Tin Việt Nam – 17/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/05/2017

Thị trưởng Gevena, Guillaume Barazzon (phải), tiếp Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

 

GM. Nguyễn Thái Hợp: Một chuyến đi đau lòng!

Đang trong chuyến đi vận động quốc tế ở châu Âu và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa, Giám mục Giáo phận Vinh Phaolo Nguyễn Thái Hợp nói với VOA rằng ông đau lòng khi phải thực hiện một chuyến đi mà lẽ ra là của những người cầm quyền.

“Đây là chuyến đi ngoài dự phóng cũng như chuyên môn của chúng tôi vì thực sự chúng tôi không được đào tạo để thực hiện những chuyến đi như vậy. Chúng tôi là những người làm mục vụ. Đáng lẽ những chuyến đi như vậy phải là của những người cầm quyền”.

Từ chối giúp đỡ của quốc tế

Trong chuyến đi kéo dài hai tuần tới Na Uy, Đức, Bỉ và Thụy Sĩ, phái đoàn của Giáo phận Vinh đã có những cuộc tiếp xúc với Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, một số Bộ Ngoại giao, các tổ chức thuộc Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức xã hội dân sự.

Chia sẻ với VOA về kết quả chuyến đi, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nói các cuộc tiếp xúc với các tổ chức quốc tế càng khiến ông thêm đau lòng.

Đáng lẽ những chuyến đi như vậy phải là của những người cầm quyền.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

“Buồn vì cách xử sự của những người cầm quyền, của những người đại diện của dân. Chẳng hạn, một điều cụ thể mà chúng tôi nhận thấy, khi ở Việt Nam tôi cũng đã nghe, là một số nước muốn đến để giúp đỡ cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam có thể nghiên cứu tìm ra nguyên nhân của thảm họa và nhất là xử lý thiên nhiên đã bị thảm họa đó bằng những phương pháp khoa học, kỹ thuật hiện đại để trả lại vùng biển miền Trung, và cho người dân biết thảm họa đến bao nhiêu, thảm họa kéo dài bao nhiêu, bao giờ có thể ăn cá được, bao giờ có thể đi ra biển được v.v.. Không những nhà nước đã từ chối một số nước, mà ngay cả cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng đã có những đề nghị đó mà không hiểu tại sao những người đại diện của dân cũng từ chối đề nghị của cơ quan Liên Hiệp Quốc. Điều đó khiến tôi cảm thấy đau lòng”.

Mị dân và vô trách nhiệm

Hơn một năm sau khi xảy ra thảm họa môi trường lịch sử, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nói những câu hỏi rất căn bản của người dân như nguyên nhân của thảm họa, tác hại của nó thế nào, kéo dài bao lâu, khi nào biển miền Trung được khôi phục trở lại… vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

“Cho tới hôm nay, tôi thấy rằng chúng tôi chỉ gặp được những câu trả lời một cách rất mị dân và vô trách nhiệm. Chẳng hạn có những quan chức, khi thảm họa xảy ra ít lâu, đã xuống biển tắm để nói với dân rằng ‘Tắm đi!’. Có những người trả lời một cách vô trách nhiệm rằng biển miền Trung cũng như dân tộc Việt Nam oai hùng nên nó tự có thể tẩy xóa được thảm họa, những chất độc trở lại tình trạng ban đầu”.

Phái đoàn của Giáo phận Vinh trong chuyến đi vận động quốc tế và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa.

Phái đoàn của Giáo phận Vinh trong chuyến đi vận động quốc tế và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa.

 

Những “cuộc xung đột đau lòng”

Kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường ở vùng biển miền Trung hồi tháng 4/2016, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại địa phương và trên khắp các tỉnh thành đòi chính quyền và Formosa phải minh bạch thông tin về thảm họa và bồi thường xứng đáng cho người dân.

Mặc dù phía chính quyền nói đã phân phối số tiền đền bù 500 triệu đôla của Formosa tới các nạn nhân trực tiếp của thảm họa, nhưng nhiều người dân không đồng tình với cách giải quyết của chính quyền. Gần đây, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại tỉnh Nghệ An.

Chuyện này đáng lẽ giải quyết một cách êm thắm giữa người dân và chính quyền, mà cuối cùng không được giải quyết, đưa đến những cuộc xung đột. Những cuộc xung đột đó thật sự rất đau lòng. Càng đau lòng hơn khi người dân bị đánh đập trong khi họ là những nạn nhân cần được đền bù xứng đáng.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

“Nguyên nhân sâu xa vẫn là chưa đền bù xứng đáng. Có những người lẽ ra phải được đền bù xứng đáng thì vẫn chưa được vào danh sách [đền bù]. Có những người không liên quan gì đến thảm họa môi trường, không phải là nạn nhân thì đã được đền bù. Tại sao vậy? Phải chăng vì tham nhũng, vì lợi ích nhóm?”, Giám mục Nguyễn Thái Hợp đặt câu hỏi.

Tỉnh Nghệ An vốn không được chính quyền xếp vào danh sách bồi thường của thảm họa Formosa, nhưng nhiều người dân địa phương nói họ đã mất nguồn sinh kế, lâm vào cảnh nợ nần vì ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết ông đã hai lần làm việc với chính quyền tỉnh Nghệ An và được chính quyền tỉnh cho biết đã đề đạt ra trung ương để đưa một số khu vực ở Nghệ An vào danh sách nạn nhân cần được bồi thường. Tuy nhiên cho tới nay, ông vẫn chưa nhận được câu trả lời cho vấn đề này. Theo ông, chính sự phẫn uất của người dân đã dẫn đến những “cuộc xung đột đau lòng” giữa người dân và chính quyền.

“Chuyện này đáng lẽ giải quyết một cách êm thắm giữa người dân và chính quyền, mà cuối cùng không được giải quyết, đưa đến những cuộc xung đột. Những cuộc xung đột đó thật sự rất đau lòng. Càng đau lòng hơn khi người dân bị đánh đập trong khi họ là những nạn nhân cần được đền bù xứng đáng”.

Người dẫn đầu phái đoàn của Giáo phận Vinh cho biết chuyến đi vận động lần này là một chuyến đi “tiếp cận”, giúp cho các thành viên biết cách nghiên cứu, sắp xếp và đề đạt các thỉnh nguyện của người dân một cách cụ thể hơn để gửi tới nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế khác nhau, với mong muốn giúp cho các nạn nhân của Formosa sớm tìm được câu trả lời cho những băn khoăn của họ và được đền bù thỏa đáng.

Tính đến sáng 18/5, thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa trên trang www.thamhoaformosa.com đã có trên 195.000 người ký tên.

Giáo phận Vinh có quyết định thành lập Ban Hỗ trợ các nạn nhân thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung vào tháng 9/2016, 5 tháng sau khi bắt đầu xảy ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt, khiến đời sống kinh tế trong khu vực gần như tê liệt.

www.voatiengviet.com/a/gm-nguyen-thai-hop-mot-chuyen-di-dau…/3854840.html

Việt Nam đề xuất hợp tác khai thác hải sản với Indonesia

UBND Thành phố Vũng Tàu vừa đề xuất với chính quyền Thành phố Padang, Indonesia cho tàu cá của Vũng Tàu sang Padang đánh bắt hải sản và chế biến tại Indonesia hoặc tàu cá của hai tỉnh cùng đánh bắt rồi đưa về Bà Rịa- Vũng Tàu chế biến.

Đây là đề xuất được đưa ra tại buổi lễ ký kết chương trình hành động trong quan hệ hợp tác, đối tác giữa hai thành phố ngày 17/5 tại TP Vũng Tàu.

Tin trong nước ngày 17/5 cho biết phía Indonesia nói sẽ nghiên cứu đề nghị này.

Ngoài ra, tại buổi lễ, hai bên cũng đồng ý đưa nông dân sang học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong chế biến hải sản, trao đổi giáo viên và tham dự các hoạt động văn hóa giữa hai thành phố.

Phía đại diện Padang cho biết đã giới thiệu Bà Rịa – Vũng Tàu với cư dân  địa phương, và Vũng Tàu cũng sẽ làm điều tương tự.

Mới hồi đầu tháng 5, cơ quan chức năng Indonesia công bố số liệu cho thấy gần 600 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của nước này.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vungtau-province-proposed-to-fish-in-padang

 

Tránh hải sản tầng đáy, ngư dân sống bằng gì?

 

Vừa rồi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khuyến cáo ngư dân 4 tỉnh miền Trung không nên đánh bắt hải sản ở tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, giải thích rằng vì ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Một số nhà khoa học nói rằng họ không đồng ý về tính an toàn của khoảng cách 20 hải lý mà Phó Thủ Tướng Việt Nam đưa ra, vì những cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy chất độc trong nước thải của Formosa có thể ảnh hưởng tới 70 hải lý.

Hải sản còn độc

Từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Y Tế Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo, nói rằng những sinh vật tầng đáy như ghẹ, tôm, ốc mực, bạch tuộc, cua đá trong phạm vi 20 hải lý trở về bờ vẫn chứa phenol, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hôm 17/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc lại khuyến cáo này tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho bốn tỉnh bị ảnh hưởng, là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Tiến Sỹ Nguyễn Tác An – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nói rằng theo số liệu chính thức của giới chuyên gia khoa học nghiên cứu thì những chất độc trong nước thải của Formosa có thể kéo 70 hải lý. Theo quan điểm của ông, con số 20 hải lý được đưa ra là dựa vào đặc tính nghề cá của Việt Nam:

Để nói 20 hải lý đã đủ rộng để bao quát chất độc tầng đáy hay chưa là rất khó. Nhưng nghề cá thủ công ven bờ của Việt Nam người ta không ra quá 20 hải lý, tức là khoảng 40 cây số, người ta không ra xa được. Công cụ khai thác cũng chỉ tới độ sâu 50-100m thôi.

Trong khi đó, giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng con số 20 hải lý chỉ mang tính chất tương đối, các vùng biển khác nhau có thể yêu cầu con số an toàn khác nhau. Nhưng theo ông, khoảng cách an toàn nhất là:

Khoảng 25 hải lý là người dân nên tránh hải sản tầng đáy. 20 hải lý cũng được nhưng không phải là con số an toàn tuyệt đối. Rộng hay hẹp phụ thuộc vào địa hình từng nơi, rồi phụ thuộc vào song triều, hải lưu, hệ thực vật,…

Làm sao tránh cá tầng đáy?

Năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) từng nói với báo chí rằng hải sản ven bờ ở tầng nổi là an toàn do đặc tính sinh học hay di chuyển.

Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại hải sản tầng đáy có thể di chuyển lên tầng nổi và người dân có thể nhầm lẫn dẫn đến nguy hiểm khi ăn phải.

Giáo sư Lê Huy Bá nhận định:

Tầng đáy và tầng mặt có sự phân định không rõ. Sinh vật tầng đáy nhưng ngoi lên tầng mặt là thành ở tầng mặt thôi. Thường những con cá lớn, ăn tạp và khả năng chịu áp suất lớn sống ở tầng đáy. Nhưng nói như vậy cũng chỉ mang tính tương đối thôi chứ không phân biệt được hết.

Trong khi đó ông Nguyễn Tác An lại cho rằng chuyện nhầm lẫn khó xảy ra vì sinh vật tầng đáy thường chỉ cố định ở tầng đáy:

Sinh vật nổi là loài di cư tức là sống ở ngoài khơi hoặc ở vùng khác đến theo thức ăn nổi. Còn sinh vật đáy là sinh vật ăn đáy và thường định cư ở đó. Nếu nói sinh vật tầng đáy có thể lên tầng nổi là không đúng với khái niệm phân biệt trong nghề cá.

Viện nghiên cứu hải sản trước đó cũng lập ra danh sách 154 loại hải sản thường gặp sống ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ này. Tuy nhiên rất nhiều ý kiến bình luận trên mạng nói rằng làm sao người dân có thể nhớ hết được danh sách dài ngoằng như vậy. Một số khác nói rằng danh sách bao phủ gần như toàn bộ các loài hải sản ngư dân thường bắt được. Như vậy người dân còn gì để ăn.

Trước đó tiến sĩ Nguyễn Tác An cũng từng nói với báo Người Lao động các chất độc từ nước thải của Formosa sẽ kết tủa, lắng xuống đáy và tồn  tại ở đấy đến khi có dịp gì đó sẽ lại bùng lên. Những chất độc này tồn tại rất lâu, nguy hiểm, không đơn giản vài tháng vài năm là hết.

Trong cuộc trao đổi ngắn với đài RFA chiều 18/5, tiến sĩ Nguyễn Tác An phân tích thêm rằng để nói chính xác sẽ mất bao nhiêu thời gian các chất độc tầng đáy tiêu tan là rất khó vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

Tầng đáy và tầng mặt có sự phân định không rõ. Sinh vật tầng đáy nhưng ngoi lên tầng mặt là thành ở tầng mặt thôi.
– Giáo sư Lê Huy Bá

Nó phụ thuộc vào các chất độc bị thải ra, điều kiện động lực học ở đó và khả năng tự làm sạch của vùng biển đó. Nhưng thông thường các nước như Nhật Bản chẳng hạn họ bị ô nhiễm công nghiệp 60 năm nay họ vẫn chưa giải quyết xong.

Ông nói rằng có thể một đời người cũng không đủ thời gian để hệ sinh thái tầng đáy có thể khôi phục. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc vùng biển nhiệt đới, lại có hệ thống cường lực chạy rất mạnh tạo ra khả năng tự làm sạch rất lớn vì nhiệt độ rất nóng, khác với các nước ở ôn đới, hàn đới. Ông đánh giá:

Những sự cố sinh thái này giống như chén nước mình đã đổ ra đất rồi, đến bao giờ mới lấy lại được. Nhưng vì thiên nhiên có cơ chế tái phục hồi, nhưng đòi hỏi thời gian lâu. Vùng biển Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa. 

Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho rằng cần khuyến cáo người dân cẩn thận khi sử dụng hải sản hay sinh hoạt trên biển những khi nguồn động lực ở tầng đáy thay đổi như mưa bão chẳng hạn. Các hiện tượng này có thể làm khuấy động các chất độc ở tầng đáy lên tầng nổi.

Thảm họa môi trường Formosa xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái làm cá, hải sản chết hàng loạt nổi trắng bờ biển 4 tỉnh Bắc trung bộ, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế.

Các nhà khoa học phân tích rằng hiện tượng cá chết chỉ là phần nổi của tảng băng, điều nguy hiểm hơn là hệ sinh thái tầng đáy bị hỏng. Trong khi đó, đến 90% môi trường biển là sinh vật đáy.

www.rfa.org/…/avoid-bottom-seafood-wh-can-fishermen-catch-lh-05182017135715.