Tin Trong Nước – Thứ Bảy 4/1/2014
Tin Trong Nước – Thứ Bảy 4/1/2014
1. Việt Nam nhận 11 tỷ đô la kiều hối năm 2013
2. Thủ tướng Dũng và phép toán thông điệp
3. Việt Nam muốn gì khi đăng cai Vesak 2014
1. Việt Nam nhận 11 tỷ đô la kiều hối năm 2013
Kiều hối năm 2013 của Việt Nam đạt 11 tỷ đô-la trong năm 2013, khiến VN đứng vào danh sách một trong 9 quốc gia trên thế giới nhận được luợng kiều hối nhiều nhất.
Thông tin từ Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm qua tăng cao, khoảng 4,7% so với năm ngoái.
Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban người Việt ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn nói rằng kiều hối đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng nói việc kiều bào đầu tư vào trong nước là bước đi hai chân vững chắc vừa về mặt tình cảm với quê hương vừa có thể củng cố vị thế của mình ở quốc gia sở tại.
Thống kê từ các cơ quan tài chính của Việt Nam cho thấy lượng kiều hối chuyển về Việt Nam liên tục tăng lên mỗi năm. Con số tổng cộng từ năm 1993 đến 2013 là khoảng 84 tỷ đô-la. – VOA
2. Thủ tướng Dũng và phép toán thông điệp
Thủ tướng CSVN có thể đang chuẩn bị cho tương lai chính trị của mình cho đại hội đảng kế tiếp từ bản thông điệp mới công bố đầu năm 2014, theo ý kiến phân tích từ Việt Nam.
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được lựa chọn trong cơ chế lãnh đạo tập thể để đưa ra thông điệp đầu năm có thể là chỉ dấu cho thấy ông Dũng đang có thể mong muốn cải tổ hình ảnh bản thân, ‘tạo dấu ấn cá nhân’ cho các bước đi trong tương lai của ông.
Tuy nhiên, bản thông điệp hôm 1/1/2014 thể hiện một số nội dung ‘khác lạ’ mà có thể đồng thời phản ánh một bước đi thay đổi mang tính bắt buộc về mặt chiến lược và chính sách đối nội trước áp lực trong nước và quốc tế, theo các ý kiến.
Trao đổi với BBC hôm 2/1 từ Hà Nội, TS Nguyễn Quang A nói ông tin rằng Thủ tướng Dũng có vi trí tốt hơn so với phần còn lại của bộ tứ lãnh đạo ở Việt Nam, khi đưa ra thông điệp đầu năm.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng ông Thủ tướng là người điều hành công việc hàng ngày của đất nước và ông ấy đưa ra thông điệp là hợp lý nhất so với những nguyên thủ khác. Bởi vì chỉ có ở Việt Nam mới có những nguyên thủ khác,
“Ở các nước có một nguyên thủ mang tính hình thức, chẳng hạn như là tổng thống, chủ tịch, vua chẳng hạn, thì những người ấy cũng không phải là nguyên thủ thực sự và họ cũng không bao giờ đưa ra thông điệp.
“Thường tất cả những người đưa ra thông điệp đầu năm đều là những người điều hành cơ quan hành pháp và hiểu như thế, ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra những thông điệp đầu năm, cũng là một thông điệp bình thường, không có gì lạ cả.”
Hôm thứ Năm, GS. Tương Lai nói ông ‘vui mừng’ vì bản thông điệp của Nguyễn Tấn Dũng chứa đựng các yếu tố ‘đổi mới’ liên quan dân chủ, cải tổ v.v…, tuy nhiên, Tiến sỹ A cho rằng, về thực chất, nội dung của thông điệp là ‘không có gì mới’.
Ông A cũng cho rằng cần phải giành thời gian theo dõi việc liệu các nội dung của thông điệp có được thực hiện nghiêm túc hay không trên thực tế.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng không có gì là tin mừng cả, bởi vì những chuyện như thế người ta đã nói cả ngàn lần rồi.
“Bây giờ phải xem người ta làm việc ấy hiện nay và trong tháng tới, trong ba tháng tới, trong sáu tháng tới như thế nào, còn nghe những lời ‘nhân dân làm chủ’ rồi đủ những thứ khác, thì người ta nói nhiều chục năm nay rồi, không có gì là mới cả. Đối với tôi không có gì là mới và cũng chẳng có gì là đáng mừng cả, bởi vì ít ra là tôi đã nghe những cái như thế rất nhiều lần rồi.”
Cũng hôm 2/1 từ Sài Gòn, TS kinh tế Phạm Chí Dũng nói ông tin rằng bản thông điệp cho thấy Dũng đang có sự trở lại trong một chặng đường mới, tái củng cố vị thế chính trị của mình.
Ông nói: “Tôi cảm thấy đây là một bước khởi đầu đối với ông Nguyễn Tấn Dũng trong một giai đoạn mới mà ông Dũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của nhiều tầng lớp trong đó đặc biệt là tầng lớp trí thức, mà trí thức ở đây không chỉ thuần túy ở trong đảng mà còn đồng thời trí thức ngoài đảng nữa.”
“Và hơn nữa, có lẽ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng muốn nhắm tới sự ủng hộ và sự tranh luận tương đối đa chiều của giới trí thức hải ngoại.”
Theo nhà quan sát này, bản thông điệp cũng cho thấy Dũng và các cộng sự làm chính sách đang có một số dấu hiệu thay đổi sách lược mà ít nhất muốn tạo ra một diện mạo mới trước quần chúng ‘ít nhất về mặt phát ngôn.’
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói: “Khi đọc thông điệp này, tôi nhận thấy một sự khác lạ, một sự khởi đầu, điều đó có thể dự báo được. Tôi đã nghe trước đây câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng muốn làm một điều gì đó để đổi mới, ít nhất để đổi mới gương mặt của chính thể và cũng đồng thời có một sắc thái mới đối với dung mạo, diện mạo của ông, trong con mắt của quần chúng và nhân dân.”
“Điều đó dẫn tới thông điệp đầu năm và tôi cho đó là một bước khởi đầu ít nhất về mặt ngôn luận, ít nhất về mặt phát ngôn. Thông điệp này theo tôi đáng giá hơn là thông điệp Shangri-la về ‘Lòng tin chiến lược’ vì thông điệp này ít nhất ghi nhận một số khái niệm mới trong đó có những cụm từ về ‘dân chủ’ và có liên quan một số vấn đề cụ thể mà trong thời gian vừa rồi đã có dư luận, nhưng chưa thành hình.”
Còn TS A nói: “Chắc chắn nó (bản thông điệp) phải có một ý nghĩa và người đưa ra thông điệp cũng muốn giành một ưu thế gì đấy cho bản thân mình với thông điệp của mình. Bởi vì nếu thông điệp mang một dấu ấn cá nhân rất mạnh mẽ để có sự ủng hộ của công luận, cái đấy, tôi nghĩ, nguyên thủ quốc gia nào cũng đều có ý định như vậy.”
Hôm thứ Năm 2/1, bà Phạm Chi Lan nói bà quan tâm nhiều hơn tới nội dung của bản thông điệp hơn so với việc chính khách lãnh đạo có động cơ nào. Bà nói: “Không ai dám võ đoán về động cơ, động lực của một người ở vị trí cao cấp như vậy, nhưng điều mà tôi chỉ mong đợi là thông điệp này thể hiện sự nhận thức của nhà nước, của chính phủ, của cá nhân Thủ tướng về các vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay. Và thể hiện một mong muốn, cũng như ý chí của Thủ tướng mong muốn có thể thực hiện được những thay đổi. Thế thì vì bất cứ động cơ nào, nhưng nếu tạo được sự thay đổi để cải cách cho Việt Nam phát triển tốt hơn thì tôi cũng đều hoan nghênh.”
Theo bà, thông điệp đầu năm của Thủ tướng CSVN có mấy điểm chính cần được lưu ý:
“Tôi nghĩ thông điệp đầu năm nay của Thủ tướng khác hẳn so với thông điệp của đầu các năm trước. Năm nay, Thủ tướng đề cập đến các vấn đề hết sức căn bản và toàn diện về các vấn đề phát triển của Việt Nam, chứ không chỉ riêng khía cạnh kinh tế.”
“Và những vấn đề được đề cập ở trong thông điệp đặc biệt tập trung vào ba chủ đề đó là phát triển dân chủ, cải cách thể chế và phát triển nông nghiệp, thì đều là những vấn đề hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.”
Về phần mình, TS Phạm Chí Dũng cho rằng thông điệp của Thủ tướng Việt nam có mấy điểm đáng lưu ý về mặt nội dung.
Ông nói: “Thông điệp lần này mang sắc thái tương đối khác lạ. Nó khác lạ ở chỗ là một nửa của nó là nghị quyết của đảng, của chính phủ, và một nửa còn lại là những sắc tố khác.”
Theo TS Phạm Chí Dũng, có ba điều có thể ghi nhận trong thông điệp này. Ông nói:
“Thứ nhất là cụm từ đổi mới thể chế, thứ hai là cụm từ xóa độc quyền và thứ ba là một cụm từ khác là ‘ngọn cờ dân chủ’, chính xác hơn là ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ.”
“Ngoài ra cũng cần ghi nhận thêm một điều là có một khái niệm ‘mới’ lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam và được đưa vào một thông điệp của một nguyên thủ quốc gia. Đó là khái niệm ‘nhà nước kiến tạo phát triển.’
Theo TS Phạm Chí Dũng đây là một khái niệm của học giả phương Tây là người Mỹ đã được đưa ra từ năm 1982.
Khái niệm này theo ông đã “đưa ra lý luận về một nhà nước kiến tạo sự phát triển, tạo ra những khung phát triển để trên cơ sở đó các thành tố, các thành phần kinh tế đều có thể tham gia và phát huy nội lực vào trong sự nghiệp phát triển của đất nước.”
Các ý kiến bình luận cũng quan tâm ở khía cạnh được cho là mới mà Thủ tướng CSVN nêu trong thông điệp đầu năm, đó là vấn đề đẩy mạnh và phát huy dân chủ, nhân quyền ở trong nước.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý về vấn đề cần xem xét việc thực hiện trên thực tế, tính thống nhất hay không giữa “nói và làm”.
Tiến sỹ A nêu quan điểm: “Vấn đề ở đây là người ta thực tâm nói cùng với tiếng nói của người dân và điều quan trọng nhất là thực hiện, có những giải pháp cụ thể, bước đi cụ thể, chính sách cụ thể để thực hiện cái mà người ta nói trong bản thông điệp và nếu làm được như thế, tôi nghĩ là rất là tốt.”
“Và với tình hình như hiện nay, người dân càng ngày càng hiểu được ra, và người dân cũng có thể tìm mọi cách để gây áp lực, để cho người ta phải thực hiện những điều mà người ta đã hứa trong thông điệp chẳng hạn.”
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng đề cập điều mà ông quan ngại và gọi là nền “văn hóa đấm đá” trong xử lý các vấn đề xã hội ở nhiều cấp chính quyền Việt Nam, trong đó có hành xử của công an, an ninh ở các cấp cơ sở và cho rằng thông điệp của Thủ tướng sẽ trở thành vô nghĩa, nếu ông không kiểm soát được nạn bạo hành của các cấp chính quyền địa phương.
Ông Phạm Chí Dũng nói: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một thông điệp đầu năm và thông điệp đó liên quan tới nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp quyền bao gồm trong đó cả vấn đề nhân quyền và quyền con người cho người dân, tức là xã hội công dân.”
“Ông nhắm tới vấn đề giám sát, kiểm tra và tiếng nói phản biện của người dân, như vậy thì chính là trách nhiệm đặt lên vai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một khi ông đã đưa ra thông điệp này và chắc chắn trách nhiệm đó đồng thời cũng đặt lên vai chính phủ là chính phủ phải có những chỉ đạo sát thực, cụ thể…”
“Đồng thời hậu kiểm với các chính quyền địa phương, không để xảy ra tình trạng tự tung, tự tác ở các địa phương trong việc trấn áp, đàn áp nhân quyền, hoặc hành xử đối với những người biểu hiện, biểu đạt nhân quyền, một cách vô lối. Nếu Thủ tướng và Chính phủ không thể chỉ đạo sát sườn, giải quyết được những vấn đề quyền con người của người dân, thì thông điệp của ông sẽ trở thành vô nghĩa và mục đích tạo ra sự ảnh hưởng đối với dân chúng trong các tầng lớp trí thức của ông sẽ không đạt được trong những tháng năm tới,” TS Phạm Chí Dũng đưa ra cảnh báo. – BBC
3. Việt Nam muốn gì khi đăng cai Vesak 2014
Vesak 2014 sẽ được tổ chức tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình từ 7-11/5/2014. Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2014 (hay Vesak 2014) sắp được đăng cai ở Việt Nam vào thượng tuần tháng 5/2014, theo thông báo của Ban tổ chức và giới chức từ Việt Nam.
Sự kiện sẽ kéo dài năm ngày (7-11/5) có chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” và sẽ thu hút 10.000 người tham gia, theo ban tổ chức. Trong đó, có 1.500 lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các học giả, các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Giáo phật từ 90 – 100 quốc gia trên thế giới với “8.500 đồng bào phật tử và người dân Việt Nam”, vẫn theo Ban tổ chức.
“Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc,” tờ Dân trí trích dẫn ý kiến của một Quan chức từ Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam nói.
Đây là lần thứ hai, Việt Nam đăng cai Vesak với lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008.
Nhân dịp này, Giáo sư Võ Văn Ái, Giám đốc Văn phòng Thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (trước 1975) có trụ sở ở Paris, một Tổ chức vẫn vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam, cho BBC biết phản ứng của ông.
BBC: Theo ông, Việt Nam có ý định hay ý đồ gì khi vận động và đăng cai giành quyền tổ chức Vesak Liên Hợp Quốc năm nay?
Ông Võ Văn Ái: Theo tôi không ngoài ý đồ tuyên truyền giả dối. Việt Nam luôn có 2 chính sách.
Về đối ngoại, thì biểu dương điều mà công luận gọi là ‘chiếc mặt nạ’ xưng là “tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tôn giáo” để thu hút viện trợ và đầu tư trên mặt trận ngoại giao trong suốt nhiều thập niên qua. Đối nội thì bế môn tỏa cảng để dễ bề đàn áp tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, và cả nhân quyền nữa.
Chúng ta luôn nhớ một câu nói đã phổ biến trong dân gian, xuất hiện tại miền Nam sau năm 1975 được ứng dụng cho tất cả mọi hành động chính trị của Nhà nước CHXHCNVN, đó là “Thấy vậy nhưng không phải vậy!”.
BBC: Theo ông giới Phật tử ở hải ngoại nói chung sẽ đón nhận tin về sự kiện Vesak 2014 ra sao?
Ông Võ Văn Ái: Với bản tính bao dung, khoan hòa, tôn trọng đối thoại của người Phật tử, tôi nghĩ rằng người Phật tử cần lên tiếng ôn hòa cảnh giác những hành vi đạo đức giả. Người Phật tử có thể tán thán bất cứ ai tổ chức kỷ niệm Ngày Khánh đản Đức Phật, nhưng đồng lúc phải tố cáo những mưu đồ bất thiện nằm sau các cuộc tổ chức ấy. Nhân dịp này chúng tôi xin được lưu ý rằng Đức Phật luôn dạy mọi chúng sinh đều có chủng tính Phật. Một người dù có xấu đến mấy, như kinh Phật nói là ‘kẻ cướp, thảo khấu’ cũng có thể thành Phật, nếu biết quăng con dao trong tâm. Thế nhưng chỉ vứt con dao trên tay của họ không thôi thì e rằng chưa đủ, vì có thể họ vẫn còn nuôi ý đồ bất thiện.