Tin Việt Nam – 09/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 09/01/2018

Kiến nghị phản đối bản án tử hình

trong vụ nổ súng ở Dak Nông

Năm tổ chức xã hội dân sự cùng hằng trăm cá nhân ký tên vào một bản tuyên bố, yêu cầu Chủ tịch nước và Tòa án Tối cao của Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án tử hình đối với nông dân nổ súng chống công ty tư nhân cướp đất ở Đắk Nông.

Bản tuyên bố đề ngày 8 tháng Giêng, ghi rõ những người ký tên trong bản tuyên bố này nhận thấy bản án mà Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên cho các nông dân đã buộc phải nổ súng trước sự đàn áp và phá hoại tài sản của người dân trong thời gian dài là quá nặng và không có công lý; do đó là công dân Việt Nam và người gốc Việt cần thiết và đòi hỏi Nhà nước ‘của dân, do dân, vì dân’ phải thực thi công lý.

Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, một người ký tên trong bản tuyên bố vào tối ngày 9 tháng Giêng, từ Nha Trang cho RFA biết:

“Sự việc đau lòng ở Đắk Nông làm cho dư luận, rất nhiều người bị sốc. Khi tôi nhận được bản tuyên bố để yêu cầu Nhà nước xem xét lại bản án này thì lập tức tôi ký. Tôi cũng đưa lên trang Facebook của tôi, đồng thời tôi cũng liên lạc với một số trí thức mà tôi quen biết ở trong và ngoài nước để họ cùng tham gia ký. Rõ ràng thì tâm sự và ý muốn của tôi cũng trùng hợp với ý muốn của rất nhiều người, cho nên kết quả ký cũng rất nhanh. Chúng tôi cho rằng bản án này vô cùng bất công.”

Nội dung bản tuyên tuyên bố nêu lên 6 điểm để chứng minh bản án đối với các nông dân ở Đắk Nông là bất công và phi lý, bao gồm: các bị cáo bị cáo buộc với tội danh ‘giết người’ hoàn toàn không phù hợp với diễn biến của vụ án cũng như hành vi của các bị cáo; nông dân Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú nhưng không nhận được sự khoan hồng của pháp luật mà lại bị tuyên khung hình phạt nặng nhất là án tử hình; chính quyền tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức tắc trách trong việc giải quyết dứt điểm tranh chấp đất kéo dài tại địa phương, đã xem thường nguyện vọng chính đáng của người dân; luật pháp và cơ quan thực thi pháp luật không bảo vệ công dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ mà trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích để cướp đất của dân; quy định pháp lý về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã tạo ra quyền lựu nguy hiểm để tước đoạt đất của người dân; và xã hội sẽ bị bất ổn, rối loạn khi người dân không còn niềm tin vào pháp luật cũng như các cơ quan thực thi pháp luật.

Tính đến tối ngày 9 tháng Giêng năm 2018, đã có 5 tổ chức xã hội dân sự và gần 400 cá nhân ký tên vào bản tuyên bố này.

Trong hai ngày 2 và 3 tháng giêng vừa qua, tòa án tỉnh Dak Nong tiến hành phiên xử vũ nổ súng chống công ty tư nhân phá cây trồng của dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong. Ông Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình với cáo buộc giết người.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/declaration-about-the-death-penalty-to-land-grab-protester-in-dak-nong-01092018083311.html

 

‘Rất khó để dẫn giải ông Trần Bắc Hà’

Một luật sư bình luận rằng nếu bệnh tình của ông Trần Bắc Hà “nặng đến mức không thể tham gia phiên tòa” thì “dù có dẫn giải cũng không có ý nghĩa gì.”

Chiều 9/1, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh thông báo đã nhận đơn của ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) “xin vắng mặt tại tòa và giữ nguyên lời khai báo trước đó tại cơ quan điều tra.”

Trước đó, ông Bắc Hà được chờ đợi xuất hiện tại phiên tòa xét xử ông Phạm Công Danh và ông Trầm Bê và 44 “đồng phạm” trong vụ án gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Vụ Trầm Bê: Thêm 24 người bị khởi tố

Vụ bắt ông Trầm Bê: Sẽ còn ai nữa?

Vụ bắt Trầm Bê ‘thể hiện quyết tâm Tổng Bí thư’

Từ Trịnh Xuân Thanh đến Trầm Bê, Hồ Thị Kim Thoa

‘Bệnh ung thư’

Đơn của ông Bắc Hà đưa lý do “đang điều trị bệnh ung thư nên không đủ sức khỏe tham dự tòa.”

Cùng thời điểm, báo Người Lao Động cho biết một luật sư ẩn danh “đã đến tòa làm thủ tục để tham gia tố tụng thay ông Trần Bắc Hà”.

Trả lời BBC ngày 9/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty luật Thế Giới Luật Pháp, nói: “Tin trên báo Việt Nam nói tòa án triệu tập ông Trần Bắc Hà tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải là nhân chứng.”

“Theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc có mặt theo giấy triệu tập của người tiến hành tố tụng là một trong các nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Khoản này không cho phép người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đại diện để thực hiện các nghĩa vụ luật định như trong trường hợp thực hiện các quyền quy định tại Khoản 2.”

“Do đó, việc ông Trần Bắc Hà vắng mặt và cử luật sư mình đại diện tham gia tố tụng là không đúng luật.”

“Trước đây, cũng như hiện nay, biện pháp dẫn giải không được áp dụng đối người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chính vì vậy, khi thấy việc tham gia tố tụng không đem đến lợi ích gì cho mình, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường đưa ra rất nhiều lý do để vắng mặt.”

TS Lê Đăng Doanh: ‘Không thể dựa vào liên kết quyền lực’

VN: Chấp nhận trả giá đối ngoại vì đối nội?

Mở lại phiên xử ‘đại án’ Hà Văn Thắm

Công ty nước ngoài có rủi ro khi VN chống tham nhũng?

VN thúc đẩy kinh doanh trong bất ổn thể chế

Luật sư Thanh Sơn nhận định: “Hiện tượng này là khá phổ biến chứ không riêng gì đối với ông Hà. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Khoản 11 Điều 466), ông Trần Bắc Hà chỉ có thể bị dẫn giải nếu thỏa mãn ba điều kiện sau:

đã triệu tập hợp lệ

vắng mặt mà không có lý do chính đáng

việc vắng mặt của ông Hà ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa án.

“Do đó, với tình hình như hiện nay thì rất khó để dẫn giải ông Hà, trừ khi tòa án thay đổi hoặc bổ sung địa vị tố tụng của ông Hà từ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sang nhân chứng.”

“Nếu ông Bắc Hà bị triệu tập với tư cách là nhân chứng, tòa sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế là dẫn giải đối với ông Bắc Hà.”

“Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để làm việc này là căn cứ vào văn bản của tòa xác định địa vị tố tụng của ông Bắc Hà là gì.”

“Nếu bệnh tình của ông ấy nặng đến mức không thể tham gia phiên tòa được thì đây là lý do bất khả kháng, nên dù có dẫn giải cũng không có ý nghĩa gì.”

“Quan trọng là chỉ định của bác sĩ như thế nào.”

“Việc một người nằm viện điều trị không phải lúc nào cũng dẫn đến việc người ấy không thể tham gia phiên tòa.”

“Nếu việc ông Trần Bắc Hà vắng mặt phiên tòa là xuất phát từ chỉ định của bác sĩ thì đấy là việc bất khả kháng và tòa án cần phải tôn trọng chỉ định ấy.”

“Nếu xét thấy việc vắng mặt của ông Hà sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, tòa có quyền hoãn phiên tòa để chờ ông Hà bình phục.”

Báo Tuổi Trẻ hôm 9/1 cho hay, “liên quan đến đại án Phạm Công Danh, ngày 26/10/2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an từng có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với ba lãnh đạo BIDV gồm ông Trần Bắc Hà, ông Trần Lục Lang và ông Đoàn Ánh Sáng.”

“Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay. Kết quả điều tra thể hiện đến nay chưa đủ căn cứ xác định 3 ông Bắc Hà, Lục Lang và Ánh Sáng và đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh,” báo này viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42594844

 

Lúa mì về Việt Nam qua Đường Tơ lụa TQ

Lãnh đạo Kazakhstan cho hay có 720 tấn lúa mì do nước này sản xuất đã đi trên trục lộ hỏa xa tới Trung Quốc và từ đó lên tàu thủy sang Việt Nam.

Trong phát biểu đầu năm 2018, ông Kairat Abdrakhmanov, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan ca ngợi “thương mại với các nước châu Á tăng 23% từ tháng 1 đến tháng 9/2017”, theo báo Astana Times.

Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan cho hay con số này đạt 13,3 tỷ USD.

Vì sao Ấn Độ phản đối ‘Vành đai, Con đường’?

Hà Nội học được gì từ Hàng Châu?

Cát Linh – Hà Đông: Nợ cao mà chậm?

Ông được trích lời khi phát biểu trong Quốc hội nước này hôm 05/01/2018 rằng chuyến hàng lúa mì sang Việt Nam “mang tính lịch sử” và đã diễn ra hồi tháng 2/2017, theo báo Astana Times.

Nhưng cũng phải gần đây, các báo khu vực như Nikkei Asian Review của Nhật Bản mới có tin về chuyến hàng này, lần đầu đi từ Trung Á ra biển Hoa Đông để xuống Đông Nam Á.

Cảng Liên Vân (Lianyungang) ở Tô Châu là điểm trung chuyển quan trọng nhất nối giao thông hàng hải ‘Đường Tơ lụa trên biển’ của Trung Quốc, với ‘Đường Tơ lụa trên bộ’ chạy từ vùng duyên hải Trung Quốc sang phía Tây, qua Trung Á đến tận châu Âu, theo tờ báo Nhật Bản.

Theo báo Nhật, phía Kazakhstan nay chờ đợi đối tác Việt Nam “cho biết kết quả chất lượng hàng lúa mì” và hy vọng Việt Nam sẽ đặt thêm.

Chuyến hàng 720 tấn lúa mì bán cho Việt Nam đã lần đầu tiên trong lịch sử đi qua hành lang mới nhờ cảng Liên VânBộ trưởng Kazakhstan

Nikkei Asian Review cũng cho hay nhờ tuyến đường xuyên Âu – Á mà Trung Quốc chủ xướng và bỏ tiền xây, Nga và Kazakhstan đều tăng xuất khẩu lúa mì sang vùng Đông Á.

Khi Tổng thống phong cho vợ làm phó

‘Đừng bán đất của tôi cho Trung Quốc!’

Trung Quốc và món da lừa châu Phi

Từ trước tới nay, các thị trường cho nông sản của Nga và Trung Á chủ yếu là châu Âu và vùng Cận Đông.

Riêng về Việt Nam, ông Abdrakhmanov dành nhiều thời gian ca ngợi tiềm năng quan hệ thương mại với nước này:

“Sau khi thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa Liên minh Á-Âu (EAEU) và Việt Nam vào năm 2016, thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt 366 triệu USD chỉ trong chín tháng đầu năm 2017, nhiều hơn quan hệ thương mại với tất cả các nước ASEAN còn lại.

“Chuyến hàng 720 tấn lúa mì bán cho Việt Nam đã lần đầu tiên trong lịch sử đi qua hành lang mới nhờ cảng Liên Vân.”

Từ Trung Á sang Đông Á

Ngoài Việt Nam, ông Abdrakhmanov cũng nói về tham vọng của Kazakhstan muốn tăng cường hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Ông trình bày trước Quốc hội nội dung của các hợp đồng Kazakhstan và Nhật Bản ký năm 2016 khi Tổng thống Nazarbayev sang thăm Tokyo, cũng như Đối tác Chiến lược Kazakhstan – Hàn Quốc cùng các hợp đồng trị giá 640 triệu USD ký kết cũng vào năm 2016 trong chuyến thăm của lãnh đạo nước Trung Á đến Hàn Quốc.

Tất nhiên, Trung Quốc vẫn là quốc gia quan trọng nhất trong mọi dự án lớn ở Kazakhstan thời gian qua.

Ông Abdrakhmanov xác nhận Trung Quốc đã đầu tư 14 tỷ USD trong 10 năm qua vào kinh tế Kazakhstan trong 51 dự án đã và đang được triển khai dần mà trị giá tổng cộng lên tới 26 tỷ USD.

Trung Quốc đã cho xây cảng trên bộ khổng lồ ở Khorgos, nơi chừng 8 tỷ USD hàng hóa được chuyển qua hàng năm.

Khorgos, thuộc Tân Cương, Trung Quốc và là điểm trung chuyển lý tưởng nối với Kazakhstan, Mông Cổ và Nga, sẽ có một khu vực kinh tế tự do cho trên 30 ngàn doanh nhân hoạt động mỗi ngày.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-42619997

 

BOT – Việc phải làm ngay trước mắt

Từ sau cuộc khủng hoảng tại BOT Cai Lậy đến nay, tại nhiều trạm BOT trên cả nước thường xuyên lặp lại tình trạng tài xế chặn xe, sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí quá cao hoặc đặt tại vị trí không phù hợp.

Phản đối BOT khắp mọi nơi

Chỉ trong tuần lễ đầu tiên của năm 2018 đã có nhiều vụ việc người dân nổi lên phản đối các trạm BOT trên cả nước, điển hình như trạm BOT Đại Yên ở Quảng Ninh, trạm BOT Sông Phan – Bình Thuận, trạm Tam Kỳ ở Quảng Nam, trạm BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp, và đến ngày 8/1 là trạm BOT Sóc Trăng.

Hàng loạt các cuộc phản đối tương tự như vậy diễn ra kể từ khi tài xế dùng tiền lẻ mua vé tại trạm BOT Cai Lậy vào những tháng cuối năm 2017 khiến trạm này liên tục thất thủ và đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo cho dừng thu phí từ 1 đến 2 tháng để tìm hướng giải quyết.

Nói với đài RFA, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng hiện tại Việt Nam chỉ có hai sự lựa chọn hoặc là chấm dứt tất cả các dự án BOT hoặc là tiếp tục làm nhưng phải giải quyết những bất cập khiến dân bất bình bấy lâu nay:

Ngân sách không đủ để mà đáp ứng thế thì hoặc là không làm thì chẳng có gì mà thu mà cũng chẳng ai thu. Không làm thì cứ đường cũ mà đi. Còn nếu muốn đi nhanh hơn thì phải làm, một khi làm không có tiền thì phải gọi tư nhân. Mà gọi tư nhân thì phải cho người ta thu hồi phí.

Nếu BOT giao thông ở đúng chỗ thì vẫn phát triển tốt thôi, không có vấn đề gì mà nhân dân cũng không phản đối. Hiện nay các đường cao tốc cũng đều phải trả phí nhưng dân họ không nói gì bởi vì muốn đi nhanh thì phải trả tiền nên người ta cũng thấy hợp lý, miễn đừng quá cao.

Nếu BOT giao thông ở đúng chỗ thì vẫn phát triển tốt thôi, không có vấn đề gì mà nhân dân cũng không phản đối. 

– Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm chỉ rõ những bất cập trong các dự án BOT hiện nay đó là các trạm thu phí được đặt ở các vị trí độc đạo, ép người dân phải đi trên con đường thu phí mà không có sự lựa chọn nào khác. Thứ hai là tình trạng đầu tư trên đoạn đường này nhưng lại thu phí đoạn đường khác, mà điển hình là trường hợp BOT Cai Lậy. Thứ ba là vấn đề giá vé quá cao so với thu nhập của người dân.

Chuyện các trạm BOT thu phí quá cao có thể nói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đa số các cuộc phản đối của cánh tài xế. Trong những bản tin được truyền thông trong nước loan đi, có nhiều người dân kêu than rằng một ngày họ phải chở con đi học và chở con về đến 4, 5 lần, tổng cộng phải trả tiền phí qua trạm lên đến gần 200.000 đồng/ ngày. Họ nói rằng tiền phí có khi còn cao hơn cả thu nhập của một số người.

Trao đổi với RFA, một tài xế ở Long An, xin giấu tên, nêu ra những vấn đề “vô lý” mà các trạm BOT cần giải quyết:

Ở Long An mình cũng chuẩn bị sẽ có 1 BOT. Nhưng người ta đầu tư toàn bộ số vốn để làm nên 1 con đường mới. Và người ta đặt vị trí BOT trên con đường mới đó thì không ai có thể chống đối hoặc phản đối. Đó là hợp lý. Còn trạm BOT Cai Lậy làm đường tránh nhưng lại thu trả con đường Quốc lộ 1 do ông cha để lại. Quá vô lý.

Tuyến đường đó, chủ đầu tư banh hết con đường, nâng cấp hoàn toàn con đường thì đặt trạm BOT hoàn toàn hợp lý. Ví dụ mình làm hoàn toàn mới, nâng cấp hoàn toàn mới thì đặt BOT người ta không phản đối. Còn nếu chỉ trải 1 lớp nhựa ngang qua rồi thu phí 2 con đường thì quá vô lý.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cho rằng để ngành BOT giao thông Việt Nam còn có thể phát triển trong tương lai thì Nhà nước cần ngay lập tức hủy những dự án bất công với người dân và chỉ cho xây dựng những dự án được hoạch định cụ thể, hợp lý:

Tôi nghĩ rằng vì BOT đã bị biến dạng và méo mó một cách hết sức xấu như thế này thì tôi nghĩ rằng Nhà nước nên chấm dứt những chuyện như vậy và chỉ cho những dự án BOT nếu được thẩm đinh có thực lực thật. Thậm chí cho cả nước ngoài thầu cũng được, Tàu cũng được, nếu họ làm một con đường riêng và sau 15 năm gì đó trao cho chúng tôi. Nhưng tiền phải là của các ông, chứ không phải chỉ có mấy phần trăm xong rồi đi vay mượn lung tung của ngân hàng. Tức là việc thẩm định các dự án BOT phải thật nghiêm túc.

Giải thích vì sao lại gọi BOT ở Việt Nam đã bị “biến dạng, méo mó”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói rằng người ta đã lạm dụng các dự án dưới mác “BOT” để kiếm tiền một cách bất chính.

Ông cũng nhắc lại một điểm đó là các dự án BOT phải được công khai với người dân để họ biết ai là người đầu tư và người đó có khả năng hay không, kế hoạch như thế nào. Ông nhấn mạnh rằng trong một dự án BOT gồm có 3 bên là Nhà nước, chủ đầu tư và người dân thì người dân là bên quan trọng nhất. Vì vậy ông cho rằng người dân phải được quyền góp tiếng nói vào dự án mà họ phải bỏ tiền túi đển trả phí.

Tuy nhiên, tại hầu hết các dự án BOT ở Việt Nam người dân và cụ thể là giời tài xế và cả các doanh nghiệp giao thông vận tải nói rằng họ chưa bao giờ được hỏi ý kiến. Trong khi đó lẽ ra việc này phải được thực hiện như một phần của báo cáo đánh giá tác động môi trường xã hội mà Việt Nam quy định tất cả các dự án phải có.

Ngoài ra, kết luận thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 9/2017 còn nêu rõ là 100% các dự án BOT ở Việt Nam là chỉ định thầu và lý do cơ quan chức năng đưa ra là chỉ có một nhà đầu tư duy nhất tham gia.

Giải pháp trước mắt

Qua hàng loạt các cuộc phản đối của người dân tại các trạm BOT, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm đưa ra những giải pháp trước mắt để đối phó với tình trạng này:

“Anh làm dự án đường nào thì thu phí đường đó. Giá phí đừng quá cao, bình thường thôi, người ta sẽ chấp nhận được. Nhưng như thế nhà đầu tư không thu hồi được nhanh số vốn như dự định, thì Nhà nước phải đóng góp vào đó một phần tiền.

Chẳng hạn như thu phí ở con đường tránh dự định trong 10 năm để thu hồi vốn nhưng vì lượng xe ít phải mất độ 20 năm, thì Nhà nước phải bỏ vào một nửa tiền. Cách đó là hợp lý nhất và nhanh nhất.”

Hiện tại các dự án BOT ở Việt Nam đều do nhà đầu tư bỏ tiền ra để xây dựng sau đó thu phí để hoàn vốn là lấy phần lãi đã dự tính. Sau khi thu được cả vốn và lời, nhà đầu tư sẽ giao cho Nhà nước quản lý. Đây cũng là mô hình Xây dựng – Vận hành –Chuyển giao theo đúng nghĩa BOT nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Tuy nhiên ở Việt Nam nhiều nhà đầu tư đã đề nghị mức phí cao để rút ngắn khoảng thời gian thu phí lại.

Tuyến đường đó, chủ đầu tư banh hết con đường, nâng cấp hoàn toàn con đường thì đặt trạm BOT hoàn toàn hợp lý. 

– Tài xế

Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại để ý thấy rằng năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã thu thuế vượt 70 ngàn tỷ so với kế hoạch. Vì vậy ông đề xuất rằng Việt Nam lấy số tiền đó hoặc lấy tiền ngân sách mua lại các dự án BOT, nhưng không mua với cái giá nhà đầu tự khai vống lên mà phải có kiểm toán độc lập, công khai về khoản tiền được chi cho dự án.

Cuộc khủng hoảng mang tên BOT đã nhiều lần được các vị lãnh đạo cấp cao nhắc đến, trong đó có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Khi vụ việc tại trạm BOT Cai Lậy bùng nổ, bà Ngân từng công nhận rằng người dân phản đối là đúng,  đồng thời Thủ tướng Phúc cũng hứa sẽ giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cho đến giờ này đã một tháng trôi qua vẫn chưa thấy Việt Nam đưa ra giải pháp để giải quyết rốt ráo vấn đề này.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-to-be-immediately-done-to-deal-with-bot-crisis-01082018121917.html

 

Campuchia đàm phán mở chốt biên giới với Việt Nam

Chính quyền tỉnh Ratanakiri, Campuchia, đang cố gắng giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam, thúc giục phía Việt Nam mở lại bốn điểm tiếp giáp hai nước đã bị phía Việt Nam đóng thời gian gần đây. Tờ Phnom Penh Post trích lời phát ngôn Nhân Cảnh sát Quốc Gia, ông Kirth Chantharith, cho biết như vậy hôm 8/1.

Trước đó hai bên đã có bất đồng về những chốt biên giới này. Phía Việt Nam muốn mở thêm 4 điểm mới thêm vào 4 điểm cũ. Tuy nhiên, phía Campuchia chỉ đồng ý cho Việt Nam mở thêm một điểm kiểm soát mới tại biên giới hai nước. Đáp lại, phía Việt Nam đóng luôn bốn điểm giao thương đã có giữa hai nước.

Ông Kirth Chantharith nói với các phóng viên rằng các giới chức tỉnh Ratanakiri đang đàm phán để giải quyết vấn đề và không có thách thức gì lớn.

Ngược lại, ông Nguon Keoun, tỉnh trưởng tỉnh Ratanakir và người đại diện là ông Yem Sam Oeun lại cho rằng tình hình không có gì sáng sủa bởi theo ông, phía Việt Nam vẫn yêu cầu mở thêm bốn điểm kiểm soát trong khi phía Campuchia cho rằng chỉ một điểm là đủ vì ba điểm kia dẫn vào rừng chứ không phải đường lộ.

Ông Sam Oeun cho rằng phản ứng của phía Việt Nam lâu nay đã cản trở các cộng đồng người Gia Rai sống dọc biên giới có thể qua lại để thăm thân nhân.

Ông nói thêm là hai nước đang cố gắng giải quyết vấn đề nhưng chưa thể nói khi nào mới kết thúc.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cambodia-negotiates-reopening-vietnam-border-crossings-01092018082347.html

 

Dân biểu Mỹ quan tâm tới Việt Nam không tái tranh cử

Một dân biểu Mỹ từng nhiều lần phát biểu về các vấn đề liên quan tới Việt Nam, hôm 8/1, thông báo quyết định không tái tranh cử vào tháng 11 năm nay.

Ông Ed Royce, hiện còn làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết rằng với sự ủng hộ của vợ ông, bà Marie, ông quyết định không tiếp tục chạy đua trở thành người đại diện cho địa hạt 39 của California., nơi có đông người Việt sinh sống, tại cơ quan lập pháp Mỹ.

Quận Cam sẽ luôn là nhà của tôi và Marie, và chúng tôi nóng lòng muốn ở bên cạnh tất cả những người bạn vào Tết Âm lịch, Ngày Người Mỹ gốc Hàn, Lễ độc lập 4/7 và nhiều sự kiện cộng đồng khác trong những năm tới.

Ông Ed Royce viết.

Trong tuyên bố của mình, ông Royce viết: “Quận Cam sẽ luôn là nhà của tôi và Marie, và chúng tôi nóng lòng muốn ở bên cạnh tất cả những người bạn vào Tết Âm lịch, Ngày Người Mỹ gốc Hàn, Lễ độc lập 4/7 và nhiều sự kiện cộng đồng khác trong những năm tới”.

Dân biểu này từng đồng bảo trợ một dự luật kêu gọi Quốc hội Mỹ công nhận Tết Âm lịch của nhiều người Mỹ gốc Á và tầm quan trọng của các giá trị văn hóa và lịch sử của sự kiện này.

Trên trang Facebook chính thức, nhiều người, trong đó có người Việt, đã để lại những lời bình luận cám ơn ông Ed Royce.

Một người có tên Ng Hoang viết: “Thật sự buồn khi biết tin, ông Ed. Chúng tôi sẽ nhớ ông, nhưng chúc ông mọi điều tốt đẹp nhất”.

Trong những năm trên cương vị dân biểu đại diện cho địa hạt có nhiều người Mỹ gốc Việt, ông Royce đã không ít lần lên tiếng thay cho họ về các vấn đề liên quan tới Việt Nam.

Mới đây nhất, hôm 4/1, ông đã bình luận về việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa nhiều nước trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, nhưng không có Việt Nam.

Thông cáo có đoạn: “Tôi phiền lòng vì Việt Nam một lần nữa lại không bị đưa vào danh sách trong năm nay. Người dân Việt Nam tiếp tục bị vi phạm về tự do tôn giáo và các quyền khác. Hoa Kỳ không bao giờ nên ngưng điểm tên các nước vi phạm như thế”.

Ông Royce từng trở thành tâm điểm chỉ trích của báo chí nhà nước Việt Nam sau khi ông lên tiếng kêu gọi tự do và nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tờ Công an Nhân dân thuộc lực lượng công an Việt Nam từng công kích dân biểu này vì bảo trợ cho dự luật HR 4254 mà báo này nói là “nhằm ngăn cấm cán bộ, đảng viên Việt Nam bị cho là ‘có hành động vi phạm nhân quyền’ không được đến Hoa Kỳ với bất cứ lý do gì”.

Ở đây ngoài sự quy chụp “hành động vi phạm nhân quyền” như cái cách mà một số dân biểu Hạ viện Mỹ cùng những kẻ chống đối, thù địch với Việt Nam vẫn vi cớ vu cáo, xuyên tạc thì nó còn lộ rõ những suy nghĩ hết sức thiển cận và vi phạm luật pháp quốc tế.

Báo Công an Nhân dân viết.

Tờ báo viết: “Ở đây ngoài sự quy chụp ‘hành động vi phạm nhân quyền’ như cái cách mà một số dân biểu Hạ viện Mỹ cùng những kẻ chống đối, thù địch với Việt Nam vẫn vin cớ vu cáo, xuyên tạc thì nó còn lộ rõ những suy nghĩ hết sức thiển cận và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Không chỉ nêu vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Royce cũng lên tiếng về Biển Đông, chủ đề quan tâm của người Việt trong và ngoài nước.

Ông từng ca ngợi Philippines vì đã thách thức Trung Quốc bằng cách đưa quốc gia này ra Tòa Trọng tài Quốc tế.

Ông Royce cho rằng “việc Bắc Kinh từ chối tham gia tiến trình tranh tụng của tòa là điều cực kỳ thất vọng vì họ từng tham gia và được hưởng lợi từ các phán quyết quốc tế tại Tổ chức Thương mại Thế giới”.

Sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại. Nỗ lực kiểm soát các tuyến đường biển quốc tế sống còn cần phải bị bác bỏ. An ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm của mọi người.

Ông Ed Royce nói.

“Sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại. Nỗ lực kiểm soát các tuyến đường biển quốc tế sống còn cần phải bị bác bỏ. An ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm của mọi người”, ông nói.

Ngoài ông Ed Royce, Quốc hội Mỹ hiện có một số các dân biểu khác cũng quan tâm tới các vấn đề liên quan tới Việt Nam như ông Chris Smith hay Alan Lowenthal vì họ đại diện cho các địa hạt có đông người Mỹ gốc Việt.

Bà Loretta Sanchez, một nữ dân biểu cũng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề của Việt Nam, năm 2016 quyết định không tái tranh cử vào Hạ viện mà chạy đua vào Thượng viện Mỹ, thay thế bà Barbara Boxer, một người cũng quan tâm tới các vấn đề của Việt Nam, nhưng thất bại.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-my-quan-tam-toi-viet-nam-khong-tai-tranh-cu/4199699.html

 

Cựu chủ tịch VN cảnh báo

nguy cơ từ tham nhũng, suy thoái

Cựu Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nêu câu hỏi “Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu” nếu tham nhũng và suy thoái “không được loại trừ” trong một bài viết thể hiện quan điểm đăng hôm 8/1 trên trang VNExpress.

Trong bài viết hơn 2000 từ, ông Sang dành tới 70% độ dài để điểm lại các sự kiện trong lịch sử Việt Nam, từ đó đưa ra đánh giá rằng “tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền” là nguyên nhân chung dẫn đến sự suy vong của nhiều triều đại khác nhau, từ nhà Trần thời thế kỷ 13 cho đến nhà Lê cuối thế kỷ 18.

Việc liên hệ đến lịch sử, theo vị cựu chủ tịch nước, cũng là để mọi người biết đến “kho tàng những kinh nghiệm vô giá” của cha ông, và ngay trong đoạn văn kế tiếp, ông Sang đã đề cập đến diễn biến ở Việt Nam trong năm qua.

Còn vô số những câu chuyện tham nhũng khác mà chúng ta vẫn còn chưa được đề cập tới. Nhà nước Việt Nam cũng chưa thể làm được gì những người đó lúc này. Do đó, bài viết của ông Trương Tấn Sang, tôi nghĩ, nó cũng là một trong những phương thức vận động quần chúng trong một thời điểm nào đó.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Không đi vào chi tiết, cựu Chủ tịch Sang khẳng định những gì Ðảng Cộng sản Việt Nam đã làm trong năm 2017 trong công tác cán bộ và xây dựng đảng là “đúng với mong muốn và nguyện vọng của toàn dân”. Ông cho rằng “niềm tin trong nhân dân đã trở lại”.

Trong năm 2017, như báo chí đưa tin, hàng loạt vụ cách chức hoặc bắt giam các quan chức có sai phạm đã diễn ra ở Việt Nam. Đáng chú ý nhất là một ủy viện Bộ Chính trị đầy quyền lực, ông Đinh La Thăng, truy tố về tội “cố ý làm trái” các quy định của nhà nước, hay ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, bị truy tố vì tội tham nhũng cũng như “cố ý làm trái”.

Bài viết của ông Sang được đăng đúng ngày một tòa án ở Hà Nội bắt đầu xét xử các ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Về sự trùng hợp này, nhạc sỹ Tuấn Khanh, người nhiều năm theo dõi và bình luận về chính trị, xã hội Việt Nam, đưa ra nhận định với VOA:

“Còn vô số những câu chuyện tham nhũng khác mà chúng ta vẫn còn chưa được đề cập tới. Nhà nước Việt Nam cũng chưa thể làm được gì những người đó lúc này. Do đó, bài viết của ông Trương Tấn Sang, tôi nghĩ, nó cũng là một trong những phương thức vận động quần chúng trong một thời điểm nào đó mà người ta thấy rằng quần chúng đang bị chia rẽ quá nhiều suy nghĩ của mình trước một sự kiện”.

Những người dân mà chống tham nhũng cho tới giờ phút này là những người lúc nào cũng gặp khổ nạn. Chưa bao giờ như lúc này, quyền hành, tham nhũng, cường hào, v.v… mỗi thứ đang trở thành vấn nạn và đè bẹp hết tất cả mọi thứ.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Trong phần cuối bài viết với vỏn vẹn hơn 300 từ, ông Trương Tấn Sang nói về tình hình hiện nay và các hành động của đảng. Ông nhấn mạnh “việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại”. Ông viết tiếp rằng “đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm”.

Tuy nhiên, với quan sát của người làm việc lâu năm trong lĩnh vực báo chí, nhạc sĩ Tuấn Khanh không cho rằng nhân dân thực sự được đóng một vai trò trong cuộc chiến chống tham nhũng:

“Những người dân mà chống tham nhũng cho tới giờ phút này là những người lúc nào cũng gặp khổ nạn. Chưa bao giờ như lúc này, quyền hành, tham nhũng, cường hào, v.v… mỗi thứ đang trở thành vấn nạn và đè bẹp hết tất cả mọi thứ. Tôi nghĩ rằng người dân có thể đóng góp với kiểu của mình cho một phong trào, tiếng nói, khi nhà nước đồng ý cho phong trào đó xuất hiện. Nhân dân chỉ là người hô hào theo lời mào đầu, vận động của ai đó, tôi nghĩ nó không có kết quả gì tốt đẹp hơn”.

Sử dụng các câu hỏi tu từ, vị cựu chủ tịch nước của Việt Nam chỉ ra rằng nhân dân và các đảng viên “luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái”. Vẫn theo ông, người Việt Nam đã chứng kiến những “kẻ có lòng tham vô đáy” lợi dụng kẽ hở của chính sách hoặc lạm dụng quyền lực để “móc túi nhân dân”. Nhưng ông Trương Tấn Sang đã không chỉ đích danh những kẻ đó là ai.

Cựu chủ tịch Sang đưa ra cảnh báo dưới dạng một câu hỏi: “Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu?” Tiếp đến, ông nêu ý kiến rằng “Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động”. Tuy nhiên, ông không đi vào chi tiết cần phải có những hành động gì.

Nhà bình luận Tuấn Khanh nói về sự thiếu vắng vấn đề, giải pháp cụ thể trong ý kiến của ông Sang:

“Thực sự ông không đề nghị đặt ra một vấn đề nào cần phải được làm rõ. Ví dụ, bán đảo Sơn Trà, hay biệt điện ở Yên Bái, ông ta không đưa ra vấn đề nào cả. Bởi vì mọi thứ vẫn là một thứ: vận động chứ không phải đòi hỏi một cuộc tấn công thật sự minh bạch và quyết liệt vào vấn đề tham nhũng”.

Lưu ý rằng toàn bộ bài viết của ông Trương Tấn Sang không hề nhắc đến triều Nguyễn, mà theo ông Khanh đó là các đời vua cận đại có những hành động chống tham nhũng rất mạnh mẽ, ông Khanh nói điều này vẫn thể hiện một tư duy tránh né.

Trên nền tảng tư duy như vậy, bài viết không có một cái kết chỉ đích danh những người phạm tội tham nhũng, không tôn vinh những con người cụ thể chống tham nhũng, và không nêu ra các giải pháp như nhiều người mong đợi là điều dễ hiểu, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-chu-tich-vn-canh-bao-nguy-co-tu-tham-nhung-suy-thoai/4198324.html