TC ‘trấn giữ’ bãi Hải Sâm

Cac Bai Khac

No sub-categories

TC ‘trấn giữ’ bãi Hải Sâm

Bãi Hải Sâm có đường kính khoảng 6 hải lý, với 5 rạn san hô xếp vòng tròn

Theo BBC – 2 tháng 3 2016

Báo chí Philippines cho hay trong một hành động gia tăng căng thẳng TC vừa điều 5 tàu trấn xung quanh bãi Hải Sâm mà nước này gọi là Quirino thuộc Trường Sa ở Biển Đông.

Các báo nói tàu TC bao quanh bãi san hô, ngăn cản tàu cá của Philippines tiếp cận “ngư trường truyền thống”.

Hải Sâm là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, bị bốn nước là Philippines, Việt Nam, Đài Loan và TC tranh chấp nhưng ngư dân Philippines hay đánh bắt ở nơi đây.

TC gọi Hải Sâm là Đá Ngũ Phương.

Tờ Philippine Star dẫn nguồn ngư nghiệp nước này nói TC bắt đầu điều tàu tới bãi Hải Sâm sau khi thấy một tàu cá của Philippines mắc cạn trên bãi.

Eugenio Bito-onon Jr, người đứng đầu về hành chính của nhóm đảo Kalayaan, nói vơi Philippine Star rằng các tàu TC yểm trấn ở đây hơn một tháng nay. Ông cũng cho hay con số tàu khá lớn.

Một ngư dân không nêu danh thì nói tàu TC đã xua đuổi tàu cá Philippines khi tàu này định vào trong khu vực hồi tuần trước.

Ông nói: “Các tàu sơn màu trắng và xám của Trung Quốc, có khoảng bốn chiếc đậu bên trong vụng biển, đã ngăn cản chúng tôi tiếp cận ngư trường truyền thống của chúng tôi”.

Image Reuters
Tàu Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ tuần tra tại Biển Đông

Quân đội Philippines cho hay đã nhận được thông tin về hiện diện của tàu TC và đang tìm cách xác minh.

TC đã điều tàu đi lại xung quanh bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) gần đó mà hiện Philippines đang duy trì hải quân canh gác, bởi vậy Philippines muốn thẩm định liệu tàu TC đóng tại đây lâu dài hay không.

Hồi năm 2011, tàu chiến TC từng nổ súng gây hấn với ba tàu cá của Philippines cũng tại bãi Hải Sâm khiến các tàu này phải cắt neo chạy trốn.

Manila đang kiện tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh ra tòa trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi vào tháng Năm tới.

Hôm thứ Ba 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter lặp lại yêu cầu TC không có hành động “hung hăng” trong khu vực và cảnh báo “hậu quả” nếu tiến trình quân sự hóa Biển Đông tiếp diễn.

Về phần mình, Bắc Kinh hết sức giận dữ trước các chuyến tuần tra “bảo vệ tự do lưu thông” của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong thời gian gần đây.