TUYÊN NGÔN

Cac Bai Khac

No sub-categories

TUYÊN NGÔN

Đảng

TÂN  ĐẠI VIỆT

1939-1964: 25 năm đã qua từ khi ĐẠI VIỆT QUỐC DÂN ĐẢNG được thành lập với mục đích thực hiện cuộc cách mạng giải phóng quốc gia, cải tạo xã hội, mưu đồ sự sinh tồn cho Dân Tộc VIỆT NAM. Trong suốt một phần tư thế kỷ, các chiến sĩ ĐẠI VIỆT đã tích cực tranh đấu không ngừng: chống thực dân, cộng sản và phong kiến, và đã nhận chịu không biết bao nhiêu hy sinh cho cuộc đấu tranh này. Từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, không nơi nào của đất nước VIỆT NAM là không có máu xương, mồ hôi và nước mắt của người chiến sĩ ĐẠI VIỆT. Khí phách hiên ngang, tinh thần bất khuất cũng như lòng nhiệt thành phụng sự non song của các Đảng Viên ĐẠI VIỆT không ai còn có thể phủ nhận được.

Nhưng hiện nay, Đ.V.Q.D. Đ. đã phân ra thành nhiều hệ phái khác nhau. Sự thống nhất mà tất cả anh chị em Đảng Viên thiết tha mong muốn không thể thực hiện được, mặc dầu mọi người đều hết sức cố gắng tìm cách thỏa hiệp nhau. Như thế là vì sau khi Đảng Trưởng Trương Tử Anh mất đi, không một lãnh tụ nào được toàn thể Đảng Viên tuyệt đối phục tùng. Bởi đó, một số Đảng Viên tuy vẫn trung thành với lý tưởng Đảng nêu ra và không ngừng tranh đấu cho lý tưởng đó, nhưng không chịu khép mình trong một hàng ngũ nào. Những anh chị em nhận thấy sự kết hợp nhau là cần lại không đồng ý kiến với nhau về những nguyên tắc căn bản làm phương châm cho sự tổ chức và hành động của Đảng. Những người bảo thủ nhứt định giữ nguyên vẹn tất cả những quan niệm được nêu ra khi Đảng mới thành lập. Trong khi đó, những phần tử có tinh thần tiến bộ cho rằng muốn thực hiện được lý tưởng của mình, Đảng cần phải biết thích nghi, áp dụng nguyên tắc biến cải của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn để ứng phó với tình thế mới. Lãnh tụ chế và chủ trương độc tài đảng trị chẳng những không đáp ứng nhu cầu hiện tại của đất nước mà còn đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân. Bởi thế, muốn mưu đồ sự sinh tồn sung mãn cho dân tộc, Đảng cần phải tự tổ chức lại theo thể chế tập đoàn chỉ huy, trong đường lối tự do dân chủ.

Nhận thấy rằng những đảng viên có quan niệm hoàn toàn khác nhau về vấn đề tổ chức và tranh đấu không còn có thể hợp nhứt nhau lại được.

Nhận thấy rằng tình trạng mù mờ và hỗn độn hiện tại rất có hại cho sự tranh đấu chung, vì trách nhiệm mỗi người, mỗi hệ phái rất khó qui định rõ ràng trước dư luận và một đảng viên hay một hệ phái có thể bị ảnh hưởng không tốt của một đảng viên hay hệ phái khác, mặc dầu mình không tán thành hành vi đó.

Nhận thấy rằng, việc nhiều hệ phái khác nhau, tranh nhau tên Đảng, đào sâu hố chia rẽ, lại gây những cuộc xung đột làm mất niềm hòa khí và làm thương tổn tình thân hữu giữa những chiến sĩ đã từng tranh đấu chung nhau.

Những phần tử có tinh thần dân chủ và  chấp nhận một kỷ luật tự giác chung, đã tập hợp nhau lại thành một tổ chức mới mệnh danh là  TÂN ĐẠI VIỆT.

Trung thành với Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, với ý chí phục vụ tổ quốc, Đảng TÂN ĐẠI VIỆT tiếp tục cuộc tranh đấu chống Cộng Sản, Thực Dân và Phong Kiến với tinh thần bất khuất truyền thống của các chiến sĩ Đại Việt nhưng theo nguyên tắc tập thể chỉ huy và đường lối tự do dân chủ.

Đảng TÂN ĐẠI VIỆT mạnh mẽ nêu ngọn cờ  chánh nghĩa, nhứt quyết hoàn thành công cuộc cách mạng giải phóng quốc gia, cải tạo xã hội và mưu đồ sự sinh tồn sung mãn cho dân tộc VIỆT NAM.

VIỆT NAM MUÔN NĂM

TÂN ĐẠI VIỆT MUÔN NĂM

Ngày 14 tháng 11 năm 1964

Thay mặt Đại Hội Đồng

Trung Ương Đảng Bộ TÂN ĐẠI VIỆT

– Phan Thông Thảo        – Lê Văn Hiệp

– Nguyễn Tôn Hoàn        – Trần Minh Dũng

– Nguyễn Ngọc Huy (Hùng Nguyên)   – Hoàng Xuân Nam

– Nguyễn Văn Kiểu        – Ung Ngọc Nghĩa (Hoài Sơn)

– Dương Văn Liên        – Trương Dụng Khả (Minh Nhựt)

– Nguyễn Văn Tại        – Nguyễn Đình Huy (Việt Huy)

– Nguyễn Ngọc Tân (Phạm Thái)      – Đồng Tuy