Tin Việt Nam – Thứ Năm 16/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – Thứ Năm 16/1/2014

1. Việt Nam hoãn xây nhà máy hạt nhân đầu tiên
2. Truơng Tấn Sang: ‘Sửa sai càng làm tăng uy tín công an’
3. Việt Nam noi gương Trung Quốc, tìm cách thu hút chất xám Việt Kiều

1. Việt Nam hoãn xây nhà máy hạt nhân đầu tiên

Theo báo chí trong nước hôm nay 16/1/2014, Việt Nam sẽ đình hoãn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đến năm 2020 thay vì năm nay như kế hoạch ban đầu. Việt Nam đã dự trù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, với sự trợ giúp của tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom. Ninh Thuận 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.

Nhưng tờ Tuổi Trẻ trích lời Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc họp ngày hôm qua nói rằng phải đình hoãn dự án nói trên cho đến năm 2020, nhằm bảo đảm “an toàn nhất, hiệu quả nhất” cho dự án.

Để đáp ứng nhu cầu về giá khí đốt sẽ tăng lên do việc đình hoãn dự án nhà máy hạt nhân, Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập đoàn dầu khí Nhà nước Petrovietnam (PVN) bảo đảm đủ khí đốt để cung cấp cho cụm nhà máy điện 5,000MW thay thế cho nhà máy điện nguyên tử 4,000MW bị đình hoãn. Nhưng bản tin nói trên không nói rõ là Petrovietnam sẽ tìm nguồn khí đốt đó ở đâu.

Tuyên bố của Dũng được đưa ra sau khi vào tuần trước, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano đã hứa sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy hạt nhân Ninh Thuận 1. Ông Amano khuyên Hà Nội không nên vội vã tiến đến năng lượng nguyên tử và trước hết phải bảo đảm có đủ khả năng để vận hành nhà máy hạt nhân.

Ngoài Ninh Thuận I, chính phủ CSVN đã chọn các tập đoàn Nhật để xây dựng một nhà máy điện nguyên tử thứ II cũng tại tỉnh Ninh Thuận, với hai lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ những năm 2023-2024.

Theo thẩm định của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhu cầu điện năng của Việt Nam có thể tăng thêm 14% mỗi năm cho đến 2015 và sau đó sẽ tăng 11% cho đến 2020. Trước nhu cầu tăng mạnh như thế, Việt Nam buộc phải phát triển các nguồn năng lượng mới, bởi vì sản xuất điện từ than và đập thủy điện nay đã đến mức giới hạn.

Việt Nam đã dự định sẽ xây tổng cộng 7 nhà máy điện nguyên tử từ đây đến 2030, nhưng tai nạn hạt nhân Fukushima 2011 đã gây thêm quan ngại về tính chất an toàn của công nghệ năng lượng nguyên tử. – RFI

2. Truơng Tấn Sang: ‘Sửa sai càng làm tăng uy tín công an

Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang nói trước các lãnh đạo công an rằng việc sửa chữa sai lầm càng làm tăng thêm uy tín của lực lượng công an. Sang đưa ra phát biểu này tại một hội nghị hôm thứ Tư ngày 15/1 của Đảng ủy Công an trung ương sơ kết ba năm thực hiện phong trào ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phát động. Buổi lễ này có mặt gần như tất cả các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công an, bao gồm Bộ trưởng Trần Đại Quang và các thứ trưởng.

Đáng chú ý, Thượng tướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, người vừa bị cáo buộc nhận hối lộ hàng trăm ngàn đô la Mỹ để báo tin mật cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, dường như không có mặt tại hội nghị này. Ngọ cũng đồng thời là ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Ông được cho là ‘đang đổ bệnh’.

Mặc dù vụ án ‘Tiết lộ bí mật nhà nước’ đã được khởi tố nhưng cho tới nay chưa có việc khởi tố bị can hay bắt tạm giam ai để điều tra. Thượng tướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, ít nhất cho tới thời điểm này, vẫn tại nhiệm. Bức ảnh chụp kỷ niệm Sang với các lãnh đạo của Bộ Công an đăng trên trang chủ của Bộ không thấy có sự hiện diện của Ngọ.

“Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ còn rất phức tạp, tội phạm luôn tìm mọi cách để tác động, lôi kéo, mua chuộc,” Sang được báo chí dẫn lời nói. “Cá biệt có những cán bộ, chiến sĩ mắc phải sai lầm, khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự nhưng đó chỉ là những ‘con sâu làm rầu nồi canh’.” “Quá trình đấu tranh kiên quyết với những sai lầm, khuyết điểm, càng làm tôn vinh uy tín của lực lượng Công an nhân dân,” Sang nói thêm.

Sang cũng nhìn nhận rằng tình hình hiện nay ‘có mặt phát sinh mới đang tác động đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân’. “Do vậy, cuộc đấu tranh chống các lực lượng thù địch và các loại tội phạm để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều,” ông được dẫn lời nói.

Quang được Chủ tịch Sang trao Huân chương Quân công hạng Nhì, theo tường thuật của trang mạng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Truyền thông tại Việt Nam cho hay vào ngày 16/1, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Kiểm sát năm 2014.

Tại đây Sang được dẫn lời lưu ý ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố. – BBC

3. Việt Nam noi gương Trung Quốc, tìm cách thu hút chất xám Việt Kiều

Rút tỉa kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam đang tìm cách thu hút chất xám từ nước ngoài và khai thác nguồn nhân lực có kỹ năng cao về khoa học và phát triển công nghệ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Tân Hoa Xã hôm nay trích nguồn tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tường thuật rằng Hà Nội đã phái một đoàn công tác sang Trung Quốc từ tháng 12/2013 tới đầu tháng 1/2014 để học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc thực thi kế hoạch 111 của nước này, nhằm thu hút chất xám từ nước ngoài.

Trên trang mạng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đặc trách hội nhập khoa học và công nghệ Việt Nam, Bùi thị Huy Hợp, hôm 14/1 nói rằng kế hoạch 111 của Trung Quốc có thể thích nghi và áp dụng tại Việt Nam.

Theo Hợp, nỗ lực thu hút tài năng trong giới Việt Kiều dự kiến sẽ được thực hiện thí điểm tại Việt Nam trong các dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ, với mục đích tăng khả năng của các viện nghiên cứu nội địa trong 10 lĩnh vực ưu tiên.

Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 tới năm 2020.

Luật về Khoa học và Công nghệ đã được tu chính và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, gồm một điều khoản về hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế, để thu hút tài năng trong giới Việt Kiều.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, hôm Thứ Tư 14/1, Bộ Tài chánh CSVN loan báo dự định phát hành cổ phiếu cho các doanh nghiệp lớn nhất của nhà nước trong năm 2014 trong khuôn khổ của kế hoạch tái cơ cấu và mở cửa một phần nền kinh tế nhà nước cho đầu tư nước ngoài.

Truyền thông nhà nước nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuần trước đã ra chỉ thị cho 11 công ty của bộ giao thông vận tải phải tiến hành niêm yết.

Thông cáo của Bộ Tài chánh cho hay hãng hàng không Vietnam Airlines, tổng công ty dệt may Vinatex và công ty sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu là Viglacera Corp. nằm trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong năm nay. Thông cáo này cũng cho hay chính phủ VN có ý định giảm cổ phần đang nắm giữ trong các công ty niêm yết từ nay cho đến năm 2015.

Báo Wall Street Journal nói không có công ty cụ thể nào được nêu ra, nhưng hiện nhà nước đang nắm cổ phần rất lớn trong các công ty Petrovietnam Gas, Vinamilk, và Bao Viet Holdings.

WSJ trích lời một giới chức của Bộ Tài chánh VN nói rằng “chính phủ VN tỏ ra quyết tâm hơn trong việc cải cách khối doanh nghiệp nhà nước sau khi nhận thấy quá trình hồi phục kinh tế ổn định hơn trong năm nay.”

VN hồi đầu năm nay có kế hoạch nâng mức trần sở hữu của nước ngoài trong các công ty niêm yết từ 49% lên 60% nhằm thu hút vốn đầu tư.

Trong khi đó, tập đoàn Rose Rock, một công ty quản trị đầu tư được sự hậu thuẫn của gia đình tỷ phú Rockefeller tại Hoa Kỳ, sẽ phát triển một dự án xây dựng nhà ở và khách sạn cao cấp trị giá 2 tỉ 500 triệu đôla tại vùng duyên hải miền Nam và miền trung Việt Nam.

Tin của Báo Mới.com cho biết Công ty Dầu Khí Vũng Rô hoạt động tại Việt Nam và Tập đoàn Rose Rock hôm 14/1 đã ký một thỏa thuận hợp tác ở Hong Kong, để thực hiện Tổ hợp du lịch-nghỉ dưỡng ở Vịnh Vũng Rô, một địa điểm ở gần thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Dự án phát triển Vịnh Vũng Rô bao gồm một diện tích lên tới 200.000m2, gồm ba khu chính là The Marina, The Village và Bãi Môn, kết nối với nhau bằng một con đường tản bộ dài 2, 5km được đặt tên là The Green Thread. – VOA