tất cả những gì vô cùng cao quý, hết sức thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước thương nòi. Chắc chắn đó không phải là cái ở trên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã từng “nhuộm” rất nhiều máu con dân Việt Nam, không ở hành vi trịnh trọng cúi đầu trước là cờ ấy, không ở hành vi đặt tay lên cuốn Hiến pháp (mà dưới nó còn cả một hệ thống luật pháp) không bao giờ là của nhân dân và ở việc giơ tay tuyên thệ trước các đại biểu quốc hội bù nhìn, trái lại, đó là tình cảm, ý chí, tinh thần, cả thân xác và hành vi được rèn dưỡng bền bỉ, chuyên cần và dạn dày không ngừng trong cuộc sống và đấu tranh vì đức tin, chính nghĩa, vì những giá trị chân-thiện-mỹ cao quý ở đời. Nhưng ở ông những điều thiêng liêng ấy đã nhường chỗ cho toàn bộ cuộc đời tư tưởng, lý luận giáo điều-đu dây. Vậy, có chăng ông có thể làm được một sự nghiệp KỲ NHÔNG?! Ông hãy cố nuốt giận thì may ra còn cơ hội.
Ngày 25 tháng 10 năm 2018