Tin Thế Giới – Thứ Bảy 4/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – Thứ Bảy 4/1/2014

Tin Thế Giới – Thứ Bảy 4/1/2014

1. Campuchia: Người biểu tình đụng độ với cảnh sát, 4 người thiệt mạng
2. Miến Điện: Sự ủng hộ cho đề nghị sửa đổi hiến pháp gia tăng
3. Thủ tướng Ấn Độ sẽ rút lui sau cuộc bầu cử năm nay
4. Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco bị phóng hỏa
5. Đối lập Cam Bốt bị cấm biểu tình
6. Đảng Puea Thai bắt đầu chiến dịch tranh cử
7. Tổng thống Nga thu hồi lệnh cấm biểu tình tại Olympic Sochi
8. Ngoại trưởng Mỹ theo đuổi hoà đàm trong ngày thứ nhì công du Trung Đông

1. Campuchia: Người biểu tình đụng độ với cảnh sát, 4 người thiệt mạng

Cảnh sát Campuchia sáng ngày 3/1 nổ súng vào các công nhân ngành dệt may tham gia biểu tình ở ngoại ô Phnom Penh, làm ít nhất 4 người thiệt mạng, 26 người khác bị thương và 11 người bị bắt giữ.

Lực lượng an ninh Campuchia đã dùng súng, dùi cui tấn công hàng trăm công nhân đốt lốp xe và dựng rào chắn đường Veng Sreng trước Công viên Công nghiệp Canadian ở ngoại ô Phnom Penh vào lúc 2 giờ sáng ngày 3/1.

Các công nhân có mặt tại hiện trường cho biết tối hôm qua nhiều công nhân tập trung khiếu nại và nhảy múa trước công ty tại khu vực vừa nói, cảnh sát đã nổ súng làm 2 người bị thương nặng và 2 người khác bị bắt. Đến 9 giờ sáng ngày 3/1, lực lượng cảnh sát lại dùng súng AK-47 bắn người biểu tình, phía công nhân thì ném đồ vật vào cảnh sát.

Đây là vụ mới nhất trong một loạt những vụ đụng độ giữa người biểu tình với các lực lượng an ninh.

Ít nhất 20 người, trong đó có 15 nhà sư, bị thương ngày hôm qua trong một vụ đàn áp nhắm vào những công nhân dệt may đình công tại xưởng may Yak Jin ở ngoại ô Phnom Penh. Một đơn vị đặc biệt của quân đội đã được phái tới nơi để giải tán người biểu tình.

Các tổ chức nhân quyền nói rằng ít nhất 10 người bị bắt. Họ lên án bạo động và việc chính quyền điều động binh sĩ của lực lượng đặc biệt tới nơi để đàn áp.

Ông Nuth Romduol, một thành viên của Đảng Cứu Quốc Campuchia được bầu vào quốc hội, cho đài VOA biết rằng những binh sĩ đó rất hung hăng và họ đã gây sự trước.

Nhưng ông Chap Sophorn, viên chỉ huy của đơn vị đặc biệt, nói rằng lính của ông chỉ phản ứng lại sau khi bị những người biểu tình ném đá. – VOA & RFA

2. Miến Điện: Sự ủng hộ cho đề nghị sửa đổi hiến pháp gia tăng

Có những dấu hiệu cho thấy sẽ có những sự thay đổi kịp thời hiến pháp cho cuộc bầu cử vào năm 2015.

Lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đang đối mặt với một thời hạn chót: đó là để bà có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2015, quốc hội Miến Điện phải kịp thời thông qua những sự thay đổi hiến pháp.

Trong tuần này, những chính khách có nhiều thế lực đã bày tỏ hậu thuẫn cho việc tu chính hiến pháp, nhưng họ không nói rõ là họ sẽ ủng hộ những sự thay đổi cụ thể nào.

Điều 56 (f) trong hiến pháp là điều khoản có thể cấm không cho bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống, qui định rằng người hôn phối, hoặc con cái của ứng cử viên tổng thống không được mang quốc tịch nước ngoài. Bà Suu Kyi kết hôn với ông Michael Aris, một tác giả người Anh đã qua đời. Cả hai người con trai đã trưởng thành của họ đều không có quốc tịch Miến Điện.

Một điều khoản khác đòi hỏi ứng cử viên tổng thống phải có kinh nghiệm trong quân đội.

Tổng thống Thein Sein hôm qua đã bày tỏ hậu thuẫn cho việc sửa đổi hiến pháp. Ông nói rằng một bản hiến pháp có tính chất lành mạnh là một bản hiến pháp có thể được sửa đổi.

Nhiều người ở Miến Điện tin rằng việc bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống là bằng chứng của sự thành công của phong trào cải cách.

Hôm thứ Sáu, khoảng 30 người đã biểu tình ở trung tâm thành phố Rangoon để đòi sửa đổi hiến pháp.

Một trong những người biểu tình, bà Ma Mwe, cho biết “Trong cuộc bầu cử năm 1990 dân chúng đã bầu cho bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống, nhưng cho tới bây giờ bà vẫn chưa làm tổng thống. Điều này đi ngược với ý nguyện của người dân…”

“Thứ hai vừa qua, ban chấp hành trung ương của Đảng USDP đương quyền đã họp tại Naypyitaw để bỏ phiếu tán thành 51 điều khoản tu chính hiến pháp, trong đó có những tu chính sẽ cho phép bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống.”

Hiến pháp Miến Điện qui định việc sửa đổi phải có sự tán đồng của đa số 2/3 đại biểu tại quốc hội. Hiện chưa rõ các đại biểu của quân đội (25% số ghế được dành riêng) có hậu thuẫn hay không.

Trong quá khứ, các đại biểu phe quân đội thường biểu quyết như một khối. Theo ông Richard Horsey, một nhà phân tích chính trị Miến Điện, điều này có nghĩa là các tu chính án phải có sự hậu thuẫn của quân đội mới có thể được thông qua.

Ông Horsey nói rằng sự ủng hộ của TT Thein Sein đối với việc sửa đổi hiến pháp là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng điều này không thể bảo đảm là hiến pháp sẽ được sửa đổi. Ông nhận định “…vẫn chưa có được một sự đồng thuận đối với vấn đề cần sửa đổi điều khoản nào, ngôn từ của điều khoản mới sẽ ra sao và nên sửa đổi hiến pháp vào lúc nào.”

Những đề nghị tu chính khác là thay đổi cách thức chọn chánh thẩm và các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, và có nên đòi hỏi những người này phải có kinh nghiệm trong lãnh vực pháp luật hay không. Ngoài ra, cũng có những đề nghị để dành quyền tự trị cho một số các sắc dân thiểu số đang chấp hành một thỏa thuận ngưng bắn với quân đội. – VOA

3. Thủ tướng Ấn Độ sẽ rút lui sau cuộc bầu cử năm nay

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm nay cho biết ông sẽ rút lui sau cuộc bầu cử quốc hội trong năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo đầy đủ đầu tiên trong vòng 3 năm, ông Singh nói rằng ông rời khỏi chức vụ với phẩm giá nguyên vẹn như 9 năm trước đây và ông không hề lợi dụng chức vụ của mình để mang lại lợi ích nào cho bạn bè hay người thân trong gia đình.

Ông Singh, 81 tuổi, cho biết ông Rahul Gandhi nên lên thay cho ông, nếu đảng Quốc Đại đương quyền giành được thắng lợi cho nhiệm kỳ thứ 3.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy đảng đối lập Bharatiya Janata, do ông Narenda Modi lãnh đạo, có phần chắc sẽ giành được thắng lợi sau khi đánh bại đảng Quốc Đại trong những cuộc bầu cử cấp tiểu bang mới đây.

Ông Singh nói rằng việc ông Modi làm Thủ tướng sẽ là “một thảm họa.”

Ông Modi, người đang giữ chức thống đốc tiểu bang Gujarat ở miền tây, bị tố cáo đã không làm gì nhiều để ngăn chận cuộc nổi loạn chống người Hồi giáo vào năm 2002, không lâu sau khi ông lên làm thống đốc. Vụ bạo động đó gây tử vong cho hơn 1,000 người.

Những người ủng hộ ông Modi nói rằng từ đó tới nay tài cai trị vững chãi của ông cùng với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế đã giúp ông chinh phục cảm tình của 60 triệu người ở Gujarat, trong đó có nhiều người theo đạo Hồi. – VOA

4. Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco bị phóng hỏa

Buổi tối đầu năm Dương lịch, lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco đã bị đốt cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Một phát ngôn viên của tòa lãnh sự hôm qua 2/1 đã kêu gọi chính quyền Mỹ bảo vệ các nhân viên ngoại giao Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và hứa hẹn sẽ tìm kiếm và đưa thủ phạm ra trước pháp luật. Tại Bắc Kinh, hôm nay 3/1, tờ Global Times đã chỉ trích “tình trạng mất an ninh”, cho rằng Mỹ không thể chối bỏ trách nhiệm.

Thông cáo của lãnh sự quán Trung Quốc cho biết, một người nào đó đã quăng “hai xô xăng vào cổng tòa lãnh sự và châm lửa” vào lúc 9:25PM địa phương tối thứ Tư 1/1/2014, gây ra các “thiệt hại nghiêm trọng”. Cảnh sát, lính cứu hỏa thành phố và bộ phận an ninh ngoại giao đã can thiệp ngay lập tức. Hiện nay tòa lãnh sự đã đóng cửa, nhưng vẫn có vài nhân viên làm việc.

Trước khi phóng hỏa, thủ phạm đã đậu chiếc xe vận tải nhẹ trước lãnh sự quán. Người ta vẫn chưa biết được người này là nam hay nữ, và động cơ là gì. Cảnh sát Mỹ đang tiến hành điều tra.

Tại Washington, trợ lý phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf tuyên bố: “Chúng tôi rất quan tâm đến vụ này, bộ phận an ninh ngoại giao đang làm việc với cơ quan FBI và chính quyền địa phương để điều tra và bắt giữ các thủ phạm. Các viên chức Bộ Ngoại giao đã liên hệ với các đồng nhiệm Trung Quốc nhằm thông tin và hỗ trợ họ”. Bà nói tiếp an ninh của các nhà ngoại giao nước ngoài là “quan trọng và là trọng tâm chú ý của chúng tôi”.

Phát ngôn viên lãnh sự quán Trung Quốc lên án “một hành động hèn mạt”, là một “đe dọa cho an ninh của nhân viên lãnh sự quán và dân cư xung quanh.”

Tờ báo San Francisco Chronicle cho biết, tòa lãnh sự này đã từng bị đốt cháy tháng 3/2008: nhiều người đã đổ chất gây cháy vào cổng tòa nhà rồi phóng hỏa, xảy ra trong lúc nhiều tiếng nói tại San Francisco tố cáo tình trạng đàn áp nhân quyền ở TQ, vào thời điểm đuốc Thế vận Bắc Kinh 2008 được rước đến thành phố Mỹ. – RFI

5. Đối lập Cam Bốt bị cấm biểu tình

“Kể từ ngày 4/1/2014 và cho đến khi vãn hồi trật tự công cộng”, đối lập Cam Bốt không được phép biểu tình. Phnom Penh đã quyết định như trên. Cảnh sát chống bạo động có trang bị lá chắn và dùi cui mạnh tay giải tán đám đông đang trú đóng tại công viên Tự Do giữa lòng thủ đô Cam Bốt từ hơn ba tuần qua.

Từ hơn 20 ngày qua, cả trăm cảm tình viên đến từ mọi miền đất nước tập hợp tại công viên Tự Do, nơi phe đối lập Cam Bốt chiếm đóng. Ở đây được dựng lên một khán đài để mỗi ngày, các nhà lãnh đạo của phong trào lên thuyết trình. Ngoài ra người biểu tình còn lập cả bàn thờ để cúng lễ, cầu nguyện.

Trong chưa đầy một tiếng đồng hồ sáng nay, khán đài hay bàn thờ đã bị dẹp hết. Chỉ còn lại những đồ vật ngổn ngang. Toàn khu phố chung quanh công viên bị bao vây. Cảnh sát chống bạo động giải tán và trục xuất người biểu tình khỏi khu vực này.

Có những người mặc thường phục cầm những thanh sắt dài, tiếp tay với cảnh sát. Nhân viên an ninh Cam Bốt được trang bị dùi cui để đối phó với mọi tình huống. Sau khi giải tán những người đang cắm trụ tại công viên Tự Do, hai chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời như một dấu hiệu chiến thắng. Cùng lúc, các toán cảnh sát tiếp tục truy lùng những nhóm người biểu tình đã tứ tán.

Phát ngôn viên của đảng Cứu Nguy Dân Tộc, Yim Sovann gọi đây là “hành động của chế độ độc tài Cộng sản”. Ông nói rằng người biểu tình đã chạy trốn để tránh bạo lực. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc chỉ thị cho thành viên giữ “bình tĩnh” chờ ban lãnh đạo tìm một chiến lược mới.

Đô trưởng Phnom Penh đưa ra một thông cáo viện dẫn lý do an ninh để cấm sử dụng công viên này và cấm những cuộc tuần hành trên đường phố. Thông cáo này khiến người ta không rõ là một cuộc biểu tình phản kháng dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày mai 5/1, có được xúc tiến như kế hoạch hay không.

Theo Reuters, xung đột giữa chính quyền và lực lượng công nhân chứng tỏ là tình hình xã hội tại Cam Bốt suy thoái nghiêm trọng. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc đã kết hợp mục tiêu tranh đấu chính trị (đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức, đòi bầu cử lại) với phong trào tranh đấu của công nhân (đòi tăng lương).

Đối với TT Hun Sen, nếu phải tăng lương cho công nhân thì nhiều công ty quốc tế sẽ rút đi làm thiệt hại nguồn ngoại tệ chính của Cam Bốt, khoảng 5 tỷ đôla mỗi năm.

Nhưng nếu không thõa mãn yêu sách công nhân thì tình hình xã hội sẽ tiếp tục suy thoái, đình công tiếp diễn, sản xuất ngưng trệ. Theo thẩm định của một đại diện công đoàn, trung bình mỗi ngày bãi công làm thiệt hại từ 20 ngàn đến 30 ngàn đôla cho mỗi xưởng may. Chỉ cần nhân con số này với 500 nhà máy trên toàn quốc thì thấy ngay quy mô thiệt hại. – RFI & VOA

6. Đảng Puea Thai bắt đầu chiến dịch tranh cử

Bất chấp phản đối của phong trào đối lập, đảng Puea Thai của đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã quyết định khởi động vào hôm nay, 4/1 chiến dịch vận động tranh cử vào Quốc hội mới.

Cuộc bầu cử dự trù ngày 2/2 tới đây đã bị phe đối lập tẩy chay, những người biểu tình chống chính phủ đang chuẩn bị “đóng cửa” Bangkok.

Chiến dịch vận động tranh cử của đảng Puea Thai bất đầu bằng những cuộc biểu tình tại miền Bắc và ở vùng ngoại ô thủ đô Bangkok.

Lãnh đạo đảng Puea Thai, ông Jarupong Ruangsuwan tuyên bố: “Tôi tin tưởng rằng chiến dịch sẽ diễn ra suông sẻ. Chúng tôi không phải là những kẻ gây ra xung đột”. Nhân vật này cho biết thêm rằng khẩu hiệu cuộc vận động tranh cử sẽ là kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu để “bảo vệ nền dân chủ”.

Phong trào biểu tình, chủ yếu bao gồm những người miền Nam, bảo hoàng, tầng lớp trung lưu và trí thức sống ở đô thị, đã đe dọa là sẽ phá vỡ cuộc bầu cử. Họ đã ngăn không cho các ứng cử viên đăng ký tại một số tỉnh phía Nam nơi phong trào đối lập chiếm ưu thế. Điều này có thể dẫn đến tình trạng Quốc hội không có đủ đại biểu để chọn một Thủ tướng.

Những người biểu tình cũng đã tuyên bố là sẽ chiếm đóng Bangkok kể từ ngày 13/1 để ngăn không cho công chức đển sở làm, đồng thời cúp điện, nước của các cơ quan chính phủ. Họ cũng có kế hoạch nhiều cuộc tuần hành ở thủ đô bắt đầu từ ngày mai 5/1 để tạo thêm động lực cho chiến dịch chiếm đóng Bangkok.

Đảng Dân Chủ Thái Lan, thành tố chính trong phe đối lập, đã cam kết hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình và quyết định tẩy chay cuộc bầu cử.

Riêng Ủy ban Bầu cử Quốc gia, sau khi đã yêu cầu dời lại cuộc bầu cử và đã bị chính phủ từ chối, vào hôm qua, cho biết là cuộc bầu cử sẽ được tiến hành như dự kiến. – RFI

7. Tổng thống Nga thu hồi lệnh cấm biểu tình tại Olympic Sochi

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thu hồi lệnh cấm tất cả những cuộc biểu tình bên trong và xung quanh thành phố Sochi, nơi tổ chức Olympics Mùa đông và Olympics Khuyết tật.

Một sắc lệnh do Điện Kremlin công bố ngày hôm nay cho phép biểu tình và tuần hành tại các địa điểm dọc theo các tuyến đường với sự chấp thuận của các giới chức Nga. Những cuộc biểu tình không cần phải có dính líu tới các trận tranh tài.

Năm ngoái, ông Putin ban hành một lệnh cấm từ ngày 7/1 đến ngày 21/3 đối với bất kỳ cuộc biểu tình nào ở thành phố Sochi mà không có liên hệ tới Olympics. Lệnh đó gặp phải sự chỉ trích của nhiều tổ chức nhân quyền.

Sắc lệnh hôm nay không cho biết nhà chức trách sẽ dựa trên những yếu tố nào để cho phép cuộc biểu tình nào được thực hiện.

Một số các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, loan báo không đến dự lễ khai mạc Olympics Sochi.

Nga dự trù áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm nhặt trong thời gian diễn ra Olympics. Mối lo là các phần tử Hồi giáo hiếu chiến có thể thực hiện những vụ tấn công đã được nêu bật bởi hai vụ nổ bom tự sát hồi gần đây tại thành phố Volgograd, cách Sochi khoảng 700 kilomét về hướng đông bắc. – VOA

8. Ngoại trưởng Mỹ theo đuổi hoà đàm trong ngày thứ nhì công du Trung Đông

NT Kerry hôm nay gặp lãnh đạo Mahmoud Abbas lần thứ hai trong vòng 2 ngày qua ở West Bank. Ông Kerry đang cố nhích ông Abbas và Benjamin Netanyahu gần nhau hơn cho một hiệp ước hoà bình với sự thành lập nước Palestine cạnh bên Do Thái.

Sau cuộc gặp ông Abbas, ông Kerry sẽ quay Jerusalem một lần nữa để thảo luận với Thủ tướng Netanyahu.

Hôm qua 3/1, NT Kerry tiếp tục vòng ngoại giao con thoi mới ở Trung Ðông, trước tiên là gặp ngoại trưởng Israel trước khi lên đường đi Ramallah để hội đàm với nhà lãnh đạo Palestine Madhmoud Abbas.

Thoạt đầu ông Kerry đã mở các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Israel Avigdor Liberman để tìm cách mở rộng cơ sở hậu thuẫn cho các cuộc hòa đàm giữa các thành viên hữu khuynh trong chính phủ Israel.

Ông Liberman nói trong một thông cáo rằng bất kỳ thỏa thuận nào giữa Israel và phía Palestine đều phải dựa vào các cơ sở vững mạnh về an ninh cho Israel và một nền kinh tế ổn định cho phía Palestine.

Trước đây ông Liberman từng chỉ trích các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhưng hồi gần đây đã hòa dịu bớt trong các nhận định của mình.

Ông Kerry khởi đầu chuyến đi hôm thứ Năm với tuyên bố hy vọng thu hẹp cách biệt về một khung sườn nhằm cung cấp các hướng dẫn cho các cuộc thương nghị về quy chế vĩnh viễn.

Ông nói: “Nó sẽ đề cập đến tất cả các vấn đề cốt lõi mà chúng ta đã từng đề cập ngay từ ngày đầu tiên, trong đó có biên giới, an ninh, người tỵ nạn, Jerusalem, thừa nhận lẫn nhau và chấm dứt xung đột cùng tất cả các tuyên bố khác.”

Thủ tướng Netanyahu đáp lại hôm thứ Năm và có những mối ngờ vực ngày càng tăng về giới lãnh đạo Palestine thành thực muốn có hòa bình. Ông lên án họ là xúi giục bạo động trong dân chúng.

Các nhà lãnh đạo Palestine đã tố cáo chính phủ Israel là phá hoại các cuộc hòa đàm bằng cách tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái ở vùng tây ngạn sông Jordan và Ðông Jerusalem. Họ chỉ trích chính phủ Israel là không ngăn chặn cư dân Do Thái tấn công người Palestine.

Một số người Palestine đã phản đối chuyến đi của ông Kerry và nói rằng chính phủ Hoa Kỳ thiên vị Israel trong các cuộc hòa đàm.

Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Tel Aviv, ông Ephraim Kan, nói rằng có sự thiếu tin tưởng của cả hai bên.

Theo dự trù, sẽ có thêm các cuộc họp vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Và văn phòng ông Kerry đã loan báo ông dự định trở lại trong vài tuần nữa để tiếp tục các cuộc thảo luận. – VOA & Star-Telegram