Tin Tổng Hợp – 24/03/23: Việt Nam chưa sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ; Những quốc gia đã cấm TikTok
Việt Nam chưa sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ
24/03/2023 – Đức Tâm –Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 23/03/2023, khi được hỏi về khả năng nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ, từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược, phó phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, cho biết Việt Nam «mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới».
Có thể diễn giải phát biểu trên của đại diện bộ Ngoại Giao Việt Nam như sau: Việt Nam «muốn» nhưng chưa đến lúc.
Theo giới chuyên gia, được Reuters trích dẫn, những nỗ lực của Mỹ nhằm nâng cấp quan hệ song phương đã vấp phải sự dè dặt của Việt Nam bởi vì Trung Quốc sẽ nhìn nhận việc này như là một sự thù địch vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang rất căng thẳng.
Dường như Hoa Kỳ đã mong muốn nâng cấp quan hệ song phương nhân dịp kỷ niệm 10 năm hai nước ký hiệp định quan hệ đối tác toàn diện. Hiện nay, Hoa Kỳ là nhà đầu tư số một tại Việt Nam và trong tuần này, một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu của Mỹ tới Việt Nam.
Cho dù là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ là đối tác ngoại giao hạng ba đối với Hà Nội. Hiện nay, đối tác ngoại giao hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Đứng hàng thứ hai là các nước châu Âu và Nhật Bản. Và hiện nay Hoa Kỳ muốn gia nhập nhóm thứ hai này.
Theo nhiều chuyên gia, dựa trên các nguồn tin từ các quan chức Việt Nam, thì cho dù quyết định nâng cấp quan hệ chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam chưa muốn, lo ngại Trung Quốc trả đũa.
Chuyên gia Bich Tran, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tại Washington, nhận định «do mức độ cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc và sự gần gũi giữa Trung Quốc và Việt Nam, chính quyền Hà Nội có thể lưỡng lự nâng cấp quan hệ toàn diện với Washington».
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu mang tính sống còn đối với lĩnh vực chế biến của Việt Nam.
Phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết hai nước đang cùng nhau làm việc theo hướng nâng cấp thiện quan hệ song phương.
Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện l’ISEAS-Yusof Ishak, ở Singapore, thì chắc chắn là Việt Nam mong muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ nhưng ít có khả năng Việt Nam chấp nhận nâng cấp trong năm nay. Thế nhưng, «trong tương lai, có thể việc nâng cấp quan hệ lại không còn là mối ưu tiên của Mỹ nữa».
Những quốc gia đã cấm TikTok
25/03/2023 – AP – Ngày càng có nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương cấm ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ do lo ngại về quyền riêng tư và an ninh mạng gia tăng. Một số nước đã cấm hoàn toàn ứng dụng này.
Giám đốc điều hành của công ty, ngày 23/3, đã phải đối mặt với những chất vấn gay gắt từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ. TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc Bytedance, từ lâu đã khẳng định rằng họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.
Công ty chỉ ra một dự án mà họ đang thực hiện để lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ tại Hoa Kỳ, dự án mà họ cho biết sẽ đưa nó ra khỏi tầm với của Trung Quốc. Công ty cũng bác bỏ các cáo buộc rằng công ty thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn các công ty truyền thông xã hội khác và khẳng định rằng công ty được điều hành độc lập bởi chính ban quản lý của công ty.
Nhưng nhiều chính phủ vẫn thận trọng về nền tảng này và mối quan hệ
của nó với Trung Quốc. Dưới đây là những nơi đã thực hiện lệnh cấm một
phần hoặc toàn bộ TikTok:
Afghanistan
Lãnh đạo Taliban của Afghanistan đã cấm TikTok và trò chơi PUBG vào
năm 2022 với lý do bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi “lầm đường lạc lối”.
Bỉ
Bỉ tạm thời cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu hoặc trả tiền, với lý do lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch. Thủ tướng Alexander de Croo nói lệnh cấm kéo dài 6 tháng dựa trên các cảnh báo từ cơ quan an ninh nhà nước và trung tâm an ninh mạng của cơ quan này.
Canada
Canada tuyên bố các thiết bị do chính phủ cấp không được sử dụng TikTok, nói rằng nó gây ra rủi ro “không thể chấp nhận được” đối với quyền riêng tư và an ninh. Nhân viên cũng sẽ bị chặn tải xuống ứng dụng này trong tương lai.
Đan Mạch
Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên của mình có TikTok trên điện thoại làm việc, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt ứng dụng này xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Bộ cho biết lý do của lệnh cấm bao gồm cả “những cân nhắc nghiêm trọng về an ninh” cũng như “nhu cầu sử dụng ứng dụng rất hạn chế liên quan đến công việc”.
Liên hiệp châu Âu
Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU, ba tổ chức chính của khối gồm 27 thành viên, đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên. Theo lệnh cấm của Nghị viện Châu Âu, có hiệu lực vào 20/3, các nhà lập pháp và nhân viên cũng được khuyên nên xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị cá nhân của họ.
Ấn Độ
Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm trên toàn quốc đối với TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vào năm 2020 do lo ngại về quyền riêng tư và an ninh. Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Các công ty được cho cơ hội trả lời chất vấn liên quan các yêu cầu về quyền riêng tư và an ninh nhưng lệnh cấm có hiệu lực vĩnh viễn vào tháng 1 năm 2021.
New Zealand
Các nhà lập pháp ở New Zealand và nhân viên tại Quốc hội sẽ bị cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại cơ quan của họ, theo lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng của chính phủ. Theo lệnh cấm có hiệu lực vào cuối tháng 3, ứng dụng sẽ bị xóa khỏi tất cả các thiết bị có quyền truy cập vào mạng quốc hội, mặc dù các quan chức có thể sắp xếp đặc biệt cho bất kỳ ai cần TikTok để thực hiện các nghĩa vụ dân chủ của họ.
Na Uy
Quốc hội Na Uy hôm 13/3 đã cấm Tiktok trên các thiết bị làm việc, sau khi Bộ Tư pháp nước này cảnh báo không nên cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cấp cho nhân viên chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nói TikTok không nên có trên các thiết bị có quyền truy cập vào hệ thống của quốc hội và phải bị xóa càng nhanh càng tốt. Thủ đô Oslo của đất nước và thành phố lớn thứ hai Bergen cũng kêu gọi nhân viên thành phố xóa TikTok khỏi điện thoại cơ quan của họ.
Pakistan
Chính quyền Pakistan đã tạm thời cấm TikTok ít nhất bốn lần kể từ tháng 10 năm 2020, với lý do lo ngại rằng ứng dụng này quảng bá nội dung trái đạo đức.
Đài Loan
Vào tháng 12 năm 2022, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm khu vực công dùng TikTok sau khi FBI cảnh báo rằng TikTok gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Các thiết bị của chính phủ, bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn, không được phép sử dụng phần mềm do Trung Quốc sản xuất, bao gồm các ứng dụng như TikTok, Douyin tương đương của Trung Quốc hoặc Xiaohongshu, một ứng dụng của Trung Quốc có nội dung nói về lối sống.
Vương quốc Anh
Chính quyền Anh vào giữa tháng 3 đã cấm TikTok khỏi điện thoại di động được sử dụng bởi các bộ trưởng và công chức chính phủ có hiệu lực ngay lập tức. Các quan chức cho biết lệnh cấm là một “động thái phòng ngừa” vì lý do an ninh và không áp dụng cho các thiết bị cá nhân. Quốc hội Anh đã tiếp nối điều đó hôm 23/3 bằng cách tuyên bố cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị chính thức và “mạng lưới quốc hội rộng lớn hơn”. Chính phủ Scotland bán tự trị cũng nói vào ngày 23/3 rằng họ đã cấm TikTok khỏi các thiết bị chính thức, có hiệu lực ngay lập tức.
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ vào đầu tháng 3 đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để xóa TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên bang do lo ngại về an ninh dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn. Trung Quốc đả kích Hoa Kỳ vì cấm TikTok, mô tả lệnh cấm này là lạm dụng quyền lực nhà nước và đàn áp các công ty từ các quốc gia khác. Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị chính thức, cũng như Quốc hội và lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/nhung-quoc-gia-da-cam-tiktok/7020748.html
(YONHAP) – Hàn Quốc rút đơn kiện Nhật tại WTO. Bộ Công Nghiệp Hàn Quốc hôm qua, 23/03/2023, thông báo nước này đã hoàn tất thủ tục hủy bỏ đơn kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới về việc Nhật áp đặt các hạn chế trao đổi buôn bán giữa hai nước. Song song với động thái trên, ở trong nước, Hàn Quốc sẽ ghi tên Nhật Bản trở lại vào “danh sách trắng”, tức các đối tác thương mại tin cậy. Những quyết định như vậy được đưa ra trong khuôn khổ nỗ lực của Seoul để cải thiện quan hệ với Tokyo, từ lâu nay vốn đã xấu đi bởi những hiềm khích lịch sử và ngoại giao từ thời Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên (1910-1945).
(AFP) – Trung Quốc cố bịt miệng một nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ. Hôm qua, tại cuộc họp Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève, đại diện Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản một một nhà đấu tranh nổi tiếng người Duy Ngô Nhĩ phát biểu, khi ông đề yêu cầu cơ quan Liên Hiệp Quốc khẩn cấp xem xét các lời tố cáo Bắc Kinh vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Ông Dolkun Isa, chủ tịch Đại hội Thế giới Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức bảo vệ nhân quyền đóng trụ sở tại Đức, đã phát biểu trong cuộc tranh luận chung của Hội Đồng. Nhưng khi ông vừa phát biểu, đại diện Trung Quốc có mặt trong phòng họp đã cướp lời, khẳng định ông Isa không đại diện cho tổ chức phi chính phủ hay bảo vệ nhân quyền nào mà chỉ là một thành phần chống Trung Quốc.
(AFP) – Pháp cấm công chức dùng TikTok. Hôm nay, 24/03/2023, chính phủ Pháp thông báo kể từ nay 2,5 triệu công chức nhà bị cấm sử dụng ứng dụng TikTiok trên điện thoại công vụ, do nguy cơ đối với an ninh mạng và đối với việc bảo vệ dữ liệu của công chức và cơ quan chính quyền. Chính phủ nhiều nước phương Tây đã ra các lệnh cấm tương tự.
(AFP) – Hungary sẽ không giao nộp Putin. Hôm qua, thủ tướng Viktor Orban tuyên bố Hungary sẽ không giao nộp tổng thống Nga Vladimir Putin cho Tòa án Hình sự Quốc tế nếu ông vào lãnh thổ Hungary. Lý do, theo ông Orban, là mặc dù Hungary đã ký và phê chuẩn Quy chế Roma thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế vào năm 1999, nhưng nước này không có những luật cần thiết để bắt giữ tổng thống Putin.
(AFP) – Hoa Kỳ chưa thể rút tên Cuba khỏi danh sách đen. Ra điều trần trước ủy ban Ngoại Giao Hạ Viện Mỹ hôm qua, 23/03/2023, ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Washington chưa dự trù rút tên Cuba ra khỏi danh sách đen các quốc gia yểm trợ khủng bố. Khi vào Nhà Trắng vào năm 2021, tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ xét lại chính sách của Mỹ đối với Cuba, nhưng sau khi chính quyền La Habana đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ tháng 07/202, ông Biden đã có lập trường cứng rắn hơn đối với Cuba.
(AFP) – Phân nửa số mật ong nhập vào Liên Hiệp Châu Âu là giả. Kết quả một cuộc điều tra vừa được công bố hôm qua, 23/03/2023, cho thấy là phân nửa số mật ong nhập vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu bị nghi là mật ong giả, bị trộn thêm sirop đường. Hiện nay, Liên Hiệp Châu Âu vẫn nhập 40% lượng mật ong tiêu thụ, đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu mật ong, sau Hoa Kỳ.
(AFP) – Hoa Kỳ tấn công trả đũa lực lượng thân Iran tại Syria. Các đòn oanh kích của Hoa Kỳ vào phía đông Syria đêm 23 rạng sáng 24/03 đã tiêu diệt 11 chiến binh thân Iran. Đây là đòn trả đũa một cuộc tấn công bằng drone khiến một lính Mỹ thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã xác nhận các «đòn không kích chính xác» của họ nhắm vào kho vũ khí tại Deir Ezzor.
(AFP) – EURO-2024: Mbappé lần đầu đeo băng đội tuyển trận ra quân gặp Hà Lan. Vòng loại giải vô địch bóng đá Châu Âu EURO 2024 khởi tranh từ hôm nay 24/03/2023. Tối nay, trên sân nhà Stade de France, ngoại ô Paris, đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp khai cuộc với trận gặp tuyển Hà Lan. Người hâm mộ đặc biệt chú ý đến việc danh thủ Kylian Mbappé được huấn luyện viên Didier Deschamps trao băng đội trưởng. Đây là lần đầu tiên tiền đạo trẻ này được trao trọng trách là người giữ nhịp trận đấu.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230324-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(Reuters) – Ngân Hàng Trung Ương Mỹ FED tăng 0,25 điểm lãi suất chỉ đạo. Kết thúc hai ngày họp, hôm 22/03/2023, FED quyết định tăng lãi suất chỉ đạo từ 4,75 % lên thành 5 % và không nêu lên khả năng sẽ tiếp tục sử dụng công cụ này để chống lạm phát. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh một số ngân hàng Mỹ gặp khó khăn khi FED nâng lãi suất chỉ đạo. SVB thông báo phá sản hôm 10/03/2023 vì thiếu hụt tiền mặt, ít nhất hai ngân hàng khác của Mỹ đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Kinh tế Mỹ dự trù tăng trưởng chậm trong năm nay (0,4 hay 0,5%). Lạm phát sẽ vượt ngưỡng 3% năm 2023.
(AFP) – Miến Điện sẵn sàng hồi hương 1.000 người Rohingya tại Bangladesh. Phát ngôn viên của tập đoàn quân sự cầm quyền, Zaw Min Tun cho biết như trên vào hôm 22/03/2023. Đợt hồi hương đầu tiên dự trù diễn ra vào giữa tháng 4/2023. Tuần trước, một phái đoàn Miến Điện đã đến thăm một trại tị nạn Rohingyas. Đây là chuyến công tác chính thức đầu tiên từ 2017 khi chính quyền Miến Điện bắt đầu truy bức cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.
(AFP) – Thủ tướng Tây Ban Nha sắp công du Bắc Kinh, gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo thông báo của Madrid hôm nay, 23/3/23. Chuyến công du của ông Pedro Sanchez dự kiến diễn ra vào tuần tới, 3 tháng trước khi Madrid bắt đầu đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (từ tháng 07/2023 đến hết năm nay). Thủ tướng Tây Ban Nha và chủ tịch Trung Quốc đặc biệt sẽ bàn về kế hoạch của Bắc Kinh để giải quyết chiến tranh Ukraina. Pedro Sanchez như vậy sẽ là lãnh đạo thứ hai của một nước thành viên Liên Âu công du Trung Quốc kể từ khui bùng phát đại dịch Covid-19 cách nay 3 năm. Trước ông Sanchez, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Bắc Kinh hồi tháng 11/2022.
(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken muốn đưa Mỹ tham gia trở lại UNESCO để chống Trung Quốc. Phát biểu trước một ủy ban của Quốc Hội Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken ngày 22/03/2023 khẳng định: «Tôi nghĩ rằng chúng ta cần quay trở lại UNESCO». Lý do là vì nhiều vấn đề quan trọng được bàn thảo tại định chế này của Liên Hiệp Quốc, như trí thông minh nhân tạo hay các chủ đề về giáo dục. Ông Donald Trump khi làm tổng thống đã rút Mỹ ra khỏi UNESCO hồi cuối năm 2018.
(AFP) – Cảnh sát Nga bắt giữ và khám xét nhà nhiều thành viên của tổ chức phi chính phủ Memorial, đồng giải Nobel Hòa Bình 2022. Ủy ban Nobel trong thông cáo hôm 22/03/2023 lên án hành vi «không có cơ sở» của các giới chức Nga đã bắt giữ và truy tố chủ tịch Ian Ratchinsky và nhiều thành viên khác của hiệp hội Memorial, trong đó có Oleg Orlov. Trụ sở của Memorial bị khám xét sau khi tổ chức phi chính phủ này về mặt chính thức đã bị giải thể, nhưng một trong những gương mặt nổi bật nhất của hội Oleg Orlov bị «điều tra hình sự». Tháng 10/2022, Oleg Orlov đã chỉ trích Nga xâm lược Ukraina. Matxcơva cáo buộc Memorial muốn «phục hồi danh dự cho quân phát xít».
(AFP) – Cảnh sát Brazil phá vỡ một mạng lưới tội phạm âm mưu ám sát các chính khách. Cảnh sát quốc gia Brazil hôm 22/03/2023 cho biết đường dây tội phạm này dự trù sát hại cựu bộ trưởng Tư Pháp Sergio Moro. Cảnh sát Brazil ban hành 11 lệnh truy nã và đã bắt giữ được 9 người trong đợt bố ráp hôm qua.
(AFP) – Biểu tình trước Tòa án Liên Mỹ về quyền nạo phá thai. Hôm qua 22/03/2023, các nhà hoạt động nữ quyền đã tập trung tại San José, Costa Rica trước Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ, lần đầu tiên xem xét quyền phá thai, sau khi một thai phụ đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe vẫn bị cấm phá thai ở El Salvador. Quốc gia Trung Mỹ này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền khi buộc một phụ nữ giữ thai nhi bất chấp việc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân.
(AFP) – Phim Winnie-the-Pooh không được chiếu ở Hồng Kông. Nhà phát hành bộ phim kinh dị ‘Winnie-the-Pooh: Blood and Honey’ hôm 21/03/2023 thông báo bộ phim sẽ không được công chiếu ở Hồng Kông và Ma Cao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng được vẽ biếm họa thành chú gấu Winnie the Pooh nhân cuộc gặp hồi năm 2013 với tổng thống Mỹ Barack Obama. Quyết định này cho thấy sự kiểm duyệt ngày càng gia tăng ở Hồng Kông, đang hứng chịu áp lực từ Bắc Kinh kể cả trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật.
(AFP) – Trung Quốc chấp thuận vac-xin ARN-thông tin đầu tiên chống Covid-19. Tập đoàn dược phẩm CSPC hôm qua, 22/03/2023, thông báo Bắc Kinh đã chấp thuận việc sử dụng vac-xin chống Covid RNA-thông tin đầu tiên của Trung Quốc, khi vac-xin nước ngoài vẫn chưa được phép sử dụng ở nước này. Cơ quan y tế Bắc Kinh cho biết vac-xin này rất hiệu quả trong một cuộc thử nghiệm sử dụng như một liều tăng cường cho những người đã tiêm các loại vac-xin khác.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230323-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(AFP) – Pháp sẽ cho hồi hương hài cốt các binh sĩ tử trận ở Điện Biên Phủ. Đây là lời hứa của Patricia Mirallès, Quốc Vụ Khanh phụ trách về Cựu Chiến binh và Hồi ức đưa ra hôm qua, 21/03/2023. Trước đó, bộ Quân Lực Pháp đánh giá quyết định của chính quyền Hà Nội cho phát triển vùng Điện Biên Phủ và mở rộng sân bay tại địa điểm từng xảy ra các trận đánh năm xưa, khiến 4.000 người chết bên phía Pháp, «từ nay cho phép phát hiện thêm nhiều hài cốt binh sĩ». Do vậy, theo bà Quốc Vụ Khanh, «nước Pháp có nghĩa vụ chôn cất vĩnh viễn tất cả những ai đã ngã xuống vì nước Pháp, trừ phi gia đình mong muốn nhận lại hài cốt.»
(AFP) – Bắc Triều Tiên bắn nhiều tên lửa hành trình. Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc, hôm nay, 22/03/2023, cho biết nhiều tên lửa hành trình đã được Bình Nhưỡng phóng đi về hướng biển Hoa Đông. Vụ bắn tên lửa này diễn ra vào lúc cuộc tập trận chung quy mô lớn Mỹ – Hàn còn đang tiếp diễn.
(AFP) – Quỹ Tiền tệ Quốc tế viện trợ 15,6 tỷ đô la cho Ukraina. IMF hôm qua thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Ukraina về việc thực hiện kế hoạch viện trợ với tổng số tiền là 15,6 tỷ đô la. IMF cho biết kế hoạch này sẽ giúp ‘‘hỗ trợ phục hồi kinh tế dần dần đồng thời tạo điều kiện cho tăng trưởng dài hạn trong bối cảnh tái thiết sau xung đột và trên con đường Ukraina gia nhập Liên Âu’’.
(Reuters) – Hoa Kỳ tăng tốc độ giao xe tăng hạng nặng Abrams cho Ukraina. Một đại diện củabộ Quốc Phòng Mỹ hôm qua cho biết Mỹ sẽ tăng tốc trong kế hoạch chuyển giao vũ khí này cho Kiev. Việc giao xe tăng sẽ được tăng tốc sớm hơn ‘‘khoảng một năm’’, theo một trợ lý quốc hội quen thuộc với hồ sơ này. Đại diện bộ Quốc Phòng cho biết xe tăng sẽ được giao trong mùa thu tới.
(AFP) – Vùng Kiev của Ukraina: Ba người chết do tấn công của drone Nga. Cơ quan quân sự vùng cho biết vụ tấn công xảy ra trong đêm hôm qua rạng sáng nay. Tổng cộng có ba người thiệt mạng và bảy người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng drone của Nga. Chính quyền Ukraina cho biết ‘‘một cơ sở dân sự đã bị phá hủy trong cuộc tấn công ban đêm’’.
(AFP) – Nga loan báo đẩy lùi một đợt tấn công drone nhắm vào cảng Sevastopol, lãnh thổ Ukraina do Nga chiếm đóng. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nga hôm nay, ‘‘cả 3 drone đều bị bắn hạ’’. Trước đó, thống đốc vùng, do Nga bổ nhiệm, thông báo: ‘‘Hạm đội Biển Đen đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng drone nhằm vào Sevastopol’’. Quan chức này bảo đảm trên Telegram rằng vụ tấn công không gây thương vong và ‘‘tình hình đang được kiểm soát’’.
(AFP) – Hoa Kỳ khai trương đơn vị quân sự thường trực đầu tiên tại Ba Lan. Lực lượng đồn trú này sẽ chịu trách nhiệm điều phối các lực lượng Mỹ được triển khai ở Ba Lan và trên toàn bộ sườn phía đông của NATO, được thành lập theo quyết định của tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2022. Hơn 10.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng quân tại Ba Lan, quốc gia vận chuyển hầu hết các thiết bị quân sự cho Ukraina. Hôm qua, đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski khẳng định đây là dấu hiệu cho thấy NATO đoàn kết “trước xâm lược Nga”.
(NHK) – Bộ trưởng Đức đầu tiên thăm Đài Loan từ 26 năm qua. Đó là bà bộ trưởng Giáo Dục và Nghiên Cứu, Bettina Stark-Watzinger. Quan chức này tới Đài Loan để ký kết thỏa thuận về hợp tác giữa Berlin và Đài Bắc trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Hôm 21/03, bộ trưởng Đức đã gặp đồng nhiệm Đài Loan, lãnh đạo Hội đồng Khoa học và công nghệ, Ngô Chánh Trung (Wu Tsung-tsong). Sau cuộc họp, bà Stark-Watzinger tuyên bố, Đức và Đài Loan chia sẻ các giá trị dân chủ, minh bạch, cởi mở và tự do, đồng thời tỏ ra vui mừng về sự trao đổi, hợp tác lâu dài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
(AFP) – Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh do bão cát. Hôm nay, do bão cát, chỉ số chất lượng không khí chính thức ở thủ đô Trung Quốc ở mức 500, mức tối đa được ghi nhận, đồng nghĩa với “ô nhiễm nghiêm trọng”.Các số liệu không chính thức còn cao gấp đôi. Chính quyền Bắc Kinh kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời khi tầm nhìn sáng hôm nay giảm xuống vài trăm mét ở một số nơi. Ở nhiều vùng phía bắc và tây bắc Trung Quốc, bao gồm cả khu vực bán sa mạc ở Nội Mông, bầu trời có màu cam do gió lớn và bụi.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230322-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p