Tin Việt Nam – 02/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 02/08/2017

Điểm báo: ‘VN mạnh tay hơn vì Trump lơ là nhân quyền’

Việt Nam đang tiến hành một cuộc đàn áp lớn nhất đối với giới bất đồng chính kiến trong nhiều năm qua và các nhà hoạt động cho rằng chính quyền Việt Nam đã mạnh tay hơn do sự thiếu quan tâm về nhân quyền của chính quyền Mỹ Donald Trump, theo bài ngày 2/8 của Matthew Tostevin, trưởng văn phòng Reuters tại Việt Nam.

Quyết định từ bỏ Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã loại bỏ một yếu tố thúc đẩy Hà Nội cải thiện tình hình nhân quyền, Reuters dẫn lời các nhà hoạt động.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng mối quan hệ song phương giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào tiến bộ của Hà Nội trong vấn đề nhân quyền.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn các blogger và giới phê bình có tiếng nói về những vấn đề như sự cố cá chết vào năm ngoái.

Vụ án Nguyễn Văn Đài: bắt thêm 4 người

Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?

Việt Nam: Thêm một người bị bắt vì Điều 88

Ít nhất 15 người đã bị bắt vào năm 2017 – nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ cuộc đàn áp các nhà hoạt động thanh niên vào năm 2011 – theo số liệu của Reuters thu thập từ chính quyền địa phương và trung ương.

Bốn nhà bất đồng chính kiến ​​- một mục sư, một kỹ sư, một nhà báo và một luật sư – đã bị bắt vào tuần trước.

Tự do ngôn luận

“Các hoạt động xã hội dân sự và phong trào dân chủ và nhân quyền đã gia tăng trong vài năm gần đây và với mạng xã hội, tiếng nói của họ ngày càng có tiếng vang hơn”, Nhà hoạt động xã hội dân sự, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.

“Điều đó là một vấn đề cho nhà cầm quyền,” ông A nói thêm.

Trong 18 tháng qua, ông A nói rằng ông đã bị giam giữ đến 12 lần mà không hề bị buộc tội, trong khi không hề bị giam giữ đến một lần 18 tháng trước đó.

Chính quyền Việt Nam thì nói chỉ đang chống lại những cá nhân vi phạm pháp luật, bằng những ràng buộc nghiêm ngặt về tự do ngôn luận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật Việt Nam”, phản ứng lại chỉ trích của Liên Hiệp Quốc về việc bỏ tù một blogger.

Thay đổi lãnh đạo

Theo các nhà hoạt động, nhà ngoại giao và các nhà phân tích, cuộc đàn áp lớn này bắt đầu từ Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 1/2016, khi cán cân chính trị nghiêng về những cá nhân bảo thủ ưu tiên an ninh nội bộ và kỷ luật.

Nguyễn Phú Trọng: ‘Vi phạm, phải kỷ luật, xử lý’

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho biết: “Mặc dù Việt Nam chỉ có một đảng theo hiến pháp, nhưng nó thực sự có nhiều phe phái và các nhóm lợi ích đằng sau hậu trường.”

“Tình hình chính trị đang chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ với các nhà hoạt động, mà còn trong Đảng Cộng sản.”

Trong khi đó, các nhà hoạt động bắt đầu lên tiếng nhiều hơn với các cuộc biểu tình đường phố liên tiếp bùng nổ vào năm ngoái sau thảm họa cá chết do nhà máy thép Formosa của Đài Loan.

Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù

Bà Thúy Nga bị kết án 9 tù, 5 năm quản chế

Cựu chiến binh bị bắt vì ‘lật đổ chính quyền’

Trong số các blogger có hồ sơ cá nhân nổi lên trên các cuộc biểu tình Formosa là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mẹ Nấm, bị tuyên án 10 năm tù và Trần Thị Nga, người bị phạt tù 9 năm vào tháng trước.

Nhân tố Trump

Washington không chỉ không quan tâm đến khu vực hay nhân quyền mà Tổng thống Donald Trump cũng không cho Việt Nam thêm bất kỳ lí do nào để nỗ lực hơn về vấn đề nhân quyền khi ông từ bỏ TPP.

“Việt Nam nhận ra họ chẳng gặp bất lợi gì cho việc đàn áp như họ luôn mong muốn,” Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.

“Trump và các chính sách của ông ta khiến cho tình trạng [vi phạm nhân quyền] này tồi tệ hơn.”

Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sự gia tăng các vụ bắt giữ nhà hoạt động Việt Nam kể từ đầu năm 2016 là “rất đáng lo ngại” và kêu gọi thả tất cả tù nhân lương tâm.

“Tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Việt Nam đạt được tiềm năng to lớn nhất”, Justin Higgins, phát ngôn viên của Văn phòng Vụ Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao, phát biểu.

Việt Nam chưa đưa ra phản ứng về bài báo của Reuters.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40798980

 

Đức phản đối Việt Nam bắt cóc cựu viên chức trốn ở Đức

Đức vào ngày 2 tháng 8 lên án cơ quan tình báo và đại sứ quán Hà Nội về việc bắt cóc một cựu quan chức dầu khí Việt Nam đang xin qui chế tỵ nạn tại Đức, ông Trịnh Xuân Thanh.

Đức còn nói cho một viên chức đại diện cơ quan tình báo Việt Nam 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức sau vụ việc vừa nêu.

Hãng tin AP loan tin phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schaefer, nói rằng chính phủ Đức không còn nghi ngờ gì việc đại sứ quán Việt Nam và cơ quan tình báo nước này có dính líu vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 tháng 7 vừa qua.

Theo phát ngôn nhân Martin Schaefer thì vụ việc có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hai  nước một cách lớn lao. Ông này cho rằng đó là việc cực kỳ làm mất lòng tin.

Hãng tin AFP thì dẫn lời của  phát ngôn nhân Martin Schaefer rằng việc bắt cóc công dân Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp nước Đức chưa hề có tiền lệ và gây tai tiếng.

Vào ngày 1 tháng 8, phía Đức đã triệu đại sứ Việt Nam đến và yêu cầu phía Việt Nam phải trao trả ông Thanh về cho phía Đức để thực hiện các thủ tục về tị nạn và trục xuất đúng cách. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết giới chức hai nước đã gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G20 hồi tháng 7 vừa qua để thảo luận đề nghị từ phía Hà Nội là muốn Đức trục xuất ông Thanh.

Trước đó, một nhật báo ở Đức có tên Taz loan tin có thể ông Trịnh Xuân Thanh đã bị công an Việt Nam bắt cóc tại thủ đô Berlin, nước Đức để đưa về Việt Nam.

Tờ này trích lời người phát ngôn Sở Cảnh sát Berlin nói họ nghi ngờ có một vụ bắt cóc xảy ra và đang tiến hành điều tra.

Nhật báo Taz nói rằng báo chí Việt ngữ ở thủ đô nước Đức đã đưa tin vừa nêu, cho rằng ông Thanh bị bắt cóc tại một vườn hoa ở thủ đô Berlin vào ngày 23 tháng 7, và có những nhân chứng mục kích vụ bắt cóc.

Ngày 31 tháng 7, báo chí trong nước nói ông Trịnh Xuân Thanh đã đến Bộ công an tại Hà nội để đầu thú.

Cùng ngày, nhà báo Lê Trung Khoa, của một tờ báo tiếng Việt tại thủ đô Berlin có nói với đài BBC Việt Ngữ rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc chứ không phải tình nguyện về Việt Nam ra đầu thú như báo chí trong nước đưa tin.

Nhật báo Taz cho biết có liên lạc với Bộ Ngoại giao Đức, nhưng được cơ quan này cho biết là họ không có thông tin gì về vụ việc được hỏi.

Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sau khi rời khỏi vị trí này ông trúng cử đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang, đồng thời được cử làm phó chủ tịch tỉnh này.

Vào khoảng tháng bảy năm 2016, ông Thanh trốn ra nước ngoài sau khi báo chí Việt Nam đưa ra nghi vấn tham nhũng lên tới 3300 tỉ đồng có liên quan tới ông Thanh tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí.

Sau đó cơ quan chức năng Việt Nam cho biết là đã phát lệnh truy nã toàn thế giới đối với ông Thanh.

Hiện nay vẫn chưa có hình ảnh nào liên quan đến việc đầu thú của ông Thanh được cơ quan chức năng đưa ra.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/germany-blasts-vietnam-over-kidnap-of-former-oil-executive-08022017090236.html

 

Việt Nam rơi vào ‘thế kẹt’ với Đức

Viễn Đông

Chính quyền Hà Nội đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, sau khi Berlin cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh trên đất của mình, và đòi đưa ông trở lại Đức, theo giới quan sát.

Trong thông cáo gửi cho VOA Việt Ngữ, Bộ ngoại giao Đức nói rằng vụ bắt này “chưa từng có tiền lệ và vi phạm trắng trợn luật pháp của Đức cũng như quốc tế”.

Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức là điều chưa có tiền lệ và vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và quốc tế.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức có đoạn.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một người nghiên cứu về Việt Nam lâu năm ở Mỹ, nhận xét rằng Việt Nam đang ở trong “thế kẹt”.

Ông nói thêm: “Nếu đúng, nó tạo ra thế khó xử cho Việt Nam. Tạo thêm rắc rối. Đây là vấn đề ngoại giao khó xử. Nó tạo ra một tình huống tương đối là xấu”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh rằng “không còn nghi ngờ” về chuyện “các cơ quan của Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin có liên quan” tới vụ này.

Tới tối ngày 2/8 (giờ Việt Nam), cơ quan đại diện ngoại giao của Hà Nội ở thủ đô Đức chưa trả lời yêu cầu bình luận từ VOA tiếng Việt. Bộ Công an Việt Nam trước đó ra thông cáo nói rằng ông Thanh đã “ra đầu thú”, nhưng không nói rõ chi tiết về việc này.

Đòi hỏi của ngoại giao Đức thì phải giải quyết. Tùy việc giải quyết nó ra sao. Và khi giải quyết thì Việt Nam có priority (ưu tiên) gì. Trong nội bộ có mâu thuẫn gì không? Người nào sẽ chịu trách nhiệm?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Về những diễn biến sắp tới, giáo sư Hùng nói rằng Việt Nam cần phải hồi đáp trước yêu cầu của chính quyền Berlin.

Ông nói tiếp: “Đòi hỏi của ngoại giao Đức thì phải giải quyết. Tùy việc giải quyết nó ra sao. Và khi giải quyết thì Việt Nam có priority (ưu tiên) gì. Trong nội bộ có mâu thuẫn gì không? Người nào sẽ chịu trách nhiệm? Người ta nói rằng làm cái gì phải biết cái giá mà ta phải trả”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nói rằng “sự việc kiểu này có nguy cơ gây tổn hại tới quan hệ giữa Đức và Việt Nam một cách hết sức bất lợi”.

Chính quyền Berlin cũng nói rằng Việt Nam đã “bội tín” sau khi từng yêu cầu dẫn độ ông Thanh về nước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị G20 ở Đức hồi đầu tháng trước.

Bình luận trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Lò Đức thiêu củi nào?”. Người từng tham dự nhiều cuộc gặp với các nhà ngoại giao phương Tây ở Hà Nội nhận xét rằng “chuyện tự nguyện về “đầu thú” là hoang đường” và rằng “hệ lụy ngoại giao không thể lường được”.

Hôm 31/7, phát biểu tại một phiên họp về chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới chuyện “lò” và “củi” trong chuyện chống tham nhũng.

VietNamNet trích lời ông Trọng nói: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Ông Thanh bỏ trốn năm ngoái trong bối cảnh Tổng bí thư Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhất là vụ xe sang trị giá nhiều tỷ đồng.

​Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng những sự kiện gần đây, trong đó có vụ ông Trịnh Xuân Thanh, “cho chúng ta thấy rõ hơn ý định của ông Nguyễn Phú Trọng”, và rằng lãnh tụ đảng cũng như đồng minh của mình có thể mở “cuộc oanh kích chống tham nhũng trên quy mô lớn đối với những gì không thể phớt lờ”.

Còn giáo sư Carl Thayer nói với VOA tiếng Việt rằng tham nhũng giống đang “ăn mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam”, và đây là điều đã được các quan chức cấp cao của đảng “công khai thừa nhận trong hơn một thập kỷ qua”.

Nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam nói thêm: “Một trong những quyết định của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhận nhiệm sở lần đầu tiên đó là thành lập một đơn vị chống tham nhũng dưới sự giám sát của ông ấy. Thế mà các vụ tham nhũng lớn vẫn xuất hiện như vụ Vinashin và Vinalines. Ngoài ra, còn có tình trạng tham nhũng trong ngành ngân hàng. Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay đang đánh vào sự trì trệ dưới thời ông Dũng”.

“Đối với các quan chức hàng đầu của đảng, chiến dịch chống tham nhũng là điều cần thiết vì tham nhũng không chỉ gây tổn hại tới sự nắm quyền của đảng mà còn làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ở Việt Nam, các vụ chống tham nhũng không được tiến hành trong khuôn khổ của “pháp quyền” mà bằng “pháp trị””, giáo sư Thayer nhận định tiếp.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-roi-vao-the-ket-voi-duc/3969253.html

 

Thứ trưởng Công Thương sẽ được cho nghỉ hay mất chức?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã nộp đơn xin nghỉ việc ‘vì l‎ý do cá nhân’, Bộ Công Thương nói trong thông cáo báo chí ra hôm 2/8.

Đơn xin nghỉ việc được nộp hôm 28/7, trước thời điểm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm với bà.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương nói với truyền thông rằng họ vẫn chưa nhận được chỉ đạo chính thức của cơ quan điều tra của Đảng. Hiện phần việc bà Thoa vẫn đảm nhiệm đã được chuyển sang một quan chức khác của Bộ trong thời gian bà ‘xin nghỉ phép’ kể từ 1/8.

Nữ Thứ trưởng Bộ Công thương VN ‘sẽ mất chức’?

Các hãng tư vấn đánh giá vụ Đinh La Thăng

Ủy viên Bộ Chính trị nào ở VN từng bị kỷ luật?

Theo quy định về quản l‎ý cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp, bà Thoa không thuộc sự quản lí của Bộ Công Thương nên Bộ không có thẩm quyền chuẩn thuận hay bác đơn.

Quyết định này “thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”, trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan, Bộ Công thương nói.

Bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật Đảng liên quan tới thời gian bà làm lãnh đạo ở Công ty Bóng đèn Điện Quang, 2004-2010.

Bà bị cho là đã vi phạm trình tự cổ phần hóa doanh nghiệp và không báo cáo đầy đủ cho Bộ chủ quản về việc xử l‎í, sử dụng các khoản tiền với tổng trị giá khoảng 37 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bà bị cho là đã có sai phạm trọng việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trong công ty, và đã không tuân thủ quy định về kê khai tài sản, thu nhâp.

‘Đi trước một bước’

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Việt Nam nộp đơn xin nghỉ việc hoặc ra khỏi Đảng khi đứng trước khả năng bị kỷ luật hay cách chức.

Báo Đức viết: ‘Bắt cóc từ sở thú Berlin về VN’

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘ra đầu thú’

Việt Nam ‘sẽ truy nã quốc tế’ cựu lãnh đạo PVTEX

Hồi tháng Chín năm ngoái, ông Trịnh Xuân Thanh nộp đơn xin ra khỏi Đảng sau khi mất vị trí Đại biểu Quốc hội và trở thành đối tượng bị điều tra về các khoản lỗ thời gian ông lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Ông Thanh sau đó đã bỏ trốn trong suốt gần 10 tháng, và vừa ‘đầu thú’ tại Hà Nội cách đây ít hôm, tuy có tin nói ông bị bắt cóc từ Đức chứ không phải tự nguyện ra trình diện.

Cũng trong thời gian cuối năm ngoái, một quan chức doanh nghiệp khác là ông Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), nộp đơn xin nghỉ việc không lương hồi tháng 11, tuy bản thân ông đã vắng mặt khỏi nhiệm sở từ trước đó một thời gian.

Đến tháng 6/217, ông Duy bị phát lệnh truy nã với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Hiện ông vẫn đang bị giới chức truy tìm.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40481667

 

Báo Dân Việt bị phạt liên quan thảm họa Formosa

Một tờ báo điện tử tại Việt Nam là tờ Dân Việt bị cơ quan quản lý báo chí của chính quyền Hà Nội phạt 10 triệu đồng với cáo buộc đưa hình ảnh sai sự thật về thảm họa môi trường Formosa.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra một quyết định phạt tờ báo Dân Việt vì tờ này đã đưa hình ảnh không đúng trong bài viết mang tựa đề: Bộ Tài nguyên Môi trường điểm mặt Formosa là sự cố môi trường nổi cộm năm 2016.

Tuy nhiên không rõ là báo Dân Việt đã đưa hình ảnh sai như thế nào.

Cũng theo báo Sài gòn giải phóng, trước đó một tờ báo điện tử khác là Hòa Nhập cũng đã bị phạt số tiền là 57 triệu đồng, vì đã đưa thông tin sai sự thật liên quan đến một vụ án tại tỉnh Đắc Nông.

Hơn 700 cơ quan truyền thông tại Việt Nam đều thuộc quyền quản lý của nhà nước, theo chỉ đạo thường xuyên của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản.

Trong khi đó, tại hội nghị về thông tin đối ngoại diễn ra ở Hà Nội vào ngày 2 tháng 8, ông Võ Văn Thưởng, phó Ban Tuyên giáo Trung ương đảng nói rằng cần phải xử lý nhanh những thông tin nhạy cảm để chủ động định hướng dư luận. Ban tuyên giáo trung ương là cơ quan phụ trách tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam.

Ông Thưởng nói rằng cần cần đưa tin phù hợp với từng đối tượng khác nhau, và phải đưa tin lành mạnh đến nhân dân, bạn bè trong và ngoài nước.

Ông cho rằng công tác thông tin đối ngoại góp phần giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo, tuy nhiên trong thời gian qua việc cung cấp những thông tin nhạy cảm còn phải qua nhiều khâu, có lúc bị động và lúng túng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/an-online-newspaper-got-fined-because-of-formosa-08022017091858.html

 

Việt Nam ra lệnh bắt 16 lãnh đạo ngân hàng

Hai cựu lãnh đạo của một ngân hàng tư nhân hàng đầu của Việt Nam đã bị chính quyền bắt giữ hôm qua, 01/08/2017, với cáo buộc tham ô khoản tiền tương đương hàng trăm triệu euro. Đó là ông Phan Huy Khang, nguyên tổng giám đốc Sacombank và ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank.

Theo thông báo của cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, được đăng tải trên website bộ Công An, hai lãnh đạo trên bị tạm giam với cáo buộc « cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ». Ngoài ra, bộ Công An cũng ra lệnh bắt 14 lãnh đạo khác của nhiều ngân hàng tư nhân và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.

Theo hãng tin Pháp AFP, các nhân vật trên được cho là thông đồng với Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam, bí mật rút khối lượng tiền lớn khỏi tài khoản của khách hàng để cho các doanh nghiệp vay hoặc tự ý sử dụng, gây thiệt hại tới 660 triệu USD. Tháng 09/2016, 36 cựu nhân viên của Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam đã bị tuyên án tù giam, thậm chí có bị can bị kết án tới 30 năm tù.

Từ năm 2011, chính phủ Việt Nam bắt đầu chiến dịch cải cách sâu rộng hệ thống ngân hàng để lành mạnh hóa lĩnh vực này. Nhiều doanh nhân giàu có và nhiều quan chức đã bị bắt.

Năm 2015, Việt Nam là một trong những nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng quản lý ngân hàng vẫn còn nhiều yếu kém. Hiện ngành ngân hàng Việt Nam đang phải xử lý nhiều nợ xấu.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170802-viet-nam-bat-them-2-cuu-lanh-dao-ngan-hang-sacombank