Tin Việt Nam – 23/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/02/2018

UN kêu gọi Việt Nam trả tự do

cho các nhà hoạt động môi trường

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động môi trường và blogger bị kết án tù thời gian vừa qua.

Đặc ủy về Nhân quyền và các chất thải nguy hại, Baskut Tuncak nói việc Việt Nam bỏ tù các bloggers và các nhà hoạt động vì những công việc hoàn toàn hợp pháp mà họ đã làm để nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường, là không chấp nhận được.

Các chuyên gia về nhân quyền của UN kêu gọi giới chức Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, anh Nguyễn Nam Phong, những người đã bị kết tù vì các hoạt động phản đối Formosa xả chất thải độc ra môi trường hồi năm 2016.

Hôm 6/2 vừa qua, tòa án Nhân dân tỉnh nghệ An đã kết án anh Hoàng Đức Bình 14 năm tù với hai tội danh là chống người thi hành công vụ và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Phiên tòa này cũng kết án tù anh Nguyễn Nam Phong 2 năm tù về tội chống người thi hành công vụ. Anh Nguyễn Nam Phong là tài xế cho linh mục Nguyễn Đình Thục trong đợt đi kiện công ty Formosa rà tòa hồi tháng 2 năm ngoái.

Đặc ủy của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do biểu đạt, David Kaye, nói rằng ông đặc biệt quan ngại trước tình trạng gia tăng bắt bớ những nhà hoạt động ở Việt Nam.

Liên Hiệp  Quốc đề cập đến trường hợp của blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án tù 10 năm, và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, người bị kết án tù 7 năm hồi tháng 11 năm ngoái. Cả hai đều là những người có tiếng nói chỉ trích vụ xả thải độc ra môi trường của công ty Formosa.

Đặc ủy David Kaye gọi những án tù dành cho những nhà hoạt động này đã vi phạm quyền tự do biểu đạt và quyền được tiếp cận các thông tin quan trọng của người dân Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-un-rights-experts-urge-release-of-activists-jailed-for-protesting-toxic-spill-02232018100404.html

 

Lo ngại Trung Quốc tiếp tục dấn sâu

vào cơ sở hạ tầng Việt Nam

Kính Hòa RFA

Báo chí Mỹ vào đầu tháng 2 cho biết rằng Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã rút đơn xin vay vốn tài trợ từ Ngân hàng xuất khẩu Mỹ US Ex-Im bank, cho dự án nhà máy điện chạy bằng than Long Phú 1 ở tỉnh Sóc Trăng.

Theo thông tin từ Bộ Công thương Việt Nam, dự án này đang rất thiếu vốn và tiến độ thi công đang chậm so với dự tính là 400 ngày.

Mối lo ngại Trung Quốc

Thông tin về việc Tập đoàn dầu khí rút lại đơn vay tiền từ US Ex-Im Bank làm dấy lên sự lo ngại từ một số chuyên gia và nhà quan sát quan tâm đến vấn đề môi trường, họ lo rằng Trung Quốc sẽ nhảy vào thay thế.

Kỹ sư Phạm Phan Long, một trong những người sáng lập tổ chức Viet Ecology tại Mỹ, quan tâm về vấn đề môi trường, nói với chúng tôi:

Vấn đề bế tắc về tài chính đối với ngân hàng Mỹ có thể đưa đến một tình trạng xấu hơn cho đồng bào mình ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lý do là Ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng của Á châu, của Trung Quốc có rất nhiều tiền, có rất nhiều lý do để Trung Quốc vào thế chổ để tài trợ cho dự án này.

Ông Long cho rằng với một số vốn lớn tài trợ cho dự án, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội đó đem vào các máy móc cũ kỹ gây hại cho môi trường, cũng như sẽ đem công nhân dư thừa của họ sang Việt Nam làm việc.

Chia sẻ lo ngại này với Kỹ sư Phạm Phan Long, là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, ông nói:

Tôi cũng đang lo như vậy, vì đây là một bài học từ Duyên Hải, Trà Vinh, Trung Quốc họ vô họ xây, ngoài chuyện công nghệ lạc hậu, họ còn đưa công nhân Trung Quốc qua, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội ở đó.”

Trung tâm nhiện điện chạy bằng than Duyên hải được xây dựng ở tỉnh Trà Vinh, do Trung Quốc cung cấp đến 85% vốn đầu tư. Vào năm 2014, dự án này được báo mạng VNexxpress liệt kê là một trong 10 dự án lớn nhất của Trung Quốc ở Việt Nam. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2016 cho đến nay, nông dân và ngư dân xung quanh liên tục phàn nàn về khói bụi và xỉ than của nhà máy đã gây hư hại cho hoa màu và hải sản của họ. Các ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã phải đến khu vực nhà máy để nghe ý kiến của dân chúng, nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn chưa giải quyết xong.

Bài học từ Duyên Hải, Trà Vinh, Trung Quốc họ vô họ xây, ngoài chuyện công nghệ lạc hậu, họ còn đưa công nhân Trung Quốc qua, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội ở đó.

-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.

Tuy nhiên một chuyên gia về ngân hàng hiện đang làm việc ở Việt Nam là ông Nguyễn Trí Hiếu không bi quan lắm với khả năng Ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu mà Trung Quốc nắm cổ phần chính, sẽ tài trợ dự án Long Phú 1:

“Đây là một định chế tài chính liên quốc gia, chứ không phải là một định chế tài chính thương mại, thì tôi hy vọng rằng họ cũng sẽ có những tiêu chí khắt khe, chặt chẽ trong việc xét đơn của bất cứ chính phủ nào, trong đó có Chính phủ Việt Nam, cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho quốc gia đó.”

Dù vậy ông cũng đồng ý rằng, cũng giống như các định chế tài chính Mỹ và châu Âu, khi tài trợ cho dự án phát triển nào ở nước ngoài cũng sẽ qui định rằng dự án đó phải mua một số lượng tối thiểu nào đó các máy móc của Mỹ và châu Âu. Do vậy ông Hiếu nói rằng nếu Ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu tài trợ dự án Long Phú 1 thì khả năng bắt buộc phải mua máy móc của Trung Quốc là rất cao.

Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á được Trung Quốc thành lập vào năm 2014 tại Bắc Kinh, hiện có 57 quốc gia thành viên, được cho là được Bắc Kinh thành lập để cạnh tranh với các định chế tài chính của Mỹ và Nhật như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á. Hiện chưa có thông tin về những dự án tại Việt Nam do ngân hàng này tài trợ nhưng ngân hàng này đã tài trợ cho các dự án tại Indonesia, Bangladesh, Pakistan.

Theo một bản tin đăng trên Tạp chí năng lượng Việt Nam vào năm 2013, thì mức độ tối thiểu phải mua các máy móc do Trung Quốc sản xuất trong các dự án do họ tài trợ là 60%.

Lý do của việc rút đơn xin tài trợ từ US Ex-Im bank

Tại sao chủ đầu tư của dự án Long Phú 1 là Tập đoàn dầu khí Việt Nam lại rút đơn vay vốn?

Theo kỹ sư Phạm Phan Long có thể có những lý do như sau:

“Theo nhận xét của tôi thì Chính phủ Trump chưa tổ chức ban lãnh đạo ngân hàng Eximbank để nó hoạt động bình thường. Nếu tôi không lầm thì đến giờ này vẫn có những vị trí chưa được bổ nhiệm, nên họ đang có những vấn đề trì trệ, không cứu xét hồ sơ một cách nhanh chóng. Điều thứ hai là ngân hàng này có những điều kiện về ô nhiễm, về rủi ro, và khả năng của bên đối tác, cho nên những điều kiện đó cũng bất tiện và khó khăn, khiến cho phía Việt Nam phải rút ra.”

Ông Long đã có gửi thư đến cho ngân hàng US Ex-Im bank để hỏi về việc phía Việt Nam rút đơn thì được ngân hàng xác nhận, nhưng không cho biết lý do.

Theo thông tin từ báo chí Mỹ, ngay khi phía Việt Nam nộp đơn xin vay vốn, ngân hàng US Ex-Im bank đã nói rằng họ sẽ quan tâm đến những lo ngại về vấn đề quản lý yếu kém, gây ra một đại án tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trong đó người cựu chủ tịch là ông Đinh La Thăng bị án tù.

Ngân hàng này (US Ex-Im Bank) có những điều kiện về ô nhiễm, về rủi ro, và khả năng của bên đối tác, cho nên những điều kiện đó cũng bất tiện và khó khăn, khiến cho phía Việt Nam phải rút ra.
-Kỹ sư Phạm Phan Long.

Trước đó báo chí Việt Nam cũng có đưa tin một quan chức của ngành dầu khí là ông Nguyễn Quốc Khánh đã có sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc chỉ định thầu cho dự án Long Phú 1, nhưng không nêu rõ chi tiết.

Những quan ngại về môi trường chưa chấm dứt

Dự án Long Phú 1 có công suất đến 1200 MW, nằm trong một cụm năng lượng gọi là Long Phú với 3 nhà máy, và những nhà máy này nằm trong tổng số 14 nhà máy điện chạy bằng than đã , đang và sẽ được xây dựng tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo thông tin từ ngành điện Việt Nam thì vào năm 2030 lượng điện do các nhà máy chạy bằng than cung cấp sẽ chiếm đến 55% tổng sản lượng điện Việt Nam.

Các dự án này gây nên nhiều chỉ trích từ những nhà khoa học và các chuyên gia về môi trường trước nguy cơ gây ô nhiễm quá lớn của chúng, đặc biệt mạnh mẽ là từ hai tổ chức Liên minh năng lượng Việt Nam, và Trung tâm sáng tạo xanh, lo ngại về lượng khí thải và bụi than của các nhà máy này.

Trước khi nộp đơn xin US Ex-Im bank tài trợ, theo báo chí Mỹ Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng đã nộp đơn xin một ngân hàng ở Anh tài trợ nhưng bị từ chối vì dự án này dùng nhiên liệu than, gây ô nhiễm môi trường. Cũng trong tháng Hai năm 2018, một tổ chức dân sự tại Việt Nam là CHANGE cũng đã vận động các ngân hàng tại Singapore không tài trợ cho các dự án điện than tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, các quyết định của chính phủ trung ương tại Hà Nội, cho đến nay vẫn nghiêng về xây dựng các nhà máy điện chạy than hơn là các trung tâm năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm.

“Những người tôi tiếp xúc ở Bộ Công thương hay Viện Năng lượng, là những người đã lớn tuổi, và ngày xưa họ học bên Nga là nhiều. Họ vẫn nghĩ rằng năng lượng tái tạo là đắt tiền, đầu tư trên 1kwh điện sẽ cao hơn là điện than. Rồi họ cũng nói rằng bây giờ có những kỹ thuật mới, chẳng hạn như siêu tới hạn, để bớt ô nhiễm, rồi người ta có thể sử dụng tro xỉ để làm gạch.”

Ông Tuấn nói tiếp là những lý do mà những nhà quyết định chính sách đưa ra để biện minh cho việc xây nhà máy điện chạy than là không đứng vững, vì loại kỹ thuật gọi là siêu tới hạn khi đốt than là rất đắt tiền, và nhất là họ đã không tính tới những chi phí môi trường phát sinh sau đó khi các nhà máy điện than đi vào hoạt động, như trường hợp ở Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Chúng tôi có đặt câu hỏi đến Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng như Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này về tương lai của nhà máy điện Long Phú 1, nhưng không có hồi đáp bằng email và từ chối trả lời bằng điện thoại.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/scare-china-involve-vietnam-infrastructure-02222018132223.html

 

Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Đà Nẵng:

‘Bước đi chiến lược’

Việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đến thăm cảng Đà Nẵng từ 5-9/ tháng 3/2018, được cho là bước tiến quan trọng trong quan hệ quân sự Mỹ – Việt nhưng có thể khiến Trung Quốc phật lòng.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc đánh giá về sự kiện này cũng như tin lần đầu một tàu chống ngầm của Anh Quốc sẽ vào Biển Đông.

TQ bổ nhiệm tư lệnh hải quân

Hạm đội Nam Hải ‘cực kỳ nguy hiểm’ cho VN

Hải quân Mỹ sa thải Tư lệnh Hạm đội 7

Phillippines giải cứu thủy thủ Việt Nam

Trả lời câu hỏi của Tina Hà Giang, thuộc BBC Tiếng Việt hôm 22/02, rằng ông nghĩ sao về đánh giá nói chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson là ”hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ 1975″, Giáo sư Thayer nói:

Carl Thayer: Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson có một đội ngũ hơn 6000 nhân viên, sẽ được đi kèm với một tàu khu trục tên lửa có hướng dẫn, mang theo thủy thủ đoàn khoảng 370 người. Dĩ nhiên không phải tất cả các nhân viên này sẽ được phép rời cảng tại Đà Nẵng, nhưng số lượng thủy thủ và phi hành đoàn lớn khiến đây là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975.

USS Carl Vinson là một trong số chiến hạm lớn nhất thế giới, có chiều cao bằng Tháp truyền hình Tokyo, chở theo 72 phi cơ, gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super HornetBáo Nikkei Asian Review

Chuyến thăm của USS Carl Vinson đánh dấu tiến triển trong sự tham gia quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong năm 2009 và 2010, giới chức Việt Nam đã bay tới USS John C. Stennis và USS George Washington để theo dõi hoạt động của hai hàng không mẫu hạm khi chúng di chuyển trên Biển Đông.

USS Carl Vinson sẽ cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, là tàu quân sự lớn nhất và mạnh nhất của Hoa Kỳ đến thăm một cảng ở Việt Nam. Điều này khác về vị trí trong chuyến đến thăm Philippines trước đó của USS Carl Vinson, nơi nó chỉ đậu cách bờ biển Philippines khoảng 10 km.

BBC: Sự kiện này quan trọng thế nào với mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các quan hệ quốc phòng – an ninh khu vực ra sao, và Trung Quốc sẽ có phản ứng gì?

Carl Thayer: Cam kết quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam trong Biên bản Ghi nhớ năm 2011, liệt ra năm lĩnh vực hợp tác. Biên bản này được bổ sung bằng Tuyên bố chung về Hợp tác Quốc phòng năm 2015, và kế hoạch hoạt động ba năm hiện hành 2018-20. Một cách đại cương, giữa hai nước đã có một số tiến triển trong năm lĩnh vực hợp tác ở tốc độ mà Việt Nam cảm thấy thoải mái.

Chuyến viếng thăm của USS Carl Vinson có hai ‎ý nghĩa.

Thứ nhất, Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực.

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc mạnh cỡ nào?

Vì sao Quân đội TQ thôi làm kinh tế?

TQ giúp Campuchia ‘hiện đại hóa quân sự’

Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện hải quân của Hoa Kỳ ở Biển, miễn là sự hiện diện đó góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói cách khác, có sự đồng thuận về lợi ích chiến lược của hai bên trong việc bảo đảm tự do hàng hải và trên không cho tàu và máy bay quân sự.

Mặc dù Trung Quốc có thể sẽ có một phản ứng giật gân, lên tiếng cáo buộc Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh của họ, nhưng việc USS Carl Vinson tới Đà Nẵng sẽ góp phần ổn định và cân bằng quân sự ở Biển Đông.

BBC: Mục đích của Hoa Kỳ trong việc đưa tàu USS Carl Vison đến Đà Nẵng là gì? Làm thế có khiến Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Mỹ, khó chịu không?

Carl Thayer: Hoa Kỳ là một cường quốc quân sự trên thế giới. Nước này sử dụng sức mạnh trên biển để khẳng định quyền lợi của mình trong việc duy trì sự an toàn các tuyến đường biển (Secure Sea Lines of Communication – SLOC) cho cả các tàu thương mại và quân sự. Những chuyến thăm cảng thân thiện là một phần trong ngoại giao hải quân. Đội ngũ của USS Carl Vinson sẽ có một số hoạt động xã hội và thể thao khi đến thăm Đà Nẵng. Điều này sẽ tạo ra cảm tình tốt đẹp cho cả hai bên.

Siêu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, lớp Nimitz, là một biểu tượng mạnh mẽ của sức mạnh quân sự Mỹ. Giới chức hải quân Việt Nam sẽ có thể học được điều gì đó về khả năng của nó.

Tàu sân bay TQ diễn tập ở Thái Bình Dương

TQ ‘đặt trạm theo dõi môi trường ở Biển Đông’

Phi cơ TQ và Mỹ ‘suýt va chạm’ trên Biển Đông

Vì sao Hạm đội 3 cử tàu vào Biển Đông?

Trung Quốc từng đón những chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ ở Hồng Kông, và cũng tham gia hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có một lợi ích quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho SLOC. Bất kỳ xung đột nào cũng làm gián đoạn thương mại và gây tổn hại nghiêm trọng cho cả hai. Để hiểu được phản ứng của Trung Quốc, chúng ta phải tách riêng sự tuyên truyền của nước này ra khỏi thực tế rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn cho sự căng thẳng gia tăng.

BBC: Sau chuyến viếng thăm Đà Nẵng của USS Carl Vinson, theo ông sẽ có những diễn biến gì nữa?

Carl Thayer: Tháng 6/2017, tàu khu trục tên lửa USS John McCain viếng thăm Đà Nẵng và sau đó là chuyến viếng thăm đầu tiên của tàu hải quân Mỹ tới Cảng Quốc tế Cam Ranh. Hai tuần sau, tàu của Hải quân của Quân Đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đến thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh. Năm nay, Việt Nam đã liên tiếp đón tiếp hai Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Hoa Kỳ. Tôi dự đoán là chẳng bao lâu sau, Việt Nam sẽ được tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm.

Cảng quốc tế Cam Ranh mở cửa cho tất cả các nước, tàu hải quân từ Singapore, Pháp, Nhật Bản chẳng hạn, đã ghé đến. Điểm mấu chốt là Việt Nam theo đuổi một cân bằng đa cực giữa các cường quốc. Chính sách này đem lợi ích cho mọi bên trong sự độc lập và tự chủ chiến lược của Việt Nam. Nói cách khác, nếu các cường quốc lớn duy trì sự cân bằng, Việt Nam sẽ không bị ép buộc phải vào hẳn quỹ đạo của bất cứ nước nào, mà có thể tiếp tục đóng vai trò độc lập và đóng góp cho an ninh khu vực. Điều đó lợi cho tất cả.

Chuyến thăm của USS Carl Vinson không cho thấy Việt Nam đang tiến vào quỹ đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Nó báo hiệu rằng Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu tin tưởng nhau và lãnh đạo Hà Nội cảm thấy thoải mái để tiến thêm một bước nữa trong mối quan hệ hải quân với Hoa Kỳ. Tôi nghĩ Trung Quốc lạc quan về chuyến thăm thân thiện của USS Carl Vinson tới Việt Nam.

Sự hiện diện của hải quân Anh

BBC: Cũng liên quan đến Biển Đông, ông nghĩ sao về việc Anh Quốc đưa tàu chống tàu ngầm HMS Sutherland đi ngang qua đây, trên đường về nhà từ Australia vừa rồi, trước sự phản đối của Bắc Kinh?

Carl Thayer: Anh là một cường quốc hàng hải có cam kết về an ninh ở Đông Nam Á theo Hiệp định phòng thủ FPDA (Five Power Defence Agreement), với Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia. Anh còn là đồng minh Nato của Hoa Kỳ, mà dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, tầm quan trọng của tự do hàng hải được nâng cao.

Anh Quốc cũng đang tìm kiếm một vai trò sau Brexit, chẳng hạn như một hiệp định tự do thương mại với Australia, và Anh cũng ủng hộ luật pháp quốc tế. Việc đưa HMS Sutherland qua Biển Đông bao gồm tất cả những khía cạnh này.

Chuyến đi biểu dương sức mạnh của Hải quân Hoàng gia Anh, trấn an các đối tác của FPDA, biểu lộ tình đoàn kết với Mỹ về tự do hàng hải, phát triển thêm một chiều hướng trong quan hệ Anh – Úc và duy trì một trật tự dựa trên các quy tắc về luật pháp quốc tế.

BBC: Hành động của Anh có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh Singapore vừa tuyên bố sẽ đạt được một số thỏa thuận với Trung Quốc về Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông?

Carl Thayer: Các hành động của Anh, cùng với Pháp và Hoa Kỳ phục vụ cho việc bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết của Tòa án Trọng tài cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Toà này phán quyết rằng theo luật định, không có hòn đảo nào ở Biển Đông, và hai mỏm do Trung Quốc chiếm đóng, có mực nước triều thấp, và do đó không được hưởng chế độ 12 hải lý.

Quân gìn giữ hòa bình VN sẽ sang Nam Sudan

VN: Chính phủ chỉ đạo Quân đội thôi làm kinh tế

Lệnh rút khỏi Huế của Tổng thống Thiệu

Trong khi chính sách của Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia phải xin phép họ để vào vùng đặc quyền kinh tế 200nm (EEZ), thì theo luật định, không có hòn đảo hợp pháp nào ở Biển Đông, nên không có mỏm nào được hưởng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Trung Quốc đã cảnh báo Anh ‘đừng khuấy động vấn đề’ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Gavin Williamson, tuyên bố tàu chống ngầm HMS Sutherland sẽ đi qua Biển Đông trên đường về nhà từ AustraliaThe Telegraph

Việc làm của Anh, cùng với các cường quốc hàng hải khác, trấn an Việt Nam và các quốc gia ở vùng Đông Nam Á, rằng Trung Quốc không thể áp đặt “luật quốc tế với đặc tính Trung Quốc” trên các tuyến đường ở Biển Đông.

Nếu không có quốc gia nào phản đối khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, thì trước tòa án quốc tế nước này có thể tranh luận rằng cộng đồng quốc tế đã nhân nhượng và đồng ý với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Anh quốc, bằng cách khẳng định tự do hàng hải, chính thức cho thấy rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận tuyên bố đó.

Singapore là Chủ tịch ASEAN, và cũng là điều phối viên ASEAN cho Trung Quốc. Trách nhiệm của Singapore là theo dõi các cuộc tham vấn ASEAN – Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đang bước vào giai đoạn mới, trong việc bổ sung các khoảng trống trong Khung của họ về COC. Hành động của Anh Quốc giúp Singapore một tay trong việc đối phó với Trung Quốc.

BBC sẽ tiếp tục đưa tin và bài về chuyến thăm của hải quân các nước đến vùng Biển Đông và Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43165337

 

TQ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2018.

Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 3,7 tỷ đô la Mỹ sang Trung Quốc vào tháng trước, tăng 106% so với tháng 1/2017, theo tờ Xinhua.

Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu gần 895 triệu đôla Mỹ các mặt hàng điện thoại và linh kiện điện thoại, tăng 19 lần so với tháng 1/2017; khoảng 691 triệu đôla mặt hàng máy tính, thiết bị điện tử và linh kiện, tăng 80,1%; rau và trái cây trị giá 296,3 triệu đô la Mỹ, tăng 68,6%.

Thép VN ‘xuất xứ TQ’ bị Mỹ trừng phạt

Toyota và Honda ngừng xuất xe sang VN

Mỹ chặn nhôm TQ ‘xuất qua ngả VN’

VN thay đổi quy định về xuất khẩu gạo

Tháng trước, Việt Nam cũng chi gần 5,8 tỷ đôla Mỹ nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc.

Theo tờ Vietnamnews, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực và đối tác thương mại lớn nhất của Việt.

Ông Bùi Huy Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam phát biểu trong một hội nghị tại Hà Nội năm 2017 rằng với những điểm tương đồng về văn hoá và vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc là một thị trường thương mại tiềm năng cho Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 22,2 tỷ đô la giai đoạn chín tháng đầu năm 2017, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nhập khẩu tăng 15,9% lên 41,7 tỷ đôla. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc là 63,9 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ 2016.

Anh ‘muốn tăng hợp tác thương mại với VN’

Việt Nam nhập gỗ lậu từ Campuchia?

Cục Hải quan Trung Quốc cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong khu vực ASEAN và là đứng thứ chín trên toàn thế giới.

Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2017, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN đã giảm 1%. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số.

Theo một đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc, cơ hội thương mại giữa hai nước sẽ mở rộng nhờ hai nước tăng cường quan hệ song phương.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho các công ty của hai nước hoạt động với nhau.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43165995

 

Ông Trump khen Việt Nam ‘mua than của Mỹ’

Phát biểu tại đại hội của phái Bảo thủ Mỹ (CPAC2018) hôm 23/2, Tổng thống Donald Trump khoe rằng trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông đã thuyết phục lãnh đạo nước này ‘mua than của Mỹ’.

Cụ thể, ông nói, sau khi ông nêu ra là “Chúng tôi có thương mại mất cân bằng với các quý vị” thì cả Thủ tướng và Chủ tịch Việt Nam đều hứa giúp.

Họ hứa sẽ làm gì đó để mua hàng hóa Mỹ, và “cân bằng cán cân thương mại” với Hoa Kỳ, theo lời ông Trump.

Họ cũng “khen than từ West Virginia” mà họ đã mua về là “tuyệt vời nhất thế giới” (the finest coal in the world), ông Trump kể lại.

Tỏ ra hài lòng với chính mình, ông Trump nói đến chuyện thợ mỏ Mỹ nay có việc làm nhờ ngành than “sống lại”.

Ông cũng khen than đá của Mỹ “rất sạch”.

Các số liệu mấy năm qua cho thấy Hoa Kỳ xuất than đá sang Ba Lan, CH Czech Slovakia, Hungary, Đức, và Áo cùng một số nước châu Á, gồm cả Trung Quốc.

Hồi tháng 7/2017, Reuters cho hay ngành xuất khẩu than của Mỹ tăng 60% chỉ trong năm đó, nhờ nhu cầu cao từ châu Âu và châu Á.

Điều này cho phép chính quyền Trump nhận là họ có công “làm sống lại ngành khai mỏ” vốn gặp khó khăn trước đây, theo Reuters.

Trudeau ‘buông tay thả TPP’?

Mỹ gặp đối tác chủ chốt ở APEC tại Hà Nội

Hiệp định TPP là gì?

TPP được ‘trợ thở phút chót’ ở Đà Nẵng

Tuy thế, các nguồn Việt Nam cho đến đầu 2018 vẫn nói về bốn nước bán than chính cho Việt Nam là Indonesia, Úc, Trung Quốc và Malaysia.

Nga cũng bán than cho Việt Nam và báo chí ngành than nói cả về giá than từ thị trường Nhật Bản.

Bài diễn văn của ông Trump, trong phần về việc Hoa Kỳ bán than cho Việt Nam, không nêu rõ đây là việc đang xảy ra hay sẽ xảy ra.

Thông điệp bảo thủ

Ông Trump phát biểu sáng 23/02/2018 ở CPAC tại Maryland và nói nhiều về “các thành công” trong một năm cầm quyền của ông.

APEC: ‘VN là trung tâm thu hút quốc tế’

Toàn bộ diễn văn của Tổng thống Trump ở VN

Báo Anh nói gì về APEC 2017 và Trump?

Donald Trump lên đường thăm châu Á

Ông liệt kê ra chương trình “cắt giảm thuế”, số việc làm tăng lên, và cũng không quên nhắc ông sẽ không bao giờ bỏ Điều 2 của Tư chính án trong Hiến pháp Mỹ về quyền mang súng.

Đoạn về Việt Nam được ông nêu ra khi nói về các nước có “quan hệ thương mại mất cân bằng” gây thiệt hại cho Mỹ.

Ông điểm ra Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tổng thống Trump nói giọng hơi diễu cợt về chuyện cả Trung Quốc và Ấn Độ cứ nhận họ là “nền kinh tế đang phát triển”.

Nhưng riêng về Việt Nam, ông Trump tỏ ra hài lòng là ông đã thuyết phục lãnh đạo Việt Nam “làm gì đó để cải thiện” sự mất cân bằng thương mại.

Ông cũng tranh thủ đả phá đảng Dân chủ Mỹ, đối thủ của đảng Cộng hòa và nhận được nhiều tràng pháo tay từ người dự CPAC.

Cũng trong ngày ông Trump đến dự CPAC, Tòa Bạch Ốc thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt “lớn nhất từ trước đến nay” nhắm vào Bắc Hàn.

Các biện pháp này sẽ nhắm vào 56 công ty tàu biển và hàng hải.

CPAC là chữ viết tắt của ‘Conservative Political Action Conference’, sự kiện tụ họp đảng Cộng hòa và các tổ chức cánh hữu của Mỹ.

Ông Trump cũng dành nhiều thời gian để nói về cố mục sư Bill Graham và niềm tin vào Chúa Trời của nước Mỹ.

Ông nhấn mạnh, công dân Hoa Kỳ “không tôn thờ chính phủ, mà chỉ tôn thời Thượng đế”.

Hôm 22/01, ông Wayne LaPierre, một lãnh đạo của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) đã đọc diễn văn tại CPAC 2018 nhấn mạnh lại quyền được mang súng của công dân Hoa Kỳ.

Việc này diễn ra khi trên nước Mỹ đang có phong trào đòi xem lại cách kiểm soát súng sau vụ 17 người bị Nikolas Cruz, 19 tuổi, hạ sát hôm thứ Tư tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida.

Tổng thống Trump nhắc lại chuyến thăm các nạn nhân vụ xả súng đó và nói vụ tấn công “làm trái tim chúng ta rỉ máu”.

Ông kêu gọi nước Mỹ cần có giải pháp về “các vấn đề tâm thần” để cải thiện an ninh trường học và cộng đồng.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43174638

 

Bộ tài chính đề nghị tăng giá xăng để tăng thu ngân sách

Bộ Tài chính hôm 23/2/2018 lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Cụ thể đối với xăng, thuế sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Như vậy giá xăng sẽ tăng thêm 1000 đồng một lít.

Lý do đưa ra ý đề nghị này được cho là vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang cắt giảm mạnh nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Trong đó, thị trường Asean và Trung Quốc chiếm hơn 60% khối lượng xăng dầu nhập khẩu.

Thêm 1 lý do khác là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực Asean.

Báo trong nước trích dẫn số liệu từ trang Global Petrol Prices ngày 27/11/2017 cho thấy giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia với giá 18.580 đồng/lít, thấp hơn cả Lào, Campuchia, Trung Quốc và 1 số nước trong khu vực Asean như Singapore, Philippines, Hồng Kong.

Mặt khác, Bộ tài chính cũng cho rằng vì muốn nâng cao trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường nên cần phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo tính toán của Bộ tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm đa số tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường. Do đó, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ thúc đẩy ngân sách tăng mạnh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/increasing-environmental-taxable-caps-petrol-price-increases-by-1000-vnd-litter-02232018101420.html

 

Cuỗm $10 triệu của nữ đại gia,

Phó GĐ ngân hàng trốn sang Mỹ

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa chính thức xác nhận Phó Giám đốc của ngân hàng này tại chi nhánh TPHCM đã làm giả hồ sơ, giấy ủy quyền để chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng (khoảng 10,8 triệu USD) từ tài khoản tiết kiệm của một nữ đại gia ngành thủy sản.

Thông tin về vụ lừa đảo được tiết lộ cho báo chí Việt Nam sau hơn một năm xảy ra vụ việc.

Theo Người Lao Động, ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM, đã “lợi dụng sự tin tưởng” của khách hàng thân thiết là bà Chu Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC), ký khống giấy ủy quyền để rút tiền từ các sổ tiết kiệm mà nữ đại gia này đã gửi vào bắt đầu từ năm 2007.

Cụ thể, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn gửi của bà Bình. Nhưng trên thực tế, ông Hưng lại chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đến hạn. Với chiêu thức này, Phó giám đốc Eximbank đã rút hàng trăm tỷ đồng tiền tiết kiệm của nữ đại gia trong suốt một thời gian dài. Các giấy tờ ủy quyền rút tiền mang tên 3 người, nhưng bà Bình nói không biết họ là ai.

Tháng 2 năm ngoái, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc ở Eximbank và trốn khỏi Việt Nam. Lúc này, bà Bình nghi ngờ mình bị lừa đảo nên kiểm tra và phát hiện hơn 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm đã biến mất.

Sau khi bà Bình báo cho Eximbank và trình báo công an, cơ quan cảnh sát điều tra phía Nam (C44B), Bộ Công an, khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và sau đó có văn bản thông báo cho bà Bình về trách nhiệm của Eximbank trả lại tiền cho bà.

Tuy nhiên sau một năm xảy ra vụ việc, ngân hàng vẫn chưa hoàn trả tiền cho bà Bình, lấy lý do “chờ phán quyết của tòa án”.

Tuổi Trẻ dẫn lời một đại diện của Eximbank nói ngân hàng này không né tránh trách nhiệm trả lại tiền cho khánh hàng, nhưng phải tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền để có câu trả lời thỏa đáng cho các cổ đông.

Ngoài ra, ngân hàng này dựa vào thông tin từ cơ quan điều tra C44 xác nhận nhiều khoản tất toán có chữ ký thật của bà Bình nên chưa có cơ sở để giải quyết việc bồi hoàn tiền.

Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM, bà Bùi Thị Thiện Tâm, được Dân Trí trích lời cho biết bà Chu Thị Bình, nữ đại gia được mệnh danh là “người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đầu tiên”, là một người “kín kẽ”, chỉ giao tiếp với ông Hưng vì không muốn người khác biết mình có số tiền lớn. Nhiều nhân viên khác gọi cho bà thì bị quát tháo và nói bận.

Ông Lê Nguyễn Hưng, 47 tuổi, làm việc cho Eximbank hơn 20 năm và rất được nhân viên và cấp trên tin tưởng.

Tin cho hay ông Hưng sau khi xin nghỉ việc tại Eximbank đã trốn sang Mỹ. Ông này đang bị công an Việt Nam truy nã quốc tế.

https://www.voatiengviet.com/a/cuom-hon-10-trieu-usd-cua-nu-dai-gia-pho-gd-ngan-hang-bo-tron-sang-my/4267671.html

 

Mỹ thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp

vào Việt Nam

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 22/2 cho biết Bộ này vừa mở một văn phòng Kiểm soát động thực vật tại Hà Nội nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ vào Việt Nam.

Bộ Nông Nghiệp Mỹ hy vọng có thể đạt được con số 2 tỷ rưỡi đô la xuất khẩu hàng nông nghiệp vào Việt Nam.

Có mặt tại buổi lễ khai trương văn phòng là các quan chức Việt Mỹ bao gồm ông Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam, ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, và các viên chức USDA.

Văn phòng này được biết là sẽ cùng với các đối tác Việt Nam giải quyết những vấn đề dịch bệnh trên gia súc và cây trồng dựa trên những cơ sở khoa học.

Một viên chức Mỹ là trợ lý lo về thương mại của USDA nói rằng Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Mỹ có tốc độ phát triển nhanh nhất.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/usda-extent-office-vietnam-02232018084451.html

 

Giáo sư Nguyễn Tiến Zũng kể lại quá trình thực hiện báo cáo

“lật tẩy” Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Những ngày qua, dư luận trong nước xôn xao về bản ‘Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ”, Bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo, do Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, gửi đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, và sau đó đưa lên mạng xã hội. Bản báo cáo này được cho là  bằng chứng việc ông Phùng Xuân Nhạ “tự đạo văn”. Rất nhiều những lời đề nghị từ công luận lên tiếng kêu gọi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ phải từ chức.

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, là nơi xét duyệt việc phong giáo sư ở Việt Nam.

Từ Pháp, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng dành cho RFA cuộc phỏng vấn đặc biệt. Trước tiên, ông cho biết về mục đích của việc cho ra đời bản báo cáo này.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Trước đây cũng nghe rất nhiều lời đồn ông Nhạ không phải người nghiêm túc trong khoa học, nhưng nhân chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát lại những giáo sư được phong năm 2017 thì có 1 số người đưa ra trường hợp của ông Xuân Nhạ.

Thế thì tại sao lại không rà soát lại ông Nhạ? Và có 1 thông tin là ông Nhạ chỉ có đúng 2 bài báo đăng tạp chí quốc tế, Scopus nhưng thật ra lại là 1 báo gọi là giả khoa học. Điều này làm cho tôi tò mò và tôi quyết định đi tìm hiểu kỹ càng việc này. Một số người bạn đã giúp tôi trong quá trình đó.

RFA: Trong quá trình đó thì mọi người có gặp khó khăn gì hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Thật ra thì thời đại này bây giờ gọi là thời đại internet thì có rất nhiều những chứng cứ gọi là có công bố. Chẳng hạn 1 số bài báo mà ông Nhạ đăng ở Việt Nam hay ở quốc tế thì đều có lưu trữ ở server máy tính và có thể truy cập được. Tìm ra những bài báo của ông Nhạ thì không khó khăn nhưng chuyện mất thời gian là chuyện phân tích những bài báo đó xem độ thật, giả ra sao.

RFA: Theo tựa bài báo cáo, là ‘phân tích sơ bộ’, nghĩa là sẽ có 1 hồ sơ chi tiết hơn trong tương lai?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Vâng, vì thời gian thực hiện báo cáo này không nhiều. Chúng tôi có nhận thấy rất nhiều điều khác, mà nếu phân tích kỹ hơn thì có thể sẽ ra rất nhiều vấn đề. Nhưng chúng tôi cũng thấy có 1 số vấn đề khác lớn hơn, thứ nhất là không muốn viết 1 bài dài quá vì bạn đọc sẽ ‘chết chìm’ trong ấy. Nên chỉ viết 1 số cái có tính chất ví dụ minh hoạ thôi chứ có rất nhiều chi tiết mà chúng tôi không đưa vào đấy. Viết dài ra thì thành mấy chục trang. Và tất nhiên có 1 số thông tin chưa được kiểm chứng thì chúng tôi không viết vào.

Chẳng hạn như vấn đề đạo văn của ông Phùng Xuân Nhạ. Thời điểm công bố cái đấy thì chúng tôi chỉ biết là chắc chắn ông Nhạ có tự lấy 1 bài cũ của mình, đã công bố rồi biến thành bài mới, chứ còn chuyện đạo văn của người khác thì chúng tôi chưa dám khẳng định. Sau đó chúng tôi có thể khẳng định có dấu hiệu ông ấy đạo văn của người khác.

RFA: Những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam hầu như đều có sự hoài nghi về chất lượng bằng cấp của các Giáo sư Tiến sĩ ở Việt Nam, nghĩa là bên cạnh ông Phùng Xuân Nhạ này sẽ còn những ông Phùng Xuân Nhạ khác. Vì sao bản báo cáo này lại chỉ đích danh ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Có 1 số nguyên nhân. Thứ nhất là chúng ta cần phân biệt giữa trình độ và sự trung thực trong khoa học, có nghĩa là có những người có thể là trình độ không bằng giáo sư nước ngoài nhưng nếu họ làm những việc nghiêm túc, có ích cho khoa học hay cho đất nước thì họ vẫn xứng đáng được hưởng chức danh. Trường hợp ông Phùng Xuân Nhạ không phải là ông ấy ít đóng góp mà là ông ấy giả khoa học. Hai chuyện ấy hoàn toàn khác nhau. Đấy là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai tôi nghĩ ông Phùng Xuân Nhạ là trường hợp điển hình, nó sẽ là lời cảnh tỉnh cho những người khác.

Thêm nữa là điều kiện của chúng tôi cũng không phải là vô hạn. Tôi làm việc này với nguyện vọng là đóng góp cho đất nước, không có mục đích tư lợi gì. Chúng tôi không thể làm công việc thay thế cho hội đồng được nên chúng tôi chỉ làm 1 ví dụ điển hình như vậy.

RFA: Theo quan điểm cá nhân của ông thì nên xử lý thế nào với số lượng Giáo sư Tiến sĩ đã được phong trong năm 2017?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Theo tôi thì hiện tại ông Phùng Xuân Nhạ chưa ký gì hết, vì sau khi hội đồng đưa lên thì ông thủ tướng có yêu cầu rà soát lại. Và theo thông tin tôi nghe người ta nói thì trong quá trình rà soát lại, đã có nhiều người xin rút lui. Có lẽ phần lớn do sức ép từ công luận. Đó là tín hiệu cũng tương đối tốt. Thế còn chuyện xử lý thế nào thì tôi không thể thay mặt hội đồng để nói được. Với quan điểm riêng của tôi thì tôi nghĩ đây là vấn đề khá phức tạp.

RFA: Sau khi đưa bản báo cáo ra, cá nhân ông và các cộng sự có gặp khó khăn gì không?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Cộng sự của tôi thì tôi không đưa tên họ nên họ không gặp khó khăn gì. Bản thân cá nhân tôi thì có gặp 1 số khó khăn…nói khó chịu thì đúng hơn là khó khăn. Thứ nhất là bị tin tặc tấn công và thứ hai là những người gọi là dư luận viên bôi nhọ, bôi xấu. Thứ ba nữa là có những lời hù doạ vu vơ, đó là tổng cục 5 ở Việt Nam theo dõi và gây sức ép cho người thân của tôi.

RFA: Sau khi sự việc được đưa ra mạng xã hội, phản ứng của dư luận rất mạnh mẽ. không ít lời kêu gọi ông Phùng Xuân Nhạ từ chức. Nhưng đến nay chưa có phản ứng nào từ Bộ Giáo dục hoặc ông Nhạ nhằm phản hồi báo cáo của ông. Nếu tiếp tục như thế, ông sẽ có hành động gì để đòi hỏi minh bạch cho nền giáo dục?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Sau khi tôi chính thức gửi thư lên Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước xem lại trường hợp ông Phùng Xuân Nhạ thì tôi đã nhận được thư trả lời của ông Tổng thư ký Hội đồng là sẽ có văn bản chính thức trả lời việc này. Tôi nghĩ là Hội Đồng cũng cần thời gian để trả lời vì bản báo cáo cũng mới gửi lên cách đây vài hôm thôi.

Hội Đồng cũng xin gia hạn chuyện rà soát lại cho đến cuối tháng này.

Về phía ông Phùng Xuân Nhạ thì ông cũng đã đọc báo cáo này rồi. Điều này tôi biết chắc chắn vì có người có quan hệ với ông Phùng Xuân Nhạ nhắn tin lại với tôi. Ông ấy không có trả lời chính thức gì nhưng ý của người đó nói là ông ấy cũng tiếp thu. Không biết ông ấy tiếp thu theo ý gì nhưng tôi có nhắn lại là nếu trong chuyện này nếu ông Phùng Xuân Nhạ chính thức nhận lỗi càng sớm hoặc rút lui càng sớm thì có lẽ càng bảo vệ được danh dự của ông ấy tốt hơn.

Nếu ông ấy muốn chứng minh thì cũng sẽ có 1 cuộc đối chiếu đàng hoàng còn nếu ông ấy lờ đi thì chắc chắn sẽ không lờ được, vì không chỉ công luận ở Việt Nam mà tôi nghĩ là cả công luận thế giới sắp tới đây cũng sẽ đề cập vì đây là 1 vụ điển hình mà họ rất quan tâm.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Professor-nguyen-tien-zung-talks-about-the-document-of-phungxuannha-fake-science-research-02232018111151.html

 

Công an ‘xử nghiêm’ vụ tài xế phản kháng BOT Cẩm Phả

Tài xế và người dân ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh hôm 21 và 22 tháng 2 đồng loạt phản đối việc thu phí tại trạm BOT Biên Cương, gây ùn tắc giao thông trong cả hai ngày, khiến chính quyền truy lùng và “xử nghiêm đối tượng gây rối.”

Trao đổi với VOA-Việt ngữ, Luật sư Đặng Đình Mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh nói việc quản lý BOT trong thời gian qua không ổn, thể hiện qua việc dành cho nhà đấu tư xây dựng BOT quá nhiều ưu quyền vô lý để tận lực thu lợi, mới là nguyên nhân dẫn đến phản ứng của người dân.

Do nhiều yếu tố nên chính quyền dường như buông lỏng quản lý và minh bạch. Chính sự biến trướng này mới tạo ra sự phản ứng của người dân và họ chống lại.

Luật sư Đặng Đình Mạnh

“Những dự án BOT như thết thật sự là có tác đông rất tốt và cần thiết, nhưng do nhiều yếu tố nên chính quyền dường như buông lỏng quản lý và minh bạch. Chính sự biến trướng này mới tạo ra sự phản ứng của người dân và họ chống lại.”

Báo Người Lao động hôm 23/2 cho biết chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh cho Công an tỉnh khẩn trương điều tra việc nhiều đối tượng cố tình gây rối tại Trạm thu phí BOT Cẩm Phả trong những ngày thử nghiệm thu phí.

Báo chí trong nước loan tin trong hai ngày 21 và 22/2, một số đối tượng đã cố tình tập trung, lôi kéo người dân khu vực TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn gây rối, cản trở giao thông khi Trạm thu phí đường bộ quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương vừa đi vào hoạt động.

Công ty Cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư Trạm thu phí BOT Biên Cương. Ngày 29/1 công ty này đã đưa trạm thu phí vào vận hành thử nghiệm. Sau gần hai tuần vận hành thử nghiệm, trạm bắt đầu thu phí từ ngày 13/2, nhưng ngay trong ngày thu phí đầu tiên, người dân và các tài xế đã phản đối, vì vậy công ty đã ngừng thu phí trong suốt dịp Tết cho đến hết ngày 20/2.

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương do công ty cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư theo hình thức Đầu tư-Khai thác-Chuyển giao (gọi tắt là BOT) có chiều dài 38 km với thiết kế 4 làn xe.

Làn sóng phản đối các trạm thu phí BOT đã nổ ra khắp Việt Nam trong suốt năm 2017 và kéo dài đến đầu năm nay, điển hình là vụ BOT Cai Lậy, Tiền Giang xảy ra vào tháng 12 năm ngoái. Tài xế và người dân chủ yếu phản đối việc các chủ đầu tư đặt trạm thu phí sai vị trí, và thu phí quá cao.

Phản đối gay gắt tại trạm BOT Cai Lậy đã khiến chính phủ phải ngừng thu phí tại trạm này để chờ đưa ra giải pháp.

Kết quả thanh tra của Cơ quan Kiểm toán Việt Nam và Thanh tra Chính phủ cho thấy, 100% dự án BOT cầu đường “có vấn đề.” Từ 2011 – 2015, trên toàn Việt Nam có 71 dự án BOT cầu đường thì cả 71 dự án đều không tổ chức đấu thầu, mà chỉ định “nhà đầu tư.”

Luật sư Mạnh nhận định rằng phản ứng của người dân là hoàn toàn tự phát và gây hiệu ứng dây chuyền lan tỏa trong cả nước. Ông nói thêm rằng, qua công chúng, ông không nghe có tác động của “Việt Tân” hoặc “phản động” hay “chống phá” nào cả:

Hầu như không có tác động nào như chúng ta thường hay nghe ví dụ như ‘thế lực thù địch’’phản động’ hay ‘Việt Tân’ mà đây hoàn toàn là hành động tự phát của tài xế.

Luật sư Đặng Đình Mạnh

“Hầu như không có tác động nào như chúng ta thường hay nghe ví dụ như ‘thế lực thù địch’’phản động’ hay ‘Việt Tân’ mà đây hoàn toàn là hành động tự phát của tài xế. Phản ứng của họ còn được gọi là bất tuân dân sự, gây phản ứng dây chuyền tại hầu hết các trạm BOT trên khắp Việt Nam. Hầu như trạm nào cũng gặp sự phản kháng của người dân.”

Theo quan sát của chuyên gia pháp lý, ban đầu sự phản kháng của người dân tại các trạm thu phí chỉ là sự tranh chấp giữa nhà đầu tư BOT và người dân sử dụng BOT, nhưng vì sự can thiệp của một số cơ quan Nhà nước bảo vệ cho nhà đầu tư BOT, vụ tranh chấp này trở thành một vấn đề giữa chính quyền với người dân sử dụng BOT.

Luật sư Mạnh nói ông lo ngại trước phản ứng của chính quyền, nhất là khi công an được giao nhiệm vụ truy lùng “đối tượng gây rối” tại các trạm BOT:

“Trong một kỳ họp chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc thông qua các cuộc sưu tra, tìm hiểu ‘đối tượng’ thường xuyên cầm đầu các phong trào phản ứng lại BOT. Chúng ta lo lắng trước việc chính phủ có động tác quyết liệt hơn đối với cánh tài xế, chứ không hoàn toàn là sự nhân nhượng.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định trong một bài bình luận gửi cho VOA: “Sự tiến bộ dù chậm chạp của xã hội Việt Nam là nếu trước đây phong trào phản kháng dân sự chỉ tập trung ở giới đấu tranh nhân quyền và chủ yếu với những vấn đề nhân quyền chính trị, thì những năm gần đây phong trào phản kháng dân sự đã lan dần sang khối quần chúng, điển hình là phong trào bất tuân dân sự trạm thu phí BOT.”

https://www.voatiengviet.com/a/cong-an-xu-nghiem-vu-tai-xe-phan-khang-bot-cam-pha/4267548.html