Tin Việt Nam – Thứ Sáu 10/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – Thứ Sáu 10/1/2014

1. Biển Đông: Philippines, Việt Nam, Mỹ phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá
2. Ban Nội chính ‘nắm Ngân hàng Nhà nước’
3. Anh sẽ có tân Đại sứ tại Việt Nam
4. Trung Quốc bắt tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào Biển Đông
5. Bạo loạn ở nhà máy Samsung Thái Nguyên

1. Biển Đông: Philippines, Việt Nam, Mỹ phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá

Hôm nay 10/1/2014, Philippines, Việt Nam và hôm qua Hoa Kỳ đã lên án các quy định mới của Bắc Kinh buộc các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương Trung Quốc khi hoạt động ở phần lớn vùng Biển Đông. Các quy định nói trên đã được thông qua từ năm ngoái và đã bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã yêu cầu phía Trung Quốc ngay lập tức làm rõ những quy định mới về đánh cá mà chính quyền tỉnh Hải Nam vừa đưa ra. Đối với Manila, luật mới này củng cố đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên phần lớn vùng Biển Đông, còn được gọi là bản đồ đường lưỡi bò, nằm lấn sang lãnh hải của Việt Nam và Philippines.
Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành động nói trên của Trung Quốc là một sự “vi phạm thô bạo” công pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, theo Manila, luật mới của Trung Quốc còn vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và tự do đánh cá của tất cả các quốc gia trên vùng biển sâu, như quy định của Công ước LHQ về Luật biển UNCLOS.
Về phần Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm nay cũng đã phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, cũng như phản đối thông báo ngày 24/12/2013 của Trung Quốc về thời gian nghỉ đánh bắt cá tại một số khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Theo Lương Thanh Nghị những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là “bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Theo tin báo chí trong nước hôm nay, Hội Nghề cá Việt Nam cũng vừa có văn bản phản đối việc Trung Quốc cản trở ngư dân đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chủ tịch Trung ương Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng nói: “Trước đây, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa. Sự việc lần này thể hiện rõ ý đồ hợp lý hóa việc xâm lược trước đây của Trung Quốc và đây là ý đồ lâu dài cho việc tiếp tục mở rộng xâm lược vùng biển của Việt Nam”.
Còn Hoa Kỳ hôm qua cũng đã lên án những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông là “mang tính khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng”. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, luật mới này làm nhằm khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn vùng Biển Đông, mà Bắc Kinh không hề đưa ra giải thích nào, cũng như không dựa trên pháp lý quốc tế nào. Bắc Kinh hôm nay, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã bác bỏ lời chỉ trích nói trên của Mỹ.
Theo AP, chính quyền “thành phố Tam Sa” ngày 1/1/2014 vừa qua đã mở một cuộc diễn tập huy động 14 tàu và 190 người thuộc nhiều lực lượng, với kịch bản là ngăn chận những hoạt động đánh cá “trái phép”.
Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa thông qua “Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” và có hiệu lực từ 1/1/2014. Theo đó, người nước ngoài và tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính.
Ngày 24/12/2013, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Phía Trung Quốc mới đây cũng đã cho ra mắt trang mạng và tờ báo giấy đầu tiên của cái gọi là “Thành phố Tam Sa” nâng cấp cải tạo trạm khí tượng tự động ở một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Những qui định mới áp dụng cho gần 2/3 diện tích 3.5 triệu cây số vuông của Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm lên tiếng bênh vực cho những qui định mà chính quyền tỉnh Hải Nam công bố vào cuối tháng 11: “Trung Quốc là một quốc gia hải dương, cho nên việc các tỉnh của Trung Quốc ở ven biển dựa theo luật pháp quốc gia để ban bố những qui định nhằm bảo tồn, quản lý và khai thác các tài nguyên sinh học biển là một việc hết sức bình thường.”
Giáo sư Sam Bateman, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho đài VOA biết rằng căng thẳng chắc chắn sẽ gia tăng nếu Trung Quốc chấp hành những qui định mới. Nhưng ông nói thêm rằng việc chấp hành sẽ rất khó khăn. Ông giải thích: “Việc chấp hành không những chỉ cần tới tàu bè, mà còn cần tới những hoạt động trinh sát trên không. Bởi vì công tác giám sát biển và quản lý ngư nghiệp thuộc loại này thường được thực hiện phần lớn từ trên không và chỉ sau khi máy bay phát giác những sự việc khả nghi thì giới hữu trách mới phái tàu bè tới nơi để xử lý.”
Ông Bateman, chuẩn đô đốc hồi hưu của Hải quân Hoàng gia Úc, nói rằng các qui định của Trung Quốc “vượt khỏi bất cứ điều gì có thể chấp nhận được theo Luật Biển Quốc tế” và do đó Bắc Kinh rất dễ bị thua kiện. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng nếu Trung Quốc bắt đầu chấp hành các qui định này, và đặc biệt là nếu họ bắt giữ tàu thuyền, thì họ sẽ nhanh chóng rơi vào một vụ tranh chấp pháp lý mà theo tôi Trung Quốc hoàn toàn không có cơ hội giành được phần thắng.” – RFI, TTXVN, VOA
2. Ban Nội chính ‘nắm Ngân hàng Nhà nước’
Ban chỉ đạo chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo sẽ giám sát Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn ngừa tiêu cực tại một số ngân hàng trong năm 2014.
Đây là một trong các nội dung đáng chú ý trong Thông báo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, được Nguyễn Bá Thanh ký ban hành hôm 8/1 trong cương vị Phó trưởng ban. Thông báo này tóm tắt các kết luận mang tính chỉ đạo của người đứng đầu Đảng CSVN và cũng đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng.
Tình hình ngân hàng là một trong tám nhiệm vụ “trọng tâm” của cơ quan này trong năm 2014. Theo thông báo, Nguyễn Phú Trọng “đồng ý về nguyên tắc giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, phối hợp với ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng nhằm phòng ngừa và hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng tại một số ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần”.
Nhìn lại năm 2013, Nguyễn Phú Trọng đề cao hai công việc mà cơ quan của ông đã làm. “Đó là việc thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và đặc biệt việc lựa chọn 2 vụ việc, 8 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp,” thông báo viết.
Đến nay, đã có ba vụ trong số này được đưa ra xử: Vụ án xảy ra tại Cty cho thuê tài chính II; vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.
Nguyễn Bá Thanh hôm 2/12/2013 nói sẽ đưa ra xét xử vụ án Bầu Kiên trước Tết. Nhưng ngày 09/01/2014, Tòa Hà Nội trả hồ sơ vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB và yêu cầu bổ sung thêm chứng cứ, tài liệu, tình tiết chưa được sáng tỏ.
Báo chí và dư luận trong và ngoài nước chú ý nhiều tới lời cáo buộc hôm 7/1 của Dương Chí Dũng trước tòa rằng một thứ trưởng công an, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, báo cho ông đi trốn và còn nhận khoản tiền lớn đã gây chấn động cho dư luận. Toà khởi tố vụ án mới với Tướng Ngọ về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Giới luật sư bình luận rằng đây là lần rất hiếm tại Việt Nam khi tòa án dùng đến quyền khởi tố của mình.
Ngoài ra Hội đồng xét xử còn đề nghị VKSND Hà Nội nên đề nghị VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000 USD và 20 tỉ đồng của Tướng Ngọ.
Trưa thứ Ba 7/1, Phạm Quý Ngọ đã phủ nhận liên quan đến việc Dương Chí Dũng bỏ trốn với báo VnExpress. Báo này dẫn lời Ngọ nói: “Tôi không liên quan đến việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này”.
Ngọ cũng được Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập báo Petrotimes, dẫn lời trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với Phong bác bỏ cáo buộc nhận hối lộ. Trong bài báo đằng ngày 09/01/2014, Phong mô tả ông “gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa. ” Ngọ bình thản nói rằng: “Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai. Sẽ có nơi điều tra làm rõ””. – BBC
3. Anh sẽ có tân Đại sứ tại Việt Nam
Chính phủ Anh vừa bổ nhiệm ông Giles Lever, nhà ngoại giao từng làm việc tại Việt Nam, làm Đại sứ Anh Quốc tại Hà Nội. Ông sẽ tiếp quản vị trí đại sứ từ Tiến sĩ Antony Stokes, người sẽ được thuyên chuyển sang một nhiệm vụ ngoại giao khác.
Trang web của Bộ Ngoại giao Anh cho biết ông Lever sẽ nhận nhiệm vụ trong tháng Bảy năm 2014. Ông Lever vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh vào năm 1990 và đã trải qua nhiều vị trí, cả ở châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có nhiệm vụ liên quan an ninh. Ông đặc biệt có kinh nghiệm về khu vực Đông Á, từng làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản.
Khi được bổ nhiệm làm Đại sứ của Nữ hoàng tại Việt Nam, ông Lever được dẫn lời nói trên trang web của chính phủ Anh rằng “Tôi rất vui mừng và vinh dự được trở lại Việt Nam, đất nước nơi tôi bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình, nay trên cương vị Đại sứ. “Sẽ là hân hạnh lớn để được đóng một vai trò trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ của Anh với một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất tại châu Á, lấy nền tảng là Hiệp định Đối tác Chiến lược Anh-Việt. Có những lợi ích tiềm năng vô cùng lớn cho cả hai nước từ hợp tác rộng và sâu hơn về một loạt các chủ đề từ mậu dịch và đầu tư cho tới giáo dục. Tôi cũng mong muốn được trau dồi và thử sức vốn tiếng Việt xưa cũ của mình mà công tác thú vị này đòi hỏi!”, ông Lever được dẫn lời.
Trong giai đoạn 1993-1997, ông giữ vị trí Bí thư thứ hai (phụ trách chính trị) tại Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.
Anh Quốc và Việt Nam k‎ý Hiệp định Đối tác Chiến lược vào năm 2010 để tăng cường hợp tác và trao đổi một loạt lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, quốc phòng, mậu dịch, đầu tư tới giáo dục, chống tội phạm có tổ chức. Vào tháng Mười năm 2013 đại diện một số bộ của hai nước tiến hành Đối thoại Chiến lược lần thứ 3. Anh Quốc hiện là nhà tài trợ điều phối về phòng chống tham nhũng của các Đối tác Phát triển Quốc tế cho Việt Nam.
Tiến sĩ Antony Stokes, đương kim Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam, từng nói tại một cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội rằng “để chống tham nhũng thành công, Việt Nam cần thiết lập hệ thống tư pháp độc lập và truyền thông tự do.” – BBC
4. Trung Quốc bắt tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào Biển Đông
Qua một hành động bị gọi là “leo thang” trong chiến lược độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc vừa loan báo hai quyết định song song: Tăng cường quyền hạn cảnh sát của họ tại vùng Biển Đông, và bắt buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động bên trong vùng biển mà Bắc Kinh nhận là của mình.
Quyết định do tỉnh Hải Nam ban hành – có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 – gây quan ngại vì bị đánh giá là một hành vi khiêu khích mới nhắm vào các láng giềng đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông.
Theo AP, các quy định mới của Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải xin phép khi đi vào đánh bắt cá hoặc khảo sát trong vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý, được tỉnh này thông qua vào cuối tháng 11/2013, các quy định mới chỉ nói chung chung là đơn xin phép phải được gởi đến các “ban ngành có liên quan” của chính quyền Trung Quốc.
Một dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc có thái độ ngày càng lấn lướt: Luật của họ cho phép tịch thu không chỉ sản lượng ngư dân nước ngoài đánh bắt được, cũng như thiết bị trên tàu bị chặn bắt, mà còn nâng mức tiền phạt người vi phạm lên thành 500,000 nhân dân tệ (tương đương với 83,000 đô la).
Vấn đề là trên nguyên tắc, tỉnh đảo Hải Nam lại là địa phương được Bắc Kinh trao quyền quản lý hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ, nằm bên trong tấm bản đồ hình lưỡi bò được chính thức công bố vào năm 2009.
Tính ra, vùng biển mà Trung Quốc muốn độc chiếm trải rộng trên hai triệu km vuông của vùng Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số nơi khác tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Đơn vị hành chánh trực tiếp “điều hành” Biển Đông là thành phố Tam Sa mà Bắc Kinh đặt trụ sở ngay trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Như để phô trương uy lực dằn mặt các láng giềng, hôm 1/1/2014, vào đúng ngày các quy định kể trên có hiệu lực, chính quyền Tam Sa đã tổ chức một cuộc tập trận chung, huy động 14 chiếc tàu và 190 người thuộc các đơn vị biên phòng và các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau.
Truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời một quan chức cho biết cuộc tập trận đã xử lý một số kịch bản nhằm đối phó với tình “tàu cá nước ngoài vi phạm tràn lan” luật lệ của Trung Quốc.
Theo AP, các quy định mới trên đây là một động thái mới nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại toàn bộ các vùng đang tranh chấp. Quyết định này đã nối tiếp theo thông báo cuối tháng 11/2013, áp đặt vùng phòng không mới trên Biển Hoa Đông, bao trùm lên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.
Nếu tại Biển Đông, tàu đánh cá ngoại quốc đi vào bên trong đường lưỡi bò phải xin phép Trung Quốc, thì tại vùng Hoa Đông, máy bay nước ngoài khi đi qua khu vực vùng phòng không đó, cũng phải báo trước cho Bắc Kinh. – RFI
5. Bạo loạn ở nhà máy Samsung Thái Nguyên
Theo tin báo chí trong nước, ngày 09/01/2014, đã xảy ra xô xát dẫn đến bạo loạn ở nhà máy Samsung Thái Nguyên. Công nhân xô xát với bảo vệ nhà máy và sau đó đã ném đá vào cảnh sát cơ động khi lực lượng này được điều đến để vãn hồi trật tự.
Nguyên nhân vụ xô xát là do bảo vệ nhà máy không cho một công nhân đem đồ ăn sáng vào nhà máy và đánh ngất xỉu một công nhân không có thẻ khi vào công trường làm việc. Phẫn nộ vì những hành động nói trên, hàng trăm công nhân nhà máy Samsung Thái Nguyên đã đuổi đánh các bảo vệ, rồi đốt nhiều xe máy và các container dùng làm nơi ở và văn phòng của bảo vệ. Khi cảnh sát cơ động đến vãn hồi trật tự, công nhân đã dùng gạch đá chống lại.
Xô xát với bảo vệ và đụng độ với cảnh sát cơ động đã khiến hơn 10 người phải nhập viện, trong đó có ít nhất 5 người bị thương nặng, vẫn đang được cấp cứu. Cũng có tin cho là đã có một người chết, nhưng chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã bác bỏ tin này và chỉ xác nhận có 11 người bị thương. Những hình ảnh, clip video về vụ bạo loạn ở nhà máy Samsung Thái Nguyên đã được nhanh chóng phổ biến trên mạng Internet hôm nay.
Dương Ngọc Long, chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định với báo chí là sau ba giờ can thiệp, cảnh sát đã tái lập trật tự ở khu vực nhà máy Samsung. Chiều nay, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên họp khẩn về vụ xô xát ở nhà máy Samsung. Nhưng theo tờ Tuổi Trẻ, các phóng viên không được phép vào dự cuộc họp này.
Về phần hãng Samsung, trong một thông cáo đưa ra hôm 09/01/2014 bảo đảm là sẽ làm hết mình để tránh tái diễn những vụ xô xát tương tự, đồng thời khẳng định là công trình xây dựng nhà máy Samsung Thái Nguyên không bị ảnh hưởng.
Khu Tổ hợp Công nghệ cao của tập đoàn Samsung được khởi công xây dựng từ tháng 3/2012 tại Khu Công nghiệp Yên Bình (xã Đồng Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên ) với vốn đầu tư 2 tỷ đôla. Ý định của Samsung là biến Việt Nam thành một cơ sở sản xuất smartphone quan trọng.
Samsung và các tập đoàn công nghệ khác như Intel và Nokia hiện đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam, nơi có giá nhân công rẻ hơn Trung Quốc. Để thu hút đầu tư từ những tập đoàn này, chính quyền các địa phương có nhiều biện pháp ưu đãi, nhất là về thuế. – RFI