Tin Việt Nam – Thứ Bảy 18/1/2014
1. Việt Nam: Lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa bị hủy vào giờ chót
2. Gia đình các tù nhân lương tâm vận động các đại sứ quán tại Hà Nội
3. Vấn đề tù nhân lương tâm VN được đưa ra điều trần trước Quốc Hội HK
1. Việt Nam: Lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa bị hủy vào giờ chót
Lễ thắp nến tri ân các 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu với quân Trung Quốc xâm lược và hy sinh vì Tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, lần đầu tiên sau 40 năm được tổ chức vào hôm nay 18/1 tại Đà Nẵng, đã bị hủy vào phút chót với lý do “chuẩn bị chưa được chu đáo”.
Theo dự kiến, buổi lễ thắp nến tri ân “Hướng về Hoàng Sa” và chương trình ca nhạc “Hướng về biển đảo quê hương” diễn ra tối nay tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên sự kiện lớn chưa từng có từ 40 năm qua đã bị hủy bỏ vào giờ chót.
Một số người được RFI Việt ngữ liên lạc nói rằng cho đến 8 giờ tối hôm qua, giờ Việt Nam, họ vẫn chưa được biết tin này. Trang web của huyện đảo Hoàng Sa hôm nay đăng thư cáo lỗi của Chủ tịch huyện Đặng Văn Ngữ, cho biết do “công tác chuẩn bị chưa được chu đáo”, hai chương trình trên “không thể diễn ra theo kế hoạch”. Tuy nhiên ngay từ tối qua trên mạng xã hội, có những người được mời tham dự đã cho biết Đà Nẵng phải hủy do lệnh trên. Có thông tin là báo chí trong nước được Ban tuyên huấn trung ương chỉ thị ngưng đưa tin về Hoàng Sa.
Nhà báo Lê Đức Dục đã viết một bài thơ được lan truyền trên Facebook, xin trích:
“Xin tưởng niệm một chương trình tưởng niệm
Những ngọn nến sẽ tắt, không phải vì gió biển
Luồng hơi lạnh từ phương Bắc tràn đến
…Những ngọn nến dù sẽ tắt trên bãi biển
Nhưng làm sao thổi tắt
Ánh nến trong tim
“Ngày mai về lại Hoàng Sa”
Dù những ngọn nến đã bị thổi tắt không thương xót!
Anh và tôi và chúng ta vẫn cứ thắp lên
Một ngọn đèn vĩnh cửu trong tim
Nhắc Hoàng Sa xương thịt Tổ quốc mình
Còn đau trong tay giặc!” – RFI
2. Gia đình các tù nhân lương tâm vận động các đại sứ quán tại Hà Nội
Hôm 17/1/2014, đại diện 23 gia đình tù nhân lương tâm gồm thân nhân luật sư Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, 14 thanh niên công giáo ở Vinh đã tiếp xúc với các đại sứ quán Canada, Úc, Na Uy, Thụy Sĩ ở Hà Nội để vận động sự ủng hộ của các quốc gia này, nhân dịp tiến trình UPR (kiểm điểm định kỳ phổ quát về tình hình nhân quyền) ngày 5/2 tại Genève liên quan đến Việt Nam.
Bảy gia đình tham gia cuộc vận động đã gởi đến các đại sứ quán trên đây thỉnh nguyện thư gởi Liên Hiệp Quốc. Thư nêu ra các kết luận của nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về tình trạng bắt giam tùy tiện ở Việt Nam, kêu gọi các nước gây áp lực lên Hà Nội nhân dịp kiểm điểm tình hình nhân quyền sắp tới ở Genève.
Lá thư cũng nhắc lại các khuyến cáo trong kỳ UPR năm 2009: trả tự do lập tức các tù nhân chính trị đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, chấm dứt trấn áp các tiếng nói đối lập, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội. – RFI
3. Vấn đề tù nhân lương tâm VN được đưa ra điều trần trước Quốc Hội HK
Cuộc điều trần về tù nhân lương tâm thế giới trong đó có tù nhân lương tâm Việt Nam diễn ra tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ hôm 16/1/2014. Sự kiện được truyền hình trực tuyến do Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos tổ chức có phần trình bày của các nhân chứng từ Trung Quốc, Nga, Bahrain, và Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BPSOS cho biết nguyên nhân có cuộc điều trần này: “Đây là dự án của Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos được khởi động cách đây hơn 1 năm mang tên ‘Bảo vệ Tự do’ trên toàn thế giới. Một trong những mục tiêu chính là đòi tự do cho những tù nhân lương tâm. Ngay từ những ngày đầu công bố dự án, chúng tôi đã tham gia và vận động các dân biểu Hoa Kỳ đứng ra đỡ đầu cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Vì các hoạt động này, chúng tôi có cơ hội đưa mẹ của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh, bà Trần Thị Ngọc Minh, đến đây hôm nay để điều trần trước Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos.”
Trong phần điều trần mở đầu, Chủ Tịch Ủy ban Quốc tế của Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo USCIRF, Tiến sĩ Robert George, tố cáo chính phủ Việt Nam vẫn tiến hành các hoạt động vi phạm nhân quyền của người dân bao gồm giới hạn chặt chẽ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tùy tiện bắt giam, ngược đãi những nhà hoạt động chính trị-tôn giáo, những người bất đồng chính kiến, và không cho họ có được những phiên tòa công bằng.
Tiến sĩ George kêu gọi mọi người hãy vận dụng quyền tự do mình đang được hưởng một cách hữu ích, lên tiếng cho những người bị tước đoạt tự do tại các nước độc tài, trong đó có Việt Nam. Ông cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không nhượng bộ nhân quyền cho lợi ích kinh tế.
Nhân chứng Việt Nam duy nhất ra điều trần tại buổi này là bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh đang thọ án 7 năm tù về tội danh ‘phá rối an ninh nhằm chống chính quyền’ vì các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nông dân mất đất và công nhân bị bóc lột sức lao động tại Việt Nam.
Bà Ngọc Minh chia sẻ: “Tôi rất xúc động và vinh dự có mặt tại buổi điều trần hôm nay. Tôi mong sau cuộc điều trần này, áp lực sẽ gia tăng hầu thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm.”
Trong số những người tham dự buổi điều trần này đặc biệt có hai bạn trẻ đến từ Việt Nam là blogger Nguyễn Anh Tuấn và blogger Phạm Đoan Trang. Tuấn và Trang đang cùng một số nhà hoạt động trong nước thực hiện chuyến quốc tế vận cho nhân quyền Việt Nam sang Mỹ và Thụy Sĩ để gặp gỡ giới chức hành pháp-lập pháp Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, yêu cầu thúc đẩy tình hình nhân quyền Việt Nam. Chuyến đi diễn ra trước thềm cuộc Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ phát UPR của Hà Nội tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 5/2.
Blogger Đoan Trang phát biểu cảm nghĩ: “Tôi cảm động khi thấy Quốc hội một nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất mà lại quan tâm nhiều đến tình hình nhân quyền của những người dân ở các nước như Việt Nam. Tôi rất mong muốn người dân Việt Nam ai cũng có được một cơ hội được chứng kiến cách vận hành, hoạt động của một Quốc hội dân chủ nó như thế nào.”
Hai giờ đồng hồ sau cuộc điều trần, cũng tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi họp báo phát động chiến dịch “Xoá Bỏ Tra Tấn Ở Việt Nam” do Dân Biểu Christopher Smith và Dân Biểu Frank Wolf đồng bảo trợ.
Một phúc trình dày 140 trang nêu rõ thực trạng tra tấn ở Việt Nam do Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS nghiên cứu trong 2 năm qua được công bố dịp này. Tiến sĩ Thắng, cho biết đây sẽ là tài liệu căn bản cho cuộc vận động của người Việt tại Mỹ kêu gọi chống lại nạn tra tấn, ngược đãi, và bạo hành của công an Việt Nam. – VOA