Tin Việt Nam – 11/12/2017
Tài xế trả tiền lẻ phản đối trạm thu phí BOT quốc lộ 5
Vào sáng ngày 11 tháng 12 năm 2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT quốc lộ 5 thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên, để phản đối mức thu phí quá cao.
Vào lúc 16g chiều giờ địa phương, nhiều tài xế lại tiếp tục sử dụng các loại tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng để trả phí khi qua trạm BOT Quốc lộ 5 khiến tình trạng giao thông ùn tắc nghiêm trọng, buộc ban quản lý BOT Quốc lộ 5 phải xả trạm.
Trên mạng xã hội vài ngày trước đây, nhiều tài xế đã kêu gọi đồng loạt sử dụng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT Quốc lộ 5.
Hồi đầu tháng 9 một số tài xế đã dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm BOT quốc lộ 5 nhưng đã bị cơ quan chức năng mời lên để làm rõ sự việc.
Hôm 18 tháng Mười 2017, Tổng cục đường bộ đã có văn bản gửi Bộ giao thông vận tải đề nghị giảm phí cho tất cả phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5 và miễn phí cho người dân sinh sống quanh trạm thu phí.
Cũng liên quan đến BOT, hôm qua, Bộ giao thông vận tải yêu cầu có phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy trước ngày 22 tháng 12 năm 2017.
Các phương án được Bộ giao thông vận tải đưa ra là, một là giữ nguyên trạm như hiện nay, hai là xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, ba là di dời trạm thu phí hiện nay về đúng tuyến tránh.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ ngày 1 tháng 8 năm 2017. Tuy nhiên, các tài xế xe dùng tiền lẻ trả phí vì phản đối trạm BOT này đặt sai vị trí cũng như mức phí cao. Vụ việc này khiến cho Quốc lộ 1 kẹt xe hơn 3 km, gây náo loạn tại khu vực này trong suốt những ngày qua, khiến cho trạm BOT Cai Lậy phải xả cửa liên tục.
Vào ngày 4 tháng 12 Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và yêu cầu ngừng thu phí BOT Cai Lậy trong một hoặc 2 tháng để tìm cách giải quyết.
Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?
Một nhà quan sát chính trị nói với BBC rằng “sai phạm của ông Thăng từ thời ngang hàm thứ trưởng mà lọt vào đến Bộ Chính trị thì tổng bí thư cũng không thể nói chung là rút kinh nghiệm được.”
Việt Nam: Mới mẻ trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm?
Việt Nam: Khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng
Nhận định về vụ ‘xem xét kỷ luật’ ông Đinh La Thăng
Dư luận viết về vụ ông Đinh La Thăng
Báo Đảng: Kỷ luật ông Thăng ‘có ý nghĩa rất lớn’
Công an Việt Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, và em trai ông, Đinh Mạnh Thắng.
Truyền thông Việt Nam nói ông Đinh La Thăng bị điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 – Bộ luật hình sự.
Hôm 11/12, trả lời BBC, cây bút tự do Nguyễn An Dân nói: “Theo tôi, đây là việc lách quy chế đảng của những người muốn xử lý ông Thăng. Nếu đợi Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu khai trừ Đảng theo quy định (như trường hợp cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thì họ ngại ông Thăng sẽ có biện pháp chủ động ứng phó nên họ làm bất thình lình.”
“Về mặt quy chế Đảng, Điểm 4.1 Khoản 4 Điều 40 của Điều lệ Đảng khóa 11 ban hành năm 2011 cho phép đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đảng viên bị Thanh tra Nhà nước kết luận có sai phạm đến hình thức phải tạm giam.
“Cho nên, có lẽ Thanh tra Nhà nước đã kết luận là ông Thăng cần phải bị tạm giam nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đình chỉ sinh hoạt Đảng để công an tiến hành bắt tạm giam là đúng quy định.”
“Tuy vậy họ không khai trừ ông Thăng vì muốn khai trừ ủy viên Trung ương thì phải do Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu, và có lẽ đảng đợi đến Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm.”
“Trường hợp nếu ông Thăng chỉ bị khởi tố mà không bị tạm giam thì không bị đình chỉ sinh hoạt Đảng.”
Từ hàm ngang thứ trưởng mà ông Thăng được cất nhắc vào Bộ Chính trị, vậy về mặt Đảng, các cơ quan này và lãnh đạo của các cơ quan này phải chịu trách nhiệm gì? Có tiêu cực bằng cách dùng tiền có được từ sai phạm để chạy chức chạy quyền không?nhà báo Nguyễn An Dân
“Như vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương làm đúng điều lệ Đảng ban hành ở khóa 11 năm 2011 trong việc đình chỉ sinh hoạt đảng với ông Thăng vì ông này đã bị bắt tạm giam.”
“Với ông Thăng, người ta thấy ông này bị bãi miễn đại biểu Quốc hội xong mới có lệnh tạm giam, sau đó mới đình chỉ sinh hoạt Đảng.”
‘Trách nhiệm’
Ông An Dân nói thêm: “Khi có quyết định bắt giữ tạm giam của cơ quan chức năng có thẩm quyền, tổ chức Đảng có quyền ra quyết định kỷ luật.”
“Khi ông Thăng làm chủ tịch tập đoàn PVN (tương đương hàm thứ trưởng) thì có sai phạm. Việc ông Thăng sai phạm làm nhiều đảng viên, dù là cải cách hay bảo thủ và cả nhân dân đều bất bình và đòi hỏi phải xử lý.”
“Thế nên việc xử lý ông này là đúng. Nhưng do hàm ngang thứ trưởng nên về mặt Đảng là nhân sự do Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quản lý, rồi Ban Bí thư phê duyệt khi thăng chức, bổ nhiệm.”
Ông Thăng bị kỷ luật, mạng xã hội nói gì?
Ông Thăng bị giáng chức: Truyền thông nói gì?
SkyViet: Đảng không làm thay mà làm luôn?
Công ty nước ngoài có rủi ro khi VN chống tham nhũng?
“Từ hàm ngang thứ trưởng mà ông Thăng được cất nhắc vào Bộ Chính trị, vậy về mặt Đảng, các cơ quan này và lãnh đạo của các cơ quan này phải chịu trách nhiệm gì? Có tiêu cực bằng cách dùng tiền có được từ sai phạm để chạy chức chạy quyền không?”
“Về mặt chính phủ, từ khi ông Thăng còn là chủ tịch PVN thì bộ trưởng quản lý ngành (bộ chủ quản), phó thủ tướng phụ trách ngành (do chính phủ phân công) và thủ tướng có trách nhiệm gì?”
“Và cao nhất, ông Thăng có sai phạm qua hai đời tổng bí thư, từ đảng viên cấp trung thành đảng viên cấp cao, ủy viên Bộ Chính Trị, thì hai đời tổng bí thư chịu trách nhiệm gì với nhân dân?”
“Sai phạm của ông Thăng từ thời ngang hàm thứ trưởng mà lọt vào đến cả Bộ Chính trị thì tổng bí thư cũng không thể nói chung chung với nhân dân là rút kinh nghiệm được, mà phải có chế tài, vậy chế tài này toàn đảng sẽ quyết thế nào?”
‘Không hạ cánh an toàn’
Cùng ngày, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nói với BBC: “Tôi thấy với trường hợp xử lý ông Thăng, nhà nước muốn chứng tỏ rằng đã đến lúc không cho quan chức sai phạm “hạ cánh an toàn” nữa.”
“Việc xử lý ông ấy cũng đúng quy định về kỷ luật đảng viên.”
“Ông Thăng mới bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng thì trên danh nghĩa ông ấy vẫn còn là đảng viên. Chờ điều tra thế nào nếu không có sai phạm thì sẽ phục hồi sinh hoạt Đảng, nếu có thì khai trừ.”
Trong khi đó, từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza bình luận với BBC: “Toàn bộ vụ ông Đinh La Thăng, từ chuyện ông mất ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến vụ xử đại án Ocean Bank, đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đầy ngạc nhiên, đều là những chỉ dấu cho thấy vụ này lớn hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.”
“Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được. Tôi thực sự không thể tưởng tượng sẽ có bất kỳ cuộc phản công nào từ vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng. Họ chắc là đang kinh hoàng.”
“Con đường cải cách của Việt Nam là rõ ràng. Tôi không nghĩ sẽ có chuyện đảo ngược. Ông Trọng thấy báo động trước quyền lực ngày một tăng của giới kỹ trị, những người không cho Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều quyền quyết định. Sứ mệnh của ông Trọng là tái lập quyền lực tuyệt đối của Đảng. Đây là ưu tiên duy nhất của ông Trọng trước Đại hội Đảng lần tới,” ông Abuza bình luận.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42305334
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
lo ngại thanh niên xa rời đảng
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng các đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh nhạt đảng, khô đoàn xa rời chính trị.
Ông nói như vậy tại buổi lễ khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc khai mạc ngày hôm nay tại Hà Nội.
Ông Trọng nói rằng trong thời qua Đoàn thanh niên đã có nhiều tiến bộ trong cách thức hoạt động, trong công tác chính trị, tư tường, và đạo đức. Tuy nhiên ông nói thêm rằng có Đoàn thanh niên đã không làm tròn nhiệm vụ khi mà có nhiều thanh niên có lối sống thực dụng, đi ngược lại mục tiêu của Đảng Cộng sản.
Đặc biệt ông Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng Đoàn Thanh niên cần định hướng cho thanh niên phản bác các thông tin sai trái trên mạng xã hội của các thế lực thù địch.
Tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản ở Việt Nam có tên là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là một tổ chức duy nhất của thành niên Việt Nam được cho phép.
Tổ chức này được sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện người đứng đầu tổ chức này là ông Lê Quốc Phong với chức danh Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Ông Phong là một Ủy viên dự khuyết của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan có khoảng 150 thành viên, là nơi có quyền lực rất lớn trong guồng máy chính trị của Việt Nam hiện nay.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng được xem là nơi chuẩn bị các đảng viên tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khá nhiều quan chức hiện nay của Đảng xuất thân từ những cán bộ của Đoàn Thanh niên, như ông Võ Văn Thưởng hiện đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng.
Ông Đinh La Thăng một cựu Ủy viên Bộ chính trị mới vừa bị bắt với cáo buộc tham nhũng, cũng từng là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Nhà đấu tranh Trung Quốc
dự lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2017 tại Mỹ
Ngọc Lan, thông tín viên RFA
Đánh dấu 20 năm hoạt động
Chiều Chủ Nhật, 10 Tháng 12, đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 69, và cũng đánh dấu 20 năm hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2017 cho ông Nguyễn Hữu Vinh (biệt danh Anh Ba Sàm), bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (biệt danh Mẹ Nấm), Mục Sư Y Yích, và Hội Anh Em Dân Chủ, đã được diễn ra tại Hội Trường Thành Phố Westminster, miền Nam California.
Buổi lễ có sự tham dự của nhiều viên chức thành phố, các hội đoàn, các tổ chức chính trị quanh vùng, và đặc biệt là có sự hiện diện của ông Ngụy Kinh Sinh, nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc.
Trong 15 năm qua, hơn 40 cá nhân, tổ chức đã được vinh danh trao giải này. Những người đó thật sự là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
-Nguyễn Kim Bình
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Kim Bình, Trưởng Ban Phối Hợp MLNQ, đã nhấn mạnh đến sự dấn thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư, chấp nhận đương đầu với bạo quyền, tù tội của những người được chọn trao giải Khôi Nguyên trong suốt 15 năm qua.
“Trong 15 năm qua, hơn 40 cá nhân, tổ chức đã được vinh danh trao giải này. Những người đó thật sự là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất của những năm 2002-2003-2004, cho đến bây giờ, trong tất cả những đợt đàn áp tàn khốc nhất của cộng sản Việt Nam, không có năm nào, không có những người sẵn sàng đứng ra hy sinh tự do riêng tư của mình để tranh đấu bảo vệ cho giá trị, cho quyền con người, cho đồng bào mình, trong số những người đó có những người đã quá cố, có những người còn rất trẻ nhưng đã chịu tù tội 5 năm, 10 năm. Có những người là cựu chiến binh của cả hai miền, có người được sinh ra sau cuộc chiến, nhưng tất cả đều phải trả một giá rất lớn. Khôi nguyên của mỗi năm nếu không phải là một tù nhân lương tâm thì cũng là một cựu tù, có những trường hợp đặc biệt không bị tù thì cũng trong tình trạng quản chế, phải chịu sự khủng bố tinh thần. Khôi nguyên năm nay, cả ba anh chị và những anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ cũng là những người nằm trong số đó.”
Sự tương đồng của người đấu tranh ở Việt Nam và Trung Quốc
Đến tham dự lễ trao Giải Nhân Quyền 2017 trong tư cách là người bạn lâu năm của những người khởi xướng thành lập Mạng Lưới, nhà tranh đấu Ngụy Kinh Sinh đã chia sẻ những cảm nghĩ của ông về sự tương đồng của những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Ngụy Kinh Sinh nói “Chúng ta có chung một kẻ thù là các chế độ đảng trị cộng sản. Chúng ta có cùng lợi ích chung là xây dựng quê hương mình thành một nước dân chủ.”
Theo ông Sinh, khi những nhà dân chủ của hai nước truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền về nước, đó là đang chuẩn bị xây dựng một xã hội dân chủ mới. Từ hải ngoại, sự truyền bá thông tin về dân chúng trong nước là những gì mà chúng ta phải làm từng bước để phá bỏ những dối trá mà cộng sản đang lừa phỉnh dân mình.
Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, đại diện Mạng Lưới, đã giới thiệu tóm tắt về Hội Anh Em Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức được thành lập ngày 24 Tháng Tư, 2013 trên trang mạng xã hội Facebook bởi luật sư Nguyễn Văn Đài và hơn 40 cựu tù nhân lương tâm như kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Nguyễn Bắc Truyền, ông Trương Minh Đức…
Do hoạt động trên một địa bàn rộng, tích cực đa dạng, nên HAEDC được xem là tổ chức Xã hội Dân sự hàng đầu trong nước. Hiện nay, HAEDC có 12 thành viên đang bị khởi tố tạm giam điều tra, hay đã bị truy tố xét xử. Ngoài ra, nhiều thành viên HAEDC đã đang phải trốn tránh, đào tỵ để tránh bị truy nã, sách nhiễu.
Muốn vô hiệu hóa chuyên chính vô sản ở VN thì phải cung cấp thông tin trung thực cho đồng bào của mình và thông tin chính là con đường duy nhất giúp thay đổi nhận thức và nhận thức giúp thay đổi hành vi.
-Đinh Ngọc Thu
Dược Sĩ Nguyễn Mậu Trinh từ Washington DC về nhận giải thay cho Hội Anh Em Dân Chủ Việt Nam.
Nhà báo Huỳnh Việt Lang được mời giới thiệu về ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm.
Blog Anh Ba Sàm được thành lập từ ngày 9 Tháng Chín năm 2007. Bằng khẩu hiệu “Phá Vòng Nô Lệ,” blog Anh Ba Sàm đã đem đến cho người đọc rất nhiều kiến thức bổ ích, thú vị và làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người quan tâm. Ông Vinh bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam từ Tháng Năm, 2014 và kêu án 5 năm tù giam.
Bà Đinh Ngọc Thu, người duy trì blog Anh Ba Sàm hoạt động sau khi ông Vinh bị bắt, đã nhận giải thưởng thay ông. Phát biểu tại buổi nhận giải, bà Thu nói:
“Nhiều người đã nhận ra rằng muốn vô hiệu hóa chuyên chính vô sản ở Việt Nam thì phải cung cấp thông tin trung thực cho đồng bào của mình và thông tin chính là con đường duy nhất giúp thay đổi nhận thức và nhận thức giúp thay đổi hành vi. Slogan ‘Phá Vòng Nô Lệ’ của blog Anh Ba Sàm đã bắt đầu từ đó. Năm 2007, anh Vinh đã lập blog Anh Ba Sàm, và anh Vinh không đơn độc.”
Mục sư Y Yích là cá nhân tiếp theo được trao giải với phần giới thiệu của ông Vũ Hoàng Hải, đại diện khối 8406.
Mục sư Y Yích sinh năm 1960, sống tại tỉnh Gia Lai, là người thiểu số đầu tiên được Mạng Lưới trao giải. Vào năm 2007 Mục sư Y Yích bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai bắt và bị kết án tù 6 năm, chỉ vì tội cùng với người Thượng biểu tình đòi đất và đòi tự do tôn giáo.
Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Tháng Chín, 2013 ông bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai bắt lần thứ hai và kết án 12 năm tù giam.
Mục sư Y Phương là người nhận giải thay cho mục sư Y Yích.
Người cuối cùng được chọn là cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có nickname Mẹ Nấm. Bà Jacky Bông, phó trưởng ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền, giới thiệu sơ lược về blogger Mẹ Nấm.
Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử, tuyên phạt Mẹ Nấm 10 năm tù giam với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước, mặc dù cô chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Mẹ Nấm được Tổng Thống phu nhân Hoa Kỳ tuyên dương là “người phụ nữ can đảm”. Cô cũng được nhiều chính khách Hoa Kỳ và Đức quốc quan tâm bênh vực.
Cô Nguyên Nhung, một blogger có nick name Hồn Nhiên, đã nhận giải thưởng thay cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân Quyền Việt Nam đến nay đã được trao cho 39 cá nhân và 3 tổ chức đã có những đóng góp xuất sắc, có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Giải Nhân Quyền Việt Nam còn là một cơ hội để người Việt ở hải ngoại bày tỏ sự quan tâm ủng hộ với những người dấn thân vào cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vnl12112017-12112017101125.html
B14
Trương Duy Nhất
Vậy là anh em nhà Đinh La Thăng- Đinh Mạnh Thắng cùng vào B14. Trước đó, anh em Dương Chí Dũng- Dương Tự Trọng cũng ở trại này.
Đây, cũng là nơi giam tôi suốt 240 ngày đầu, từ khi bị bắt (26/5/2013 đến 20/1/2014), thuộc đoạn điều tra lấy cung. Nó là một trại đặc biệt, dành cho các án an ninh đặc biệt, thuộc Cục an ninh điều tra, Tổng cục an ninh, Bộ Công an, nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong giới đấu tranh cũng đang bị giam ở đây. Trước đó, là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.
Nhiều “tên tuổi” lớn khác, cũng từng “đi qua” B14 này: Phạm Thanh Bình, cùng toàn bộ nhóm “đầu não” của tập đoàn Vinashin. Cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, uỷ viên trung ương đảng Bùi Quốc Huy; cựu uỷ viên trung ương, giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh; Phó Viện trưởng VKSND tối cao Phạm Sĩ Chiến… Nghe nói, nhân vật cao nhất từng bị giam tại đây là Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên thời Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Những ngày này, nhân chuyện Đinh La Thăng, nghe thiên hạ nhắc nhiều quá về trại giam khét tiếng, nhưng cũng đầy “huyền thoại” mang tên B14. Lục trên mạng, tình cờ gặp hai bức ảnh trên báo Công an nhân dân.
Ở bức 1. Nhìn từ bên ngoài, vòng tròn khoanh dấu đỏ là khu tầng 2, phòng B12. Ở bức 2 là nhìn từ khu vực sân trại, nơi quản giáo và lính canh hay xếp hàng thể dục mỗi chiều.
Tầng 3, ngay trên đầu tôi là buồng giam Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng bị kỷ luật nên giam tầng 1, bên dưới.
Hai bức ảnh gợi tôi nhớ một chuyện vui, kể chơi:
Chiều chiều, chừng 16 giờ 30, quản giáo và lính canh tập trung xếp hàng thể dục như trong ảnh 2. Tôi, ở buồng giam bịt bùng ngay vị trí khoanh tròn đỏ ấy, không nhìn thấy, chỉ nghe tiếng vọng vào. Họ tập võ, vung chân múa tay “hừ hự” theo nhịp một hai- hai một gì đấy. Xong, lần nào cũng kết thúc bằng bài hô:
– Thể dục – Khoẻ!
– Thể dục – Bảo vệ tổ quốc!
– Thể dục – Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
– Thể dục – Khoẻ!
– Thể dục – Khoẻ!
– Thể dục – Khoẻ!
Nghe vui tai. Riết rồi muốn nghĩ ra trò gì chọc vui. Khi tất thảy vừa rập chân hô xong, tôi bèn tằng hắng mấy phát báo hiệu cho anh em các phòng bên, rồi dõng dạc, nhái theo nhịp bọn quản giáo:
– N…g…h…i…ê…m!
– Ở tù – Khoẻ!
– Ở tù – Bảo vệ tổ quốc!
– Ở tù – Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
– Ở tù – Khoẻ!
– Ở tù – Khoẻ!
– Ở tù – Khoẻ!
Thằng quản giáo lộp cộp giày, chạy ngang trợn mắt:
– Anh Nhất hô gì đấy, muốn nổi loạn hả?
Tôi làm mặt nghiêm, rập chân bập bập, thẳng lưng, chụm gót đúng chữ V, rồi “khuyến mại” thêm câu nữa:
– Ở tù – Khoẻ!
Mấy ông bạn tù phòng bên nghe sướng quá, cứ khúc khích khục khịch mãi. Như chọc tức thêm hắn.
Tội, nhìn cái mặt hắn cứ đơ ra, trông đần như ngỗng ỉa.
Mấy hôm sau. Hắn trả thù bằng cách chuyển buồng. Đẩy tôi sang dãy lẻ, buồng số 19. Vẫn tầng hai, nhưng đấu lưng lại với khu này (Dũng Bắc Kạn, trùm giang hồ khét tiếng Hải Phòng, người tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn sang Campuchia, ở đấu đít với tôi, buồng B20).
Bịt bùng. Thêm mấy lớp tường cách âm, không còn nghe được tiếng hô.
Tưởng tếu cho vui. Vậy mà cái trò “chủ nghĩa xã hội” ấy lại khiến mấy thằng bạn tù buồng bên nhớ. Chiều, cứ chừng bốn rưỡi hơn, xong bốn hồi kẻng là chúng gõ tường “nhà báo ơi, anh Nhất ơi, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đi!”.
Nghiệt nỗi, xa tiếng hô của bọn quản giáo, một mình đâm hết hứng.
Chuyện thể dục “chủ nghĩa xã hội” ấy cũng chỉ thấy ở B14. Sau này đi hai trại Hoà Sơn (Đà Nẵng) và trại 6 (Nghệ An), không nghe bọn quản giáo “chủ nghĩa xã hội” kiểu này nữa.
B14, có điều rất đặc biệt: Họ không xoá bất cứ dòng chữ nào của tất cả các thế hệ tù nhân trước giờ. Kể cả những câu cực kỳ “phản động”, chống Cộng, chửi đảng, bằm lôi cả mồ cha mả mẹ “lũ X”… chi chít bốn vách tường.
Trên vách cửa buồng B12, chắc chắn vẫn còn hai câu tuyên ngôn tôi khắc: “Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng”, “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang”.
Không biết, Đinh La Thăng có được vào đúng buồng B12 ấy?
Dù sao, ông và tôi cũng là chỗ từng biết nhau. Có thể, biết đâu đấy, khi đọc được những dòng chữ cùng cái tên “nhà báo Trương Duy Nhất” trên bức tường buồng giam, sẽ giúp ông tìm được cảm giác gì đó như thể “thân quen”, giúp ông nhẹ nhàng, thư thái, đỡ cô độc hơn?
Một mình, đối diện với bốn bức tường biệt giam bịt bùng, lởm chởm xám xịt ấy. Rồi ông cũng sẽ quen thôi, cũng phải đếm kiến, nuôi thạch sùng làm bạn. Sẽ là những tháng ngày dài không thể chợp mắt trước màn đêm đen ngòm, thăm thẳm. Dần, ông sẽ thuộc, quen với từng tiếng gót giầy của mỗi tay quản giáo. Nhận ra từng tiếng chó sủa, trong những giàn “đồng ca chó” đêm khuya vọng từ bên ngoài.
Đến tôi cũng ngạc nhiên, hay gọi giật mấy tay quản giáo hỏi “vì sao càng ra ngoài này, càng gần Hà Nội lại nhiều… chó thế?”.
Ừ. Ông đã có đến 3 đêm nghe chó sủa rồi nhỉ.
Từng mang phận tù, cũng là chút cám cảnh ngẫm đến ông. Chứ thật ra, cái loại tù của ông, không phải như tù chúng tôi. Tù của ông là tù nhục, tù ô.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/b14-12112017071110.html
Úc cáo buộc hacker Việt Nam đánh cắp dữ liệu sân bay
Một tin tặc Việt Nam đã đột nhập vào hệ thống máy chủ và đánh cắp thông tin an ninh nhạy cảm của Sân bay Perth, Australia, theo trang The West Australian.
Trang này cho biết người đàn ông Việt Nam tên Lê Đức Hoàng Hải, 31 tuổi, đã sử dụng danh tính của một nhà thầu bên thứ ba để truy cập vào hệ thống máy tính của sân bay này vào tháng 3 năm ngoái.
Cố vấn an ninh mạng Alastair MacGibbon của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cho biết hôm 10/12 rằng người đàn ông này đã lấy cắp “một lượng dữ liệu đáng kể” liên quan đến sân bay, bao gồm sơ đồ tòa nhà và các chi tiết về an ninh của các tòa nhà trong sân bay.
Ông MacGibbon nói rằng Hải chưa tiếp cận được hệ thống radar hay các hệ thống khác liên quan đến hoạt động của máy bay và hành khách chưa vấp phải nguy hiểm gì.
Sân bay Perth đã phát hiện ra việc đột nhập này và chuyển thông tin vụ việc cho trung tâm an ninh không gian mạng của Chính phủ Liên bang Australia ở thủ đô Canberra.
Vụ tấn công này được truy ra có nguồn gốc từ Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Australia đã cung cấp thông tin cho các đối tác ở Việt Nam. Phía Việt Nam đã điều tra và bắt giữ Hải.
Báo Quân Khu 7 cho biết vào ngày 7/12, Tòa án Quân sự Quân khu 7 xử Lê Đức Hoàng Hải 4 năm tù về tội “truy cập bất hợp pháp các mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.”
Tổng số dữ liệu mà Lê Đức Hoàng Hải đã đánh cắp là trên 320 Gigabyte, gây thiệt hại lớn cho các công ty, tập đoàn, đơn vị.
Truyền thông Việt Nam nói sân bay Perth đã phải chi gần 8 triệu đôla (tương đương 135 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả, khôi phục dữ liệu và lỗ hổng an ninh mạng.
Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6/2016, với mục đích tò mò, muốn thể hiện khả năng làm hacker về việc đánh cắp dữ liệu mạng, Lê Đức Hoàng Hải, sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú TP. Hồ Chí Minh, đã sử dụng máy tính cá nhân có kết nối internet để đột nhập trái phép vào máy chủ, hệ thống máy chủ quản lý sân bay Perth.
Ngoài ra, Báo Quân khu 7 còn cho biết, Hải còn tấn công cơ sở hạ tầng và các trang web ở Việt Nam, bao gồm cả các ngân hàng, viễn thông và một tờ báo quân sự trực tuyến.
https://www.voatiengviet.com/a/uc-cao-buoc-hacker-vietnam-danh-cap-du-lieu-san-bay/4158346.html
CSVN Chia Rẽ: Đang Đổ Bể
Tin RFA ngày 6-12-2017, “đại diện Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng, thành viên thường trực Ban Bí Thư, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đảng, ký ban hành” Quy định số 102. Đại ý, “Đảng viên Cộng sản Việt Nam nào đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, ‘đa nguyên-đa đảng’ sẽ chịu hình thức kỷ luật khai trừ.”
Theo “Qui định 102 ngày 15 tháng 11 năm 2017 này thì ngoài những vi phạm vừa nêu, những đảng viên cộng sản Việt Nam sẽ bị khai trừ nếu cố ý nói, viết có nội dung bị đảng cho là ‘xuyên tạc lịch sử, sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả của Đảng và dân tộc; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.’
“Quy định số 102 cũng nêu rõ sẽ khai trừ những đảng viên cộng sản Việt Nam nào ‘phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng đối với lực lượng vũ trang, đòi phi chính trị hóa quân đội và công an; phủ nhận vai trò của đảng đối với báo chí, văn học- nghệ thuật; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật mà bị đảng cho là lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của đảng và các lãnh đạo đảng, nhà nước’.
“Quy định số 102 của đảng còn nêu rõ biện pháp kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với một số hoạt động bị cho là vi phạm như ‘bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, phát tán, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật với nội dung mà đảng cho là trái với đường lối, quan điểm của đảng…”
Khai trừ là hính thức trừng phạt nặng nhứt, bị loại trừ khỏi đảng, hoàn toàn mất thâm niên tuổi đảng, bước đầu cho thủ tục truy tố hình sự, tiêu diêu sinh mạng hành chánh, pháp lý, bởi vì thủ tục tố tụng của chế độ CS không thể truy tố một đảng viên còn đảng tịch vì Đảng CS độc tài đảng trị toàn diện qui định Đảng không bao giờ sai lầm, phạm pháp chỉ có con người phạm pháp thôi!?
Hồi đó tới giờ chưa thấy một bản văn, pháp lịnh nào của CSVN được phổ biến công khai, tổng quát siết đảng viên bằng hình phạt khai trừ, biến đảng viên thành những con nộm, có miệng không lời, có đầu óc không được suy nghĩ, như Qui định 102 này. Nó có thể đưa đến một số hậu quả. Một là đảng CSVN bị bể vì sự chống đối trực hay gián tiếp, công khai hay âm thầm của đảng viên. Hai là Đảng bị liệt vì đảng viên thành cái xác không hồn, chỉ sống đời thực vật, chết chưa chôn, vì đảng viên bị qui định triệt tiêu tính đảng là tính đấu tranh, Đảng không còn tính đấu tranh sẽ trở thành xác chết chánh trị thôi, con quỷ nhập tràng uống máu dân để sống thôi.
Lich sử cận đại cho thấy chủ nghĩa Cộng sản là một thất bại. Định mệnh của Đảng CS là chết yểu do nội thương, chia rẽ, không có thuốc chữa. Thí dụ rõ rệt là cái chết yểu và bất thần của chế độ CS Liên xô và Đông Âu. Bốn con khủng long còn sót lại, hai con lớn nhứt Trung Cộng và Việt Cộng, cố chuyển sang hệ kinh tế thị trường tự do để ráng sống trong cái chết dần mòn. Đảng CS đã xanh vỏ nhưng cố giữ đỏ lòng để bám lấy chánh quyền hầu thu vén cuối đời dù bên trong đã ung thúi, ung thư vì đảng viên hũ hóa, chia rẽ, tham nhũng và bên ngoài dân chúng xa rời, chống đối, loại trừ.
CS Hà nội đang cố tìm người “hà hơi tiếp sức” để cái xác đang cố sống trong cái chết của mình có thể kéo dài chừng nào hay chừng nấy. Trong những nỗ lực ấy có việc mở cửa cầu viện, cầu vốn liếng, kỹ thuật để chuyển đổi kinh tế. Thế giới Tự do thừa vốn, yêu hoà bình, thích làm ăn nhảy vào giúp đỡ với hy vọng dùng kinh tế tự do chuyển đổi cơ cấu chánh trị. Nhưng gần hai chục năm thử thách, kết quả cho thấy sai lầm. CS không nhượng bộ chánh trị một ly, mà còn tăng cường đàn áp các tôn giáo, trí thức, đồng bào Thượng, đồng bào hải ngoại. Kinh tế các nước đưa vào – đúng như lời Hoà Thượng Quảng Độ nói – trở thành phương tiện giúp cho CS Hà nội kềm kẹp nhân dân. Và gần đây một số cường quốc kinh tế như Nhựt, Liên Âu đã viện trợ hào phóng cho VNCS đặt vấn đề nhân quyền kèm theo viện trợ. Còn Mỹ mấy năm trời công bố đặt CS Hà nội vào danh sách 8 nước quan ngại đặc biệt vì lý do đã đàn áp tôn giáo, tức cúp viện trợ kinh tế.
Suốt 3/4 thế kỷ độc tài đảng trị ở Miền Bắc và gần nửa thế kỷ ở Miền Nam, CS đã làm một đất nước — chính miệng VC nói là “tiền vàng bạc biển”, làm nhân dân – cũng chính VC nói, là “khéo tay hay làm” — thành một trong mười mấy nước nghèo trên thế giới, tham nhũng nhứt Á châu. Cái đống bầy nhầy CSVN để lại nếu so với Liên xô và Đông Âu còn tệ hại hơn nhiều. Vật chất VN, như Ôn như Hầu tả, “tang thương đến cả hoa kia cỏ này”, môi trường muốn cải tạo lại phải tốn vô số tiền và hàng mấy chục năm chưa chắc làm nổi. Tinh thần, như Tản Đà than “này lúc cương thường đảo ngược ru”. Saigon Hà nội như Đức Huỳnh giáo chủ thấy trước, “Hà nội sau hoá ruộng sâu, Tàu man nó đến giăng câu đặt lờ. Saigon, Gia định ai ngờ, Nuốc đâu mà chảy lở bờ, gãy cây.” Lớp trẻ con cháu của “con cháu, các cụ cả” của CS đựơc thời thì khoa trương hưởng thụ, thất thế thì đi bán mình làm nô lệ kiểu mới gọi là ‘xuất khẩu lao động’, nô lệ tình dục cho Miên, Mã, Thái là các lân bang chậm tiến hơn VN thời Cộng hoà.
Trước thảm cảnh trần gian do chính CS gây ra cho đất nước VN, giới khoa bảng VN có hai thái độ. Trong nước, một số “nằm trong chăn nên biết chăn có rận” đứng lên đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền. Ngoài nước, đứng lên thành phong trào quốc tế vận thành công. Đưa vấn đề Nhân Quyền VN vào Hành Pháp, Lập pháp các quốc gia định cư. Phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN trở thành trở ngại trung tâm trong bang giao giữa Hà nội, Washington, Paris, Bonn, Tokyo.
Cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước chống TC xâm lấn biển đảo mà CSVN không có hành động chống trả cụ thể, như thông đồng với giặc Tàu Cộng làm cho Đảng CSVN phân hoá, chia rẽ, đổ bể thêm. Làm cho Đảng xa rời quần chúng, kỳ thị Nam Bắc, chia rẽ lập trường xích lại gần Mỹ không tham vọng lãnh thổ và lập trường lệ thuộc TC. Khiến Đảng CS nghi kỵ đè ép Nhà Nước TC, coi ‘đám’ CS gốc Miền Nam là ‘ kỳ cục’ , dân Miền Nam ‘không lý luận’ tức ngu dốt, phải để cho Miền Bắc nắm chức tổng bí thư đảng, như Tổng bí thư Nguyễn phú Trọng tuyên bố khi độc diễn chức tổng bí thư đảng CSVN. Sau đó Tổng Trọng còn bắt chước Chủ Tịch Tập cận Bình bên TC mở chiến dịch bài trừ tham nhũng để triệt hạ phe đảng CS bên nhà nước còn sót lại trong chánh phủ và địa phương.
Tóm lại, Qui định 102 là pháp lịnh của phe đảng Nguyễn phú Trọng làm cho đảng viên không phân biệt phe Nhà Nước hay phe đối thủ của y trở thành chết chưa chôn, chỉ còn sống đời thực vật thôi.
Trong đấu tranh chánh trị CS không có thể thức thoả hiệp. Các phe đảng giành quyền thế theo nguyên tắc ai thắng ai, địch và ta một mất một còn. Nhưng cũng câu ‘sức ép càng nhiều thì sức bật càng cao’. Cuộc tranh giành của hai phe CS giữa Nhà Nước và Đảng, giữa hai phe Bắc-Nam có thể đưa CSVN đến bờ vực thẳm của cái hố sâu, chết chóc của Đảng Nhà Nước CS./.(VA)
https://vietbao.com/p123a275246/csvn-chia-re-dang-do-be
Vũ khí châu Á:
Hàn Quốc nổi bật là bên bán, Việt Nam là bên mua
Gian hàng của công ty quốc phòng Hàn Quốc và nhà sản xuất tên lửa LIG Nex1 tại Triển lãm Quốc Phòng Và Vũ Trụ Quốc Tế Seoul ADEX) tại Seongnam, nam Seoul, vào ngày 16/10/2017.Ed JONES / AFP
Trong bản báo cáo thường niên về tình hình buôn bán vũ khí trên toàn thế giới được công bố hôm nay, 11/12/2017 tại Stockholm, Thụy Điển, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) ghi nhận là sau 5 năm sụt giảm, hoạt động buôn bán vũ khí đã gia tăng trở lại trong năm 2016.
Danh sách các “đại gia” vũ khí vẫn không thay đổi, với Mỹ đi đầu, bán ra 57,9% lượng vũ khí trên toàn cầu, đứng thứ nhì là Anh Quốc, nhưng rất xa đằng sau với 9,6%, bám sát là Nga với 7,1%, và Pháp đứng thứ tư với 5%.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy các thương vụ vũ khí, theo Viện SIPRI, là tình hình căng thẳng gia tăng tại một số khu vực trên thế giới, đứng đầu là tại châu Á, mà cụ thể là ở khu vực bán đảo Triều Tiên, với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân Bình Nhưỡng ngày càng rõ nét, và ở Biển Đông, nơi các hành động bành trướng của Trung Quốc buộc các láng giềng tăng cường năng lực quân sự để đối phó.
Báo cáo năm nay của SIPRI đặc biệt ghi nhận sự vươn lên của Hàn Quốc trong vai trò nước sản xuất vũ khí quan trọng trên thế giới, chủ yếu là để tự trang bị cho quân đội của mình, nhưng đồng thời cũng đã bắt đầu xuất qua nhiều nước khác trong vùng và ngoài vùng.
Vào năm 2016, ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc chiếm giữ đến 2,2% doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới. Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên rõ ràng đã khiến chính phủ Hàn Quốc gia tăng đáng kể chi phí quân sự của minh và đặt hàng cho ngành công nghiệp vũ khí trong nước. Theo số liệu của SIPRI, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ Hàn Quốc dành cho quốc phòng trong năm 2016 thuộc hàng cao nhất thế giới.
Từ sản xuất cho nhu cầu trong nước, Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển qua cung cấp cho các nước khác, với mục tiêu là trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng trên thế giới.
Theo số liệu chính thức, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong năm 2006 chỉ đạt 253 triệu đô la, nhưng qua năm 2016 đã đạt 2,5 tỷ đô la. Các loại tên lửa, pháo phản lực, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Hàn Quốc được đặc biệt ưa chuộng tại vùng Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ.
Theo SIPRI, 7 tập đoàn vũ khí Hàn Quốc hiện thuộc số 100 hãng sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới. Nổi bật là Tập đoàn Công Nghiệp Hàng Không Hàn Quốc (KAI) xếp hạng thứ 48. Đây là nhóm đã phát triển loại phi cơ huấn luyên siêu âm T-50 Golden Eagle với hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ.
Nếu Hàn Quốc được nhắc tới trong tư cách nhà cung cấp, thì Việt Nam đã được SIPRI chú ý trong tư cách khách hàng.
Chuyên gia Aude Fleurant, giám đốc Chương trình Chi phí quân sự và Chi tiêu quân sự tại SIPRI, cho rằng động lực thúc đẩy các vụ mua bán vũ khí cũng là các tranh chấp khu vực, chẳng hạn như tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Theo chuyên gia này, căng thẳng đã tăng hẳn lên từ năm 2014 khi Trung Quốc cho xây đảo nhân tạo, biến các nơi do Bắc Kinh chiếm giữ thành căn cứ có sân bay, bến cảng và các hệ thống vũ khí, đồng thời đòi tàu chiến và máy bay Mỹ rời đi xa.
Trong tình hình đó, đối với bà Fleurant : « Các quốc gia như Việt Nam đã đặt mua tàu ngầm và máy bay tuần tra biển, nhằm ứng phó với hành vi được cho là quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171211-vu-khi-chau-a-han-quoc-noi-bat-la-ben-ban-viet-nam-la-ben-mua
Đồng bằng Cửu Long trước những tác động của con người
Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng cộng 13 tỉnh, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Tính đến tháng 04/2017, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối đầu với ba thách thức lớn mang tính sống còn: Thứ nhất, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thứ hai, quá trình phát triển nội tại. Thứ ba, tác động do khai thác và sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn.
Nhìn chung, những thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long đang đối phó là do tác động của con người hơn là do tác động của biến đổi khí hậu. Hôm nay, xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai-Cửu Long, Úc châu, về vấn đề này:
RFI :Thưa ông Huỳng Long Vân, trước hết về tác động của khai thác và sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn, có mối liên quan nào giữa tình trạng sạt lở trầm trọng của bờ biển đồng bằng sông Cửu Long và các đập thủy điện của Trung Quốc?
TS Huỳnh Long Vân: Hiện nay, trên dòng chính sông Mekong có 8 hồ chứa thủy điện, 7 của Trung Quốc và 1 của Lào. Đồng bằng sông Cửu Long nhận khoảng 89% khối lượng nước từ thượng nguồn, và 160 triệu tấn phù sa/năm, trong đó 50% là phù sa thô. Phù sa thô là vật liệu chắn sóng bảo vệ vùng ven biển chống sạt lở và bồi lấp đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, kể từ khi các đập thủy điện của Trung Quốc vận hành, khối lượng phù sa thô này hoàn toàn bị giữ lại ở các hồ chứa nước, khiến cho dọc theo bờ biển đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có 49 điểm/266km bị sạt lở nghiêm trọng và mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 500 ha đất.
Về sạt lở bờ sông, theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, miền Tây hiện có 513 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 520 km, đe dọa cuộc sống hàng nghìn hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng. Tác động xói mòn của “dòng nước đói phù sa” và việc khai thác cát ở các lòng sông là nguyên nhân chính gây ra sạt lở các bờ sông. Và sạt lở dọc theo các kinh, rạch là do vận chuyển của các ghe thuyền trang bị các động cơ quá mạnh.
RFI : Vậy thì, thưa ông Huỳnh Long Vân, chúng ta phải có những giải pháp ứng phó như thế nào với tình trạng sạt lở đó?
TS Huỳnh Long Vân : Đối với sạt lờ bờ biển, ta có thể thiết lập hàng rào phá sóng bằng những vật liệu rắn chắc như các trụ cột, các khối đá hoặc bê tông, đồng thời tái tạo, phục hồi rừng ngập mặn. Đối với sạt lở bờ sông, phải chấm dứt tệ nạn khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch. Đối với sạt lở kinh rạch, phải cấm ghe máy sử dụng các động cơ mã lực cao.
RFI :Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn gặp tình trạng bị sụt lún. Vậy thì nguyên nhân là vì sao và phải có giải pháp nào để ngăn chận tình trạng đó ?
TS Huỳnh Long Vân : Kết quả nghiên cứu của dự án “ Rise and Fall” tại đồng bằng sông Cửu Long, do Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại học Utrecht (Hà Lan) thực hiện, cho thấy sự sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân là do việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát và quá trình đô thị hóa. Riêng ở Cà Mau – tỉnh ngày đêm khai thác hơn 400.000 m3 nước ngầm, theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Địa Kỹ Thuật Hoàng Gia Na Uy, nền đất của tỉnh Cà Mau mỗi năm sụt lún 1.56-2.3cm và mảnh đất ở phần cuối của lãnh thổ Việt Nam có nguy cơ biến mất trong vài thập niên nữa.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khoảng 3mm/năm, trong khi ở nhiều nơi vùng nông thôn của đồng bằng sông Cửu Long, mức độ sụt lún khoảng 10-20mm/năm. Riêng khu vực thành thị và ở các khu công nghệ, mức độ sụt lún khoảng 25mm/năm. Sụt lún còn có tác động cộng hưởng với việc mất nguồn phù sa thô, khiến cho bờ biển bị sạt lở trầm trọng hơn, mất rừng, nước mặn xâm nhập sâu vào nội vùng, các sông và các tầng nước ngầm. Riêng đối với tỉnh Cà Mau, nếu để tình trạng sạt lở sụt lún tiếp tục như hiện nay, mỗi năm có thể mất đến 90.000ha .
Để ngăn chặn tình trạng sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia đều đồng ý là cần có biện pháp hạn chế khai thác nguồn nước ngầm và đưa ra những đề xuất như sau:
Ở vùng thượng nguồn châu thổ (Đồng Tháp, Khu Tứ Giác Long Xuyên..), có nguồn nước mặt dồi dào, nên có thể xây dựng các hồ trử nước trong mùa lũ, giảm sản xuất lúa vụ 3 và giảm xây dựng đê bao để vừa giữ được nước mặt, vừa bổ cập cho nước ngầm.
Ở vùng giữa của châu thổ với các đô thị như Cần Thơ, Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, phải triệt để cấm khai thác nước ngầm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trang bị công nghệ tái sử dụng nước thải sau khi đã được xử lý.
Ở vùng ven biển, cần xây dựng các hồ chứa nước mưa, kết hợp với việc xây dựng các đường ống dẫn nước ngọt từ khu vực thượng nguồn châu thổ.
Được biết, tỉnh Cà Mau đang triển khai kế hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt, có diện tích từ 200 ha đến 300 ha. Bên cạnh đó, địa phương cũng dự kiến tận dụng một số các tuyến sông, kinh, rạch để tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Bến Tre cũng đã tiến hành xây các hồ chứa nước ngọt có dung tích 1 triệu m3.
Chính phủ cũng đang tiến hành kế hoạch đầu tư 1.7 tỷ đôla và o dự án cung cấp 200.000-300.00 m3/ngày đêm nước ngọt, lấy từ sông Hậu cung cấp cho 7 tỉnh thành của miền Tây sông Hậu.
Ngoài ra, hiện nay công nghệ biến nước mặn thành ngọt bằng những kỹ thuật Nano và Reverse Osmosis tương đối rẻ tiền, nên thiết nghĩ đây cũng là một giải pháp khả thi cần được lưu ý.
RFI:Riêng Cần Thơ thì hiện nay bị ngập vào mùa nước nổi. Tác động của các đê bao là như thế nào ? Vì sao Cần Thơ và các thành phố khác bị ngập khi có mưa to ?
TS Huỳnh Long Vân : Các đê bao ở Đồng Tháp và khu Tứ giác Long Xuyên được xây dựng để ngăn chận nước lũ tràn vào ruộng đồng của vùng này giúp canh tác lúa vụ 3. Kế hoạch này dẫn đến hậu quả tai hại là gần như toàn bộ khối nước lũ theo sông Tiền và sông Hậu đổ xuống các vùng phía dưới như Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long. Những tỉnh thành này vốn có nền đất rất thấp so với mặt biển và không được bao che bởi các bờ đê, nên nước lũ tràn bờ ngập phủ nhiều tuyến đường trong thành phố, đặc biệt ở những nơi gần các kinh rạch.
Ở Cần Thơ vào tháng 09 và 10 vừa qua, mực nước sông Hậu đã lên cao đến 1,90m, mức báo động 3, cùng lúc với triều cường, nên một số tuyến đường như các đường 30 Tháng 4, Châu Văn Liêm, Mậu Thân ở quận Ninh Kiều, đường Bùi Hữu Nghĩa, ở quận Bình Thủy bị ngập nước (mặc dù mặt đường đã được nâng cao nhiều lần với các lớp nhựa), khiến xe cộ ì ạch, cư dân bì bõm trong nước. Riêng ở Sóc Trăng, nông dân phải đốn mía dù còn non, để tránh bị ngập úng.
Trong tháng 09 vừa qua, tại Hội nghị thảo luận chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức tại Cần Thơ, thủ tướng đã đồng ý cấp ngân khoản để kiện toàn, nâng cao khả năng xả lũ của đập Trà Sứ và khuyến cáo giảm dần canh tác lúa vụ 3. Ngoài ra, được biết thành phố Cần Thơ cũng có dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải và ứng phó với tình trạng ngập úng ở hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
Ngoài ảnh hưởng của đê bao, thành phố Cần Thơ và một số nơi khác như ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi khi có mưa lớn, một số nơi trong thành phố cũng bị ngập nước. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước cũ kỹ hay quá sơ sài; ngoài ra cũng do một số kinh rạch, vốn là nơi nước rút, nay được lấp đất để làm mặt bằng trong kế hoạch đô thị hóa; mở rộng và xây thêm đô thị dàn trải, khiến một diện tích lớn đất đai bị xi măng hóa, nên việc thoát nước bị chậm lại. Tình trạng ngập nước này trở nên tồi tệ hơn nếu xảy ra cùng lúc với triều cường.
RFI: Trước những tác động của biến đổi khí hậu và việc Thái Lan chuyển dòng nước sông Mêkông và Cam Bốt cũng có ý định muốn sử dụng nguồn nước ở Biển Hồ để gia tăng sản xuất nông nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long phải có kế hoạch ứng phó như thế nào trước tình trạng sẽ thiếu nước trầm trọng vào mùa khô?
TS Huỳnh Long Vân : Thái Lan định làm dự án Khon-Loei-Chi-Mun để hàng năm chuyển 4,5 tỉ m3 nước từ sông Mekong qua sông Loei, để tưới vùng Đông Bắc. Cam Bốt cũng rục rịch muốn sử dụng khối nước ở Biển Hồ để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp.
Trước đây, vào năm 1989, Thái Lan đã triển khai, nhưng thất bại, một dự án tương tự để chuyển nước sông Mekong, trong kế hoạch gia tăng sản xuất nông nghiệp ở khu vực Isaan, miền Đông Bắc Thái Lan. Còn ý định của Cam Bốt hiện còn trong giai đoạn thai nghén.
Tuy nhiên, thiết nghĩ nhà chức trách Việt Nam cũng nên tiến hành xây dựng các hồ chứa nước, để ứng phó với tình trạng thiếu nước trầm trọng có thể xảy ra trong tương lai và xem đây như một “biện pháp không hối tiếc”, nghĩa là nếu kế hoạch của Thái Lan một lần nữa thất bại và Cam Bốt từ bỏ ý định của mình, thì việc xây dựng các hồ chứa nước cũng sẽ góp phần đáng kể vào giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long do việc khai thác nước ngầm quá đáng. Và trước những toan tính này của hai quốc gia láng giềng, việc giảm dần canh tác lúa vụ 3 để tiết kiệm nước cũng là điều phải dứt khoát.
RFI: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, tình trạng ngập úng ở vùng Đồng Tháp, Tứ Giác Long Xuyên sẽ trầm trọng hơn và nước mặn sẽ lấn sâu vào nội địa khiến diện tích canh tác giảm dần. Vậy phải có giải pháp nào để sản xuất và cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng hoặc tồi tệ hơn ?
TS Huỳnh Long Vân: Ngày 17/11/2017, thủ tướng chính phủ CHXHCN Việt Nam đã ban hành nghị quyết 120/NQ-CP, công bố chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược này xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao là xu thế tất yếu, một thách thức lớn lao đối với đồng bằng sông Cửu Long và vạch ra đường hướng phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, bao gồm hai tiểu vùng nêu ra trong câu hỏi trên.
Nghị quyết còn nhấn mạnh là việc phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp với điều kiện thực tế, và trong quy hoạch không chỉ có nước ngọt, mà nước lợ, nước mặn cũng được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.
Và nghị quyết120/NQ-CP đưa ra một số giải pháp tổng thể, trong đó có phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng đô thị thích hợp với các tiểu vùng sinh thái:
Vùng ngập sâu (Đồng Tháp và một phần của khu Tứ giác Long Xuyên) trở thành vùng quản lý ngập và trữ nước ngọt, nhằm chủ động cung cấp nước ngọt cho toàn thể châu thổ; diện tích lúa vụ 3 sẽ được giảm dần và lối sản xuất nông nghiệp độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sẽ được chuyển sang luân canh với các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ ; hoàn chỉnh các công trình xây dựng những cụm dân cư vượt lũ và phát triển đô thị ở tiểu vùng này được hạn chế.
Vùng sinh thái nước ngọt (nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và Tây sông Hậu) là vùng sản xuất nông nghiệp (lúa, trái cây và hoa màu…). Đây là tiểu vùng thuận lợi cho phát triển đô thị, nhưng không dàn trải, để dành đất nông nghiệp màu mở cho sản xuất.
Vùng ven biển (ven biển Đông, biển Tây và bán đảo Cà Mau là vùng có những chuyển đổi, sẽ mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ trong điều kiện nước mặn xâm nhập, gắn với trồng rừng ngập mặn, và phát triển luôn cả ngành nuôi hải sản ở vùng biển ngoài khơi (nuôi trồng rong biển, cá biển, tôm hùm, ..). Việc mở rộng đô thị ở vùng này cũng cần hạn chế, để giảm rủi ro do thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Giải pháp nêu trên không can thiệp thô bạo vào điều kiện tự nhiên, không xây dựng các đê biển bao bọc toàn bộ vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, như ở Hà Lan, nhưng dựa vào tính đặc trưng của từng tiểu vùng để thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế của mỗi khu vực, đảm bảo cuộc sống của người dân trong châu thổ. Giải pháp này dựa theo phương châm “chủ động sống chung với lũ, với nước lợ và mặn” để biến thách thức thành cơ hội.
Còn đối với vấn đề nước biển dâng khiến diện tích canh tác bị giảm dần thì trong mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy: “kinh tế nông nghiệp” có chất lượng cao sẽ thay thế lối canh tác nông nghiệp trước đây chú trọng đến sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực; những giống lúa đặc sản, cao sản sẽ được lựa chọn và gieo gặt trên những cánh đồng lớn bằng phương tiện cơ giới ; công nghệ chế biến thực phẩm sẽ được kết hợp để gia tăng chuổi giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Như thế, mặc dù diện tích canh tác sẽ bị thu hẹp, nhưng mức thu nhập của nông dân sẽ được nâng cao.